Trang 2 / 30 FirstFirst 123457 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 11 đến 20 / 295
  1. #11
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Nói nhỏ nè ! Tiếp nha !



    Súng trên vai thơ trong túi
    Tuổi thanh xuân rong ruổi trên đường
    Sóng hôn hoài những vết chân trên cát
    Gió xoá đi những dấu vết bên bờ

    ***

    I.
    Không sao nghe nổi bài hát đó !
    Tới bây giờ tôi vẫn không chịu được !
    Chàng nổi lên từ dưới nước một cách bất ngờ, khiến tôi chút nữa thì bị sặc.
    Chiếc mũ lặn trên mặt, trong tay là khẩu súng bắn cá.
    - Chị là chiến lợi phẩm của tôi , chú cá vàng của tôi.
    Tôi hỏi:
    - Vậy người muốn gì, hỡi lão già ? (*)
    - Hãy bơi và đợi tôi ở trên bờ, tôi sẽ quẳng xuống chân chị những hải vật tôi bắt được.
    Rồi chúng tôi đi dạo trên bờ, rồi chàng cùng tôi làm quen với một con chó lông xù.
    Chàng nói rằng nó rất hiền lành và có tên gọi là Phênhia.
    Thật ra ai gọi nó bằng bất kỳ tên gì nó cũng chạy tới, nhưng chàng giải thích là bởi vì nó …giao thiệp rộng.
    Rồi chúng tôi cùng ngồi ăn thịt cừu nướng, nói đúng hơn là định ăn.
    Chắc hẳn chú cừu trước khi bị làm thịt nó luyện tập thể thao hơi nhiều, cơ bắp nó rắn như gỗ.
    Chúng tôi quẳng thịt nướng cho Phênhia.
    Nó cũng cố gắng lắm nhưng đành bực bội bỏ đi.
    Song chúng tôi không để tâm đến chuyện ấy.
    Chúng tôi đã không còn để tâm tới bất kỳ một việc gì khác.
    Hai đứa chỉ còn thấy nhau.

    Chàng tên là Alếchxây.
    Đây là bài ca chàng thường hát:
    Súng trên vai thơ trong túi
    Tuổi thanh xuân rong ruổi trên đường
    Sóng hôn hoài những vết chân trên cát
    Gió xoá đi những dấu vết bên bờ


    II
    - Mẹ ơi, anh ấy gọi con, con phải đến với anh ấy !
    - Chỉ có bước qua xác tao, xác cha mày, xác tất cả bà con họ hàng !
    - Sao lại thế ? Chúng con yêu nhau mà !
    - Tao thừa biết cái kiểu trăng gió ấy rồi.
    - Nhưng đây là việc nghiêm chỉnh !
    - Ở những nơi ăn mặc nửa trần; nửa truồng thì không có gì có thể nghiêm chỉnh được.
    - Nhưng anh ấy yêu con ! Anh ấy viết rằng biết bao đêm mất ngủ vì nhớ…
    - Không ngủ được là vì nó còn nhậu nhẹt. Mày có biết gì về nó. Cả hai mới quen nhau có 15 ngày.
    - Mẹ ơi nhưng con yêu anh ấy !
    - Con ơi, có lẽ nào mẹ không mong cho con được hạnh phúc ? Đó không phải là tình yêu ! Đó chỉ là mối tình trăng gió…Rồi sẽ qua đi.
    Súng trên vai thơ trong túi
    Tuổi thanh xuân rong ruổi trên đường…


    III
    Chúng tôi gặp lại nhau sau 5 năm, cũng trên bãi biển đó.
    Chỉ có điều là tôi đã có chồng - Trợ lý của cha tôi đã theo đuổi tôi suốt 3 năm ròng.
    Chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật.
    Chàng nổi lên bất thình lình y như lần trước.
    - Chào em, cá vàng nhỏ của anh !
    - Aliôsa ! (**)
    - Sao tất cả thư anh bị gửi trả lại ?
    - Gia đình em đổi tới chỗ ở khác.
    - Anh biết thế nào cũng gặp lại em. 5 năm liền, anh tới đây. Anh cùng con chó Phênhia tìm em khắp các bãi tắm.
    - Aliôsa…em đi cùng chồng em.
    - Anh có thấy. Em không yêu anh ta. Không ai lại nhìn người yêu như thế !
    - Vậy…nhìn thế nào ?
    Tôi nhắm mắt lại, bởi đã tự hiểu câu trả lời.
    - Anh vẫn chưa lấy vợ ư ?
    - Anh chỉ có thể cưới một người và anh luôn tìm cô ấy…Hôm nay kết thúc kỳ nghỉ phép của anh, anh sẽ đợi em tại quán chả nướng dạo nọ. Chuyến tàu khởi hành lúc đêm khuya. Chúng ta sẽ cùng sống bên bờ biển đẹp, dẫu không được ấm như nơi đây. Anh sẽ đi săn và đặt xuống bên chân em mọi hải vật anh bắt được.
    Mối tình trăng gió !
    Mối tình trăng gió !
    Lời nói của mẹ vang vọng trong óc tôi.
    Tôi có biết gì mấy về chàng !
    Vẻn vẹn có 15 ngày của 5 năm về trước…
    Bình tĩnh !
    Hãy tự kiềm chế !
    Đó không phải là tình yêu.
    Đó là mối tình trăng gió.
    Rồi sẽ qua đi.
    Sẽ qua đi.
    Sẽ qua đi…
    Tôi đòi chồng phải tức khắc rời khỏi nơi đây, vì e rằng mình sẽ không kiềm chế nổi, sẽ vất bỏ tất cả, như một kẻ điên cuồng chạy tới quán chả nướng cùng anh và con chó lông xù Phênhia.
    Sóng hôn hoài những dấu chân trên cát
    Gió xoá đi mọi dấu vết bên bờ.


    IV
    5 năm sau, chúng tôi lại gặp nhau cũng tại nơi đó.
    Con gái tôi bị bệnh, bác sỹ khuyên nên cho cháu tắm biển.
    Vừa bước lên bờ, tôi nghe tiếng gọi:
    - Xin chào, cá vàng nhỏ bé !
    Chắc thấy tôi rùng mình nên chàng vội nói:
    - Đừng lo…em cứ tắm thoải mái. Anh không đòi tiền chuộc cô gái nhỏ này đâu.
    Đứng cạnh chàng là một cậu bé trạc bốn tuổi, đang nắm chặt ngón trỏ của chàng.
    - Ba ơi, ta đi thôi nào ! Nào ba..
    - Đợi chút xíu.
    Chàng đã gần bốn chục tuổi, trong tay vẫn khẩu súng thân quen.
    - Em có cháu gái xinh quá, anh thấy hai mẹ con từ hồi sáng.
    - Còn đây là con anh ?
    - Đúng, thấy giống không ?
    - Không giống lắm.
    - Cháu giống mẹ hơn...Hôm nay chúng tôi lên đường, kỳ nghỉ kết thúc rồi...Thôi tạm biệt...Em có biết chú chó Phênhia vẫn còn sống đấy nhé.
    Khi tôi về chỗ để đồ, con tôi chìa cho tôi chiếc kẹo sôcôla.
    - Con lấy ở đâu ra thế này ?
    - Thằng bé cho con. Cái bác ấy cho nó nhiều lắm, bởi nó đã gọi bác ấy bằng ba, dù bác ấy không phải là ba nó.
    Súng trên vai thơ trong túi
    Tuổi thanh xuân rong ruổi trên đường
    Sóng hôn hoài những vết chân trên cát

    Không sao nghe nổi bài hát đó !
    Tới bây giờ tôi vẫn không chịu nổi !
    -------
    (*) Lời trong truyện thơ “Ông lão đánh cá và con cá vàng” A.Puskin.
    (**) Aliôsa: tiếng gọi thân mật Alếchxây.
    TNDH: Truyện tuy ngắn nhưng rất sâu sắc về tâm lý xã hội, mời các bạn thử phân tích !
    Được sửa bởi ThichNuDiuHien lúc 09:08 ngày 18-12-2005

  2. #12
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc


    • Đây là phòng nhân sự ?
    • Vâng, mời anh ngồi, anh có việc gì ?
    • Tôi đến xin việc…Tôi muốn làm chuyên gia thiết kế. Bố tôi...
    • Không, không, anh hãy nói về anh thôi.
    • Bố tôi...
    • Nói về anh thôi, chúng tôi muốn biết về anh...
    • Không, ông hãy nghe đã. Tôi biết nên kể tiểu sử của mình như thế nào chứ...Bố tôi là một người thông minh cầu tiến, ông ấy bắt đầu công việc từ một người thợ học việc và sau 10 năm ông ấy đã trở thành Kỹ sư trưởng. Trước đây bố tôi là một công nhân mù chữ, bây giờ ông là Tiến sỹ...
    • Tốt lắm, tốt lắm !
    • Mẹ tôi là Viện phó một viện nghiên cứu lớn, uỷ viên Hội đồng thành phố...
    • Rất tốt, rất tốt !
    • Thế đấy. Tôi cũng muốn đi theo con đường đó. Vậy đề nghị các ông hãy nhận tôi vào làm chuyên gia. À...nhưng tôi sẽ không làm ở phân xưởng đâu nhé, chỗ đó tôi không có điều kiện để phát triển. Gia đình tôi có thiên hướng khoa học di truyền mà...
    • Vâng, vâng, chúng tôi hiểu rồi, thế nhưng ngoài thiên hướng ra, anh có bằng cấp gì không ?
    • Có đây, nhưng cái đó không quan trọng, gửi ông.
    • Vâng, vâng, 5 điểm; 5 điểm; 5 điểm...chỉ có một điểm 7 môn thể dục. Không, không, chúng tôi không thể nhận anh được...
    • Nhưng bố tôi...
    • Bố anh thì chúng tôi nhận.
    • Thế mẹ tôi...
    • Mẹ anh chúng tôi cũng nhận.
    • Thế còn tôi...
    • Anh thì không ! Thôi xin mời anh ra !

  3. #13
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    Tại sao bác lại tâm đắc với truyện "Người thừa kế" vậy?
    Em đọc xong chẳng thấy "dư vị" gì cả... chẳng cảm được cái gì... có lẽ do dịch giả!
    Hay tác giả muốn cho người xem thấy được rằng cái hay là cái đơn giản?
    Ý bác thế nào?
    Không đi làm sao tới.

  4. #14
    Tham gia
    07-08-2003
    Location
    Đà nẵng
    Bài viết
    156
    Like
    0
    Thanked 7 Times in 6 Posts
    Tôi rất thích lời thơ của tác giả thể hiện trong truyện này !
    Lời trong truyện thơ “Ông lão đánh cá và con cá vàng” A.Puskin.

  5. #15
    Tham gia
    08-09-2004
    Location
    Đây
    Bài viết
    502
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post
    Ku Bat vừa gửi link cho tôi. Đọc xong tôi rất xúc động nên copy lên đây để chia xẻ cùng bà con, nhất là những ai chưa đọc.

    CÂU CHUYỆN BÁT MÌ

    Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31-12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.

    Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho nên đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới.

    Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ. Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phác, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào.

    Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

    - Xin mời ngồi!

    Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

    - Có thể... cho tôi một… bát mì được không?

    Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

    - Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.

    Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

    - Cho một bát mì.

    Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau.

    - Ngon quá - thằng anh nói.

    - Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

    Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon! Cám ơn!” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.

    - Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

    Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31-12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.

    - Có thể… cho tôi một… bát mì được không?

    - Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!

    Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

    - Cho một bát mì.

    Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:

    - Vâng, một bát mì!

    Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

    - Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?

    - Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

    Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”.

    Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

    - Thơm quá! - Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá! - Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

    Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

    - Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

    Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu. Đến ngày 31-12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện.

    Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”.

    Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.

    - Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.

    Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

    - Làm ơn nấu cho chúng tôi… hai bát mì được không?

    - Được chứ, mời ngồi bên này!

    Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì”.

    - Vâng, hai bát mì. Có ngay.

    Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi. Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

    - Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

    - Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

    - Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

    - Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.

    Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

    - Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!

    - Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

    - Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.

    - Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

    - Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần, chúng ta phải cố gắng lên!

    - Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

    - Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

    - Có thật thế không? Sau đó ra sao?

    - Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?”, Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31-12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!”.

    Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

    - Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

    - Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

    - Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vã về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con”.

    Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:

    - Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

    Lại một năm nữa trôi qua. Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện. Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

    “Việc này có ý nghĩa như thế nào?”. Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ.

    Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này. Rồi rất nhiều lần 31-12 đã đi qua. Lại một ngày 31-12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay.

    Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai.

    Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

    Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại.

    Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên. Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

    - Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

    Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp bắp nói:

    - Các vị… các vị là…

    Một trong hai thanh niên tiếp lời:

    - Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

    Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vã nhả ra, đứng dậy nói:

    - Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ! Mau lên!

    Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

    - Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

    Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

    - Có ngay. Ba bát mì.

    - o O o -

    Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm.

    Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.

    Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng: "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt". Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

  6. #16
    Tham gia
    23-05-2005
    Bài viết
    1,135
    Like
    256
    Thanked 351 Times in 152 Posts
    CuỘng bán cho 5 bát mì

  7. #17
    Tham gia
    05-03-2005
    Bài viết
    33
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    "Câu chuyện bát mì" hay quá bác ạ!
    Cám ơn bác đã su tầm

  8. #18
    Tham gia
    03-12-2003
    Location
    Ha Noi
    Bài viết
    21
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Câu chuyện bát mì này được dựng thành film rồi.film "Hương vị tình đầu" chiếu trên VTC, hôm nọ em xem, cảm dộng lắm!

  9. #19
    Tham gia
    10-03-2003
    Location
    Tp.HCM
    Bài viết
    98
    Like
    0
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    Các câu chuyện đều rất hay, nhiều ý nghĩa, cám ơn các bác đã lôi lên cho bọn hậu sinh chúng em được mở rộng tầm mắt... "Cám ơn! Chúc mừng kì thi mới!"

  10. #20
    Tham gia
    06-05-2003
    Location
    Trà Vinh
    Bài viết
    360
    Like
    0
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    Tiếp đi các bác, lâu lắm rồi lynx mới đọc những truyện hay như vậy. Thanks!

    Từ ngày làm quen internet, đọc news nhiều hơn đọc truyện ngắn. ;(

Trang 2 / 30 FirstFirst 123457 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •