Một vài lần lãng đãng. Tôi vô tình được nghe lại những dòng nhạc tha thiết, nhẹ nhàng, đầm ấm, quyến rũ. Với những cái tên dường như đã đi vào dĩ vãng: Thanh Tuyền, Nhật Trường, Giao Linh, Duy Khánh, Thanh Phong, Thiên trang, sơn tuyền ,Phương Hồng quế,Hồng trúc...
Nói như Bẹc . Thì họ - Những người ca sĩ ấy "Bằng tuổi má em..!". Tiếng ca ấy thấm sâu vào lòng người, đi qua biết bao thế hệ. Mặc dù lắm lúc cũng bị ruồng bỏ, chà đạp nhưng rồi lại được đón nhận như món quà tinh thần đáng trân trọng dành cho con người.
Có khập khiễng lắm không nếu một người trẻ như tôi "bàn" về nhạc Xưa? khi những bản tình ca ấy chỉ nghe bập bõm qua máy cassette của bác bán cafe đầu đường. Có "mạo hiểm" lắm không khi mỗi lần nghe đến dòng nhạc này, người ta lại liên tưởng đến Chánh chị chánh em. Có lẽ, tôi nghe bằng trái tim, sự đồng cảm và suy tư của một người mới vào đời. Chút hoài niệm về quá khứ và rung động khi bước vào yêu. Tôi nghe say đắm và thấy tim mình lặng đi theo từng cung bậc của lời ca tiếng hát.
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa. Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?... Điệu Valse nhẹ nhàng như bước chân cô gái tuổi đôi tám dưới hàng me xanh, tay thẹn thùng trong tay cố dấu đi sự thẹn thùng chực ửng lên khuôn mặt
Trả lại em yêu con đường học trò,
Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá.
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó,
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt.
( Nhạc Sĩ Phạm Duy)
Không biết bao nhiêu Thi Sĩ, nhạc sĩ đã dùng hình ảnh này để tả lại hình ảnh đôi trai gái yêu nhau. Chia xa trong mùa hạ cuối cùng của đời học sinh. Con đường Duy Tân, Cây dài bóng mát đi vào nhạc một cách tự nhiên và nhẹ nhàng như làn sương lãng đãng hiếm hoi của buổi sáng Sài Gòn.
Buổi chia tay của chàng trai ra chiến trận. Thiết tha và lưu luyến. Bông hoa cài trên tóc, chiếc khăn mùi xoa, lá thư gấp tư còn thơm giấy học trò.
Đơn giản, thật đơn giản như điệu Slowrock, bolero, Rhumba, Valse ... sao cứ ngấm, ngấm , ngấm day dứt. Cứ như nghe đâu đây lời Hẹn trở về. Lời thề son sắt.
Anh ơi! Ngày gặp gỡ bên dãy đồi.Rồi tình thắm qua làn môi.Vương vấn bao ngày trôi.Thương nhớ bao giờ nguôi
Qua những chiều Đông
Thơm ngát tình nồng
Bên dãy đồi thông
Mộng vàng chung bóng
Em vẫn chờ mong (Chờ Anh Bên Đồi)
hay những lần tẩn mẩn lang thang đâu đó trong Sài Gòn. Từ Nguyễn Hòang về Hồng Thập Tự, Chạy qua đường Duy Tân. Chạy ngang trường Gia Long hay Petrus Ký. Lại gặp đâu đấy vài anh chàng si tình đi trồng cây si. Để rồi..
..Người đi đi ngoài phố, chiều bỡ ngỡ bơ vơ
Người đi đi ngoài phố, mấy dấu chân lạc loài
Hình bóng cũ người yêu ơi
Còn đâu, còn đâu? Tình duyên đã lỡ làng
(Anh Việt Thu)
Tôi sinh sau ngày đất nước thống nhất. Chưa từng trải qua bom đạn hay những buổi chia ly đẫm nước mắt. Tôi chỉ cảm nhận âm nhạc bằng điều bình thường nhất của một con người. 12 tuổi, tôi hát "Rừng lá thấp" một cách hồn nhiên. Bị ông hàng xóm qua nhà mắng vốn là con nhà mất dạy!! Thế là bố làm cho tôi một trận ra trò. Cấm tiệt cái thứ nhạc ấy. Tôi ấm ức mà không biết tại sao. Cho đến ngày bác Tư đầu đường bị ai đó lấy mất cái máy nghe nhạc cỗ lỗ sỉ mà tôi thường nghe. Rồi thuộc bập bõm..
Nhưng rồi cái "máu nghệ sĩ" nó cứ ngân nga đâu đó trong từng ngóc ngách của tâm hồn. Lại tìm nghe Ba Tháng Tạ Từ - Thanh Tuyền,Tâm Sự Nàng Buram - Giao Linh,Nước Cuốn Hoa Trôi - Giao Linh,Niềm Đau Dĩ Vãng - Nhật Truờng
Xin Thời Gian Qua Mau - Thanh Tuyền,Trên Nhịp Cầu Tre - Thanh Tuyền,Người Lữ Khách - Thanh Tuyền,Người Tình Không Đến - Giao Linh
Nhìn Nhau Lần Cuối - Nhật Trường,Nhớ Người Thương Binh - Thanh Tuyền,Ru Ta,Một Mình - Thanh Tuyền,Phiên Gác Đêm Xuân - Elvis Phương,Cho Một Người Nằm Xuống - Duy Khánh, hay Mộng Thường... Rồi lại bị đét xưng cả mông
Thế rồi cuộc sống cứ tiếp diễn, Tôi lớn lên giữa một xóm nghèo và thanh bình. Tối tối, sau buổi đồng áng. Các anh lớn lại quây quần với nhau những đêm trăng sáng. Ôm đàn guitar hát những ca khúc in bằng những chất liệu vàng khè, cũ mèm như mớ giấy vụn. Những nốt nhạc chi chít nhảy lên nhảy xuống liên tu bất tận dưới ánh trăng.
Dần đà, dòng nhạc tôi yêu được xếp vào Nhạc Sến. hơ, ừ thì nhạc Sến. Cứ hễ Bolero là Sến. Và bỗng rợn người khi có một số giọng ca nam không ra nam, nữ không ra nữ cứ hát nhạc Bolero những năm 90 . Nghe mà cứ như nhai phải một cái gì đó tởm lợm.
Băng cassette, đĩa than đã được thay bằng Đĩa CD, file... bán đầy các shop và chỉ cần google là tìm được ngay những bài hát mà mình yêu thích. Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lam Phương, Tú Nhi (một bút hiệu của Chế Linh), Song Ngọc, Lê Dinh, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng...đến gần hơn với những người yêu mến "Nhạc Xưa". Bao nhiêu năm cách trở, giá trị của những giai điệu ấy vẫn không mất đi cái hồn cần thiết để đi vào tâm hồn người nghe.
Muốn viết thật nhiều, muốn đưa ra các dòng nhạc mình yêu mến. chỉ e chỉ là "múa rìu qua mắt thợ". có thể nào cảm được những dòng nhạc này hơn các bậc tiền bối vô tình ghé qua topic này. Bac TOM, Bác Dê, Bác Thích, Bác Khôi, Bác Người Lộn Tuổi, Bác Co Loa... hay những người cùng trang lứa : Tong Nghien, TD,Ác Ma ...
Có ai đó kể cho tôi thêm nữa về những tiếng hát , lời ca…???!!!
Bookmarks