TT - Cách đây bảy năm, tôi đã ngồi ở giảng đường này, cắm cúi chép bài thầy giảng. Bây giờ tôi cũng đang ngồi ở giảng đường này, tuy khung cảnh không còn như xưa nhưng không khí học thì vẫn như cũ. Vẫn thầy đọc-trò chép, miệt mài như không có gì thay đổi theo thời gian....
Nào ta cùng... chép
12g30 giảng đường tầng sáu của Trường ĐHBC Tôn Đức Thắng được mở tung hết các cửa sổ. Quạt máy chạy hết tốc lực. Buổi học môn PLĐC của SV năm 1 ngành tài chính - tín dụng bắt đầu.
Giọng giảng viên (GV) đều đều, không lên giọng cũng không xuống giọng. Mặc dù GV nói bằng micro nhưng ở dưới cô bạn ngồi kế bên tôi cứ chốc chốc lại quay sang hỏi. Thật sự thì ngay bản thân tôi cũng không nghe rõ.
Tôi đã cố chú tâm nhưng thỉnh thoảng lại có một người ở ngoài đi vào khiến tôi không thể không quay ra (nếu tính trung bình thì cứ khoảng 10 phút lại có thêm một SV đi học trễ).
Lớp hơn 100 SV, trong khi mấy SV ngồi phía trước tôi cao quá nên chỉ những khi GV đứng lên viết bảng tôi mới có cơ hội nhìn thấy mặt.
Còn phần lớn thời gian GV ngồi với giọng đọc cứ đều đều như ru ngủ: “b nhỏ: nguyên tắc xây dựng bộ máy nhà nước... Chúng ta ghi như thế này: bộ máy của Nhà nước... được xây dựng theo nguyên tắc...”.
Cố gắng nghe để chép cho đúng nhưng tôi khó có thể phân biệt vì sự kiện của bàn bên trên: “Ủa! Giày tui đâu?” - một nữ SV đánh cái “chát” lên vai người bạn nam ngồi kế bên, hỏi giật giọng: “Ông chứ không ai hết”.
“Giày của bà để đâu ai biết”. “Trả đây ngay”. “Hì hì, giờ tui cũng không biết nó đã được đá đi đến đâu. Thôi, để tui đi tìm”. Vậy là ngay trong giờ học, anh chàng này vẫn vui vẻ chạy lăng quăng xuống mấy bàn dưới... tìm giày.
Trong khi đó trên bục giảng giọng GV vẫn nhừa nhựa: “Quyền lập pháp là gì? Hả? Quyền lập pháp là gì?” - bên dưới vẫn không có một câu trả lời. Người ngồi bên trái tôi sau vài phút gục đầu xuống bàn, nghe thầy hỏi vội vàng ngẩng lên hỏi: “Tới đâu rồi, tới đâu rồi? Buồn ngủ quá đi mất”.
Tôi nhìn đồng hồ, buổi học trôi qua mới được 40 phút, rồi chính tôi cũng cảm thấy líu ríu mắt. Trên bảng, giọng GV vẫn tiếp tục ề à: “Nhiệm kỳ quốc hội mấy năm? Cả lớp, nhiệm kỳ quốc hội mấy năm?”.
Bên dưới vài giọng trả lời yếu ớt: “một năm”, “ba năm”, “năm năm”. Hình như để thử lại trí tuệ của SV, vị GV hỏi tiếp: “Ai nói một năm giơ tay tôi xem nào?”. Vài cánh tay thưa thớt uể oải đưa lên. “Ai nói ba năm giơ tay tôi xem”. “Ai nói năm năm giơ tay tôi xem”. Hỏi xong, vị GV cười hì: “Sao uể oải thế?”.
Có tiếng chuông, thầy tuyên bố: “Giải lao!”. Cả lớp thở ra cái phào và chen nhau ra ngoài... Chỉ trong 65 phút, tôi nhìn cuốn tập học trò của mình, gần bốn trang giấy đã kín đặc, chưa kể những lúc bị phân tâm tôi đã không ghi chép đầy đủ.
Chép, chép nữa, chép mãi....
Lớp học nằm ở tầng cao trong dãy A của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Đây là một môn học lịch sử chuyên ngành, môn học tôi đã rớt ngày xưa, vì không thể chép nổi và chép kịp những gì thầy đọc.
Đứng giảng hôm nay vẫn là vị GV ngày xưa, vốn nổi tiếng là "chuyên gia đọc chép". Mà giọng GV thì cứ đều đều, không lên nhịp cũng không xuống nhịp, ít khi nào GV rời bàn để xuống bên dưới.
Tình cờ gặp lại D. đang chờ kết quả thi tốt nghiệp, hỏi thăm D. về một GV khác dạy có giống ngày xưa không, D. cười bảo: "Có khác, khác cách cho điểm thoáng hơn thôi, còn dạy vẫn thế. Vẫn chép mỏi tay, giọng vẫn đều đều và vẫn chưa có giáo trình nên không chép thì không biết thi như thế nào cả".
Nghe tôi nhăn nhó: "Chép bài tám trang mệt quá!", D. cười bảo: "Xi nhê gì! Chuyện bình thường thôi!". Tôi thử mượn vở của một SV học khoa này ra xem, ở môn VHDG, riêng bài về thần thoại và cổ tích chép hết 13 trang giấy học trò kín mít, chép ra cả lề, bài về ca dao chép hết bảy trang.
Thậm chí ở môn mang đầy tính thực hành như nhiếp ảnh cũng toàn chép và chép. Thậm chí trong một trang về môn học nhiếp ảnh dành cho SV ngành báo chí giảng viên còn đọc cho SV chép rằng: "Ảnh chân dung bao gồm hai loại là chân dung nghệ thuật và chân dung lưu niệm" (?!).
Tôi vào tham dự giờ học môn chính trị ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - một giờ học vốn được SV xem là giờ đọc - chép. Một lớp học trên dưới 100 SV nhưng hầu như ai nấy đều có nhu cầu làm việc riêng trong giờ học.
Suốt tiết học, giảng viên cũng không hề rời khỏi bàn và tập giáo trình của mình, trừ khi phải ghi mục tiếp theo lên bảng. Gần như là những công đoạn đã được lập trình sẵn: GV nói là việc của GV, SV làm việc của SV.
Thế mà đến đoạn phải chép thì như đồng hồ đã lên giây, SV trở về đúng đoạn cần chép, quen thuộc đến từng giọng nói của vị GV: lúc nào nói nhanh và nhẹ thì là lúc nghỉ xả hơi ngưng chép, lúc nào giọng chậm lại, cứng hơn và to hơn thì là lúc bắt đầu "đua" cho kịp với lời thầy.
Tôi nhìn quanh, một vài nam SV ngồi tựa lưng vào tường nghe phone, người thì dùng tay ảo thuật cây viết xoay tròn và nói chuyện riêng.
Ở những bàn cuối giảng đường, nhiều SV đang chăm chú đọc truyện tranh, thậm chí đặt cả truyện lên bàn mà không chút mảy may để ý đến môn học. Kết thúc môn học này, SV được cho các câu hỏi để về "soạn thảo văn bản trước", trong đó có cả các câu hỏi "giới hạn" để SV biết trọng tâm mà học!
Không chỉ ở những môn học mang tính lý thuyết cao mới diễn ra việc GV đọc, SV chép mà ngay tại các lớp học chuyên ngành của các môn mang tính kỹ thuật, tình trạng đọc - chép cũng diễn ra phổ biến.
Đến một giờ học khác của lớp công nghệ thông tin năm 3, giờ trí tuệ nhân tạo, tôi lặng lẽ ngồi góc cuối giảng đường. Giảng đường gần 200 SV răm rắp nghe và ghi chép môn toán cổ điển, không có cánh tay nào có ý kiến.
Thầy chỉ đọc và giảng xuyên suốt buổi học. Thỉnh thoảng thầy lại hỏi một câu bâng quơ: “Đúng không nào?" sau khi kết thúc một phần bài giảng hay vừa làm xong một phép toán.
Tôi nhẩm đếm có tới năm SV nằm gục trên bàn. Thấy tôi ngạc nhiên khi không thấy thầy phản ứng với những chiếc ghế trống và thái độ học tập của SV, một SV thản nhiên: “Tự do mà! Chán! Thầy còn không thèm nhìn vào SV nữa là... Rớt thì thi lại có gì đâu!”...
NHÓM PV GIÁO DỤC
Bookmarks