"Ẩm thực là một khía cạnh để đánh giá quốc gia đó có được một nền văn hóa phát triển rực rỡ.
Nước ta là một nước có nền văn hóa lâu đời. Văn hóa đó không chỉ thể hiện ở các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa điêu khắc mà nó thể hiện ngay trong ẩm thực. Với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống chung trên một lãnh thổ nhưng mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa riêng, đặc biệt là mỗi dân tộc lại có một món ăn được coi là đặc sản riêng của họ ví dụ như Cơm lam của đồng bào dân tộc Tây Nguyên hay bánh Ngải của đồng bào dân tộc Tày làm cho nét văn hóa Việt Nam thêm phong phú và đậm đà bẳn sắc dân tộc.
Ẩm thực Việt phong phú, đa dạng và hội tụ những nét tinh tế riêng biệt thông qua cách thức chọn lựa nguyên liệu, chế biến, bày biện và thưởng thức.
Cố Giáo sư Trần Văn Khê khi còn sống đã chia sẻ rằng ông đã có cơ hội đi tới hơn 60 quốc gia và thấy mỗi nước có hương vị ẩm thực riêng, ẩm thực Việt thật sự có những điểm độc đáo, khác lạ. 
Với quan điểm duy vật thì ăn uống - ẩm thực cũng như mặc, ở, đi lại là thuộc về nhu cầu vật chất cơ bản của con người. Nhưng ăn uống lại còn nhiều khía cạnh đó là cách ăn, lối ăn. Để từ đó việc ăn uống, văn hóa ẩm thực vừa có tính cách vật thể (nồi, niêu, bát chum, bình, lọ), vừa có tính cách phi vật thể (gõ lên âm thanh).
Ăn không chỉ đơn giản là cho thức ăn vào miệng; nó là kết tinh của văn hoá và xã hội. Ngay cả định nghĩa thức ăn cũng không giống nhau giữa các nền văn hoá. Cách xếp loại thức ăn chủ yếu dựa vào tiềm thức.
Món ăn Việt hầu hết được chế biến từ các loại rau, củ, quả, hạt, thủy, hải sản, và không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung, không cay như món ăn Thái…
Ẩm thực theo nghĩa Hán Việt thì ẩm nghĩa là uống, thực nghĩa là ăn, nghĩa hoàn chỉnh là ăn uống.
"