Trang 5 / 30 FirstFirst ... 234567810 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 41 đến 50 / 295
  1. #41
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Nguyễn nhật Ánh

    Con mèo của con mèo

    Ở đời đôi khi sự túng thiếu cũng đem lại cho con người ta may mắn. Đó là trường hợp tôi. Một buổi chiều thứ bảy đẹp trời, tôi đến bưu điện để gửi mấy cuốn sách giáo khoa cho người bạn. Sau khi tuồn mấy cuốn sách đã được bọc giấy cẩn thận qua ô cửa vuông cho cô nhân viên ngồi đằng sau tấm lưới sắt, tôi đứng ngó bâng quơ ngoài trời, tôi gõ lên bục đá, miệng huýt sáo một điệu nhạc vui.
    - Anh cho một đồng?
    Tiếng cô gái vang lên. Tôi quay lại:
    - Cô nói sao?
    - Cước phí một đồng!
    Tôi móc túi. Còn đúng năm mươi xu. Tôi sục sạo túi áo: Chết cha! Rồi túi quần: Toàn giấy lộn? Mồ hôi bắt dầu lấm tấm trên mặt. Tôi lục hết túi trước túi sau, những ngón tay như muốn chọc thủng các lớp vải, với hy vọng một tờ năm mươi xu còn sót lại ở một xó xỉnh nào đó giữa các nếp gấp sẽ giải vây cho tôi. Nhưng mồ hôi lúc này đã nhỏ thành giọt mà phép nhiệm mầu nhất quyết không chịu xảy ra. Người con gái nãy giờ vẫn yên lặng quan sát những điệu bộ hỗn loạn của tôi. Cuối cùng thấy tôi có vẻ sắp sửa giật tung tất cả các thứ mặc trên người, nàng vội vã can thiệp.
    - Có chuyện gì vậy anh?
    Tôi lập tức ngừng tay, ngó lên, mặt đỏ bừng:
    - À, tôi đang tìm.
    - Cái gì? - Cô gái tròn xoe mắt.
    - Tôi đang tìm năm mươi xu.
    Cô gái bật cười. Trời ơi, má lúm đồng tiền. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ. Mắt sáng, nhiều màu đen, hơi lém lỉnh. Trán rộng có vẻ thông minh. Nhưng tuyệt vời nhất là đôi bím tóc. Mỗi khi nàng nói chuyện, nó cứ lúc la lúc lắc như muốn đánh vào tim người đối diện! Nhưng lúc này tôi không còn đủ sức để chiêm ngưỡng bất cứ một thiên thần nào nữa. Người tôi thoạt nóng thoạt lạnh như lên cơn sốt rét. Nhưng cô gái rất thông minh - Tôi đã bảo rồi mà - Nàng hỏi.
    - Anh thiếu tiền hả?
    - Ừa. - Tôi ngượng nghịu.
    - Thôi để hôm khác gửi.
    - Ấy, ấy không được đâu? Anh bạn tôi đang cần gấp mà. - Tôi giẫy nẩy.
    - Vậy thì đóng một đồng. Không còn cách nào khác.
    Cô gái hình như muốn chọc quê tôi. Và tôi quê thực tình. Bởi vì đúng là không còn cách nào khác. Tôi chìa tay ra, giọng ỉu xìu:
    - Thôi, được rồi, cô cho tôi xin lại.
    Dáng điệu thảm não của tôi hình như đủ sức bắt đá phải xúc động. Cho nên tôi thấy nàng tỏ vẻ thương hại:
    - Nói vậy chớ anh để đó, tôi gửi cho. Coi như tôi cho anh vay năm mươi xu. Mai anh ghé trả tôi.
    Tôi thở phào một cái nhẹ nhõm và lập tức giở giọng nịnh nọt:
    - Trời, cô tốt quá. Biết cảm ơn cô như thế nào!
    - Tôi tên My,
    - Thì cảm ơn My.
    Trước khi tôi hiên ngang ra về, My còn nhắc:
    - Anh nhớ nhé?
    - Tôi sẽ luôn nhớ tới My. - Tôi ba hoa.
    - Cái đó không cần lắm! Chỉ cần anh nhớ mai ghé lại trả tiền cho tôi là đủ rồi.
    - À à
    Tôi ấp a ấp úng vài ba tiếng rồi co giò chạy như bị ma đuổi. Khỉ thật.



    Tôi quen My từ hôm đó. Và cái bưu điện cổ kính kia chẳng bao lâu đã trở thành một vùng thánh địa đối với tôi. Tôi đến đó mỗi ngày, siêng năng như một con chiên ngoan đạo đi lễ nhà thờ. Chỉ khác một điều cơ bản: Con chiên đến với chúa, còn tôi thì đến với My. .
    My là Thanh niên Xung phong chuyển ngành. Một thời gian sau, tôi phát hiện ra điều đó. Nhưng cũng không có gì là quan trọng. Bởi tôi không cần biết Thanh niên Xung phong là thứ quái quỷ gì, chỉ mang máng là dân moi đất đào kinh chi đó. Chắc đại khái cũng như mấy ông chú tôi làm ruộng ở dưới quê. Có điều là nó có đội ngũ hơn - kiểu như bộ đội - và lao động cực khổ hơn - chắc là chốn đày ải gì đó rồi, thành ra tôi cũng không quan tâm đến nó lắm. Điều mà hiện giờ tôi đang tập trung sức lực và trí tuệ của mình là chuyện tình cảm của "chúng tôi''.
    Tôi đã đi chơi với My bao nhiêu lần, đã đến nhà My bao nhiêu lần - mà nhà My thì tuyệt diệu: bố mẹ thường xuyên đi vắng, My lại là con một, thường chỉ có hai đứa tôi - thế mà mấy tháng trời ròng rã, tôi vẫn chưa nói được với My ba tiếng ''Anh yêu em'' đơn giản mà bất kỳ người con trai bình thường nào cũng đều làm được.
    Tôi tự khất với mình một lần, hai lần, mười lần, rồi cả trăm lần. Tới lần thứ một trăm lẻ một, tôi đến nhà My với một quyết tâm sắt đá.
    My đón tôi với tất cả sự mừng rỡ:
    - A, anh Hảo đến chơi.
    - Trời, hôm nay My đẹp lạ lùng!
    Không biết trời xui đất khiến như thế nào mà thỉnh thoảng tôi cũng nói một câu nghe được. Nhập đề vậy thì nhất rồi! Tôi thấy My cười, tươi như một đóa hoa:
    - Chà, hôm nay anh ăn nói có duyên tệ!
    - Anh sẽ ăn nói có duyên hơn nữa cơ! - Tôi tiếp tục triển khai phần thân bài sau khi đã ngồi xuống ghế.
    My nhìn tôi, nghịch ngợm:
    - Thì anh cứ nói em nghe thử nào.
    Tới đây, sự tự nhiên và sự tỉnh khô của My làm tôi đâm lúng túng - Điều gần như đã thành tiền lệ, tôi co vòi:
    - Khoan, từ từ...
    Và cứ như thế, trong suốt câu chuyện, tôi ''khoan, từ từ'' đến gần hai tiếng đồng hồ vàng ngọc. Phải đợi đến khi kim đồng hồ chỉ 11 giờ kém 15, nghĩa là ba My sắp về, thì tôi mới hốt hoảng nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi thu hết can đảm, lắp bắp:
    - M...y...?
    - Gì anh?
    - Anh định nói với em... - Trái tim tôi đang đập điệu xì lô lập tức chuyển qua điệu phốc.
    Đôi mắt My mở lớn nhìn tôi chờ đợi. Ác hại thay, My không hề biết rằng cứ mỗi lần đôi mắt nàng xoáy vào tôi thì y như là bao nhiêu nhuệ khí của tôi tức khắc biến thành hơi, chui qua lỗ chân lông, bay mất. Lần này cũng thế, những lời lẽ trữ tình mà tôi đã hoài công chọn lựa và sắp xếp tự dưng biến dạng thành những câu nói vô duyên, rỗng tuếch và ngu ngốc nhất trên đời:
    - Anh định nói với em... cho anh mượn mấy cuốn sách...
    My nguýt tôi một cái:
    - Có thế mà anh cũng làm ra vẻ quan trọng.
    Lời trách của My khiến tôi vừa thẹn vừa tức. Thật là đồ chết nhát. Tôi đâm ra khinh mình thậm tệ. Cứ như thế này thì biết cơ hội nào mới đến với tôi đây?
    Nhưng ngay lúc đó, may mắn làm sao, cơ hội đã đến với tôi từ dưới gầm bàn. Tôi suýt tắt thở khi phát giác ra rằng My đang nhẹ nhàng đạp lên chân tôi. Trời ơi, cái cảm giác tê mê khi hai làn da tiếp xúc nhau khiến tôi xao xuyến khôn tả. Tôi lén nhìn My và bắt gặp ánh mắt dò hỏi của nàng. Nàng hỏi:
    - Bộ anh trúng gió hả? .
    Trời ơi, coi tỉnh chưa kìa? Tôi chưa thấy ai xuất sắc trong vai ngờ nghệch như My. Nhưng tôi vẫn trả lời, ỡm ờ:
    - Hình như... mà không phải... .
    Trong khi đó, chân tôi cố tình thúc nhẹ chân My, thăm dò phản ứng. Lập tức, bàn chân ấm áp, mềm mại kia đè mạnh chân tôi xuống. Trong lòng tôi lúc này sung sướng vô kể và tôi cứ để chân mình như thế, cầu mong nó mãi mãi như thế. Và tôi dám cá với tất cả mọi người rằng trong giờ phút thiêng liêng đó, hàng tỷ người trên trái đất bao la này, không có ai hạnh phúc hơn tôi cả. Hạnh phúc nhất là My ''giả vờ'' trêu tôi:
    - Hay là anh bị cảm?
    - Ừ, cảm nặng rồi, - Tôi lim dim mắt tình tứ.
    My ''giả vờ'' lo lắng:
    - Em đi lấy nước anh uống nhé!
    Tôi như bơi trong ánh sáng của tình yêu, giọng nũng nịu:
    - Ừ, anh muốn khô cả giọng đây.
    Nhưng khi My đứng dậy đi vào trong nhà thì cũng là lúc tôi té thê thảm từ trên mây xuống mặt đất. Cái gì nữa đây, trời ơi? Tóc trên đầu tôi dựng đứng cả lên. My đi rồi mà sao chân nàng còn đạp lên chân tôi, ấm áp? My ơi, em định giết chết anh sao? Tôi cúi xuống gầm bàn. Mấy đó sao đồ khốn nạn? Tôi hét lên lồng lộn và thò tay thộp cổ con mèo ăn hại đang nằm hiền lành trên chân tôi. Trong cơn giận điếng người đó, tôi tặng cho con mèo yêu quí của My một cú đá như trời giáng. Con vật bắn tung vào tường và kêu lên thảm thiết.
    My bước ra, tay đang cầm ly nước, thấy vậy kêu lên:
    - Trời ơi sao anh đánh nó?
    My đặt ly nước xuống bàn, rồi chạy lại ôm con mèo vào lòng và vuốt ve bộ lông mềm mại của nó, vỗ về như dỗ một đứa bé:
    - Miu Miu có đau không, hở Miu Miu?
    Trong khi đó tôi đứng ì một chỗ, lúng ta lúng túng và tự xỉ vả thậm tệ về hành động ngớ ngẩn, vũ phu và ngoài kế hoạch của mình.
    Đôi mắt My ngước nhìn tôi, đầy nghiêm khắc. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng hay nhìn tôi như thế mỗi khi tôi làm điều gì quấy. Cảm giác đó khiến tôi bất giác đưa tay lên gãi đầu, miệng ấp úng phân trần:
    - Lỗi tại nó... !
    - Nó làm gì anh? - Đôi mắt My vẫn dán chặt vào tôi.
    - Ai bảo nó nằm lên chân anh.
    - Thì có sao đâu!
    - Nhưng nó làm anh tưởng lầm! - Tôi nhăn nhó.
    - Sao? Anh nói gì?
    - Anh tưởng lầm...
    - Tưởng lầm sao?
    - Tưởng lầm...
    - Nhưng mà lầm sao? My gằn giọng.
    Tôi cắn môi muốn bật máu:
    - Anh tưởng lầm là... không phải nó!
    Giọng My gay gắt hơn:
    - Có thế mà anh đánh nó?
    - Anh đâu có đánh, anh đá, đá nhẹ thôi mà!
    - Xì, nhẹ mà nó bắn tung vào tường và kêu la om sòm .
    Những câu chất vấn, tra hỏi, hoạnh họe trút xuống tới tấp khiến tôi nổi nóng, bản tính rụt rè bay vèo đâu mất đâu mất, tôi đâm sẵng giọng: ..
    - Cũng đáng đời!
    Lập tức My buông con mèo ra, chồm tới:
    - Anh nói đáng đời ai?
    Tôi lùi lại một bước, phòng thủ, nhưng giọng cố giữ vẻ du côn:
    - Con mèo chết tiệt đó chứ ai?
    - A, anh dám rủa con mèo của em là con mèo chết tiệt hả?
    - Ừ đó, ai bảo! - Tôi vẫn không nhượng bộ.
    - Ai bảo sao?
    Tôi nín thở. Lần này thì cơ hội - một cơ hội thật sự - đã đến sát nách tôi và nhe ràng cười, khuyến khích. Phải làm gì đây? Thôi cứ liều thứ một lần đỏ đen xem sao. Tôi nhủ thầm và nghiến răng đặt quân bài xuống:
    - Ai bảo nó làm anh mừng hụt!
    Nhưng nói xong câu đó, tự dưng tim tôi đập thình thịch, cái tính nhút nhát lại trở về mức độ không sao trấn an nổi. Tôi tự cấu xé mình không tiếc lời. Trời, ngu ơi là ngu, dại ơi là dại! Nhưng đã lỡ rồi, tôi đành nhắm mắt lại, hai tay nắm chặt chờ sấm sét nổ ra.
    Một giây trôi qua. Không có gì báo hiệu bão đang nổi lên. Hình như thời tiết không có vẻ gì là xấu đi. Hình như trời vẫn quang, mây vẫn tạnh. Hình như... Tôi mở mắt ra và thấy My cười. Và từ trong những chiếc răng trắng đều như hạt bắp của My, vị thần may mắn đang lò dò bước ra và gõ chiếc đũa thần lên trán tôi:
    - Anh không mừng hụt đâu.
    Đến lúc đó, cái thằng ngớ ngẩn nhứt trần đời là tôi mới hiểu là từ nãy đến giờ My giả vờ đóng kịch để dọa tôi. Và cũng từ lúc đó, tôi bắt đầu cởi bỏ chiếc áo tự do của mình. Mái tóc, ánh mắt, nụ cười, tiếng nói... tất cả mọi thứ của My đã tan thành những mắt lưới bền chắc trói gô tôi lại như trói một con gà.



    Ai từng yêu chắc cũng đồng ý rằng trong đó, bên cạnh nhưng ngày rạng rỡ cũng có những ngày ảm đạm. Một lần đến thăm My, tôi bắt gặp một người con trai lạ đang ngồi nói chuyện với My ở phòng khách. Nhìn thoáng qua tôi biết ngay gã là Thanh niên Xung phong, vì gã mặc một bộ đồ xanh màu lá cây bằng vải dày, chân đi dép râu, da ngăm đen, tóc cháy nắng, có nhiều sợi quăn queo. Gã ngồi cạnh My, cách nhau khoảng một thân người. Không biết là có phải hai người đang ngồi sát nhau, thấy tôi vào liền xích ra hay không! Hừ, có thể lắm! Tôi cố gắng nuốt cục phẫn nộ đang trồi lên ngang cuống họng và bước qua ngưỡng cửa, chân cố tình gõ mạnh lên cái sàn nhà vô tội.
    Thấy tôi vào, My reo lên:
    - A, anh Hảo! Hôm nay không ôn bài sao đến đây?
    Ý My hỏi chuyện ôn thi vào đại học của tôi. Giọng My vồn vã mừng rỡ như thường lệ. Nhưng lần này... Hừ, đừng làm bộ, thằng này không dễ cho vào xiếc đâu Tôi lạnh lùng:
    - Ừ, đến chơi. Nếu em bận thì anh về.
    Tôi thấy vẻ ngạc nhiên thoáng hiện trên mặt My. Dòng âm thanh liến thoắng tự nhiên không lại như cây đàn bị đứt dây.
    Tuy nhiên My vẫn trả lời, giọng bình tĩnh:
    - Không, anh ở lại chơi, em có bận gì đâu. Đây là anh Khoát, bạn cùng đơn vị cũ - My xoay qua người khách lạ, giới thiệu - Hôm nay về phép, ảnh đến thăm em. Còn đây - My chỉ tôi - là anh Hảo, bạn thân của em đó anh Khoát. Hai người làm quen với nhau đi.
    Khoát đứng dậy chìa tay ra:
    - Chào anh!
    Dù không muốn nhưng vì phép lịch sự tôi phải cầm lấy tay gã, bàn tay cứng ngắt, chan sần:
    - Xin chào! '
    Sau khi làm xong thủ tục xã giao, tôi gieo mình xuống ghế như một cục đá và cố ý biến mình thành một cục đá thực sự. Nghĩa là, từ khi đó, tôi ngồi bất động, im thin thít, hai cặp môi như dược dán vào nhau bằng một thứ keo thượng hảo hạng. Phái khó khăn lắm mới nhúc nhích được một tí để trả lời một cách nhát gừng những câu hỏi của ''bọn họ''. Mà ''bọn họ'' thì đúng là lắm mồm.
    - Hai bác đằng nhà khỏe không anh? - My hỏi tôi.
    - Không.
    - Ủa, sao vậy anh?
    - Bịnh.
    - Bịnh gì thế?
    - Cảm.
    - Hai bác có uống thuốc gì chưa?
    - Rồi.
    - Để mai em đến thăm nhé?
    - Ừ
    Hết My thì đến gã kia. À, xa luân chiến!
    - Anh định thi vào đại học gì vậy anh?
    - Y.
    - Chà, thi vào đại học y chắc khó lắm anh hả?
    - Đương nhiên.
    - Ở đó học mấy năm mới tốt nghiệp anh?
    - Bảy.
    - Chà, lâu dữ!
    - Đương nhiên.
    Gã con trai cụt hứng, bèn xoay qua trò chuyện với My. Hai người hỏi thăm nhau đủ thứ. Bao nhiêu kỷ niệm hồi trước ở hiện trường hiện lớp gì đó được lôi ra hâm nóng lại. Nào là hồi đó vui ghê. Mình đào kinh ban đêm. Mình tải gạo dưới trăng. Mình đốn lồ ô. Mình cấy lúa. Mình trồng mì. Mình, mình, mình... Mình là ai? Mình là một người, nhiều người hay chỉ có hai người? Thôi đừng có xạo. Tôi lầm bầm trong bụng và có cảm giác mình bị bỏ rơi, bị ném vào thùng rác, bị loại khỏi vòng chiến một cách thảm hại. Nhưng điều khiến tôi bực nhất là con mèo của My từ nãy đến giờ cứ nằm yên trong lòng gã, miệng kêu grừ grừ ra vẻ hạnh phúc lắm. Điều này dứt khoát không thể chấp nhận được. Bởi vì con mèo mắc dịch kia từ lần đó đến nay chẳng khi nào nó chịu lại gần tôi chứ đừng nói là ngồi lên đùi. Gã kia vừa nói chuyện vừa vuốt ve Con mèo một cách âu yếm. Hừ, gã phải thân thiết với cái nhà này lắm thì con Miu Miu mới đối xử với gã tử tế như vậy. Vậy mà My giấu tôi. Tảng đá bắt đầu cau mặt, hơi động đậy và ho lên một tiếng.
    Giọng ho của tôi quả là chất lượng. Gã lập tức đứng dậy cáo từ. Tôi ậm ừ đáp lại lời chào của gã, mép hơi nhích một tí ti. My đứng dậy tiễn gã ra tận cửa - Chà, tình cảm quá nhỉ - Trước khi về, gã còn ngoái đầu lại dặn dò:
    - Khi nào rảnh My ghé xuống đơn vị chơi nhé?
    My đáp, mặt rạng rỡ, coi như không có tôi trên cõi đời này:
    - Ừ, em sẽ ghé!
    Đợi My quay vào, tôi đứng bật dậy khỏi ghế như một cái lò xo và dang chân giữa nhà, hai tay chống nạnh, mắt nhìn thẳng vào mặt My tóe lửa, giọng sắc như chém:
    - Cô xong việc chưa?
    - Anh sao vậy? - My kêu lên.
    - Thôi đừng làm bộ! Cô vừa nói chuyện với thằng nào? Trả lời ngay! - Tôi phán như một quan tòa.
    My nhăn mặt:
    - Anh không được gọi người ta là thằng!
    - Thằng! - Tôi quát.
    - Không được.
    - Cứ thằng!
    - Thế thì em không nói chuyện với anh.
    Giọng My kiên quyết khiến tôi muốn ói máu. Nhưng chưa đến nỗi mất hết sáng suốt, tôi đành nhượng bộ:
    - Anh ta là ai?
    Em đã giới thiệu với anh rồi. Ảnh là bạn. Hồi trước ảnh là đại đội trưởng của em.
    - Hà, hèn chi? Cô Thanh niên Xung phong yêu anh đại đội trưởng thì dúng quá!
    - Anh đừng nói tầm bậy
    - Tầm bậy gì' Mấy thằng cha Thanh niên Xung phong tán gái thì phải biết. Cái gì mà tụi nó không xung phong.
    - Anh không dược gọi các anh ấy là tụi nó! - Một lần nữa, My kê tủ đứng vào miệng tôi. Tôi tức sôi lên:
    - Anh ta đến đây thường xuyên phái không?
    - Lại đoán mò! Hai ba tháng ánh mới ghé thăm em một lần.
    Tôi khoát tay:
    - Thôi đừng có giấu! Nhìn con mèo của cô là tôi biết ngay.
    My trố mắt.
    - Cái gì?
    - Chà, - Tôi nhếch môi, giọng đắc thắng như một tên được bạc - Nó âu yếm anh ta lắm mà! Hừ, người lạ thì đừng hòng! Còn chối nữa không
    My bật cười:
    - Thôi, bỏ cái giọng chát nghét đó đi! Miu miu là của ảnh nuôi. Ảnh cho em. Con vật nào lại không nhớ chủ~ Anh là chúa nói liều!
    Mặt tôi đỏ rần tới mang tai. Nhưng tôi vẫn không chịu thua một cách dễ dàng như thế. tôi ra lệnh: .
    - Cô mang trả con mèo cho anh ta đi?
    - Anh vô lý quá? Sao lại trả? - My cự nự.
    Tôi hét lên:
    - Trả, trá ngay. Không thể có con mèo nào của anh ta ở cái nhà này cà. Tôi không mốn anh ta đến đây để thăm mèo!
    - Lại nói bậy nữa! Nhưng thôi được: em sẽ làm cho ra con mèo nào là con mèo của anh, con mèo nào là của ảnh.
    Nói xong, My bế con Miu Miu đặt vào tay tôi: .
    - Đây, con mèo của anh đây.
    Trong một thoáng. tôi lên cơn sốt và thấy trái đất quay một cách cụ thề. Tôi lùi lại, rơi phịch xuống ghế và phát âm bằng một giọng chiến bại hoàn toàn:
    - Thật thế sao em?
    My bước lại đối diện với gương mặt sắp chết đuối của tôi và giơ tay cốc nhẹ tôi một cái vào trán, miệng nhấn mạnh từng chữ một:
    - Nếu anh còn ăn nói như thế.
    Tôi hối hả chộp lấy chiếc phao My vừa quăng ra, ngoi lên và thở. Sau khi đã hồi sức, tôi liếc nhìn My một cái, mặt lấm lét như tên trộm. Thấy điệu bộ của tôi, My phá lên cười.
    - Ai bảo chọc tức chi? - Tôi nói trống không.
    - Ai chọc tức ai?
    - Em chọc tức anh. Cứ mồm năm miệng mười bênh cái thằng... ờ, ờ, bênh cái anh kia chằm chặp.
    - Bênh gì đâu nào?
    - Đó mà không bênh! - Tôi rụt vai - Gớm, người gì mà đen thui
    - Con trai da đen mới đẹp
    - Tóc khét nghẹt - Tôi tiếp tục bưới móc.
    - Đó là hương đồng nội - My đáp tỉnh bơ.
    Tôi chợt nhớ đến cái bắt tay vừa rồi:
    - Tay đầy sẹo.
    - Đó là những huy chương
    Tôi nổi nóng:
    - Đôi dép trông quái gở!
    - Đẹp nghìn lần dép da - My tiếp tục đổ thêm dầu.
    Tôi bắt đầu mất bình tĩnh:
    - Người hôi rình
    My chỉ tay vào người tôi:
    - Thôi ngừng lại được rồi! Anh sắp sửa ăn nói vô duyên rồi đấy?
    - Cô về phe nó hả? - Tôi nói, giọng cay đắng - Cái gì của nó cô cũng cho là tốt là đẹp hết. Cô nói thử, nó hơn gì tôi nào!
    - Lại gọi là nó nữa. Hơn ở chỗ anh ta không nói bậy.
    Tôi không còn đường nào chối cãi bởi vì dù sao tôi cũng còn đủ trí khôn để biết rằng từ nãy đến giờ, sự ghen tức và cơn nóng giận đã dắt tôi đi quá xa. Nhưng tôi vẫn không nén nổi tính tự ái:
    - Còn gì nữa?
    - Anh ta lao động tốt?
    - Hừ, tưởng gì! Cô ở đó chống mắt lên xem tôi lao động như thế nào!
    Tôi phóng như bay xuống nhà dưới, suýt đâm đầu vào cái tủ kê sát lối đi. Tôi sục vào xó bếp và lôi ra cái búa cùng một đống củi to tướng. Tôi bê tất cả ra ngoài hè và cong lưng trút cơn phẫn nộ lên đầu những thân củi vô tri. Gân xanh gân đỏ nổi vằn trên người, tôi mím môi quật mạnh những nhát búa hằn học. Nhưng mới chẻ được một hai cây, thì My đã chạy ra nắm áo tôi kéo vào nhà:
    - Thôi đi, đừng có điên!
    - Thế nào! - Tôi hất hàm, sau khi đâ ngồi yên trong chiếc ghế bành to tướng trên nhà - Vậy được chưa. Cô còn muốn gì ở tôi nữa? - Tôi khoa tay một vòng, giọng kiêu lãnh - Trong nhà này, cô xem lại các thứ, tủ, giường, bàn, ghế, quạt, đèn, ly, tách, ấm, chén... có thứ nào đui què mẻ sứt cô bê hết ra đây, tôi chữa cho! Để cô thấy tôi lao động tốt hay không?
    My thu chân trên ghế hệt như con Miu Miu. Và con Miu Miu bắn mũi tên tẩm thuốc độc vào tim tôi:
    - Lao động tốt không hắn là như vậy!
    - Trời ơi! - Tôi vò đầu - Cô còn muốn hành hạ tôi gì nữa đây?
    Giọng My vẫn điềm nhiên:
    - Lao động tốt là có thái độ lao động đúng đắn cũng như phải hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của nó và thực hiện nó một cách tự giác chứ đâu như anh...
    - Như cái thằng... như cái anh đại đội trưởng của cô chứ gì?
    Tôi cướp lời.
    - Đúng? - My đấm bồi thêm một quả, bất chấp cái thân xác gầy gò của tôi.
    Lập tức, tôi đứng phắt dậy, hét vang, mắt trợn trắng:
    - A, được rồi. Nếu cô muốn thế tôi sẽ đi Thanh niên Xung phong cho cô xem
    Nói xong, tôi nghe lạnh toát sống lưng và chợt nhận ra mình vừa nói một câu dại dột nhất trên đời. Lạy Chúa, chắc My sẽ cản tôi. Lạy Chúa, con ở hiền, hãy cho con gặp lành! Nhưng hình như hôm nay Chúa đi vắng. My cho tôi một cú ''nốc ao'':
    - Anh muốn đi thì đi!
    Trong thoáng mắt, tôi đâm ra bất chấp tất cá. Tôi thu nắm tay lại dứ dứ trước mặt My:
    - À, à, cô đố tôi phải không?
    - Em không đố, anh học tiếp cũng tốt, mà muốn đi Thanh niên xung phong thì em cũng không cản.
    - Cô xúi tôi vào chỗ chết phải không? - Tôi nổi cơn điên.
    - Đó không phải là chỗ chết' Em vừa từ nơi đó trở về.
    - Cô muốn tôi suốt đời không được bước chân vào trường đại học chứ gì?
    - Đừng vu khống Anh sẽ về học tiếp!
    - Nhưng lúc đó tôi già rồi.
    My bật cười:
    - Anh mới hăm hai tuổi.
    - Tôi tàn phai nhan sắc
    - Em vẫn yêu anh!
    - Chân tay tôi nứt nẻ
    - Em thích chân tay ấy!
    - Tôi sẽ xa cô - Tôi giở đòn tình cảm.
    - Em sẽ đi thăm anh.
    Thế này thì hỏng bét! Tôi giăng chiếc bẫy cuối cùng:
    - Tóm lại, cô nhất định bắt buộc tôi đi phái không?
    Nhưng My như một con chồn tinh, tránh xa chiếc bẫy:
    - Em không bắt buộc. Nhưng nếu anh đi. em không phán đối.
    - Được - Cuối cùng tôi nói, giọng sắp khóc - Vì cô, ngày mai tôi
    đăng ký!
    - Sao lại vì em?
    - Vì cô, một trăm lần vì cô! Thôi đừng cãi nữa?
    Thế là hết. Không còn ai có thể cứu vớt tôi được nửa... My ơi! Em còn yêu anh không?
    Không đi làm sao tới.

  2. #42
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Vì một nguyên nhân không giống ai ấy mà tôi đâm đầu vào Thanh niên Xung phong. Khi chiếc xe buýt chở quân đổ tôi xuống một vùng đất xa lạ, đầy nắng gió, đầy bụi cát ở Tam Tân thì tôi không nén nối tiếng thở dài thườn thượt và tôi đã đưa tay lên cốc đầu mình mấy cái,
    Thế nhưng, cái thuở ban đầu nào rồi cũng qua đi. Từng giờ, từng ngày cuộc sống mới đã làm vỡ ra trong nhiều điều. Và mỗi
    khi nhớ lại những suy nghĩ của mình trước đây tôi ngượng nghịu vô kể. Và ngượng nghịu nhất là mỗi khi My lên thăm, lần nào nàng cũng hỏi câu mào đầu: ''Sao, ở chỗ chết này anh cũng sống được đấy chứ? Tôi chỉ biết cười giả lả: Em nhạo anh hoài.
    Một năm sau, tôi chuyển về Lê Minh Xuân và được đề bạt lên tiểu đội trưởng. Buổi tập họp đại đội đầu tiên. tôi ngạc nhiên vô cùng khi nhận ra người đại đội trưởng đang nói chuyện trước hàng quân là Khoát. Từ cuộc ''đối đầu lịch sử'' đó đến nay, tôi chưa gặp lại anh ta lần nào. Không ngờ bây giờ lại đụng độ ớ đây. Khoát có lẽ chưa nhận ra tôi. Anh ta vẫn say sưa nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt thi đua thao tác ngày mai. Trông cách điều động đại đội, phân công công tác nhanh lẹ đâu vào đấy của Khoát, tôi biết ngay anh là tay cầm quân nhà nghề. Nét mặt rắn rỏi, giọng nói chắc nịch của Khoát thu hút tôi ngay từ đầu.
    Tôi khều người đứng bên cạnh:
    - Nè cậu, đại đội trưởng mình có người yêu chưa nhỉ?
    Anh bạn quay qua:
    - Chưa? Ủa anh mới đến hả? Anh không biết chứ, ông ấy nghiêm lắm.
    - Sao nghe nói ông ấy với cô My nào ở Sài Gòn ấy mà!
    - My nào? À, Hoàng My ấy hả? Làm gì có! Cô My hồi trước là y tá ớ đại đội mình đó, giờ chuyển ngành về bưu điện rồi. Ông coi Hoàng Mỵ như em. Mà nghe nói Hoàng My có người yêu rồi, hình như anh chàng học sinh nào đó.
    - Không phải đâu? Tôi biết! Anh ta cùng cánh với bọn mình đấy? Là Thanh niên Xung phong!
    Mắt anh bạn sáng lên.
    - Vậy há? Thế thì vui quá!
    Tôi nhủ thầm trong bụng: Thái Sơn trước mặt mà chú mày đâu có biết! Và tôi bật cười một mình, thích thú.
    Tối đó, tôi đi dự buổi họp giao ban với trăm ngàn cảm giác khác nhau. Trong phòng Ban chỉ huy, người ngồi chật ních. Trên cái bàn ghép bằng lồ ô, đỏ lù mù một ngọn đèn dầu. Khoát ngồi chính giữa. Bên cạnh là đại đội phó chính trị và đại đội phó thi công. Các tiểu đội trưởng ngồi hai bên trên dãy ghế kê dọc sát vách. Tôi chọn chỗ tối nhất. Trong khi các tiểu đội trưởng khác báo cáo, tôi cứ suy nghĩ viễn vông.
    - Tới tiểu đội 7 - Tiếng một người nào đó.
    Tôi nhô đầu ra chưa kịp nói gì thì Khoát đã lên tiếng;
    - À, người bạn mới. Xin giới thiệu với các đồng chí, anh Hảo. Chúng mình sẽ làm quen với nhau. Nào. bây giờ thì báo cáo đi'
    Không nhận ra. Tôi thở phào như trút một gánh nặng và sửa lại thế ngồi. Hôm nay, tiểu đội 7 đánh được 30m3, gò mối chỗ K51 hơi lớn. Đồng chí Ba năng suất cao nhất... Tôi báo cáo kết quả công tác trong ngày một cách trơn tru. Không có gì xảy ra. Thế mà mình cứ sợ anh ta nhận ra mình. Hơn một năm trời còn gì. Nhất là với những sự việc không quan trọng. Thời gian như một cái rìu bén, nó sẽ đẽo khỏi đầu óc con người những hình ảnh không cần thiết của quá khứ. Thế mà cứ lo hão.
    Đến phần ý kiến linh tinh.
    - Có tiểu đội nào đề nghị gì không? - Khoát nhìn lướt qua hai dãy ghế.
    - Tiểu đội 7 - Tôi nói và thấy Khoát gật đầu - Hiện nay tiểu đội tôi chỉ có bảy đồng chí, không đủ quân số, không đảm bảo được chỉ tiêu năng suất. Đề nghị cho bố sung thêm quân.
    Khoát gục gục đầu:
    - Đương nhiên!
    Tôi giật thót và cảm thấy mặt mình tái đi. Tôi nhìn người đại đội trưởng vẫn ngồi đó, khuôn mặt cương nghị của anh ta vẫn rạng rỡ đằng sau ngọn đèn dầu không có gì thay đổi. Chắc là tình cờ thôi, tại mình có ấn tượng nên cảm giác như thế. Tôi nhủ thầm và tiếp tục:
    - Vậy bao giờ thì đồng chí bổ sung cho chúng tôi?
    - Mai! - giọng Khoát cụt ngủn.
    - Thêm một điều nữa, hiện giờ tiểu đội tôi bảy người mà chỉ có năm cái mùng không đảm báo sức khỏe cho anh em. Đề nghị cấp thêm hai cái
    - Đương nhiên!
    Lần này thì tôi quan sát kỹ từng milimét vuông trên mặt Khoát. Câu trả lời gọn lỏn của anh ta hình như có kèm theo một cái nhếch ờ mép, nửa cười, nửa nghiêm, trông thâm hiểm không thể tả. Thôi đúng rồi! Lần này tôi không giật mình nữa mà lạnh cả người, Khoát đã nhận ra. Thế mà giả bộ không biết, để rồi tìm cách ''chơi'' ngầm mình. Nếu thế thì chỉ có trời mới biết. Bởi lẽ không ai có thể lần ra sợi dây liên hệ giữa tôi và Khoát. Mà tôi thì không thể nào hở môi được rồi. Còn Khoát, anh ta càng im lặng. Một đòn thâm độc. Các tiểu đội khác tiếp tục đề nghị. Nhưng tôi, từ lúc đó, không còn nghe thấy gì nữa, ngoài cảm giác: Hình như chiếc ghế tôi ngồi đang đưa qua đưa lại. Và tôi mang theo cảm giác chông chênh đó về tới sam, sau khi buổi họp kết thúc.
    Điều khiến tôi xót xa nhất không phải là sợ Khoát ''úm" dù Khoát là thú trưởng trực tiếp; Chỉ cần khôn khéo, tinh ranh một chút, anh ta sẽ thừa cơ hội để "chơi'' bất cứ ai dưới quyền một cách kín đáo, một cách không thể nào bắt bẻ được. Và điều đó rất có thể xảy ra với tôi. Tuy nhiên, hơn một năm sống trong tập thể, tôi biết cách coi thường những hiểm họa qua con đường đó.
    Tôi chỉ buồn là Khoát, người đại đội trưởng mà tôi có cảm tình ngay từ buổi đầu gặp mặt giữa hàng quân, đã làm tôi thất vọng. Người đại đội trưởng ấy ngoài tài cầm quân, ngoài sự xốc vác trong công tác, đáng lẽ - tôi nghĩ - phải có một tấm lòng phóng khoáng, một thái độ đúng với đồng đội, cũng như với cuộc đời. Thế mà trên gương mặt rắn rỏi kia lại ẩn náu một nụ cười tinh ma và trong giọng nói cương quyết, đầy sức mạnh ấy còn giấu giếm bao nhiêu là cạm bẫy.
    Tòi nằm vắt tay lên trán, nghĩ mông lung. Đèn trong sam đã tắt. Cả doanh trại chìm sâu vào bóng tối. Anh em trong tiểu đội đã ngủ say. Còn tôi thì trằn trọc với bao nhiêu tình cảm trái ngược trong lòng, mắt mớ thao láo nhìn lên đỉnh mùng tối mịt.
    Có tiếng động lịch kịch. Hình như ai mới bước vào sam. Tôi
    nằm yên, chờ đợi. Kẻ đó đứng yên một lát, rồi gọi nhỏ:
    - Háo đâu?
    Tôi nhận ra tiếng Khoát, nhưng không động đậy.
    - Hảo nằm đâu? Ngủ rồi hả? - Khoát gọi một lần nữa, giọng cao hơn. Cuối cùng tôi cất tiếng:
    - Đây!
    Khoát dò dẫm bước lại chỗ tôi và sờ lên mép giường:
    - Đây hả?
    - Ừa.
    Khoát vén mùng lên và chui vào nằm xuống cạnh tôi. Tôi hơi nhích vào, không ừ hữ một tiếng nào. Khoát cũng nín thinh. Bầu không khí yên lặng bao trùm căn lán nhỏ đến nỗi chúng tôi nghe rõ từng hơi thở của nhau.
    Chợt Khoát huých nhẹ vào hông tôi:
    - Bộ cậu giận mình hả?
    Tôi im lặng. Không biết trả lời thế nào.
    - Lúc nãy mình đùa cậu đó thôi. Mình nhận ra cậu ngay từ ban sáng kia. Nhưng mình để xem cậu có nhận ra mình không. Té ra chúng ta không quên nhau.
    Khoát huých tôi một cái nữa, khiến tôi phá lên cười, bao nhiêu nỗi bực dọc bay vèo đâu mất. Tôi xoay người ôm vai Khoát:
    - Thế mà mình cứ tướng cậu chơi mình!
    Khoát cười:
    - Cậu thấy mình đóng kịch tài đấy chứ. Mà này, cậu đi Thanh niên xung phong từ bao giờ thế?
    Thế là tôi bắt đầu kế cho Khoát nghe đầu đuôi câu chuyện và hai đứa cười hích hích trong bóng tối.
    - Thế nào, cô Hoàng My của cậu vẫn khoẻ đấy chứ - Khoát hỏi.
    - Nhờ trời, vẫn như thường.
    - Còn con mèo của mình?
    - Con Miu Miu! - Tôi chữa lại.
    - Ừ thì con Miu Miu, cậu khó tính quá! - Khoát bẹo tai tôi một cái đau điếng.
    - Nó vẫn khỏe không thua gì cô chú. - Tôi trả lời, miệng xuýt xoa.
    Đang nói chuyện, thình lình Khoát lồm cồm ngồi dậy.
    - Gì đó?
    - Thôi mình lên Văn phòng, mai nói chuyện tiếp.
    - Ngủ luôn ở đây đi!
    - Không được! Phải đi kiểm tra các tiểu đội nữa.
    Khoát chui ra khỏi mùng. Khua chân tìm đôi dép rồi nhón gót bước thật nhẹ. Tới cứa sam, Khoát dừng lại bật diêm châm một điếu thuốc và nói vọng vào, không quay đầu lại:
    - Có một điều mà cho đến bây giờ, cậu vẫn quên cảm ơn mình, đó là nếu không có con mèo của mình thì chưa chắc đã có con mèo của cậu?
    Khoát cười nhẹ một tiếng rồi bước ra ngoài trời.
    Khoát đi khỏi nhưng câu nói đùa của anh thì ở lại và dựng tôi ngồi dậy. Cái điều Khoát nói thật tình chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Ừ nhỉ, tôi lẩm bẩm và tức tốc leo xuống giường, chạy ra khỏi sam. Gió lạnh. Còn trời thì tối đen như mực. Tôi gọi, và nghe rõ tiếng mình vọng đi trong đêm:
    - Khoát ơi!
    Có tiếng ''ơi!" đáp lại từ phía bờ kinh dọc doanh trại Tôi định hướng và lần đi trong đêm tới bên bãi cỏ rộng. Một bóng người lờ mờ đứng bất động, chỉ có đóm đỏ đầu điếu thuốc cháy trên môi.
    Nhanh như cắt, tôi nhảy xổ vào Khoát, ôm ngang người vật anh ta ngã xuống. Tay Khoát níu tay áo tôi ghì lại. Hai đứa lăn lộn trên bãi cỏ, miệng thở hổn hển. Cuối cùng tôi đè được lên người Khoát, hai tay tôi chộp lấy cổ áo Khoát xiết chặt, còn miệng thì ghé sát vào tai anh dõng dạc ra lệnh:
    - Trưa mai, cậu phải đến trình diện mình ở... - Và tôi hạ giọng thì thầm - Căng tin!

    1980
    Không đi làm sao tới.

  3. #43
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    CÁI NHÌN KHẮC KHOẢI

    TÁC GIẢ: NGUYỄN NGỌC TƯ

    Khoa điện thoại cho tôi từ phòng lab:
    - Hình xong rồi, đã lắm. Mày kiếm đâu ra ông già ngon vậy?
    Tôi cười, gác máy rồi xách xe chạy lại chỗ Khoa. Những tấm ảnh đen trắng treo trên dây còn đọng nước, giọt rất tròn và trĩu. Khoa nghiêng đầu ngắm:
    - Mày coi, hình như, trong mắt ông già này có nước.
    - Mày cận bao nhiêu độ rồi?
    Khoa mắc cở tháo cặp kính ra, đôi mắt đờ đẫn.
    - Hôm trước ba rưỡi, bây giờ chắc ba tám rồi.
    - Mắt mày cũng còn ngon lắm.
    Khoa lại hỏi tôi cái câu ban nãy, "mày kiếm ông này ở đâu mà thần thái vậy?". Tôi không trả lời, ngước mắt nhìn về những bức ảnh của tôi. Trong mảng tối sáng trong vắt, khuôn mặt một người đàn ông hiện lên, trầm lặng mà sâu sắc.
    Và tôi lại thấy mình ở trong một căn chòi chăn vịt cất dựa mé kinh Chiếc. Căn chòi đầy khói. Cái mẻ un ám khói chất đầy giỏ dừa khô. Khói ngùn ngụt khói. Ngồi trên cái sạp ghe đóng thưa bằng tre chẻ thẻ, một người đàn ông ngồi nhìn ra cửa. Cô độc. Gió vụt vụt vô chòi. Ông làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở Nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa vừa mới chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi. Chòi cặm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho ông nằm. Buổi sáng, ông lùa bầy vịt ra đồng, tay cầm cây trúc không róc đọt, bù xù. Bầy vịt ngàn hai trăm con, ngoi quẫy, vẫy vùng, rúc vào những nùi rạ mới, nhặt từng hột lúa. Con vịt xiêm tên Cộc cũng ào ra cùng bọn chúng, những lúc đó, không phải vì bụng đói, mà vì mùi rạ thơm quá, ngọt quá, ngụp mỏ vào thấy sướng người. Ông ngồi bệt trên bờ mẫu, khăn sọc cũ quấn đầu, nón vải nâu lốm đốm mủ chuối. Ông ngó lũ vịt và vấn điếu thuốc châm lửa, phà khói lên trời. Và trời rất xa xanh, trong. Ông kêu :
    - Cộc, biểu!
    Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông.
    Buổi tối buồn lắm. Đêm nào cũng như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vụt vụt vô chòi. Con Cộc lò mò ra đống rơm dập dềnh dưới mé kinh, vùi mình vào đó ngủ một giấc. Nó tưởng lâu vậy, dài vậy mà lúc ngó lên vẫn thấy chao chát ngọn đèn đỏ lòm. Ông kêu:
    - Cộc, giận gì mà xuống đó vậy mậy?
    Cộc lạch bạch đi lên. Nó ghé ngang cái lưới bao rào vịt, thò mỏ vào mổ một con vịt ta khác. Gây chuyện chơi cho vui. Nó là con vịt chúa gây chuyện. Ngoài những lúc này, nó khá cộc cằn, tư lự. Mấy người bạn lang bạt của ông chụm lại nhậu lần nào cũng nhằn: "Cha nội sống như vầy rầu thấy mẹ, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, cha sống với ai". Ông cười, "còn thằng con tao". Nó ở chợ. Lâu lắm mới về thăm ông một lần, về tới, ngoài việc kêu ông bán bầy vịt ra ngoải sống với nó, còn chuyện ông cưới vợ, nó nói, nó con trai, biết cô đơn là cái gì rồi, khổ lắm, buồn lắm. Nó giục ông từ năm nó mười hai tuổi. Ông ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi ông biết rằng, nó đã học được ông cái tánh rộng lòng đồng khơi, như trời cao. Ông vò đầu nói với nó, cũng khó khăn thiệt, nhưng ông quen rồi. Nghề nuôi vịt mà, nghèo, lang thang, đeo mang người nữa, không đành.
    Tháng Tám. Ông trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông chèo lựng khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, "Tôi cũng không biết mình đi đâu". Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối cùng đậu phía dưới đám dừa nước:
    - Cô có sao không?
    Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc.
    - Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay ... làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen.
    Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu trong khi tụi vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp ghe bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi. Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cuối đầu không nói không rằng lùi lụi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: "Cộc! Bị đòn nghe mậy". Nó dừng lại, đủng đỉnh qua đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: "Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?". Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, Vịt Xiêm chứ vịt gì, thiệt tình.
    Qua thêm ba đám lá dày nữa là về tới nhà ông. Nhà vắng, vườn hoang, lúc chạng vạng buồn hiu hắt. Ông đi năm ba tháng về một lần, về đúng vạt đồng sau vừa chín. Hồi đi, con tắc kè ễnh bụng kêu è è, hồi về đã thấy đeo trên cột nhà mấy con tắc kè con, da chưa bông chưa hoa, mốc cời, đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn. Ông đẩy cửa bước vô trước, tay quơ mớ váng nhện lùng nhùng, đốt cái đèn, thổi lù lù mớ củi ướt. Chị ôm cặp đồ ngồi gá nhẹ mép ván, ngó quanh. Ông lượng xượng, "Nhà bỏ lâu, bê bối quá chừng". Rồi khói bay lên, ấm áp.
    Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giửa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng. Có cây lụa bên hè làm chứng, mỗi lần nhà đổ bánh xèo, vợ ông ra hái đọt lụa, đứng tần ngần, "phải ảnh có nhà để ăn". Chiến tranh, ông đi biền biệt. Ngày về, chỉ còn đứa con trai. Nó khóc, kể, "Bửa đó cúng đình, có cải lương, má rũ con đi. Tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn đó ba. Hát chưa xong khúc Thoại Khanh ngồi đờn cho công chúa Châu Tuấn nghe, thì pháo đằng đồn Chẹt bắn lại, má con chết luôn". Mùa đó lụa ra lá từng chùm trắng xanh, non nhuốt. Ông bắt thèm ứa nước mắt. Cũng thằng con ông, sau này nó nhằn: "Chuyện buồn mà ba nhớ làm chi cho tới già vậy không biết. Ông bảo ông có nhớ gì đâu. Thiệt đó, thằng nhóc, có nhớ gì đâu. Thằng con chép miệng, "Khổ quá!"
    Người phụ nữ ông lượm chiều đó còn khổ hơn. Chị quê Cây Khô, lỡ thời, thương thằng (xin lỗi!) thợ gặt miệt Bình An đổ xuống. Không biết gốc gác, cội nguồn người ta mà thương gì ác nhơn vậy không biết. Làm vợ thợ gặt, sống đời thợ gặt. Chị ngồi vấn vạt áo: "Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta". Vậy mà thằng đó (xin lỗi!) tệ thiệt, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc.
    - Cô Út không ngại, cứ ở lại đây, chừng nào có hướng đi đâu, mần ăn gì thì đi, nghen.
    Nghe xong câu chuyện của chị, ông bập một hơi thuốc lá, nói một câu, bập hơi nữa thì hết điếu.
    Chị chịu ở lại. Buổi sáng, chị thức dậy bắc ấm nước lên bếp cho ông uống trà, xong lùa vịt ra đồng. Thả vịt ruộng gần, chị đem cơm ra tới chỗ, dọn trên bờ mẫu, ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn vịt, chờ ông ăn xong mới đi vô. Ruộng xa, chị thức dậy từ ba giờ sáng nấu cơm dỡ cho ông xách theo. Thuốc gò, giấy quyến mới vơi một ít, chị bỏ lại cho đầy để ông bỏ túi, "Nửa chừng mà hết thuốc chịu không thấu anh Hai à, giửa đồng mông quạnh, buồn chết, hồi đó ảnh ...", chị bỏ câu nói nửa chừng. Mờ mờ trời, chị lụi hụi vô chuồng lấy hột vịt, rồ chở ra chợ xã bán, chị tính:
    - Chịu khó ra ngoài đó một chút, bán giá cao hơn anh Hai à. Sẵn hái ít đọt lụa bán luôn, thứ này người ta khoái lắm.
    - Nhưng phiền cô quá....
    - Có gì đâu.
    Chị làm cỏ ngoài sân, trồng lên dấp cá với húng lủi. Chị súc lu đợi trời mưa hứng nước. Chị giặt mùng mền phơi cho thơm nắng. Ông cằn nhằn:
    - Cô làm gi như người ở đợ cho tôi vậy?
    - Có gì đâu, anh Hai, được ở lại đây là em mừng rồi.
    Ông ngoái lại, nói:
    - Thiệt tình, cô ở lại để chờ người ta phải hôn cô?
    Chị không trả lời, chị cuối đầu đi thẳng. Chị không đẹp lắm, nhưng lúc thổi lửa có duyên. Chị không có duyên lắm nhưng lúc bậm môi bửa củi thấy đẹp. Ông chắc không để ý chuyện này, ông bận đốn so đũa cặm cột, dừng lá dừa nước làm cái nhà tắm cho chị. Ông vừa mài cây búa vừa nói nhỏ nhỏ với con Cộc:
    - Mình đàn ông gì cũng được, giờ có thêm người... Ông ngừng lại, vuốt cánh con vịt -vậy hen Cộc?
    Cộc không trả lời, kêu cóc cóc, há mỏ đớp vô mắt cá chân ông. Thì vậy chứ còn sao nữa, ý nó muốn nói vậy. Rồi nó đủng đỉnh đi chơi, dạo dạo bậy bạ kiếm trùn đất ăn. Ông nghĩ trong bụng hoài, "Làm vịt như mầy coi bộ sướng. Cộc à, làm người, hỏng làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó".
    Thằng con ông đi công tác qua nhà thấy có người lạ nó ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng xong thì mừng. Nó nói: "Ba lúc này ngon rồi nghen". Ông gạt phăng phăng, "Mày chỉ giỏi bậy bạ". Ông không nói với nó vẫn thường thấy chị ôm cái áo người cũ ngồi khóc, chị thường hay kho cá bỏ me, ông vốn không thích. Hễ hổng đi chợ thì thôi, đi về y như rằng mua chai rượu, ông có uống gì nhiều đâu. Thằng con không biết. Thằng con đi dài dài xóm, ai cũng xầm xì chuyện của ba nó với người đàn bà gặt mướn. Cô Ba nó nói: "Tao thấy con mẻ không xứng với ba mày đâu, bỏ nhà theo trai, bị trai bỏ, giờ mới bám víu vô đàn vịt của ổng, đàn bà đàng hoàng, ai ở lại dễ dãi vậy". Thằng con cười, "Sao cũng được, cô Ba à, trước là trước, bây giờ là bây giờ, tốt xấu gì ba con biết, miễn sao ba vui là được rồi". Cô Ba chẩng hẩng.
    Nhưng thằng con hơi thất vọng. Hễ chạng vạng, nhốt vịt, tắm rửa xong, ông kêu con Cộc đi dài xóm chơi. Con vịt thì chạy xà quần rượt cắn đám con nít, ông chơi lai rai với bè bạn, họ hàng. Chờ khi khuya mới về. Về ngủ nhà xuồng cặp mé kinh. Nhà mục rồi, đêm nằm nghe mối ăn trẹo trẹo, sợ chị ngại, ông nói: "tánh tôi ở đồng quen rồi, ngủ có gió mới ngon". Không lẽ nói trắng ra, nằm trong nhà, bên này nằm nghe bên kia thở nghe sao được. Những lúc nửa đêm, con Cộc cắm đầu cắm cổ chạy, ông cũng cuốn mùng chạy. Chị mở cửa năn nỉ ông vô nhà, để lạnh chết. Cực chẳng đã ông mới vô, ngồi chí mí ván, chong chong nhìn ra cửa chờ tạnh hột. Chị cảm động ứa nước mắt.
    Chị vẫn thuờng đón ghe hàng bông hỏi thăm tin tức cánh thợ gặt An Bình. Tin tức ngày càng xa. Ở đây, trăm ngả sông nuớc, làm sao mà kiếm. Tin tức ngày càng vắng. Lúc rày, mua nắng thất thuờng. Nắng một hơi năm bảy ngày, mưa một hơi năm bảy ngày, bà con nông dân gặt ngay mưa, phơi lúa không được rầu muốn chết. Chị đi chuyên nuớc vô lu, đôi dép Lào cu mỏng dính, trợt một cái trật gân. Tội nghiệp quá chừng. Ông về nạt nộ một hơi, đã nói mà, cô có chịu nghe tôi đâu. Nói vậy thôi, ông di chợ huyện mua thuốc cho chị, sẵn mua đôi dép mới làm chị ngại trong lòng lắm. Ông bảo:
    - Đôi dép cô mỏng thiếu điều cạo râu đuợc rồi, tiếc làm chi, để té nữa thì khổ.
    Những chiều, lùa bầy vịt no căng luờn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô com, ngồi ngoài gốc cây vú sữa đã bị cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm. Cô Ba đi qua, tròn con mắt.
    Một bữa, mưa nhiều, lúc ông đội áo đi, chị dặn:
    - Mưa lúc này gầm dữ quá, sét nhiều, anh Hai nhớ vô sớm nghen.
    Ông gật đầu, day qua dặn lại:
    - Cô Út thôi đừng hứng nước mưa nữa, hỏng chừng mai mốt tôi đi, ai mà uống.
    Chị chưng hửng hỏi ông đi dâu, ông trả lời giọng rất buồn:
    - Thì cho vịt ăn hết đồng này phải lùa đi chổ khác chớ cô. Vịt đang đẻ rất quạo, nhốt một hai ngày là mất sức. Tôi ở nhà cả tháng rồi, cũng buồn.
    Nói vậy rồi ông quay lưng đi. Chị vịn tay vào cửa, nhìn theo.
    Buổi chiều, ông về sớm, chị giũ áo mưa của ông phơi lên vách, miệng quở ông trời mưa dai thấy sợ. Chị xúc chén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như không: "Cộc, mưa lạnh hôn con?". Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình. Ăn cơm xong, chị dọn ra xị rượu nướng mấy con khô cá chạch:
    - Anh Hai lai rai cho ấm bụng, mưa quá, nhâm nhi đỡ buồn.
    Chị ngồi lắc võng, may hai cái bìa khăn mới mua cho ông, vừa may vừa nói:
    - Bây giờ người ta làm khăn mỏng dính, hỏng may xổ chỉ ra nùi nùi hết trơn.
    Ông không nói gì, đi xúc chén lúa lại đổ cho đầy mẻ, biểu "Cộc, lại ăn nè". Con vịt không chạy lại cái mẻ mà lạch bạch đi tới chỗ bộ ván ngựa sần sùi nó chui xuống gầm. Cái thau nhôm hôm nắng ông lấy nấu chai trét chiếc ghe giờ được làm mẻ un đang phì phì khói. Ông ngồi trước chai đế trầm ngâm. Chị dè dặt lên tiếng:
    - Anh Hai tính chừng nào đi?
    - Hai ba bữa nữa. Đi chuyến này qua tới miệt Khánh Hà, chắc đi lâu mới về.
    Người đàn bà cuối xuống cắn chỉ, che cái thở dài.
    - Cô Út à, tôi... có chuyện muốn nói với cô.
    Chị làm rối chỉ:
    - Gì vậy anh Hai?
    - Sáng nay tôi gặp thằng bạn, nó mới chạy bầy vịt từ nông trường qua. Tôi hỏi, nghe nói có thợ gặt An Bình ở đó.
    - Anh Hai!
    Ông bước xuống đẩy mớ vỏ dừa vô mẻ un. Xơ dừa mịn, cháy rực, rồi tắt ngắm.
    - Ảnh tên Sinh phải hôn cô Út? Ờ, Sinh, ảnh... cũng đang gặt bên đó, cô Út à.
    - Anh Hai!
    Chị buông cái khăn xuống kêu bàng hoàng.
    - Tàu từ chạy nông trường lúc năm giờ, ngang đây, chắc cỡ sáu giờ rưỡi. Cô ráng đón chuyến đó. Để lỡ tới bữa sau, sợ mấy ảnh lại chuyển đồng, kiếm cực lắm. Tính vậy nghen cô Út.
    Con Cộc lại hì hụi đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông. Khuôn mặt ông mờ mờ sau làn khói. Khói mắt dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông, chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. Ông rót ly rượu uống mà buồn.
    - Anh Hai à, sao anh tính vậy?
    - Tôi biết cô còn nặng lòng cùng ảnh. Qua bển hỏi đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Nói có tình, mình ở lại, biết đâu người ta có nỗi khổ gì...
    Chị bật khóc. Con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó ăn chậm rãi. Ý nói làm sao mà tôi tội nghiệp hai người quá đi, làm người mà khổ vậy, làm vịt còn sướng hơn. Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở nhẹ mà rất dài. Ai biểu...
    Sáng sau ông lùa vịt ra đồng khi trời còn tối mịt tối mò. Ông đuổi vịt đi xa thiệt xa nhưng vẫn nghe tàu bè ghé bến nào rất gần. Ông ngồi bệt bên bờ mẫu, khăn cũ, nón cũ, kêu: "Cộc, biểu!" mà không thèm để ý nó có lại hay không. Kêu chơi vậy thôi. Nhưng Cộc là con vịt có nguyên tắc. Nó vẫn chạy lại, gác đầu lên đùi ông, cọ cọ an ủi. Rồi bất ngờ, ông lùa vịt cắt vạt đồng hối hả trở vô. Ông bỏ quên bịch thuốc trong nhà, thèm quá. Tới liếp tràm bông vàng trong vườn, ông ngồi lại, lũ vịt tràn xuống ao rau muống tắm táp. Ở đây, bỏ ba liếp chuối nữa là tới nhà. Ở nhà, không biết có còn ai...? Ngồi đây thôi, bước vô đó lỡ không còn ai... Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình:
    - Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?
    Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi chớ gì.
    - Mày đi hoài, mầy mệt không?
    Nó há mỏm đóm đen cạp ngón cái chân ông, thì mệt chớ.
    - Tao đốn tràm, làm nhà lại, ở luôn nghen.
    Con Cộc mổ vô ống quyển ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại không? Ông nhìn lên ngọn tràm và thấy mấy cái bông vàng như mấy con sâu rọm đang dịu dàng rơi xuống. Có phải chỉ cần nhìn lại một chút, ông sẽ thấy ngọn khói bay lên không? Gió lùa lá chuối khô giống hệt bước chân ai vậy. Ông mắc ngoái nhìn. Và tôi đã chụp được chân dung ông trong ngoái nhìn khắc khoải đó.
    Tôi bảo Khoa:
    - Những người như ông già này có rất nhiều ở xứ mình, Khoa à, tao đâu có kiếm gì đâu.
    Khoa nhìn tôi và nhìn lại những tấm ảnh, nó ngờ ngợ, "Mầy đang kể về ba mầy, phải không?"./.
    Không đi làm sao tới.

  4. #44
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Hồ Anh Thái

    Bến Ôsin

    Cô đầu tiên xin cứ gọi là cô Nhất, mốt phim truyền hình Trung Quốc nhiều tập thì cả nhà gọi cô là Lâm Nhất Nhất. Nhất vừa mới đến một buổi sáng đã nghe huỳnh huỵch bôm bốp từ phòng ăn sang phòng khách, vợ và con gái anh tái xanh tái mét chạy dúi vào phòng ngủ.

    Nhất theo vào ngay, miệng cười đắc thắng, tay giơ cao đuôi con chuột vừa bị cô đánh hộc máu ra đằng mõm chìa cả răng. Phải xua mãi Nhất mới chịu ra. Lát sau nhác thấy một con chuột chạy men theo chân tường, cô lại đuổi nó tơi bời chạy ra khỏi bếp men theo lan can lên cầu thang. Lại bài cũ, cô rút phắt cái dép cầm tay ném một phát ăn ngay. Con chuột quay lơ ngất xỉu. Con thứ ba bị cô đá một phát không còn biết trời đất là gì ngay trong phòng khách. Một buổi sáng đi tong ba mạng chuột. Rồi Nhất vừa nấu cơm vừa kể ngày bé đi chăn trâu cô nổi tiếng là tay sát chuột. Hun được một ổ chuột đồng, vơ một ít rơm rạ cỏ khô nổi lửa lên là được bữa thơm lừng ấm bụng. Nhưng đây là chuột thành phố, chuột thành phố độc hại không ăn được, một ổ dịch hạch đấy. Cô rành rẽ thế.

    Đến được vài ngày, cô dặn cả nhà hễ bạn cô gọi đến thì phải nói đây là Xí nghiệp bánh kẹo Hà Nội. Cô đã nói với mọi người rằng lên Hà Nội làm công nhân. Một hôm đi chợ, cô gặp một con bé người làng mang gà lên bán đang tỉ tê trò chuyện với mấy bà hàng ngày vẫn bán rau cho cô. Cô bảo mày về làng mà nói thấy tao đi chợ thế này, tao cấu đầu rút ruột mày vứt vào nồi canh. Báu bở gì cái nghề đi ở.

    Bà nội cô ngày trước cũng ở cho nhà anh. Lúc bà bằng tuổi cô bây giờ. Làm quản gia tay hòm chìa khóa, được tin cẩn như người nhà. Toàn quốc kháng chiến, ông bà cha mẹ anh đưa nhau ra vùng Việt Bắc kháng chiến, còn một hộp đồ nữ trang và những đồ quý sót lại trong nhà, bà cho vào thúng gánh về quê, về sau hòa bình bà gánh lên hoàn chủ, không suy chuyển mảy may. Nhất kể lại. Kể xong cô bình, cũng là một thứ trung thành theo kiểu nô bộc nô tài.

    Hôm khác lại bảo cách mạng đưa bà cháu từ thân phận thằng ở con sen lên địa vị làm chủ, có thời bà cháu còn làm đội trưởng sản xuất. Thế mà hôm cháu đi bà cháu lại mừng. Ra đây có cô chú chăm nom bà cháu yên tâm lắm, chứ ở nhà làm cái mảnh ruộng bằng viên gạch, lấy gì mà đút mồm.

    Tình nghĩa cũ hai nhà. Anh chị định nuôi Nhất dăm ba năm rồi cho cô đi học may có cái nghề mà lấy chồng. Làm Ôsin mới được vài tháng cô đòi đổi ngược quy trình: học may trước, vừa học vừa làm. Thế là học may. Về nhà trải báo cũ ra đo đo cắt cắt. Nhưng không quên nấu nướng. Bảo rau gì nấu với thịt gì, cá gì cho gia vị gì, rau thơm gì, cô tiếp thu nhanh làm đúng ngay. Không lẫn. Tuy nhiên thỉnh thoảng cô lại chế tác ra những món cải tiến. Làm phở đã rất ổn, cô lại còn cho thêm những viên mọc vào. Anh đi nhìn ngó thì hóa ra không phải một mình cô nghĩ ra, các cô Ôsin đã cho gần hết cả Hà Nội ăn phở mọc. Rau sống cô mua về, rau muống chẻ là món chính thì ít, rau thơm là món ăn hương ăn hoa thì lại thành món chính, ăn cả cây. Lại đi nhìn ngó thì hóa ra cả Hà Nội thanh lịch bây giờ ăn cả cây rau húng rau kinh giới um tùm sum suê. Ẩm thực Ôsin thịt vịt thịt ngan cưỡi hẳn lên đám giỗ đám cưới. Tự chế mãi, một hôm Nhất xoay ra bảo cô chú mua cho cháu quyển sách dạy nấu đặc sản, cháu làm đặc sản cho cả nhà ăn. Mua sách về. Cho thực hành. Vợ anh khen, con bé này mai ngày về quê lấy chồng không muốn làm ruộng mở quán cơm bụi đắt hàng đấy. Nhất bảo cháu xin thưa lại hai điều: Một, những đứa như cháu đổi đời ra phố rồi, đố mà quay về quê được. Hai, mở hàng cơm củi lửa dầu mỡ nhem nhuốc, không sang. Vợ anh hỏi thế nào thì sang. Nhất chỉ tay lên bức tranh phiên bản treo ở phòng khách: sang là như cô tiểu thư kia kìa.

    Một bức danh họa châu Âu. Một cô gái áo váy tươm tất, mái tóc rẽ ngôi còn in đường lược, hai tay nâng cái khay trên có một cốc nước không hề sóng sánh, chân thì đang khoan thai bước đi. Nhất gọi cô gái trong tranh là cô tiểu thư.

    Nhất học hết lớp dạy cắt may. Thực hành hết quyển sách dạy nấu ăn. Một hôm cô xin phép ra đi. Người ta nhận cô vào một xí nghiệp may mặc liên doanh. Mấy chị em công nhân thuê chung một chỗ ở. Vợ anh tiếc con bé nấu ăn ngon. Tiếc cái công đào tạo. Anh bảo tiếc gì. Nó như con cháu trong nhà.

    Hôm cô đi, cô còn rút dép đập chết được một con chuột nữa.

    * * * * *

    Cô thứ hai cứ coi như tên Nhị, Khuất Nhị Nhị. Theo mốt phim truyền hình Trung Quốc nhiều tập, bốn cô lần lượt đến đỗ tạm bợ vào cái bến Ôsin này đã và sẽ là Lâm Nhất Nhất, Khuất Nhị Nhị, Lý Tam Tam, Đàm Tứ Tứ, có thể sẽ có một cô thập thò ngấp nghé ở cuối truyện mang tên Ngũ Nương Nương.

    Cô Nhị, tiếng Việt nhằng nhịt đại từ nhân xưng phân cấp ngôi thứ thì phải gọi bằng chị, chị Nhị xấp xỉ tứ tuần ở quê mấp mé lên bà ngoại. Chồng chết, ba đứa con gửi lại nhà mình. Nhị đi ở nhà người. Kêu chị nấu canh nhạt, hôm sau nồi canh mặn chát muối iốt cho cả nhà phát triển trí tuệ. Kêu mặn thì hôm sau chị cho ăn nhạt trở lại. Cứ như thế cho đến khi cả nhà đều biết sợ, không kêu nữa. Khen nồi canh cua rau rút khoai sọ ngon, ngon à, Nhị cho ăn canh khoai sọ ba ngày liền đến mức con bé nhìn thấy khoai sọ thì bảo là khoai đầu lâu.

    Nhị mê mẩn những bộ váy áo của vợ anh. Con bé đi học về sớm thấy Nhị mở nhạc Thái Lan tưng bừng giậm giật, khoác trên người dăm ba bộ cánh của vợ anh, giày cao gót cũng của vợ anh, đi một vòng lại kéo vạt áo một cái, nghiêng mình như người mẫu trên sàn diễn. Đi qua một vòng Nhị cởi một bộ trút xuống dưới chân. Đi lại một vòng Nhị cởi bộ nữa. Dăm ba lần cởi như lột vỏ hành. Sắp sửa lột đến phần áo tắm thì con bé về. Nhị nhìn mấy bộ xống áo xõa xượi trên nền nhà thở dài với con bé, thật là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra.

    Lần sau không phải con gái mà là anh bắt gặp. Nhị mặc cái váy ngủ màu kem của vợ anh, nằm trên giường ngủ của vợ chồng anh. Em nằm chờ anh đấy. Anh xem bộ này em mặc dứt khoát đẹp hơn cảnh sát mặc váy của anh. Anh lờ đi như không nghe thấy gì, bỏ ra ngoài. Hôm sau anh khen nhà cửa dọn dẹp trang hoàng đẹp mắt. Nhị lúng liếng đung đưa cặp mắt, em làm được thế là nhờ có tình yêu.

    Phải bảo vợ gặp nói chuyện riêng với Nhị. Vâng, em cũng định nói chuyện riêng với chị từ lâu. Chị cầm tù anh ấy làm gì. Chị hãy buông tha cho anh ấy. Cô đã xem cho em rất kỹ, cô bói bài tây, cô giúp em viết sớ gieo quẻ, cô xem tay cho em, xem tướng mặt, vạch cả mắt em ra mà xem, cô bảo chỉ cần em kiên trì là muốn gì được nấy. Bây giờ em chỉ muốn anh ấy mà thôi. Cô điên à? Chị đừng hét lên như thế, em còn có thể hét to hơn chị nhiều.

    Hai vợ chồng bảo nhau cho Nhị nghỉ. Chờ thêm vài ngày nữa để tìm một con bé khác. Nhưng ngay ngày hôm sau Nhị chủ động bảo cho em thôi việc, em sang làm cho nhà bác Nhỡ đối diện nhà mình, em sẽ ở đó chờ cho tới ngày anh được chị tha bổng, bao lâu em cũng chờ.

    Từ hôm đó, hễ anh chở chị trên cùng một xe, lại thấy ánh mắt hàng phố thương cảm một cặp vợ chồng cầm tù lẫn nhau mà không buông được nhau ra. Thời gian ở với anh chị, Nhị đã kịp lân la truyền tin trong mạng lưới Ôsin khắp dãy phố, mạng lưới Ôsin truyền sang mạng lưới các bà nội trợ, các ông về hưu, truyền vào những bữa cơm gia đình đủ mặt mọi thế hệ.

    ***

    Rút kinh nghiệm. Không đến trung tâm dịch vụ việc làm tìm người nhiều tuổi nữa. Cứ trẻ con mà hay. Cháu của người quen của bạn. Họ về quê đón một xâu ba bốn đứa, chia cho mỗi nhà một đứa.

    Lý Tam Tam không còn là trẻ con nữa. Mười bảy tuổi rồi. Ở quê cũng là tuổi đã cuống lên đua đòi chúng bạn lấy chồng. Buổi tối ăn uống rửa bát đĩa xong, không thấy Tam đâu, vợ anh cuống lên sợ nó lạ nước lạ cái bị mẹ mìn bắt sang Trung Quốc. Tất tả đi tìm thì thấy đang đứng nói chuyện với mấy chú thợ ở căn nhà đang xây. Giai trứng cá gái má hồng. Mồm miệng tung hứng đối đáp. Mắt đung đưa. Ngồi xem phim truyền hình nhiều tập hễ thấy trai gái cầm tay kề vai áp má là mắt nhìn đắm đuối mồm xuýt xoa như ăn me ăn sấu.

    Mê giai biểu hiện ra tính lú lẫn. Không tập trung được vào một việc gì. Để cháy nồi cá. Vặn nhầm nút điều chỉnh làm cháy cái nồi cơm điện gần hai triệu bạc. Bảo đi mua thịt thì mua ốc. Bảo chạy ra mua gừng luộc ốc thì mua riềng. Nhà cửa cứ lộn xộn rối tinh cả lên vì cái quên quên nhớ nhớ của Tam. Ngày thường đã thế, chủ nhật đòi cho cháu đi thăm người cùng quê. Chủ nhật nào cũng đòi đi. Hôm nào không đi được thì ngồi khóc. Giời ơi, sao cháu khổ thế này. Người ta được đi học đi chơi, cháu phải làm con ở.

    Một hôm Tam lại hờ khóc ai oán. Chắc lại không được đi chơi. Anh hỏi vợ, chị bảo chơi cho lắm bây giờ ngồi khóc, cái bụng lùm lùm kia gần bốn tháng rồi, hỏi của đứa nào nhất định không nói. Khó xử. Nhỡ mà hàng xóm biết, một mất mười ngờ. Anh vẫn được tiếng là đẹp giai nhất nhà. Còn lại trong nhà tất cả đều là nữ: vợ, con gái, bà mẹ già thỉnh thoảng đến chơi. Gia súc cũng đều là giống cái: một con chó và một con mèo.

    Gọi cho bố Tam ở quê ra. Bố nó bảo bác đi với em nói chuyện với thằng ấy. Chú thợ xây. Bây giờ mày tính thế nào? Chả thế nào cả, mê giai cho lắm thì nó chết. Mày chài nó thì mày phải giải quyết chứ. Chả biết ai chài ai. Chúng mày không định lấy nhau à? Lấy nhau? Tôi ở trong cái nhà đang xây dở với một lũ đàn ông thế này, lấy là lấy thế nào? Mày không sợ tao kiện à, nó là con gái vị thành niên? Tôi cũng vị thành niên đây, còn lâu mới đủ mười tám tuổi, tôi cũng đi kiện.

    Bố con nó khăn gói về quê. Tam mếu máo van nài vợ anh, cô xin bố cháu cho cháu ở lại. Về quê đi qua sông bố cháu dìm cháu chết.

    ***

    Con thuyền đi được chứ cái bến không đi được. Có thuyền nào lại tính chuyện ăn đời ở kiếp trung thành với bến nào. Theo thứ tự thì bây giờ là Đàm Tứ Tứ. Không đàn đúm. Không sểnh ra là lẻn khỏi nhà. Không mấy khi mở mồm, có lẽ vì giọng nó nặng quá, lại khê như giọng bà già. Mặt trắng bệch. Mắt mờ sương đơ đơ man man. Bê bát canh từ bếp vào phòng ăn bao giờ cũng bê nghiêng, té xuống đất nửa bát. Nhìn thế biết thần kinh nó có vấn đề.

    Vợ anh đã bắt đầu chán cái việc làm thầy Ôsin. Cô nào cũng bảo ban cẩn thận việc nữ công gia chánh, vừa mới hơi tiến bộ thì ra đi. Chán chả buồn nói. Mặc kệ Tứ muốn làm gì thì làm. Thế là ai cũng sợ ăn cơm nhà. Công dung ngôn hạnh phải rèn phải học. Nữ công gia chánh phải học. Ẩm thực không biết ăn thì sao biết làm. Nghề giúp việc châu Âu có hàng trăm năm truyền thống. Nghề giúp việc ở đây có tới nửa thế kỷ đứt đoạn.

    Vào bữa Tứ ngồi gắp thức ăn như giả vờ. Gẩy gẩy gót gót. Sơ sài một bát đứng dậy. Cứ sợ nó ăn ít không làm được. Nhưng cơm nguội bữa trưa thừa trong nồi đến bữa tối chả thấy đâu. Nồi thịt đủ ăn ba bữa, mới ăn bữa trưa, bữa tối đã không còn. Mua một bát tào phớ bê vào phải húp một hơi làm phép mà quên mất vệt tào phớ trắng lem nhem quanh mép. Càng thế ngồi vào bàn ăn lại càng như thể không muốn ăn.

    Dần dần bắt đầu nhận ra đồ đạc trong nhà hao hụt lạ lùng. Mất lọ nước hoa thỏi son cái gương cái lược. Ba chục cái bát sứ Nhật mua được vài tháng chỉ còn mười hai cái. Mùa đông đến lôi quần áo rét ra mặc thì thiếu hết cả quần cha áo mẹ váy con. Có hôm thấy cả một cuộn tiền giấu dưới gầm tủ lạnh. Hỏi. Tứ trả lời tiền ấy của người cùng quê hôm qua đến gửi mua thuốc.

    Vừa may có cô Nhất đến chơi. Cô bây giờ đã ra dáng cô thợ may, áo váy đã biết chọn kiểu dáng, biết chọn màu. Nghe vợ anh than thở mất đồ, Nhất nói để cháu bảo nó.

    Cô rút cái dép đi trong nhà ra cầm tay, đảo mắt nghiêng tai nghe ngóng. Thình lình cô chồm tới cúi người đập đánh chát. Mày chết này. Chết thật. Một con chuột quay lơ chân cầu thang. Nhất quay sang quát Tứ, nhặt con chuột lên.

    Tứ loay hoay định tìm một tờ báo lót tay. Nhất quát, nhặt bằng tay, đừng có học đòi tiểu thư. Tứ hoảng quá vội dùng tay xách đuôi con chuột lên. Nhất lấy một cái đĩa sạch đặt trên mặt bàn, hất hàm, bỏ nó vào đĩa.

    Hai cô ngồi đối mặt. Giữa là con chuột chết trên cái đĩa. Chưa chết hẳn. Cứ một lát nó lại co rúm hai chân trước, cái bụng rụng lông rung bần bật. Nhất quát bây giờ mày khai hết tao nghe. Nhất bắt nó hai tay cầm cái đĩa con chuột chết mà xưng tội. Tứ ồng ộc nôn thốc nôn tháo. Tồng tộc khai bằng hết. Quần bò áo len áo da cho hết vào túi ni lông, sáu giờ chiều xách ra cùng với túi rác. Túi rác bỏ vào thùng rác. Túi đồ thì gửi con bé Ôsin nhà bên. Vài bữa đóng gói một lần ra bưu điện gửi về quê. Thìa đĩa bát mang ra chợ bán rẻ.

    Sự thành khẩn quá mức có khi gây xúc động. Nhất giật lấy cái đĩa con chuột chết từ tay Tứ đem đổ sọt rác. Mày ngu lắm, giở trò gian dối với người cho mày nương tựa. Mày thích ở đây nhà cao cửa rộng, mưa không tới mặt nắng không tới đầu, ăn trắng mặc trơn, hay là thích về quê mò cua bắt ốc cấy một sào lúa mỗi năm chỉ đủ gạo ăn ba tháng. Nhất đổi giọng dạy dỗ. Đừng tưởng người thành phố tiền bạc vứt đầy mặt bàn, quần áo lèn chặt tủ là người ta hớ hênh. Bẫy cả đấy. Người ta để đấy mời mọc, thử xem mình thật thà đến mức nào, thực ra người ta tính đếm cả rồi.

    Dạy dỗ chán, Nhất hạ giọng thân tình. Thôi vấp ngã thì đứng dậy. Bà nội chị bảo đói thì khó sạch rách thì khó thơm cho nên ngày xưa các cụ mới phải dạy đói cho sạch rách cho thơm. Giấy rách phải giữ lấy lề. Phải đàng hoàng để người thành phố người ta không coi thường mình. Ví dụ, vào bữa thì đừng có hùng hục vục mặt vào mà ăn, ra vẻ khảnh ăn càng tốt. Vắng mặt người ta tha hồ mày ăn nếm ăn thêm. Nếm lúc nấu và thêm sau bữa chính. Lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt.

    Dạy xong được con Tứ, Nhất sang cười đắc thắng với vợ chồng anh. Khen cô dạo này nhanh nhẹn hoạt bát, cô bảo cháu bị đuổi khỏi xí nghiệp may mặc liên doanh rồi. Ông chủ ngoại quốc bắt công nhân làm ngày mười hai tiếng không cho nghỉ thứ bảy chủ nhật, bắt công nhân xếp hàng giữa nắng chào vợ ông ấy, dàn hàng ngang như đội danh dự chào nguyên thủ quốc gia. Mụ này hàng ngày đến nhà máy ăn trưa với ông chủ vào lúc chính ngọ. Cháu vẽ tranh biếm họa dán báo tường nhà máy. Cháu sang các phân xưởng tuyên truyền đấu tranh chống áp bức bất công. Thế là cháu bị đuổi. Nhất giở cái túi du lịch cô mang theo, đem khoe mấy tập giấy, mỗi tập gói trong một cái túi ni lông như gói tiền vàng mã. Đây là tranh biếm họa phô tô cóp pi thành nhiều bản. Đây là tập truyền đơn. Đây là quần áo và đồ dùng của cháu, cô chú cho cháu gửi nhờ cháu đi hoạt động ít hôm. Cháu đã xin được sang một công ty tư nhân. Rồi cháu sẽ quay lại thanh toán lão chủ ngoại quốc.

    Vợ anh đùa bảo Nhất cho con Tứ đi theo kiếm việc làm. Nhất lắc đầu, con này cháu dạy là dạy thế thôi, còn u mê chán, không bao giờ giác ngộ được đâu.

    Vợ anh khen cô xinh ra. Nhất bảo chưa xinh đâu, bao giờ cháu phải được như cô tiểu thư kia kìa. Tay chỉ vào bức tranh cô gái ở trên tường.

    Cô đi rồi. Anh không kịp nói cho cô biết đấy không phải là cô tiểu thư. Đấy là bức tranh Cô đầy tớ. Chân cô đang bước đi mà cái khay trên tay có một cốc nước không hề nghiêng chao. Điều đó chứng tỏ cô thạo việc, ngôn ngữ ngày nay gọi là giỏi chuyên môn. Trang phục tươm tất, mái tóc còn in đường lược. Điều đó chứng tỏ cô có ý thức tự trọng và biết giữ uy tín nghề nghiệp. Một cô đầy tớ thế kỷ mười chín bên châu Âu. Không phải là cô tiểu thư./.
    Không đi làm sao tới.

  5. #45
    Tham gia
    16-05-2005
    Location
    Sì Gòn
    Bài viết
    2,247
    Like
    0
    Thanked 10 Times in 6 Posts
    Quote Được gửi bởi DONNA_DONNA View Post

    2. Chuyện của nội

    Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít... Dường như Nội cũng mừng(14). Từ ngày đi, đến khi sống nơi trời Tây, Nội luôn giữ một gói giấy (29).

    Nội ra đi... tay vẫn nắm chặt cái gói. Gỡ tay Nội, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...
    XIn mạn phép DONNA cho mình trích dẫn trọn câu chuyện có tựa đề "Chuyện của Nội" này nhá. Vì đây là truyện ngắn mình tâm đắt nhất nên mình muốn post vào đây đúng y như nội dung của tread.
    DONNA này, mình biết những câu chuyện này bạn sưu tầm nơi đâu, mình nghĩ rằng những câu chuyện trong đó rất hay không biết rằng các sếp có cho phép mem này đều đặn post lên cho bà con thưởng thức không nữa. Không biết DONNA có nghĩ như mình không? Mỗi khi đọc những mẫu chuyện này thật tình mình cảm thấy đó là 1 khoảng lặng trong cuộc đời mà đôi khi chúng ta không thấy được. Truyện rất đời thường nhưng nội dung thì không thường tí nào. Nói hơi nhiều mong các mod đừng xoa bài của em tội nghiệp thằng nhỏ này !


    Chuyện của Nội.

    Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...
    Dường như nội cũng mừng lắm. Nội vào ra, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
    Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư trời Tây, nội luôn xăm soi một gói giấy, vẻ quý lắm.
    Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...

  6. #46
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Nguyễn Ngọc Thuần

    Ngày Bất Tận
    Và Ngân Dài Từ Đó


    Đôi khi tôi tự hỏi rằng, những người đàn bà quanh tôi , họ sống vì điều gì . Ngoại tôi , mẹ tôi, chị tôi, người đàn bà láng giềng, và cuối cùng , tôi biết rằng mình chẳng bao giờ biết được điều đó.

    Tôi không biết những buổi chiều như thế này, mẹ đang làm gì . Trong thư mẹ viết : " Mẹ nhớ con lắm " . Chỉ viết được bấy nhiêu đó .Có lẽ mẹ đã nhờ ai đó trong xóm dạy cho những con chữ như trẻ con này . Và tôi cũng biết , mẹ đã viết nó sau buổi ra đồng , chờ khi mọi người đi ngủ, mẹ lần mò thắp đèn :" Mẹ nhớ con lắm" . Hàng chục lá thư mẹ gởi cho tôi, nét chữ ngoài bìa thư không bao giờ là của mẹ, của chị, nét chữ đó của cô bưu tá . Mẹ đã len lén đi bốn cây số xuống thị trấn , rồi mẹ đọc cái địa chỉ của tôi cho một người lạ .Mẹ làm điều ấy vì cớ gì, tôi không bao giờ dám hỏi. Tôi sợ mẹ không thể trả lời thư cho tôi ngoài chữ :" Mẹ nhớ con ..." .

    Bây giờ đã là cuối đông rồi. Cái lạnh như núi đồi, chúng trải dài khuất lấp tầm mắt tôi . Tôi nhớ mùa xuân 1957, một nỗi nhớ qua một nỗi nhớ của người khác , ngoại tôi. Ngoại đã ôm một đàn con bảy đứa trốn chui trốn nhủi vào nơi này . Ngoại đi trốn món nợ tiền kiếp của đời mình , đó là ông . Ông say, ông uống rượu và ông đánh đập . Ông chỉ vì rượu thôi.Ngoại nói như vậy . Nói mà không một chút giận hờn . Ngày xưa, ông chịu khó làm ăn, nhưng vô phước, ngoại không đẻ được con trai. Thế là ông buồn sinh tật . Ông không kể gì nước sôi , nếu có nước sôi trong tay. Vết bỏng trên tay ngoại , nó đã liền da hai chục năm rồi . Thật kỳ lạ . Người ta có thể nhìn vào một vết bỏng để nhớ về cuộc đời mình. Để chạy trốn từ Bắc chí Nam .

    Từ Ban Mê Thuột , ngoại đem bảy đứa con vào Sàl Gòn . Yên ấm một thời gian bỗng dưng ông lù lù xuất hiện .Thế là ngày ngày cung phụng rượu thịt cho ông . Rồi chứng nào tật nấy , ông lại đánh đập . Biên Hòa là cái đất cuối cùng ngoại đến . Ông cũng chẳng tha đâu , nhưng sức lực chẳng còn để mà đánh nữa , già rồi , sự độc đoán cũng bị chi phối theo tuổi già mà tàn lụi đi .Và đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời ngoại . Những năm tháng được tính bằng con số ít ỏi , bốn năm . Bà ngâm Kiều thanh thản nơi góc vườn . Và như chiều nay, bà đẩy chiếc xe lăn cho ông nhìn khu vườn , để rồi nghe được một giọng nói khàn đục : " Bà nó ơi ..." . Mái tóc bà bạc trắng , bà đưa ông đi , mái tóc ông cũng bạc trắng như vậy . Tuổi già như một thứ trái chín trên cành , thơm là thơm mùa cuối .

    Những buổi chiều như chiều này , một chiếc lá vàng đã rơi vào tay tôi . Thằng con tôi nói, bố ước đi, đến ba điều đó . Tôi đã nói với nó rằng , bố ước gì con có được ba điều ước . Rồi chợt giật mình, hình như tôi chỉ ước toàn những điều cho con tôi , mà con tôi chính là của tôi . Tôi chưa ước điều gì cho mẹ, cho chị, cho tất cả những gì không thuộc về mình .

    Buổi sáng , tôi đã uống cà phê quá đà rồi lơ mơ thấy cuộc sống như một vết xe . Chúng đã trợt qua trên chiếc kim đồng hồ của mọi thứ . Vợ tôi giờ này có lẽ vẫn còn nằm ở nhà . Nàng chẳng bao giờ tin, một buổi sáng nhìn ra mặt đường sẽ đem đến cho người ta một ý nghĩ tuyệt vời nào đó . Nàng chỉ tâm niệm mỗi một điều thôi cách giữ chồng khéo nhất là cho chong ăn ngon . Vậy đó . Và đôi lúc nàng không tránh khỏi gieo vào đầu tôi cái ý nghĩ, nàng đang đối xử với tôi như một con heo . Vừa tạp ăn vừa xa xỉ . Một ngày nàng nấu ba bốn món ăn , mỗi món đều có hương vị của thiên đường . Ăn đi mình . Rồi nàng kiên nhẫn chờ tôi nói một lời gì đó. Đôi mắt nàng làm tôi đau . Một cơn đau nhói đâu đó từ phía sau lưng như bị một phát đạn của sự yêu thương . Những yêu thương luôn làm tôi bối rối .

    Tôi nhớ chị tôi , năm mười tám thì lấy chồng . Chồng chị chẳng bao giờ trò chuyện vơi gia đình tôi , gặp mặt chỉ cười cười ,thế là đủ . Và chúng tôi phải tập yêu thương anh như yêu thương một cái gì không nói , một cái gì chất chứa câm nín . Một năm.sau bỗng dưng anh trở bệnh và đột ngột mất.Tưởng chị bơ vơ một lúc, hóa ra một đời . Những tình yêu không nói khi mất đi còn lớn hơn những gì đã nói . Nó lớn đến nỗi bủa vây cuộc đời chị . Buổi chiều đi ra cánh đồng tôi thấy chị cuối mặt trên những đường cày như đang tìm những dấu vết . Mà một đời người có để lại nhiều dấu vết đâu.Thi thoảng trên những mảng tường , những hàng cây đang mọc, trên những chiếc hoa be bé trong vườn , cái nào là dấu vết của anh . Để rồi tuổi xuân của chị tôi vùi sâu ở đó, quên lãng và một mình .

    Sau bốn năm lặng lẽ sống bên bà , cuối cùng ông tôi cũng ra đi vào một ngày muộn màng .Ông vội vàng đến đỗi tôi chưa kịp hỏi ông lời nào về cuộc sống này . Chỉ còn con vẹt , nhân chứng từng phút cuối , một nhân chứng mơ hồ không có gì khác ngoại trừ một lời nói mà những ngày nhàn rỗi cuối đời ông đã dạy cho nó nói lời của ông . Vừa ho khù khụ , vừa rụt rè, vừa khàn đặc. Nó rống lên : " Vân Tiên cõng mẹ khụ khụ , cõng me, khụ khụ..." . Đó có phải là giọng nói của ông tôi ? Chỉ biết bà đã khóc khi nghe những lời nói đó.Lạ lùng làm sao dấu vết của một đời sống chỉ còn bấy nhiêu, một đời vẫy vùng càn quấy chỉ còn bấy nhiêu trong tiếng vẹt hằng đêm không ngừng réo gọi . Chị tôi sợ lắm bảo thả con vẹt đi , nhưng ngoại tôi không đồng ý . Không có gì kinh khủng hơn những buổi chiều tối trong căn phòng không ánh đèn , ngoại thu lu ngồi nghe con vẹt nhắc lại những âm thanh cũ . Những âm thanh đã chết từ rất lâu , lâu đến nỗi tôi không thể hình dung nếu như không được nghe lại chúng .Tôi vội vàng thắp đèn , rồi bỗng dưng giật mình khi thấy tóc ngoại bạc trắng . Đó là một sắc màu sợ hãi và bí ẩn lớn nhất của cuộc đời mà tôi đã gặp . Tôi không biết ngoại đã nghĩ điều gì trong buổi chiều như vậy, nghĩ gì khi khóc thương những âm thanh kia .

    Chiều nay tôi lại nhận được thư mẹ : " Mẹ nhớ con. Khi nào rảnh, con nhớ về " . Mẹ đã viết được thêm một vài con chữ mới . Thật lạ lùng làm sao những con chữ này, chúng như nhảy múa, chúng vật vã vì chứng yêu thương . Chúng là tất cả những gì mà mẹ tôi có thể .
    Tôi đã đi dọc suốt chiều dài của buổi chiều hôm nay . Chiếc lá đang rơi nào là điều ước cho mẹ tôi , cho tôi , và cho thêm một ai đó . Chúng đã rơi hàng vạn lần trên con đường này , chúng đã rơi như một thói quen , và tôi cũng đã sống như một thói quen mỗi khi đi qua . Quen cả những điều lạnh lùng hơn một chiếc lá .
    Buổi tối tôi nhìn lại hình mẹ trong những tấm ảnh đen trắng vàng úa rồi chợt giật mình , mẹ cũng có một thời thật đẹp đẽ với chiếc áo nhung đen cổ lọ và mẹ thoa son . Nhưng hình như chưa bao giờ thấy mẹ cười dù chỉ một lần trong những tấm ảnh như vậy . Có thể lúc đó mẹ không quen chụp hình , nhưng cũng có thể những điều ấy đã nằm sẳn trong cuộc đời mẹ từ lúc nào rồi .Chúng đã dự báo một điều gì bất an luôn thường trực xảy ra .

    Trong ảnh , mẹ đang ẵm tôi. Tôi bận một chiếc áo màu nhạt . Và tôi đang khóc. Tôi đã khóc mãi không cách gì dỗ được nên cuối cùng ông thợ ảnh đành phải ghi lại một " pô" vào thời điểm như vậy . Cái miệng ngoác ra không âm thanh . Nhưng lạ lùng thay tôi như nghe thấy những tiếng động gào thét từ những câm lặng đó . Nó đã thét một lần vang vọng đến bây giờ .

    Năm đó mẹ tôi vừa tròn hai mươi . Hai mươi tuổi đã là mẹ của hai đứa con. Nhiều lúc tôi cứ hay suy nghĩ vẩn vơ, mẹ đã hưởng được bao nhiêu năm cái thời con gái của mình . Tất cả như lớp phấn hồng cứ chìm xuống, chìm dần, chúng chìm đến độ tôi quên bẵng một điều mẹ cũng đã từng có một thời cổ lọ với nhung đen .

    " Tết này con nhớ về . Mẹ nhớ con lắm " . Lại thêm một lần nét chữ của mẹ . Công này tôi vừa được biết là thuộc về con bé Lan trong xóm . Nó đã dạy cho mẹ tôi, hay nó đã dạy cho tôi một bài học yêu thương là phải như thế này . Tôi đã viển vông thật nhiều , đã bay bổng thật nhiều nhưng chưa hề nghĩ đến một việc cỏn con là cần phải chỉ cho mẹ một tiếng nói để mẹ có thể gói nó lại trong những phong thư, vì mẹ luôn luôn muốn nói một điều gì đó với đứa con bằng phong thư .

    Lá thư của mẹ đã nhắc tôi nhớ rằng một mùa xuân đã đến khẽ khàng như tiếng thở dài ở ngoài kia , cùng hàng loạt điều ước của mẹ đã rơi rụng như lá vàng mà tôi đã nhặt . Bảy năm rồi . Chiếc xe đò bì bõm mùi cá mắm . Những khuôn mặt như chật chội vì những lo toan , tất cả ùa về ngầy ngật .

    Căn nhà cũ vẫn vậy như năm xưa lúc bố tôi còn sống . Bây giờ còn lại ba người đàn bà mà tôi yêu : ngoại, mẹ và chị . Chị nắm tay tôi run run , không biết nói một lời nào . Tôi luôn sợ một tình cảm không nói như người anh rể trước . Đó là một thứ tình cảm lớn lao mà đời tôi không bao giờ muốn gặp . Như một thứ điềm báo quỉ quái nhất trên cuộc đời này . Cuối cùng thì chị cũng òa lên : " Em về chị mừng lắm " . Mẹ tôi chạy ra rồi cũng như chị rồi khóc rồi cười .

    - " Ngoại đâu rồi chị ? " .

    - " Ngoại đang đi tìm con vẹt. Dạo này nó già lắm rồi , cứ chạy lung tung trong vườn rồi quên đường vê . "

    - " Nó vẫn còn ngâm Lục Vân Tiên chứ? " .

    - " Không. Nó chỉ ho khù khù .Hình như nó không còn nhớ nữa" .

    Đó là điều tồi tệ của trí nhớ mà tôi vẫn biết qua cuộc đời mình , như cái thùng rỗng, tôi chỉ kêu to một vài lần khi nỗi nhớ thổi qua , và chỉ có thế thôi.

    Tối ba mươi mẹ thì thào : " Chị mày dạo này hư lắm , nó uống rượu con à . Hãy lựa lời mà khuyên nó hộ mẹ" .

    Hèn gì đã ba hôm nay tôi thấy chị thập thò trong chiếc bàn góc tối . Chị ngồi im một mình khiến đôi lúc tôi chợt nghĩ chị muốn sống một khoảnh khắc cho riêng cuôc đời chị . Chị được quyền làm điều đó chứ . Chị đã hi sinh cả cuộc đời mình có gì riêng cho chị đâu . Tôi đã rót một ly rượu dúi vào tay chị trong cái đêm ba mươi này và chị bật khóc .Chị khóc tức tưởi như một đứa trẻ chợt thấy một ai đó bênh vực mình .

    Mùi nhang khói từ ngoài sân ùa vào như một thứ bùa mê , chúng đã phanh phui từng nỗi nhớ một của đời tôi . Từ khu vườn cho đến khúc sân mà ngày xưa bố đã đổ từng giọt mồ hôi trên đó , tôi cứ miên man đi trong sự bận rộn kỳ bí cho đến khi vấp phải một người đàn bà . Đúng vậy, một người đàn bà nhỏ đang ngồi thu lu trong góc vườn , và đang che giấu điều vĩ đại nhất .

    - " Ai ? " . Tôi hét lên . Cả nhà đổ ra,

    - " Trời ơi con Lan, mày làm cái gì vậy? " .

    Hình như tiếng mẹ tôi . Rồi mọi người kéo vụt đi . Bây giờ, trong cái ánh sáng nhập nhòa góc nhà tôi mới kịp nhìn rõ cô gái, độ chừng mười hai tuổi . Cô đang ẵm một đứa trẻ còn đỏ hỏn được quấn trong một chiếc áo mỏng mong manh hơn bao giờ hết .

    -" Mày ẵm con ai vậy ? " . Chị tôi gào lên. Cô gái trẻ cúi gằm xuống rồi bỗng dưng òa khóc .

    -" Nó là... con... em... em vừa mới sinh nó ngoài đồi cát... Em lạy chị..." .

    -" Trời ơi, mày đã trốn ra đồi cát rồi tự sinh một mình à ? Mày có điên không ! " .

    -" Em lạy chị , em không muốn vứt nó nữa . " Cô gái khóc ngất trong cánh tay tôi -" Em chỉ xin chị cho con em đêm nay được ở trong một căn nhà . Qua ba ngày tết em sẽ đi..." .

    -" Cha nó là thằng nào ? " .Chị gào thét như tát nước vào mặt Lan. Tôi biết điều đó. Chị gào lên vì ganh tị , vì chị là đàn bà, một người đàn bà đã sống gần hết cuộc đời mình với cái bụng rỗng không mà chưa từng được ấp ủ một đứa trẻ nào. Chị đành phải uống rượu , chị tập say . Nhưng rượu không thể đem lại cho chị một cảm giác được làm mẹ . Bây giờ bỗng dưng có người tát vào mặt chị rằng họ đang thừa mứa đứa con của mình . Họ lên đồi cát và tìm cách vứt nó . Họ vô tình phỉ nhổ vào cái điều mà chị đã mong đợi .

    Tôi cứ miên man nhìn vào khuôn mặc đứa trẻ ấy , nhìn vào đôi mắt, cái miệng . Lâu rồi, lâu lắm, tôi đã từng mang một hình hài như vậy . Và bây giờ trong mắt mẹ , tôi cũng chỉ mang một hình hài này thôi . Tôi tự hỏi, đêm nay, đứa bé này, nó có phải là vô phước không khi có đến những hai bà mẹ . Chỉ cần một thôi là nó đã đủ sự vĩ đại mà lớn lên . Nó xứng đáng được làm một đứa trẻ giàu có nhất , xứng đáng được sinh ra bằng hai tình thương của hai người đàn bà bị lãng quên này . Tôi cứ miên man nhìn vào đôi mắt nó cho đến hồi chị mang nó đi , chị lặng lẽ đặt nó vào giường , âu yếm giăng mùng cho nó . Chị vội vã xuống bếp mang lên một lò than nhỏ . " Ngủ đi con của mẹ " . Tôi nghe chị nói . Tôi nghe ngàn lần trong cái đêm ba mươi này . Có nán lại thì đồng hồ cũng đã điểm sang một ngày mới.Một ngày mới kỳ lạ của cuộc đời chị tôi , tôi biết thế . Và tôi còn muốn nói rằng , đó là ngày làm mẹ của chi . Ngày - của - mẹ , chỉ có mỗi một ngày của mẹ là ngân dài bất tận trong cuộc đời nàymà thôi . Và mọi thứ đều bắt đầu từ đó .
    Không đi làm sao tới.

  7. #47
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Yêu bằng tai



    Minh họa: Nguyễn ngọc Thuần

    TTCT - Công việc của tôi là kế toán, kiêm văn thư, kiêm luôn việc ký văn bản thay cho chủ tịch hội là anh Thành. Nói kiêm luôn việc ký văn bản, nghĩa là tôi đọc văn bản cho anh Thành nghe, rồi cầm tay anh Thành chỉ vào chỗ cần ký.

    Tóm lại, công việc chính của tôi là nhân viên kế toán, công việc phụ là làm đôi mắt cho anh Thành và chị Hậu, phó chủ tịch hội.

    Và một vài công việc phụ bất chừng khác nữa. Ví dụ, khi có giao lưu giữa hội của tỉnh này và tỉnh kia, tôi là hướng dẫn viên đưa mọi người đi đây đó. Biểu diễn văn nghệ tôi làm người dẫn chương trình, có khi là làm diễn viên luôn! Cuối tháng lãnh lương, rủ nhau đi ăn, tôi làm công việc tiếp thị cho quán, đọc thực đơn cho mọi người nghe.

    Sau lần tôi chọn món gỏi đu đủ, dạ dày của chị Hậu phản ứng dữ dội phải uống thuốc suốt ba tháng, chị Hậu giành luôn phần chọn món. Món của chị thường có cái tên hay hay, ví dụ như “Mỹ nhân ngư”, đến khi biết nó là cái đuôi cá chép chiên, chị cười xòa như bị dụ khị mà lỡ rồi nên đành. Vậy rồi lần sau cũng không khác, chị gọi món có tên “Đừng quên tôi nhé”, là thịt băm trộn bột chiên giòn ăn với món nước chấm vừa chua vừa cay đến xé lưỡi, vừa ăn vừa rùng mình vừa chảy nước mắt. Và cái dạ dày của chị Hậu lại lên cơn mà chị không đổ thừa tại ai khác được. Đúng là không thể quên.

    Bao nhiêu lần đụng phải những món ăn không xứng với tên gọi mỹ miều, anh Thành nói:

    - Người ta nói phụ nữ yêu bằng tai thật quá đúng.

    - Vậy đàn ông yêu bằng gì? - chị Hậu tưng tửng hỏi lại.

    Anh Thành cười cười:

    - Người ta nói đàn ông yêu bằng mắt. Mà tôi không có mắt nên coi như khỏi bị ai dụ khị. Khỏe. Phải không? - anh hích vai tôi.

    Để tránh phải trả lời câu hỏi hai lần nhạy cảm này, tôi chuyển qua đề tài khác:

    - Lần sau, không ưu tiên chị Hậu nữa mà sẽ xoay vòng, mỗi người chọn món một lần, nghe anh Thành?

    Cái muỗng trên tay chị Hậu rớt xuống, vang tiếng “keng” trên nền. Bàn tay chị xòe ra tỏ vẻ áy náy vì tôi phải cúi lượm giúp chị.

    Anh Thành nghiêng mặt nghe ngóng và vội vàng:

    - Nói chơi vậy thôi mà. Tôi ăn món nào cũng thấy ngon.

    Vậy là tôi biết bí mật của anh Thành rồi - anh tưởng chị Hậu giận bỏ muỗng không ăn nữa, mới có tiếng “keng” đó.

    Anh Thành sợ chị Hậu giận! A... phát hiện bất ngờ khiến tôi ẩy vai anh Thành một cái.

    Anh Thành vội vàng đưa tay lên môi. Tôi ngậm miệng nín thinh.

    Chị Hậu bật hỏi:

    - Hai anh em sao im ru vậy?

    Câu hỏi được lặp lại lần thứ hai. Và lần này thì chị Hậu giận.

    * * *

    Chị Hậu là người hay nói, và hay hát nghêu ngao nữa. Nên cơn giận của chị khiến văn phòng hội trầm lắng hẳn.

    Anh Thành thành người đãng trí. Lại gặp trúng đợt xét cấp vốn cho hội viên vay học nghề và làm ăn. Mặc kệ tôi mỏi miệng đọc đơn, khi tôi đặt lá đơn trước mặt để anh ký duyệt thì anh như người trên trời rớt xuống:

    - Ký cái gì đây? Giấy tờ ở đâu mà hôm nay nhiều vậy?

    Đãng trí đã rồi anh đâm cáu. Tối đa được vay năm triệu. Thường thì anh mềm mỏng thuyết phục hội viên, và cười hà hà nếu ai đó càu nhàu “Vay chừng này thì làm được cái gì?”. “Thì làm được cái bằng chừng này là ngon rồi. Còn hơn không có gì”- anh luôn đáp lại vậy. Hôm nay...

    Anh la lên:

    - Ai cũng đòi vay đúng năm triệu rồi người khác thì sao?

    Hơi hướng bực bội trong giọng của anh khiến những càu nhàu nín bặt.

    Bất thình lình chị Hậu lên tiếng:

    - Đã cho vay thì phải vay được đáng một món để người ta làm ăn có đầu có đuôi. Vay vài trăm ngàn đi học matxa mà không cho vay tiền mở phòng ốc giường chiếu thì lấy khách đâu mà làm trả nợ?

    Hội viên được thể nhao nhao. Người nhà đưa hội viên đến đây cũng nhao nhao.

    Anh Thành giận dữ:

    - Tiền ngân sách có hạn. Tôi cũng là hội viên, tôi cũng muốn vay một món từ đầu tới đuôi. Hậu chịu ký cho tôi không?

    Cuối cùng thì tất cả hội viên cũng cười vui vẻ với nhau trước khi cầm tiền ra về.

    Còn lại hai vị chủ tịch và phó chủ tịch lạnh băng.

    Tôi lãnh đủ.

    Thường ngày, đầu giờ, tôi đọc báo, cả hai người cùng nghe. Nay, anh Thành nghe thì chị Hậu kiếm cớ đi ra ngoài (và ngược lại). Không ai khác là tôi phải đọc lại cho người đi ra ngoài trở về nghe. Khổ nhất là những văn bản pháp lệnh dành cho người khuyết tật, đâu phải đọc xong là xong, còn phải tìm hiểu giải thích và tranh luận... Đứng giữa hai người trong tư thế sẵn sàng đối đầu nhau, giải thích gì và tranh luận gì rồi tôi cũng là người... đọc không chính xác.

    Thường ngày, tôi pha ấm trà mới, tất cả cùng uống nên lúc nào cũng được uống trà nóng. Nay, hễ tôi mời chị Hậu trước thì anh Thành kiếm cớ đi ra ngoài (và ngược lại). Khi người đi ra ngoài trở về thì trà đã nguội. Và không ai khác là tôi phải súc ấm pha trà mới.

    Mệt quá. Phải giải quyết. Tận gốc mới được.

    Đợi anh Thành đi ra ngoài, tôi buông tờ báo xuống, nói với chị Hậu:

    - Chị biết hôm nọ trong quán ăn, vì sao chị hỏi hai lần mà em không thể trả lời không?

    Rõ ràng chị Hậu chỉ đợi tôi nói câu này. Vẻ dửng dưng kia chợt biến mất.

    - Vì sao?

    - Tại vì em biết anh Thành để ý chị, anh Thành mắc cỡ nên ra hiệu cho em đừng nói.

    Màu hồng loang trên má chị Hậu, những chấm tàn nhang đỏ ửng:

    - Sao em biết anh Thành để ý chị?

    * * *

    Chị Hậu lại hát nghêu ngao như chưa từng giận hờn. Tiếng hát khiến anh Thành thôi không kiếm cớ đi ra ngoài một mình nữa, còn nhịp nhịp tay cứ như mặt bàn là mặt trống. Và tôi, bị cuốn vào không khí lâng lâng, cũng bỗng muốn góp phần mình bằng sự nhiệt tình vun vén. Niềm vui khó tả khi chỉ mình mình biết được bí mật của đất trời. Tôi tặng chị Hậu lọ nước hoa, tặng anh Thành cái lược bỏ túi...

    Văn phòng tươi mắt hơn vì không chỉ mình tôi ăn mặc diện. Và thơm hơn vì không phải mình tôi xức nước hoa.

    Chị Hậu ngồi gõ máy tính lách cách. Anh Thành kéo tôi ra sân, thì thào:

    - Em tả chị Hậu cho anh nghe đi.

    Tôi nhìn chị Hậu qua cửa sổ, thấy mình trở lại như hồi tiểu học, tập làm văn hãy tả cô giáo của em. Bài tập làm văn tỉ mỉ chi tiết từ chiều cao thân hình tới độ dài mái tóc, chiều cao sóng mũi và chu vi của cái miệng. Và những ngón tay gõ trên bàn phím có móng hình vuông. Và những chấm tàn nhang lấm chấm trên má. À, chị Hậu còn có cái lúm đồng tiền.

    - Lúm đồng tiền là cái gì? - Anh Thành nhíu mày.

    - Là... là... - Tôi né người, biết trước câu trả lời của mình sẽ nhận một cú thụi ngay hông - là khi nào anh rờ má chị Hậu sẽ biết.

    * * *

    Bí mật của đất trời giờ đây trở thành niềm vui chung của cả hội. Tíu tít bàn chuyện cưới xin. Đầy những âu lo, tất nhiên, nhưng mà vui. Trước tiên là thiệp mời, tất cả những dòng chữ đều giống những tấm thiệp bình thường, riêng tên cô dâu chú rể và khách mời sẽ được đục chữ nổi.

    Ý kiến này được toàn thể hội viên hoan nghênh nhiệt liệt, thể hiện tính độc đáo của tinh thần hòa nhập cộng đồng. Cũng ý kiến này bị toàn thể hai gia đình phản đối kịch liệt vì sẽ có nhiều khách mời không thể đọc tên cô dâu chú rể bằng mắt thường được, và lỡ ra... họ không dự tiệc cưới vì không đọc được tên khách mời luôn!

    Vậy thì làm hai loại thiệp! Cái ý kiến dung hòa này... Ai đó đã nói là nếu bạn cố làm vừa ý mọi người, nghĩa là bạn sẽ mất tất cả.

    * * *

    Mất tất cả. Ý kiến hai loại thiệp là báo trước một điềm rủi... đường đời hai ngả.

    Cái dạ dày của chị Hậu... ung thư...

    Tang lễ, anh Thành bên quan tài như người ngủ đứng. Tiếng kèn ảo não khiến mấy lần tôi phải đưa ngón tay tới trước mũi anh để chắc chắn anh vẫn là người dương thế.

    Tôi thắp nhang rồi lần lượt đặt từng cây nhang vào tay bạn bè, chỉ chỗ cho họ cắm nhang, rồi đưa họ về chỗ ngồi. Cái công việc phụ bất chừng này khiến mắt tôi nhòe nhoẹt, chẳng phân biệt được đâu là vì khói nhang, đâu là vì khóc, và đâu là vì tức giận ông Trời.

    * * *

    Làm ở văn phòng Hội Người mù được hai năm, tôi chuyển cơ quan khác.

    Bây giờ mới đúng là công việc, không có cái đuôi chính, phụ và phụ bất chừng kèm theo. Tôi nhận ra hai năm vừa qua là thời gian tôi được sống tiếp đời sinh viên mơ mộng chân thành và lãng mạn.

    Áp lực của công việc mới làm tan thành mây khói lời hứa mỗi cuối tháng lãnh lương tôi sẽ về đón anh Thành cùng tới cái quán từng có mặt ba người.

    Một ngày kia, tôi nhận điện thoại của anh Thành. Giọng anh như nài nỉ:

    - Tối nay có giao lưu văn nghệ với hội của tỉnh bạn, biết em bận lắm nhưng cố gắng về tham gia với bọn anh cho vui.

    Tôi bị trễ vì bận tháp tùng sếp dự chiêu đãi từ chiều. Vừa tới cổng, tôi nghe âm thanh vang dội của một bài hợp ca. Không khác xưa tí nào, cứ mở màn là cả hai bên chủ khách kéo nhau lên sân khấu làm một màn hợp ca hùng hồn bày tỏ tinh thần đoàn kết.

    Tôi định là sẽ phóng lên sân khấu đứng cạnh anh Thành và hát to hết cỡ xem anh có nhận ra tôi ngay không. Nhưng chân tôi khựng lại. Kìa... chị Hậu.

    Bài tập làm văn ngày nào tả tỉ mỉ chi tiết từ chiều cao thân hình tới độ dài mái tóc, chiều cao sóng mũi và chu vi của cái miệng. Và những chấm tàn nhang lấm tấm trên má.

    - Ai vậy bác? - Tôi hỏi ông bảo vệ.

    - Cô chủ tịch hội của tỉnh bạn đó mà.

    Chợt nhận ra câu hỏi của tôi mang ý nghĩa khác, ông bảo vệ mở to mắt, ho một tiếng:

    - Ờ... sao mà giống cô Hậu quá hả?

    Giữa màn hợp ca không thể phân biệt ai là ai, khuôn mặt anh Thành hướng về chị với ánh cười lóng lánh.

    Ô...

    * * *

    Tôi mời anh chị đến quán của ba người. Tại sao tôi lại muốn đến đây mà không là quán khác?

    Tờ thực đơn mới, ngoài những món mới vẫn còn đó những tên gọi làm thốn lòng người. Tôi tránh đọc những món này, sợ làm anh Thành mất vui. Chuyện cũ đã qua rồi. Cuộc sống là như vậy mà.

    Nhưng cô chạy bàn đã nhanh nhảu mời chào:

    - Mời anh chị dùng thử Mỹ nhân ngư.

    Vai áo anh Thành rùng nhẹ. Khuôn mặt chị sáng nỗi háo hức:

    - Mỹ nhân ngư... nghe hay quá há.

    Cô chạy bàn bưng ra cái đuôi cá chép chiên, hoa lá cành hơn trước một chút là có phủ lòng trắng trứng gà trộn ruốc thịt làm cho nó xù lên như được khoác lớp áo lông màu tuyết trắng. Nếu chỉ để ngắm, quả cũng đáng gọi Mỹ nhân ngư.

    Tôi gắp cá vô chén của chị. Chị nếm thử, rồi bật cười xòa. Tiếng cười của người biết mình bị dụ khị mà đã lỡ rồi. Tôi nhận ra cái lúm đồng tiền thấp thoáng một bên má của chị.

    Anh Thành nghiêng tai. Tôi bất giác cũng nghiêng tai...

    Tình yêu lay động lòng Diêm chúa? Hay là chị về lại trời. Và lần này là cố tình lỡ tay làm rơi chén ngọc.

    Truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG
    Không đi làm sao tới.

  8. #48
    Tham gia
    13-04-2007
    Bài viết
    38
    Like
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts

    Sợi dây chuyền kim cương

    Sợi dây chuyền kim cương

    Tác giả: Guy de Maupassant

    Dịch Giả: Trần Viết Minh-Thanh





    Cô là một thiếu nữ xinh đẹp, dáng dấp đài các, cao sang, nhưng trớ trêu thay định mệnh lại chọn cho cô vào một gia đình công chức tầm thường. Không của hồi môn, thì làm sao có duyên cơ gặp gỡ đàn ông giàu có, danh giá, để được tìm hiểu, yêu đương rồi đi tới hôn nhân? Thế nên cô chấp nhận về làm vợ của một anh lục sự “thường thường bậc trung” tại bộ thông tin.
    Tài chánh không cho phép cô ăn diện, và cô lấy làm phiền lòng vô cùng, như thể mình từ một địa vị cao rơi xuống. Dung nhan diễm lệ, dáng dấp kiêu sa, chẳng là những yếu tố khắc phục thứ bậc, tầng lớp mà số phận đã an bài? Tài năng thiên phú, bản năng nhận thức, một đầu óc thích nghi có phải là đẳng cấp duy nhất? Cũng đúng đấy thôi, nhiều người đàn bà dân dã được sánh ngang hàng với những mệnh phụ danh giá nhờ nhan sắc, trí thông minh và phương cách giao tiếp của họ.

    Thế nên cô nàng Mathilde nhà ta luôn buồn đời. Đàn bà đẹp như cô sinh ra là để tận hưởng những cao sang, thanh lịch của cuộc đời. Cảnh nhà nghèo nàn làm cô tủi thân, tường trống không, bàn ghế xục xịch, màn cửa thô thiển. Những gì mà một người đàn bà cùng giai cấp như cô, chẳng mảy may bận lòng, là những mối ưu phiền cho cô. Hình ảnh người đàn bà nội trợ với công việc thường ngày làm cô chán nản, thất vọng, và Mathilde thay bằng những giấc mơ cao vời. Cô hình dung đến những căn phòng yên ắng, tường phủ bằng thảm Ba Tư ấm cúng, cao sang, phản chiếu ánh sáng từ những cột trụ bằng đồng sáng loáng, lại có hai anh hầu quần ống chẽn ngủ gà ngủ gật trong ghế bành lớn vì hơi nóng của lò sưởi. Cô trông thấy những hành lang rộng thênh thang, trang hoàng bằng những dải lụa cổ, các kệ tủ xinh xắn tràn ngập vật dụng xinh đẹp, vô giá. Tiếp chuyện cùng các cô, các bà phải là những căn phòng khách thơm mùi nước hoa, và cũng là nơi mà những đàn ông danh giá, lịch thiệp lui tới, những đấng mày râu mà các cô, các bà nào cũng muốn gặp gỡ, và ao ước được họ lưu ý tới.


    Tối tối, ngồi đối diện chồng tại bàn ăn, trải cùng tấm khăn từ ba ngày qua, cô dửng dưng nhìn anh, tay mở liễn, miệng thốt lên sung sướng: “À, món hầm tối nay coi ngon quá, anh nghĩ chẳng có điều gì hấp dẫn hơn.” Lúc ấy cô liên tưởng đến những bữa ăn thịnh soạn, với muỗng, nĩa bạc, tường phủ thảm thêu hình các nhân vật cổ xưa, hoặc những con chim kỳ thú trong ngôi rừng thần thoại, bàn ăn bày biện đủ các thức ngon vật lạ, dọn trên những bát đĩa tuyệt đẹp, thực khách chuyền tai nhau những lời hoa mỹ, và được đáp lại với nụ cười mỉm bí mật, tay gắp miếng cá tươi tắn, hồng hào, hay bỏ vào mồm cánh bồ câu dòn tan.

    Áo dạ hội, nữ trang đắt tiền là những món mà cô yêu thích nhất, thế mà cô chẳng có lấy một thứ nào! Phụ nữ đẹp như mình sinh ra là để diện những thứ đó vào người cơ mà, cô nghĩ thế. Cô ước ao được người người chiều chuộng, ganh tị, được đàn ông tán tỉnh, khen thưởng. Cô có một chị bạn gái giàu có, quen thời cùng học nội trú, mà giờ cô chẳng còn muốn gặp nữa, vì mỗi bận ra về cô lại cảm thấy buồn. Có bận cô đã khóc mấy ngày liền vì chán nản, thất vọng.

    Bỗng một chiều nọ, anh chồng về nhà, mặt mày rạng rỡ, tay cầm một phong bì lớn.
    - Đây, em nè, anh có cái này cho em.

    Trong phong bì là một thiệp mời với những giòng chữ:
    "Bộ Trưởng bộ Thông Tin và bà Georges Ramponneau hân hạnh đón tiếp ông và bà Loisel tại dinh bộ trưởng tối thứ hai ngày 18 tháng Giêng"

    Lẽ ra phải vui mừng, như chồng mong mỏi, cô lại vứt tấm thiếp lên bàn và bảo:
    - Anh muốn tôi làm gì với tấm thiếp này chứ?
    - Cưng, anh lại tưởng em sẽ vui chứ! Em chẳng bao giờ đi ra ngoài, và đây là một cơ hội em ạ. Anh phải mất nhiều công lao mới được thiệp mời. Ai cũng muốn đi dự buổi tiệc này; họ chọn lựa kỹ lắm, không phải ai cũng có được đâu. Tất cả những ông bà lớn đều có mặt hôm ấy.

    Cô nhìn anh với cái nhìn khó chịu, vội cướp lời:
    - Vậy thì anh tính em sẽ bận cái gì chứ?

    Anh không nghĩ đến điều này. Anh lắp bắp:
    - Thì cái áo em hay bận đi coi kịch với anh đó. Áo ấy trông được lắm!

    Anh ngưng ngang, chưng hửng, bối rối vì thấy cô vợ đang khóc. Hai dòng nước mắt lặng lẽ rơi từ khóe mắt xuống bờ môi xinh đẹp. Anh lúng túng:
    - Gì thế, em sao thế ?

    Cố gắng dằn niềm đau khổ, cô trả lời bằng một giọng bình tĩnh sau khi đưa tay lau hai gò má ướt:
    - Chẳng có gì cả. Em chẳng có áo đẹp, vì thế em không thể đi dự buổi dạ tiệc được. Anh hãy đưa tấm thiệp mời này cho bạn đồng nghiệp nào ở bộ, mà cô vợ có đủ quần áo hơn em.

    Lúng túng, anh vớt vát:
    - Nào, nào, Mathilde. Xem nào, một cái áo đẹp, để đi dạ hội, mà em có thể xài vào những dịp khác, một cái áo thường thôi, tốn khoảng bao nhiêu tiền?

    Nghĩ ngợi một đôi giây, trong đầu làm vội những con tính, một con số khả dĩ không bị từ chối ngay hay gặp phải phản ứng thảng thốt từ anh chàng lục sự cần kiệm này. Cuối cùng, cô trả lời, giọng ngập ngừng:
    - Em cũng không biết rõ, nhưng em nghĩ một cái áo đẹp chắc khoảng bốn trăm francs.

    Mặt anh hơi tái đi, vì anh đã để dành đúng khoản tiền như thế để mua một khẩu súng săn, dự định cùng đám bạn đi bắn chim chiền chiện tại đồng bằng Nanterre trong vụ hè tới.
    Thế nhưng anh nói:
    - Cũng được. Anh sẽ cho em bốn trăm francs. Mà em ráng mua một cái áo đẹp nghen!

    Ngày dạ tiệc đến gần kề mà mặt bà Loisel trông vẫn có nét buồn, lo lắng. Áo nàng thì đã may xong. Nhận thấy điều này, một tối anh hỏi:
    - Có điều gì không? Ba ngày nay sao anh thấy em có vẻ lạ, không được vui?
    Nàng trả lời chồng:
    - Phiền một nỗi là em chẳng có một bộ nữ trang nào cả, chẳng có lấy một viên đá để mang lên người. Coi nghèo nàn làm sao! Chẳng thà đừng đi cho rồi!
    - Em có thể cài hoa lên tóc, anh chồng đề nghị. Vào mùa này mà cài hoa thì sang lắm em ạ. Thêm mười francs thôi em có thể mua hai, ba hoa hồng thật đẹp!
    Lời anh nói không thuyết phục được cô:
    - Không, không được. Chẳng có điều gì nhục nhã bằng mình trông nghèo nàn bên cạnh những người đàn bà giàu sang.
    - Ồ, sao em dốt thế! Anh chồng bỗng kêu lên: “Em có bà bạn giàu lắm mà, chị Forestier, sao em không mượn nữ trang của chị ấy. Hình như em thân với chị ấy lắm để có thể tới mượn nữ trang được!“
    Cô reo lên, mừng rỡ:
    - Đúng thế, sao em lại chẳng nghĩ ra.

    Ngày hôm sau, cô tới gặp bạn, tâm sự với bạn vấn đề của mình. Bà Forestier tới tủ áo có kiếng, lấy ra một hộp nữ trang lớn, trao cho bà Loisel và nói:
    - Chị cứ lựa bất cứ món gì chị thích.

    Thoạt tiên cô thấy mấy vòng đeo tay, rồi sợi dây chuyền ngọc trai, tiếp đến dây thánh giá lớn cổ xưa, chạm trổ rất khéo léo với những viên ngọc quý. Cô thử tới thử lui trước gương, ngập ngừng, không thể rời chúng ra, mà cũng chẳng quyết định chọn món nào, và cái nào thì đưa trả lại cho bạn. Cô hỏi:
    - Chị có món nào nữa không?
    - Có chứ. Chị cứ chọn tiếp đi. Mình chẳng biết chị thích cái nào.

    Bỗng cô nhìn thấy một hộp bọc xa-tanh đen, trong có một sợi dây chuyền nhận toàn kim cương tuyệt đẹp, tim cô thắt lại trong niềm ham muốn. Cô cầm sợi dây lên mà tay run run. Cô choàng nó vào cổ cao. Ngắm mình trong gương, cô chìm trong nỗi sung sướng với hình ảnh tuyệt mỹ của chính mình.
    Rồi cô hỏi, giọng hoài nghi:
    - Chị có thể cho em mượn chuỗi kim cương này được không?
    - Được chứ, chị cầm lấy đi!
    Cô ôm chầm lấy bạn, hôn lên má bạn như lời cảm ơn chân tình nhất, rồi vội vàng ra về với kho tàng nhỏ trong tay.

    Ngày dạ tiệc, bà Loisel thành công rực rỡ. Nàng đẹp hơn hết trong đám phụ nữ, nàng thật kiêu sa, vương giả, cười tươi tắn, dòn tan trong niềm sung sướng. Tất cả những người đàn ông có mặt chiêm ngưỡng nàng, hỏi tên nàng, tìm đến tự giới thiệu. Tất cả những nhân vật lớn trong bộ muốn cùng nàng khiêu vũ. Ngay cả ông bộ trưởng cũng chú ý đến nàng. Nàng khiêu vũ trong mê cuồng, ngất ngây vì vui sướng, đắm chìm trong niềm hãnh diện bởi nhan sắc của mình, nàng như lên chín tầng mây với những lời ngưỡng mộ. Những khát khao từ bấy lâu nay đã được vuốt ve! Thật là một chiến thắng toàn hảo, tuyệt vời, thỏa mãn trái tim người đàn bà.

    Cô ra về vào khoảng bốn giờ sáng. Chồng cô đã ngủ được một giấc vào lúc nửa đêm trong một căn phòng bỏ trống với ba người đàn ông khác mà các bà vợ cũng đang rất vui với buổi dạ tiệc. Anh khoác lên vai nàng tấm khăn choàng ngoài, tấm khăn tầm thường của một đời sống bình dị, sự nghèo nàn của nó thật trái biệt với cái áo dạ hội sang trọng, đắt tiền. Cô cảm nhận điều đó và muốn thoát khỏi nó, tránh những cặp mắt so sánh của những người đàn bà khác đang được khoác trên vai những tấm khăn choàng bằng da thú sang trọng.
    Anh chồng giữ cô lại, bảo:
    - Đợi tí đã nào. Coi chừng bị cảm vì ở ngoài lạnh lắm. Đợi anh gọi xe về.

    Nhưng cô không nghe anh, vội vàng bước xuống cầu thang. Khi họ xuống tới đường cái, thì không còn chiếc xe nào cả. Họ lục lọi, tìm kiếm, la lớn vào những chiếc chạy từ tuốt xa trong đêm vắng. Họ đi qua dòng sông Seine, người run lập cập vì lạnh. Cuối cùng trên bến họ tìm được một chiếc xe taxi cổ, cũ kỹ, chỉ thấy ở Paris lúc trời đã tối, như thể chúng cũng biết xấu hổ, không dám chạy vào ban ngày.

    Chiếc xe chở họ tới tận cửa, đường Martyrs, và họ mệt nhọc leo vào nhà. Tàn một cuộc vui, cho nàng. Còn anh thì nghĩ, ngày mai lại phải vào bộ lúc mười giờ.
    Nàng giở áo choàng ra, nhìn vào gương để ngắm mình lần nữa trong huy hoàng. Bỗng nhiên cô thảng thốt buông ra một tiếng kêu. Cô không có chuỗi kim cương trên cổ!
    Anh chồng, đã thay gần hết quần áo, hỏi:
    - Gì thế ?

    Cô quay lại chồng, la thất thanh:
    - Em ... em không có sợi dây chuyền của chị Forestier nữa!
    Anh đứng bật dậy, sửng sốt:
    - Làm thế nào, làm sao xảy ra được?
    Cả hai lục lọi trên các lớp áo của cô, áo khoác ngoài, áo dạ hội, các túi áo, họ tìm kiếm mọi nơi, nhưng vẫn không kiếm ra.
    - Em có chắc là em còn đeo nó khi rời khỏi tiệc không? Anh chồng hỏi.
    - Có, chắc mà, em có sờ vào nó lúc còn ở dinh ông bộ trưởng mà.
    - Nếu em làm rơi nó trên đường, thì chúng mình đã nghe tiếng nó rơi trên hè rồi. Có lẽ nó rơi trong xe.
    - Có lẽ thế, anh có lấy số xe không?
    - Không, thế em có nhìn số xe không?
    - Không.

    Hai người nhìn nhau, thảng thốt. Rồi cuối cùng Loisel bận quần áo vào và nói:
    - Thôi, tôi phải đi lại khoảng đường mình đi bộ, xem có thể kiếm ra nó không.
    Anh đi ra ngoài. Cô ngồi chờ trên ghế trong chiếc áo dạ hội, không còn sức mà leo lên giường, đầu óc chán nản, hết cả sức lực, không một ý nghĩ.

    Anh chồng trở về lúc bảy giờ sáng, anh không kiếm được sợi dây chuyền.
    Anh tới sở cảnh sát, tới nhà báo đăng rao vặt, hứa một món tiền thưởng, anh đến công ty xe taxi, thật ra anh tới đó trong niềm hy vọng cuối cùng.
    Cô chờ anh cả ngày, trong tình trạng lo lắng kinh hoàng, trước một thảm trạng khủng khiếp.
    Trời tối mịt, Loisel mới về đến nhà mặt tái xanh, hốc hác. Anh chẳng kiếm ra gì cả.
    “Em phải viết cho bạn em”, anh nói: “Bảo em làm sứt cái móc của sợi dây, và đang đợi tiệm sửa, để chúng ta có thì giờ kiếm cách trả lại sợi dây.”
    Cô lấy giấy bút ra ghi lại những dòng anh đọc cho cô.

    Cuối tuần thì họ hết hy vọng. Loisel, nay trông già thêm năm tuổi, bảo:
    -Giờ thì chúng ta phải tìm cách thay thế sợi dây khác rồi.
    Ngày hôm sau họ đem cái hộp đựng sợi dây tới tiệm kim hoàn có tên khắc trên hộp. Ông chủ tiệm lục lọi giấy tờ và nói:
    - Thưa bà, tôi không bán sợi dây, tôi chỉ bán cái hộp thôi.

    Họ đi từ tiệm kim hoàn này sang tiệm khác để kiếm một sợi dây chuyền tương tợ, cố nhớ hình dáng nó, mà lòng cả hai kinh hoàng, thảm não. Cuối cùng, trong tiệm kim hoàng khu Hoàng Cung, có một sợi dây, một chuỗi kim cương, trông giống in như sợi dây họ đã đánh mất. Sợi dây chuyền để giá là bốn mươi ngàn francs, và người ta bớt xuống với giá ba mươi sáu ngàn francs. Hai vợ chồng năn nỉ chủ tiệm xin đợi cho ba ngày, đừng bán cho bất cứ ai. Họ cũng giao điều kiện với chủ tiệm phải mua lại sợi dây với giá ba mươi bốn ngàn francs nếu trong trường hợp họ kiếm ra được sợi dây chuyền đánh mất trước thời định là cuối tháng hai.

    Loisel có mười tám ngàn francs, gia tài nhỏ ông bố để lại. Anh phải đi mượn số tiền còn lại. Anh mượn một ngàn đây, năm trăm đó, năm chục người nọ, ba francs người kia. Anh ký giấy nợ, sẵn sàng nhận làm những việc tầm thường nhất, mặc cả với các tay vay lãi, với tất cả mọi loại người trong giới cho vay chợ đen. Anh bằng lòng thỏa hiệp suốt đời mình, ký giấy nợ mà chẳng biết mình có trả được không, trong nỗi lo lắng viễn tượng tương lai đen tối, khổ cực, những thiếu thốn về vật chất và những dày vò về tinh thần mà anh sẽ phải chịu đựng. Trong trạng thái như thế anh đến tiệm kim hoàn, đặt trên quầy ba mươi sáu ngàn francs và lấy về sợi dây chuyền mới.

    Ngày bà Loisel đem sợi dây chuyền trả cho bà Forestier, bị bạn ban cho một câu lạnh nhạt:
    - Đáng nhẽ chị phải trả tôi sớm hơn, tôi có thể cần nó để đi dạ hội đấy!

    Bà bạn không mở hộp ra, như cô đã lo lắng mãi. Nếu chị ta nhận thấy đó là một sợi dây chuyền khác, thì chị ta nghĩ thế nào về mình đây, chị sẽ nói sao? Chị ấy có nghĩ mình là kẻ cắp không chứ.



    Từ đó bà Loisel biết thế nào cuộc đời của khổ cực, lao động. Không ngờ nàng đã can đảm gánh vác bổn phận của mình. Món nợ kinh khủng đó phải được trả và nàng phải dự phần trả món nợ đó. Họ cho con sen nghỉ làm. Họ đổi chỗ ở, đi thuê một nơi tồi tàn hơn trước.
    Giờ đây cô làm những công việc nội trợ nặng nhọc nhất, những việc khó khăn nhất của nhà bếp. Cô rửa chén, cào nhọ nồi, soong chảo mỡ mật bằng đôi bàn tay hồng hào của mình. Cô giặt quần áo, ra (1) giường, khăn bàn bẩn, rồi đem phơi chúng trên giây. Trên con dốc sáng sáng, chiều chiều cô gánh nước lên, nếu cần dừng lại bậc tam cấp để thở. Cô ăn bận như dân lao động, tay cầm giỏ, tới từng quầy rau, hàng tạp hóa, hàng thịt, mặc cả từng xu một, bảo vệ đồng bạc khốn khổ của mình.

    Mỗi tháng món nợ này phải được trả, lại gia hạn món nợ khác, mua thêm thời gian. Anh chồng làm thêm ban đêm cho các hàng quán, vào tối khuya có khi anh còn chép các bản thảo, mỗi năm xu một bản.
    Và cuộc sống như thế kéo dài mười năm.
    Tới cuối năm thứ mười, họ đã trả hết, tất cả, với thuế cắt cổ của các tên chủ nợ, và những tiền lời chồng chất lên nhau.

    Bà Loisel giờ đây trông già đi. Bà đã biến thành một người đàn bà mạnh mẽ, thô thiển và cứng rắn, một người đàn bà của giới lao động. Tóc rối, váy nhầu, tay đỏ, bà ăn nói ồn ào, thảy từng mảnh nước lớn, cong lưng chùi nhà. Thế nhưng, thỉnh thoảng khi ông chồng đang ở sở làm, bà ngồi tựa nơi cửa sổ và nghĩ đến buổi dạ tiệc huy hoàng đã lâu rồi, buổi khiêu vũ mà bà thật đẹp và được mọi người chiêm ngưỡng.
    Nếu đêm đó bà không đánh mất sợi dây chuyền, thì việc gì xảy ra? Nào ai biết được? Nào ai biết được? Đời thay đổi lạ lùng quá đỗi. Không ngờ chỉ cần một việc nhỏ thôi đủ làm cho ta lạc lối hay có thể cứu ta.


    Một ngày chủ nhật, bà đi dạo trong vườn Champs Elysée, cho bõ một tuần lao động khổ cực, bà bỗng nhận ra một người đàn bà tay dẫn một đứa bé. Chính là bà Forestier ngày nào, bây giờ vẫn đẹp, vẫn đài các. Bà Loisel cảm thấy xúc động. Mình có nên tới nói chuyện với chị ta không. Chắc hẳn rồi chứ . Giờ đây bà đã trả hết món nợ. Bà sẽ cho bạn biết. Tại sao không?

    Bà đến gần bạn.
    -Chào chị Jeanne .
    Người bạn, chẳng nhận ra bà chút nào, ngạc nhiên thấy trước mình một người đàn bà xa lạ, gọi mình như quen thân lắm. Bà lúng túng:
    - Thưa bà, chắc bà lầm, tôi không quen bà.
    - Không, chị không lầm. Tôi là Mathilde Loisel đây.

    Người bạn buông ra một tiếng kêu thảng thốt:
    - Trời ... chị Mathilde, làm sao chị thay đổi dữ vậy!
    - Đúng vậy chị ạ, sau lần cuối em gặp chị, đời em thay đổi qua cảnh nghèo khó, mà chị biết không, cũng tại chị đó!
    - Ủa, sao có mình trong đó?
    - Chị có nhớ sợi dây chuyền kim cương chị cho em mượn đi dự dạ hội ông bộ trưởng không?
    - Có chứ!
    - Em đánh mất nó.
    - Chị nói sao, chị có đem trả mình mà!
    - Em đem trả chị sợi dây chuyền giống in sợi chị cho mượn. Thế nên phải mất mười năm vợ chồng em mới trả hết các món nợ. Với chúng em điều này không phải dễ, vì thực sự gia tài chúng em chả có là bao. Nhưng cuối cùng thì chúng em cũng thanh toán được hết món nợ ... Em rất mừng đã hết nợ nần!

    Bà Forestier khựng lại:
    -Chị nói sao, chị đã mua một sợi dây chuyền kim cương để thế sợi dây của mình à?
    - Đúng thế, chị không hề nhận ra à, hai sợi dây giống nhau lắm.
    Bà mỉm miệng cười, một nụ cười hãnh diện mà ngây ngô.

    Bà Forestier, xúc động khôn xiết, đưa tay cầm lấy tay bạn:
    - Tội cho bạn tôi quá, chị Mathilde ơi, sợi dây của mình là sợi giả mà, chỉ đáng giá khoảng năm trăm francs là cùng.

    -----------

    (1): khăn trải giường


    Bản tiếng Anh:

    http://www.eastoftheweb.com/short-st...oks/Neck.shtml

    http://www.online-literature.com/maupassant/206/
    Được sửa bởi Caro20 lúc 18:38 ngày 02-03-2008

  9. #49
    Tham gia
    13-04-2007
    Bài viết
    38
    Like
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts
    Chờ mong tin dữ

    Kanda Noboru

    Phạm Tú Châu dịch.





    Kunioto đang giở báo loạt soạt bỗng kinh ngạc thốt lên. Anh nín thở nhìn chăm chú góc tờ báo đăng tin ở trang ba: "Bốn giờ chiều ngày 22, trên đường tới thành phố K, nhân viên một công ty ở thành phố K là Okada Keisuke, 30 tuổi, lái xe con đụng đầu với xe tải loại lớn. Mặt, đầu và nhiều bộ phận khác trên người Okada bị đập rất mạnh, thương tích trầm trọng...".

    Okada Keisuke ở thành phố K... Đúng là cậu ta rồi!

    Một niềm vui khó tả tràn ngập tim Kunioto.

    - Anh sao thế? Sao vẻ mặt anh căng thẳng thế? - Vợ Kunioto lo lắng hỏi.

    - Không sao cả, có gì đâu! - Kunioto gập báo lại, nằm quay lưng tránh ánh mắt của vợ.

    - Có đúng thật không nhỉ? Thằng cha đó bị thương rất nặng...

    Đêm ấy, Kunioto cứ nghĩ như thế và đến sáng cũng không ngủ được.

    Kunioto bị đau gan, phải nằm bệnh viện ở thị trấn Y cả tháng nay. Anh không biết mình đổ bệnh vì công việc bận rộn của một nhân viên quản lý bậc trung hay vì uống rượu quá nhiều. Từ khi nhập viện, nằm trên giường bệnh mà Kunioto vẫn nghĩ về công việc, trong lòng thắc thỏm không yên. Gần đây xác định có nóng lòng sốt ruột cũng chẳng được tích sự gì, nên Kunioto đành yên tâm dưỡng bệnh.

    Để giết thì giờ nhàn rỗi, hàng ngày anh xem tivi và đọc hết ngóc ngách của tờ báo. Nếu là khi chưa ốm, anh hẳn đã bỏ sót tin về sự cố giao thông nghiêm trọng này. Tên Okada Keisuke - một bạn học thời lớp 12 - xuất hiện trên báo trong một vụ tai nạn giao thông khiến tình cảm căm tức được thỏa mãn trào lên trong lòng Kunioto. Anh và Okada cùng là một đội viên đội bóng bầu dục, là bạn rất thân thiết của nhau. Nhưng hai người lại cùng yêu Toshiko - cô bạn học cùng lớp 11 và sau này trở thành bà chủ một tiệm rượu. Hồi tốt nghiệp đại học, ba người vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ đặc thù đó. Khi Kunioto quyết định cầu hôn Toshiko thì bị cô cự tuyệt, bởi vì cô cho rằng tình cảm Kunioto hay lên xuống thất thường, cô thiếu niềm tin khi đồng ý sống trọn đời cùng anh.

    Không bao lâu sau, Toshiko và Okada làm đám cưới.

    Kunioto cho rằng Toshiko chọn Okada mà không phải mình vì anh chỉ là nhân viên làm công cho một xí nghiệp loại vừa, còn Okada là nhà tư bản tương lai, nhờ đó, sẽ kế thừa một gia sản lớn. Vì thế Kunioto căm thù cả Toshiko lẫn Okada. Vì bị bẽ mặt, anh rời khỏi thành phố K, chuyển về ở thị trấn Y trong cùng một huyện. Từ đó trở đi, anh không tham gia các buổi họp mặt cùng bạn học cũ nữa, xa lánh tất cả bạn cùng trường. Mấy năm sau, anh cưới Yoshiko, nhân viên cùng xí nghiệp với anh.

    Sáu năm trôi qua, Kunioto vẫn chưa quên được mối tình với Toshiko, thậm chí có lúc quá yêu và quá hận, anh chỉ muốn giết chết cả cô và Okada.

    Nói chung, đã bị thương nặng ở mặt và đầu trong tai nạn giao thông thì thường sau một tuần sẽ chết, hầu như rất ít có cơ sống sót. Trong đầu anh luôn hiện lên cảnh Okada mê man trên giường bệnh, còn ngồi bên cạnh là Toshiko thì khóc đến chết đi sống lại.

    Đáng đời! Dám trêu gan ông à? Báo ứng là phải lắm! Nhưng làm sao đến hôm nay vẫn chưa có tin gì về Okada nhỉ? Nóng lòng sốt ruột quá! Mà sao không hỏi thăm tin Okada qua các bạn cũ ở đội bóng nhỉ? Thôi hãy thong thả, nhiều năm rồi có hỏi thăm nhau đâu, bây giờ xảy việc mới hỏi, chẳng hóa ra đột ngột hay sao? Nói không khéo e người ta cười cho..., bảo mình vẫn còn nhớ Toshiko cũng nên. A, có báo rồi!

    Kunioto vội vàng giở báo ra xem, tìm tên người chết trong huyện được đăng trên mục cáo phó. Từ đó, sáng nào cũng vậy, Kunioto hễ giở báo ra là cảm thấy máu dồn cả lên đầu. Mười ngày trôi qua, vẫn không thấy báo đăng tên Okada ở mục cáo phó. Hay là tin ấy đăng ở báo khác? Kunioto càng ngày càng bồn chồn nóng ruột. Anh bảo vợ tìm báo của những ngày trước đó rồi hối hả giở ra đọc.

    Thấy anh cố chấp không nghe lời khuyên, vợ anh cảm thấy rất lạ, bèn bảo chồng:

    - Em biết anh vẫn còn yêu Toshiko, nhưng oán hận người ta chỉ tổ làm mình xúi quẩy. Thôi, anh quên cô ấy đi! Anh chẳng đã có em là gì? Điều quan trọng là anh đang ốm, phải giữ gìn sức khỏe mới được!

    Yoshiko nhìn thấy chồng ngày một kiệt quệ.

    o O o


    Ánh nắng ban mai lách qua màn cửa, chiếu vào phòng bệnh nhân Okada. Trên tủ đầu giường, hoa nguyệt quý tỏa mùi thơm thoang thoảng.

    - Này, em đến mà đọc tin cáo phó này đi! - Okada bảo vợ.

    - Gì mà hốt hoảng thế? Cáo phó đăng tên người quen của anh à?

    Mục cáo phó đăng tin: "Đau buồn báo tin Yamamoto Kunioto ở thị trấn Y đã từ trần ở bệnh viện vì bệnh nặng, hưởng dương 29 tuổi. Vợ là Yamamoto Yoshiko báo tin".




    (Thế giới văn học, số 5/2006).

  10. #50
    Tham gia
    19-10-2007
    Location
    Sài Gòn ...nóng !
    Bài viết
    1,756
    Like
    0
    Thanked 4 Times in 4 Posts
    bây giờ hog lẽ mình post truyện Nguyễn Nhật Ánh lên nhỉ ? sợ vi phạm quyền tác giả !

Trang 5 / 30 FirstFirst ... 234567810 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •