Cấp cứu hóc dị vật đường thở bằng thủ thuật Heimlich

Mới đây, Kĩ thuật viên khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cấp cứu thành công cho bé bị hóc dị vật khi chuẩn bị vào giường tập phục hồi.

Cháu H.T.D 22 tháng tuổi, trú tại Long Biên – Hà Nội được mẹ đưa đến khoa Phục hồi chức năng để tập, trước lúc đó cháu có quấy khóc mẹ cho ăn kẹo để dỗ. Trước khi bước lên giường tập, cháu bé bất ngờ bị hóc kẹo, kêu không thành tiếng, không khóc được. Ngay lập tức, kĩ thuật viên Nguyễn Thị Thắng của khoa đã sử dụng thủ thuật Heimlich khai thông đường thở cho bé, giải phóng dị vật ra khỏi cơ thể. Sau đó cháu thở tốt, không quấy khóc.

Kỹ thuật viên đang tập cho cháu bé.
Nguyên nhân gây dị vật đường thở thường là do: Sặc (sữa, cháo, cơm,...) hoặc hít vào đường thở các vật nhỏ như hạt dưa, hạt lạc, đồng xu, kẹp giấy,... Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị hóc dị vật đường thở do trẻ chưa ý thức được đâu là vật nguy hiểm không thể nhai, nuốt,...

Heimlich là thủ thuật dùng tay của người cứu hộ gây ra một áp lực mạnh dưới cơ hoành để đẩy dị vật gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên, nhằm tạo ra một cơn ho nhân tạo bằng cách ấn vào cơ hoành, buộc không khí đi ra khỏi phổi, tràn lên qua cổ họng và nhờ đó đẩy mạnh dị vật bị mắc kẹt ra ngoài. Cơ hoành nằm dưới đáy tim và phổi, thực hiện co lại để phổi tự do di chuyển thông khí.

Trẻ có thể bị hóc do khám phá những đồ vật xung quanh như hạt nhựa, đồ chơi loại nhỏ, cúc áo, đồng xu hoặc thức ăn như các loại hạt, kẹo, mẩu bánh mì,... Do vậy, để phòng ngừa hóc dị vật ở trẻ, phụ huynh cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ, luôn chú ý tới bé. Bên cạnh đó, hóc dị vật đường thở cũng có thể xảy ra khi trẻ ăn quá nhanh nên cha mẹ cần chú ý cắt nhỏ thức ăn, hướng cho trẻ ăn chậm, nhai kỹ, không nói hoặc cười đùa khi đang ăn hoặc không ăn quá nhiều đồ cùng lúc.

Thực hành thủ thuật Heimlich đúng theo quy trình chuẩn có thể giúp đẩy dị vật đường thở ra ngoài, khai thông đường thở và giúp nâng cao cơ hội sống sót cho nạn nhân.