Trang 1 / 2 12 LastLast
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 17
  1. #1
    Tham gia
    16-05-2005
    Location
    sè ghềnh
    Bài viết
    9,601
    Like
    529
    Thanked 672 Times in 367 Posts

    Từ cuôc thi bình ảnh. ( Phiếm đàm về ị )

    Đăng bên kia sợ chúng nó del, thôi thì tạo một topic khác vậy. Mịa! riết rồi pót bài cũng phải nhìn trước nhìn sau. Còn chó gì góc thư giãn nữa
    Phiếm đàm về ... "ị"



    “ị”… lan man

    Thủa xưa ở trong khu tập thể, cả khu gần chục dãy mới có một nhà vệ sinh 6 ngăn. Nhớ lại thời kỳ đó đến là hãi. Chỗ thì ít, người thì đông. Sáng sớm chầu chực chờ đợi nhau cứ như là đi xếp sổ gạo vậy. Khổ nhất là hôm nào bị Tào tháo đuổi ra đến nơi mà thấy phòng nào cũng có người chiếm lĩnh cả rồi, bên ngoài lại túc trực thêm vài người đang hau háu chờ đợi thì ôi thôi đúng là… đại họa! Lúc đó thì đành nén bụng lại mà chờ. Tay cầm giấy, tay ôm bụng đi đi lại lại mặt mũi cực kỳ căng thẳng. Mắt gườm gườm canh chừng những người khác còn tai thì dỏng lên chỉ chờ phòng nào nghe có tiếng vò giấy loạt soạt, cửa vừa hé mở ra một cái là phi đến ngay tắc lự. Ấy vậy chứ chui được vào phòng rồi thì lại chỉ muốn… lộn ra ngay. Ai đã từng ở tập thể chắc biết. Cái đồ cha chung không ai khóc nên bẩn thỉu kinh khủng (Có lẽ đây là một trong những lý do chính để mỗi khi mót ị thì chỉ còn mỗi cảm giác ghê tởm mà thôi).

    Khu tập thể hồi ấy có 6 phòng vệ sinh trong đó có 2 phòng làm bệ quay mặt vào nhau nhưng… không có vách ngăn ở giữa vậy nên 6 phòng thực ra chỉ là 4( chẳng hiểu là khi xây bị thiếu gạch hay bác thợ xây nghĩ cùng là vô sản cả với nhau có gì mà xấu hổ nên nảy ra cái tối kiến tiết kiệm như vậy). Ị là vấn đề cá nhân, là cái riêng tư ấy vậy mà…. Bạn thử tưởng tượng hai người ngồi đối diện cách nhau gang tấc trong nhà xí để giải quyết cái việc rất chi là riêng tư mà lại cứ nhìn trừng trừng vào nhau thì ị iếc thế quái nào được!? Lúc đó ai ị được mới là tài!! Nhưng sự ngượng ngùng xấu hổ đó chỉ có ở người lớn thôi, chứ còn trẻ con thì lại khác. Chúng rủ nhau đi ị, dắt nhau vào đó ị chung rồi vừa ngồi ị vừa bi ba bi bô nói đủ chuyện vui vẻ lắm (ước gì lúc đó hóa được làm trẻ con có phải sướng không). Đấy cái việc ị hồi xưa nó khổ thế đấy. Chỉ nghĩ đến vậy mà toát hết cả mồ hôi.

    Việc ị khủng khiếp thời đó tưởng giờ chỉ còn là một hoài niệm đã xa, vậy mà một dạo đọc báo nghe đài thấy tình hình trong khu phố cũ Hà Nội cũng tồi tệ kinh khủng chẳng kém. Nghe vậy ước muốn làm dân tỉnh chẵn, làm người thanh lịch Tràng An tịt hẳn. Thôi đành cứ làm dân tỉnh lẻ cho lành chứ đua đòi làm người thanh lịch dễ … trĩ dài cả gang mất!

    Ị thành phố, ị ở các khu tập thể thời ấy là vậy còn ị ở nông thôn lại khác. Ở quê nhà nào cũng có chỗ đi vệ sinh riêng. Hồi đó phân hóa học còn hiếm. Nguồn phân bón cho đồng ruộng chủ yếu là phân hữu cơ tự túc như phân xanh, phân chuồng, phân bắc (trong đó phân bắc là tốt nhất). Vậy nên đa số nhà ai cũng làm chuồng tiêu cả. Ai cũng mong muốn nhà mình có… nhiều phân, thật nhiều. Càng nhiều càng… ít! Bởi vậy người ta chăm chút làm vệ sinh cho cái chuồng tiêu nhà mình lắm. Ấy là ngoài việc sạch sẽ thì mình đi cũng sướng đít còn là việc chuồng tiêu sạch thì nhiều người đến đi nhờ nên có nhiều phân. Vậy nên hố xí được quét dọn thường xuyên. Trong chuồng xí bao giờ cũng vun gọn một đống tro để mỗi lần đi xong thì quét phủ xuống cho đỡ hôi. Góc chuồng xí thì có ống đóm, giẻ sạch, sang hơn thì có giấy báo giấy học sinh để sẵn phục vụ. (Nói thêm một chút về đóm: đóm là tre nứa tước thành những mảnh mỏng vừa phải đủ độ mềm và không quá cứng. Người dân ở nông thôn thời ấy thường thì kiếm giấy khó, mà vải thì cũng quý kể cả vải cũ vẫn còn dùng được vào khối việc. Nên một số nơi, một số nhà dùng đóm để kết thúc cái khâu cuối cùng của công đoạn. Nói vậy kể cũng hơi khó hiểu, vậy nên vô phép nói thế này để bà con hình dung cho dễ: Ai đó chắc cũng đã có dịp về ăn cỗ ở nông thôn, khi ăn xong thì người ta chúm miệng lại, dẩu mỏ ra rồi cầm ngang đũa quẹt qua quẹt lại mấy cái là xong. Cách chùi miệng dân dã này về cơ bản là cũng khá sạch (Bây giờ có giấy ăn nên không thế nữa, nhưng thi thoảng một số cụ chắc muốn giữ gìn bản sắc dân tộc nên vẫn dùng!!?). Cái kiểu dùng đóm trong ị cũng có những điểm tương tự như vậy thôi nhưng khó hơn nhiều.). Tự nghĩ bác nào mà dùng được kể cũng phải dũng cảm lắm chứ không cẩn thận đóm nó cứa cho chảy máu. Còn bác nào dùng mà không sao thì chắc chỗ đó… đầy sẹo hoặc phải dày công khổ luyện lâu lắm, đáng được phong làm… nghệ sĩ ị đóm.

    Nhà có chuồng xí thì vậy, nhà nào chưa có điều kiện hoặc chưa kịp làm chuồng tiêu thì vào ị tạm ở… chuồng lợn. Chuồng lợn gồm hai phần, một phần được đào sâu xuống thành một cái hố để chứa rơm rác và các chất thải khác. Tất cả những đồ thừa và phân lợn ỉa ra đều được dồn xuống để ủ làm phân chuồng. Lợn ăn xong lại xuống hố phân đầm dẫm ủi dũi.v.v.. nói chung là rất bẩn. Người vào ị thì cứ ra mép hố mà ngồi, vừa ị vừa ngắm, vừa lo đuổi mấy chú ỉn cứ lòng vòng xung quanh ngắm ngía mình. Mà phải cẩn thận đừng chọc giận chúng kẻo có chú ỉn nào cáu tiết xông vào húc xuống… hố ủ phân thì toi! Đại trượng phu mà chết chìm trong hố phân thì…

    Hồi nhỏ có lần về quê theo bà đi chợ. Tới chợ bám quang bà vòng vèo theo đi mua bán được một lúc thì mót ị. Bà bảo đi ra phía đằng sau chợ có chỗ, thế là long tong đi. Đến nơi nhìn trước ngó sau mãi mới thấy chỗ mình cần. Đúng là chỗ ị chợ quê có khác, đơn giản và tuềnh toàng. Chỉ có bốn cái cọc cắm bốn góc làm khung gá mấy tấm liếp quây xung quanh một cái hố. Miệng hố có ba cây tre bắc ngang qua kiểu như cầu ao vậy. Tre bắc làm cầu chắc cũng đã lâu nên có vẻ ọp ẹp. Trẻ con ngồi còn đỡ chứ người lớn mà ngồi không khéo sập bố nó xuống hố mất. Mà lạ, hố xí nơi chợ búa mà chẳng thấy phân phiếc gì cả. Dưới đáy hố chỉ toàn giẻ với giấy là giấy mà thôi.

    Đang ngồi này nọ… chợt nghe loạt soạt phía đằng sau. Vội vàng quay lại thì giật cả mình…. Ba bốn chú cẩu đang lò mò xuống hố. Thế là hồn vía lên mây. Tính vốn sợ chó sẵn. Một con đã sợ, nay lại đến ba bốn chú to có nhỏ có, vàng đen đốm đủ cả. Kinh vãi cả.v.v.. Thế là tịt luôn cả mót. Vội vàng cho xong rồi…. ù té chuồn. Bác nào có đủ can đảm ngồi lại thì cũng khó mà ị được. Ngồi ị bên trên mà ở dưới mấy chú cẩu mắt sáng long lanh cứ hau háu nhìn lên thèm thuồng thì bố bảo ai dám ị. Ai đủ dũng khí ngồi lại mà ị xuống không nhanh hoặc không đủ phần cho các chú là phiền lắm, có ngày dễ mất… bộ ấm chén như chơi. Thôi đành nén nhịn mà đánh bài chuồn. Tẩu vi thượng sách!

    Ị chợ quê xưa là vậy, còn có lần đi thực tập ở Mai Châu – Hòa Bình thì lại dính một quả khác. Ấy là cả buổi sáng lòng vòng ở bản Lác chán chê thì chẳng sao, đến quãng quá chiều tắt cánh đồng sang bản Poong Coọng thì xúi quẩy thế nào nửa đường lại mót ị. Nhìn quanh vẫn thấy người đi làm đồng nên chẳng dám linh tinh. Đi cố thêm đoạn nữa nhìn xa xa lấp ló có nóc lều nhỏ đứng lẻ bên bụi cây. Vội vàng phi tới thì hóa ra… đúng là chỗ đang cần . Mừng hú! Đúng là “buồn ngủ lại vớ chiếu manh” thế là khẩn trương hành sự ngay. Lúc xong việc định thần nhìn xung quanh vách chẳng thấy giấy chùi đâu cả, chỉ thấy vắt trên vách phên bên cạnh một cái ống quần dài vá chằng vá đụp loang lổ chi chít vết chùi của những người đi trước trông ghê cả người. Đúng là dở khóc dở cười, nhưng may cái sinh viên đi thực tập tiền thì thiếu chứ giấy thì… thừa. Thoát nạn!

    Nói vậy chứ ông Trời cũng công bằng lắm, chẳng để ai phải chịu thiệt thòi quá đâu. Đận cùng mấy đứa bạn đi chơi chùa Thày là vậy. Anh em đi đến nơi vẫn còn khá sớm, thế là nghỉ ngơi cái đã. Tạt vào quán ăn uống rồi hứng lên làm mấy choách rượu quê (phê phê tí leo núi cho nó máu). Rượu chè no say rồi thì…Nào chúng ta cùng nhau lên núi.

    Đường lên núi khá dốc. Đá xếp chênh vênh dễ đi nhưng leo cũng mệt. Lên được một đoạn người nóng bừng toát mồ hôi hả hết cả rượu rõ phí. Nhưng cũng may! Vào chùa mà nồng nặc hơi men thì e là thất lễ quá. Ngày thường nên người đi chùa cũng vắng. Sau khi vãn cảnh chùa chán chê mê mải rồi thì rủ nhau theo đường mòn đi lên góc đỉnh núi phía trên ngắm toàn cảnh bên dưới. Đi dọc theo đường mòn men vách núi khuất gió nên khá nóng. Ra đến nơi… gió lồng lộng thổi sướng ơi là sướng, thế là cởi béng nó áo ra cho mát. Đứng tán phét một lúc thấy ngâm ngẩm đau bụng. Không hiểu do ăn uống dưới quán hay đứng cởi trần đón gió mà bị. Mà có biết lý do cũng chả để làm gì. Lúc này việc cần hơn là phải đi… làm cái việc mà ai cũng biết. Đỉnh núi vắng vẻ chẳng có ai, mà lần ngược xuống rồi tìm được chỗ cần tìm chắc là cũng mất ối thời gian. Ở đây xa chùa, nên thôi đành thất lễ các cụ xin phép cho giải quyết tại chỗ vậy.

    Nhưng cũng không thể ị ở cái chỗ đang đứng ngắm cảnh được. Thứ nhất là không phải, thứ hai là nhỡ chưa xong việc có người đi lên thì hỏng bét. Nhìn lên phía trên thấy một chỏm đá cao có vẻ khuất tầm nhìn mà cũng không thấy có đường mòn tới đó. Chỗ đây rồi, thế là leo lên. Đường lên khá khó khăn. Đá tai mèo dựng ngược, có nhiều điểm bám nhưng cạnh đá lại sắc lẻm, không cẩn thận là đứt tay đứt chân như chơi. Hì hụi một lúc rồi cũng tới được nơi, thở phào nhẹ nhõm. Cứ tưởng mỗi mình mình biết chỗ này, hóa ra cũng đã từng có người lên rồi. Giấy và vỏ kẹo cao su vương một vài chỗ nơi kẽ đá.

    Đứng từ đây mà ngắm phong cảnh thì đúng là đắc địa, tầm nhìn bao quát được toàn bộ cả vùng xung quanh. Xóm làng nhà cửa nhỏ như những chiếc hộp lô xô ẩn hiện dưới các lùm cây. Mấy cây rơm vàng sậm nằm rải rác như những cây nấm nhỏ. Trời trong và thoáng đãng trông thấy rõ cả chú vện đang đuổi đàn gà chạy tán loạn trong sân. Đường sá, đồng lúa.v.v… hiện ra dưới tầm mắt đẹp như tranh.


    Tuyệt! Thế là chọn lấy một chỗ ngồi đẹp nhất, tầm nhìn bao quát nhất hít một hơi dài đón gió mà…ị. Trời nắng nhưng không gắt, trên cao gió lồng lộng thổi. Một mình ngồi tĩnh tại vừa nhẩn nha… vừa ngắm phong cảnh sướng mê!

    Ị ngày là vậy, chứ ị đêm cũng có cái thú của nó. Nhớ lại cách đây khoảng chục năm có dịp lên chơi nhà anh bạn học cùng lớp trên thj xã Hòa Bình. Nhà anh ở ngay một trong những ngõ ngang phường Đồng Tiến nối đường Cù Chính Lan sang đường đôi mới mở bây giờ. Hồi đó thị xã Hòa Bình chưa mở rộng. Đường đôi và phía bên kia vẫn còn là cánh đồng lúa trải rộng xa tới tận các làng bản ven chân núi. Buổi chiều anh bạn dẫn lên đập thủy điện chơi, phải công nhận là hùng vĩ (bây giờ lên nhiều thì bình thường, chứ hồi đó thì thấy ấn tượng ghê lắm). Tối lại sang bên sông chơi mãi mới về. Đến nhà thì mọi người đã đi ngủ cả rồi. Mấy anh em cũng về phòng chuẩn bị nghỉ thì khổ cái lại thấy có nhu cầu đi… ị. Khổ cái để ra nhà vệ sinh thì phải đi qua mấy phòng khác ngại ghê. Thôi đành ra béng nó cánh đồng mà ị vậy.

    Cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch xong chỉ còn lại những thửa ruộng đầy chân rạ trên nền đất ẩm. Trời lập thu không khí dịu mát chứ không còn oi bức nữa. Đêm miền núi nhiều sương, sương xuống phủ ướt đẫm những vạt cỏ chạy dọc theo bờ ruộng khấp khểnh. Ngồi ven cánh đồng gần nhà dân thì nhiều muỗi và không thoải mái, thế là cứ theo bờ ruộng đi ra xa mãi cánh đồng. Xung quanh không gian tĩnh lặng, chẳng còn tiếng ồn ào hỗn tạp nơi phố phường, chỉ có tiếng dế và côn trùng rả rích kêu, thỉnh thoảng lại thấy một chú chuột đồng chạy roạt qua trước mặt.v.v..

    Kiềm một chỗ đất cao ngồi xuống, những ngọn cỏ đọng đầy sương li ti chạm khẽ vào người. Gió mơn man thổi mang đến thoang thoảng mùi thơm của rơm rạ rất thú vị. Ánh trăng sáng lạnh phủ trùm khắp cả cánh đồng mờ sương. Đêm tuyệt đối yên tĩnh và thanh khiết, thoảng lại thấy lóe lên một ánh đom đóm bay đêm. Ngồi giữa cánh đồng cảm thấy thư thái lạ. Những dãy núi xa in bóng đen thẫm trên nền trời, tất cả chìm lẫn trong màn đêm huyền ảo, chỉ thấy vùng sáng hồng phát quang phía nhà máy thủy điện xa xa mà thôi.

    Đại khái là vậy. Kỷ niệm về thú ị thì cũng nhiều. Hay có mà dở cũng có. Nhưng lan man thế là cũng đủ. Nói nữa e dông dài. “phiếm” lại trở thành buôn dưa lê mất vui.

    (Sưu tầm)
    Được sửa bởi dly lúc 09:10 ngày 21-06-2008
    Quote Quote

  2. #2
    Tham gia
    12-12-2007
    Bài viết
    485
    Like
    266
    Thanked 9 Times in 9 Posts

    Cái Ị

    Ở đời, có gì là thú nhất, mà lương thiện?

    Ngẫm kĩ, có lẽ trước ị sau ăn.

    Sai à? Bạn có thể ngồi vào bàn ăn sau những lời mời thiết tha được không khi bụng ậm ạch tưởng chừng dạ dày đang lấn hết chỗ của gan phổi và xương cụt như bị nén cho chồn hẳn lại. Hẳn nhiên, khao khát lớn lao nhất, duy nhất, chi phối toàn bộ năng lực tư duy của bạn lúc đó phải là tìm nơi tự giải phóng mình lập tức. Cái đau đớn nếu có vào lúc ấy cũng là một khoái cảm huy hoàng.

    Cái thú đó, cái khoái cảm đó hiển hiện, không hề của riêng ai. Thế mà nhiều năm tháng, nhiều đời người kế tiếp chẳng được nhòm nhỏ tới.

    Bây giờ vẫy vùng ở chung cư đời mới, biệt thự, trang trại, cái thú đó mới được thỏa mãn dễ dàng. Nhưng được bao nhiêu người hân hoan vì hưởng thú này nhỉ?

    Đừng đổ tội cho thời bao cấp vội. Tôi nghĩ chuyện thiếu trạm luân chuyển ngũ cốc tử tế là chuyện của nhiều đời người Việt từ trước đó. Chẳng qua cũng tội tại một chữ “nghèo”. Nghèo, nên mới phải giắt lưng từ bé những lời chỉ dạy sống sao cho phải. “Ăn hết nhiều chứ ở hết mấy, thêm bát thêm đũa chứ không thêm mâm, miếng ăn miếng nhục, ăn trông nồi…” Nghèo, bao nhiêu toan lo dồn lại đầu vào trong hai chữ đủ ăn, sức nào nghĩ chuyện đầu ra nữa. Tôi tin rằng, cùng sự thay đổi điều kiện kinh tế, những câu như thế này sẽ dần biến mất khỏi kí ức cộng đồng. Nhưng đến bao giờ?

    Cũng vì nghĩ ăn hết nhiều ở hết mấy mà, cứ đi thử mà xem, rất ít nơi chốn trên đất nước Việt Nam, cái chốn để hưởng khoái cảm huy hoàng là ị được để tâm xây dựng.

    Quê tôi, cửa ngõ thủ đô, nơi xa gần thế nào cũng có người biết vì cuối huyện là chùa Hương Tích, điểm hành hương mỗi độ xuân về. Mà cứ như tôi nhớ thì chẳng mấy nhà có một nhà vệ sinh theo đúng nghĩa. Thế nên ai có là nổi danh. Ví như một nhà đất rộng, nhiều ao, làm cái cầu tre vắt vẻo ở cái ao tít cuối vườn và quây lại bằng lá chuối khô lướp tướp làm chỗ buồn vui, thế là chết danh ông Lâm Bõm. Còn thì dân làng có cái thú sau thú quận công. Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng. Là dân thành phố về quê sơ tán, buổi đầu tôi không sao hiểu nổi làm thế nào người ta có thể nhịn mà chạy thốc cả cây số ra đồng. Sau thì hiểu, lại còn bị bọn trẻ cùng làng quyến rũ hưởng cái thú này. Đi học về, ăn chập ăn chuội là bổ qua nhà hàng xóm, theo nó đi bò. Nhà có làm nông đâu, mà bà tôi chiều, xin đâu được mấy mảnh xương bò, mua cho hai cái sọt nhỏ, chỉ việc bẻ đôi ba lá dong riềng lót đáy, thế là đủ lệ bộ của dân Cổ Nhuế một thời, sẵn sàng, trước kết quả dị hóa của loài nhai lại. Rồi đấy, nếu bụng có băn khoăn thảng thốt điều gì, tìm chỗ xa xa mà ghé xuống. Có lần tôi theo đứa bạn chui vào ruộng ngô nhà nó, thấy nó chổng mông không quần, chẳng lo ị, mà loay hoay nhặt nhạnh phân đạm chưa tan hết từ gốc ngô này bón sang gốc ngô kia, vừa làm vừa lảu bảu y như một bà già. Nó lại còn hái cho tôi một mớ quả đậu xanh trồng xen ngô, còn non, đang lên hạt, dặn về hấp cơm ngon lắm. Sau này, đôi lúc dừng giữa một trang sách ở chốn “công cộng” ngoài thành phố, những thân dáng gương mặt một thời lại trở về. Đứa bạn. Bà cụ dọn xong bếp núc tranh thủ ra đồng, vừa là để hưởng thú gần bằng thú quận công, vừa là để đảo qua ruộng rau mới cấy, đôi bắp chân còn dính vệt bùn mượt ở ruộng cần. Ông già hàng xóm về oang oang từ đầu ngõ khoe nhặt được trứng vịt ở bờ ruộng lúc đi ị. Tinh thần tham công tiếc việc này đã mang lại nội hàm mới cho một hành động tầm thường. Người quê tôi thay vì nói “đi ị” lại nói đi đồng. Bây giờ, nhiều người trẻ đã xây nhà kiểu phố giữa làng, nhưng ông già bà cả vẫn ưa chuyện ra đồng hưởng thú gió mơn mông và nhân thể nhúc nhắc đôi ba việc. Bạn thân mến, chưa từng sống qua không thể hiểu đời sống giản đơn tuyệt diệu đến mức nào, tuổi nhỏ thần tiên đến độ nào nếu có chút hương đồng gió nội cỏ rơm sông nước để mà thương nhớ. Biết nhớ chẳng hẳn lúc nào cũng là gánh nặng, và không cần chọn lựa không gian thời gian đâu.

    Ở Hà Nội, trước khi nhà lắp ghép xuất hiện, trừ những khu tập thể nhà cấp thấp do các cơ quan xây dựng tạm, có mấy khu tập thể cũng phải tính là hoành tráng. “Quân khu Nam Đồng”, các gia đình bộ đội quần tụ. Khu tập thể nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà bang Cò ị, cũng khá nổi tiếng. Khu Kim Liên buổi đầu dành cho cán bộ nhỡ nhỡ. Khu tập thể đại học Dược, đại học Y, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở dốc Thọ Lão. Khác nhau về dân trí, nhưng giống hệt nhau ở chỗ khu tập thể nào cũng chỉ có nhà vệ sinh công cộng. Đây đích thị là nơi mà mọi tưởng tượng về một xã hội bình quyền phải hướng tới. Ông trưởng khoa một đại học danh tiếng sẽ phải gặp bà cấp dưỡng của trường ở chốn này. Và liệu liệu, nếu ông lại vì một ý tưởng khoa học nào lơ đễnh không dọn sạch mặt bằng cảm khoái, thì ông chết với bà.

    Giả dụ những nhà tập thể giữ nguyên mẫu như từ những trang văn học Xô-viết ra thì có lẽ cũng được. Dăm ba gia đình dùng chung dăm ba nhà vệ sinh, sạch sẽ và vui vẻ. Đấy là kinh nghiệm của tôi hồi còn bé tí. Cả hành lang tập thể thênh thang sau chiến tranh đánh phá chỉ loáng thoáng đôi ba người, phần lớn độc thân, nhà vệ sinh công cộng thành nơi chất củi cho các gia đình. Nhưng chẳng được bao ngày, người ùn về, quy mô của các gia đình phình, nỗi khổ hàng ngày bảnh mắt ra đã mục sở thị là phải chờ nhau trước cửa nhà vệ sinh công cộng, là chuyện mất nước, là chuyện bà lao công làm reo. Nỗi khổ đó thảm hại đến mức làm người ta không còn có thể thương nhau, chỉ muốn chèn lấn mà vượt trước và sẵn lòng nổi giận. Thảm hại hơn cả sự thảm hại đó, người ta đâm trơ ra, mất khả năng thẹn thùng. Để vượt nỗi thẹn thùng thê thảm này, nhiều quý vị đã phải tập một thói quen mà các nhà y học không thể nào dung thứ: đọc sách.

    Dù sao thì đó cũng còn là nhà vệ sinh ở các khu tập thể cỡ. Phải đi tới những khu tập thể của các trường đại học thì mới hình dung hết sự khủng khiếp. Ví dụ trường đại học sư phạm Hà Nội I một thời. Cả mấy cái nhà bốn tầng đầy ự sinh viên của những mấy khoa, hàng ngày rồng rắn ra một dãy nhà xập xệ ngoài cánh đồng. Dân nội trú khoa tôi chiếm ngôi nhà cuối cùng trong dãy kí túc xá, được đánh dấu là A6, và, khác thói thích thi vị hóa cuộc đời bằng những hình dung từ long lanh hay thấy ở dân học Văn chương, gọi luôn trạm luân chuyển ngũ cốc là A7. Sau này, ngoài cánh đồng, nhà trường còn cho xây thêm dăm ba ngôi nhà đơn giản, bằng vốn của UNICEF hay theo thiết kế phổ biến của Unicef cho các công trình tài trợ ở mấy nước nghèo nghèo thì không biết, nhưng dân sư phạm thì gọi luôn là nhà Unicef, và đó là giảng đường của sinh viên chúng tôi khoa Văn, Toán, Tâm Lí mấy năm cuối. Buổi sáng tới giảng đường mà gặp mặt nam thanh nữ tú đi ngược lại ở đoạn đường khó nói đó là biết ngay chúng mày ở đâu ra: nhà vệ sinh công cộng. Khốn khổ cho tôi, dân Hà Nội học ngoại trú, đâu có biết cái tên gọi đơn giản của nơi chốn này, nên lần bảo vệ tốt nghiệp được 10 điểm được coi là sự kiện chấn động toàn khoa, vì trước đó mười mấy năm mới có điểm 10 như thế, nhận lời chúc của bạn bè rằng ảnh mày được treo cả trong A7, mặt thì ngơ ngác nhưng lòng vẫn thầm hơn hớn.

    Đến thời Hà Nội tự hào vì hàng loạt khu lắp ghép ra đời, bi hài kịch này lại có một version khác. Nào phải về nơi khỉ ho cò gáy người sống chung cùng gia súc, thế mà vào nhiều nhà lắp ghép, biết ý mình muốn đi toilette, chủ nhà lại nhanh nhảu chạy ra mở cửa, cầm roi đuổi con lợn tạ vào một xó và trân trọng chuyển giao roi cho mình, chẳng nói cũng biết là roi ra roi, vì dùng để tác động vào bì lợn. Nhà khác thì chuồng gà ngự bên trên toilette, gà tí tách mổ nhằn ngay trên lưng. Trời ơi, cứ thử hình dung một mối tình đang chớm nở mà chàng nàng lại phải trao nhau roi chốn đó, thì mối tình đó sẽ nở tiếp ra sao? Mới đây, đọc Phế đô của Giả Bình Ao, lại gặp những chuyện xếp hàng tè ị, chẳng biết là Việt Nam hóa ở Tàu hay Tàu hóa ở ta. Chi tiết này thì Tàu đặc: một nhân vật trong đó, bà mẹ, khuyên con nên mua cái bô làm quà cưới cho bạn, rằng dùng chung nhau một cái bô là quan trọng lắm, là vợ chồng khó bỏ nhau lắm. Ừ, phải duyên thì có thể thế, nhưng nếu mới chỉ phải lòng mặt mà phải đối mặt với sự thảm hại cùng cực của đời sống, thì duyên bén làm sao!

    Trở về với Mẹ ta thôi. Về với phố. Ô nhiễm môi trường ở phố cổ chẳng phải là chuyện tìm ra châu Mỹ thời nay. Qua lại nhà bạn bè ở khu phố đó mấy chục năm, tôi đã hứng chí viết hẳn một truyện ngắn: “Nhà ở phố”. Nhờ cái truyện này, và nhờ một đoạn tiểu thuyết có động chạm lại nỗi khổ tè ị, đi đâu tôi cũng hay được bạn đọc nhận là đồng hương phố. Này, nhưng mà tình thật, ở phố cổ còn sạch sẽ gấp vạn lần ở khu tập thể xuống cấp lúc cơ quan chủ quản buông không quản. Tưởng chuyện là của thời qua, về Việt Nam, lang thang qua những ngõ ngách phố phường, qua những khu tập thể cũ ních cứng người, rồi đọc báo hàng ngày trên mạng, mới biết bi hài kịch nhà vệ sinh công cộng vẫn đang tiếp diễn. Để ý mà xem, cứ nơi đâu quy mô đời sống cá nhân được nén kĩ hơn trong một chữ “riêng”, ở đó ngày sống còn đỡ đỡ.

    Cứ cho là quá đà suy diễn, nhưng tôi vẫn tin rằng một trong những căn nguyên hun đúc tinh thần cam chịu và ý tứ thái quá của dân mình là do nhu cầu tè ị không được thỏa mãn một cách tự nhiên. Chứ còn gì nữa, kiềm chế được nhu cầu rất người này đòi hỏi nhiều ý chí.

    Muốn hỏi: Đến bao giờ, người Việt mình ai cũng như ai được bình đẳng trong bữa ăn, trong chốn ị? Và thực hiện được nhu cầu rất con người của mình trong những điều kiện xứng đáng với con người?

  3. #3
    Tham gia
    12-12-2007
    Bài viết
    485
    Like
    266
    Thanked 9 Times in 9 Posts

    Thổ Nhĩ Kỳ bị VN hạ nốc ao

    Nhà văn châm biếm Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị Hội Nhà văn Việt Nam hạ nốc ao!

    Đó là cái “tít” giật gân nhất trên trang mạng của nhiều tờ báo điện tử ngày hôm qua.

    Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, Azit Nezin, là một nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới, đã được nhiều giải thưởng cao nhất trong nhiều hội nghị quốc tế các nhà văn châm biếm.

    Truyện ngắn “Tên trộm Hamdi biệt hiệu ‘con voi’ đã bị bắt như thế nào” và “Bữa tiệc nhân dịp đặt cái chảo mới” được giải thưởng Cành cọ vàng năm 1956, 1957.

    Truyện “Nghĩa vụ đối với Tổ quốc” được giải thưởng Con nhím vàng năm 1966.

    Năm 1974 ông được giải Hoa Sen của Hội nhà văn Á-Phi.

    Truyện của ông được dịch và xuất bản khắp thế giới.

    Tuy được biết tiếng ông từ lâu về văn phong châm biếm, nhưng các văn sĩ của Hội nhà văn Việt Nam vẫn trề môi chê là truyện của Axit Nezin còn tầm thường, chưa có tầm “vĩ mô”, chưa có gì gọi là độc đáo và “đỉnh cao trí tuệ” lắm.

    Nhất là truyện không có tính chất “đậm đà bản sắc dân tộc” như chuyện tiếu lâm Việt Nam.

    Gì chớ, chuyện tiếu lâm châm biếm thuộc loại “đả phong bài thực”, “đấu tranh giai cấp” với “cường quyền ác bá”… để tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa thì Việt Nam ta là số một. Nhất là lúc này, đang trong giai đoạn các nhà lãnh đạo chóp bu của ta ra sức hô hào quần chúng chống tham nhũng thì có muôn trùng chuyện châm biếm phát sinh trong xã hội để “chọc cười” những “bộ phận thoái hóa biến chất”, những “cán bộ buông lỏng quản lý gây thất thoát” được truyền miệng, được đưa lên mặt báo hàng ngày.

    Thổ Nhĩ Kỳ là cái đinh rỉ gì?

    Vì vậy, Hội nhà văn Việt Nam, sau nhiều cuộc họp riêng, họp chung giữa các ông, bà Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký và nhiều thành viên trong các phân ban, bộ môn thơ, văn…tiêu tốn rất nhiều bia bọt và nước miếng đã “nhất trí” quyết định mời nhà văn Thổ này đến Việt Nam nhân dịp ngày sinh của Chủ tịch Hồ chí Minh vĩ đại lần thứ 108, để so tài cao thấp một phen.

    Và để cho nhà văn Thổ này, chưa thấy quan tài, biết thế nào là lễ độ.

    Nhà văn Thổ Axit Nesin nhận được giấy mời của Hội Nhà văn Việt Nam, cứ tưởng mình vẫn là “nhà vô địch” xưa nay, nên dương dương tự đắc, “hồ hởi phấn khởi” mang chuông sang Việt Nam, dự định sẽ đấm thủng màng nhĩ mười sáu ngàn nhà văn, nhà báo, nhà hình của ngành truyền thông nước Việt Nam.

    Đâu có ai ngờ rằng những kẻ luôn thậm xưng mình là “nhà vô địch” thì lại luôn nom nớp sợ “địch vô nhà!”

    Cuộc thi về đề tài “Truyện châm biếm của Thổ và Việt Nam” được tổ chức rất “hoành tráng” và “trọng thị” tại Trụ sở của Hội Nhà văn ở Hà Nội.

    Ngoài mấy trăm nhà văn, nhà báo (có thẻ chứng nhận hội viên đình huỳnh) ngồi chật hội trường, còn có sự hiện diện của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp thuộc lãnh vực văn hóa, tư tưởng cũng đến dự, khiến bầu không khí càng thêm ấm áp mặn nồng.

    Thiệt là xôm tụ và vinh dự cho nền văn học nước nhà. Hơn hẳn những cái Festival thổ tả tổ chức lôi thôi, luôm thuộm trước kia nhiều lắm.

    Sau phần lễ nghi thủ tục để kính thưa… kính thưa… kính mến… quí mến… theo thông lệ xưa nay của tổ chức ta, mất chừng bốn mươi lăm phút, nhà văn Azit Nezin mới được Ban Tổ chức mời lên diễn đàn để “báo cáo” đề tài.

    Lúc này, Hội trường lóng nhóng, lố nhố, náo nhiệt hẳn lên. Ai cũng cố nhoài mình cao lên một chút để nhìn cho rõ nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, coi thử hắn ta ba đầu sáu tay ra làm sao.

    Ai ngờ đó chỉ là một lão già gầy gò, tướng ốm đói như thiếu ăn lâu ngày, hom hem trong bộ âu phục cũ mèm, rộng thùng thình. Chẳng bù các nhà văn, nhà báo, cán bộ lãnh đạo của ta đứng, ngồi bên cạnh, béo trùng, béo trục, mặt mũi hồng hào, bóng nhẫy. Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo bộ lòng mới ngon. Ông bà ta nói quả không sai.

    Cứ so sánh bề ngoài của lão nhà văn Thổ kia với toàn thể mọi người của ta có mặt trong hội trường thì có thể biết đến 99% nền kinh tế của ta với Thổ Nhĩ Kỳ khác nhau một trời một vực.

    Khỏi cần phải nói, ta thấy ngay nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa của ta đương nhiên phải vượt trội hẳn trăm lần nền kinh tế tư bản lạc hậu của Thổ rồi.

    Lão Azit Nezin chậm rãi bước lên bục “báo cáo”, đưa mắt nhìn khắp hội trường một lượt rồi cất tiếng chào toàn thể quan khách một cách ngắn gọn, không có ê a kính thưa với kính mến gì ráo. Thật không giống với phong cách chào kính của ta chút nào.

    Bên dưới có nhiều tiếng xì xào chê trách nhà văn này không có nếp sống văn minh, không biết cách “nhập gia tùy tục”.

    Azit Nezin rút trong túi áo bành tô ra một xấp giấy đầy chi chít chữ. Lão bắt đầu đọc một truyện ngắn, nhan đề là “Hội nghị các nhà giải phẫu”, mà theo lão giới thiệu một cách tự hào rằng truyện này đang được “Hội những nhà văn châm biếm quốc tế” đề cử vào giải Nobel sắp tới.

    Không có thông dịch viên đứng bên cạnh như thường lệ của ta, ai ngờ lão đọc bằng tiếng Việt, lại bằng giọng Hà Nội 54 rất chuẩn, khiến cả hội trường phải lè lưỡi khâm phục, bởi đa phần người ngồi tại đây đều nói giọng Bắc pha giọng Hà Tĩnh, Nghệ An rất nặng, rất khó nghe. Hoặc lai giọng Bùi Chu, Phát Diệm cứ nói ngọng “thế nà, thế lày, nàm thao” ỏm tỏi.

    Xin tóm tắt cốt truyện “Hội nghị các nhà giải phẫu” như sau:

    Hội nghị quốc tế các nhà giải phẫu được tổ chức ở thành phố Luyblix qui tụ các nhà giải phẫu cự phách nhất của hai mươi ba quốc gia đem tới hội nghị những báo cáo khoa học mới nhất.

    Ngày đầu tiên là một nhà giải phẫu Mỹ. Ông này đã tìm ra phương pháp thay dấu vân tay. Trong lịch sử y học từ cổ chí kim chưa có một ai làm được kỳ công này. Cảnh sát cũng nhờ có dấu vân tay mà đã khám phá ra biết bao nhiêu vụ án giết người cướp của quan trọng.

    Tuy nhiên với tên trộm lừng danh nước Mỹ này, vừa nói ông vừa giơ tay giới thiệu Mr Thomas, ngồi phía dưới, chuyên viên lão luyện bẻ khóa, có biệt danh là “Jack, kẻ đập vỡ quai hàm”, hồ sơ ông ta đang nằm trong Cục điều tra Liên bang Hoa kỳ vậy mà trong suốt mười năm cảnh sát đành bó tay không truy tầm ra thủ phạm. Bởi vì, sau mỗi vụ tôi đều thay vân tay cho ông ta.

    Tất cả các nhà phẫu thuật có mặt trong phòng đều nhất trí công nhận đồng nghiệp người Mỹ quả là cự phách trong lĩnh vực mổ xẻ.

    Tuy nhiên, bản tham luận của nhà giải phẫu người Anh tiếp theo sau đã làm cho mọi người chú ý hơn. Ông này đã chế ra một thứ keo đặc biệt. Keo này có thể dán liền lại các bộ phận của cơ thể nếu bị đứt lìa ra. Bên cạnh ông là hạ sĩ quan Mechew, anh hùng trong thế chiến thứ hai đã từng hạ sát được 26 lính giặc. Nhưng chẳng may, ông bị mảnh lựu đạn địch tiện đứt đầu. Ông đã dùng thứ keo đặc chế này gắn liền lại được đầu viên hạ sĩ vào cổ, thậm chí nó còn đẹp hơn trước nữa ấy. Nay thì đến bom nguyên tử cũng không làm cho nó rời ra được nữa. Ông ta cam đoan như thế.

    Mọi người tham dự hội nghị đều kinh ngạc tột đỉnh đến độ há hốc mồm ra và tin rằng sẽ không còn có thể có bản tham luận nào thú vị hơn nữa.

    Nhưng ngay lúc ấy, một bác học người Pháp bước lên diễn đàn, đã buộc họ phải thay đổi ý kiến. Bên cạnh ông ta là một thiếu nữ tóc vàng trong bộ đồ tắm. Vừa nhác thấy người đẹp, các ngài có tuổi đã nhấp nhỏm trên ghế.

    Nhưng khi nghe nhà giải phẫu lên tiếng giải thích rằng đây là bà mẹ vợ đã 65 tuổi các tham dự viên lại càng ngạc nhiên. Ông ta đã thực hiện phẫu thuật với bà mẹ vợ cốt để trả thù vợ ông ta đã phụ bạc ông. Sau khi bà mẹ vợ trở thành một thiếu phụ trẻ đẹp như tiên nga, ông đã “bắt bồ” với bà ta.

    Nhà bác học Pháp kết thúc bản tham luận.

    Tiếp theo là các nhà giải phẫu Đức, Nhật… thay phiên nhau lên diễn đàn. Ai nấy đều cố đưa những phát minh kỳ diệu của mình ra hội nghị. Các bản tham luận càng về sau càng gây kinh ngạc hơn.

    “Riêng có một tay bác sĩ, từ ngày đầu đến ngày cuối, cứ ngồi im nghe các đồng nghiệp của mình báo cáo. Tất cả mọi người đến tham dự hội nghị đều đã lên tiếng cả rồi.

    Ngài chủ tọa bèn hỏi:

    - Thưa ngài, lẽ nào ngài không có ý định kể cho hội nghị nghe chút gì về các phẫu thuật của ngài hay sao?

    - Có chứ ạ! Nhưng không biết việc làm của tôi có đáng cho quí ngài lưu tâm không?

    Trong phòng vang lên tiếng khuyến khích:

    - Có! Có! Chúng tôi muốn nghe ông phát biểu!

    Tay bác sĩ được khích lệ quá, bèn bước lên diễn đàn. Ông ta nói:

    - Thôi được, quí vị đã muốn thì tôi xin trình bày ca mổ cắt amidal của tôi.

    Cả phòng bật cười vang lên. Ai nấy đều ôm bụng cười lăn lộn.

    - Khéo nói chuyện tào lao! Sau bao nhiêu tham luận kinh thiên động địa mà đem chuyện cắt amidal ra khoe! Rõ nhảm!

    Tiếng cười làm mích lòng diễn giả:

    - Thưa quí vị! Vì khiêm tốn nên tôi đã làm giảm bớt ý nghĩa phẩu thuật của mình. Nhưng tôi không thể chịu được sự nhạo báng. Vừa mới nghe đến cắt amidal là quí vị đã cười ầm lên rồi.

    Tiếng cười trong phòng lại càng rộ thêm nữa:

    - Trò nhảm nhí chứ phẩu thuật cái gì!

    - Tôi chẳng bao giờ thèm động tay vào cái thứ phẫu thuật ấy!

    - Một nhà phẫu thuật mà nhắc đến ba cái trò nhăng nhít ấy thì thật xấu hổ!

    Những tiếng la ó tứ phía làm cho diễn giả nổi sùng:

    - Thế quí vị có biết cái người được tôi cắt amidal là ai không?

    - Thì cứ cho rằng ông ta là Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc đi! Liệu điều đó có liên quan gì tới phẫu thuật nào?

    Diễn giả mặt đỏ gay:

    - Người được tôi tiến hành phẫu thuật là một nhà báo!

    Tiếng cười càng nổi lên sặc sụa:

    - Nhà báo, thương gia, viên chức hay người lính thì có gì khác nhau nào?

    Diễn giả giơ tay lên:

    - Yên lặng cho! Vâng, thưa quí vị, chẳng có gì khác nhau cả. Nhưng lúc đó ở nước chúng tôi vừa ban hành Luật báo chí mà. Nhà báo không tài nào mở miệng ra được nên buộc tôi phải cắt amidal cho anh ta qua đường… hậu môn!

    Nụ cười chế diễu biến khỏi trên khuôn mặt các đại biểu. Thay vào đó là niềm kính trọng sâu xa đối với diễn giả. Tiếng vỗ tay dậy lên như sấm. Toàn thể những người tham gia Hội nghị Quốc tế các nhà giải phẫu lần X đã nhất trí công nhận phẫu thuật cắt amidal này là sự kiện đặc sắc nhất trong lịch sử y học.

    Azit Nezin chấm dứt bài đọc của mình, cúi đầu chào quan khách và kèm theo một nụ cười kiêu hãnh trên môi. Ông ta đang chờ những tràng pháo tay sẽ nổ dòn tan kéo dài bất tận như những lần hội nghị khác ông đã từng đọc tham luận.

    Nhưng trái với sự “hồ hởi” của ông, hội trường chỉ có vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt, có lẽ vì lịch sự vỗ cho có lệ.



    Thông thường thì đại biểu ta vỗ tay theo nhịp ba, rất đều, đồng loạt, theo sự diễn tập trước của đảng, mỗi khi Đại hội đảng nhóm họp. Kiểu vỗ tay nhịp ba này được nhập nguyên mẫu từ nước Trung Hoa vĩ đại anh em từ ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cuộc cách mạng đã mang về theo.

    Mỗi khi chủ tọa đọc diễn văn chừng năm ba câu thì ngưng lại, tự mình vỗ tay trước làm mồi. Sau đó cả hội nghị vừa vỗ tay nhịp ba, vừa đứng lên, tiếp tục vỗ cho đủ mười lần rồi mới ngồi xuống. Đó là cái lệ bắt buộc phải có, không thể thiếu được. Nếu thiếu cái lệ đó thì hội nghị không thể được gọi là thành công 99,99%.

    Cái lệ vỗ tay kiểu này đã thành nếp hơn bảy mươi năm nay. Nó sẽ còn tiếp tục duy trì dài dài, rất, rất nhiều năm nữa nếu trong tương lai chế độ không bị sụp đổ như Liên Xô.

    Azit Nesin càng ngạc nhiên hơn nữa khi một diễn giả Việt Nam lên bục “báo cáo” để tranh tài, nói ngay rằng:

    - Thưa nhà văn Azit Nesin kính mến!

    Trước hết, tôi xin ngắn gọn tự giới thiệu bản thân. Tôi là Khánh Chi, một nhà báo luôn đi đúng lề bên phải, chuyên đưa tin có thật, đúng với chức năng mà đảng đã giao phó. Hôm nay, thay mặt cho mười sáu ngàn nhà văn, nhà báo trong nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh lên đây để cùng ông trao đổi nghệ thuật và rút kinh nghiệm trong việc phát huy văn hóa châm biếm.

    Tôi không ngần ngại nói rằng truyện của ông cũng tạm gọi là hơi bị… hay đấy. Tuy nhiên nó cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng phong phú của ông mà thôi. Nó không có tính chất “đậm đà bản sắc dân tộc và hiện thực có mũi nhọn” như câu truyện của tôi sắp kể ra đây. Nói là truyện cũng không đúng hẳn. Nó chỉ là một mẫu tin vặt hàng ngày đăng trên báo, mà giới báo chí chúng tôi hay gọi tếu táo là “chuyện thường ngày ở huyện” hay nôm na bình dân hơn là “chuyện chó cán xe, xe cán chó”.

    Thưa nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ kính mến! Lúc nãy ông kể rằng vì nước ông vừa mới đưa ra Luật báo chí nên nhà báo không thể mở miệng được, bác sĩ buộc phải cắt amidal cho ông ta bằng đường hậu môn. Chuyện này đối với thế giới có thể là chuyện lạ đấy. Nhưng đối với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng tôi thì không lạ gì. Nó còn cao hơn một bậc nữa đấy.

    Luật báo chí và nhất là Nghị định cấm ra báo tư nhân để bịt mồm nhân dân trong nước, nước chúng tôi đã có trước nước ông hơn bảy mươi năm nay rồi. Nay thì Nhà nước tôi còn tiến lên them một bước văn minh xa hơn nữa là tìm cách “bịt luôn hậu môn” của nhân dân để có thể ba bước nhảy vọt phát triển kinh tế thần kỳ để kịp bơi ra biển lớn với thế giới.

    Ông không tin ư? Này đây! Ông hãy xem bài báo mới nhất hôm nay tôi vừa mua ở sạp báo dọc đường đến đây đấy! Thôi! Chốc nữa, tôi sẽ tặng ông tờ báo này để ông mang về nước làm tài liệu tham khảo và cũng là một kỷ niệm đáng nhớ mỗi khi ông có ý định viết truyện “phích xông”.

    Dứt lời, nhà báo VN rút trong xắc cốt đeo bên hông ra một tờ báo, giơ cao khỏi đầu để mọi người trong hội trường có thể xem rõ. Tờ báo in một tấm ảnh, hình một tòa nhà 3 tầng lầu, rất khang trang, với tiêu đề in đậm: “Trung tâm Y tế không có nhà vệ sinh”.

    Nhà báo đeo mục kỉnh vào mắt rồi cao giọng đọc:

    “3 tầng với 15 phòng chức năng nhưng tòa nhà Trung Tâm Y Tế dự phòng huyện Lương Sơn, Hòa Bình, lại không có nhà vệ sinh. Nhiều hôm, các cán bộ ở đây phải phóng xe về nhà để “giải quyết nỗi buồn”.

    Sáng 6/5/2008, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung Tâm Y Tế dự phòng huyện Lương Sơn cho biết, tòa nhà này được xây dựng cách đây chừng ba năm từ kinh phí của Dự án Kinh tế Nông thôn. Ban đầu là để làm khu phục hồi chức năng. Nhưng ngay từ khi thiết kế, các kiến trúc sư đã quên mất nhà vệ sinh.

    Năm 2006, sau khi tách cơ quan, Trung tâm Y tế dự phòng Lương Sơn tiếp quản tòa nhà, và dùng đây là nơi làm việc. Rắc rối bắt đầu nảy sinh từ đó.

    “Phòng làm việc của tôi ở tầng 3. Không có nhà vệ sinh nên nhiều hôm đành phải đi xe máy về nhà. Nhiều cán bộ khác cũng phải chịu cảnh khổ sở như vậy”, bà Hiển bày tỏ.

    Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, Quách đình Thông cho biết, ngay khi nhận bàn giao, lãnh đạo Sở đã té ngửa khi biết rằng cả tòa nhà 3 tầng mới xây không hề có nhà vệ sinh. “Không hiểu sao bên thiết kế lại mắc lỗi cơ bản đến như vậy. Nhưng xây xong rồi, chẳng biết bắt đền thế nào”.

    Mới đây, trong quá trình xét duyệt thiết kế tòa nhà ở CĐ Sư phạm Hòa Bình, Ban Giám Hiệu trường này cũng phát hiện ra việc cả tòa nhà đồ sộ không hề được “vẽ” một nhà vệ sinh nào. Ngay lập tức, Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu tạm dừng việc xây dựng công trình.”

    Nhà báo vừa chấm dứt mẩu tin, nhà văn châm biếm Azit Nesin đã đứng phắc dậy, quay người một vòng, đưa mắt khắp hội trường xem thử có ai có phản ứng ngạc nhiên như mình không. Không có ai cả. Mọi người vẫn thản nhiên như chưa hề nghe chuyện này. Chỉ riêng có mỗi mình ông là ngạc nhiên quá chừng chừng.

    Ở nước ông, cái chuyệt bịt mồm đã là quá lắm rồi. Ông chỉ nêu sơ sơ cái chuyện đó lên Hội nghị quốc tế đã được hội nghị tán thưởng kịch liệt. Còn ở cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, bịt luôn cả đường hậu môn nữa, mà nhân dân cả nước vẫn sống vui, sống khỏe, sống hùng, sống mạnh. Sáng, cả nước đi uống cà phê. Chiều, cả nước đi nhậu một cách “vô tư”. Quả là điều đáng khâm phục.

    Nhưng Axit Nesin vẫn có ý nghi ngờ nhà báo kia có khi “nổ” quá chăng, nên đưa tay xin nêu mấy câu hỏi trước khi “khẩu phục tâm phục”.

    Câu đầu hỏi tiên là Nghị định cấm tư nhân ra báo. Báo chỉ độc quyền dành cho đảng. Câu hỏi này được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận chắc như đinh đóng cột rằng cam đoan “chăm phần chăm” rằng cho đến giờ phút này, cả nước vẫn không có một tờ báo tư nhân nào được phép xuất bản.

    Câu hỏi thứ hai là “bịt hậu môn”, không cần xây nhà vệ sinh được Đại diện VN giải đáp thỏa đáng.

    Ông nói: Chúng tôi có truyền thống “thắt lưng buộc bụng” trong thời chiến, để đánh thắng Mỹ Ngụy. Nay đã hòa bình thống nhất đất nước, chúng tôi phát huy thêm truyền thống đó, toàn đảng, toàn dân thi đua “nhịn ăn, nín ị” để phát triển kinh tế vượt bực, dân mau giàu, nước mau mạnh. Bằng cớ là chúng tôi, từ trong rừng ra chỉ có đôi dép râu và cái xắc cốt, vậy mà mới có hơn mươi năm, sau ngày chiến thắng miền Nam, ai ai cũng trở thành tỷ phú đô la, nhà lầu, xe hơi hàng bao nhiêu cái. Bọn phản động trong nước và hải ngoại không biết chủ trương đó cứ nói xấu chúng tôi là tham nhũng, ăn cướp tài sản của dân.

    Xứ chúng tôi có câu tục ngữ:

    “Làm nhiều ăn ít có dư – Làm nhiều ăn dữ cũng như không làm” đã chứng minh điều nói trên.

    Huống hồ chi “ăn mà không ị” thì mau giàu lắm.

    Không xây nhà vệ sinh là chủ trương đúng đắn của đảng, có nghị quyết hẳn hoi chứ không phải các kiến trúc sư hay các kỹ sư thiết kế của chúng tôi ngu dốt không biết. Họ là thành phần ưu tú của đảng được đào tạo từ Liên Xô và Trung Quốc về cả đấy.

    Biện pháp “nín ị” chúng tôi cũng đã áp dụng thành công trong các cuộc giải tán êm thắm đám biểu tình ăn vạ của đám dân quê ngu dốt nghe lời xúi dục của bọn xấu, rất hữu hiệu. Vừa rồi bọn chúng ăn vạ trước Tòa Nhà Quốc Hội cả tháng, chúng tôi dụ dỗ cách mấy chúng cũng không chịu trở về quê để lao động. Chúng tôi cho khóa nước dùng và khóa cửa các nhà vệ sinh lại. Chỉ trong có mấy ngày là chúng riu ríu kéo nhau về quê hết. Chúng chịu đời sao thấu. Ngày xưa chúng tôi có chính sách “bóp bao tử” đã là thần sầu rồi. Nay thêm cái chiêu “bịt trôn, nín ị” quỉ khốc nữa thì “ổn định chính trị” là cái chắc.

    Hiện nay, đất nước chúng tôi mới tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa nên chính sách “bịt trôn, nín ị” chỉ mới thực hiện từng phần. Những khu nhà tập thể có cả trăm người ở, chúng tôi tạm cho xây một nhà xí dùng chung để nhân dân thực tập “nín ị” dần dần. Nay mai sẽ phá bỏ luôn. Chắc ông chưa xem phim “Của để dành” chúng tôi vừa cho thực hiện xong? Trong đó có lồng chuyện đôi thanh niên yêu nhau thắm thiết, nhưng nhà anh chàng nọ không có nhà vệ sinh riêng, mỗi buổi sáng cả nhà phải xếp hàng chờ ở nhà xí duy nhất của khu tập thể mà cô nàng đành phải từ chối lời cầu hôn của tình nhân. Đó là thành tựu kết quả “ba khoan” trong kế hoạch giảm dân số của chúng tôi.

    Trong tương lai, tiến lên Thiên đàng Cộng Sản rồi thì cả nước chúng tôi sẽ không cần có nhà vệ sinh nữa.

    Azit Nesin nghe xong, thất kinh hồn vía. Mồ hôi mẹ, mồ hôi con tháo ra dầm dề, ướt đẫm cả bộ quần áo. Ông vội vàng hướng về phía bàn chủ tọa, quì mọp xuống đất, lạy đúng bảy lạy, vái đúng bảy vái, xong, giơ hai tay đầu hàng cuộc thi và cáo từ về xứ ngay tức khắc mặc dù Hội nhà văn cố chèo kéo ở lại để khoản đãi một chầu “nai đồng quê với đế quốc doanh”, một món ăn đặc biệt quốc hồn quốc túy.

    Vì ông vừa được cho hay rằng trụ sở đang hội họp cũng không có nhà vệ sinh nốt.

    Dự định hợp tác với Hội nhà văn Việt Nam để cho dịch và xuất bản cuốn “Những kẻ thích đùa” của ông cũng đành bãi bỏ.

    Được sửa bởi cu em lúc 18:39 ngày 21-06-2008

  4. #4
    Tham gia
    16-05-2005
    Location
    sè ghềnh
    Bài viết
    9,601
    Like
    529
    Thanked 672 Times in 367 Posts
    Cu em này! Quậy quá nha

  5. #5
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Đúng rồi á, Freud nói ị là một trong những nguồn khoái lạc đầu tiên của con người.

    Ị đã mang đến cho con người ý niệm về sự trật tự, sạch sẽ và sự ghê tởm.



    [=========> Bổ sung bài viết <=========]

    Truyện của cu em hay thật!
    Được sửa bởi thagnv lúc 15:22 ngày 21-06-2008 Reason: Bổ sung bài viết
    Không đi làm sao tới.

  6. #6
    Tham gia
    06-08-2002
    Location
    bình dương
    Bài viết
    497
    Like
    0
    Thanked 52 Times in 18 Posts
    move qua chitchat nhé

  7. #7
    Tham gia
    12-09-2007
    Bài viết
    72
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    hic
    bài này đọc quá !
    ảnh cũng pó tay lun )
    có mấy cái nhìn hơi bựa bựa tí

  8. #8
    Tham gia
    12-12-2007
    Bài viết
    485
    Like
    266
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Quote Được gửi bởi caotrung View Post
    move qua chitchat nhé
    Tuy là phiếm đàm nhưng bài viết này không có nghĩa là chit chat. Không phân biệt được! Chán!

  9. #9
    Tham gia
    01-11-2006
    Location
    Mùi Thôn
    Bài viết
    1,796
    Like
    245
    Thanked 133 Times in 103 Posts
    Quote Được gửi bởi dly View Post
    Cu em này! Quậy quá nha
    Kinh, sau chuyến công cán về bác thắt lưng buộc bụng để dành giờ rặn được nhiều ghê so với Ku em bác đâu có kém chứ LÃO NÀO CŨNG RẶN RA MỖI BÃI TO ĐÙNG, Ị VẬY MỚI GỌI LÀ SƯỚNG CÁI HẬU MÔN CHỨ

  10. #10
    Tham gia
    20-12-2007
    Bài viết
    3,736
    Like
    50
    Thanked 86 Times in 64 Posts

    Ngạc nhiên

    Đọc bài này xong mà thương DLY với CU EM quá, mấy bác chắc sinh nhầm đất nước rồi, tài năng mấy bác kiếp này chắc không còn cơ hội nữa rồi, cám cảnh quá.

Trang 1 / 2 12 LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •