Trang 2 / 14 FirstFirst 123457 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 11 đến 20 / 131

Chủ đề: Quán văn chương !

  1. #11
    Tham gia
    19-12-2003
    Location
    Trác Quận
    Bài viết
    1,003
    Like
    1
    Thanked 2 Times in 2 Posts
    Quote Được gửi bởi thagnv View Post
    Thầy Thích chơi trò này khó quá à...
    Thầy Thích chết rồi, âm binh đó mày ơi

  2. #12
    Tham gia
    14-05-2008
    Bài viết
    437
    Like
    3
    Thanked 65 Times in 33 Posts
    Chú Bỉnh: Dân bán sách có khác, nhận đúng 100 "mạng" cháu đía được bên Talawas! Khâm phục khâm phục! Nhưng chú dẹp quán của ông thầy luôn rồi! Sau biết lấy gì bán với buôn?!

    Cám ơn ông Thầy đã cho tiểu dân cái hạnh dịp được tái kiến với những người một cõi, những kẻ một thời. Nếu không vì cái thread này khơi lại thì có lẽ tiểu dân sẽ vĩnh viễn mất đi một phần ký ức quý giá. Ngồi đoán ... mò, dù trúng hay trật ... lất cũng có cái thú của nó. Dưng không lại có dịp ngồi vắt óc nhớ lại những tác phẩm, những câu thơ xưa cũ, dưng không lại có dịp tìm về xúc cảm một thời đi học, cái thời lần đầu được biết thế nào là văn học đỉnh cao, cái thời mỗi khi lần giở 1 trang sách là tựa hồ như đứa trẻ đi lạc vào một thế giới khác, thế giới của những bức ảnh trắng đen hoen ố, thế giới của những dì những thím với áo dài chẽn eo, thế giới của ngựa xe và những chiếc ô tô kiểu thực dân cũ kỹ, của những con đường vắng, những tán cây, thế giới của muỗi vắt cơm rừng, thế giới của dòng lưu giang lấp lánh dưới ánh trăng, thế giới của những người về đất mà hồn bất tử cùng sông cùng núi, thế giới của tấn trò hỉ nộ ái ố vừa đáng thương vừa đáng hận. Cám ơn ông Thầy.
    Tác phẩm số 6 tiểu dân đoán trật lất, mới đọc qua mấy câu
    Vang bóng một thời đâu dễ quên
    Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
    tưởng tác giả tả nữ sỹ Hà Huyền Chi với tác phẩm "Thuyền viễn xứ" sau được Phạm Duy phổ nhạc, tiếng thơ, lời ca ai oán, thì thầm mà cao vút lên xé toạc cả không gian, nhẹ nhàng mà như buộc lòng người bằng ... đá tảng . Dù đoán trật nhưng thật không uổng phí vì dưng không tiểu dân lại được tìm về "lối" cũ, lối miên man hoài niệm cùng một Đà Giang mịt mù sương khói:

    Lên khơi sương khói một chiều
    Thùy dương rũ bóng tiêu điều ven sông
    Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
    Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
    Có thuyền viễn xứ Đà Giang
    Một lần giạt bến qua ngàn lau thưa
    Hò ơi tiếng hát ngàn xưa
    Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
    Đường về cố lý xa xôi
    Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời hoang mang
    ...
    Chiều nay trên bến muôn phương
    Có thuyền viễn xứ lên đường lại đi

    Cám ơn ông Thày.

  3. #13
    Tham gia
    12-12-2007
    Bài viết
    485
    Like
    266
    Thanked 9 Times in 9 Posts
    Hic! Đụng tới văn chương thấy mọi người ... vãi dễ dàng quá nhỉ! Chẳng bù cho mình. Rặn mãi chẳng ra!

  4. #14
    Tham gia
    14-05-2008
    Bài viết
    437
    Like
    3
    Thanked 65 Times in 33 Posts
    Gạo tấm đã bán hết rồi, một mình chú Bỉnh Són mua hết trơn hết láng, giờ còn gạo Tài Nguyên Chợ Đào, đem ra bán nốt! (Chú Bỉnh Són, chú mở quán cơm hồi nào sao hông cho ai hay hết trơn dạ?)

    Mỗi một bài thơ đặc tả trong 99 bài thơ trên, tác giả Xuân Sách đều đề cập đến (những) tác phẩm để đời của người được tả. Tiểu Dân do yếu tố khách quan (rời VN từ bậc phổ thông) và yếu tố chủ quan (lười ) mà chỉ nhận ra lõm bõm có vài tác phẩm. Thiết nghĩ các tác phẩm đó đều là các tác phẩm lớn, đáng để tìm đọc nên nếu ai nhận ra các tác phẩm được đề cập đến, xin vui lòng cho mọi người cùng biết.

    Tiểu Dân mở hàng bài thơ đầu tiên:
    1. Bài đặc tả Hồ Phương đã dùng các tác phẩm: Trên Biển Lớn, Xóm Mới, Cỏ Non, và tác phẩm đầu tay Thư Nhà (... theo talawas ).

  5. #15
    Tham gia
    21-05-2008
    Location
    Chân trời rộng mở. Ngủ đâu là nhà, ngã đâu là giường ..z..Z..z..
    Bài viết
    1,193
    Like
    0
    Thanked 6 Times in 5 Posts
    99 bài thơ, dài quá
    Được sửa bởi thagnv lúc 14:02 ngày 05-07-2008 Reason: Dài quá thì khỏi cần quote nhá bác!

  6. #16
    Tham gia
    25-06-2008
    Bài viết
    49
    Like
    0
    Thanked 4 Times in 2 Posts

    Hấp dẫn đây !

    Quote Được gửi bởi tiểu dân View Post
    ai nhận ra các tác phẩm được đề cập đến, xin vui lòng cho mọi người cùng biết.
    Một vài truyện đã đọc, một vài câu đã xem và một vài từ đã nghe, vừa đủ để nhận ra... một vài tác giả:

    3. Tô Hoài
    Dế mèn (phiêu lưu ký) lưu lạc mười năm
    Để o chuột phải ôm cầm thuyền ai
    Miền Tây sen đã tàn phai
    Trăng thề một mảnh lạnh ngoài đảo hoang.

    4. Nguyên Hồng
    Bỉ vỏ một thời oanh liệt nhỉ
    Sóng gầm sông Lấp mấy ai hay
    Cơn bão đến động rừng Yên Thế
    Con hổ già uống rượu giả vờ say.

    5. Nguyễn Công Hoan
    Bác Kép Tư Bền rõ đến vui
    Bởi còn tranh sáng bác nhầm thôi
    Bới tung đống rác (cũ) nên trời phạt
    Trời phạt chưa xong bác đã cười.

    6. Nguyễn Tuân
    Vang bóng một thời đâu dễ quên
    Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
    Chén rượu tình rừng cay đắng lắm
    Tờ hoa lại trút lệ ưu phiền.

    10. Chế Lan Viên
    Điêu tàn ư? Đâu chỉ có điêu tàn
    Ta nghĩ tới vàng sao từ thuở ấy
    (Trường ca) Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy
    Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa

    Thay đổi cả cơn mơ
    Ai dám bảo con tầu không mộng tưởng
    Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
    Lòng ta cũng như tầu, ta cũng uống
    Mặt anh em trong suối cạn hội nhà văn

    13. Tú Mỡ
    Một nắm xương khô cũng gọi mỡ
    Quanh năm múa bút để mua vui
    Tưởng cụ vẫn bơi dòng nước ngược
    Nào ngờ trở gió lại trôi xuôi.

    14. Đồ Phồn
    Phất rồi ông mới ăn khao
    Thơ ngang chạy dọc bán rao một thời
    Ông đồ phấn, ông đồ vôi
    Bao giờ xé xác để tôi ăn mừng.

    15.Hoài Thanh
    Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
    Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
    Thi nhân (Việt Nam) còn một chút duyên
    Lại vò cho nát lại lèn cho đau
    Bình thơ tới thuở bạc đầu
    Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
    Giật mình mình lại thương mình
    Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.

    17. Hữu Mai
    Hỏng đôi mắt phải đâu là mất hết
    Trong cặp còn hồ sơ (một)điệp viên
    Ông cố vấn chẳng sợ gì cái chết
    Cao điểm cuối cùng quyết chí xông lên.

    20. Phạm Tiến Duật
    Trường Sơn đông em đi hái măng
    Trường Sơn tây anh làm thơ cho lính
    Đời có lúc bay lên vầng trăng
    Lại rơi xuống chiếc xe không kính
    Thế đấy! Giữa chiến trường
    Nghe tiếng bom cũng mạnh!

    23. Nguyễn Bính
    Hai lần lỡ bước sang ngang
    Thương con bướm đậu trên dàn mồng tơi
    Trăm hoa thân rã cánh rời
    Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ.
    Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn...Tôi chiêm bao rất nhẹ ngàng/có con bướm trắng thường sang bên nàng...
    25. Nguyên Ngọc
    Mấy lần đất nước đứng lên
    Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm
    Hại thay một mạch nước ngầm
    Cuốn trôi Đất Quảng lẫn rừng Xà Nu.

    27. Quang Dũng
    “Sông Mã xa rồi tây tiến ơi...”
    Về làm xiếc khỉ với đời thôi
    Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm
    Sống tạm cho qua một kiếp người.

    “Áo sờn thay chiếu anh về đất”
    Mây đầu ô trắng, Ba Vì xanh
    Gửi hồn theo mộng về tây tiến
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

    29. Nguyễn Khải
    Cha và con... và họ hàng và...
    Hết bay mùa thóc lẫn mùa lạc
    Cho nên chiến sĩ thiếu lương ăn
    Họ sống chiến đấu càng khó khăn
    Tháng ba ở Tây Nguyên đỏ lửa
    Tháng tư lại đi xa hơn nữa
    Đường đi ra đảo đường trong mây
    Những người trở về mấy ai hay
    Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt
    Muốn làm cách mạng nhưng lại dát!

    30. Hoàng Trung Thông
    Đường chúng ta đi trong gió lửa
    Còn mơ chi tới những cánh buồm
    Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất
    Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm.
    ...Bàn tay ta làm nên tất cả/với sức người sỏi đá cũng thành cơm
    31. Chính Hữu
    Tấm áo hào hoa bạc gió mưa
    Anh thành (tình) đồng chí tự bao giờ
    Trăng còn một mảnh treo đầu súng
    Cái ghế quan trường giết chết thơ.

    35. Nam Cao
    Em còn đôi mắt ngây thơ
    Sống mòn mà vẫn đợi chờ tương lai
    Thương cho thị Nở ngày nay
    Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo!

    37. Lưu Trọng Lư
    Em không nghe mùa thu
    Mùa thu chỉ có lá
    Em không nghe rừng thu
    Rừng mưa to gió cả
    Em thích nghe mùa xuân
    Con nai vàng ngơ ngác
    Nó ca bài cải lương.

    43. Anh Đức
    Chị Tư Hậu đẻ ra anh
    Ví như hòn đất nặn thành đứa con
    Biển xa gió dập sóng dồn
    Đất tan thành đất chỉ còn giấc mơ.

    45. Vũ Trọng Phụng
    Đã đi qua một thời giông tố
    Qua một thời cơm thầy cơm cô
    Còn để lại những thằng Xuân tóc đỏ
    Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ.

    48. Nguyễn Quang Sáng
    Ông năm Hạng trở về đất lửa
    Với chiếc lược ngà vượt Trường Sơn
    Bỗng mùa gió chướng vừa nổi dậy
    Ông biến thành thằng nộm hình rơm.

    53. Phan Tứ
    Biên kia biên giới anh sang
    Trước giờ nổ súng về làng làm chi
    Mẫn và tôi tính chi li
    Gia đình má Bảy lấy gì nuôi anh.

    57. Võ Huy Tâm
    Đem than từ vùng mỏ
    Về bán tận thủ đô
    Bị đập chiếc cán búa
    Hoá ra thằng ngẩn ngơ.

    60. Nguyễn Minh Châu
    Cửa sông cất tiếng chào đời
    Rồi ra đi những vùng trời khác nhau
    Dấu chân người lính in mau
    Qua miền cháy với cỏ lau bời bời
    Đọc lời ai điếu một thời
    Tan phiên chợ Giát hồn người về đâu?

    62. Giang Nam
    Xưa tôi yêu quê hương vì có chim có bướm
    Có những ngày trốn học bị đòn roi

    Nay tôi yêu quê hương vì có ô che nắng
    Có ghế ngồi viết những điệu thơ vui.

    69. Tố Hữu
    Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
    Mắt trông về tám hướng phía trời xa
    Chân dép lốp bay vào vũ trụ
    Khi trở về ta lại là ta

    Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
    Trông về Việt Bắc tít mù mây
    Nhà càng lộng gió (lộng) thơ càng nhạt
    Máu ở chiến trường hoa ở đây.

    70. Dương Thu Hương
    Tay em cầm bông bần li
    Bờ cây đỏ thắm làm chi não lòng
    Chuyện tình kể trước rạng đông
    Hoàng hôn (Bên kia bờ) ảo vọng vẫn không tới bờ
    (Những)Thiên đường thì quá mờ
    Vĩ nhân tỉnh lẻ vật vờ bóng ma
    Hành trình (thời) thơ ấu đã qua
    Hỡi người hàng xóm còn ta với mình.

    72. Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng)
    Ván bài lật ngửa tênh hênh
    Con đường thiên lí gập gềnh mãi thôi
    Thay tên đổi họ mấy hồi
    Vẫn chưa tới được chân trời mộng mơ.

    74. Nguyễn Mạnh Tuấn
    Anh đã đứng trước biển
    Cù Lao Chàm kia rồi
    Nhưng (những)khoảng cách còn lại
    Xa vời lắm anh ơi.

    77. Lê Lựu
    Người về đồng cói người ơi
    Phía ấy mặt trời mọc lại
    Một thời xa vắng, xa rồi
    Phủ Khoái xin tương oai oái

    Ở đời gặp may hơn khôn
    Nào ai dám ghen dám cãi
    Người đã đi Mĩ hai lần
    Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

    79. Hữu Loan
    Ôi màu tím hoa sim
    Nhuộm tím cuộc đời dài đến thế
    Cho đến khi tóc bạc da mồi
    Chưa làm được nhà
    còn bận làm người
    Ngoảnh lại ba mươi năm
    Tím mấy ngàn chiều hoang biền biệt.

    82. Lưu Quang Vũ
    Cũng muốn tin vào hoa hồng
    Tin vào điều không thể mất
    Cả tôi và cả chúng ta
    Đứng trong đầm lầy mà hát

    Ông không phải là bố tôi
    Con chim sâm cầm đã chết
    Ông không phải là bố tôi
    Con chim sâm cầm ai giết!

    85. Văn Cao
    Thiên thai từ giã về dương thế
    Nhắc chi ngày ấy buồn lòng ta
    Sân đình ngất ngưởng ngôi tiên chỉ
    Uống rượu say rồi hát quốc ca.

    86. Ma Văn Kháng
    Khi về xuôi anh mang theo
    đồng bạc trắng hoa xoè
    Với một mối tình sơn cước
    Mùa lá rụng trong vườn
    năm này qua năm khác
    Đám cưới vẫn không thành
    vì giấy giá thú chửa làm xong.

    88. Hồ Dzếnh
    Biết mấy mươi chiều khói thuốc bay
    Quê nhà vạn dặm khuất trùng mây
    Lui về kí ức chân trời cũ
    Uống chén rượu buồn không dám say.

    90. Phạm Thị Hoài
    Dẫu chín bỏ làm mười
    hay mười hai cũng mặc
    Chẳng ai dung thiên sứ đất này
    Dụ đồng đội vào trong mê lộ
    Rồi bỏ đi du hí đến năm ngày.

    92. Trần Dần
    Người người lớp lớp
    xông ra trận
    Cờ đỏ
    mưa sa
    suốt dặm dài
    Mở đột phá khẩu
    tiến lên
    nhất định thắng
    Lô cốt mấy tầng
    đè nát vai
    Dẫu sông núi cỏ cây làm chứng
    Hồn vẫn treo trên
    Vọng hải đài.

    94. Bùi Minh Quốc
    Tuổi hai mươi xung phong lên Tây bắc
    Nguyện hi sinh chiến đấu dưới cờ
    Lại xung phong vào Nam đánh giặc
    Với bà mẹ đào hầm đầu bạc phơ phơ

    Hoà bình rồi tiến lên đổi mới
    Bất ngờ ngã ngựa chốn non cao
    Dẫu nhiều lần bị lừa như thế
    Thì cuộc đời vẫn đẹp sao
    Tình yêu vẫn đẹp sao
    !

    97. Phan Thị Thanh Nhàn
    Giấu một chùm thơ trong chiếc khăn tay
    Em hăm hở đi tìm người trao tặng
    Những kẻ phong lưu, những tên du đãng
    Mấy ai biết được hương thầm của cô gái xóm đê.

    98. Xuân Quỳnh
    Chú dế góc sân hồn nhiên ca hát
    Hát thành thơ như nước triều lên
    Khi khôn lớn lại hồn nhiên đi giữa
    Biển một bên và em một bên.

  7. #17
    Tham gia
    25-06-2008
    Bài viết
    49
    Like
    0
    Thanked 4 Times in 2 Posts

    Hạnh phúc

    Số phận của ‘Chân dung Nhà văn’


    Xuân Sách, người qua đời tại Hà Nội tối 2-6, đạt thành tựu trong cả văn xuôi và thơ trữ tình nhưng nổi tiếng nhất với tập ‘Chân dung nhà văn’.
    Đó là 99 ký họa nhà văn (cùng một bài tự họa) lột tả thần thái của nhiều trong số tác giả quan trọng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.
    Xuân Sách dùng chính các tên bài hay câu thơ, tác phẩm văn, kịch nổi tiếng nhất của các đồng nghiệp để dựng chân dung của họ.

    Đường đi của tác phẩm
    Tập thơ này được in năm 1992 và gây ra tranh cãi rất lớn.
    Nhà văn Hoàng Lại Giang, khi đó là Trưởng chi nhánh NXB Văn học ở TP. HCM, kể lại với tư cách người tham gia xuất bản tập thơ.
    “Chân dung Nhà văn bắt đầu từ băng ghi âm của Tướng Trần Độ. Anh Trần Độ về Vũng Tàu gặp và muốn nghe Chân dung qua giọng đọc của anh Xuân Sách. Ông ghi lại toàn bộ nội dung vào một cuốn băng.”
    Sau khi được nghe cuốn băng, ông Hoàng Lại Giang đặt vấn đề với Xuân Sách là sẽ cho in thành tác phẩm. Ông Giang lại nói chuyện với ông Lữ Huy Nguyên, Giám đốc NXB Văn học, và cuốn sách được in xong chỉ trong thời gian một tuần, với số lượng 3000 bản.
    Ông Hoàng Lại Giang kể tiếp: “In xong thì phản ứng của nhà văn rất lớn, và đấy là điều tôi không ngờ đến.”

    “Những nhà văn lớn có bản lĩnh, họ chịu đựng nổi, im lặng. Nhưng những nhà văn tầm tầm, lồng lộn, rất gay gắt yêu cầu Bộ Văn hóa kiểm điểm và thu hồi.”

    Phần thơ mô tả các quan chức trong giới văn nghệ Việt Nam từ ông Tố Hữu đến Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi đã làm dư luận chú ý.
    Bài về Lưu Quang Vũ đặt cả câu hỏi cái chết bất ngờ khi còn trẻ của đạo diễn sân khấu: "Ông không phải là bố tôi, Con chim sâm cầm ai giết! "

    Một cuộc họp của Bộ Văn hóa diễn ra, với năm đại diện: Ba thứ trưởng (Phan Hiền, Huy Cận, và Nông Quốc Chấn), đại diện Hội Nhà văn Vũ Tú Nam, cùng Giám đốc NXB Văn học Lữ Huy Nguyên.

    Buổi tối trước ngày họp, ông Giang nói với ông Nguyên rằng việc xuất bản cuốn sách là trách nhiệm của ông, thì để ông “chịu tội”. Ông Nguyên không chịu: “Tôi không thể làm như thế.”
    Dừng lại một lúc, ông Nguyên nói: “Tôi biết ông thân với anh Huy Cận và anh Huy Cận cũng rất quý ông. Nếu ông thuyết phục anh Huy Cận ủng hộ thì chúng ta sẽ thoát được khi bên ta được ba phiếu bên chống ta còn lại hai phiếu".
    Ông Giang gọi điện thoại ra cho nhà thơ Huy Cận. “Anh rầy tôi cũng dữ, nhưng cuối cùng anh bảo thôi được, để anh tìm cách giúp.”

    Kết quả tại phiên họp, có ba người không phản ứng mạnh, “chiều lòng” Hội Nhà văn bằng quyết định niêm phong số bản in còn lại, nhưng không thu hồi.

    Nhân cách nhà văn
    Tập thơ đã lan truyền rộng rãi trong dân gian từ đó tới nay.
    Ông Nguyễn Hòa, chủ biên trang mạng Văn học Việt và là bạn thân của ông Xuân Sách, đánh giá với tập Chân dung Nhà văn, ông Xuân Sách đã chứng tỏ sự trung thực của một người cầm bút.

    “Anh ấy rất can đảm khi đụng đến các lãnh đạo văn nghệ. Anh cho người ta thấy chân dung của Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu…Qua tập thơ, anh thể hiện đúng sự thẳng thắn của người cầm bút.”
    Từ Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói ông là người rất “hóm hỉnh và giàu tính tự trào”.

    “Tính tự trào của thơ Xuân Sách đặc biệt bộc lộ qua tập Chân dung Nhà văn. Ông đã nắm bắt tính cách các nhà văn rất sắc sảo và tinh tế.”
    Theo ông Nguyễn Trọng Tạo, Xuân Sách có công lớn khi ông “tạo được một dòng mạch khiến người ta phải chú ý” trong lối thơ tự vịnh, tự trào.

    Nhà văn Đa Linh (Nguyễn Đức Hùng), phó giám đốc nhà xuất bản Đà Nẵng, kể “anh em nhà văn gặp nhau, rất hay trao đổi về tác phẩm này” và theo ông, rất khó có ai khác làm được như Xuân Sách.
    Trong mắt ông Nguyễn Hòa, thể loại khắc họa chân dung nhà văn không thiếu người viết, nhưng thành tựu không nhiều.
    “Thường thường họ chỉ kể vài sự kiện quen thân với nhau. Nếu giới thiệu chung chung về nhân vật thì bài ấy đạt, nhưng sâu hơn thì còn nhạt nhòa.”

    Ông Hòa nói có hai lý do khiến thể loại chân dung văn nghệ sĩ, dù là bằng thơ hay văn xuôi, khó phát triển là vì không khí xã hội Việt Nam và quan hệ giữa người trong giới với nhau.
    “Nhận định chưa nói ra, người ta đã bảo nó là sai lạc, thế này thế khác, thì thật khó. Ở đây, anh Phạm Lưu Vũ có viết một loạt bài như Xuân Sách, trong đó có một bài rất hay về Hữu Thỉnh. Có một số anh em cũng viết đấy, nhưng chỉ truyền miệng hay viết tay cho nhau. Đưa ra thì phức tạp lắm.”

    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kết luận: “Dòng thơ chân dung nhà văn có lẽ sẽ không phát triển nhiều. Một người khác làm cả một tập thơ, tiếp tục Xuân Sách, hay có thể nổi danh hơn Xuân Sách, chưa có.”
    Lê Quỳnh
    Phố biển. Gió dính vào da thịt, nắng nhăn nhó mặt người. Quán rộng mênh mông. Một mênh mông lặng ngắt trưa hè. Chẳng biết quán đã chán người hay người chán quán. Có lẽ cùng chán nhau. Chúng tôi chọn một cái bàn tít phía trong, dựa lưng vào một hàng lan can bằng sắt. Phía sau là một cái ao hay một cái hồ nhỏ. Cũng chẳng nhớ gồm năm hay sáu người gì đấy. Tất cả đều như những hình nhân.

    Hình nhân tôi ngồi giữa, có vẻ đậm đà hơn một chút, nét mặt cố làm ra vẻ gian ngoan, vừa láu cá vừa vô hồn. Bên trái là một bộ xương già lổng khổng, mà thời gian đã nấu thành cao. Mỗi cử động dù chậm rãi, song vẫn nghe như có những tiếng lục khục, va vào nhau giữa các khúc xương. Nhân giả ấy mang cái tên trẻ mãi: Xuân Sách. Bên phải tôi là cả một cuộc gày gò đeo kính cận dày cộp, nước da xám như đồ đồng cổ, đội mái tóc muối tiêu lòa xòa như tóc giả. Người này ngồi bất cứ chỗ nào cũng như thể đang ngồi trong bụi cây, xem thiên hạ như một vở rối, chỉ muốn từ trong bụi thò cái cổ ra ngoài. Gương mặt xương xẩu tiết kiệm thịt tối đa, nhưng cái vẻ ngạo đời thì không dấu đi đâu được. Nhân giả ấy chỉ có cái tên là lẫn vào với muôn mặt đời thường, tuy vẫn hơi kiêu bởi có độc hai từ cộc lốc: Nguyễn Hòa (SCL).

    Cũng cần nói thêm một chút, rằng hai Nhân giả này tôi hội ngộ đã nhiều lần, lần nào tôi cũng say, đến nỗi không biết lối mà chào hỏi lúc chia tay. Để tới khi tỉnh rượu mới thấy lòng ân hận. Cũng như những quyền lực ngự trị giữa hai kì bầu bán, nỗi ân hận của tôi cũng ngự trị suốt thời gian giữa hai kì hội ngộ, để rồi lần sau lại lặp lại y chang…

    Trước mặt ba chúng tôi là hai hay ba người gì đấy. Nom tươi tắn, hớn hở mà vẫn mờ ảo như bị lẫn trong một đám khói sương. Mấy gương mặt lúc nhìn rõ thì lại giống y hệt những tờ giấy bạc. Ôi những tờ giấy bạc hấp dẫn, đầy ấn tượng, hình như nhiều lắm, ở chỗ nào cũng bắt gặp. Giấy bạc ngồi trong quán, giấy bạc trên diễn đàn, giấy bạc ngự trên cao, giấy bạc chạy đầy đường… Xung quanh chúng tôi, nhân loại đang bước vào một canh bạc khổng lồ. Nghe họ giới thiệu quê ở một làng nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp. Tôi quay sang bảo vị Nhân giả bên trái: “Họ ở đúng cái làng mà ngày xưa bác viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Đội du kích thiếu niên…” đấy!”. Rồi quay lại, hãnh diện nói với họ: “Đây chính là tác giả cuốn tiểu thuyết ấy”. Những gương mặt giấy bạc “thế ạ” một tiếng rồi ngẩn ra hỏi nhau: “Quái lạ! Làng mình làm gì thấy có du kích du cót nhỉ?”.

    Tôi bật cười vì câu nói ngộ nghĩnh ấy. Bèn nói với vị Nhân giả: “Thế là ‘xong phim’ rồi bác nhá”. Rồi buột mồm nghêu ngao một bài hát quen thuộc: “Việt Nam, trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời. Nghe ấm lòng những khi…” Câu hát bị sững lại đột ngột vì có món lẩu vừa đặt lên bàn. Lẩu thập cẩm, đủ các loại thịt, rau tuôn vào cốt đánh lừa vị giác. Bất cứ cái mồm nào cũng có thể tìm thấy cảm hứng ở trong đó. Cũng như chúng tôi ngồi đây, lúc nào cũng ra sức tự đánh lừa rằng mình đang sống kiếp người. Ca từ vừa rồi cũng của vị Nhân giả ngồi bên trái tên là Xuân Sách ấy. Hình như làm ra cách đây đã già ba chục năm. Tôi ngắm nhìn gương mặt kỉ hà của ông. Gương mặt ấy nói với tôi: “Thời ấy, nó thế. Thời nó… ấy thế!”.

    Tôi lại nhẩm mấy câu thơ của ông: “Làm vua mà cũng chán / Bỏ đi theo mây ngàn / Một nước cờ Yên Tử / Làm bận lòng thế gian” (bài “Yên Tử”). Vị Nhân giả bên phải là Nguyễn Hòa bảo: “Tại sao bận lòng nhỉ?”. Tôi nhìn ông đang gật gù và chợt hiểu. Yên Tử là An Tử, là chốn an lành của một bậc Thầy, bởi Tử có nghĩa là Thầy. Vậy thì cái “nước cờ” ấy, đơn giản là đạt tới… cõi yên. Muốn thế phải thờ ơ với ngôi vua, thờ ơ với danh, lợi, thờ với mọi cám dỗ… Nhưng mà than ôi, cái kiểu “yên” như vậy thì thế gian từ đó đến nay, có bao giờ yên đâu? Chẳng trách phải bận lòng. Tôi ngẫm nghĩ và bất chợt cùng gật gù với ông. Thời bây giờ có nhiều thầy (tử) lắm. Mà không “yên” thì tức là đang “loạn”. Thế thì ngoài cái chỗ là “Yên Tử” duy nhất đó ra, thế gian này toàn thị là… “Loạn Tử”. Ghê thật! Bốn câu thơ nói về cõi Tiên, mà rõ ràng hiện lên… cõi Tục.

    Cái tư tưởng “yên tử” với “loạn tử” ấy làm tôi chợt liên tưởng đến một tập “thơ chân dung” của ông từng viết. Tập thơ vừa in xong đã bị thu hồi. Hình như trong đó sừng sững đến cả trăm gương mặt. Thế thì cũng thuộc loại “bách Gia, chư Tử” rồi. Cả một thời chư Tử không “yên”. Nghe nói vì tập thơ đó, con cháu một số vị “chư Tử” ấy có người đe đánh ông. Tập thơ đặc tả những gương mặt quen thuộc, nhàu nát như thể sách giáo khoa. Những thế hệ bầy đàn như chúng tôi chính là đã lớn lên trong cái vầng hào quang giáo khoa chói lọi ấy. Tôi chuẩn bị cất mồm ngâm ví dụ vài bài thơ chân dung của ông thì Nguyễn Hòa vội đưa tay ngăn lại. “Thôi, đọc cái khác đi”. Thì ra Nhân giả này đang nghĩ hệt như tôi, đọc được ý nghĩ của tôi. Quả là tôi đang ngồi bên cạnh… quỉ, chứ không phải người thường.

    Tôi rợn người trước ý nghĩ ấy, vội vàng nốc cạn một ly rượu để lấy lại hồn vía. Dụi mắt một hồi cho các giác quan trở về cõi thực, rồi quay sang vị Nhân giả bên trái là ông mà bảo: Huy Cận ngày xưa nhớ quê thì nghĩ ngay đến bác lò rèn: “Bác cho tôi đốm lửa ban sơ / Tôi luyện rèn năm tháng thành thơ”. Nguyễn Bính nhớ quê thì: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Trông lại tha hồ mây trắng bay”. Còn bác, bác nhớ quê hương đến nỗi phải biến thành… con bò(!). Sao lại biến thành bò? Thì đấy: “Tôi ngồi ăn / trong quán cơm bình dân phố núi / hết rổ rau này, rổ khác lại bưng ra…” (Bài “Rau má”). Bác ngốn rau má như thế, mà là ăn sống, rau sống mới đựng vào rổ. Thế thì không phải bò là gì. Ừ nhỉ. Sao bác không viết: “hết đĩa này, đĩa khác lại bưng ra…”? Nói cho vui vậy thôi. Chứ mấy ai ngốn ngấu nỗi nhớ quê được như ông. Hình ảnh tuy chỉ nhỏ bằng cọng rau má. Song tấm lòng thì bằng cả… con bò. Ôi cái thứ cây rau “nông nghiệp hàng đầu” ấy. Ông đã đi qua hai cuộc kháng chiến rồi. Vậy mà quê hương Thanh Hóa của ông, bây giờ vẫn “rau má”, vẫn xa lắc xa lơ như Nguyễn Bính thời long đong xưa vậy.

    Sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha phương nghìn đời thê thảm ấy, trong óc tôi lại hiện lên mấy câu thơ ông viết: “Tôi về với bến sông xưa / Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò / Nhìn theo ngọn khói vu vơ / Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không…” (Bài “Bến quê”). Không trách ông gọi mình là Xuân Sách. Những câu thơ như thế này không hề có tuổi, đọc lên nghe buồn và thương đến lặng người. May quá, tôi đang ngồi bên ông, nhìn ông đang yên ổn, trầm ngâm mà cảm thấy được an ủi phần nào. Tôi ngắm cái hình hài tưởng như trong suốt của ông và rùng mình nhớ tới hai câu kết, trong bài thơ ông tự vẽ mình (chân dung tự họa) như sau: “Mặt trời ảm đạm quê hương cũ / Ở một cung đường rách tả tơi.” Câu thơ mới tuyệt tác làm sao. Mười bốn chữ ấy chứa bao nhiêu máu, xương và nước mắt, không gian và thời gian, tâm linh và sự uyên bác… Tôi đọc lên trong một niềm kính cẩn, lòng tự nhủ không được vô lễ với sự ghê gớm, từng trải nhường ấy. Thơ ấy chỉ có thể thấm thía, đau đớn, mà không thể cắt nghĩa. Bức “chân dung” mới lồng lộng làm sao, bởi nó đâu chỉ tạc nên kiếp phận một con người…

    Tôi rót rượu vào ly của ông. Ông run run đưa ly rượu lên môi, ngửi tí rồi đặt xuống. Tôi biết ông từng uống được rượu, say được rượu. Nhưng bây giờ thì không. Cũng như ông đã từng “uống” được cuộc đời này, say với cuộc đời này. Nhưng bây giờ thì say đến mức… lộn mửa ra mất rồi. Bài thơ ông viết về rượu, nhưng chính là nói về cuộc đời: “Đừng rót nữa tôi không sành rượu / Uống không say thì uống làm gì / Vui chẳng thêm, buồn không quên được / Cứ như thừa từ cái mặt thừa đi / Cứ như thừa trong cõi đời náo nhiệt / Hay hớm gì nhìn gan ruột người ta / Giữa thời buổi cạnh tranh quyết liệt / Cứ tỉnh queo lắm lúc cũng phiền hà…” (bài “Rượu”). Vần thơ giản dị như câu nói mà thực là đã chạm tới những bí ẩn của cõi huyền vi. Ông bắt đầu cảm thấy mình “thừa” từ lúc nào vậy? Từ lúc ông thuộc lòng cuộc đời này và lập tức, ông cũng từ chối luôn cái phần đểu giả của nó. Song ông thuộc lòng nó theo cách thuộc của một bậc tiên tri: “Vừa chấm hết rừng thì đã biển / Cuộc đua vô tận với thời gian / Cây có trăm năm thành cổ thụ / Biển nghìn vạn thuở vẫn thanh tân…” (bài “Hồ Cốc”). Thế mới biết ngoài đọc thơ còn phải… đọc người. Bài thơ đầy ắp âm hưởng Đường thi này còn ba khổ thơ nữa. Ông xé đôi mình ra để ví với rừng, với biển. Tôi cho đây là một thứ “chân dung” linh hồn của ông, của một bậc Nhân giả biết từ chối mà không từ bỏ. Hình như tôi vừa chợt nhận ra một điều. Cái gì đã làm nên sự uyên bác và từng trải nơi ông, nơi những người như ông? Sau này có ai viết về ông, về những người như ông thì tôi xin đưa ra một gợi ý. Rằng cái đó chính là… sự thật, ông đã chứng ngộ được sự thật. Và than ôi, đó cũng chính là nỗi bất hạnh của ông, của những người như ông.

    Cách đây hơn hai chục năm, văn nhân thi sĩ Xuân Sách hăm hở xách vợ con hành phương Nam, tới cái phố biển Vũng Tàu quanh năm lộng gió này. Ông xuống biển để đơn giản là làm một người lương thiện. Nhưng: “Như những người lương thiện / Sống đời không bình yên” (bài “Cây dừa”). Ông biết cuộc đời này, người lương thiện khó mà sống bình yên cho được. Song lúc ấy, chắc ông đâu có ngờ rằng có những cái còn hơn cả sự “không bình yên” nữa kia. Đó là việc ông bắt đầu một công cuộc của một ẩn sĩ cô đơn, ngày càng cô đơn cho tới tận bây giờ. Căn hộ tập thể bốn mét nhân hơn chục mét người ta phân cho ông từ ngày đó, đến nay vẫn nguyên xi sự tồi tàn, trong khi ông đã trở thành cổ kính. Càng cổ kính hơn khi xung quanh ông ầm ĩ cách tân. Dễ hiểu rằng nếu ông không cảm thấy cô đơn thì mới là chuyện lạ: “Bỗng có lúc thấy mình là khách / Mọi thứ thân quen chợt lạ lẫm không ngờ / Chiều chạng vạng vui buồn đi theo nắng / Còn một mình ngồi với trắng cơn mơ.” (Bài “Bất chợt”). Tôi không hề có ý trách cái thành phố biển xinh đẹp này làm ông cô đơn. Ngược lại là khác. Ông cô đơn chính vì đã đạt tới cảnh giới của mình. Cuộc đời này, người như ông ở chỗ nào cũng không thoát khỏi cô đơn: “Trái đất quay tròn ta cũng quay / Chạy đâu cũng nắng với mưa này…” (bài “Canh rượu”). Song ông vẫn đầy trách nhiệm với cuộc đời: “Nợ đời rồi tôi sẽ trả / Nợ tình tôi vắt trên vai” (bài “Biển chiều”). Thậm chí ông vẫn còn nhiều “duyên nợ” với cuộc đời này lắm: “Núi cao đá dựng non ngàn / Chiều thì đã muộn, dặm đàng còn xa” (bài “Chiều muộn”). Hãy nhìn nụ cười của ông kìa. Ông đang cười rung toàn thân, cười muốn rụng cả cái xương quai hàm vốn chỉ còn lỏng lẻo. Tôi nhìn ông cười và chợt hiểu. Người như thế, thơ như thế nếu có bị cô đơn, thì cũng là sự cô đơn của một chân kẻ sĩ, của một bậc hiền nhân. Ông cười vì xưa nay, những hiền nhân cô đơn giữa nơi chợ búa hay tận chốn hang sâu bao giờ cũng là chuyện bình thường, chuyện đời nào cũng thấy. Mặc dù kẻ đắc chí thì lúc nào mà chẳng đầy rẫy, nhan nhản từ trời gần cho đến trời xa… Nhưng đốt đuốc tìm trong cái đám nhan nhản ấy, có mấy ai là hiền nhân quân tử đâu. Điều đó, ông đã không lấy làm lạ từ lâu lắm rồi.

    Nghĩ đến đây, tôi lại giật mình thấy ông có cái gì giống Khuất Nguyên ngày trước. Cả cuộc đời say, đủ các kiểu say, chỉ có mình ông tỉnh… Bậc hiền nhân ấy không tránh khỏi một nỗi lòng tâm thế: “Đi từ sáng sớm mưa như trút / Một chút mặt trời báo buổi trưa / Rồi đường lại xoá mờ trong nước / Đi hết ngày mà chưa hết mưa” (bài “Mưa trên lộ bốn”). Tôi quay sang hỏi vị Nhân giả Nguyễn Hòa, rằng tại sao lại là lộ bốn, mà không là lộ một, lộ hai, hoặc không thì cũng lộ năm, lộ sáu…? Nhân giả ấy vẫn trầm mặc, tịnh không một lời nào. Cái trầm mặc như một dấu ba chấm (…). Câu trả lời nằm trong dấu ba chấm ấy. Con “lộ” đó không tiện nói ra… Cả cuộc đời đục, vậy cho nên cái trong trắng, thanh tân chỉ dám loé lên trong khoảnh khắc rồi tắt ngấm. Ông đã viết như thế trong bài “Hoa Quỳnh”: “Hoa Quỳnh tên đẹp vậy em / Mà sao chỉ nở giữa đêm một lần / Thưa rằng trinh trắng thanh tân / vậy nên “ngắn ngủi có ngần ấy thôi”. Ngoài cái sự say / tỉnh, đục / trong ấy ra, cuộc đời này thiếu gì kẻ… lỡ tàu. Song với những người như ông, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, rằng không biết ông là người lỡ tàu, hay chính con tàu kia mới là kẻ đã lỡ mất ông, lỡ mất những người như ông? “Muốn đi cho đến vô cùng / Mà con tàu đã vội dừng sân ga” (bài “Qua Hải vân”). Đến đây, trước khi chìm vào một cơn say, hình nhân tôi lại giật mình một lần nữa khi bỗng nhận ra, rằng ông chính là người mà thời gian đã kịp “nấu” thành… cao, một thứ “cao” giống như cao hổ cốt. Tôi đã đọc ông từ nhỏ. Song phải đợi tới bây giờ, phải tìm đến ngồi bên ông, tôi mới may mắn được thưởng thức món “hổ cốt” văn chương ấy mà cuộc đời rất hiếm khi luyện được, luyện được rồi thì lại đem cất kĩ, chỉ khách quý mới mang ra đãi mà thôi.
    Phạm Lưu Vũ

  8. #18
    Tham gia
    10-11-2002
    Location
    thấy ở đâu thầy ở đó
    Bài viết
    2,353
    Like
    583
    Thanked 328 Times in 212 Posts
    Mấy ông nhà văn ăn ở không, lông bông viết.

    Đói cả đời.

    Tự trào


    ...nước mắt.
    ___ W ___

  9. #19
    Tham gia
    04-10-2007
    Bài viết
    290
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post
    Quote Được gửi bởi tiểu dân View Post

    Gạo tấm đã bán hết rồi, một mình chú Bỉnh Són mua hết trơn hết láng, giờ còn gạo Tài Nguyên Chợ Đào, đem ra bán nốt! (Chú Bỉnh Són, chú mở quán cơm hồi nào sao hông cho ai hay hết trơn dạ?)

    ... nếu ai nhận ra các tác phẩm được đề cập đến, xin vui lòng cho mọi người cùng biết.
    Nào có quán xá mua bán gì đâu, thấy quán đông khách nhưng chỉ có mỗi mình "bà" chủ quán nên vào làm Ôsin vậy mà.

    1. Hồ Phương
    Trên biển lớn mênh mông sóng nước
    Ngó trông về xóm mới khuất xa
    Cỏ non nay chắc đã già
    Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem.


    Tác phẩm:
    Vệ út (1956)
    Chuyện Tây Điện Biên Phủ (1957)
    Lá cờ chuẩn đỏ thắm (1958)
    Thư nhà (1958)
    Cỏ non (1960)
    Xóm mới (1963)
    Trên biển lớn (1964)
    Chúng tôi ở Cồn Cỏ (1968)
    Huế trở lại mùa xuân (1971)
    Những tầm cao (2 tập, 1973, 1976)
    Phía Tây mặt trận (1978)
    Biển gọi (1982)
    Mặt trời ấm sáng (1985)
    Truyện ngắn chọn lọc (1995)
    Táo con (truyện, 1996)
    Cánh đồng phía Tây (2004)
    Những Cánh Rừng Lá Đỏ (2005)
    Truyện ngắn Hồ Phương (2006)
    Biển gọi (2007)
    Cha và con (2007)


    Nhà văn Hồ Phương

  10. #20
    Tham gia
    25-06-2008
    Bài viết
    49
    Like
    0
    Thanked 4 Times in 2 Posts

    Hấp dẫn đây !

    Quote Được gửi bởi Carbon View Post
    híc bác post mỗi lần một ít chứ thế này ...
    đọc hết 99 bài thì cũng có bài đoán được, bài không
    nhưng dám cá là không có Bùi Chí Vinh trong này nhỉ?

    sao không làm thơ tả người làng nhỉ?
    Thích thì mần
    CHÂN RĂNG NHƠN VẬT Lờ Mờ


    Một
    Chẳng diều chẳng quạ chẳng kên kên
    Ưa bắt gà con thế mới kềnh
    Phập phồng kiếm gạo nuôi bà nhỏ
    Dư tí vậy thui chứ chẳng bền

    Hai
    Tóc buồn chẳng tiễn cứ ra khơi
    Mệnh trời dù biết vẫn chẳng ngơi
    Đầy bồ lúa giống tơi bời khói
    Ai giỏi giúp tớ kiện củ khoai

    Ba
    Đáng phải quy y tạm cõi thiền
    Khẩu xà tâm Phật bất đảo điên
    Hỗn thế ma đam người chung thuỷ
    Tựa gã xe ôm bởi chữ tiền

    Bốn
    Lăng xăng trong cõi người ta
    Chữ tình liền với chữ tinh một nhà
    Động phòng ngóng tiếng rên la
    Trăn qua trở lại gọi gà sang canh
    (Còn...)
    Được sửa bởi TNDH lúc 18:31 ngày 06-07-2008

Trang 2 / 14 FirstFirst 123457 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •