Bờm theo Bái vật giáo. Gã mê quạt. Đủ loại. Từ cái loại "chành ra ba góc da còn thiếu" đến các loại quạt giấy, quạt sừng, quạt đồi mồi... Gã có cái quạt mà không ngờ nó lại là một báu vật - quạt mo. Chuyện về cái quạt mo này thì cả dân tộc đã tốn bao nhiêu giấy mực để viết về nó, cho nên tôi không muốn nhắc lại ở đây làm gì nữa cho hóa nhàm. Vì vậy tôi xin được kết thúc mục Bờm tại đây, mong quý vị không cảm thấy đột ngột. Tuy nhiên, nếu ai còn thấy nhột nhột thì xin xem thêm bản nhận định sau đây của Đại học Quốc tử giám:
Tại sao Bờm không đổi quạt mo lấy "3 bò, 9 trâu", "ao sâu cá mè", "bè gỗ lim"... mà lại lấy mỗi "cục xôi"? Đây là một câu hỏi nhức nhối đã làm đau đầu bao nhà khoa học và các GSTS ưu tú của nước Nam suốt bao thế kỷ qua. Phải chăng dân tộc ta có cái bản chất "mì ăn liền"? Hay thiển cận? Hay lười nhác? Hay ngu dốt? Hay nghiện xôi thịt đến mức mù quáng? Đại học Quốc tử giám đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học sâu rộng do các bậc Nghè, Cống, Cử kiệt xuất thực hiện. Sau đây là những kết quả đáng suy nghĩ trong bài "Những chi phí cơ hội trong quản trị kinh doanh phong cách Bờm" của họ:
- Để quản lý 3 bò, 9 trâu cần 1 đội chăn 3 người cùng 1 giám sát viên, 2 bảo vệ, 1 đội trưởng;
- Để quản lý ao cá mè cần 1 đội sản xuất ít nhất 12 người làm việc 3 ca, 3 bảo vệ, 2 giám sát viên, 1 đội trưởng có trình độ Cử nhân Nông nghiệp, và đội ngũ kế toán, bán hàng, marketing;
- Để quản lý bè gỗ lim cần 2 thủy thủ đoàn (mỗi đoàn ít nhất 12 thành viên gồm thủy thủ, tài công, hoa tiêu, an ninh, 1 thuyền trưởng), 1 đội ngũ quản lý với các ban tài chính, nhân sự, marketing và 1 giám đốc điều hành có trình độ Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA.
Vậy kết luận rằng: cụ Bờm với trí tuệ dân gian của người nông dân Việt Nam đã hết sức khôn ngoan tỉnh táo khi khước từ mọi đề xuất thâm hiểm trên đây của các đối tác là bọn tư bản . Như ý các cụ đã dạy thì làm gì cũng đến ăn xôi mà thôi, việc gì mà phải cố đấm cho nó rắc rối.
Bookmarks