Trang 8 / 30 FirstFirst ... 356789101113 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 71 đến 80 / 295
  1. #71
    Tham gia
    04-10-2007
    Bài viết
    19
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Một buổi chiều đỏ sậm bóng hoàng hôn, mặt biển như co dúm lại dường như không chịu được sự cô đơn của tạo hóa, sóng rì rào cuốn từng đụn cát nhỏ hòa tan vào biển ca không tiếc thương công sức nhọc nhằn xe chở của dã tràng. Hắn thất thểu vác chiếc chai men theo mép nước, thi thoảng những lưỡi sóng tham lam liếp ướt cả chân quần lành lạnh.

    Phía xa xa một chiếc chòi lá cũ bạc đang run lên trong gió biển, hắn cứ lầm lủi tiến lại cũng không thèm ngước lên nhìn bởi lẽ từ chiều qua hắn cũng đã ngồi tu rượu nhắm từng miếng cô đơn trong gió lộng mênh mông của biển cả.

    Khi tai của hắn nghe rõ tiếng phần phật của mái lá đang oằn lên trong gió thì cái chòi đã ngay trước mặt, hắn co chân định bước lên thì bất chợt há hốc miệng, tròn mắt trừng trừng nhìn vào chòi, tim đập loạn xạ, miệng ú ớ không ra tiếng...

    Trong chòi, một thiếu nữ đang đứng lặng nhìn ra biển, đôi mắt buồn mêng mang nhưng có sóng tuôn trào, mái tóc nàng để buông cho từng cơn gió chiều lùa vào vuốt ve từng lọn tóc mềm mại. Hắn xiết chặt tay nắm chiếc cổ chai rồi nhẹ nhàng bước tới đứng bên cạnh nàng, cũng buông đôi mắt hờ hững buồn man mác hòa cùng biển khơi...

    (chuyện có thật 100% bác nào muốn nghe đoạn kết PM em kể nốt cho)

  2. #72
    Tham gia
    17-06-2008
    Bài viết
    1,079
    Like
    522
    Thanked 325 Times in 237 Posts


    Con Tim Nhà Giáo.

    Hôm tựu trường lớp 5, cô giáo Thompson đứng trước mặt học sinh nói rằng:

    Các em thân yêu, cô rất thương các em. Cô thương tất cả các em.
    "Nói láo !" Cô Thompson thầm hổ thẹn với chính mình. Làm sao có thể vổ ngực tuyên bố rằng thương tất cả mọi học sinh được!

    Trước mặt cô là thằng Teddy Stoddard, áo quần xốc xếch, ăn mặc dơ dáy, hôi hám, dường như nó không chịu tắm rửa, chẳng chịu chơi với ai, lại thêm khó tính,... Tất cả tật xấu cô đã nhận thấy nơi thằng Teddy từ lúc nó học lớp 4 năm ngoái với thầy John Brown gần bên, lại tiếp tục hiện ra năm nay.

    "Làm sao tôi có thể yêu cái thằng chó chết đó được chứ! Chắc là nó chỉ đáng lãnh điểm F từ hạnh kiểm đến bài làm!"

    Cô Thompson từ từ xem qua các lời phê trong học bạ của học sinh, một việc nhà trường buộc phải làm đầu niên học. Và cô giật nảy mình khi đọc đến hồ sơ của Ted.

    Cô giáo lớp 1 phê: "Teddy là đứa bé rất thông minh với nụ cười luôn nở trên môi. Em rất lễ phép, và ngăn nắp. Thật sung sướng được dạy em."

    Cô giáo lớp 2 phê: "Teddy là học sinh xuất sắc, bạn bè ai cũng mến. Gia đình em gặp khó khăn vì mẹ em mắc bệnh nan y."

    Đến năm lớp 3, trong phiếu điểm có những dòng sau đây:

    "Cái chết của mẹ em quả là một biến cố lớn cho em. Tuy em đã cố gắng, nhưng ba của em chẳng ngó ngàng gì đến em. Đời em sẽ xuống dốc nếu không có ai giúp đỡ."

    Học bạ lớp 4 ghi: "Teddy dường như không thích học, ít giao thiệp với ai. Em dường như không có bạn, hay ngũ gục trong lớp."

    Đọc xong những lời phê ấy, cô Thompson sa sầm nét mặt.

    Rồi mùa Đại Lễ đến. Học sinh mang quà biếu cô. Quà nào cũng được gói ghém tươm tất hoa màu. Chỉ có quà của Teddy là thô thiển nhất, gói trong bao giấy siêu thị, lại nhăn nhầu thảm não. Cô Thompson chọn ngay gói quà của Teddy cầm lên. Trẻ con bắt đầu cười khúc khích, có đứa tỏ vẻ mặt khinh khi.

    Và, ô kìa, chúng nó phá lên cười, khi cô Thompson lấy trong gói đó ra một chiếc vòng thạch, hột mất hột còn, và lọ nước hoa chỉ còn có một phần tư bình.

    Cô Thompson đưa mắt lườm quanh một vòng, và nghiêm mặt. Cả lớp im phắc. Rồi cô lấy tay nâng niu các hột thạch của chíếc vòng vừa trầm trồ khen ngợi, rồi đeo ngay vào cổ tay một cách hãnh diện. Sau đó, cô sung sướng lấy nước hoa bôi lên tóc, lên má mình.

    Sau buổi "Christmas Party" tại lớp hôm ấy, Teddy đã không vội ra về như mọi khi. Em ngồi nán lại chờ bạn bè ra bề, mới đến bên cô thủ thỉ:

    Chào cô Thompson, hôm nay cô thơm như má con thuở nào.
    Nước mắt lưng tròng, em rón rén lui dần ra cửa, rồi vụt biến để cô Thompson ở lại một mình trong lớp. Cô thút thít khóc cả giờ sau đó.

    Từ dạo ấy, cô giáo Thompson không chỉ dạy toán, dạy viết, dạy văn cho trẻ, mà cô bắt đầu chú trọng "giáo dục" học sinh. Cũng từ dạo ấy, Teddy như sống lại. Em càng ngày cang học giỏi hơn thêm. Và cuối năm, em trở thành một trong những học sinh xuất sắc của lớp.

    Một năm trôi qua.

    Một hôm, cô Thompson bắt gặp một lá thư của Teddy chuồi lòn dưới cửa lớp bảo rằng "Cô là cô giáo giỏi nhất, tốt nhất của đời em."

    Sáu năm trôi qua, cô lại nhận được cánh thiệp báo tin Teddy đã tốt nghiệp trung học. Em đứng hạng ba và vẫn luôn xem cô là cô giáo hay nhất, giỏi nhất, tốt nhất trong đời em.

    Bốn năm sau nữa, cô mân mê lá thư Teddy viết thăm cô, trong ấy Teddy bảo em đã phấn đấu nhiều trong bốn năm qua, và nay sắp ra trường với hạng ưu. Em vẫn luôn xem cô là cô giáo hay nhất, giỏi nhất, tốt nhất trong đời em.

    Lại bốn mùa xuân thoăn thoắt tiếp nối, cô Thompson lại nhận được thư của Teddy tin cho cô hay em vẫn luôn xem cô là cô giáo hay nhất, giỏi nhất, tốt nhất trong đời em. Em nói nhờ cô mà tên của em bây giờ đã dài ra. Người tra ghi tên em là "Theodore F. Stoddard, M.D."

    Một mùa Thu nọ, Teddy báo cho cô Thompson hay là ba của em đã qua đời. Cuộc đời em tuy thiếu vắng hơn, nhưng dần dà em cũng đã có ý trung nhân và sắp làm đám cưới. Em mời cô đến dự hôn lễ ngồi vào ghế danh dự vẫn thường dành cho mẹ chú rễ.

    Đến ngày cưới, cô Thompson đã đến dự, và đeo trên tay chiếc vòng thạch hột mất hột còn của Teddy tặng cho cô thuở nào. Cô cũng không quên lấy nuớc hoa mà Teddy nhớ mùi của mẹ nó để xức tóc. Lọ nước hoa bây giờ chỉ còn vài giọt mà thôi.

    Bác sĩ Stoddard sung sướng ôm chầm lấy cô Thompson, và thỏ thể vào tai cô:

    "Cám ơn cô đã tin con , và tạo cho con sự tự tin. Chính niềm tin đó đã giúp con thay đổi cuộc đời."
    Lại những giọt lệ cảm động tuôn rơi, cô Thompson thủ thỉ cới bác sĩ Stoddard:

    Teddy, con lầm to. Chính con mới là kẻ dạy cô, và đã giúp cô thay đổi cuộc đòi. Chính nhờ gặp con, cô mới biết thế nào là "Giáo Dục".


  3. #73
    Tham gia
    13-09-2008
    Bài viết
    8,797
    Like
    3,392
    Thanked 1,692 Times in 891 Posts
    Hay qua,Đây là một bài học hay của người đứng lớp .Cám ơn tác giả đã cho đời những nội dung như vầy .Thank

  4. #74
    Tham gia
    17-06-2008
    Bài viết
    1,079
    Like
    522
    Thanked 325 Times in 237 Posts
    Buổi sáng biến mất

    Giải nhất Truyện ngắn 2006-2007 của báo Văn Nghệ

    Xóm Ao hiện có hai người bệnh trầm trọng. Rất nặng. Nặng đến mức, giờ đây cái chết nhẹ ngang bằng hơi thở. Đó là chú Khiêu chồng thím Xanh. Đó là bà Mển vợ lão Sùng. Cả hai đã là trái banh trong chân đội banh Nhà Thương. Đội banh ấy đã cố gắng chuyền nhau, không cho lọt vào “ gôn ” Tử Thần, nhưng đều thất bại, để trái banh bị lủng, và cũng vì đá quá, cuối cùng xẹp hơi… Ruộng rẫy, bò trâu đã bán sạch. Gia đình họ đang trên bờ vực thẳm… Chú Khiêu ung thư gan thời kỳ chót ! Bà Mển ung thư phổi thời kỳ chót ! Chờ chết !
    Tổng quát, tình hình là như vậy, bi thảm là vậy. Đó là lý do sáng nay, Thuỳ đưa hai túi ny lông đựng cam sành và sữa hộp cho Thuấn :

    – Anh đi thăm họ nhanh lên… Chần chừ sẽ không kịp thăm !

    – Họ ăn được gì mà cam với sữa. Tiền tốt hơn.

    – Họ ăn bằng mắt.

    Thuấn nín lặng trước câu nói của vợ. Phải ! Người sắp chết không ăn gì, nhưng phải có đồ ăn để thấy !

    Thuấn xách hai túi cam, sữa, vội vàng ra khỏi nhà, quyết định đến chú Khiêu trước. Anh bước nhanh, tâm trạng bồng bềnh…

    Vừa bước chân lên thềm nhà, Thuấn đằng hắng mấy cái… Thấy Thuấn, thím Xanh lật đật bỏ cái thúng đan dở, đứng dậy thoăn thoắt ra cửa, xìa tay đỡ cả hai túi cam và sữa, đặt lên chiếc bàn gỗ tạp xiêu vẹo nơi hiên, miệng phát tía lia như súng liên thanh khạc đạn :

    – Chú mày cứ đòi chết, đòi chết, đòi chết… ăn được gì mà mua nhiều thế này, thế này… Cứ đòi chết, đòi chết… không thèm sống, không muốn sống… Cứ đòi chết…

    Xổ xong tràng âm thanh khoẻ mạnh ấy, thím nhanh nhẹn chuyển hai túi quà vào đặt trên bàn thờ tổ tiên, đoạn trở lại nơi góc phòng, đan tiếp cái thúng dở dang, dường như Thuấn không có mặt ở đấy, bình thản đến lạnh lùng. Thuấn chưa kịp mở miệng nói gì được. Gặp thím là anh câm luôn !

    Chú Khiêu được đặt nằm trên chiếc chõng tre sát cửa sổ không cánh, trông thật hoang vu. Da chú màu vàng pha xanh như màu trái bưởi non. Có mấy chiếc lá vàng bị gió quật bay vào đậu trên ngực chú. Anh kéo chiếc ghế đẩu vuông nhỏ, ngồi cạnh giường. Vừa nhặt mấy chiếc lá trên ngực chú quăng ra ngoài, vừa nói động viên :

    – Chú lạc quan lên, coi nào ! Cứ đòi chết, đòi chết… chết thật đấy ! Cái chết mà bực lên nó không tha ai đâu!

    Chú Khiêu nhăn nhó, miệng móm riết, nói đứt quãng :

    – Sống mà đòi chết là… người ngu ! Sắp chết mà đòi sống… lại càng ngu hơn ! Chú không phải người ngu !

    Thuấn sững sờ nhìn chăm chú chú Khiêu. Dường như đằng sau lưng câu nói của chú là một khoảng mênh mông cay đắng. Mà cũng dường như câu nói ấy không phải nói với anh, nó dường như một tảng băng trôi về hướng thím Xanh đang ngồi thản nhiên đan thúng. Khuôn mặt vàng pha xanh hốc hác, đôi mắt lõm sâu không nhìn ai cả của chú Khiêu khiến anh nao lòng. Đôi mắt nhìn vào bên trong, thấy sự tan tành một kiếp người một cách kiên cường tuyệt vọng. Nó ráo hoảnh đến se sắt ! Đột ngột, chú Khiêu oằn người, mặt nhăn riết, mồm méo xệch, mắt nhắm nghiền, tay ôm bụng. Có lẽ có một cơn đau vừa dạy lên nơi bụng, từ gan… Thuấn luống cuống… Phải ! Chú Khiêu nói phải ! Đau đớn mà đòi sống, đúng là người ngu ! Phải đòi chết cơ, như chú đã đòi ! Có lẽ, cạnh những chân lý năm tháng dài hạn, còn có chân lý phút giây ngắn hạn. Mà cái chân lý phút giây ngắn hạn ấy lại có thể là chân lý vĩnh hằng ! Một màn sương hiu hắt vừa rớt phủ vào Thuấn, anh thấy chú Khiêu vừa mờ đi… Ở đấy, trong cái màn sương hiu hắt ấy, sự háo hức, cái vui hơn hớn, cái kiêu hãnh, những tự xưng giá trị… không dám bước vào, bởi chúng bé mọn quá, tầm thường quá !

    Biết làm sao được, Thuấn cũng lại phải an ủi, động viên chú Khiêu với một ý thức rõ, mình đang đuổi trung thực ra khỏi mình :

    – Nói thế sao được, hả chú ? Cứ xem lão Phiệt đấy, cũng trầm trọng chí tử liên miên, mua hòm trước có đến ba lần, đều cất đấy chờ mọt ăn. Vậy mà nay vẫn sừng sững chén thịt chó…

    Chú Khiêu quay mặt lơ đãng ra cửa sổ, nơi có tiếng hót trong veo, ríu rít của mấy chú chim sâu trong khóm lựu xơ xác. Chú lại nói, giọng yếu ớt :

    – Mua hòm trước là… người khôn ! Không mua hòm trước là … kẻ dại ! Chú đã dại ! Chết rồi, ai mua ?

    Thuấn lại nín lặng. Cái nín lặng buộc anh nín lặng. Lại cũng ở tầng sâu câu nói ấy, trùng trùng cay đắng oán hờn ! Thì ra, tất cả những gì không phải xương thịt trong chú Khiêu, đã tan vỡ ! Ừ, phải và có thể, chân lý mà không riêng lẻ, là không chân lý nữa rồi ! Làm gì có chân lý ngắn ngày, dài ngày, làm gì có vĩnh hằng, giây phút, có lẽ chỉ có chân lý riêng tư mà thôi ! Lại một màn sương hiu hắt đậm đặc hơn, tiếp xuống ! Câu nào anh thốt ra đều hỏng trước chú ! Ngồi cạnh chú, anh thẫn thờ…

    Lúc này, có chú y tá bước vào nhà. Đã tới giờ chích moọc phin giảm đau. Thuấn hỏi vu vơ, không nhìn chú ta :

    – Không có ánh sáng à ?

    – Tối thui ! Gan trầm trọng !

    Nghe thế, Thuấn quay lại, xua tay… Nhưng chú y tá đã cười :

    – Chú ấy rõ rồi ! Vợ con chú ấy đã nói vào tai : “ Gan ông đã nát rồi ! ”.

    Nghe thế, Thuấn hụt hẫng, đột ngột chơi vơi vào một vùng mênh mông im lặng. Một vùng không tên. Một vùng chết. Một vùng tê liệt… Như một phản xạ, Thuấn nhìn chăm chú vào chú Khiêu. Trên khuôn mặt gần như lần đầu, không có gì xảy ra cả. Cái chết đã là bạn thân quý của chú rồi ! Và, rõ ràng chú chờ người bạn ấy. Không những chờ, mà còn quý người bạn ấy. Một người bạn im lặng âm u, không hình hài vậy mà rộng lớn vô cùng, chân thành thân thiết với bất kể ai, bất kể tuổi nào !

    Chú y tá đóng xong mũi moọc phin, xách túi ra về, chẳng nói gì, cũng không chào ai… Rõ ràng là chú ấy không muốn nán lại.

    Cõ lẽ đã bớt đau, chú Khiêu thều thào :

    – Có ai đưa tôi chai dầu !

    Thuấn vội hỏi :

    – Ở đâu ? Tôi lấy cho.

    Nghe thế, thím Xanh từ góc phòng, ngừng đan thúng, móc trong túi áo chai dầu lèo xanh, quăng đến cho anh. Anh không ngờ thím lại quăng, nên chụp lấy không kịp, chai dầu lèo rớt ngay trên bụng chú Khiêu. Quả là nó rơi trúng ngay vùng gan đau. Mặt chú Khiêu méo mó, xám trắng vàng xanh lẫn lộn, mắt cụp lại, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cố chịu cơn đau, không cho bật ra một tiếng rên la đau đớn nào ! Thuấn hốt hoảng nhặt chai dầu xanh lên. Anh sững sờ. Chai dầu còn mới nguyên, vỏ giấy chưa bóc, loại dầu xanh Con Ó, giá thị trường khoảng bốn chục ngàn đồng. Cổ họng anh đắng nghét, khô khốc, anh nuốt nước bọt hơi đau, như vừa bị viêm họng. Một tia sáng vừa xoẹt ngang, tia sáng xuất phát từ chai dầu gió xanh : Có lẽ vì có anh, nên thím Khiêu mới quăng ra chai dầu, mà có lẽ cũng vì có anh, nên chú Khiêu mới đòi thoa dầu ! Trong anh, tất cả nhà này đều rơi lả tả, vỡ tung… Làm gì có chân lý chung, riêng, ngắn hạn, dài hạn. Chúng đã thành rác rồi !

    Ngay lúc này, vang tiếng chân nặng nhọc bước vào nhà. Đó là anh Nam, con trai chú Khiêu. Anh đang vác một bao lúa trên vai, mồ hôi chảy như suối. Có lẽ, anh ta đã đi vay mượn từ khá xa đem về. Trông anh rất mệt. Anh không chào Thuấn, nhưng Thuấn lại vụt đứng dậy, hỏi một câu ngớ ngẩn đến lợm giọng :

    – Sao ? Bác sĩ bảo sao ?

    Thuấn biết câu hỏi của mình là câu hỏi thừa thãi, chức năng của nó chỉ là biểu hiện sự luống cuống để thay lời chào vô duyên. Nếu chẳng có ai trả lời, nó sẽ rơi vào lại chính anh, để không biết ném đi chỗ nào ! Anh Nam quăng bịch bao lúa xuống nền nhà, bụi lúa bay vất vưởng. Giọng anh khô khốc :

    – Bảo sao à ? Như chiếc xe trành ! Chế chút xăng vào, lại rống lên ! Chờ ra bãi thải !

    Câu trả lời anh Nam tuôn ra, mang một sức nặng lạ thường, đã ấn nhẹp Thuấn phịch lại xuống ghế đau điếng ! Đó là sức nặng của một tan rã giá trị, tan rã triệt để ! Anh thần người ! Sao lại thế nhỉ ? Ai bắt anh ta nói câu ấy ? Ai bắt anh ta nói ? Thuấn méo mặt, như có ai đó vừa thọc vào tim…

    Vẫn không nhìn ai, anh Nam cởi áo lau mồ hôi mặt, đi thẳng ra hè sau. Thuấn ngơ ngác, nhìn quanh quất căn nhà trống trơn của chú Khiêu. Trên tường nứt nẻ kia, móc một tấm lịch hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ cứt ruồi đầy mặt, áo xống loang lổ bụi thời gian, “ lốc ” lịch vẫn còn nguyên không ai xé ! Bên này, xót lại bàn thờ tổ tiên hoang lạnh, nơi có hai túi quà cam sữa của anh chễm chệ như khách quý ! Đột ngột, trong một tích tắc như có một sức mạnh vô hình lôi anh, anh nhoài người về phía ấy để làm một tên tiểu nhân hèn mạt, một gã vô liêm sỉ, một thằng côn đồ táng tận lương tâm, để giật lại hai túi quà đem đi chỗ khác. Đem đi chỗ khác cho dù quăng đi cũng được, bởi thế nào, thím Xanh và anh Nam cũng sẽ ăn ! Nhưng không, một tích tắc qua rồi, anh đã ngồi thẳng lại. Anh đã không làm được ! Cho dù có rứt xé, anh vẫn là anh, một người tên Thuấn ! Cái tên là ngôi nhà của anh, cũng là ngôi mộ của anh ! Rồi cũng thật đột ngột, anh quay nhìn chú Khiêu để xem chú còn hay mất. Chú Khiêu vẫn còn… Chú đang cắn chặt hai hàm răng chú đã lún mất vào nướu, đôi mắt nẹt lửa. Trông chú như vừa run, vừa cười, vừa khóc. Tất cả những cái ấy chú đã nuốt vào bụng, và ngay nơi cái vùng gan đau nơi bụng ! Chú cuộn người như cái lò xo trong sự yên lặng cực kỳ ! Từ người chú, không phát ra bất kỳ một âm thanh nào, cho dù âm thanh hơi thở ! Anh đang xem một đoạn phim câm cực kỳ câm lặng ! Cái nghèo bọc lấy sự hoạn nạn đã bốc khói ! Tại sao bốc khói ? Tại vì những thứ đẹp đẽ đã cháy rồi ! Và, cũng thật đột ngột, anh cũng y như chú Khiêu, răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, môi mím lại, anh vụt đứng dậy, quăng chai dầu gió xanh lại cho thím Xanh, bước nhanh ra khỏi nhà, mang theo một lòng thương kỳ lạ đến ác độc, là thương… tại sao chú Khiêu không chết đi, để ra được khỏi nhà !

    Anh loay hoay với lòng thương kỳ lạ ấy, buổi sáng đã biến mất, quên cả thăm bà Mển như chương trình…/.


    Ngô Phan Lưu.
    Thành phố Tuy Hoà 11/2006

  5. #75
    Tham gia
    28-09-2008
    Bài viết
    3
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    các truyện đều rất là hay... sâu sắc, thấm thía...đề cao tinh thần nhân ái, hạnh phúc gia đình mà con người phải trải qua 1 thời gian chung sống với nhau,chia sẻ cho nhau tình thân mới có thể nhân ra đc. cám ơn các bạn đã đăng truyện.... và mong rằng các bạn tiếp tục phát huy ....

  6. #76
    Tham gia
    09-06-2008
    Location
    Cần thơ
    Bài viết
    74
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post
    Hay quá cám ơn các anh chị đã sưu tầm và post lại
    Được sửa bởi ngothanhvan1972 lúc 10:56 ngày 24-11-2008

  7. #77
    Tham gia
    01-06-2006
    Bài viết
    213
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Lâu lâu đọc truyện thấy cũng vui vui

  8. #78
    Tham gia
    17-06-2008
    Bài viết
    1,079
    Like
    522
    Thanked 325 Times in 237 Posts
    Buổi sáng biến mất

    Giải nhất Truyện ngắn 2006-2007 của báo Văn Nghệ

    Xóm Ao hiện có hai người bệnh trầm trọng. Rất nặng. Nặng đến mức, giờ đây cái chết nhẹ ngang bằng hơi thở. Đó là chú Khiêu chồng thím Xanh. Đó là bà Mển vợ lão Sùng. Cả hai đã là trái banh trong chân đội banh Nhà Thương. Đội banh ấy đã cố gắng chuyền nhau, không cho lọt vào “ gôn ” Tử Thần, nhưng đều thất bại, để trái banh bị lủng, và cũng vì đá quá, cuối cùng xẹp hơi… Ruộng rẫy, bò trâu đã bán sạch. Gia đình họ đang trên bờ vực thẳm… Chú Khiêu ung thư gan thời kỳ chót ! Bà Mển ung thư phổi thời kỳ chót ! Chờ chết !
    Tổng quát, tình hình là như vậy, bi thảm là vậy. Đó là lý do sáng nay, Thuỳ đưa hai túi ny lông đựng cam sành và sữa hộp cho Thuấn :

    – Anh đi thăm họ nhanh lên… Chần chừ sẽ không kịp thăm !

    – Họ ăn được gì mà cam với sữa. Tiền tốt hơn.

    – Họ ăn bằng mắt.

    Thuấn nín lặng trước câu nói của vợ. Phải ! Người sắp chết không ăn gì, nhưng phải có đồ ăn để thấy !

    Thuấn xách hai túi cam, sữa, vội vàng ra khỏi nhà, quyết định đến chú Khiêu trước. Anh bước nhanh, tâm trạng bồng bềnh…

    Vừa bước chân lên thềm nhà, Thuấn đằng hắng mấy cái… Thấy Thuấn, thím Xanh lật đật bỏ cái thúng đan dở, đứng dậy thoăn thoắt ra cửa, xìa tay đỡ cả hai túi cam và sữa, đặt lên chiếc bàn gỗ tạp xiêu vẹo nơi hiên, miệng phát tía lia như súng liên thanh khạc đạn :

    – Chú mày cứ đòi chết, đòi chết, đòi chết… ăn được gì mà mua nhiều thế này, thế này… Cứ đòi chết, đòi chết… không thèm sống, không muốn sống… Cứ đòi chết…

    Xổ xong tràng âm thanh khoẻ mạnh ấy, thím nhanh nhẹn chuyển hai túi quà vào đặt trên bàn thờ tổ tiên, đoạn trở lại nơi góc phòng, đan tiếp cái thúng dở dang, dường như Thuấn không có mặt ở đấy, bình thản đến lạnh lùng. Thuấn chưa kịp mở miệng nói gì được. Gặp thím là anh câm luôn !

    Chú Khiêu được đặt nằm trên chiếc chõng tre sát cửa sổ không cánh, trông thật hoang vu. Da chú màu vàng pha xanh như màu trái bưởi non. Có mấy chiếc lá vàng bị gió quật bay vào đậu trên ngực chú. Anh kéo chiếc ghế đẩu vuông nhỏ, ngồi cạnh giường. Vừa nhặt mấy chiếc lá trên ngực chú quăng ra ngoài, vừa nói động viên :

    – Chú lạc quan lên, coi nào ! Cứ đòi chết, đòi chết… chết thật đấy ! Cái chết mà bực lên nó không tha ai đâu!

    Chú Khiêu nhăn nhó, miệng móm riết, nói đứt quãng :

    – Sống mà đòi chết là… người ngu ! Sắp chết mà đòi sống… lại càng ngu hơn ! Chú không phải người ngu !

    Thuấn sững sờ nhìn chăm chú chú Khiêu. Dường như đằng sau lưng câu nói của chú là một khoảng mênh mông cay đắng. Mà cũng dường như câu nói ấy không phải nói với anh, nó dường như một tảng băng trôi về hướng thím Xanh đang ngồi thản nhiên đan thúng. Khuôn mặt vàng pha xanh hốc hác, đôi mắt lõm sâu không nhìn ai cả của chú Khiêu khiến anh nao lòng. Đôi mắt nhìn vào bên trong, thấy sự tan tành một kiếp người một cách kiên cường tuyệt vọng. Nó ráo hoảnh đến se sắt ! Đột ngột, chú Khiêu oằn người, mặt nhăn riết, mồm méo xệch, mắt nhắm nghiền, tay ôm bụng. Có lẽ có một cơn đau vừa dạy lên nơi bụng, từ gan… Thuấn luống cuống… Phải ! Chú Khiêu nói phải ! Đau đớn mà đòi sống, đúng là người ngu ! Phải đòi chết cơ, như chú đã đòi ! Có lẽ, cạnh những chân lý năm tháng dài hạn, còn có chân lý phút giây ngắn hạn. Mà cái chân lý phút giây ngắn hạn ấy lại có thể là chân lý vĩnh hằng ! Một màn sương hiu hắt vừa rớt phủ vào Thuấn, anh thấy chú Khiêu vừa mờ đi… Ở đấy, trong cái màn sương hiu hắt ấy, sự háo hức, cái vui hơn hớn, cái kiêu hãnh, những tự xưng giá trị… không dám bước vào, bởi chúng bé mọn quá, tầm thường quá !

    Biết làm sao được, Thuấn cũng lại phải an ủi, động viên chú Khiêu với một ý thức rõ, mình đang đuổi trung thực ra khỏi mình :

    – Nói thế sao được, hả chú ? Cứ xem lão Phiệt đấy, cũng trầm trọng chí tử liên miên, mua hòm trước có đến ba lần, đều cất đấy chờ mọt ăn. Vậy mà nay vẫn sừng sững chén thịt chó…

    Chú Khiêu quay mặt lơ đãng ra cửa sổ, nơi có tiếng hót trong veo, ríu rít của mấy chú chim sâu trong khóm lựu xơ xác. Chú lại nói, giọng yếu ớt :

    – Mua hòm trước là… người khôn ! Không mua hòm trước là … kẻ dại ! Chú đã dại ! Chết rồi, ai mua ?

    Thuấn lại nín lặng. Cái nín lặng buộc anh nín lặng. Lại cũng ở tầng sâu câu nói ấy, trùng trùng cay đắng oán hờn ! Thì ra, tất cả những gì không phải xương thịt trong chú Khiêu, đã tan vỡ ! Ừ, phải và có thể, chân lý mà không riêng lẻ, là không chân lý nữa rồi ! Làm gì có chân lý ngắn ngày, dài ngày, làm gì có vĩnh hằng, giây phút, có lẽ chỉ có chân lý riêng tư mà thôi ! Lại một màn sương hiu hắt đậm đặc hơn, tiếp xuống ! Câu nào anh thốt ra đều hỏng trước chú ! Ngồi cạnh chú, anh thẫn thờ…

    Lúc này, có chú y tá bước vào nhà. Đã tới giờ chích moọc phin giảm đau. Thuấn hỏi vu vơ, không nhìn chú ta :

    – Không có ánh sáng à ?

    – Tối thui ! Gan trầm trọng !

    Nghe thế, Thuấn quay lại, xua tay… Nhưng chú y tá đã cười :

    – Chú ấy rõ rồi ! Vợ con chú ấy đã nói vào tai : “ Gan ông đã nát rồi ! ”.

    Nghe thế, Thuấn hụt hẫng, đột ngột chơi vơi vào một vùng mênh mông im lặng. Một vùng không tên. Một vùng chết. Một vùng tê liệt… Như một phản xạ, Thuấn nhìn chăm chú vào chú Khiêu. Trên khuôn mặt gần như lần đầu, không có gì xảy ra cả. Cái chết đã là bạn thân quý của chú rồi ! Và, rõ ràng chú chờ người bạn ấy. Không những chờ, mà còn quý người bạn ấy. Một người bạn im lặng âm u, không hình hài vậy mà rộng lớn vô cùng, chân thành thân thiết với bất kể ai, bất kể tuổi nào !

    Chú y tá đóng xong mũi moọc phin, xách túi ra về, chẳng nói gì, cũng không chào ai… Rõ ràng là chú ấy không muốn nán lại.

    Cõ lẽ đã bớt đau, chú Khiêu thều thào :

    – Có ai đưa tôi chai dầu !

    Thuấn vội hỏi :

    – Ở đâu ? Tôi lấy cho.

    Nghe thế, thím Xanh từ góc phòng, ngừng đan thúng, móc trong túi áo chai dầu lèo xanh, quăng đến cho anh. Anh không ngờ thím lại quăng, nên chụp lấy không kịp, chai dầu lèo rớt ngay trên bụng chú Khiêu. Quả là nó rơi trúng ngay vùng gan đau. Mặt chú Khiêu méo mó, xám trắng vàng xanh lẫn lộn, mắt cụp lại, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cố chịu cơn đau, không cho bật ra một tiếng rên la đau đớn nào ! Thuấn hốt hoảng nhặt chai dầu xanh lên. Anh sững sờ. Chai dầu còn mới nguyên, vỏ giấy chưa bóc, loại dầu xanh Con Ó, giá thị trường khoảng bốn chục ngàn đồng. Cổ họng anh đắng nghét, khô khốc, anh nuốt nước bọt hơi đau, như vừa bị viêm họng. Một tia sáng vừa xoẹt ngang, tia sáng xuất phát từ chai dầu gió xanh : Có lẽ vì có anh, nên thím Khiêu mới quăng ra chai dầu, mà có lẽ cũng vì có anh, nên chú Khiêu mới đòi thoa dầu ! Trong anh, tất cả nhà này đều rơi lả tả, vỡ tung… Làm gì có chân lý chung, riêng, ngắn hạn, dài hạn. Chúng đã thành rác rồi !

    Ngay lúc này, vang tiếng chân nặng nhọc bước vào nhà. Đó là anh Nam, con trai chú Khiêu. Anh đang vác một bao lúa trên vai, mồ hôi chảy như suối. Có lẽ, anh ta đã đi vay mượn từ khá xa đem về. Trông anh rất mệt. Anh không chào Thuấn, nhưng Thuấn lại vụt đứng dậy, hỏi một câu ngớ ngẩn đến lợm giọng :

    – Sao ? Bác sĩ bảo sao ?

    Thuấn biết câu hỏi của mình là câu hỏi thừa thãi, chức năng của nó chỉ là biểu hiện sự luống cuống để thay lời chào vô duyên. Nếu chẳng có ai trả lời, nó sẽ rơi vào lại chính anh, để không biết ném đi chỗ nào ! Anh Nam quăng bịch bao lúa xuống nền nhà, bụi lúa bay vất vưởng. Giọng anh khô khốc :

    – Bảo sao à ? Như chiếc xe trành ! Chế chút xăng vào, lại rống lên ! Chờ ra bãi thải !

    Câu trả lời anh Nam tuôn ra, mang một sức nặng lạ thường, đã ấn nhẹp Thuấn phịch lại xuống ghế đau điếng ! Đó là sức nặng của một tan rã giá trị, tan rã triệt để ! Anh thần người ! Sao lại thế nhỉ ? Ai bắt anh ta nói câu ấy ? Ai bắt anh ta nói ? Thuấn méo mặt, như có ai đó vừa thọc vào tim…

    Vẫn không nhìn ai, anh Nam cởi áo lau mồ hôi mặt, đi thẳng ra hè sau. Thuấn ngơ ngác, nhìn quanh quất căn nhà trống trơn của chú Khiêu. Trên tường nứt nẻ kia, móc một tấm lịch hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ cứt ruồi đầy mặt, áo xống loang lổ bụi thời gian, “ lốc ” lịch vẫn còn nguyên không ai xé ! Bên này, xót lại bàn thờ tổ tiên hoang lạnh, nơi có hai túi quà cam sữa của anh chễm chệ như khách quý ! Đột ngột, trong một tích tắc như có một sức mạnh vô hình lôi anh, anh nhoài người về phía ấy để làm một tên tiểu nhân hèn mạt, một gã vô liêm sỉ, một thằng côn đồ táng tận lương tâm, để giật lại hai túi quà đem đi chỗ khác. Đem đi chỗ khác cho dù quăng đi cũng được, bởi thế nào, thím Xanh và anh Nam cũng sẽ ăn ! Nhưng không, một tích tắc qua rồi, anh đã ngồi thẳng lại. Anh đã không làm được ! Cho dù có rứt xé, anh vẫn là anh, một người tên Thuấn ! Cái tên là ngôi nhà của anh, cũng là ngôi mộ của anh ! Rồi cũng thật đột ngột, anh quay nhìn chú Khiêu để xem chú còn hay mất. Chú Khiêu vẫn còn… Chú đang cắn chặt hai hàm răng chú đã lún mất vào nướu, đôi mắt nẹt lửa. Trông chú như vừa run, vừa cười, vừa khóc. Tất cả những cái ấy chú đã nuốt vào bụng, và ngay nơi cái vùng gan đau nơi bụng ! Chú cuộn người như cái lò xo trong sự yên lặng cực kỳ ! Từ người chú, không phát ra bất kỳ một âm thanh nào, cho dù âm thanh hơi thở ! Anh đang xem một đoạn phim câm cực kỳ câm lặng ! Cái nghèo bọc lấy sự hoạn nạn đã bốc khói ! Tại sao bốc khói ? Tại vì những thứ đẹp đẽ đã cháy rồi ! Và, cũng thật đột ngột, anh cũng y như chú Khiêu, răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, môi mím lại, anh vụt đứng dậy, quăng chai dầu gió xanh lại cho thím Xanh, bước nhanh ra khỏi nhà, mang theo một lòng thương kỳ lạ đến ác độc, là thương… tại sao chú Khiêu không chết đi, để ra được khỏi nhà !

    Anh loay hoay với lòng thương kỳ lạ ấy, buổi sáng đã biến mất, quên cả thăm bà Mển như chương trình…/.


    Ngô Phan Lưu.
    Thành phố Tuy Hoà 11/2006

  9. #79
    Tham gia
    13-09-2008
    Bài viết
    8,797
    Like
    3,392
    Thanked 1,692 Times in 891 Posts
    Câu chuyện nó sao sao ấy!?

    ---------------
    Nhớ lúc nhỏ..xem trên báo cũ(trước 75)truyện ngắn (quên tựa)của Henrich Boll-người Đức...hình như truyên nầy được giãi thưởng...chắc Nobel quá!

    Mình không nhớ rỏ bởi khi đọc truyện ấy mình nhỏ quá...đọc rồi lại quên(vẩn cứ thế).Tờ báo đăng truyện nầy đâu năm 72 hoặc 73 gì đó.Lúc đó ,mình còn ở ..đâu đâu ,chưa về trái đất nầy.
    Mình sẻ tìm thử ,Google tìm dùm mình chứ...Nếu có mình post cho các bạn xem!

    [=========> Bổ sung bài viết <=========]

    Suốt cả tiếng tìm kiếm nhưng không có kết quả (Google tìm không được).Chỉ cho tựa của truyện ngắn mà mình đọc hồi đó:Câu chuyện ngoài bến tàu của Heinrich Boll.Bạn nào tìm được Post lên xem.Hay lắm!
    Được sửa bởi acaxomcui lúc 07:54 ngày 29-03-2009 Reason: Bổ sung bài viết
    Khó quá, không thèm ký

  10. #80
    Tham gia
    17-06-2008
    Bài viết
    1,079
    Like
    522
    Thanked 325 Times in 237 Posts




    Hợp Đồng Của Quỷ

    - Nguyễn Danh Lam


    - Cậu hãy bám theo cô ta từ địa chỉ này, trước 0 giờ. Sau đó đạp vào mũi xe cô ta, hoặc làm thế nào đó tùy cậu, lúc cô ta chạy qua cầu, nhớ là phải lựa ngay đoạn thanh sắt đã gãy, chỗ tôi sẽ chỉ cho cậu. Số tiền này sẽ thuộc về cậu.



    - Thời hạn bao lâu?

    - Càng sớm càng tốt. Mà thôi, một tháng được không? Chắc chắn rồi, một tháng, tôi không thể chờ lâu hơn.

    - Ông thông cảm, đây là việc tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ làm trong đời. Nhưng...

    - Tôi biết, rất biết cái chữ nhưng của cậu. Cậu cần tiền!

    - Tại sao ông nghĩ vậy? Trong khi ông chưa hề gặp tôi, chẳng biết tôi là ai...

    - Người ta không cần phải lên đến mặt trăng mới biết trên ấy không có nước.

    - Mà tại sao ông lại chọn tôi để nhờ việc này?!

    - Tôi chọn ngẫu nhiên.

    - Ngẫu nhiên? Ngẫu nhiên mà ông biết tôi cần tiền?

    - Ai không cần tiền, nào, cậu chỉ cho tôi quanh đây có ai không cần tiền? Tôi biết, cậu có thể nhìn vào mặt tôi và nói một câu cũ rích: Tiền bạc không phải là tất cả! Nhưng tôi nói lại cho cậu nghe: Người ta không thể làm bất cứ điều gì, nếu không có tiền!

    ***

    Đêm cuối thu. Lạnh. Ánh đèn soi rờn rợn mặt nước sâu đen. Anh ném thử một cục đá. Dường như không phải tiếng "tõm" quen thuộc, mà là một âm trầm đục hơn, đó là tiếng "phụp". Như vậy là nước rất đặc. Một đoạn lan can bê tông đã gãy, trơ ra mấy đầu sắt hoen gỉ. Từ đó xuống mặt nước, khoảng cách chừng bốn mét. Một người lộn xuống, cái chất đen đặc dưới kia sẽ nuốt chửng toàn bộ. Y như một nấm mồ được lấp tự động. Và cô ta sẽ chìm.

    Mất dấu vĩnh viễn.

    Mặt anh đầy nước. Một thứ nước cay cay, nhớt, không rõ là gì. Ngoài lộ, xa tít tắp, có tiếng còi xe cứu thương, âm thanh mồn một, ít ra lúc này cũng là ba giờ sáng. Anh quờ tay. Cái bì thư dày cộm vẫn nằm dưới gối. Một số tiền khiến anh hoảng loạn. Nó vẫn ở đó, tất cả là sự thực. Sự thực như ba đêm rồi trôi qua, anh choàng dậy nửa khuya, vẫn thấy nó ở đó. Cái bì thư đã rã ra, hở cả cạnh, mấy tờ bạc lấp ló.

    ***

    - A lô, công việc của cậu đến đâu rồi? Cái điện thoại xài được chứ? Cậu nghe tôi nói rõ không?

    - Cảm ơn, nghe rõ. Hay là...

    - Cậu đã cầm tiền của tôi. Việc chẳng thể "hay là" được nữa rồi! Tôi khuyên cậu đừng nghĩ đến việc chạy trốn hay hủy bỏ hợp đồng với tôi. Tôi vẫn còn nhiều cái bì thư như thế, để đưa cho nhiều thằng khác nữa giống cậu. Và đêm trước là cô ta, hôm sau đến lượt cậu. Dòng sông ấy đủ chứa vô số người mà! Hê hề, mà tôi đùa đó...

    - Tôi không thích đùa kiểu này chút nào.

    - Rồi, vậy không đùa nữa. Bản chất tôi cũng chẳng thích đùa chút nào. Đêm qua cô ấy về lúc mấy giờ?

    - Tôi chưa nhận diện được cô ấy. Thật tình tôi đã đứng và chờ, nhưng hình như cô ấy không đến điểm mà ông dặn.

    - Rồi cô ta sẽ đến. Cậu đã mất ba ngày trong số ba mươi ngày rồi đó. Tôi dặn lại một lần nữa nhé. Cô ta luôn mặc toàn màu đen. Đấy, đấy chính là lý do tôi chọn cô ta. Tôi thích những gì màu đen.

    - Nhưng tôi có dính dáng gì đến màu đen đâu? Sao ông chọn tôi?

    - Cậu có màu đen trong mắt, trong não, trong tâm hồn. Thôi, tôi nhắc lại, cậu đã mất ba ngày trong số ba mươi ngày.


    ***

    Anh dừng xe chếch mé điểm đợi. Ánh đèn từ tầng trên hắt xuống xanh rì. Dưới trệt, hai cánh cửa khép chặt, thi thoảng một người lách ra. Phố vẫn đông. Hơn mười giờ khuya, đêm lạnh đẫm, anh vẫn nghe cổ khát cháy. Đẩy xe bằng hai chân, anh ghé một bà già bán nước rau má bên lề đường. Mua một bịch, anh rít hai hơi đã nghe róc róc. Chất đường trong bịch nước càng khiến cổ họng anh khô hơn. Nếu dò hỏi bà già để tìm kiếm thêm thông tin, anh biết là một việc ngu xuẩn. Bà ta đã thấy rõ mặt anh. Anh nổ máy, cho xe lao đi thật nhanh, như chỉ là một khách qua đường. Đảo một vòng, anh quay lại lề bên kia, tìm một vị trí để bà già bán nước rau má khỏi thấy mặt.

    Mười một giờ hơn, cô ta xuất hiện. Một bộ đen tuyền từ trên xuống dưới. Sắc đen khiến anh rùng mình. Có một tiếng động lanh lảnh như tiếng kim loại va vào nhau vang lên từ vô thức, khiến anh co rúm người. Cô ta đi một mình. Anh tính trong đầu khoảng thời gian chạy xe từ đó đến đoạn cầu có lan can gãy. Khoảng nửa tiếng. Như thế là gần 0 giờ. Nếu đêm nay là đêm trừ tịch, một con người sẽ rụng xuống dòng sông ngay cận phút giao thừa. Anh tin, đó là những phút đậm đặc tính chất ma quỷ, trước khi một ngày mới bắt đầu. Anh sẽ trộn mặt mình vào đám ma quỷ ấy, có lẽ thượng đế sẽ khó lòng nhận diện anh hơn?

    Cô ta đảo mắt nhìn lại phía sau, cho xe quành sang lề đường bên kia. Anh giật choàng mình thêm lần nữa. Điểm cô ta tấp vào chính là cái thùng của bà già bán nước rau má. Cho đến lúc ấy anh mới ngẫm ra, dường như có một sự quái đản nào đó. Một bà già bán nước rau má bên lề đường, vào lúc nửa khuya của một đêm cuối thu se lạnh. Chất nước khi nãy dâng lên cổ họng anh, sền sệt tanh. Anh nuốt vội xuống một ngụm hơi, đẩy tất cả trở lại vị trí cũ. Hai bàn tay lớp nhớp, anh chùi xuôi mé đùi.

    Cô ta không uống rau má, mà nói đôi câu gì đó với bà già. Gương mặt trắng trên cái cần cổ cũng trắng xoay dọc con đường. Anh ngẩn người trên yên xe. Cô ta quá đẹp. Một sắc đẹp trẻ thơ. Thời gian dường như chưa bao giờ ngưng tụ một giây phút nào trên ấy. Nó trong suốt. Cô ta lại đảo xe. Anh hụp vội xuống nhìn mặt đường. Tia đèn lia ngang tầm ngực anh. Không thể ngăn được một cái ngước lên, ánh mắt anh va phải mắt cô ta. Ánh đèn phía đuôi xe lừ lên trong khoảnh khắc cô ta bẻ cua nơi ngã tư. Anh vẫn chưa kịp nổ máy.

    ***

    - Đêm nay tình hình thế nào rồi, anh chàng của tôi?

    - Tôi đã nhận diện được cô ấy.

    - Tốt lắm. Nhưng mới chỉ nhận diện thôi sao? Mà có đúng là cô ta không?

    - Căn cứ theo những điều mà ông mô tả, địa chỉ ấy, giờ giấc ấy, trang phục ấy... Tôi tin đó đúng là cô ta. Nhưng...

    - Cậu lại nhưng nữa rồi...

    - Nhưng có chắc đó là người mà ông muốn...?

    - Nếu không muốn, tại sao tôi lại phải thuê cậu? Tôi dùng chữ thuê thẳng thừng nhé.

    - Tôi muốn biết, nhất định phải biết điều này, tôi mới làm theo những gì mà ông cần: Tại sao ông lại muốn làm thế với cô ta? Cô ta nợ ông điều gì?

    - Tò mò không phải là đức tính của người làm những công việc thế này. Có điểm nào đó ở cô ta khiến cậu chùn tay chăng?

    - Ít ra, tôi cũng thấy đó là một vẻ mặt rất ngây thơ.

    - Tôi đã đoán trước điều này. Đó là sai lầm của cậu. Và đến lúc tôi cần phải cảnh cáo chính thức với cậu. Cậu nhìn thấy vẻ ngây thơ nơi cô ta, vậy là cậu chùn tay. Và cậu sẽ là người thay thế cô ta đấy!

    - Trời ơi, sao lại là tôi? Sao lại là tôi? Ông thật là quái đản!

    - Tôi đoán, cậu còn muốn dùng nhiều từ ngữ nặng nề hơn nữa. Cậu muốn nguyền rủa tôi là con quỷ đội lốt người? Nhưng tôi còn thua xa quỷ! Mà thôi, cứ cho tôi là quỷ đi. Vậy, con xúc xắc trong tay tôi đã lăn vào cửa cậu, nghĩa là cậu phải làm! Thế nhé. Cậu đã mất thêm một ngày nữa rồi đấy.

    ***

    Anh đập mạnh vào hai cánh cửa kéo, miệng thì thào qua khe hở:

    - Làm ơn... Tôi muốn mua rượu!

    Trong nhà có giọng càm ràm:

    - Sáng mai rồi mua, giờ không bán nữa.

    Ba bốn cánh cửa đều như thế. Anh quyết định vòng xe lại bãi chợ. Đoạn đường khá xa, nhưng nếu trở về với cái đầu chưa mụ đi bởi hơi men, anh biết mình không thể nào thiếp đi được.

    Anh gọi một chai thứ rượu hạng bét, màu nhờ nhờ, mùi hăng hắc. Thứ rượu dành cho cánh phu xe nửa đêm về sáng, chẳng biết người ta bỏ những gì trong đó. Giờ này, chốn này, chỉ có loại rượu ấy.

    Với số tiền còn để trong cốp xe, anh thừa mứa để có hàng trăm đêm khướt ra với những món đốt đời, hoặc làm người ta lịm đi. Nhưng nó khiến anh hoảng sợ mỗi lần nghĩ tới. Tuy nhiên, để nó ở nhà anh lại chẳng yên tâm. Thành thử hễ anh đi đâu, nó theo đó, ngay ngáy như một khối thuốc nổ dưới yên ngồi. Giá một chút nữa đây, trong phút lảo đảo trên đường về, có kẻ nào đó biết khối tài sản dưới cốp xe anh, chặn lại, lủi cho anh một dao vào ngực. Thế mà lại nhẹ nhàng.

    Cô ta xuất hiện. Như một nghi thức, đảo xe vòng sang chỗ bà già bán nước rau má. Và không hề uống. Mưa đổ lây rây. Khuôn mặt trắng tái dưới chiếc mũ trùm đầu của áo mưa. Một cái áo mưa đen. Phố vắng hơn đêm trước, cũng mười một giờ hơn. Anh thụt xe vào một con hẻm gần đó, mũi xe hướng ra. Cô ta vừa vút qua, anh nổ máy, bám theo. Phía trước, cách chừng trăm mét, cái đèn lái đôi lúc nháy lên, đỏ rợn.

    Một mình, nhưng anh có cảm giác đang đứng giữa sân vận động đã tắt đèn, nơi tâm điểm của vòng tròn chính giữa sân. Xung quanh, khán giả vẫn yên vị, dõi mắt xuống. Tất cả đều câm lặng. Một phần mười triệu con mắt như một bầy cá rỉa vào gáy anh đang nổi bập bềnh.

    Anh trôi. Sau đuôi ánh đèn xe ma ám. Cây cầu hiện ra, mưa xiên xiên, vàng vọt, càng lúc càng nặng hạt. Anh nghiến răng tăng ga. Hai chiếc xe đã song song. Khuôn mặt dưới áo mưa như chờ sẵn, hướng sang anh. Một nụ cười. Anh lảo đảo, tay lái bên trái đập mạnh vào thành cầu. Chiếc xe gấp vuông trước khi lết ngang mặt xi măng. Nước tóe lên. Một tiếng két của thắng xe. Cô ta ngoảnh lại:

    - Xin lỗi, anh có sao không? Tôi không hề va chạm với anh mà.

    Anh như nghe thấy trong đầu gối có tiếng rào rạo. Ba bốn chiếc xe khác cùng lao lên mặt cầu:

    - Mưa thế này, đường trơn lắm...

    - Anh có sao không? Có cần đưa vào bệnh viện không?

    Cô ta bước hẳn xuống xe. Gương mặt trắng lạnh cúi xuống mặt anh đang nhăn nhó vì đau. Một người hỏi:

    - Anh ấy là bạn cô phải không?

    - Vâng, bạn tôi. Mọi người cứ đi. Chúng tôi thu xếp được.

    Anh cắn chặt môi dưới, dựng xe lên, quên cái đầu gối chắc chắn không được ổn.

    - Cái này của anh phải không?

    Bàn tay trắng muốt chìa ra. Anh suýt chúi xuống thêm lần nữa. Khi chiếc xe lật ngang, gói tiền đã văng ra khỏi yên xe mở bung.

    - Vâng, của tôi, của tôi! Cảm ơn cô.

    - Anh có chắc là sẽ chạy xe về nhà được không?

    - Tôi không sao... Cảm ơn cô.

    Thêm một nụ cười. Cái đuôi xe đỏ nhòa dưới những vạt mưa đan dày

    Anh ngồi chờ cuộc gọi như thông lệ. Ba mươi phút trôi qua. Máy báo tin nhắn "Cau da mat them mot ngay nua". Toàn bộ xương cốt hóa lỏng, trôi tuột ra khỏi cơ thể anh. Bàn tay run bắn, anh bấm phím gọi lại:

    - Sao ông biết tôi chưa làm gì cô ta đêm nay? Ông cho thêm kẻ theo dõi tôi à?

    - Có cần phải làm thế không? Chẳng phải cậu đã bảo tôi là quỷ sứ sao? Quỷ sứ thì có gì là không biết chứ.

    - Đúng, ông là đồ quỷ sứ. Tôi sẽ không thực hiện hợp đồng này nữa. Mặc xác ông với trò chơi quái gở này. Đêm mai, ông hãy gặp để tôi trả lại số tiền. Tôi vẫn giữ nguyên đây. Nếu ông không gặp, tôi sẽ ném nó xuống sông, ngay vị trí ấy... Xem ông làm gì được tôi...

    - Cậu cứ làm thế đi. Khi cậu nói ra như thế, cậu sẽ chẳng dám làm đâu.

    Chỉ còn lại những tiếng tút dài.

    Tấm thân anh đổ ập xuống, cả cơ thể bốc hơi nghi ngút. Đám nước mưa bay lên từ bộ đồ ướt sũng, từ chiếc đầu gối rần rật.

    Đêm ấy, anh lên cơn sốt. Một mình.

    ***


    Suốt ba ngày liền anh không ra khỏi nhà. Trong cơn mê man, anh vẫn nằm chờ một cú gọi lại, hoặc một cái tin nhắn. Chiếc điện thoại vẫn im lìm. Nếu không có những cơn sốt liên tục ập đến, vùi anh vào trạng thái mê mị, chắc chắn anh đã đập đầu vào tường trong một khoảnh khắc cùng quẫn nào đó. Hắn ta đã chán cuộc chơi? Hắn ta tạm buông tha anh ít ngày, trước khi bước vào đợt khủng bố mới? Hay đơn giản nhất, hắn biết thừa tình trạng của anh lúc này và bỏ mặc anh?

    Trước sau gì, thời hạn vẫn còn đó, anh chẳng thể chạy đâu cho thoát, hoặc là anh, hoặc cô ta. Giả thiết một, nếu cô ta bị thanh toán đúng như hợp đồng, sẽ có hai kẻ đạt được mục đích: hắn và anh. Hắn thì dĩ nhiên rồi, phần anh với số tiền ấy dư sống cả một đoạn đời dài. Cô ta thì sao? Chẳng sao cả. Một cái bản lề lật qua, sau khi lộn xuống dòng sông, nếu là thiên thần, cô ta sẽ bay lên. Còn giả thiết hai, nếu anh bị thanh toán, sẽ chẳng ai đạt được mục đích cả. Ngay cả cô ta, hiểm họa vẫn nguyên đấy. Và một kẻ khác, anh không biết mặt, tiếp tục được cục xúc xắc trong tay hắn lăn tới. Bi kịch vẫn tiếp diễn.

    Coi như định mệnh đã chọn mình, anh không đập chiếc điện thoại vào tường, không đem số tiền ném xuống dòng sông, không tiếp tục những lời lẽ thách thức nữa. Ngay sau trận sốt này, khi anh đủ sức dắt xe ra khỏi nhà, hợp đồng sẽ được thanh lý. Đó là một cách để anh chiến thắng hắn, chiến thắng chính mình.

    ***

    - Tại sao suốt mấy ngày qua ông không gọi cho tôi?

    - À, chàng trai trẻ. Cậu đã dứt sốt rồi phải không?

    - Ông biết tất cả? Hừ, quỷ sứ, đúng là quỷ sứ. Tôi chấp nhận trò chơi này của ông. Có thể lắm, sau khi đẩy cô ta xuống sông, ôm trọn số tiền, tôi sẽ trích ra một phần tư, mướn một kẻ khác đẩy ông xuống vị trí ấy.

    - Một ý tưởng rất độc đáo, vô cùng độc đáo. Cậu dọa tôi đấy à?! Nhưng cậu có tin là tôi vẫn đợi một ngày, có kẻ dám làm như thế với tôi không? Nhưng hiện tại nó vẫn chưa đến. Vậy là tôi vẫn phải làm công việc này. Cụ thể là bản hợp đồng với cậu. Cậu vẫn nhớ rõ số ngày còn lại của mình đấy chứ?

    - Tôi nhớ rõ. Ngay đêm nay, hợp đồng sẽ được thanh lý. Sau đó, với số tiền, tôi sẽ giúp ông đạt ý nguyện, bị một kẻ nào đó đẩy xuống sông.

    - Tốt lắm chàng trai trẻ. Theo tôi biết, cô ta vẫn chưa thay đổi thời gian biểu, lịch trình. Chúc cậu thành công.

    ***

    Không phải một đêm mưa sụt sùi như lần trước. Mặt trăng thanh khiết, sáng lặng lẽ qua khe hở những tòa nhà và tàn cây. Anh quên tính đến khả năng này. Ánh trăng sẽ soi tỏ cả đoạn cầu, lúc sự việc xảy ra. Thật bất lợi cho anh. Nhưng anh chấp nhận tất cả, như một cuộc chơi, một định mệnh, một trò gieo xúc xắc.

    Bộ đồ đen hiện ra bên kia đường. Nếu không có ánh đèn, anh tin đó sẽ là gương mặt được tưới đẫm trăng, nổi lên trên sắc đen huyền bí ấy. Một họa sĩ có thể thay hai cánh tay của cô ta bằng một đôi cánh. Nó sẽ vỗ phía trên những đám mây ngũ sắc, hay một cái phông đầy cỏ non, thế là hoàn hảo hình tượng một thiên thần. Thiên thần không giới tính, thiên thần chỉ mang nét mặt trẻ thơ, quả đúng là gương mặt mà anh đang dõi mắt nhìn lúc này đây. Nhưng đã nhận hợp đồng với quỷ, anh sẽ thuộc về phía quỷ, sát hại những thiên thần.

    Cô ta chạy chậm. Thong dong. Thật hợp cảnh với một đêm trăng yên bình. Ánh đèn sau đuôi xe không còn bầm lên một sắc đỏ rờn rợn như những đêm trước. Nó như một vì sao bản mệnh, chỉ cho anh con đường phải đi tới. Anh giữ một khoảng cách vừa đủ. Với vận tốc này, thời gian đến cây cầu sẽ trễ hơn. Càng tốt cho anh. Đúng vào phút giao nhau giữa ngày và đêm, 0 giờ, anh sẽ lách qua khe hẹp của mọi phán xét. Ngay cả tội ác cũng có khoảnh khắc thích hợp cho nó.

    Cây cầu hiện ra. Bạc trắng ánh trăng. Xa nhà cửa. Xa con người. Gió rười rượi vuốt vầng trán anh bằng những sợi tóc. Cô ta bắt đầu tiến đến chân cầu. Anh cho xe thu ngắn khoảng cách. Cái đoạn lan can gãy quá đỉnh cầu một chút. Khi xe anh bắt đầu lên cầu, trên đỉnh cầu, cô ta đột nhiên dừng lại. Anh đạp thắng chúi nhủi, vờ quay lại sau quan sát bánh xe, như vừa cán phải vật gì đó.

    Cô ta dựng xe, bước xuống, tiến lại phía lan can. Anh dừng hẳn, vờ lúc lắc chiếc xe, trong khi mắt vẫn không rời mục tiêu bằng một cái nhìn nghiêng nghiêng. Bóng trang phục đen nổi bật dưới màu trăng sáng lóa trên đỉnh cầu. Cô ta vịn lan can, mặt hướng ra sông, gió thổi ngược mái tóc. Anh quyết định bước xuống, dắt bộ chiếc xe, tiếp cận mục tiêu. Lúc này, anh cho phép mình nhìn cô không rời mắt. Như cái nhìn ngẫu nhiên, tò mò của chàng trai nhìn một cô gái đẹp nửa khuya ra đứng trên cầu...

    Khi anh chỉ còn cách mục tiêu trên chục mét, cô ta bỗng rời bước, lững thững bước về phía đoạn lan can bị gãy, ánh mắt tò mò nhìn xuống mặt sông. Chỉ cần anh quẳng thật nhanh chiếc xe sang một bên, hợp đồng sẽ được thực hiện nhanh gọn đến không ngờ. Khoảng cách chỉ còn vài sải tay. Đúng lúc ấy, có tiếng máy xe tiến lên cầu. Anh ngoảnh lại. Một ánh đèn. Việc sẽ bị chậm lại khoảng vài chục giây. Chẳng sao. Anh tiếp tục đẩy xe tiến sát mục tiêu. Khi đã nhìn rõ mặt cô ta, anh dừng lại, thở dốc. Dắt chiếc xe vẫn nổ máy, để số, lên đến đỉnh cầu làm anh cũng thấm mệt.

    Cô ta quay lại nhìn anh. Một nụ cười. Vẫn nụ cười ấy. Anh có cảm giác cô ta đã quen anh từ lâu lắm, trước cả cái đêm xảy ra vụ té xe nọ.

    - Chào anh. Hình như anh thường đi làm đêm về giờ này? Cái chân anh đã khỏi hẳn chưa?

    - Cô... cô vẫn nhớ tôi sao?

    - Nhìn chiếc xe anh tôi nhớ ra. Chẳng phải nó vẫn bị trầy hết một bên sao...

    Anh gạt chống xe, thở hắt ra một hơi. Ánh đèn xe khi nãy vụt qua. Cô ta nheo mắt nhìn theo, nở một nụ cười vu vơ. Dường như thường trực trên môi cô ta là những nụ cười như thế. Một nụ cười tươi nguyên, nở cận kề phút giây định mệnh. Hình như lòng anh hơi chao đi tí chút.

    Không được, anh nghiến chặt răng, liếc nhanh đoạn lan can gãy, trong lúc ánh mắt cô ta còn dõi theo chiếc xe vừa qua cầu. Khoảng sông đen ngòm ngay sau lưng cô ta. Anh tiến lại, vờ lững thững dòm xuống. Cô ta hưởng ứng, dù tỏ ra đôi chút sợ sệt, tay vẫn bám mấy cọng sắt gỉ hở ra nơi đầu lan can. Anh tỏ vẻ an nhiên, một chân đá đá đoạn sắt gãy:

    - Nguy hiểm quá. Sao người ta không sửa lại đoạn gãy này...

    Câu nói của anh bị cắt ngang bởi một cú đẩy rất mạnh từ phía sau. Người anh xoay một vòng, tay kịp chụp cái mép lan can gãy. Thêm một cái đạp nữa. Khoảnh khắc cuối cùng, anh thấy mặt trăng sáng rực qua vai áo đen. Một gương mặt cũng đen, ngược sáng với ánh trăng.

    Cú rơi đậm đặc, không vọng một thanh âm.

    Mặt cầu vắng ngắt. Gió lùa một mảnh giấy vụn bay là là dưới trăng, trước khi đáp xuống mặt nước. Sắc trắng của mảnh giấy nhòa dần.

    ***

    - A lô, ông đấy phải không?

    - Thế nào, cô gái?

    - Hợp đồng đã được thanh lý.

    - Xin chúc mừng cô. Tôi thấy tất cả rồi. Đẩy luôn cái xe xuống sông đi nhé. Cô thật tuyệt vời!
    .

Trang 8 / 30 FirstFirst ... 356789101113 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •