Trang 1 / 30 12346 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 295
  1. #1
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Hạnh phúc Truyện ngắn bạn tâm đắc.

    TRUYỆN NGẮN HAY
    Các bạn hãy gửi vào Thread này những truyện ngắn mà bạn tâm đắc nhất, TNDH xin mở đầu bằng một truyện đã đăng từ năm 1986.


    CON THỎ.
    Bố 40, John lên 8 và con thỏ thì lại còn trẻ hơn nữa. John mang con thỏ ở trong một cái mũ lưỡi trai của nó chạy về với Bố vẻ vui mừng và thở hổn hển kêu lên:
    - Bố xem này.
    Ông bố đặt tờ báo xuống và ngắm nghía con thỏ. Nó mũi tẹt, hếch và trông cũng tinh khôn. Ngoài ra ông bố cũng khuyến khích đứa con về cái tính yêu thích loài vật.
    Chính bản thân ông ta cũng là một người yêu súc vật.
    - Con thỏ mới đẹp làm sao chứ ! Ông bố nói vậy:
    - Con bắt được nó ở đâu đấy ?
    John nói:
    - Một bạn ở sân trong cho con. Con đổi một cái vé đấy bố ạ !
    - Vé nào ?
    - À, cái vé xổ số.
    John vừa nói vừa đặt con thỏ xuống sân :
    - Bố ơi, chúng ta cho nó một ít sữa nhé.
    - Sữa, sữa cái gì ?
    Ông bố nói một cách cáu kỉnh và kéo John lại ngồi ở cái ghế gần ông.
    - Làm sao con lại đổi cái vé số ấy được ? Nếu cái vé ấy trúng xổ số thì sao ?
    - Vâng vé trúng đấy mà.
    John nói nhưng mắt không rời con thỏ.
    Ông bố thều thào, trên mũi lấm tấm những giọt mồ hôi.
    - Vé trúng cái gì ?
    John mỉm cười trả lời:
    - Một cái quạt máy.
    Ông bố giật mình, lạ lùng:
    - Một cái quạt máy ! Làm sao con biết được ?
    John trả lời với một giọng tự tin:
    - Đơn giản thôi bố ạ, con đối chiếu ở trong báo mà lại. Con đối chiếu được, chính bố cũng thường bảo con đã lớn rồi còn gì.
    - Ừ thì lớn, hừm…
    Ông bố rít lên đến nỗi con thỏ đã dấu mình dưới cái ghế cũng bắt đầu sợ hãi và cuộn lại như quả bóng.
    - Lớn rồi à ? Lại đem đổi một cái quạt máy lấy con thỏ ?
    John nói vẻ hơi sợ sệt:
    - Nhưng con nghĩ, chúng ta đã có quạt máy rồi…nhưng lại chưa có thỏ…
    - Thằng bé ấy là thằng nào ? Nó ở đâu ?
    John lắp bắp:
    - Ở nhà bên cạnh.
    và bắt đầu sụt sịt:
    - Tên nó là Bill.
    Ông bố gắt lên:
    - Đi theo tao.
    rồi túm lấy con thỏ trong tay:
    - Đi ngay lập tức.
    John nói:
    - Con không, con không…
    và khóc toáng lên:
    - Con không muốn lấy quạt máy, con thích con thỏ cơ…!
    - Chúng ta phải lấy lại cái vé số ấy, bố sẽ mua cho con 100 con thỏ…
    - Không, không…
    John càng khóc nức nở hơn:
    - Bố sẽ không…thằng Bill nó cũng không muốn đổi như thế, con phải mất nhiều thì giờ nói với nó để nó đổi cho…

    Bill lên 6. Nó đứng ở giữa sân trông dáng lấm lét nhìn ông bố kinh khủng kia, một tay kéo John đi xềnh xệch và một tay thì túm con thỏ.
    Ông bố quát lên:
    - Nó đâu ? Cái vé xổ số đâu rồi ? Mày mang cái của nợ này của mày về, và trả lại vé số đây !
    Bill trả lời:
    - Cháu không có vé !
    Ông bố quát:
    - Thế vé đâu rồi ? Mày làm gì cái vé ấy rồi, thằng nhóc lừa đảo này ? Bán rồi hử ? Thật thế không ?
    Bill nói lí nhí:
    - Cháu…cháu lấy cái vé để gấp con chim bồ câu rồi.
    - Thế thì con chim bồ câu ấy đâu ? Để nó ở đâu ?
    - Nó bị mắc ở gờ tường đàng kia kìa.
    Bill lẩm bẩm và chỉ về phía trước.

    Ông bố cởi áo choàng ngoài ra và bắt đầu leo lên ống máng của căn nhà. Bọn trẻ con đứng dưới mê mải theo dõi. Hai lần ông bố suýt trượt, nhưng cuối cùng cũng tới được gờ tường và nhặt được con chim bồ câu vàng xinh xắn bằng giấy.
    Khi ông vừa xuống đến đất hãy còn thở hổn hển, đã vội giở cái vé ra và thấy ngay là cái vé đã cũ hai năm về trước. Ông hỏi John:
    - Con mua vé từ bao giờ ?
    John trả lời :
    - Con nhặt ở ngoài đường lâu lắm rồi.
    - Thế con so số bao giờ ?
    - Hôm qua.
    - Nhưng đây là kỳ …xổ số hoàn toàn… khác cơ mà ?
    Ông bố nói bằng một giọng đứt hơi, nói rồi đi ra phía xa và buông mình ngồi xuống một chiếc ghế dài.



    - Bố này.
    John thanh thản nói khi nó tới gần chỗ bố:
    - Đừng buồn bố ạ. Bill nói rằng dù sao đi nữa nó vẫn để cho ta con thỏ…
    - Cảm ơn. Ông bố nói: cám ơn con Bill…
    Ông đứng dậy và đi vào trong nhà. Chợt ông thấy lòng mình trống trải. Ông hiểu rằng đối với ông cái thời sung sướng nhất khi người ta dễ dàng đổi một cái quạt máy lấy một con thỏ đã vĩnh viễn, vĩnh viễn qua rồi, không bao giờ trở lại nữa.
    (Đêm mưa cuối mùa - nhớ về Duyên Hải)
    Được sửa bởi ThichNuDiuHien lúc 08:20 ngày 28-11-2005
    Quote Quote

  2. 3 thành viên Like bài viết này:


  3. #2
    Tham gia
    05-05-2003
    Bài viết
    300
    Like
    0
    Thanked 6 Times in 3 Posts
    Ông đứng dậy và đi vào trong nhà. Chợt ông thấy lòng mình trống trải. Ông hiểu rằng đối với ông cái thời sung sướng nhất khi người ta dễ dàng đổi một cái quạt máy lấy một con thỏ đã vĩnh viễn, vĩnh viễn qua rồi, không bao giờ trở lại nữa.

    Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục trôi, con người ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, nhìn đời đâu đâu cũng toàn màu hồng, có còn giữ nổi không, khi chỉ mình ta đối diện với ta. Tự hỏi rằng tình yêu là chi, cảm xúc là chi khi gánh nặng tiền bạc là nỗi lo thường trực hằng ngày.

    Để có thể hiểu được : "Sống trên đời sống cần có 1 tấm lòng, để làm gì em biết không em. Để gió cuốn đi...." đến một nơi xa xăm và gieo mầm nó tại 1 nơi nào đó thật khó lắm thay !

    Không lấy vợ vẫn là tốt nhất phải không sư phụ !

    P/s : Sao em thấy topic này giống Cafê chiều thứ 7 trên báo HHT và topic Đọc và suy ngẫm thế
    Được sửa bởi DONNA_DONNA lúc 18:57 ngày 28-11-2005

  4. Thành viên Like bài viết này:


  5. #3
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Nói nhỏ nè !

    Quote Được gửi bởi DONNA_DONNA
    Không lấy vợ vẫn là tốt nhất phải không sư phụ !
    Lấy đi em, nên, nên và nên lấy để biết và thấm thía rằng: Không lấy càng...tốt hơn

  6. Thành viên Like bài viết này:


  7. #4
    Tham gia
    23-05-2005
    Bài viết
    1,135
    Like
    256
    Thanked 351 Times in 152 Posts
    Truyện này đọc lâu rồi, hình như từ năm 1976, không nhớ tựa cũng như tác giả, có thể là của O'Henry, tóm lược nhé:
    QUÀ GIÁNG SINH
    Họ là cặp vợ chồng trẻ, rất thương yêu nhau, nhưng sống rất cơ cực, cả hai đều là công nhân nghèo, cuộc sống thiếu thốn mọi bề.
    Cô vợ có mái tóc dài rất đẹp, anh thường vuốt tóc nàng và thầm nghĩ trong lòng "Ước gì ta có thể mua tặng nàng một chiếc kẹp tóc thật xinh nhân mùa Giáng sinh này"
    Chàng có duy nhất một chiếc áo sơ mi trắng để đi chơi lễ, nhưng lại thiếu cặp khuy măng xét, nhìn áo chồng, nàng ao ước có tiền sẽ mua cho chàng cặp khuy nhân dịp lễ Noel.
    Nhưng mùa đông khắc nghiệt ấy, hai vợ chồng bị đuổi việc, nhưng vẫn giấu nhau, hàng ngày chàng vẫn xách gà mên cơm đi làm, vợ vẫn đến xưởng. Và ngày Noel đến. Đêm Noel đó, khi đi làm ( nói là thế nhưng có việc đâu mà làm ) về, nàng vừa tắm xong, đầu còn quàng khăn tắm, chạy vội ra khi thấy chồng về mừng rở, tay nàng cầm món quà, tay chàng giữ chặt món quà giáng sinh, cả hai hôn nhau cảm động.
    Khi mở món quà của chàng, đó là một chiếc kẹp tóc rất đẹp, mắt nàng chợt buồn, xao động và khi khui món quà của nàng thì đó là cặp khuy măng xét bằng vàng mạ rất đẹp, mặt chàng chợt tái hẳn.
    Nàng từ từ xỏa khăn quàng trên đầu thì hởi ôi, tóc nàng đã cắt ngắn, hóa ra vì thương chồng nên nàng đã hy sinh máy tóc đẹp của mình, bán đi để có tiền mua quà cho chàng.
    Còn chàng thì đã bán đi chiếc áo đẹp nhất của mình để mua tặng nàng chiếc kẹp tóc mà giờ đây không còn tóc để kẹp và cả áo để cài khuy. Hai vợ chồng ôm nhau và khóc trong niềm hạnh phúc trong đêm giáng sinh đó

    Truyện này thì đọc trên báo Tuổi trẻ, lâu lắm rồi, có khi hai ba mươi năm về trước.
    ĐÔI MẮT.
    Anh là một người tốt bụng nhưng trời sinh có gương mặt xấu xí, khó coi. Tuy đã ngoài ba mươi nhưng không ai dám lấy, thế là từ đó anh đâm ra tự ti, ít nói và ít giao tiếp.
    Nàng là cô gái mồ côi, bị mù trong một tai nạn xe cộ. Nàng rất đẹp nhưng cuộc sống cơ cực, phải đi bán vé số để kiếm sống, tối về ngủ trong căn nhà mướn ọp ẹp.
    Hai người gặp nhau tình cờ khi cô nàng đến nhà anh bán vé số vào một đêm mưa tầm tả. Tôi nghiệp anh mời nàng vào nhà trú mưa, lần đầu tiên anh say sưa nói về mình về cuộc sông và nàng cũng lần đầu tiên nghe được giọng nói ngọt ngào ấm áp của anh. Thế rồi hàng ngày nàng lại đến nhà anh để được nghe anh nói và chàng cũng rất thích được nhìn gương mặt khả ái của nàng. Thế rồi họ yêu nhau hồi nào không biết, và một đám cưới nho nhỏ diễn ra, họ thành vợ thành chồng
    Từ khi có nàng cuộc sống anh vỗng thay đổi hẳn, anh nói cười ríu rít, năng hoạt động và nàng cũng yêu đời hẳn ra vì được anh chăm sóc
    Thế rồi họ có môt đứa con trai kháu khỉnh, mang vẻ đẹp khả ái của nàng và sự tốt bụng của anh ta.
    Trong lần nàng đi sinh đó, sau khi khám cho nàng vị bác sĩ đã xem con mắt nàng và bảo hai vợ chồng, mắt nàng có thể cứu khỏi nếu có một người nào đó chjiu hiến giác mạc cho nàng, và khuyên hai vợ chồng về nhà đợi, khi nào có giác mạc sẽ làm phẩu thuật cho nàng
    Một tia hy vọng thắp lên trong lòng người vợ, nàng ao ước đến cái ngày sáng mắt sẽ được nhìn được gương mặt thân yêu của chồng, nàng nghĩ, chắc có lẻ anh rất đẹp trai nên mới tốt bụng đến thế !
    Trong khi đó người chồng lại mang những tư tưởng trái ngược hẳn nhau, một mặt muốn nàng được sáng mắt để nàng đở cực khổ trong việc nhà và chăm sóc cho con, mặt khác chàng buồn vì nếu nàng nhìn thấy gương mặt xấu xí của mình thì ... liệu nàng còn thương mình như hiện nay không?
    Thời gian thắm thoát trôi, một năm sau, vị bác sĩ ấy đã gọi chàng đến và báo có một tai nạn giao thông và một cô gái trẻ trước khi qua đời đã đồng ý hiến giác mạc cho bệnh viện và ông ta muốn chàng ngày mai đưa vợ đến làm phẩu thuật, nếu để qua 3 ngày sau thì không ghép được nữa vì giác mạic không thể để lâu.
    Cả ngày hôm đó anh như mất hồn, anh đấu tranh tư tửng rất dữ dội, nếu lỡ nàng sáng mắt .. ôi cả trăm lần anh đều không tin tưởng mình và rồi anh đã chần chừ, không dám nói lại sự việc trên cho nàng.
    Thế rồi chàng đã thất hẹn, hôm sau chàng lấy cớ công việc cơ quan bận rộn nên đã không đưa nàng đi.
    Một ngày trôi qua, rồi ngày thứ hai lại trôi qua, mỗi lần nhìn vợ và biết nàng đang nuôi hy vọng được sáng mắt, chàng lại thấy cái cảm giác tội lỗi với nàng, đêm ấy trời mưa to, chàng không sao ngũ được, cái cảm giác ân hận thúc dục chàng phải cương quyết vì mai là thời hạn cuối. Cuối cùng cái thiện đã thắng và chàng nhất quyết mai sẽ đưa nàng đi phẩu thuật, nhất định là thế rồi sau ra sao thi ra.
    Nữa đêm, chợt nghe tiếng con khóc, nàng vội bật dậy, chạy sang phòng con ... thì hỡi ôi, do đêm mưa to, nhà dột nên chàng đã để cái thau hứng nước mưa mà nàng chẳng hay, thế là do vội vả nàng đã trượt thau nứoc và té đập đầu vào cái cạnh bàn... bất tỉnh.
    Chàng do suy nghĩ nhiều nên ngũ say, không hay biết gì cả.
    Sáng ra, nàng đã không còn nữa rồi. Nàng đã ra đi mang theo niềm ao ước mong manh là được thấy được mặt chồng con, dù là chỉ một lần thôi.
    Được sửa bởi ips lúc 10:57 ngày 29-11-2005

  8. Thành viên Like bài viết này:


  9. #5
    Tham gia
    11-10-2002
    Bài viết
    22
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Bát canh nước trong rau biếc

    Truyện này không ngắn nhưng mình thấy cũng hay, post lên để các bạn cùng đọc.


    Anh mở cửa rồi nhìn sang phòng khách, không thấy chị ở đó. Anh mỉm cười, đi vào bếp, quả nhiên chị đang đảo cơm trong nồi. Anh ngửi thấy mùi cơm thơm, rất thơm. Điều lạ là ở nơi khác, hầu như anh chưa ngửi thấy mùi cơm thơm như thế bao giờ.

    Anh rửa tay, ngồi vào bàn ăn. Chị bưng lên hai đĩa nhỏ có hoa xanh, một đĩa đựng mười mấy con ốc hạt mít, một đĩa đựng rau non mỡ, trong trong. Cuối cùng chị bưng lên một âu sành nhỏ, đây mới chính là món anh mong chờ nhất. Lập tức anh mở nắp âu ra xem, trong đó có trắng, có xanh, có đỏ, trông thật vui mắt.

    Anh tự múc trong âu ra nửa bát canh. Nước canh trong, không có váng mỡ, xanh là rau cải, trắng là đậu phụ, lại còn dăm ba hạt câu kỷ đỏ. Mùi vị canh tuyệt hảo, bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào. Bát canh chẳng khác gì có đoá phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên. Chỉ húp một ngụm thôi đã thấy các giác quan bị tê liệt cả một ngày bỗng dưng thức tỉnh, vẻ mặt anh cũng biến đổi theo. Dường như vỏ bọc mỏng trên mặt đã bị vỡ tan, tất cả các thớ thịt, tất cả các nếp nhăn đều duỗi ra... thật là một món canh ngon tuyệt! Nó khác hẳn các bữa tiệc anh phải thù tiếp - tiệc công việc. Loại tiệc như thế không bao giờ có cơm. Lúc nào cũng quá nhiều chất béo, quá nhiều vị nồng cay làm cháy cả cổ, lưỡi hầu như tê dại.

    Anh húp liền hai bát canh rồi mới ăn cơm, cứ một con ốc hạt mít lại một gắp rau, một đằng béo, một đằng giòn, đều là những món trôi cơm. Bát cơm hết veo lúc nào cũng chẳng hay, nhưng anh không xới thêm mà chỉ nhấm nháp một lưng canh nữa, sau đó anh đặt bát xuống, mỉm cười với chị:

    - Em nấu sao được món canh này? Ai cũng bảo tiệm ông Vương Già có món canh ngon, nhưng theo anh thì canh ở tiệm ấy cũng không ngon bằng canh nhà nấu.

    - Nói ra thì... Kỳ thực rất đơn giản, nhưng phải có lòng kiên trì.

    Sau này nhiều lần anh thấy luyến tiếc cuộc sống lúc đó. Cuộc sống thật yên bình. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi vào bàn ăn đợi vợ bưng chiếc âu sành lên, màu sắc đẹp mắt khi mở nắp âu ra.

    Anh đã kết hôn mười bảy mười tám năm rồi. Vợ anh là bạn thời học đại học, là mối tình đầu. Ra trường hai năm, họ làm lễ cưới và chẳng bao lâu đã có con. Thằng bé chẳng những học vào loại ưu mà còn rất xinh trai, bởi vì chị là hoa khôi của trường, chẳng cần trang điểm cũng đáng yêu. Vì thế nên anh không dễ bị sắc đẹp đàn bà làm kinh động. Vả chăng anh cũng biết sắc đẹp của phụ nữ bây giờ phần lớn nhờ vào mỹ phẩm.

    Nhưng sự xuất hiện của Đô Đô là một việc hoàn toàn bất ngờ. Lúc đầu anh thấy đó chỉ là cô bé còn chưa trút bỏ được vẻ ấu trĩ, như một bình hoa thuỷ tinh, đẹp và trong suốt, chỉ để ngắm chứ không dùng được bao lâu. Tới khi nhận ra ý đồ của cô bé, anh còn cảm thấy buồn cười. Nếu không phải là nhân viên của anh, cô bé đáng gọi anh bằng chú. Đương nhiên anh cũng thầm lấy làm thích thú. Cô bé chẳng những xinh đẹp mà gia đình cũng không xoàng. Cha là luật sư nổi danh, mẹ là bác sĩ nổi tiếng, gia đình vốn định cho cô sang Đại học Cambridge du học. Một cô bé như thế mà gần gũi đàn ông thì...

    Lúc đầu anh thật sự không hề để ý vì cho rằng Đô Đô chỉ bốc đồng nhất thời, hơn nữa anh không thể phá hoại gia đình của mình. Nhiều năm nay, vợ anh xin nghỉ công việc dạy học ở một trường trung học mà chị đang làm rất tốt, chuyên tâm ở nhà giúp chồng, dạy con. Một phụ nữ ngoài bốn chục tuổi, không có sự nghiệp, cũng không có bạn bè, chị sẽ sống sao đây? Huống hồ rất nhiều đàn ông bây giờ sau khi thành đạt đều tìm thú vui mới, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ. Anh không muốn mình cũng là hạng đàn ông tầm thường. Nhưng con gái thời nay chỉ thích làm theo ý mình. Các cô muốn gì là vừa khóc vừa gào đòi chết. Bình hoa thuỷ tinh Đô Đô vì yêu anh vô vọng nên đặt mình trên vách đá thẳng đứng. Cuối cùng anh đành phải giơ tay đỡ lấy cô ta.

    Anh không về nhà ăn cơm nữa. Sau đó cả đến tối cũng không về. Anh bảo anh quá bận, sau đó lại nói anh muốn ở một mình cho yên tĩnh. Chị im lặng hồi lâu. Cuối cùng chị bảo:

    - Thôi thế này vậy, khi nào anh muốn về thì gọi điện.

    * * *
    Anh không thích thuê nhà, bảo phải mua một căn hộ trang bị đầy đủ, đồng bộ, từ đồ đạc đến đồ điện. Đô Đô lại không thích, cô bảo kiểu nhà như thế không có phong cách. Cuối cùng cô đưa anh về ở nhà cô. Đô Đô một mình ở căn hộ hai phòng ở, một phòng khách do cha mẹ mua cho. Cô tự trang trí lấy, một phong cách gọn nhẹ, hiện đại nhưng lại là kiểu còn tốn tiền hơn cả bài trí hoa lệ.

    Tình yêu mới, nhà ở mới, không khí mới, điên cuồng mới, cả anh cũng thấy mình như đổi mới. Mấy tháng trời qua đi như có cánh bay. Cũng có lúc cả hai thấy đói. Anh là nhân vật của một nửa công chúng, không thể đi ăn hàng ngày ở tiệm, Đô Đô đành phải gọi các tiệm mang đồ ăn tới nhà. Món ăn đưa đến không có canh, họ có lúc uống thay bằng trà Ô Long đóng hộp và thường xuyên hơn là uống Côca Côla.

    Dần dần bữa ăn trở thành công việc khổ sai, bởi các món đưa đến trở nên khó nuốt, hơn nữa anh còn phải che giấu, bởi chỉ cần anh tỏ ra không vừa ý là Đô Đô nói ngay: "Em biết anh lại nhớ cuộc sống trước kia rồi chứ gì? Anh thấy hối thì cứ nói toẹt ra đi!".

    Chẳng ngờ một hôm, vừa vào qua cửa, anh đã nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng vì hưng phấn của Đô Đô. Đô Đô kéo anh vào bếp. Trong bếp là cảnh một siêu thị thu nhỏ sau cơn động đất. Mọi thứ đều rối loạn, cả đến mái tóc của Đô Đô cũng dính một thứ gì đó vàng vàng như mỡ. Tất bật một lúc lâu rồi Đô Đô cũng làm xong. Anh làm ra vẻ không do dự xúc món xúc xích viên sốt cà chua thêm mười mấy thứ gia vị khác nữa. Ăn xong, anh nói: "Từ nay không cần phải nhiêu khê đến thế. Người giỏi làm cơm thì cho dù chỉ có canh nước trong cải biếc, ăn vào đã thấy sướng!".

    Dứt lời, anh lập tức nhận ra mình đã nói một câu không nên nói.

    * * *

    Khi tiếng chuông cửa vang lên, trong một giây, chị tưởng anh trở về, nhưng chị hiểu ngay là không phải. Chị mở cửa, một cô gái trẻ đứng ngay trước mặt chị, da trắng nõn nà. Chị thầm hỏi bằng ánh mắt, cô bé nói: "Em là Đô Đô, bạn của chồng chị!".

    Chị hiểu ra ngay. Đô Đô muốn tìm một tình cảm nào đó biểu hiện trên nét mặt chị nhưng không hề có. Cô ấy đi vào đề:

    - Hôm nay em đến đây, một là muốn thấy chị là người như thế nào, hai là muốn được chị cho ăn cơm chị nấu. Anh thường khen chị nấu món đơn giản nhất cũng thành được món ngon nhất nên em tò mò.

    Chị dường như cảm thấy khó nghĩ, lát sau mới nói:

    - Thế thì cô ăn tạm bữa cơm xoàng vậy.

    Chị dọn ra một bát cơm, hai đĩa thức ăn nhỏ và một cái âu sành. Đô Đô mở âu sành, múc một bát canh, húp một ngụm rồi chẳng cần suy nghĩ đã reo "Oa!". Cô ngờ vực nhìn chị:

    - Đây chính là món canh nước trong rau biếc hay sao?

    - Anh ấy gọi như thế! - Chị đáp.

    - Chị có thể cho em biết canh này nấu như thế nào không?

    Chị dường như khẽ trút một tiếng thở dài, sau đó mới nói:

    - Phải chuẩn bị nhiều thứ đấy. Sườn ngon, giămbông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, đến mùa cua thì mua cua hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, cho tất cả vào âu đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, bột nêm. Hầm xong, vớt tất cả bã ra, cả những vụn bã nhỏ cho nước thật trong. Lúc gần ăn mới thả đậu phụ, rau cải, những thứ này có thể hút hết váng mỡ.

    Đô Đô hít vào một hơi dài. Đây chính là món canh được gọi là "nước trong rau biếc" sao? Lòng dạ người phụ nữ này mới sâu lắng làm sao! Còn người đàn ông kia nói mà chẳng hiểu gì hết. Hàng ngày được hưởng thụ món ngon như thế mà anh lại cho rằng đó là món đơn giản nhất, dễ làm nhất? Chính trong giây phút đó, Đô Đô sâu sắc hiểu ra người phụ nữ ấy. Cô cũng hiểu ra trên thế giới này, giữa tình yêu này và tình yêu kia khác xa nhau biết mấy!

    Chị nhìn Đô Đô, cười khoan dung rồi hỏi:

    - Cô có thể vì anh ấy mà nấu như vậy không?

    Đô Đô ngoẹo đầu, nghiêm túc suy nghĩ rồi đáp:

    - Em có thể làm như vậy, nhưng không cần nữa rồi.

    * * *
    Một tháng sau. Chiều muộn, như thường lệ chị ở trong bếp. Chuông cửa bỗng reo vang, chị mở cửa, bất ngờ lại là anh. Chị ngẩn ra, buột miệng hỏi:

    - Sao thế? Quên không mang chìa khoá à?

    Anh cảm thấy như trút được gánh nặng, xác định mình có thể rửa tay ngồi vào bàn ăn được rồi. Chị bưng lên một khay to. Chứ không mang thành nhiều lần như trước. Trên khay có hai bát cơm, hai đĩa nhỏ thức ăn và một cái âu sành. Đó là thứ anh nhớ nhung nhất. Không chờ được, anh mở nắp âu, múc ra lưng bát canh. Vẫn có xanh, đỏ, trắng, vẫn là màu nước trong vắt, không có váng mỡ. Anh hấp tấp hút một ngụm, chỉ một ngụm ấy là đã biến sắc mặt.

    - Canh gì thế này? - Anh không dám nhổ ra.

    Chị nếm một ngụm rồi nói:

    - Nước trong rau biếc thì chỉ có thế này thôi.

    Anh đặt thìa xuống xét nét nhìn chị. Chị không nhìn anh, thản nhiên ăn cơm. Anh không ăn, châm một điếu thuốc. Chị không hề nhìn anh lấy một cái. Ăn xong miếng cuối cùng, chị thu hết bát đĩa vào khay, sau đó mới nhìn thẳng vào anh nói:

    - Nhà ta sau này có thể phải thuê một người giúp việc theo giờ. Em tìm được việc rồi mà việc nhà lại nhiều như vậy.

    - Em đi làm? Làm gì? - Anh kinh ngạc hỏi.

    - Anh quên rồi à? Em vốn là một cô giáo.

    Ngụm canh khó nuốt vừa nãy dường như cuộn lên trong ruột, anh buột miệng hỏi:

    - Việc lớn như thế sao không bàn với tôi? Em bây giờ sao thế? - Vừa hỏi xong, anh đã thấy hối. Người đuối lý là anh.

    Nhưng chị không nói gì thêm, chỉ nhìn anh một cái. Cái nhìn ấy khiến anh bắt đầu nhận ra mình thật ngu xuẩn.


    Phan Hướng Lê (Trung Quốc)
    Phạm Tú Châu trích dịch (Tiểu thuyết tuyển chọn, số 2, năm 2004)

  10. #6
    Tham gia
    11-10-2002
    Bài viết
    22
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    NẾu MuỐn Ly HÔn, HÃy BẾ Em Ra KhỎi CuỘc ĐỜi Anh

    Vào ngày cưới của tôi, tôi đã ôm vợ trên đôi tay của mình. Xe đưa dâu dừng tại trước tổ uyên ương của chúng tôi. Đám bạn thân của tôi nhất quyết bắt tôi phải đưa nàng ra khỏi xe trên đôi tay của mình. Do vậy, tôi đã bế nàng vào nhà. Lúc đó, nàng là một cô dâu tròn trĩnh và e thẹn, còn tôi là một chú rể rất sung sức và tràn trề hạnh phúc.

    Nhưng đó là cảnh của mười năm trước. Những chuỗi ngày sau đó cũng giản dị như một cốc nước tinh khiết: chúng tôi có con, tôi bước vào thương trường và cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Khi của cải trong gia đình chúng tôi mỗi lúc một nhiều hơn cũng là lúc tình cảm giữa hai chúng tôi suy giảm dần.

    Vợ tôi là một công chức nhà nước. Mỗi sáng chúng tôi cùng ra khỏi nhà với nhau và hầu như về nhà cùng một lúc. Con chúng tôi thì học tại một trường nội trú. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nhìn bề ngoài hạnh phúc đến nỗi nhiều người phải ganh tị. Nhưng thật ra cuộc sống yên ấm đó gần như bị xáo trộn bởi những đổi thay không ngờ...

    Dew đã bước vào cuộc đời tôi.

    Đó là một ngày đầy nắng. Tôi đứng trước một ban công rộng lớn. Dew ôm vòng sau lưng tôi. Con tim tôi, một lần nữa, lại đắm chìm trong dòng suối yêu đương cùng nàng. Đây là căn hộ tôi mua cho cô ấy.

    Dew nói: "Anh là mẫu đàn ông có sức cuốn hút với đàn bà nhiều nhất". Câu nói của Dew đột nhiên nhắc tôi nhớ đến vợ mình. Hồi chúng tôi mới cưới, nàng nói: "Mẫu đàn ông như anh, khi thành đạt sẽ rất quyến rũ với phụ nữ". Nghĩ đến lời nói đó của vợ mình, tôi thoáng do dự. Tôi hiểu mình đang phản bội lại nàng. Nhưng tôi đã không thể cưỡng lại chính mình.

    Kéo tay Dew sang một bên, tôi nói: "Em đi mua mấy món đồ nội thất nhé? Anh có vài việc phải làm ở công ty". Hiển nhiên là nàng thất vọng rồi bởi vì tôi đã hứa sẽ cùng đi với nàng. Ngay lúc ấy, ý nghĩ phải ly hôn xuất hiện trong tâm trí tôi mặc dù trước đây ly hôn là một điều tưởng chừng không thể.

    Nhưng tôi nhận ra khó mà mở lời với vợ về chuyện này. Cho dù tôi có đề cập nó một cách nhẹ nhàng đến đâu chăng nữa, cô ấy chắc chắn sẽ bị tổn thương sâu sắc.

    Công bằng mà nói, cô ấy là một người vợ tốt. Tối nào, cô ấy cũng bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi tôi ngồi phía trước màn ảnh TV. Bữa ăn tối thường xong sớm. Sau đó, chúng tôi cùng xem TV. Không thì, tôi lại thơ thẩn bên máy tính, mường tượng thân thể của Dew. Đó là cách tôi thư giãn.

    Một ngày nọ, tôi nửa đùa nửa thật nói với vợ tôi, "Giả dụ chúng ta phải ly hôn, em sẽ làm gì?". Cô ấy nhìn chằm chặp tôi phải đến vài giây mà không nói lời nào. Hiển nhiên cô ấy tin rằng ly hôn là một cái gì rất xa vời với cô ấy. Tôi không hình dung được vợ tôi sẽ phản ứng thế nào một khi biết rằng tôi đang nói nghiêm túc về chuyện đó.

    Lúc vợ tôi bước vào phòng làm việc của tôi ở công ty thì Dew cũng vừa bước ra. Hầu như tất cả nhân viên ở văn phòng tôi đều nhìn vợ tôi với ánh mắt ra chiều thông cảm và cố giấu giếm chút gì đó khi nói chuyện với nàng. Vợ tôi dường như có nghe phong phanh vài lời bóng gió. Cô ấy chỉ mỉm cười dịu dàng với đám nhân viên, nhưng tôi đọc được nỗi đau trong đôi mắt ấy.

    Một lần nữa, Dew lại nói với tôi: "Ninh, anh ly dị cô ấy đi? Rồi chúng mình sẽ cùng chung sống với nhau". Tôi gật đầu. Tôi biết mình không thể chần chừ thêm được nữa.

    Khi vợ tôi dọn ra bàn chiếc dĩa cuối cùng, tôi nắm lấy tay cô áy. "Anh có điều này muốn nói với em", tôi nói. Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn.

    Tôi lại nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt nàng. Đột nhiên, tôi không biết phải mở miệng như thế nào. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đang suy nghĩ thôi. "Anh muốn ly hôn". Cuối cùng thì tôi cũng đặt vấn đề hết sức nặng nề này một cách thật nhẹ nhàng.

    Cô ấy tỏ ra không khó chịu lắm với lời tôi nói mà chỉ hỏi nhỏ "Tại sao?". "Anh nói thật đấy", tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Cái gọi là câu trả lời của tôi đã khiến cô ta giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi "Anh không phải là đàn ông!".

    Đêm đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau. Cô ấy khóc lóc. Tôi hiểu cô ấy muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó đưa ra được câu trả lời thỏa đáng bởi vì trái tim tôi đã nghiêng về Dew.

    Trong tâm trạng tội lỗi tột cùng, tôi thảo đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần trong công ty tôi. Nhìn lướt qua tờ đơn, cô ấy xé nó ra từng mảnh. Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Người phụ nữ chung sống với tôi suốt mười năm nay bỗng trở nên xa lạ chỉ trong một ngày. Nhưng, tôi không thể rút lại những lời đã nói.

    Cuối cùng, điều tôi mong đợi đã đến. Cô ấy òa khóc trước mặt tôi. Tiếng khóc của cô ấy thực sự là liều thuốc an thần cho tôi. Ý định ly hôn dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ đây dường như càng trở nên rõ rệt và mạnh mẽ.

    Trời khuya, tôi về nhà sau tiệc chiêu đãi khách hàng. Tôi nhìn thấy vợ tôi đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, tỉnh giấc, tôi thấy cô ấy vẫn ngồi viết. Tôi trở mình và ngủ tiếp.

    Vợ tôi đưa ra điều kiện ly hôn: Cô ấy không cần bất cứ thứ gì của tôi, nhưng tôi phải cho cô ấy thời gian một tháng trước khi chính thức ly hôn; và trong thời gian một tháng đó, chúng tôi phải sống với nhau một cuộc sống bình thường. Lý do chỉ đơn giản vì: tháng sau con trai của chúng tôi sẽ kết thúc kỳ nghỉ hè và cô ấy không muốn nó phải chứng kiến cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ.

    Cô ấy đưa cho tôi thư thỏa thuận cô ấy soạn sẵn và hỏi: "Anh còn nhớ em đã vào phòng cô dâu trong ngày cưới như thế nào không?"

    Câu hỏi này chợt làm sống tại trong tôi tất cả những kỷ niệm tuyệt vời ngày ấy. Tôi gật đầu và nói: "Anh còn nhớ".

    "Lúc đó, anh đã bế em trên đôi tay của anh", cô ấy tiếp tục, "do vậy, em có một yêu cầu là anh phải bế em ra vào ngày chúng ta ly hôn. Từ giờ đến hết tháng này, anh phải bế em từ giường ngủ đến cửa nhà mình vào mỗi sáng". Tôi mỉm cười đồng ý. Tôi biết cô ấy đang nhớ lại những chuỗi ngày ngọt ngào hạnh phúc và muốn cuộc hôn nhân của mình kết thúc lãng mạn.

    Tôi kể cho Dew nghe về điều kiện ly hôn của vợ mình. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. "Cho dù cô ta có đưa ra mánh khóe gì chăng nữa, thì vẫn phải đối mặt với kết cục ly hôn mà thôi", cô ấy nói một cách khinh bỉ. Lời nói đó của Dew ít nhiều khiến tôi cảm thấy khó chịu.

    Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi tôi có ý định ly hôn. Chúng tôi đối xử với nhau như hai người xa lạ. Vì vậy ngày đầu tiên tôi bế cô ấy, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Đứa con trai vỗ tay theo sau chúng tôi: "Cha đang ôm mẹ trên tay". Lời nói của con trẻ làm tim tôi đau nhói. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó mới đến cửa ra vào, tôi đã đi bộ trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, "Chúng ta sẽ bắt đầu từ hôm nay đừng nói gì cho con hay". Tôi gật đầu và cảm thấy chút gì đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt, còn tôi lái xe đến công ty.

    Vào ngày thứ hai, chúng tôi "diễn" dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Chúng tôi quá gần nhau đến nỗi tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của nàng. Tôi nhận ra rằng đã lâu lắm rồi tôi không nhìn kỹ người phụ nữ thân yêu của mình. Tôi nhận ra vợ tôi không còn trẻ nữa.
    Đã xuất hiện một vài nếp nhăn trên gương mặt của nàng.

    Ngày thứ ba, cô ấy thì thầm vào tai tôi: "Vườn ngoài kia đang bị xói mòn đấy. Anh cẩn thận khi đi qua đó nghe".

    Ngày thứ tư khi tôi nâng cô ấy lên, tôi có cảm giác chúng tôi vẫn còn là một đôi uyên ương khăng khít và tôi đang ôm người yêu trong vòng tay âu yếm của mình. Những tơ tưởng về Dew trở nên mờ nhạt dần.

    Đến ngày thứ năm và thứ sáu, cô ấy tiếp tục dặn dò tôi vài thứ, nào là cô ấy để chiếc áo sơ mi vừa ủi ở đâu, nào là tôi phải cẩn thận hơn trong lúc nấu nướng. Tôi đã gật đầu. Cảm giác thân thiết, gần gũi lại trở nên mạnh mẽ nhiều hơn.

    Nhưng tôi không nói với Dew về điều này. Tôi cảm thấy bế cô ấy dễ dàng hơn. Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi mạnh mẽ hơn. Tôi nói với cô ấy: "Có vẻ bế em không còn khó nữa".

    Vợ tôi đang chọn váy đi làm. Tôi thì đứng đợi để bế cô ấy. Cô ấy loay hoay một lúc nhưng vẫn không tìm ra chiếc váy nào vừa vặn cả. Rồi, cô ấy thở dài, "Mấy cái váy của em đều bị rộng ra cả rồi". Tôi mỉm cười. Nhưng đột nhiên tôi hiểu rằng thì ra cô ấy đã ốm đi nên tôi mới bế cô ấy dễ dàng, chứ không phải vì tôi mạnh khỏe hơn trước. Tôi biết vợ mình đã chôn giấu tất cả niềm cay đắng trong tim. Tôi lại cảm thấy đau đớn. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay chạm vào đầu cô ấy.

    Đúng lúc đó, thằng con chúng tôi chạy đến "Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi" - nó nói. Đối với nó, hình như nhìn thấy cha bế mẹ ra đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của nó rồi. Vợ tôi ra hiệu cho nó lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng mình sẽ thay đổi quyết định vào phút chót.

    Tôi ôm cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ qua phòng khách, qua hành lang. Tay cô ấy vòng qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, tưởng tượng như chúng tôi đang trở về ngày tân hôn. Nhưng tôi thật sự buồn vì vợ tôi đã gầy hơn xưa rất nhiều.

    Vào ngày cuối cùng, tôi thấy khó có thể cất bước khi ôm cô ấy trong vòng tay. Con trai chúng tôi đã lên trường. Vợ tôi bảo: "Thực ra, em mong anh sẽ ôm em trong tay đến khi nào chúng ta già". Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói: "Cả em và anh đã không nhận ra rằng cuộc sống của chúng mình từ lâu đã thiếu vắng quá nhiều những thân mật, gần gũi".

    Tôi phóng ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi ý. Tôi bước lên tàu. Dew ra mở cửa. Tôi nói với cô ấy: "Xin lỗi, Dew, anh không thể ly hôn. Anh nói thật đấy".
    Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi. Sau đó, Dew sờ trán tôi. "Anh không bị sốt chứ", cô ấy hỏi. Tôi gỡ tay cô ấy ra. "Dew, anh xin lỗi", tôi nói. "Anh chỉ có thể xin lỗi em. Anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ tẻ nhạt vì cô ấy và anh không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ trong cuộc sống lứa đôi, chứ không phải bởi vì anh và cô ấy không còn yêu nhau nữa. Bây giờ, anh hiểu rằng bởi anh đưa cô ấy về nhà, bởi cô ấy đã sinh cho anh một đứa con, nên anh phải giữ cô ấy đến suốt đời. Vì vậy anh phải nói xin lỗi với em".

    Dew như choàng tỉnh. Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và khóc nức nở. Tôi xuống cầu thang và lái xe đến thẳng công ty.

    Khi đi ngang tiệm hoa bên đường, tôi đặt một lẵng hoa mà vợ tôi yêu thích. Cô bán hàng hỏi tôi muốn viết lời chúc gì vào tấm thiệp. Tôi mỉm cười và viết "Anh sẽ bế em ra, vào mỗi sáng cho đến khi chúng ta già".

  11. Thành viên Like bài viết này:


  12. #7
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts
    "NẾu MuỐn Ly HÔn, HÃy BẾ Em Ra KhỎi CuỘc ĐỜi Anh"
    Truyện này hay và lãng mạn quá! Nó mà trở thành kịch bản phim thì hay lắm nhỉ?
    Cám ơn ivyinlove đã post câu chuyện này!
    Không đi làm sao tới.

  13. #8
    Tham gia
    02-12-2003
    Bài viết
    880
    Like
    0
    Thanked 140 Times in 53 Posts

    Nói nhỏ nè ! Tên của một tác phẩm !

    Có những tác phẩm, sau một thời gian dài chỉ còn đọng lại cái tên trong ký ức:
    * Sân ga chỉ có 2 người.
    * Mát xcơ va không tin những giọt nước mắt.
    * Trăm năm cô đơn.
    * Một mùa hè vắng tiếng chim.
    * Mưa trên cây sầu đông.
    * Người ơi người.
    * Tất cả những con sông đều chảy.
    * ...
    Lại có những tác phẩm vì một lý do nào đó có đến 2 tên, để người đọc "bâng khuâng" lựa chọn:
    * Nỗi buồn chiến tranh - Thân phận tình yêu.
    * Những con chim ẩn mình chờ chết - Tiếng chim hót trong bụi mận gai.
    *...
    Dài dòng như trên để chỉ muốn nói rằng, kể từ nay trong tiềm thức của mình, tôi có thêm một tên truyện:
    Nếu muốn ly hôn, hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh.
    Được sửa bởi ThichNuDiuHien lúc 08:55 ngày 13-12-2005

  14. #9
    Tham gia
    05-03-2005
    Bài viết
    33
    Like
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    Quote Được gửi bởi ips
    Truyện này đọc lâu rồi, hình như từ năm 1976, không nhớ tựa cũng như tác giả, có thể là của O'Henry, tóm lược nhé:
    QUÀ GIÁNG SINH
    Họ là cặp vợ chồng trẻ, rất thương yêu nhau, nhưng sống rất cơ cực, cả hai đều là công nhân nghèo, cuộc sống thiếu thốn mọi bề....
    Em đọc truyện này hồi còn nhỏ xíu (lúc đó chẳng hiểu). nhưng em nhớ cái tựa nên sợt ra được nè
    Quà tặng của những nhà thông thái.
    http://67.19.249.149/truyen/noidung....q6640z6Q%3D%3D

    Cám ơn bác Thích nữ đã tạo ra chủ đề này, và cả truyện của bác nữa chứ!

  15. #10
    Tham gia
    27-10-2005
    Bài viết
    3,372
    Like
    146
    Thanked 2,383 Times in 512 Posts

    Thông tin Tuyệt bút của người con hiếu thảo

    TUYỆT BÚT CỦA NGƯỜI CON HIẾU THẢO

    Cố Hân, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ở Bắc Kinh năm ngoái. Giã từ quê nhà, một trang trại nhỏ ở Giai Mộc Tư, thành phố phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, anh lên thủ đô với bao giấc mơ ấp ủ: làm việc thật tốt, mua nhà, mua xe, rước cha mẹ lên phụng dưỡng.


    Nhưng những giấc mơ ấy không bao giờ thành sự thật. Tháng năm năm nay, anh phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Cha mẹ anh phải bán nhà, vay mượn để chữa trị cho con và đang mang nợ 200.000 NDT (tương đương 24.660 USD).

    Ra đi, Hân không chút băn khoăn về số phận mình, nhưng không đành lòng nhìn cha mẹ già ở lại kiệt lực, trắng tay, không nơi nương tựa. Cố Hân không còn cách nào khác ngoài ký thác cha mẹ già cho lòng từ tâm của mọi người. Anh để lại một tuyệt bút.

    Ba giờ sau khi lời kêu gọi của Cố Hân được phát lên mạng, anh đã từ trần (25-11). Những lời trăng trối của Cố Hân đã lay động lòng trắc ẩn của công luận Trung Quốc. Theo nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh, chỉ trong 10 ngày đã có 75.000 người hưởng ứng lời kêu gọi, sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ anh để anh hoàn thành tâm nguyện cuối đời.

    Xung quanh câu chuyện của người con hiếu thảo này còn có nhiều chi tiết làm người khác xúc động. Bạn bè của Cố Hân cho biết anh dự định viết 50 bức thư gửi cho cha mẹ để họ có thể đọc trong suốt cuộc đời còn lại, như thể anh vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Nhưng quĩ thời gian của anh quá ngắn...

    Quote Được gửi bởi TTO
    Hãy cứu giúp cha mẹ tôi!

    "Khi viết những dòng này, tôi biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều. Nếu tôi là một ông cụ 80, con cháu đầy đàn, có lẽ tôi sẽ mỉm cười rời khỏi thế gian này. Tuy nhiên, tôi không cười nổi: tôi chỉ mới 22 tuổi.

    Cơn ác mộng bắt đầu vào cái ngày định mệnh 8-5-2005, khi tôi được chẩn đoán ung thư máu.

    Đời người thật không công bằng. Tại sao mọi điều xui xẻo lại đổ ập lên đầu tôi? Chính cha mẹ tôi đã cho tôi niềm tin để chiến đấu với bệnh tật. Họ ba lần về quê thu xếp tiền bạc, bán đi căn nhà duy nhất, cầm 300.000 NDT giúp tôi ổn định bệnh tình trong năm tháng.

    Đối với những công nhân bị giảm biên chế ở nông trường như cha mẹ tôi thì đây là điều không tưởng. Vậy mà chính họ giúp tôi có thêm niềm tin vào sự sống. Lúc ấy tôi có một suy nghĩ rất ích kỷ, cố chấp, bằng bất cứ giá nào nhất định phải sống.

    Nhưng khi bệnh tình trở nặng vào tháng mười một, tế bào ung thư tăng đến 80%, sốt cao 40OC liên tục không giảm, miệng bắt đầu lở loét, mỗi ngày phải đối diện với số tiền viện phí, thuốc men từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn NDT, nhìn vẻ mặt lo lắng, mệt nhọc của cha mẹ, tôi hiểu ra rằng cái chết đã gần kề.

    Thế nhưng, cha mẹ tôi vẫn chưa chịu buông xuôi, họ yêu cầu hiến thận hay bán bất cứ cơ quan nội tạng nào cho bệnh viện để kiếm tiền ghép tủy cho tôi. Tuy nhiên, khi tế bào ung thư chưa được khống chế thì không thể nào tiến hành phẫu thuật ghép tủy, mà cho dù có ghép tủy thì chi phí chóng mặt để hóa trị, phẫu thuật cũng đủ khiến chúng tôi chùn bước.

    Hằng ngày, tôi đều rất thích nghe bài hát Hít thở sâu của ban nhạc Vũ Tuyền, viết những lời an ủi cha mẹ trên quyển tập nhật ký. “Rồi con sẽ khỏi bệnh, sẽ cùng cha mẹ hít thở bầu không khí trong lành dưới ánh ban mai”. Hằng đêm tôi đều phải giả bộ thiếp đi để cha mẹ bên cạnh có thể đi nghỉ sớm. Tôi len lén hé mắt nhìn khuôn mặt thân quen nhưng tiều tụy của họ mà lòng đau như cắt, không nén nổi những dòng nước mắt chực trào.

    Tôi biết rằng trên thế gian này người bất hạnh không chỉ là tôi. Tôi đã thông suốt giữa sự sống và cái chết nên không còn cảm thấy tiếc nuối. Chỉ có điều nhớ ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ, trong lòng cứ ray rứt mãi. Nếu không có tôi họ sẽ sống ra sao?

    Cha mẹ vì tôi mà khổ suốt cả cuộc đời, tôi không nỡ rời xa thế gian này, tôi còn phải báo hiếu, tôi còn phải phụng dưỡng tuổi già của họ. Những dòng suy nghĩ đó cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi, xuất hiện cả trong những giấc mơ của tôi.

    Ai sẽ giúp đỡ cha mẹ tôi, để họ có một cuộc sống không phải lo lắng chật vật vì món nợ có lẽ mấy đời vẫn chưa trả hết? Nhà cửa không còn, họ sẽ sống ở đâu? Họ không còn việc làm, chẳng lẽ họ phải đi ăn xin, lượm rác, sống đầu đường xó chợ hay sao? Nếu quả đúng như vậy chẳng thà tôi chết sớm còn hơn, dẫu biết rằng nếu cha mẹ tôi đọc được sẽ rất đau lòng. Nhưng tôi thật sự rất tiếc.

    Ngay lúc này đây tôi cũng không mong được sống, dẫu biết rằng khi không có tôi, cha mẹ tôi cũng không thể có một cuộc sống thật sự vui vẻ. Nhưng tôi chỉ hi vọng cha mẹ tôi có thể khỏe khoắn sống vui vẻ hết tuổi già. Một khi rời khỏi thế gian này tôi sẽ nói với họ: chúc họ sống tốt, để có thể đến nhìn mặt tôi vào ngày giỗ hằng năm của tôi.

    Vì vậy, khó khăn lắm tôi mới viết ra những dòng này. Cầu xin mọi người hãy cứu giúp cha mẹ tôi".
    CẢNH CHÁNH - THANH TRÚC (Theo soufun.com, China Daily)

    Em đọc câu chuyện này thấy hay và post lên đây vì nghĩ nó cùng chủ đề và vì ko muốn spam thread
    Không đi làm sao tới.

Trang 1 / 30 12346 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •