Trang 3 / 30 FirstFirst 1234568 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 21 đến 30 / 295
  1. #21
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc

    ANH VĨNH VIỄN KHÔNG THA THỨ CHO EM!

    Tác giả: TRẦN TIỂU XUÂN
    Dịch giả: Lê Vũ

    Lời người dịch: Dư Thiếu Hoa là một nhà thơ trẻ , rất nổi tiếng của thi đàn Trung quốc. Năm 1990 anh đã là hội viên hội nhà văn Tứ Xuyên. Năm 1996 Anh trở thành hội viên chính thức của hội Nhà Văn Trung Quốc. Anh có gần hai trăm tác phẩm đăng trên khắp cả nước, nhiều nhất là trên tạp chí Tinh Tú và Thi San. Là một trong những nhà thơ tài ba hứa hẹn nhất thập niên 90 của Trung quốc.

    Nhưng bất hạnh thay, nhà thơ, nghèo đói và bi kịch thường là đi chung một con đường. Trước cuộc bội tình của ái thê Trần Tiểu Xuân, nhà thơ đã rạch cổ tay tự sát tại thư phòng để lại cho người vợ trẻ biết bao búa rìu của dư luận.

    Lời bộc bạch đẫm nước mắt của Tiểu Xuân sau đây, người dịch rất tiếc không thể tinh chắt hết được những xót xa, những đớn đau của một bước chân lầm lạc. . .

    I. Tình yêu Thi ca.
    Khoảng thời gian từ năm 1984 đến năm 1988, tôi theo học tại trường Sư phạm Tứ xuyên, đây là thời kỳ, không những chỉ ở trường của tôi mà hầu như trên khắp nước, dấy lên phong trào thi ca rầm rộ.

    Mùa xuân năm ấy, trong một buổi tham dự hội thơ về nhà thơ nổi danh Ðỗ Phủ. Tôi đã quen với Dư Thiếu Hoa. Lúc đầu tôi và anh chỉ thường bàn luận với nhau về thi ca mà thôi, nhưng dần dần, chúng tôi yêu nhau. Tôi yêu Hoa vì từ trong anh toát ra nét chính khí. Từ trong anh hừng hực một niềm say mê, và anh như tiềm ẩn cả một kho tàng ngôn ngữ hết sức sâu sắc, độc đáo. Con người anh như đáp ứng đúng những ước mơ của tôi từ khi bắt đầu trưởng thành: Tôi vẫn từng ước mơ được làm vợ của một nhà thơ nổi tiếng.
    Có một hôm Thiếu Hoa hớn hở báo tin cho tôi:
    - Nhóm thơ của chúng ta sắp có thể ra một tờ báo rồi. Anh dự định lấy tên là Báo Thơ! Em có thích không?
    Tôi run lên vì sung sướng. Lúc bấy giờ, có một tờ báo trong tay là rất quý. Nhưng tôi băn khoăn:
    - Anh ơi, in báo, phát hành báo thì được rồi, nhưng tiền đâu mà in?
    Như đã có dự định từ lâu, Dư Thiếu Hoa nói với một giọng quả quyết:
    - Chúng ta bán máu!
    Mọi người hưởng ứng, kẻ vỗ tay reo, kẻ làm động tác như muốn sắn cánh tay áo lên cho máu ngay.

    Nằm trên một cái cáng, nằm song song với anh trong một trạm máu. Tôi nhìn những giọt máu đỏ ói của mình và của anh chầm chậm chảy ra khỏi cơ thể. Lòng tôi tự nhiên mang một cảm giác hết sức tự hào. Thật vĩ đại, nhưng cũng thật là bi tráng! Tôi lại nhìn anh, mặt anh hơi tái, nhưng trong đôi con mắt của anh có một cái gì như siêu thoát, như kiên định. “ Anh ấy sẽ là một nhà thơ nổi tiếng” Tôi tự hào nghĩ như vậy.

    Báo phát hành, nhưng không thấy có thơ của tôi, không có thơ của Dương Thi Vũ ( Tôi, anh, và Vũ là bạn thân với nhau). Thấy tôi có vẻ buồn. Anh nói:
    - Thơ của em và của Dương Thi Vũ, anh nói thật, đừng buồn. Ðăng trong báo tường thì được, nhưng nếu đăng báo phát hành đi xa, thì chưa đủ tiêu chuẩn đâu!
    Tôi không buồn, tôi lại càng cảm phục nhân cách, tính vô tư chân chính trong con người của anh. Chỉ có Dương Thi Vũ thì buồn ra mặt, anh trầm hẳn xuống, những cuộc đi chơi, thường có đủ bộ ba, nay không còn có nữa.

    Rồi một hôm, Dương Thi Vũ hớn hở cầm một quyển tạp chí đến tôi, anh hớn hở ra chiều tâm đắc:
    - Thơ của tôi đã được đăng rồi đây này. Nhìn này Tiểu Xuân, cô không thấy từ cách trình bày cho đến trình độ trong nội dung của tờ báo, hơn hẳn tờ báo của chúng ta hay sao?
    Giọng anh có ý gì khang khác. Tôi bèn nói:
    - Chưa chắc đâu, anh Vũ à.
    Tối hôm ấy anh uống rượu rất nhiều, trong lúc quá say anh nói lè nhè:
    - Tội nghiệp Tiểu Xuân, tôi yêu em. . . Tôi bỏ tiền ra in thơ, cũng vì tôi yêu em.
    Khóa học của chúng tôi chấm dứt, chấm dứt luôn phong trào thơ , chấm dứt luôn những cuộc bình thơ. Và với riêng tôi, chấm dứt nàng thơ của tôi.

    II
    Tôi và Dư Thiếu Hoa được phân về dạy học ở cùng một trường trung học. Còn Dương Thi Vũ, không biết bằng cách nào được điều về một ngành kinh tế đối ngoại.
    Ðêm tiễn biệt trước khi rời ghế nhà trường. Tôi và Dư Thiếu Hoa ngồi với nhau ở ngoài sân, chúng tôi cùng nhìn lên bầu trời để đếm sao, xem ai đếm được nhiều. Bỗng nhiên Hoa cầm tay tôi. Anh để tay tôi lên ngực anh rồi nói:
    - Em có bằng lòng làm vợ anh không?
    Tôi gật đầu, thế là chúng tôi thành hôn.

    Cưới nhau không được bao lâu, tôi bận bịu suốt ngày trong việc áo cơm, soạn bài. Có khi tôi còn phải soạn bài và chấm điểm cho cả Hoa nữa.
    Còn Hoa càng ngày anh càng chìm đắm trong cái thế giới mộng mơ đầy thi ca của anh, anh bỏ ăn, bỏ ngủ, anh có thể không cạo râu, không soi gương cả một tuần, nhưng một ngày anh không thể không làm một bài thơ.
    Anh thường ngồi buồn rầu than vãn cho “ Ngày mai của thơ”. Cái ngày mai mà theo ý anh, có thể như con đường xuống dốc.
    Những lúc như thế, tôi ngồi xuống bên anh, làm như tôi cũng đang cùng anh chìm đắm trong những dòng suối thơ đang chảy trong huyết quản. Có lúc nhìn gương mặt như mất hồn, như nhập thần của anh, Tôi vừa thương anh, vừa mệt mỏi . Càng về sau, cái cảm giác ấy biến thành một nỗi đau khổ.

    Có hôm, Hoa hỏi tôi:
    - Từ lâu không thấy em làm thơ ? Những hôm đang cùng nhau ngồi nghe nhạc giao hưởng, anh thấy em vùng xuống bếp là làm sao?
    Tôi không kịp trả lời thì giọng nói của anh như đanh lại:
    - Sao cô lại có thể rẻ rúng nghệ thuật đến thế nhỉ?
    Thấy tôi lúi húi nhặt rau, làm cá, anh như muốn gầm lên:
    - Cô xem kìa, bàn tay của cô để làm những công việc tao nhã, chứ đâu phải làm những việc vặt vãnh như thế.
    Tôi đã tính cãi lại anh: “ Nếu tôi không làm, thì bữa cơm sẽ như thế nào”. Nhưng tôi lại im lặng.
    Rồi anh nói như ra lệnh:
    - Cô đi học dương cầm đi !
    Tôi nói như muốn khóc:
    - Em đâu có còn trẻ để đi học cái này hay cái khác nữa chứ.
    Thiếu Hoa nghiêm nghị:
    - Cô biết không, vợ anh phải là một nữ tao nhân mặc khách mới được!

    Thấy anh có vẻ buồn. Tôi ghi tên đi học một khóa dương cầm, tiền học cho một khóa như thế nó lấy hết tháng lương của tôi.
    Những người chung lớp dương cầm, họ đều ăn diện theo mốt thời thượng, đa số có xe hơi đưa đón. Còn tôi, với cái xe đạp cọc cạch, tôi đến lớp trong cái nhìn khinh thường của những người đồng học.

    Một hôm, Thiếu Hoa đứng đợi tôi ở cửa lớp, anh đi với tôi ra ngoài chỗ gửi xe, anh nói:
    - Em có biết hôm nay là ngày gì không?
    Không để tôi trả lời anh nói ngay:
    - Hôm nay là kỷ niệm ngày thành hôn của chúng ta đấy!
    Tôi đang lúng túng, vì chính tôi đã quên mất cái ngày đáng nhớ ấy, thì anh cầm lấy tay tôi, trìu mến đeo vào ngón tay tôi một cái nhẫn vàng. Tôi cảm động muốn khóc. Tôi hỏi:
    - Tiền đâu mà anh mua cho em vật đắt tiền như thế?
    Anh không nhìn tôi. Giọng anh lạc đi:
    - Anh bán máu.
    Tôi lại bật khóc. Ôm lấy anh.

    Thơ của Dư Thiếu Hoa đã bắt đầu đăng đầy trên các tạp chí và các báo ở khắp nước, nhưng nhuận bút thì rất ít ỏi, thậm chí không đủ tiền để anh hút thuốc nữa, anh luôn luôn tin tưởng vào Hội Nhà Văn Trung Quốc sẽ giúp anh xuất bản một tập thơ của riêng anh. Nhưng anh đã bị từ chối.

    Hôm nhận được tin ấy, anh về đến nhà nằm bất động rồi thở dài. Tôi đến bên an ủi anh. Bỗng anh bật dậy, khí phách thời thanh niên của anh bật ra câu nói:
    - Anh sẽ bán máu nữa, bán máu, lấy tiền bán máu để in thơ !
    Nước mắt tôi chảy ròng ròng, tôi tháo chiếc nhẫn ra, nói như van lơn:
    - Anh yếu lắm rồi, có chiếc nhẫn anh cho em, có thể giúp được một phần.

    Nhưng anh không chịu. Sau đó, anh đã đi bán máu, lần thứ ba, rồi lần thứ tư, nhưng tiền bán máu ấy, không đủ chi phí cho việc xin giấy phép xuất bản. Tiền đâu mà in thi phẩm chứ.
    Thiếu Hoa gày rạc hẳn đi. Tôi như đang đi vào nỗi tuyệt vọng của người vợ thương chồng nhưng hoàn toàn bất lực.
    Có nhiều lúc, tôi cảm thấy tôi không còn muốn sống nữa.
    Sau cùng, suy nghĩ mãi. Tôi tìm đến Dương Thi Vũ. Vũ đang làm Phó giám đốc cho một công ty của bộ Ngoại thương. Vũ nhìn tôi. Trong cái nhìn ấy, tôi thấy có cái vẻ như xót xa, có ánh mắt như dè bĩu, như cảm thông, như có cả nét âu yếm nữa.
    Cuối cùng anh cầm lấy tay tôi. Vũ nói:
    - Tôi phải giúp các bạn mới được, thi tập của Thiếu Hoa sẽ được ra mắt. Tôi sẽ tài trợ.
    Tôi để yên tay mình trong tay Vũ

    Trên đường về tôi vừa mừng vừa tủi thân.
    Thiếu Hoa vẫn sống như đang sống ở trên chín từng mây, anh có cái khách khí rất thi nhân, khi bạn bè than phiền, thảo luận với anh về cách sống cho hợp với đời thường đầy khó khăn, thì anh lại đọc câu thơ của Kenzaburo: “ Cao thượng là mộ chí của người cao thượng, ti tiện là tấm giấy thông hành cho kẻ ti tiện”. Khi nghe bạn bè bàn nhau làm sao kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương. Anh lại khẳng khái lên tiếng:
    - Tôi sẽ mãi mãi giữ vũng sự thanh bần cao thượng của tôi, chứ không thể đi cân đong nhân cách cho những lợi lộc nhỏ nhoi.

    III.
    Chúng tôi lấy nhau đã hơn bốn năm, vẫn chưa có cháu bế. Nhiều lần, tôi nói lên nỗi khao khát muốn có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ cho cuộc sống bớt tẻ nhạt, bớt căng thẳng, thì anh gạt phăng đi. Anh nói:
    - Anh không muốn một đứa bé ra đời trong một xã hội như thế này: Mỗi khoảnh khắc, cái thế giới này đều giăng đầy tai họa.
    Rồi anh nhìn khắp nhà giọng buồn bã:
    - Nhìn cái nhà của mình, không có lấy một vật gì đáng giá cả, cái TV 21’’ phải dành cả năm trời mới mua được, chúng ta lại chẳng có lấy một đồng dư dật. Một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh như thế sao.!

    Chúng tôi có ý định chờ, phải chờ xem tình hình kinh tế có gì biến chuyển chăng? Thấy vô vọng, lại thấy mình đã đứng tuổi Dư Thiếu Hoa muốn có con. Lúc này thì tôi lại không chịu. Tôi nói trong làn nước mắt:
    - Em nhất định phải tìm cách thay đổi cuộc sống kinh tế của chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này mãi được nữa. Trước mắt, em không muốn có con!
    Dư Thiếu Hoa nói:
    - Tiền bạc sẽ giết chết chất thơ em ạ.
    Tôi gay gắt:
    - Mình nghèo quá rồi, em không cần thơ thiếc gì nữa.

    Tôi quyết định xin nghỉ dạy học để đi làm thuê cho một tập đoàn của công ty Thành Công.
    Ðó là vào tháng 6 năm 1995.

    Dương Thi Vũ gọi điện thoại mời tôi đi ăn cơm trưa. Anh đã mở một công ty riêng, một công ty kinh doanh tầu biển. Trưa hôm ấy, hai chúng tôi ăn lẩu, vừa ăn dưa hấu. Cổ tôi nghèn nghẹn khi nghĩ đến giờ phút này, Dư Thiếu Hoa đang phải ăn mì gói ở nhà.
    Dương Thi Vũ ngừng ăn nhìn tôi, giọng anh như một ông thày giáo dạy học trò:
    - Tiểu Xuân nên nhớ, bây giờ em không còn là cô giáo nữa mà là một thương nhân, một thương nhân thì phải vững chí thẳng tiến, không được do dự nhụt chí..

    Tôi biết Vũ đang muốn truyền cho tôi kinh nghiệm làm ăn của anh.
    Mùa xuân năm 1996. Tôi đã tặng cho chồng tôi một món quà làm anh vô cùng xúc động: Giấy phép đầu sách của nhà xuất bản!
    Dư Thiếu Hoa đã bật khóc như một đứa trẻ. Lần đầu tôi thấy anh khóc trước mặt tôi như thế. Anh viết cảm giác ấy trong câu thơ:
    Tôi cùng tảng đá
    Giữ vững thơ chân chính
    Tôi cùng người vợ
    Giữ chắc lấy tình yêu cuối cùng.

    Tết năm ấy, tập thơ của Dư Thiếu Hoa ra đời, mặc dầu cho đến bây giờ thi tập của anh vẫn còn chất đống cả hàng trăm cuốn trong nhà, nhưng anh đã nổi tiếng và trở thành hội viên Hội Nhà Văn Trung quốc.
    Nhân lúc chồng tôi đang phấn khởi. Tôi rụt rè đề nghị:
    - Thiếu Hoa ơi, với tài năng và tiếng tăm của anh bây giờ, nếu anh chịu kinh doanh như em, anh sẽ thành đạt hơn em nhiều.
    Chồng tôi lắc đầu:
    - Thi ca sinh ra anh và anh lớn lên bằng thi ca. Mỗi người có một chí hướng, đừng gượng ép nhau làm gì em ạ!
    Tôi đã ôm chầm lấy anh, chúng tôi hôn nhau đằm thắm. Chúng tôi mặc nhiên phân định: Một người kinh doanh kiếm tiền, một người cứ làm thơ. Cuộc sống vợ chồng chúng tôi trở về không khí lãng mạn như từ ngày còn yêu nhau. Cả căn nhà như bừng lên sức sống.

    Tháng Ba năm 1998 Tôi được thăng lên chức Trưởng phòng Kinh Doanh. Tôi điện thoại báo tin cho Dương Thi Vũ, chúng tôi đã trao đổi với nhau suốt buổi chiều hôm đó về việc làm ăn, chúng tôi có vẻ ăn ý về cách thức để có thể thành công trong doanh nghiệp. Khi chia tay. Vũ nói:
    - Có một việc muốn nhờ Tiểu Xuân, không biết em có thể giúp cho anh được không?
    Tôi nói:
    - Ðã là bạn, đừng khách khí.
    Vũ nói:
    - Ngày mai anh phải đi Vũ Hán bằng tầu thủy, ở đó anh có một vài cuộc đàm phán hóc búa, anh muốn mời em đi cùng, để giúp cho anh một tay”

    Hai tuần sau, chúng tôi rời Vũ Hán lại cũng bằng tầu thủy. Dọc đường, cảnh non xanh núi biếc, thiên nhiên tươi thắm làm lòng tôi thấy lâng lâng. Có những lúc nhìn sông nước tôi tự hỏi:
    - Ở nhà giờ này, Thiếu Hoa của tôi đang làm gì nhỉ?

    Dương Thi Vũ xuất hiện bên kia mạn tầu, mắt anh xa xôi, thăm thẳm, nhưng đầy cương nghị, toàn thân anh toát ra một vẻ đẹp đàn ông quyến rũ và lôi cuốn. Tôi không còn nhớ anh đã bước đến tôi hay tôi bước lại anh. Chỉ còn nhớ chúng tôi như đi trong mơ. Chầm chậm đến bên nhau. Chầm chậm cầm tay nhau bước vào khoang buồng của anh. . .
    Khi tỉnh giấc mơ. Mọi việc đã muộn quá rồi. Tôi khóc nức nở. Chỉ trong một khoảnh khắc đớn đau ấy, tôi đã phản bội chồng tôi. Tại sao tôi lại làm như thế ? Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao giải thích nổi.
    Nhưng rồi giấy không bọc được lửa. Sự thật ấy đã bị chồng tôi biết.

    Dư Thiếu Hoa không thể nào chịu đựng nổi sự thật này. Anh luôn luôn cho rằng, tình yêu của chúng tôi phải thánh thiện, trong sạch, không gợn một tí sợi nào. Không thể nào bị hoen ố. Ôi, thế mà anh vẫn tưởng tôi sẽ cùng anh “ Giữ chắc lấy tình yêu cuối cùng” kia đấy!
    Chồng tôi nhất định không tha thứ cho tôi, không phải vì sự sám hối của tôi không đủ chân thành, nhưng con tim anh đã vỡ tan rồi. Anh viết:
    Mỗi khoảnh khắc trên thế gian này đều giăng tai họa.
    Trên một nẻo tình yêu cuối cùng đầy rẫy hoang mang.

    IV
    Dư thiếu Hoa đã thật sự ngừng làm thơ. Chồng tôi đã dùng lưỡi dao rạch đứt mạch máu cổ tay mình. Anh để lại cho tôi một bức thư:
    Tiểu Xuân.
    Anh đi đây, anh không còn lý do gì để sống nữa, anh không còn dũng khí bước vào mùa xuân năm 1999 nữa.
    Anh vĩnh viễn không tha thứ cho em.
    Trước khi vĩnh biệt em, anh tặng em một bài thơ cuối cùng anh làm trong đời anh:
    Thời buổi linh hồn đầy méo mó này
    Làm sao ta có thể biết trước được hở em?
    Máu đã nhiễm trùng. . .
    . . . Nhà thơ đã chết
    Tên tù binh vinh quang này. . .

    Cái chết của chồng tôi làm tôi và Dương Thi Vũ mang một mối ám ảnh suốt đời. Thi Vũ bàn với tôi xem lại các bản dư cảo của chồng tôi. Chúng tôi cho xuất bản quyển thơ thứ hai và cũng là tập thơ cuối cùng.
    Mấy tháng sau, Dương Thi Vũ đem đến cho tôi xem một tập bản thảo. Anh nói với tôi:
    - Tôi cố gắng thế nào cũng không viết hay bằng Thiếu Hoa được.
    Vũ lấy trong hộp ra một cái nhẫn vàng đưa cho tôi và nói:
    - Ðây cũng là cái nhẫn tôi mua từ hồi còn nghèo khó. Tôi cũng phải bán máu đi để mua nó. Cuộc đời của tôi có hai điều mơ ước. Một là trở thành một nhà thơ. Hai là lấy được em làm vợ. Nhưng cả hai đều thất bại! Cả hai đều là sự thành công của Dư Thiếu Hoa.
    Nay Thiếu Hoa đi rồi. lương tâm của tôi mãi mãi sẽ không bao giờ yên được đâu. Nếu không có tôi, anh ấy không phải chết. Cứ nghĩ đến anh ấy. Tôi vô cùng đau khổ. . .

    Tôi yên lặng cho những dòng nước mắt cứ tuôn tràn. Tôi không biết tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi biết rất rõ một điều, tôi sẽ còn phải mang nỗi ngậm ngùi tủi hổ này cho đến thiên thu!
    Không bao lâu Dương Thi Vũ rời Thành Ðô lên Phố Ðông, Thượng Hải. Trước lúc lên đường anh đã nói với tôi:
    - Chúng ta hãy cất giữ tình cảm của mình! Chúng ta không thể bất kính với linh hồn Thiếu Hoa thêm nữa.
    Tôi viết lời bộc bạch này, như một nén hương thắp cho chồng tôi.
    Thiếu Hoa, anh ơi!
    Được sửa bởi ThichNuDiuHien lúc 14:16 ngày 25-05-2006

  2. #22
    Tham gia
    25-05-2006
    Location
    Hà Tĩnh
    Bài viết
    1
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Ký ức về một tình yêu
    -----------------------------------------------------------------


    "Anh có yêu em không ?”. “Có”. “Yêu như thế nào?”. Duy tròn mắt nhìn Vân một thoáng, hơi bối rối: “Thì... cũng như mọi người yêu nhau”. Vân đỏng đảnh: “Ứ, ứ cần anh nói thế. Phải cụ thể hơn cơ”. Duy dụi tắt điếu thuốc lá, cố nén tiếng thở dài, giọng nói đã có phần khang khác: “Em vẫn bảo tình yêu là một khái niệm trừu tượng cơ mà”. Cũng may Vân đã chịu ngồi im, đầu tựa vai anh, mắt lơ mơ nhìn cả vạt đồi thoai thoải tím ngắt sim mua. Một nơi nghỉ ngơi thật tuyệt - Duy nghĩ, nếu như chỉ có một mình anh, anh sẽ nằm xoài ra thoải mái, nhìn trời qua những kẽ lá và nghĩ mông lung. Duy chợt thấy buồn cười, có ai như anh không, ước có một mình trong lúc ngồi cạnh người yêu.

    Duy thấy vai mình nặng trĩu, dường như Vân đã ngủ. Anh đỡ mái đầu Vân ngả lên đùi mình, chăm chú ngắm từng nét mặt cô. Phải thừa nhận là Vân giống Linh, giống như hai chị em ruột mặc dù họ chẳng hề biết nhau ngoài đời. Nghĩ đến Linh, Duy vẫn thấy lòng mình se thắt, dù đã 6 năm rồi... Cũng rèm mi hoe hoe vàng cong vút (chứ không phải mi đen) khiến cho đôi mắt có vẻ gì là lạ, đầy ấn tượng. Cũng nốt ruồi son ngay trên cánh môi (nhưng nốt ruồi của Linh nằm chếch về bên trái, bướng bỉnh và tinh nghịch hơn), cũng đôi má bầu bầu, mái tóc ngang lưng, càng nhìn càng thấy giống. Bỗng Vân cựa quậy rồi mở mắt: “Sao nhìn em lạ vậy? Cứ như nghi ngờ điều gì ấy”. Hình ảnh Linh vụt biến mất, chỉ còn lại là Vân. Duy lắc đầu, âu yếm vuốt vuốt mấy sợi tóc xoà trên trán người yêu, kỳ thực để cho Vân nhắm mắt, thôi quấy rầy anh bằng những điệp khúc câu hỏi cũ mèm.

    Ừ nhỉ, tại sao những kì nghỉ ngơi lại cứ gắn với mùa hè. Mà tại sao bao nhiêu năm rồi anh vẫn giữ thói quen đến những vùng đồi núi? Nó nhắc anh, bắt anh phải nghĩ về Linh nhiều hơn - cũng có nghĩa là giày vò, hành hạ anh đến khổ sở. Ngày ấy, Linh cũng yêu hoa sim tím vô cùng. "Không, em yêu tất cả các loại hoa màu tím thì đúng hơn". Hai đứa bằng tuổi nhau, tròn hai mươi. Trong nụ hôn đầu choáng váng và run rẩy đến nghẹt thở, Duy hỏi nhỏ: “Gọi Duy là anh nhé?” Linh xấu hổ, cắn vào cằm anh thật đau. Yêu nhau đến độ tưởng như chết được vì nhau, Linh vẫn không thay đổi cách xưng hô: “Duy ơi, Linh nhớ Duy kinh khủng”. “Duy ơi! Khăn len Linh đan cho Duy này”. “Duy ơi, muốn ốm không đấy, trời mưa thế này mà dám đi đầu trần”. Mới đầu Duy còn cự nự, cứ đòi Linh gọi là anh, Linh chỉ cười: “Khi nào mình... cưới nhau, Linh sẽ gọi Duy là anh, chịu không?” Duy chịu thua trước nụ cười thiên thần ấy để ôm ghì Linh trong vòng tay cuồng nhiệt của mình...

    Chiều nắng nhạt dần và gió *****g lộng. Vân tung tăng đi trước Duy, thỉnh thoảng lại cúi xuống ngắt vài bông hoa dại. Tóc Vân bay xấp xoã, đáng yêu hệt như hôm anh gặp Vân lần đầu. Duy chạy tới, bịt mắt Vân, cắt ngang tiếng cười khanh khách của người yêu bằng một nụ hôn dài: “Anh yêu em, biết không hả công chúa?” Vân buông ngay nắm hoa dại, vòng tay qua cổ anh, đắm đuối: “Ðừng làm em phát điên lên vì anh nữa”... Duy dìu người yêu đi chầm chậm. Lạ thay, bên Vân, anh vẫn không thôi nghĩ về Linh, dù anh yêu Vân thực sự, dù Linh đã thuộc về quá khứ xót xa...

    ...Linh chưa kịp bước sang tuổi 21, chưa kịp cùng anh thổi nến trong ngày sinh. Duy vẫn nhớ, ngày ấy anh đã hỏi Linh thích quà tặng gì nhất cho ngày sang tuổi mới. Linh áp đầu vào ngực Duy, thầm thì: “Linh chỉ thích có Duy thôi, thật đấy”. Vậy mà Linh... Ðó là một ngày chủ nhật đường phố đông nghẹt đã cướp đi Linh của anh. Trong giỏ xe vẫn còn lăn lóc một gói quà nho nhỏ. Cô bạn chơi thân với Linh thổn thức: “Nó bảo... nó bảo sáng nay đi chọn mua tặng anh một chiếc cavat thật đẹp”. Duy không tin vào tai mình nữa, anh điên cuồng chạy khắp bệnh viện như một gã tâm thần. Người ta ngăn không cho anh vào nhà xác, không cho anh vào với Linh khi Linh không còn biết cười, biết nói, biết nhìn anh... Anh đã gào lên nguyền rủa hết thảy, gào lên trong nỗi tuyệt vọng tột cùng...

    “Anh xem em mặc áo dài màu này có hợp không?”.Duy nhìn Vân đang xoay người trước gương, gật gù : "Ðẹp lắm cưng ạ! Mà với anh, em mặc màu gì cũng đẹp”. Vân quay lại, âu yếm sửa cổ áo cho Duy rồi la lên: “Sao anh không đeo cavat vào. Trời ạ! Mặc complê đi dự đám cưới mà thiếu cavat”. Duy thành thật: “Anh chẳng có cái nào đâu”. Vân ấn anh ngồi xuống ghế, với tay lấy chìa khoá xe “Ðể em đi mua cho anh”. Mặt Duy thoắt tái nhợt, tim anh nhói lên như có vật nhọn nào vừa đâm trúng “Vân, đừng, kệ anh”.

    Vân hốt hoảng nhào đến. Lát sau, Duy trở lại bình thường, lúng túng giải thích: “Anh hơi đau đầu. Nhưng anh không dùng cavat đâu”. Vân dằn dỗi: “Nhưng mà tại sao mới được chứ. Sao anh gàn thế. Ừ, mà chưa bao giờ em thấy anh dùng cavat". Đơn giản thế mà cũng giận nhau. Vân đùng đùng bỏ về, không đi đám cưới sau một điệp khúc câu hỏi: “Tại sao” mà Duy chẳng thể trả lời. Từ ngày Linh mất, Duy không bao giờ dùng cavat. Anh cứ có cảm tưởng cổ mình bị thít chặt lại khi nghĩ đến nguyên nhân cướp mất Linh của anh. Chiếc cavat Linh mua ngày ấy giờ nằm yên trong ngăn tủ với hàng bao kỷ vật khác: Khăn len, cuốn sổ, một mảnh mùi soa thêu...

    Trong suốt thời gian yêu nhau, Linh chưa bao giờ giận Duy, kể cả những lần anh lỡ hẹn (vì có việc đột xuất) hay những lần anh đến trễ giờ. Nếu thấy lâu lâu anh không tới, Linh lại cuống quýt đến tìm: “Duy hư lắm đấy nhé. Linh cứ tưởng là Duy bị ốm, Linh lo cuống cả lên...”. Có một đôi lần Linh dỗi, nhưng Linh có cách trừng phạt riêng, không ngúng nguẩy quay đi hay bỏ về mà sẽ mím chặt đôi môi hồng xinh xắn, ngăn cản nụ hôn của Duy. Nhưng chỉ được vài phút. Duy chưa bao giờ phải khổ sở chạy theo năn nỉ, dỗ dành Linh. Cũng chính vì thế, anh yêu Linh hơn tình yêu của tất cả thế gian này cộng lại...

    Không phải Vân không biết trước cô, Duy đã yêu một người con gái khác. Giá như Vân chỉ bằng lòng biết đến đấy thôi, mặc kệ Duy với những gì thuộc về quá khứ, mặc kệ Duy với những kỷ niệm của riêng mình thì có lẽ Duy sẽ bớt đi những lúc đi về giữa quá khứ và hiện tại, sẽ gạt bỏ được những so sánh ngoài ý muốn. Và biết đâu anh lại tìm thấy tình yêu cuồng nhiệt, đắm đuối hệt thuở xưa ở Vân. Nhưng mọi chuyện lại không như thế. Vân đòi biết quá nhiều. Thoạt đầu chỉ là: “Tên của chị ấy là gì hả anh?” và Vân xuýt xoa: “Em thích cái tên Thuỳ Linh lắm. Anh tin không, ngày nhỏ em có con bạn thân là Thuỳ Linh, bao nhiêu lần em khóc đòi bố mẹ đổi tên cho mình”. Vân bảo: “Ai chẳng có những kỷ niệm. Em không hờn ghen với kỷ niệm của anh. Nhưng có điều, đừng sống mãi với kỷ niệm anh nhé”. Lúc ấy nhìn Vân thật buồn và tội nghiệp. Duy cồn cào, anh thấy yêu và thương Vân thành thật, yêu một dáng hình, một tâm hồn, một tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ. Vân đã khóc khi anh kể cho cô nghe vì sao anh mất Linh... Thế nhưng tại sao anh càng cố gắng không khơi dậy kỷ niệm thì Vân càng dồn ép, đòi anh phải kể về Linh nhiều hơn. Và càng biết về Linh thì Vân càng hay giận dỗi, so bì, trách móc. Anh không thể chịu nổi điệp khúc căn vặn “Anh có yêu em không?” và những câu hờn mát đến độc địa của Vân “Em chỉ vụng về thế thôi. Em biết, anh chẳng yêu em nhiều”. Duy không biết thanh minh nhiều, anh lại tìm đến với Linh trong kỷ niệm như một sự cứu rỗi.

    ... Linh bảo: “Một ngày nào đó không còn thấy yêu Linh, Duy cứ đi yêu người khác mà Duy thích. Chỉ có điều phải thành thật mà nói lời chia tay. Ðừng lừa dối Linh”. Duy véo mũi Linh, mắng: “Chỉ vớ vẩn thôi. Mình sẽ là của nhau đến trọn kiếp”. Mắt Linh thoáng buồn “Linh muốn thế nhưng cuộc đời thì nhiều biến động...”. Duy át đi: “Giả sử Duy yêu người khác, Linh chấp nhận chia tay, thế hoá ra Linh không yêu Duy”. Linh bảo: “Linh sẽ buồn, sẽ đau lắm chứ nhưng nếu Duy hạnh phúc bên người khác hơn bên Linh thì...”. Tại sao Linh lại có linh cảm chẳng lành về số phận, về tình yêu như thế? Ðể rồi chỉ ít lâu sau, anh phải gục đầu khóc trước những vòng hoa trắng, khóc giữa những đêm ngồi nghe bản nhạc quen thuộc một mình lẫn với tiếng mưa gõ nhịp đều đều, đều đều.

    Duy lại đến tìm Vân như sau hàng bao lần giận dỗi trước đó. Thủ tục làm lành khó khăn hơn nhưng rồi cũng xong xuôi. Hai đứa lại đi dạo trong công viên. Mùa thu, hoa sữa thơm dịu dàng và quyến rũ. Những bông hoa nhỏ xíu rớt xuống nền gạch đỏ như sao sa. Tóc Vân thấp thoáng hoa sữa trắng ngà. Duy vòng tay qua thành ghế đá, mơ màng nhìn lên vòm lá. Hình như có một tiếng chim chiếp chiếp tội nghiệp đâu đây. Dường như Vân hỏi anh câu gì đó nhưng Duy vẫn mải tìm kiếm xem tiếng chim kêu ấy ở chỗ nào. Chắc chắn đó phải là chú chim sâu nhỏ thật dễ thương. Thế mà ngày bé, bao nhiêu lần anh mang súng caosu lêu lổng khắp các khu vườn... Chợt Vân giật tay lại, ngoắt người đi, giận dỗi. Duy giật mình, ngắt khỏi những suy nghĩ lan man: “Gì thế em?” Vân quay lại, nét mặt trở nên cau có: “Em biết mà, anh không thể nào khác đi. Anh lại nghĩ, lại nhớ, lại tiếc tình-yêu-cũ-của-anh rồi phải không?” Duy thất vọng, cúi đầu không nói. Vân vẫn không tha: “Hèn gì em hỏi anh đến ba lần mà anh không trả lời”. “Em hỏi anh gì vậy? Anh im lặng cũng là một cách trả lời đấy chứ”. Vân nhìn sững Duy, nghẹn ngào: “Anh không yêu em phải không. Ngồi với em mà anh chỉ nghĩ đến chị Linh...”. Duy cắn môi đột ngột: "Ừ! Anh yêu Linh và yêu Linh yêu Linh mãi mãi”. Vân bật khóc, cầm túi xắc rồi bước đi như chạy. Duy không đuổi theo như bao lần trước đó. Anh nhìn theo cô rồi buồn buồn nghĩ: Chắc là chẳng khi nào mình gặp lại Vân để làm lành nữa... Ôi! Ngày xưa, Linh thường mặc áo xanh, Linh thường đi thong thả...

  3. #23
    Tham gia
    10-03-2003
    Location
    Tp.HCM
    Bài viết
    98
    Like
    0
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    COn bé Vân tính tình giống hệt nhỏ bạn của tui, vừa nhìu chiện, vừa bướng bỉnh, vừa nhảm nhí, đọc xong sao mà ghét nhỏ Vân quá trời!!!!

  4. #24
    Tham gia
    26-09-2004
    Bài viết
    532
    Like
    2
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    Điên rồ! Thế mà cũng gọi là yêu!

  5. #25
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc

    Người chuyên môn cười

    Nguyên tác : Heinrich Boll
    Người dịch : Tâm Minh Ngô Tằng Giao

    Vì người ta thường coi tôi là một người đứng đắn đàng hoàng nên khi có ai đó hỏi tôi rằng tôi làm nghề ngỗng gì thì tôi thật là lúng túng: tôi đỏ mặt lên và nói năng lắp bắp ngay. Tôi thấy như ghen với những người mà họ có thể trả lời thoải mái: tôi là thợ hồ. Tôi ghen tức với những người thợ hớt tóc, những anh chàng thư ký kế toán và những anh chàng viết văn vì câu trả lời của họ thật là đơn giản, chính cái nghề của họ đã tự nói lên là họ làm công việc gì rồi mà chẳng cần "dài dòng văn tự" để giải thích gì thêm, trong khi tôi thì bó buộc phải trả lời những câu hỏi trên rằng: "Tôi là một người chuyên môn cười." Khi thú nhận như thế rồi thì lập tức bao giờ tôi cũng phải trả lời thêm một câu hỏi thứ hai: "Thế bạn kiếm sống bằng cách đó à?". Tôi thành thật trả lời: "Đúng vậy!". Tôi hiện tại đúng là đang kiếm sống bằng tiếng cười của tôi đấy, mà kiếm chác ngon lành là đằng khác nữa, vì tiếng cười của tôi - nói theo giọng lưỡi kinh doanh - đang ăn khách trên thị trường.

    Tôi là một chuyên viên cười, cười xuất sắc, lại kinh nghiệm đầy mình, chẳng có kẻ nào khác có thể cười giỏi như tôi được, chẳng có ai cười mà có thể đạt tới tột đỉnh nghệ thuật như tôi.
    Có một thời gian dài, để tránh khỏi phải giải thích lòng thòng chán ngấy, tôi đã tự gọi tôi là một diễn viên, nhưng tài nghệ của tôi trong lãnh vực kịch câm và kịch nói thì lại xoàng xĩnh lắm khiến tôi cảm thấy gọi như thế không ổn, xa vời sự thật quá. Tôi yêu sự thật và sự thật là: tôi là một người chuyên môn cười.
    Tôi chẳng phải là một chú hề, cũng chẳng phải là một diễn viên hài kịch. Tôi không làm cho bà con cô bác khoái chí, vui vẻ, tôi chỉ diễn tả sự vui nhộn thôi: tôi cười như hệt một vị hoàng đế La Mã, hay cười kiểu giống y như một chú học trò nhạy cảm, tôi cười thoải mái giống kiểu cười thế kỷ thứ 17 cũng như thế kỷ thứ 19, và đôi khi vì nhu cầu tôi có thể cười theo bất cứ kiểu cười của thế kỷ nào, bất cứ từng lớp xã hội nào, bất cứ loại tuổi tác nào: đó chỉ thuần là một sự khéo léo mà tôi đã thu thập được, tương tự như sự khéo tay sửa dày, dép vậy. Trong lồng ngực của tôi chất chứa tiếng cười của Mỹ Châu, của Phi Châu, tiếng cười của dân da trắng, da đỏ, da vàng và nếu được trả một khoản tiền tương xứng thì tôi sẽ cười vang vang lên theo đúng với lời yêu cầu đặt hàng của ông giám đốc.

    Tôi đã trở nên quan trọng rồi. Tôi cười để thâu vào đĩa hát, tôi cười để thâu vào băng, và các ông giám đốc truyền hình đối xử với tôi một cách kính nể. Tôi cười một cách sâu thẳm, ôn hòa hay điên dại. Tôi cười như một ông tài xế lái xe điện hay như một gã phụ việc trong tiệm thực phẩm. Có tiếng cười kiểu bình minh, kiểu hoàng hôn và kiểu đêm tối. Nói tóm tắt lại: người ta cần cười ở bất cứ nơi nào, cười bất cứ kiểu nào, tôi sẽ làm chuyện đó.

    Thật khó mà vạch ra cho mọi người thấy rằng một cái nghề như thế này thì chán mớ đời, nhất là đối với tôi đó lại là một nghề chuyên môn, tôi đã lên đến tột đỉnh của nghệ thuật gây tiếng cười. Điều này cũng khiến cho tôi trở thành cần thiết để giúp cho các diễn viên hài kịch hạng ba hay hạng tư khi các anh chàng này có lý do chánh đáng sợ rằng khán giả của họ không phá ra cười với những câu pha trò vào lúc chót của câu chuyện. Bởi thế tôi hầu như mỗi đêm phải đến các hộp đêm, các phòng trà ngồi làm cò mồi kín đáo, công việc của tôi là cười vang lên trong những đoạn yếu nhất của chương trình để mọi người nghe thấy mà cười theo. Cần phải "canh me" mà tính toán giờ giấc cẩn thận: tôi phải cười cho thật lớn, thật mạnh, không sớm quá nhưng cũng đừng trễ quá, phải cười đúng lúc, đúng thời điểm đã sắp xếp trước. Tôi phá ra cười, toàn thể các khán giả sẽ rú lên cùng cười theo tôi và như thế cái vụ pha trò, giễu dở của anh chàng diễn viên sẽ được cứu vãn. Nhưng riêng phần tôi, tôi mệt mỏi lê chân ra phòng để áo, mặc áo khoác vào và lòng cảm thấy vui sướng vì cuối cùng dầu gì thì mình cũng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ.

    Ở nhà, tôi thường nhận được những bức điện tín gửi cho tôi: "Khẩn cấp. Cần tiếng cười của anh. Ghi âm thứ ba" và một vài giờ sau là tôi đã chui vào ngồi trong một chuyến xe lửa tốc hành quá nóng nực để mà than vãn cho cái số phận của mình.
    Tôi cũng cần phải nói thêm rằng những lúc ngoài giờ làm việc hay khi đang đi nghỉ hè thì tôi lại có khuynh hướng cười rất ít: những kẻ chăn bò chỉ vui khi họ quên bò của họ, người thợ nề chỉ vui khi quên đi vôi vữa, và các anh chàng thợ mộc thì thường thường lại có cái cửa ra vào hay những ô kéo bị kẹt, khó mở, những tay làm bánh mứt lại khoái đồ chua, những anh chàng hàng thịt lại ưa bánh hạnh nhân, và người làm bánh thì thích thịt nhồi hơn là bánh, những tay đấu bò thích nuôi chim bồ câu làm thú giải trí, những võ sĩ quyền Anh mặt tái đi khi thấy con cái mình bị chảy máu mũi. Tôi thấy tất cả đều là chuyện bình thường, vì chính tôi chẳng bao giờ cười lúc ngoài giờ làm việc. Tôi là một người nghiêm túc và mọi người coi tôi - có lẽ đúng vậy - là một gã bi quan.

    Trong những năm đầu của cuộc sống hôn nhân bà vợ tôi thường nói với tôi: "Cười lên chứ!" nhưng rồi kể từ đó bà vợ tôi hiểu ra rằng tôi chẳng thể chiều ý bà ấy được. Tôi cảm thấy sung sướng khi tôi được thoải mái khỏi phải lên gân mặt, được thoải mái tinh thần. Thật vậy, ngay cả lúc người khác cười thì cái cười ấy cũng tác động đến đầu óc của tôi, vì nó gợi cho tôi nhớ đến nghề nghiệp của mình. Chính vì thế mà cuộc hôn nhân của chúng tôi hoàn toàn trầm lặng và an bình, bởi vì bà vợ tôi cũng quên mất cả cười rồi. Thỉnh thoảng tôi chợt bắt gặp vợ tôi mỉm cười và tôi cũng cười mỉm theo. Chúng tôi trò chuyện với nhau bằng một giọng nhỏ nhẹ, bởi vì tôi ghét cay ghét đắng cái tiếng động ồn ào của các hộp đêm, các phòng trà, ghét cái âm thanh đôi khi ầm ĩ vang rền lên khắp cả phòng thu thanh. Những người nào không biết rõ tôi lại nghĩ rằng tôi là kẻ suy tư, ít nói. Có lẽ tôi như vậy đó, bởi vì tôi đã phải há miệng ra để cười quá nhiều rồi.

    Đời tôi trôi qua với những nét biểu lộ tình cảm trơ lạnh như vậy. Thỉnh thoảng tôi cũng có cười nhẹ nhàng chút đỉnh và tôi thường tự hỏi không biết mình đã từng biết cười bao giờ chưa nhỉ? Tôi nghĩ rằng không. Các anh chị em của tôi lại coi tôi như một đứa rất nghiêm trang.
    Bởi thế tôi có thể cười đủ các kiểu khác nhau, nhưng chính tôi, tôi không có được một nụ cười nào cho riêng cá nhân mình.

    Heinrich Boll sinh tại Cologne (Đức) vào năm 1917 và mất năm 1985, là một trong những nhà văn hậu chiến rất nổi tiếng của nước Đức. Các tác phẩm của ông gồm "Ansichten eines Clowns" (The Clown), "Billard um halb zehn" (Billiards At Half-Past Nine) và "Gruppenbild mit Dame" (Group Portrait With Lady). Ông nhận giải Nobel về văn chương vào năm 1972.
    Truyện ngắn trên được chuyển ngữ theo bản dịch Anh ngữ của Leila Vennewitz với nhan đề "The Laughter".

  6. #26
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc Guy de Maupassant

    Nói đến truyện ngụ ngôn, người Pháp nhắc đến La Fontaine, về tiểu thuyết không thể không nói đến Balzac còn khi nói đến truyện ngắn thì phải nhắc đến Guy de Maupassant.

    Ở thể loại truyện ngắn, tài năng của Guy de Maupassant thật sự nở rộ. Có thể nói, tài năng ấy đã làm lu mở thành tựu của một tiểu thuyết gia. Với tính giản dị, sự cô đọng, sức khái quát, những truyện nhỏ của Maupassant “chứa đựng những cốt tuỷ của những tập sách mà các tiểu thuyết gia khác phải viết thật dày” như Émile Zola đã nhận định.

    Ngoài thể loại truyện ngắn hiện thực mang tính thời đại, ông còn sáng tác những truyện ngắn siêu thực, và có thể nói Maupassant là một nhà văn hiện thực nhất trong các nhà văn viết truyện hoang tưởng, ông cũng là một trong không nhiều nhà văn của thế kỷ trước thu hút được sự chú ý, sự tò mò của công chúng với thể loại truyện siêu thực.

    Những truyện ngắn siêu thực của ông không phải là tác phẩm của một kẻ điên, mà hiển nhiên ông đã sử dụng những kinh nghiệm, những trải nghiệm của chính bản thân mình trong những cơn rối loạn tinh thần để viết lại những xúc cảm mà con người có thể cảm thấy.

    Những truyện ngắn kỳ lạ này không chỉ phản ánh thế giới nội tâm con người mà còn phản ánh cả cách suy nghĩ tư duy của con người thời đại đó, phản ánh cả hơi thở của thời đại.

    Trải qua thời gian, những truyện ngắn kỳ lạ ấy được đánh giá là những tác phẩm của một nhà văn hiện thực thiên tài, người dã rất thành công trong cách lột tả nội tâm con người.

    MỘT MẸO LỪA

    Họ ngồi nói chuyện gẫu bên cạnh lò sưởi, người thầy thuốc già và cô bệnh nhân trẻ. Nàng chỉ hơi se mình, do sự khó ở, một thứ bệnh thường thấy ở những bà trẻ đẹp, hơi thiếu máu, thần kinh yếu, và nghi ngại có sự suy nhược, cái thứ suy nhược của những đôi vợ chồng mới cưới, lấy nhau vì tình, vào những ngày cuối của tháng đầu tiên của cuộc hôn nhân.

    Nàng nằm duỗi trên một cái ghế dài và nói chuyện:
    - Không, bác sĩ ạ, tôi chẳng bao giờ tin là một người vợ lại có thể lừa dối chồng mình. Thì tôi cứ giả thiết là bà vợ không yêu ông chồng, nhưng chẳng lẽ bà ta lại không đếm xỉa gì đến những lời hứa hẹn, những điều thề thốt của mình sao? Mà làm thế nào có thể dám hiến thân cho một người đàn ông khác? Làm thế nào giấu kín được cái đó trước tất cả mọi người? Làm thế nào có thể yêu đương trong sự giả dối, sự bội phản?

    Ông thầy thuốc mỉm cười:
    - Về vấn đề này thì dễ thôi. Tôi đoán chắc với bà là người ta không hề nghĩ tới bao nhiêu điều tinh tế ấy khi lòng ham muốn đã làm người ta sa ngã. Tôi cũng tin chắc là một người đàn bà chỉ trở nên chín chắn về tình yêu thật sự, sau khi đã trải qua tất cả những chuyện dan díu phiền toái, và tất cả những sự tởm lợm về hôn nhân, mà theo lời một danh nhân đã nói, hôn nhân chỉ là sự trao đổi những thái độ xấu về ban ngày, những mùi vị xấu về ban đêm. Không còn gì đúng hơn. Một người đàn bà chỉ có thể yêu một cách say đắm, sau khi đã lấy chồng. Nếu tôi có thể so sánh người đàn bà với một ngôi nhà, thì tôi sẽ nói là, phải qua tay một anh chồng quét dọn đã, thì ngôi nhà mới ở được. Còn việc che giấu thì tất cả những người đàn bà đều có thừa tài giữ kín nhẹm trong những trường hợp ấy. Những bà đơn giản nhất lại tỏ ra rất khôn ngoan và đã thoát hiểm một cách tài tình khỏi những cơn nguy khốn nhất.

    Nhưng, người đàn bà trẻ có vẻ vẫn không tin...
    - Không, bác sĩ ạ, chẳng bao giờ người ta lường trước được là khi việc bất thần xảy ra, thì phải làm thế nào trong cái tình thế hiểm nghèo ấy, và những người đàn bà, chắc chắn trong những trường hợp ấy lại còn hoang mang bối rối hơn cả bọn đàn ông.

    Ông thầy thuốc giơ hai tay lên trời:
    - Bà nói thế ! Khi việc bất thần xảy đến! Đàn ông chúng tôi cũng chỉ biết cuống cuồng lên khi việc xảy đến! Nhưng còn các bà thì... Thôi, để tôi kể lại cho bà nghe một câu chuyện nhỏ của một bà thân chủ của tôi, với bà ấy tôi cũng đã tận tình giúp đỡ.

    Chuyện này xảy ra tại một thị trấn của một tỉnh nhỏ. Một buổi tối, tôi đang ngủ say, giấc ngủ mê mệt đầu đêm rất khó khuấy động, tôi thấy dường như trong giấc mơ u ám, vang rền tiếng thành phố báo cháy.

    Tôi choàng tỉnh dậy: chính là tiếng chuông gọi cửa nhà tôi, cái chuông gọi phía ngoài đường, tiếng chuông réo có vẻ tuyệt vọng. Thấy người giúp việc của tôi hình như không trả lời, tôi lại giật cái dây chuông gọi anh ta treo ở giường tôi, và bỗng chốc, cửa bật mở, những tiếng chân bước náo động trong ngôi nhà ngủ im phắc, rồi anh Giăng xuất hiện, cầm một bức thư, trong thư nói:

    "Bà Lơ Lievrơ khẩn thiết mời bác sĩ Simêôn đến nhà ngay tức khắc".
    Tôi suy nghĩ một vài giây. Tôi nghĩ: Lại thần kinh, thì lại xông hơi, tra la la, tôi mệt nhọc quá rồi. Và tôi trả lời: "Bác sĩ Simêôn, rất ốm mệt, yêu cầu bà Lơ Lievrơ mời đồng nghiệp của ông, bác sĩ Bonnê".
    Tôi cho vào phong bì, trao bức thư, rồi đi ngủ lại.
    Khoảng nửa giờ sau, tiếng chuông phía cửa ngoài đường phố lại vang lên, và Giăng vào nói với tôi:
    - Có người nào đó, không rõ đàn ông hay đàn bà (tôi không biết đích xác vì người ta che kín mít) muốn nói chuyện ngay với ông. Người ấy bảo đây là chuyện can hệ đến sinh mạng của hai con người.
    Tôi vùng dậy:
    - Đưa người ta vào.
    Tôi đợi, ngồi ngay trên giường tôi.
    Một hình thù ma quái, trùm đen kín mít xuất hiện và khi Giăng đã ra ngoài, người ấy tung áo choàng ra. Chính là bà Lơ Lievrơ, một người đàn bà trẻ đẹp, lấy chồng đã ba năm nay ; chồng là một thương gia lớn trong tỉnh, ông ta coi như đã lấy được một người đàn bà có nhan sắc xinh đẹp nhất thành phố.

    Mặt bà ta tái ngắt, kinh khủng với những nét co rúm của những người hoảng sợ, bàn tay run rẩy, hai lần bà định nói mà không thốt nên lời. Sau cùng, bà ấp úng:
    - Nhanh... nhanh lên... nhanh lên bác sĩ... Đến chỗ tôi ngay. Người ... người tình nhân của tôi đã chết trong buồng tôi.
    Bà ta nghẹn ngào ngừng lại, rồi tiếp:
    - Chồng tôi... ở Câu lạc bộ sắp... sắp về rồi.
    Tôi đứng bật ngay dậy, không nghĩ là mình đang mặc áo lót. Tôi mặc quần áo trong mấy giây đồng hồ. Rồi tôi hỏi:
    - Lúc nãy cũng chính bà đến gọi cửa phải không?
    Bà ta đứng sững như pho tượng, sự lo âu làm bà thất đảm, bà nói nhỏ:
    - Không... đó là chị hầu phòng của tôi... Chị ta biết... - Rồi ngừng lại một lát - Tôi... tôi ở lại bên cạnh "anh ấy".
    Và một tiếng kêu đau đớn bật khỏi đôi môi bà, và sau khi bà cố nén những tiếng rền rĩ, bà bật khóc, bà ta khóc nức nở với những tiếng nghẹn ngào, thổn thức trong một hoặc hai phút ; rồi sau đột nhiên những dòng lệ ngừng chảy, nước mắt ráo hoảnh như cạn khô đi vì một ngọn lửa bên trong, bà ta trở lại bình tĩnh một cách bi thảm.
    - Nhanh lên đi! - Bà ta nói.
    Tôi đã sẵn sàng đi, nhưng tôi kêu:
    - Khỉ thật! Tôi lại chưa bảo thắng cái xe ngựa của tôi.
    Bà trả lời:
    - Tôi có xe dưới kia, cái xe của anh ấy, chờ anh ấy đấy.
    Bà ta lại trùm khăn kín mít. Chúng tôi đi.

    Khi đã ngồi bên cạnh tôi trong hòm xe tối, bà ta đột ngột cầm lấy tay tôi. nắm vặn bàn tay tôi trong những ngón tay thon nhỏ của bà, bà nói với tôi những tiếng thổn thức, thốt từ trái tim bị vò xé:
    - Ôi! Nếu ông biết được, nếu ông biết được tôi đau đớn đến thế nào! Tôi yêu anh ấy, yêu anh ấy đắm đuối như là một con mất trí, yêu đã sáu tháng nay.
    Tôi hỏi :
    - Mọi người có thức dậy không? ở nhà bà ấy?
    Bà ta trả lời :
    - Không, không có ai, trừ chị Rôdơ hầu phòng. Chị ấy biết cả.

    Xe đỗ trước cửa nhà bà ta, trong nhà mọi người vẫn yên giấc. Chúng tôi mở cửa đi vào nhà không một tiếng động, rón rén bước trên đầu ngón chân lên thang gác. Chị hầu phòng kinh sợ, không dám ở bên cạnh người chết, ngồi bệt dưới đất ngay trên đầu cầu thang, với một ngọn nến đốt để bên cạnh.

    Tôi vào trong buồng. Căn buồng lộn tung lên như sau một cuộc chiến đấu. Giường chiếu xô lệch, nhầu nát, trống không, dường như vẫn chờ đợi, tấm vải trải giường rơi tụt xuống trên mặt thảm lót nền nhà. Những khăn mặt ướt người ta dùng đập vào thái dương người đàn ông trẻ tuổi cho hồi tỉnh, rơi lung tung trên mặt đất bên cạnh một cái chậu thau và một cái cốc thủy tinh. Và một mùi đặc biệt, mùi dấm ăn pha với mùi nước hoa Lubin thành một mùi nồng nặc ngay từ ngoài cửa.

    Cái xác người nằm ngửa, dài thượt ngay giữa phòng. Tôi lại gần, tôi ngắm cái xác, xem mạch, vanh mắt, sờ nắn hai bàn tay, rồi quay lại hai người đàn bà đang đứng run rẩy như chết rét, tôi bảo:
    - Giúp tôi, vực anh ấy lên giường.
    Mọi người đặt anh ta nhẹ nhàng nằm xuống. Tôi sờ tim và đặt một cái gương trước miệng anh ta, rồi tôi thì thầm:
    - Hết rồi! Mặc quần áo cho anh ta, nhanh lên!
    Nhìn cảnh tượng ấy thật là khủng khiếp.

    Tôi lần lượt cầm từng cái chân cái tay của cái xác như chân tay của một con búp bê lớn, để cho hai người đàn bà lồng dần quần áo vào. Đi bít tất, mặc quần lót, mặc quần chẽn ngoài, áo gi-lê, rồi cái áo ngoài, lồng được tay vào ống tay áo thật là khó nhọc.

    Khi phải đóng nút giầy, hay người đàn bà quỳ gối, tôi cầm nến soi cho họ, nhưng bàn chân đã hơi cương to lên, thật khó khăn vô cùng. Không tìm được cái rút nút giầy, họ đành phải dùng những cái kẹp tóc của họ.

    Cuộc mặc quần áo khủng khiếp vừa xong, tôi ngắm nhìn cái công trình ấy và bảo:
    - Phải chải chuốt lại cho hắn một tí.
    Chị hầu phòng chạy đi lấy lược, bàn chải của bà chủ, và khi thấy chị ta run rẩy lập cập, bằng những động tác lóng ngóng, gỡ đám tóc rối xòa của anh ta, bà Lơ Lievrơ giằng lấy cái lược và chải mớ tóc của cái xác một cách rất dịu dàng như vuốt ve vậy.

    Bà ta rẽ lại đường ngôi, chải bộ râu, rồi thong thả vân vê những sợi râu mép trong ngón tay, hẳn là làm như cách vẫn làm quen thuộc trong những lúc âu yếm nhau.

    Và bỗng nhiên, vứt bỏ những thứ cầm trong tay, bà ta nâng cái đầu vô giác của người tình, nhìn thật lâu một cách tuyệt vọng cái bộ mặt chết không còn mỉm cười với bà ta nữa, rồi ngã hẳn người, đè lên cái xác ghì chặt nó trong vòng tay, hôn hít một cách dữ dội. Những cái hôn của bà ta tới tấp như những cú đánh xuống cái miệng mím chặt, trên đôi mắt nhắm tắt, trên thái dương, trên trán của người chết. Rồi ghé sát vào bên tai cái xác chết, tưởng như nó còn nghe được, dường như để thì thầm cái câu nó làm cho những vòng tay ôm ghì nồng cháy thêm, bà nhắc đi nhắc lại hàng mười lần, một câu đến xé ruột:
    - Vĩnh biệt anh yêu dấu!
    Nhưng đồng hồ đã điểm nửa đêm.
    Tôi giật mình:
    - Chết thật! Nửa đêm, giờ này Câu lạc bộ đóng cửa. Nào thưa bà phải có nghị lực chứ!
    Bà ta đứng dậy. Tôi ra lệnh:
    - Mang anh ấy sang phòng khách.
    Cả ba người chúng tôi khiêng anh ta, tôi đặt anh ta ngồi trên một cái ghế dài có lưng tựa, xong, tôi thắp đèn.
    Cái cửa ra vào phía ngoài mở ra, rồi nặng nề đóng lại. Chính là ông ta về rồi đấy. Tôi bảo:
    - Nào, chị Rôdơ nhanh tay lên, mang cho tôi khăn lau và chậu nước và chị thu dọn lại gian buồng đi, nhanh tay lên chị, trời đất! Đấy, ông Lơ Lievrơ đã về đấy.

    Tôi nghe tiếng chân bước trên thang gác, đến gần. Những bàn tay rà rẫm trên tường, trong bóng tối. Bấy giờ tôi mới gọi to:
    - Đây kia mà, ông bạn thân mến, chúng mình đang gặp một tai nạn.
    Và người chồng, sững sờ, hiện ra trước khung cửa, điếu xì gà trên miệng. Ông ta hỏi :
    - Thế nào? Chuyện gì thế? Thế là thế nào?
    Tôi đi về phía ông ta:
    - Ông bạn tốt bụng ơi, ông thấy chúng tôi đang trong tình hình lúng túng quá đấy. Tôi đến chơi đây, cùng đi xe với anh bạn, ngồi nói chuyện với bà nhà ta khuya lắm. ấy thế mà bỗng dưng anh ta ngất xỉu, đã hai giờ đồng hồ, mặc dầu chúng tôi hết sức cứu chữa, nhưng anh ta vẫn bất tỉnh nhân sự. Tôi không muốn gọi người khác. Giúp tôi vực anh ấy xuống xe, về nhà anh ta, tôi cứu chữa cho anh ta tốt hơn.

    Người chồng ngạc nhiên, nhưng không nghi ngờ gì, bỏ mũ, lấy tay ôm người tình địch của ông ta khi ấy dĩ nhiên là đã vô tác hại, tôi nắm lấy hai chân cái xác, kiểu như đóng ngựa giữa hai càng xe, và thế là chúng tôi khiêng cái xác xuống cầu thang, bây giờ bà vợ cầm đèn soi đường cho chúng tôi.

    Khi ra đến trước cửa, tôi xốc cái thây chết lên, nói với nó, khích lệ nó, để đánh lừa người trong xe:
    - Nào, anh bạn dũng cảm, không sao đâu. Cậu thấy khá hơn rồi chứ? Can đảm lên, nào, can đảm lên một chút thôi, cố gắng lên một tí tẹo thôi, và thế là khỏe ngay mà.

    Thấy cái xác sắp đổ sụp xuống, nó sắp tuột khỏi tay tôi giữ, tôi liền dùng vai hích một cái mạnh làm nó nhào về phía trước, nghiêng ngả trong thùng xe, rồi tôi bước theo lên.

    Người chồng lo lắng hỏi tôi:
    - Bác thấy tình hình có nghiêm trọng lắm không?
    Tôi trả lời "Không". Và cười, nhìn người vợ. Bà ta đã vòng tay dưới cánh tay người chồng chính thức của mình, mắt đăm đăm dõi nhìn sâu vào trong đáy tối thầm của thùng xe.

    Tôi bắt tay mọi người và ra lệnh cho xe chạy. Suốt dọc đường, người chết đè nặng trên phía tay bên phải tôi.

    Khi về đến nhà anh ta, tôi nói là anh ta bị ngất đi bất tỉnh khi đi dọc đường. Tôi giúp khiêng anh ta lên trên phòng anh ta, rồi tôi chứng nhận là anh ta đã chết, tôi đóng một lớp kịch mới trước gia đình đau khổ của anh ta. Sau cùng, tôi trở về nhà, nằm vào giường, không khỏi nguyền rủa những đôi bạn tình.

    Ông bác sĩ ngừng lại, vẫn giữ nụ cười.
    Người thiếu phụ trẻ, cau mặt hỏi:
    - Tại sao ông lại kể cho tôi nghe câu chuyện khủng khiếp ấy?
    Ông cúi chào rất lịch thiệp:
    - Dạ, để khi có dịp cần đến, thì tôi xin giúp bà một tay.

  7. #27
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc Gabriel García Márquez

    Gabriel García Márquez

    Chân dung ký họa


    CÁI CHẾT VĨNH HẰNG BÊN KIA TÌNH YÊU

    Nguyễn Tấn Đại dịch

    Sáu tháng mười một ngày trước khi chết, ngài nghị sĩ Onésime Sanchez quen được người phụ nữ của đời mình. Ông gặp cô ở làng Cây Hồng Của Phó Vương, một ngôi làng hẻo lánh; ban đêm, đó là chỗ những chiếc thuyền buôn lậu lén lút ẩn mình nhưng dưới ánh nắng mặt trời chói chang nó chỉ phơi ra bộ mặt của một cái hốc lạc lõng và vô vị giữa sa mạc, đối mặt với biển cả khô khan và vô tận, cách biệt với mọi thứ đến độ người ta khó mà tin được rằng có ai đó có thể làm thay đổi số phận của một người khác. Cái tên làng cũng như một trò giễu chơi bời vì bông hồng duy nhất thấy được trong làng đã bị ngài nghị sĩ Onésime Sanchez xoáy khéo ngay trong đêm ông quen được Laura Farina.

    Đó là một chặng dừng chẳng đặng đừng trong chiến dịch vận động tranh cử diễn ra mỗi bốn năm. Những chiếc xe chở hàng của đoàn đã đến từ sáng, tiếp theo sau là những chiếc xe tải chở đầy người da đỏ từ các làng bên đã được trả vài đồng peso để đến cho buổi lễ chính thức thêm phần đông đúc. Khoảng gần mười một giờ, trong tiếng nhạc xập xình, tiếng pháo ì đùng và đoàn xe jeep hộ tống, chiếc xe hơi nội các màu mật dâu xuất hiện. Ngài nghị sĩ Onésime Sanchez trông điềm tĩnh và không có tuổi trong chiếc xe hơi máy lạnh, nhưng khi cửa sổ xe mở ra một luồng hơi nóng ập vào làm ông rùng mình và chiếc áo sơmi lụa của ông mau chóng ướt đẫm chuyển thành màu cháo trắng nhờ. Ông đột nhiên cảm thấy mình già yếu hơn và đơn độc hơn bao giờ hết. Ông vừa mừng bốn mươi hai tuổi, đã từng vinh dự lãnh bằng kỹ sư luyện kim ở Göttingen1 và hoài công miệt mài đọc những bản dịch dở hơi các tác phẩm cổ điển Latin. Ông đã cưới một cô vợ người Đức thanh lịch sinh cho ông năm đứa con sống cả nhà vui vầy hạnh phúc và chính ông từng là người hạnh phúc nhất đời cho đến cách đây ba tháng, người ta thông báo rằng ông sẽ chết và chắc chắn chết vào kỳ Giáng sinh tới.

    Trong khi người ta sửa soạn chuẩn bị cho buổi lễ chính thức, ngài nghị sĩ đã lánh mặt được hẳn một giờ trong ngôi nhà dành riêng cho ông để nghỉ ngơi. Trước khi ngả lưng, ông đặt vào một ly nước bông hồng mà ông đã giữ tươi nguyên xuyên suốt sa mạc, lấy một ít ngũ cốc ăn kiêng mà ông mang theo dùng thay bữa trưa để bớt ngán ngẩm món phá lấu dê đậy vung đang chờ vào buổi tối và uống một loạt thuốc giảm đau trước giờ quy định, mong được khuây khoả trước cơn đau dày vò. Sau đó ông cắm điện cái quạt máy gần chiếc võng và nằm trần như thế khoảng mười lăm phút dưới bóng bông hồng, luôn cố gắng hết sức giữ tinh thần thư giãn để không phải nghĩ đến cái chết khi chìm vào mộng mị. Ngoài các bác sĩ, không ai biết ông sắp về trời vì ông đã quyết định giữ bí mật cho riêng mình, không thay đổi gì cuộc sống của ông, không phải vì kiêu hãnh mà là vì e ngại.
    - Chúng ta ở đây để chinh phục Tự nhiên, - ông lên tiếng với tất cả niềm tin của mình. - Chúng ta sẽ không còn là những đứa con rơi của tổ quốc, những kẻ mồ côi của Thượng đế nơi miền đói khát và mưa nắng thất thường, cũng không là kẻ lưu vong trên chính quê hương của mình. Chúng ta sẽ khác, thưa quý bà quý ông, chúng ta sẽ lớn mạnh và hạnh phúc.

    Khoảng ba giờ chiều, ông cảm thấy hoàn toàn làm chủ được mình khi ra lại trước công chúng, vẻ đầy sảng khoái, mặc quần tây vải thô và áo sơmi in hoa, trong lòng khoan khoái sau khi thuốc có hiệu lực. Song le, bớt lo sợ chết chỉ là sự giả tạo trong suy nghĩ của ông vì khi bước lên sân khấu, ông nhận thấy một sự khinh miệt lạ kỳ trước những người đang tranh giành nhau cơ hội được bắt tay ông và không còn thương xót đám người da đỏ đi chân trần chịu đựng cái nóng rát bỏng trên nền đất khô cằn này nữa. Bằng một cái khoát tay, gần như là giận dữ, ông ra hiệu ngưng tiếng vỗ tay và bắt đầu nói không một cử động, mắt dán vào mặt biển đang bốc hơi nóng nghi ngút. Giọng ông chậm và trầm sâu nhờ nước uống lúc giải lao nhưng bài diễn thuyết học thuộc lòng và nhai đi nhai lại nhiều lần không phải dùng để nói lên sự thật; nó chỉ chống lại một phán quyết theo thuyết định mệnh trong quyển IV hồi ức của Marcus Aurelius2.

    Đó là những công thức trong trò xiếc của ông. Trong khi ông nói, những người phụ tá ném lên trời những nắm gà mái bằng giấy, và những con vật giả đó như sống dậy, bay bay khắp trên sân khấu và nối nhau bay về phía biển. Cùng lúc đó, những người khác lôi từ xe tải ra những chậu cây giả dùng trong rạp hát có lá vẽ bằng bút phớt và đem trồng trên nền đất khô cằn phía sau đám đông lố nhố. Sau cùng, họ kéo màn trình diễn một khung cảnh làm giả bằng carton bột đúc với những ngôi nhà tường gạch đỏ au và cửa sổ lắp kính, che giấu đi bộ mặt tồi tàn trong cuộc sống thực.

    Ngài nghị sĩ say sưa với bài diễn thuyết, trích dẫn hai câu nói tiếng Latin, để cho màn hài kịch thêm hoàn chỉnh. Ông hứa hẹn về những chiếc máy tạo mưa, về những chiếc máy chăn nuôi xách tay cho vật nuôi lấy thịt, về các loại dầu hạnh phúc giúp rau cải mọc được trên nền đất cằn khô và về những chùm bông giấy trên cửa sổ. Khi thấy không còn quên thứ gì trong thế giới tưởng tượng của mình, ông đưa tay chỉ:
    - Chúng ta sẽ là như thế, thưa quý bà quý ông! - Ông hô vang. - Chúng ta sẽ là như thế! Hãy nhìn kỹ đi!

    Công chúng quay lưng lại. Một chiếc tàu vượt biển bằng giấy vẽ ló ra phía sau các ngôi nhà, một chiếc tàu vượt biển cao hơn cả những ngôi nhà cao nhất thành phố vẽ. Ngài nghị sĩ là người duy nhất thấy lặp đi lặp lại cái cảnh kéo lên kéo xuống, kéo tới kéo lui này, cái ngôi làng carton được nâng cao này cũng bị nhuốm màu mưa nắng, và cũng nghèo nàn, cũng bụi bặm và buồn tẻ như làng Cây Hồng Của Phó Vương.

    Lần đầu tiên trong mười hai năm qua, Nelson Farina không đến chào ngài nghị sĩ. Ông nghe bài diễn thuyết, nằm yên trên võng, giữa các quãng giải lao buổi trưa, dưới bóng mát ngôi nhà gỗ thô mà ông đã dựng lên bằng đôi tay dược sĩ của mình, chính đôi bàn tay ấy đã phân thây người vợ đầu của ông. Ông đã trốn khỏi nhà tù Cayenne3 để trở về Cây Hồng Của Phó Vương trên một chiếc tàu chở đầy những kẻ ba hoa vô tội, dẫn kèm theo một cô nàng da đen xinh đẹp đá cá lăn dưa gặp nhau từ hồi ở Paramaribo4 và đã sinh cho ông một cô con gái. Không lâu sau đó người vợ đã mất vì bệnh, nhưng không có may mắn như người vợ trước với phần xác còn lại được đem bón cho hàng suplơ trong vườn rau nhà. Bà được chôn cất nguyên vẹn trong nghĩa trang của làng, với tên gọi Hà Lan của mình. Cô con gái thừa hưởng làn da và vóc dáng của mẹ, và do đó người cha đôi mắt vàng vọt ngỡ ngàng cứ nghĩ rằng mình đang nuôi nấng người phụ nữ đẹp nhất trần đời.

    Khi làm quen với ngài nghị sĩ Onésime Sanchez, hồi kỳ vận động tranh cử đầu tiên, Nelson Farina đã đề nghị ông ta giúp làm một thẻ căn cước giả hòng lẩn tránh pháp luật. Ngài nghị sĩ, dễ chịu nhưng kín kẽ, đã từ chối giúp. Nelson Farina nhất quyết không chịu thua; suốt nhiều năm liền, mỗi khi có dịp là ông ta nhắc lại lời đề nghị của mình, bằng cách này hay cách khác. Nhưng ông ta luôn nhận được cùng một câu trả lời. Vì vậy lần này ông ta nằm yên trên võng, chịu chết dí trong cái nóng hầm hập như lửa thiêu. Khi nghe tiếng vỗ tay hoan hô kết cục, ông ta vươn cổ nhìn, và qua những cọc rào, ông thấy được hậu trường của vở hài kịch: nền của những công trình giả, khung cốt của những chậu cây giả, những người phụ trợ ẩn mình phía sau đẩy chiếc thuyền vượt biển. Ông ta nhổ toẹt oán giận.
    - Mẹ kiếp, - ông văng tục. - Đúng là trò hề chính trị*.

    Khi diễn thuyết xong, theo thói quen ngài nghị sĩ đi một vòng quanh các con đường trong làng, với nhạc trống xập xình và pháo nổ bùm bụp, phụ hoạ thêm cảnh nhiều người ở góc đường bám lấy kể lể khó khăn cơ cực. Ngài nghị sĩ chân tình lắng nghe họ và luôn tìm được cách an ủi người này người kia mà không phải ban cho họ những ân huệ rắc rối. Một bà trèo hẳn lên mái nhà, dẫn kèm theo sáu đứa con, nói oang oang bất kể đám đông ầm ĩ và tiếng pháo ì đùng:
    - Tôi không cần gì nhiều hết, thưa ngài nghị sĩ. Chỉ một con lừa để chở nước từ Giếng Người Chết Treo.
    Ngài nghị sĩ trông thấy sáu đứa con đầy cáu bẩn, hỏi lại:
    - Vậy chồng của bà để làm gì?
    - Ông ấy đã đi tìm vận may ở đảo Aruba5, - bà ta trả lời vui vẻ. - Và thứ duy nhất ông ấy tìm được là một trong những con mụ chuyên nhét kim cương vào trong răng ở cái xứ đó.
    Câu trả lời làm cho cả đám đông ồ cười.
    - Sẽ ổn thôi, - ngài nghị sĩ trả lời. - Bà sẽ có con lừa.

    Một lát sau, một người giúp việc của ông dẫn đến nhà bà ta một con vật mang vác, trên mạng sườn vẽ vĩnh viễn biểu tượng của cuộc vận động bầu cử, để cho không ai quên được có sự hiện diện của ngài nghị sĩ.
    Trong chuyến diễn thuyết ngắn ngủi này, có vài chỗ làm cho ông để ý tới. Ông đút cả cháo cho một người bệnh đòi được dìu khỏi giường đưa ra tận cửa để nhìn ông đi qua. Ở góc đường, ông thấy Nelson Farina đang nằm trên võng, mắc giữa hàng cột trước sân; ông ta có mái tóc đang ngả màu hoa râm và khuôn mặt ủ dột. Ông lạnh nhạt chào ông ta.
    - Ông khoẻ chứ?
    Nelson Farina quay lại và chằm chặp nhìn ông với ánh mắt vàng vọt u buồn.
    - Tôi, ngài biết rồi đó*, - ông ta trả lời.

    Cô con gái ông ta vừa bước ra sân khi nghe hai người chào nhau. Cô mặc một chiếc váy vùng Guajira6 bình thường cũ kỹ, đầu quấn những dải ruban sặc sỡ và khuôn mặt lem nhem kem chống nắng. Bất kể dáng vẻ luộm thuộm này, cô gái vẫn khiến cho người ta tin rằng không có người phụ nữ nào đẹp hơn nữa trên mặt đất này. Ngài nghị sĩ nghe mình thở gấp.
    - Khỉ gió thật! - ông thở dài, không khỏi ngạc nhiên. - Rõ là ông trời khéo sắp đặt!

    Tối hôm đó, Nelson Farina cho con gái ăn vận những thứ đẹp nhất và cho đi đến gặp ngài nghị sĩ. Hai người lính gác mang súng ngắn đầu gật gù dưới cái nóng bức của ngôi nhà ra lệnh cho cô ngồi chờ trên cái ghế duy nhất ngoài tiền sảnh.

    Ngài nghị sĩ đang ở phòng kế bên, trong cuộc họp với các vị thân hào làng Cây Hồng Của Phó Vương được mời đến để tiết lộ những sự thật ẩn giấu đằng sau những bài diễn thuyết của ông. Họ cũng giống như tất cả những người khác ông đã gặp trong các ngôi làng vùng sa mạc, cái xứ mà Onésime Sanchez đã ngán tận cổ những buổi họp tối như thế này. Chiếc áo sơmi ướt đẫm mồ hôi và ông định hong khô luôn cả thân mình bằng luồng hơi nóng của cái quạt điện đang kêu vo vo như một con muỗi khổng lồ trong căn phòng họp mạnh ai nấy ngủ gà ngủ gật.
    - Chúng ta thì khác, chắc chắn rồi, chúng ta không mù quáng theo những con gà mái giấy, - ông nói.

    - Các ngài và tôi chúng ta đều biết rằng cái ngày mà cây cối hoa cỏ mọc lên trên mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi này, cái ngày mà cá lội trong mương trong giếng thay cho bầy loăng quăng, thì cũng là ngày mà cả các ngài lẫn tôi chẳng còn chuyện gì làm ở cái xứ này nữa. Các ngài vẫn nghe tôi đấy chứ?

    Không ai trả lời. Trong khi nói, ngài nghị sĩ đã gỡ một tờ lịch và xếp hình một con bướm. Ông thảy nó ra trước luồng gió cánh quạt, không vì một lý do nào. Con bướm bay vòng quanh trong phòng rồi lao thẳng ra phía cánh cửa hé mở. Ngài nghị sĩ tiếp tục nói với một sự tự tin được củng cố bằng sự đồng loã của cái chết.
    - Vì vậy, - ông ta nói, - tôi không cần phải lặp lại với các ngài điều mà các ngài vẫn biết rõ: tôi tái đắc cử là cách tốt nhất cho các ngài cũng như bản thân tôi, bởi vì cho tới bây giờ tôi vẫn điều khiển được cuộc sống nhớp nháp và sức lao động của người da đỏ, trong khi các ngài, các ngài sống nhờ vào điều đó.

    Laura Farina trông thấy con bướm giấy bay ra ngoài. Cô là người duy nhất thấy nó bởi vì những người lính gác ngoài tiền sảnh đã ngủ gục trên băng ghế, súng vẫn bồng trên tay. Sau vài vòng, con bướm giấy lịch to đùng ấy duỗi thẳng ra ép bẹp dí lên tường rồi dính luôn ở đó. Laura Farina cố gỡ nó ra bằng con dao nhíp. Một người lính vừa tỉnh dậy bởi tiếng vỗ tay hoan hô ở phòng bên, nhận thấy cô đang cố làm một việc thật vô ích.
    - Không có gỡ nó ra được đâu, - anh ta ngái ngủ nói. - Người ta vẽ lên tường mà.

    Laura Farina quay trở lại ghế ngồi khi các quý ông rời cuộc họp bước ra. Ngài nghị sĩ đứng ở cửa phòng, vịn nắm tay cầm, và chỉ nhìn thấy Laura Farina khi ngoài tiền sảnh không còn một ai.
    - Cô làm gì ở đây?
    - Là để thay mặt cho cha tôi*, - cô nói.

    Ngài nghị sĩ hiểu ra. Ông liếc nhìn những người lính gác đang ngủ gục, sau đó liếc nhìn Laura Farina trong vẻ đẹp không tưởng tượng nổi đang thúc giục ông còn gấp gáp hơn cả nỗi đau dày vò và cho ông thấy rõ cái chết đã định sẵn.
    - Vào đây, - ông ra hiệu cho cô.

    Laura Farina đứng trầm trồ trước cửa phòng: hàng ngàn tờ bạc ngân hàng bay tung trong gió, chập chờn như những cánh bướm. Nhưng ngài nghị sĩ tắt quạt đi, và khi không còn gió, các đồng tiền lả tả rơi xuống khắp các đồ vật trong phòng.
    - Cô thấy không, - ông cười mỉm nói, - ngay cả rác rưởi cũng bay được.

    Laura Farina ngồi xuống, như ngồi trên băng ghế nhà trường. Cô có làn da mịn màng và êm ái, có màu và độ bóng sánh cùng với dầu thô. Mái tóc cô tựa như mái bờm một nàng ngựa cái tơ nõn nà nhất và đôi mắt mênh mông thì sáng rực như lửa. Ngài nghị sĩ nhìn theo ánh mắt cô đang dừng lại trên cánh hồng bị vấy bẩn.
    - Đó là một bông hồng, - ông nói.
    - Vâng, - cô nói có vẻ bối rối. - Tôi đã thấy nó ở Riohacha7.

    Ngài nghị sĩ ngồi lên chiếc giường dã chiến, vừa kể về bông hồng vừa cởi nút áo sơmi. Trên một bên ngực, ở nơi ông cho là trái tim đang trú ngụ, có một hình xăm hải tặc: một trái tim bị cung tên xuyên thủng. Ông ném chiếc áo ướt đẫm xuống đất và bảo Laura Farina đến cởi giày bốt cho ông.
    Cô quỳ gối bên cạnh giường. Ngài nghị sĩ tiếp tục dò xét cô, mặt đăm chiêu, trong khi cô tháo dây giày. Ông tự hỏi ai trong hai người là kẻ bất hạnh hơn trong cuộc phiêu lưu này.
    - Cô hãy còn là một cô bé, - ông nói.
    - Đừng nghĩ vậy, - cô nói. - Tháng tư này tôi sẽ tròn mười chín tuổi.
    Ngài nghị sĩ thấy hứng thú hơn.
    - Ngày mấy?
    - Ngày mười một, - cô trả lời.
    Ngài nghị sĩ thở ra nhẹ nhõm.
    - Chúng ta cùng có mạng Cừu, - ông nói, và mỉm cười nói thêm: - Đó là dấu hiệu của sự cô đơn.

    Laura Farina không để ý đến ông vì mải mê nghĩ không hiểu giày bốt dùng để làm gì. Phần ngài nghị sĩ, không biết Laura Farina đang làm gì, lại không quen có những tình cảm yêu đương bất chợt. Hơn nữa, trong mắt ông chuyện này có nguồn gốc không đàng hoàng. Chỉ có cách cướp lấy thời gian và khỏi bận tâm, ông kéo Laura Farina vào giữa hai đầu gối, ôm vòng lấy cô và đặt nằm ngửa trên giường. Đến lúc này ông mới nhận ra cô không mặc gì dưới chiếc váy; thân thể cô bốc ra mùi nhờ nhợ hoang dã nhưng trái tim cô đập loạn xạ và làn da lạnh tái đi vì khiếp sợ.
    - Chẳng ai yêu thương chúng ta cả, - ông thở dài.
    Laura Farina muốn nói điều gì đó, nhưng cô thấy ngợp thở. Cô chỉ đủ sức hít thở cầm chừng. Ông đặt cô nằm qua cạnh bên để giúp cô, với tay tắt đèn và căn phòng chìm vào dưới bóng tối lờ mờ của bông hồng. Cô tự nhủ thương cảm cho số phận của mình. Ngài nghị sĩ nhẹ nhàng vuốt ve cô, bàn tay chỉ chạm khẽ lên da, và đến chỗ ông mong tìm thấy, ông chạm phải một vật bằng kim loại.
    - Cô có cái gì ở đây vậy?
    - Một cái ổ khoá, - cô trả lời.
    - Chuyện quái quỉ gì đây! - ngài nghị sĩ nổi xung lên. Và ông hỏi cô thứ ông biết rất rõ: - Chìa khoá đâu?
    Laura Farina thở ra nhẹ nhõm.
    - Chỉ cha tôi mới có nó, - cô trả lời. - Cha tôi sai tôi tới nói là ông có thể cho người đi lấy nó với một tờ giấy ghi lời hứa sẽ giải quyết chuyện của ông ấy.

    Ngài nghị sĩ trong bụng ức giận, nghiến răng rủa thầm: “Trò cắm sừng rác rưởi!” Rồi ông nhắm mắt thả lỏng người và suy ngẫm trong bóng tối. Hãy nhớ lấy rằng, - ông nhớ lại, - dù ngươi hay là ai khác, các ngươi sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết và chẳng mấy lâu sau, người ta sẽ quên bẵng đi ngay cả tên họ của các ngươi*. Một cơn rùng mình thoáng qua người ông.
    - Hãy nói cho ta biết, - ông cất tiếng hỏi. - Cô nghe người ta nói gì về ta?
    - Ngài có muốn nghe sự thật, sự thật thực sự?
    - Ta muốn nghe sự thật, sự thật thực sự.
    - Vậy thì, - Laura Farina mạnh dạn thì thầm, - người ta nói là ông ghê gớm hơn người khác bởi vì ông khác họ.
    Ngài nghị sĩ không có vẻ gì lúng túng. Ông im lặng thật lâu, mắt nhắm nghiền, và khi mở mắt ra lại, có thể tin rằng ông đã quay về với những bản năng được che đậy kín kẽ nhất.
    - Thật là đồ rác rưởi! - Ông kết luận. - Cô về nói với cha cô là tôi sẽ dàn xếp việc của ông ấy.
    - Nếu ngài muốn, tôi có thể tự mình đi tìm chìa khoá, - Laura Farina nói.
    Ngài nghị sĩ giữ cô lại.
    - Quên cái chìa khoá đi, - ông nói, - và ngủ với ta một lát. Có được ai đó bên cạnh thật là hay trong những lúc cô độc.

    Cô áp ông vào vai mình, mắt đăm đăm nhìn bông hồng. Ngài nghị sĩ ôm vòng lấy cô, dụi đầu vào dưới đôi cánh tay hoang dã của cô và gục ngã trước nỗi khiếp sợ. Sáu tháng mười một ngày sau đó, ông đã chết ở cùng một tư thế, để lại những lời đồn thổi về vụ tai tiếng vì Laura Farina. Nhưng ông đã khóc giận nếu không được chết trong vòng tay cô.

    Theo bản dịch tiếng Pháp của Claude Couffon, in trong: Raconter des histoires, Nouvelles recueillies par Nadine Gordimer, Édition Grasset & Fasquelle, Paris, 2005)
    Nguồn: Người đại biểu nhân dân (số 07-08 tháng 12/2005)
    Ghi chú:
    1 Göttingen: thành phố ở Đức, có trường đại học nổi tiếng về cơ khí xây dựng.
    2 Marcus Aurelius Antoninus: hoàng đế La Mã (161-180).
    3 Cayenne: thủ phủ vùng Guyane, thuộc địa Pháp ở Nam Mỹ.
    4 Paramaribo: thủ đô Surinam.
    5 Aruba: một đảo thuộc quần đảo Antilles thuộc địa Hà Lan.
    6 Guajira: bán đảo ở Nam Mỹ (Colombia và Venezuela).
    7 Riohacha: thành phố ở Colombia, thủ phủ vùng Guajira.
    8 Theo cung hoàng đạo phương Tây, những người sinh từ ngày 21 tháng 3 đến 20 tháng 4 có mạng Cừu.
    * Nguyên văn nhân vật nói bằng tiếng Pháp.

    Gabriel García Márquez được bạn đọc Việt Nam biết đến qua bản tiếng Việt chuẩn xác và giàu cảm xúc của cố dịch giả Nguyễn Trung Đức, với “ Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Ngài đại tá chờ thư”, “Tướng quân giữa mê hồn trận”, “Giờ xấu”, “Mười hai truyện phiêu dạt”…Và gần đây là tự truyện nổi tiếng “ Sống để kể lại” qua bản dịch của Lê Xuân Quỳnh.

    Với tư duy nghệ thuật độc đáo, Márquez đã thể hiện trong các tác phẩm của mình một tình yêu vừa thơ ngây vừa sâu sắc, mãnh liệt đối với con người, với cuộc đời. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Nobel văn học vào năm 1982.

  8. #28
    Tham gia
    10-03-2003
    Location
    Tp.HCM
    Bài viết
    98
    Like
    0
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    Cám ơn anh TNDH rất nhìu, các câu truyện đều rất hay và có những chi tiết thật bất ngờ!

  9. #29
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc

    H.G. Wells ra đời năm 1866 trong một gia đình nghèo khó và nhiều tai họa. Bằng trí thông minh hiếm có và chí phấn đấu mãnh liệt, mặc dù phải bận rộn vật lộn với miếng ăn ngay trong thời niên thiếu, ông vẫn đạt những bước tiến đều trên con đường học vấn. Được đại học Royal College of Science, Kensington, cấp học bổng, ông là một sinh viên ưu tú của khoa học gia nổi tiếng T.H. Huxleỵ Ra trường với ngành động vật học, ông có dự tính trở thành một giáo sư. Không ngờ năm 21 tuổi, một tai nạn trên sân túc cầu phá hư một chiếc thận; ông phải nằm liệt giường một thời gian dài; con đường dạy học đành bỏ dở. Hoàn cảnh thiếu may mắn đó bắt buộc ông phải ứng biến, và tình cờ bước vào sự nghiệp văn chương.
    Kiến thức khoa học có sẵn cộng với óc tưởng tượng vô cùng phong phú trở thành tài sản quý báu, Wells thành công rất sớm với những truyện ngắn, xã luận, và tranh khôi hài đăng báo. "The Time Machine" là truyện dài đầu tay của ông, xuất hiện từng kỳ trên mặt báo rồi được in thành sách năm 1985. Độc giả khắp nơi thấy ngay dấu hiệu của một thiên tài, và Wells nổi tiếng nhanh chóng khắp thế giới.
    Trong vòng năm mươi năm, H.G. Wells cho ra đời một số lượng kinh hồn là 150 tác phẩm. Ông viết nhiều loại, nhưng thành công nhất vẫn là khoa học giả tưởng, mà ngoài "The Time Machine" còn phải kể đến "War of the Worlds" (chiến tranh liên hành tinh), "The Invisible Man" (người vô hình), "The Island of Doctor Moreau" (hòn đảo của bác sĩ Moreau).
    Ông mất năm 1946 giữa lúc uy tín đang suy sụp trầm trọng vì xuất bản quá nhiều tác phẩm tầm thường - nằm ngoài sở trường khoa học giả tưởng của ông - trong hơn 20 năm liền. Nhưng gần đây phong trào đọc H.G. Wells đã mạnh mẽ trở lại. Người ta khám phá rằng trong khoảng 20 tác phẩm có lẽ sẽ tồn tại vĩnh viễn với thời gian, Wells không những chỉ chứng tỏ tài nghệ văn chương mà còn có viễn quan chính xác. Những suy tưởng của ông về con người, về thế giới, về vũ trụ không còn là giả tưởng xa xôi nữa, mà càng lúc càng phản ảnh trung thực đời sống đầy bất trắc và hoang mang của chúng ta.
    XỨ SỞ CỦA NGƯỜI MÙ

    H.G.WELLS

    Chân Quỳnh dịch
    Cách Chimborazo khoảng hơn ba trăm dậm, cách vùng tuyết phủ Cotopaxi độ một trăm dậm, ở một nơi hoang-vu nhất trong dẫy trường sơn Andes xứ Ecuador, có một cái thung-lũng bí mật, biệt lập với thế-giới bên ngoài, đấy là xứ sở của những người mù. Từ ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, người ta đến thung-lũng này bằng cách vượt những hẻm núi vô cùng hiểm-trở và một sơn đạo băng đóng trơn truột, đến những cánh đồng cỏ quanh năm xanh tốt. Thế rồi có một gia-đình người Pérou lai, trốn tránh chế-độ độc-tài và bạo quyền của một ông vua Y-pha-nho, kéo nhau đến đây định cư. Kế đó, ngọn núi Mindobamba phun lửa dữ-dội, trong khi ở Quito đêm tối mù-mịt kéo dài mười bẩy ngày giòng-giã, và nước sông ở Yaguachi sôi sùng-sục, cá chết nổi lềnh-bềnh trôi đến tận Guayaquil ; men theo sườn núi ven biển Thái-bình-dương đâu đâu cũng có động đất, băng tuyết tan rã rất nhanh và nước lụt dâng lên bất ngờ. Đỉnh Arauca cổ xưa lở hẳn một bên, lăn xuống ầm ầm như sấm độïng và vĩnh viễn tách xứ của người mù thành một cõi riêng. Nhưng một trong những người định cư sớm nhất tình cờ lại đến hẻm núi phía bên này, khi trận động đất kinh-hồn xẩy ra, nên ông ta bắt buộc phải quên hết vợ con, bè bạn, tài sản bỏ lại trên kia và bắt đầu một cuộc đời mới ở cái thế-giới bên dưới này. Ông bắt đầu lại cuộc đời, nhưng gập hoàn-cảnh bất lợi, ông mắc bệnh mù rồi bị trừng phạt chết trong hầm mỏ. Nhưng câu chuyện ông kể trở thành cổ-tích lưu truyền cho tới nay suốt giải núi trùng điệp Cordillière des Andes.
    Ông kể lại những lý do vì sao ông phải từ nơi sơn ải đó lần mò về. Ông đến đó từ khi chỉ là một đứa bé bị buộc chặt vào con đà-mã với một cái bọc to tướng đựng các vật dụng. Ông cho biết cái thung-lũng ấy là nơi phúc-địa, có đủ mọi thứ mà con người hằng mơ ước : nước ngọt, đồng cỏ, khí hậu ôn-hoà, sườn núi đất đen mầu mỡ, với những bụi cây um-tùm, quả chín ngon ngọt. Trên một sườn núi khác là những cánh rừng thông rộng lớn ngăn chặn tuyết lở. Tít trên cao, ba mặt vách đá xanh xám có băng ở tột đỉnh, nhưng những con sông băng đóng không chẩy về phía họ mà lại chẩy ra những sườn đồi xa hơn, và chỉ thỉnh-thoảng mới có những tảng băng khổâng-lồ lăn xuống mé thung-lũng. Ở sơn cốc này không bao giờ có mưa, hay tuyết, nhưng nhờ những dòng suối đầy tràn nên đồng cỏ vẫn xanh tươi và có nước tưới chan hòa khắp nơi. Những người dân định cư ở đây quả đã hoàn-thành một công việc đáng khen ngợi. Thú vật do họ chăn nuôi, sinh sôi nẩy nở, chỉ hiềm có một điều khiến hạnh-phúc của họ không được trọn vẹn. Chỉ mỗi một điều này cũng đủ làm cho hạnh-phúc của họ giảm đi rất nhiều. Một chứng bệnh cổ-quái khiến cho tất cả những đứa trẻ sinh ra ở đây và cả rất nhiều đứa lớn hơn cùng mắc tật mù lòa. Chính là để đi kiếm một thứ linh dược hay bùa phép thần-diệu về trị bệnh thong-manh mà ông đã chẳng quản mệt nhọc, đường xa hung-hiểm, xông pha lăn lội xuống núi, tìm về quê cũ. Vào thuở ấy, trong những trường hợp như thế người ta không nghĩ đến vi-trùng, truyền-nhiễm, mà chỉ nghĩ đến tội lỗi.Và ông nghĩ lỗi chính là do những người di cư đầu tiên không có giáo sĩ đã quên dựng một điện thờ khi đặt chân đến cái thung-lũng này. Ông muốn thiết-lập trong sơn cốc một cái điện thờ đẹp-đẽ và linh thiêng, không xa-hoa. Ông muốn có những thánh cốt hay những bùa phép gây lòng tín ngưỡng, những thánh vật, mề-đay thần bí, nhữnh thánh kinh. Ông mang theo trong bọc một nén bạc nhưng không chịu cho biết nguồn gốc, khăng-khăng một mực nói rằng sơn cốc không có bạc, nhưng lời chối đây đẩy của ông rõ là cung cách của một kẻ nói dối chưa thiện nghệ. Tất cả mọi người đều đóng góp tiền bạc và các vật trang-hoàng quý giá vì họ nghĩ những vật ngoại thân ấy không cần-thiết, thà đem đánh đổi lấy phép mầu để trị bệnh. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh một thanh-niên miền sơn cước, mắt mờ, da sạm nắng, gầy-guộc, lo-lắng, bồn-chồn ôm chặt cái mũ rộng vành, một thanh-niên không mảy may quen thuộc lề thói của cái thế-giới bên dưới, kể lại chuyện này cho một vài giáo-sĩ mắt sáng chăm-chú nghe trước khi cơn địa chấn xẩy ra. Tôi hình dung chàng tìm cách trở về với những thánh vật, linh dược để trị bệnh và những nông nỗi khó-khăn vô vàn chán-nản đối trước khoảng đất rộng ngổn-ngang loạn thạch, nơi trước kia là hẻm núi. Tôi không rõ hết những tai biến khác đã xẩy ra cho chàng ngoại trừ cái chết khốn-khổ nhiều năm về sau. Tội-nghiệp cho con người lạc-lõng từ xa đến ! Con sông trước kia là hẻm núi nay đổ ào ào xuống từ một thạch động, và câu chuyện anh vụng về kể lại đã biến thành sự tích của giống người mù lòa ở một chốn xa-xôi nào đó mà ngày nay ta còn nghe thuật lại.
    Tai họa tiếp-tục giáng xuống những người dân thưa-thớt, hiếm-hoi của cái thung-lũng trơ-trọi đã bị bỏ quên ấy. Những người già lòa mắt phải sờ-soạng, những đứa bé chỉ nhìn thấy lờ-mờ, còn những đứa sinh ở đây thì hoàn toàn mù tịt. Nhưng đời sống lại rất dễ-dàng trong cái lòng chảo bốn bề tuyết vây, tuyệt-tích với thế-giới bên ngoài : cỏ cây không chông gai, không sâu trùng, dã thú không có mà chỉ có những con đà-mã hiền-lành họ đã lôi kéo được đi theo lòng sông cạn trong những hẻm núi. Mục-lực của họ cứ yếu dần nên họ không để ý đến sự mất mát này. Họ hướng dẫn những đứa trẻ mù lòa di chuyển khắp nơi trong thung-lũng kỳ đến khi chúng thuộc lòng đường đi lối lại, thành thử khi họ mù hẳn thì dòng giống họ vẫn tồn tại. Họ còn tìm ra cách giữ cho lửa khỏi tắt trong những cái lò bằng đá. Lúc đầu họ chỉ là một cộng đồng mù chữ hơi có liên-quan đến văn-minh Y-pha-nho, pha trộn với một ít ảnh-hưởng của nghệ-thuật và triết-học đã thất truyền của xứ Pérou thời thượng cổ. Đời này qua đời khác, họ đã quên đi rất nhiều điều mà cũng đã phát-minh ra nhiều thứ. Những truyền-thuyết, tập tục của cái thế-giới bao la, nguồn gốc của họ, trở nên mơ-hồ, đượm mầu sắc hoang-đường, thần-thoại. Trừ cặp mắt kém ra thì họ là những con người khỏe mạnh, có năng lực. Thế rồi tình cờ và do huyết thống lưu truyền họ bỗng sinh ra được một người kiệt xuất, có thể đứng ra lên tiếng thu phục họ. Sau đó họ còn sinh thêm được một người thứ hai nữa cũng để lại nhiều ảnh-hưởng sâu đậm. Từ đó, cái tiểu xã-hội của họ trở nên đông đúc hơn và cũng hiểu biết hơn. Họ có thể họp nhau để xử lý những vấn-đề xã-hội hay kinh-tế. Đời này qua đời khác, đời này kế tiếp đời khác, cho đến đời thứ mười lăm kể từ ông tổ mang nén bạc ra đi tìm thánh dược và không bao giờ trở lại. Thế rồi bất ngờ lại có một người từ thế-giới bên ngoài lọt vào được cái thung-lũng tuyệt-tích ấy. Sau đây là chuyện của người này.
    Hắn là một sơn nhân ở gần Quito, một người đã từng ra khơi, đi đó đi đây, nhiều lịch-duyệt, một người đọc sách theo kiểu riêng của mình, một người đã tinh quái lại gan dạ. Lúc bấy giờ có một toán người Anh đến Ecuador để leo núi đã thuê hắn thế chân cho một trong ba người hướng-đạo Thụy-sĩ bị ốm. Hắn đã từng leo khá nhiều núi rồi mới thử đến ngọn Paracostopelt trong rặng núi Andes, và lần ấy hắn bị mất tích luôn. Tai nạn này được kể đi kể lại hàng chục lần , nhưng chỉ có chuyện của Pointer thuật là hay nhất. Pointer tả tường-tận những nỗi vất-vả khi cả đoàn phải leo lên con dốc hầu như dựng đứng đến chân một cái vách đá cuối cùng và lớn nhất. Họ đã chật-vật dựng lều trú ẩn ban đêm trên một thạch-bàn giữa vùng tuyết ngập. Pointer có biệt tài kể chuyện khiến mọi người hồi-hộp theo dõi từ khi đoàn thám- hiểm phát-giác sự thất-tung của Nunez ra sao. Họ réo gọi hắn vang ầm lên nhưng không thấy trả lời, họ lại hô hoán thêm và huýt còi, thế rồi suốt nửa đêm ấy không ai chợp mắt được nữa.
    Khi trời tảng sáng họ nhìn thấy dấu vết Nunez ngã lăn xuống in hằn trên mặt tuyết. Dường như hắn không kịp kêu lên một tiếng nào. Hắn trượt chân ở mé đông, lăn tuột xuống một khu hoang-sơn. Tít bên dưới, hắn rơi trúng một cái dốc sâu tuyết đóng, tiếp tục lăn-lông-lốc xuống cùng với đám tuyết lở. Vết lăn thẳng đến bờ một cái vực thẳm, sau đó mọi dấu tích đều bị khuất lấp. Xa lắc xa lơ bên dưới, họ lờ-mờ thấy những ngọn cây vươn lên từ một cái thung-lũng nhỏ hẹp bốn bề vách đá . Đấy là cái xứ đã tuyệt-tích của những người mù. Nhưng lúc bấy giờ chưa ai rõ đấy là xứ người mù và họ cũng không phân-biệt được nó với những sơn cốc nhỏ hẹp khác. Nản lòng trước tai nạn bất ngờ này, cả đoàn bỏ cuộc ngay từ trưa hôm ấy. Sau đó, vì chiến-tranh, Pointer phải nhập ngũ trước khi có dịp leo thử một lần nữa. Và cho tới nay, đỉnh Paracostopelt vẫn ngạo-nghễ vươn lên, chưa có ai đặt chân tới được. Cái lều của Pointer trở nên xiêu vẹo, giữa vùng tuyết phủ không kẻ vãng lai.
    Nhưng người rơi xuống vực còn sống sót.
    Lăn hết cái dốc đầu khoảng ba trăm thước, cuốn theo cả đám tuyết mù, hắn lọt vào một cái dốc tuyết bám khác lại còn dựng ngược hơn cái trên, cơ hồ mất hết tri-giác nhưng may không gẫy một cái xương nào. Sau đó hắn rơi trên những triền dốc thoai-thoải hơn và cuối cùng dừng lại nằm im, vùi sâu trong đống tuyết xốp trắng đã cuốn theo khi hắn lăn xuống và đã cứu hắn. Nunez tỉnh dậy, mơ-màng tưởng mình đang nằm trên giường, nhưng linh-tính của người dân miền sơn cước khiến hắn hiểu ngay hiện tình, liền cựa quậy, lóp-ngóp chui dần ra khỏi đống tuyết và nhìn thấy những ngôi sao nhấp-nháy trên trời. Hắn nằm sóng sượt một lúc, tự hỏi mình đang ở đâu, chuyện gì đã xẩy ra cho mình. Hắn sờ nắn tứ chi, khám phá ra cái áo choàng đã lộn ngược lên trên đầu, khuy đứt gần hết. Con dao găm trong túi rơi lúc nào không biết. Cái mũ buộc chặt dưới cầm cũng mất nốt. Hắn nhớ mang máng lúc ấy đang đi nhặt đá để dựng lều. Cả cái rìu cũng mất tăm mất tích.
    Nunez đoán mình đã trượt chân rơi xuống vực và ngửng đầu nhìn lại cái dốc ghê-rợn hắn vừa lăn xuống. Dưới ánh trăng mới mọc, lạnh-lẽo và nhợt-nhạt, cái dốc trông càng rùng-rợn, sâu hun-hút. Trong một lúc, Nunez nằm yên nhìn trừng-trừng lên cái vách đá sừng-sững bên trên, càng lúc càng thấy nó cao ngất-ngưởng, vươn ra khỏi bóng tối đang lùi dần. Vẻ đẹp kỳ-bí, ma quái thu hút Nunez một lúc rồi bỗng hắn bò lăn ra mà cười nức-nở.
    Một lúc lâu sau, Nunez nhận thấy mình nằm kề ngay chân cái dốc tuyết đọng. Bên dưới, trăng soi tỏ một cái dốc khác có vẻ dễ đi, Nunez thấy những mảng đen-đen của các bụi cây rậm, mọc chen giữa mấy tảng đá. Hắn gượng đứng dậy, tứ chi ê ẩm, lần mò từng bước khó-khăn từ đống tuyết xốp xuống tới bụi cây rậm rồi lăn kềnh ra thì đúng hơn là nằm, bên một tảng đá lớn, móc túi trong lấy chai nước ra tu ừng-ực rồi thiếp đi ngay.
    Tiếng chim chiêm-chiếp văng-vẳng từ rặng cây tít bên dưới đánh thức Nunez dậy.
    Hắn ngồi lên, thấy mình nằm trên bãi cỏ nhỏ ở đáy một cái vực sâu, hắn đã cùng với tuyết lăn tuột xuống đây theo một cái rãnh. Trước mặt có một vách đá bích lập khác. Cái khe núi giữa hai vách đá chạy từ đông sang tây đang chan hòa ánh bình-minh, nắng rọi đến tận triền núi phía tây chận đứng cái dốc. Bên dưới dường như có một vách đá cũng dốc ngược không kém, nhưng phía sau rãnh tuyết là một cái khe, băng đang tan rữa, nhỏ xuống từng giọt, có thể liều đi được. Nunez nhận ra đi dễ hơn hắn tưởng, cuối cùng hắn đến một bãi cỏ hoang khác và sau khi leo qua những tảng đá không mấy khó-khăn tới một cái sườn núi dốc sâu, có cây mọc. Nunez ngắm địa-thế, ngửng mặt nhìn lên cái hẻm núi thấy nó ăn thông với những thảm cỏ xanh bên trên và trông rõ mồn-một túm-tụm mấy căn nhà đá hình thù kỳ-dị. Có lúc hắn tưởng mình đang leo lên một bức tường trơn tuột. Một lúc sau, ánh dương-quang không còn chiếu xuống hẻm núi, tiếng chim hót cũng tắt. Khí trời quanh Nunez trở nên lạnh giá và tối dần. Nhưng cái thung-lũng xa xa với những căn nhà trông lại càng sáng ngời. Bây giờ hắn đến một bờ dốc và giữa những tảng đá hắn để ý ? vì Nunez rất có óc quan-sát ? thấy một cây dương-xỉ hình thù kỳ-lạ, như đang vươn những cánh tay xanh ngắt ra khỏi kẽ núi nứt-nẻ. Hắn bẻ một cái như cái lá, nhấm thử cuống thấy ăn được.
    Khoảng giữa trưa, Nunez thoát được ra khỏi hẻm núi đến một khu đồng bằng có ánh nắng. Mình mẩy hắn tê cứng, mệt mỏi, hắn uể-oải ngồi tránh nắng sau một tảng đá, vốc nước suối đầy chai giải khát, nghỉ một lúc trước khi tiến về phía có nhà cửa.
    Những ngôi nhà này trông rất kỳ-quặc và khi quan-sát toàn diện cái sơn cốc, hắn càng thấy nó cổ-quái. Phần lớn thung-lũng là một bãi cỏ xanh mướt điểm rất nhiều khóm hoa thật đẹp được tưới bón vô cùng cẩn-thận, rõ ràng có bàn tay người chăm sóc từng khóm một. Trên cao là một bức tường vây chạy vòng quanh thung-lũng và một cái gì như ống dẫn nước từ đó có những tia nước phun xuống sơn cốc để tưới cây. Trên sườn núi cao hơn, từng đoàn đà-mã đang gậm cỏ. Rải-rác đó đây, tựa vào tường là những cái chuồng chăn nuôi đà-mã.
    Ở trung-tâm thung-lũng, các rãnh nước tưới cây nhập lại thành một cái lạch và mỗi bên có tường xây cao tới ngực. Cái chốn hẻo-lánh này nhờ điểm đó lại mang nét thị-thành kỳ-lạ. Vẻ thị-thành càng tăng thêm với những con đường lát đá đen trắng, chạy theo hàng lối, đường nào cũng có một vỉa hè nhỏ và kỳ-dị. Những ngôi nhà ở trung-tâm thung-lũng khác hẳn những căn nhà xây hỗn-độn trên núi mà hắn từng thấy. Nhà ở đây, dựng hai bên một con đường cái sạch vô tưởng, mặt tiền nhiều mầu loang-lổ, đó đây có đục những cái cửa ra vào nhưng tuyệt nhiên không có lấy một cái cửa sổ. Mầu sắc pha trộn rất quái-đản, vách trát bằng một thứ vữa chỗ thì xám-xịt, chỗ mầu nâu tái, thỉnh-thoảng xen lẫn mầu đá đen hoặc nâu sẫm. Chính cái quang cảnh sắc mầu loạn xạ này đã khiến hắn liên-tưởng lần đầu tiên đến chữ " mù ". " Tướng nào thực-hiện cái công-trình này chắc là mù tịt như một con dơi " Nunez bụng bảo dạ.
    Hắn xuôi dốc đến chỗ có bức tường vây và ống nước chạy quanh thung-lũng, gần nơi mà ống nước phun xuống một màn nước mỏng rung-rinh. Bây giờ hắn mới trông thấy một bọn người vừa đàn ông vừa đàn bà đang nghỉ trên những đống cỏ, dường như họ đang ngủ trưa. Xa xa trên bãi cỏ, gần cái làng, một lũ trẻ nằm ngổn-ngang, gần kề bên cạnh, ba người đàn ông đang gánh những cái thùng đi trên con đường đá nhỏ chạy từ bức tường vây đến những ngôi nhà. Họ mặc quần áo đà-mã, thắt lưng và ủng bằng da, mũ che gáy và hai tai. Họ nối đuôi nhau đi hàng một, đủng-đỉnh bước, vừa đi vừa ngáp dài y như người mới thức trắng đêm. Có cái gì khiến người ta yên-tâm trong dáng vẻ sung-túc và khả kính của họ. Sau một lúc ngần-ngừ, Nunez xuất đầu lộ diện, bước lên tảng đá, cất tiếng gọi to, dư âm vang dội khắp thung-lũng.
    Ba người đàn ông dừng chân, ngoảnh đầu nhớn-nhác như tìm kiếm xung quanh. Họ quay ngang quay ngửa, còn Nunez thì vung tay rối-rít ra hiệu song có lẽ họ không trông thấy. Sau một lúc, họ tiến về phía dẫy núi xa xa, mé tay phải, và cất tiếng gọi to như để đáp lại. Nunez lại gào lên, vung vẩy tay ra hiệu và khi nhận ra vô ích, đột nhiên chữ " mù " lóe ra trong óc hắn : " Không khéo các cha này mù cả lũ rồi ! "
    Cuối cùng, sau khi gào chán chê và cáu-kỉnh, Nunez vượt chiếc cầu nhỏ vắt ngang dòng nước, xuyên qua một cái cửa đục trong tường và tiến đến gần họ. Hắn chắc chắn những nguời này đã lòa và biết rõ đây là xứ sở của người mù mà người ta vẫn kể trong những chuyện cổ-tích, thần-thoại. Hắn tưởng như mình đang trải qua một cuộc phiêu-lưu thích-thú mà mọi người hằng mơ tưởng, ước ao. Ba người đàn ông sóng vai nhau đứng, không nhìn hắn nhưng tai lại vểnh về phía hắn, lắng nghe tiếng bước chân khác lạ của hắn. Họ đứng sát cánh nhau ra chiều hơi khiếp-sợ. Hắn thấy rõ mi mắt họ khép kín và sâu trũng làm như nhãn-cầu bên dưới đã teo lại. Mặt họ lộ vẻ hoang-mang.
    " Có người ? đích thị là có người ? người hay là quỷ thần đi từ phía những tảng đá xuống ". Một người thốt bằng thứ tiếng lơ-lớ Tây-ban-nha.
    Nunez mạnh dạn tiến lên như một thanh-niên mới bước chân vào đời. Hắn chợt nhớ đến tất cả những chuyện kể về cái thung-lũng đã tuyệt-tích và xứ sở của người mù. Câu ngạn-ngữ cổ cứ láy đi láy lại mãi trong đầu hắn như một điệp-khúc :
    " Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua "
    " Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua "
    Hắn cất tiếng chào rất lễ-phép, vừa chào vừa đưa mục-quang quan-sát.
    " Người này từ đâu đến hở Pedro ? " một người lên tiếng hỏi.
    " Từ phía những tảng đá trên kia đi xuống."
    " Tôi từ bên kia dẫy núi đến đây " Nunez sửa lại. " Từ một nước ở rất xa, nơi mà ai ai cũng nhìn được. Ở gần Bogota, chỗ có hàng trăm ngàn dân cư, dẫu chỉ là một thành-phố khuất nẻo. "
    " Nhìn ? Nhìn ? " Pedro lẩm-bẩm.
    " Người này từ những tảng đá đi xuống " người mù thứ nhì nhắc lại.
    Quần áo họ mặc rất kỳ-cục, chắp nối lung-tung các mảnh vụn bằng những đường kim mũi chỉ khác nhau.
    Hắn giật nẩy mình khi họ đồng loạt tiến lên, cùng vươn tay. Hắn vội lùi lại, tránh những ngón tay xòe ra.

  10. #30
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts
    " Lại đây " người mù thứ ba lên tiếng, bước theo và tóm ngay được hắn.
    Họ nắm giữ, sờ nắn Nunez từ đầu đến chân và không nói thêm một tiếng nào cho tới khi sờ nắn xong.
    " Ấy, cẩn-thận đấy ! " Nunez sợ-hãi kêu lên khi một ngón tay đè lên mắt hắn và biết là họ thấy mắt hắn rất kỳ-quặc, mi mắt rung động được. Họ lại sờ thử một lần nữa.
    " Người này quái lạ lắm, Correa. Sờ thử tóc anh ta mà xem, cứng nhắc y như lông con đà-mã " người tên là Pedro thốt.
    " Cũng thô-kệch như những tảng đá đã sinh ra anh ta " Correa nói và vuốt-ve cái cầm chưa cạo râu của Nunez với bàn tay mềm-mại hơi ươn-ướt. " Chắc rồi anh ta cũng có thể trở nên thanh-tao hơn ! ". Nunez hơi vùng-vẫy khi mọi người sờ nắn nhưng bị họ ghìm chặt.
    " Ấy, cẩn-thận đấy ! " Nunez nhắc lại.
    " Anh ta nói được, thế thì đúng là người rồi. " người mù thứ ba cất tiếng.
    Pedro mân-mê cái áo choàng của Nunez và kêu " ồ " tỏ vẻ gớm-ghiếc.
    " Thế là anh đã bước vào đời rồi đấy ? " Pedro hỏi.
    " Bước ra khỏi thì đúng hơn. Tôi ở mãi tận bên kia dẫy núi và những dòng sông nước đóng băng, bằng một nửa con đường đi lên mặt trời. Ra khỏi cái thế-giới bao la, phải đi mất đến mười hai ngày mới xuôi tới biển được. "
    Xem ra họ chẳng lý gì đến những lời hắn thốt.
    " Ông cha chúng ta thường dậy rằng thiên-nhiên có thể sinh ra người. Chính là nhiệt-khí phối-hợp với hơi ẩm-ướt và sự mục-nát của vạn vật hóa thành. " Correa nói.
    " Chúng ta hãy dẫn người này đến yết-kiến các vị cao niên tiền-bối đi " Pedro đề-nghị.
    " Hãy gọi to lên báo tin trước kẻo trẻ con nó sợ. Đây là một trường hợp đặc-biệt " Correa bàn.
    Thế là họ hét toáng lên, rồi Pedro dẫn lộ, nắm tay Nunez lôi về phía có nhà cửa. Nunez rụt tay lại nói :
    " Tôi trông thấy đường mà. "
    " Trông thấy ? " Correa hỏi lại.
    " Phải rồi, tôi trông được " Nunez vừa nói vừa quay mặt về phía Correa nhưng vấp vào cái thùng của Pedro.
    " Giác-quan người này chưa được hoàn-hảo " người mù thứ ba cất tiếng. " Anh ta vấp ngã, lại dùng những tiếng vô-nghĩa-lý. Hãy nắm tay anh ta mà lôi đi cho xong. "
    " Thôi cũng được " Nunez vừa cười vừa để mặc cho họ dẫn đi.
    Dường như họ không biết tị gì về đôi mắt sáng nhìn được. Không sao, rồi dần dần hắn sẽ dậy cho họ hiểu. Có tiếng hô hoán gọi nhau và một bọn người lốâ-nhố tụ tập giữa đường làng.
    Hắn không ngờ mình lại bực-tức và mất hết kiên-nhẫn như thế khi lần đầu chạm trán những công dân của cái xứ người mù này. Càng lại gần, khu đất ấy càng có vẻ rộng-rãi hơn và những mầu vữa trát trên tường càng thêm quái-dị. Một đám đông vừa đàn ông vừa đàn bà, con trẻ xúm lại vây quanh, nắm lấy hắn, sờ mó với những bàn tay nhậy cảm, ngửi ngửi, lắng nghe từng tiếng nói của hắn. ( Hắn để ý nhìn và vui vui nhận thấy trong đám phụ-nữ vài người có khuôn mặt thật khả ái mặc dầu mắt họ nhắm nghiền và lõm xuống). Một vài đứa trẻ và mấy cô gái đứng xa xa đầy vẻ kinh-nghi. Quả thật giọng nói của hắn có lẽ thô-lỗ, cục-cằn so với khẩu âm nhỏ nhẹ của họ. Họ xúm-xít quanh hắn, ba người dẫn lộ đứng sát một bên như canh giữ hắn làm của riêng, nhắc đi nhắc lại mãi một câu :
    " Một dã-nhân từ những tảng đá đi xuống. "
    " Ở Bogota. Bogota, mãi tận bên kia dẫy núi " Nunez cải chính.
    " Một dã-nhân nói tiếng man rợ " Pedro lên tiếng. " Có nghe thấy anh ta nói không ? Bogota ? Đầu óc anh ta chưa thành hình, chỉ nói được độ nửa câu ra hồn thôi. "
    Một thằng nhãi gậm tay hắn và chọc ghẹo : " Bogota ! "
    " Phải rồi. Đấy là một thành-phố so với cái làng này. Tôi từ một thế-giới rộng bao la đến đây ? nơi mà tất cả mọi người đều sáng mắt và nhìn được. "
    " Tên anh ta là Bogota " họ bảo nhau.
    " Anh ta đi đứng không vững-vàng, vấp tới những hai lần trên đường đi đến đây " Correa mách.
    " Dẫn anh ta đến gập các bô lão đi. "
    Họ đột-ngột đẩy hắn bước qua ngưỡng cửa vào một gian phòng tối om-om trừ phía cuối phòng có ánh lửa bập-bùng. Đám đông theo sát gót hắn, che lấp hầu hết cái ánh sáng bên ngoài chỉ còn lờ-mờ. Hắn chưa kịp dừng bước đã loạng-choạng vấp, ngã nhào lên chân một người đang ngồi. Tay hắn chới với đập ngay vào mặt một người khác khi hắn chúi xuống. Hắn cảm thấy đụng phải cái gì mềm mềm và nghe rõ tiếng kêu giận-dữ. Trong một lúc, hắn giẫy-giụa, vật lộn, để thoát khỏi những bàn tay đang vít xuống, ghì chặt lấy hắn. Đây là cuộc chiến một chiều. Hắn chợt tỉnh-ngộ, nằm im, nói :
    " Tôi bị ngã. Tôi chẳng trông thấy gì ở cái chỗ tối đen như mực này. "
    Một lúc yên-lặng, hình như những người hắn không trông thấy ở chung quanh đang tìm hiểu ý nghĩa những lời hắn thốt. Có tiếng của Correa cất lên :
    " Anh ta chỉ mới được tạo ra nên đi đứng còn vấp ngã, và nói thì pha trộn những tiếng vớ-vẩn, vô-nghĩa-lý. "
    Những người khác cũng xôn-xao, bàn tán về hắn, nhưng hắn không nghe rõ hay không hiểu rõ.
    " Tôi ngồi dậy có được không ? " hắn hỏi sau một lúc yên-lặng. " Tôi hứa sẽ không vùng-vẫy, phản-kháng lại các ông các bà đâu. "
    Họ bàn nhau rồi cho phép hắn ngồi lên.
    Một bô lão cất tiếng chất-vấn hắn và Nunez thấy mình đang cố-gắng giảng-giải về cái thế-giới rộng bát-ngát mà hắn vừa ly-khai, về vòm trời, về núi non, phong cảnh, về tất cả những kỳ-quan khác cho các trưởng lão ngồi trong bóng tối của cái xứ mù này nghe. Hắn không bao giờ ngờ họ không hiểu và cũng không tin bất cứ điều gì hắn kể. Thậm chí họ cũng không hiểu cả nhiều từ-ngữ hắn dùng. Họ đã mù từ mười bốn đời nay và không còn dây-dưa gì với thế-giới của những kẻ sáng mắt, tên những vật nhìn thấy được đã phai-mờ và biến-đổi, những chuyện ở thế-giới bên ngoài nhạt dần, hóa thành chuyện cổ-tích cho trẻ con nghe. Họ hết quan-tâm đến những gì xẩy ra ở bên kia những tảng đá, phía trên bức tường thành. Các nhà bác học uyên-thâm mù đã đặt câu hỏi về những mẩu tín-ngưỡng hay tập-tục còn sót lại từ ngày người dân xứ này còn nhìn được và coi đó chỉ là những chuyện hoang-đường, rồi đưa ra những lý-giải mới mẻ và lành mạnh hơn. Óc tưởng-tượng của họ phần lớn cũng teo lại theo đôi mắt. Họ lập ra những thuyết mới thích-hợp với đôi tai thính và những ngón tay linh-mẫn của họ. Dần dần Nunez hiểu rằng không thể trông mong họ ngạc-nhiên hay thán-phục nguồn gốc hắn, còn nói gì đến ấn-chứng tài-năng hắn ! Sau lần thất-bại thảm-hại khi hắn định giải-thích cho họ " nhìn " là gì và bị gạt phăng đi như là những lời nói lăng-nhăng của một con người mới thành nhân dạng, tả lại những ảo-giác đẹp-đẽ, những hình ảnh hỗn-loạn đã nhìn thấy, hắn chịu khuất-phục, dẫu hơi cụt-hứng, lắng nghe những giáo-điều của họ. Người già nhất trong bọn giảng cho hắn ý nghĩa của cuộc đời, của tôn giáo, của triết học, rằng thế-giới (nghĩa là cái thung-lũng của họ) lúc đầu chỉ là một khu lòng chảo trống rỗng giữa những tảng đá, sau đó xuất-hiện trước tiên là những bất-động-vật không biết cử động, rồi đến những động vật, thú vật như loài đà-mã chưa có đủ trí khôn, sau nữa đến người, và cuối cùng là những thiên-thần mà ta có thể nghe thấy tiếng hát và tiếng vỗ cánh nhưng không ai có thể sờ mó được. Thoạt nghe Nunez bỡ-ngỡ, ngẩn người ra, mãi sau mới vỡ lẽ họ tả những con chim.
    Vị trưởng lão tiếp-tục giảng dậy Nunez rằng thời-gian chia làm hai, khi thì nóng, khi thì lạnh, tức là ngày và đêm của chúng ta, và tốt nhất nên ngủ khi tiết trời ấm-áp, làm việc khi trời lạnh-giá, cho nên nếu không tại hắn thì giờ phút này tất cả mọi người ở đây đều đã ngon giấc. Ông nhất định Nunez được tạo ra để học hỏi và phục-vụ cho những sự hiểu biết khôn-ngoan của họ, và mặc dầu hắn ăn nói chẳng đâu vào đâu, lại hay vấp ngã, nhưng hắn phải tỏ ra có can-đảm và phải dốc lòng, gắng sức học hỏi không được chểnh-mảng. Tới đây tất cả những người đứng lố-nhố ở cửa đều lẩm-nhẩm khuyến-khích. Ông già lại nói rằng đêm - đối với họ, ngày chính là đêm - đã khuya lắm rồi, ai nấy nên quay về đi ngủ. Ông hỏi Nunez có biết đi ngủ không, Nunez đáp có biết nhưng trước khi đi ngủ hắn muốn có cái gì ăn.
    Họ đem thức ăn đến ? một bát sữa đà-mã cùng với bánh mì thô-sơ ? rồi dẫn đến một chỗ vắng vẻ cho ăn để khỏi nghe thấy hắn lục-đục, và sau đó thì ngủ một mạch cho tới khi khí lạnh buổi chiều miền núi đánh thức họ dậy để bắt đầu một ngày mới. Nhưng Nunez không hề chợp mắt.
    Hắn ngồi ở chỗ họ dẫn đến, duỗi chân nghỉ và suy đi nghĩ lại những trường-hợp bất ngờ đã đưa hắn đến đây. Thỉnh-thoảng hắn bật cười, khi thì vui thú, lúc lại tức giận :
    " Đầu óc chưa thành hình ! Chưa có đầy đủ trí-giác ! Họ không biết là họ đã sỉ-nhục đấng quân vương, vị chúa tể mà Trời vừa ban cho họ. Ta cần phải dậy cho họ biết đạo lý, biết lẽ phải. Để nghĩ xem ? nghĩ xem. "
    Hắn vẫn còn ngồi trầm-tư khi mặt trời lặn hẳn. Nunez là người biết thưởng-ngoạn những vẻ đẹp ở đời, cảnh rực-rỡ của những thửa ruộng tuyết phủ, con sông băng đóng mé trên thung-lũng. Mắt hắn lướt từ khung cảnh huy-hoàng của trời chiều đến cái làng và những thửa ruộng được chăm bón đang chìm rất nhanh vào bóng tối. Đột-nhiên hắn thầm cảm ơn Hóa-công đã ban cho hắn đôi mắt còn nguyên lành.
    Có tiếng người réo gọi từ phía cái làng.
    " Bogota ! Lại đây. "
    Nunez mỉm cười đứng lên. Hắn sẽ dậy cho họ thủng nghĩa thế nào là một người nhìn được. Họ sẽ phải đi tìm hắn và sẽ không tìm thấy.
    " Này Bogota, đừng đi càn bậy đấy nhé ! " giọng nói lại cất lên.
    Nunez cười lặng-lẽ, rón-rén bước hai bước ra khỏi con đường nhỏ.
    " Bogota ! Đừng giẫm bừa-bãi lên cỏ, cấm tuyệt đấy. "
    Rõ ràng Nunez không nghe thấy tiếng chân mình di-động. Hắn sửng-sốt đứng lại.
    Người vừa lên tiếng chạy xăm-xăm về phía hắn trên con đường lót đá đen trắng loang-lổ. Hắn vội lùi về con đường nhỏ và lên tiếng :
    " Tôi ở đây này. "
    " Tại sao ngươi không lên tiếng khi nghe ta gọi ? " người mù vặn hỏi " Ngươi muốn ta dắt đi như dắt đứa trẻ con hay sao ? Ngươi không nghe thấy tiếng chân mình đi trên đường à ? "
    Nunez cười : " Tôi nhìn thấy đường mà. "
    " Không có chữ gì là nhìn cả " người mù gạt đi sau một lúc yên-lặng. " Từ giờ trở đi đừng ăn nói quàng-xiên như thế nữa. Hãy cố mà đi theo tiếng bước chân của ta. "
    Nunez bước theo, hơi khó chịu.
    " Rồi sẽ có ngày tới phiên tôi cho mà xem " Nunez nói.
    " Rồi ngươi sẽ học được. Còn khối thứ ngươi phải gia-tâm học hỏi " người mù đáp.
    " Thế không ai nói cho ông biết cái câu ?Trong Xứ Mù Thằng Chột làm Vua? à ? "
    " Mù là cái gì ? " người mù lơ-đãng hỏi qua vai.
    Được sửa bởi ThichNuDiuHien lúc 09:07 ngày 06-07-2006

Trang 3 / 30 FirstFirst 1234568 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •