Hiển thị kết quả từ 1 đến 1 / 1
  1. #1
    Tham gia
    17-10-2019
    Location
    https://t.me/pump_upp
    Bài viết
    2
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Những điều cần biết về đái tháo đường thai kỳ

    Đái tháo đường thai kỳ là gì?
    Đái tháo đường thai kỳ là gì?
    Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu tiên vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ ở những người chưa biết rõ hoặc không có tiền sử bị đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2.

    Những phụ nữ nào có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ?
    Nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây thì bạn được xếp vào nhóm có yếu tố nguy cơ trung bình bị đái tháo đường thai kỳ.

    Các yếu tố đó bao gồm: những người thuộc chủng tộc Châu Á, Tiểu lục địa Ấn Độ (Nam Á), thổ dân da đỏ, người dân đảo Torres Strait, người dân đảo thuộc Thái bình dương, người Maori, vùng Trung Đông, người Châu Phi không thuộc chủng tộc da trắng hoặc chỉ số khối của cơ thể (BMI) từ 25 – 35 kg/m2

    Nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây thì bạn được xếp vào nhóm có yếu tố nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ.

    Các yếu tố đó bao gồm: tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước, tiền sử có tình trạng tăng đường huyết, tuổi trên 40, tiền sử người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường, chỉ số khối của cơ thể (BMI) lớn hơn 35kg/m2, tiền sử sinh con to, hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử có sử dụng các thuốc như corticosteroid, thuốc chống loạn thần, có từ 2 yếu tố nguy cơ trung bình trở lên.

    Đái tháo đường thai kỳ nên được tầm soát vào thời điểm nào của thai kỳ?
    Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ trung bình bị đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra đường huyết đói của bạn ở lần thăm khám đầu tiên khi phát hiện mang thai.

    Nếu kết quả xét nghiệm gợi ý, bạn sẽ được bác sĩ tiếp tục thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75 gram glucose) sử dụng ngưỡng cho người không mang thai. Tình trạng đái tháo đường của bạn sẽ được xem là tồn tại từ trước khi mang thai nếu kết quả xét nghiệm của bạn vượt mức chẩn đoán đái tháo đường trong tam cá nguyệt đầu tiên.

    Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ được bác sĩ cho thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75 gram glucose) ở lần thăm khám đầu tiên khi phát hiện mang thai và cũng sử dụng ngưỡng cho người không mang thai.

    Những thai phụ thuộc nhóm nguy cơ trung bình và nguy cơ cao nhưng có kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose bình thường ở giai đoạn sớm của thai kỳ sẽ được bác sĩ cho làm lại nghiệm pháp này ở thời điểm thai 24 – 28 tuần.

    Ngoài ra, nếu có dấu hiệu gợi ý, nghiệm pháp này sẽ được thực hiện ở thời điểm sớm hơn trong quá trình mang thai.

    Đái tháo đường thai kỳ được chuẩn đoán bằng cách nào?
    Đái tháo đường thai kỳ là gì?


    Ở Việt Nam, đa số các bác sĩ đều sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 gram glucose. Bạn sẽ được thử đường huyết lúc đói bụng, sau đó sẽ được uống 75 gram glucose và thử đường huyết ở thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống. Đái tháo đường thai kỳ sẽ được chẩn đoán nếu có bất kỳ trị số đường huyết nào vượt ngưỡng sau:

    Đường huyết đói ≥ 92 mg/dl (5.1 mmol/l);
    Đường huyết 1 giờ sau uống glucose ≥ 180 mg/dl (10.0 mmol/l);
    Đường huyết 2 giờ sau uống glucose ≥ 153 mg/dl (8.5 mmol/l);
    Một điểm cần lưu ý là bạn phải nhịn đói ít nhất 8 giờ và không vượt quá 14 giờ trước khi thực hiện nghiệm pháp.

    Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng như thế nào lên sức khoẻ thai phụ?
    Những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ nếu không kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và tăng nguy cơ sanh mổ. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ sanh mổ ở những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ dao động từ 19.5% đến 23.7% so với 13.5% ở những thai phụ không bị đái tháo đường thai kỳ. Cũng vậy, tỷ lệ tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật ở những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ lần lượt là 5.9% và 4.8% so với những thai phụ bình thường là 3.6 – 9.1% và 1.4 – 4%.
    Ngoài ra,những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 cao hơn những người bình thường.

    Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng như thế nào lên thai nhi?
    Con của những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ kiểm soát kém dễ bị to hơn bình thường (trên 4000 gram), tăng bilirubin máu, hạ đường huyết sau sanh, suy hô hấp, tăng nguy cơ chấn thương lúc sanh và đẻ khó do kẹt vai. Trong đó, con to là biến chứng thường gặp nhất chiếm tỷ lệ 15 – 45%, tiếp theo sau là tăng bilirubin máu chiếm tỷ lệ 10 – 13%. Hạ đường huyết sau sanh có tỷ lệ 3 – 5% và là nguyên nhân làm tăng nguy cơ co giật. Đẻ khó do kẹt vai là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm vì có thể làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ảnh hưởng đến vận động và cảm giác vùng cánh tay của trẻ sơ sinh.

    Ngoài ra, về lâu dài trẻ sẽ bị rối loạn đường huyết, đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp , rối loạn mỡ máu và béo phì hơn những trẻ bình thường.

    Điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
    Điều trị đái tháo đường thai kỳ bao gồm chế độ ăn tiết chế chất bột đường, vận động và sử dụng thuốc. Trong đó, nếu thực hiện chế độ ăn và vận động đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, đa số thai phụ (70 – 85%) có thể kiểm soát tốt được đường huyết. Những trường hợp không kiểm soát được đường huyết ổn định với chế độ ăn, bạn sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc. Thuốc thường được sử dụng nhất trong điều trị đái tháo đường thai kỳ là insulin.

    Ngoài ra, còn có một số loại thuốc viên đường uống như metformin, glyburide có thể sử dụng được trong thai kỳ nhưng thường ít được các bác sĩ sử dụng.

    Theo dõi đái tháo đường thai kỳ bằng cách nào?
    Các bác sĩ sẽ đánh giá việc điều trị đái tháo đường thai kỳ của bạn tốt hay không dựa trên việc theo dõi đường huyết, cân nặng thai nhi và lượng nước ối. Mục tiêu đường huyết trong thai kỳ bao gồm đường huyết đói ≤ 95 mg/dL (5.3 mmol/L), đường huyết 1 giờ sau ăn ≤ 140 mg/dL (7.8 mmol/L), đường huyết 2 giờ sau ăn ≤ 120 mg/dL (6.7 mmol/L). Nếu việc kiểm soát đường huyết không tốt, cân nặng thai nhi thường lớn hơn so với tuổi thai và lượng nước ối thường dư.

    Ngoài ra, các bác sĩ có thể dùng HbA1c, Fructosamine để đánh giá việc điều trị của bạn. Trong đó, HbA1c đại diện cho đường huyết trung bình 2 – 3 tháng trước của bạn và Fructosamine đại diện cho đường huyết trung bình 2 – 3 tuần trước của bạn.

    Có phải tất cả những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ sau sanh sẽ bị đái tháo đường typ 2?
    Đa số các thai phụ sau khi sanh đường huyết sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, những thai phụ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 cao hơn so với những người bình thường. Tỷ lệ này tăng cao nhất trong vòng 5 năm đầu sau sanh.
    Vì vậy, ngay sau sanh, các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ tiếp tục được theo dõi đường huyết trong lúc nằm viện để phòng ngừa tình trạng đường huyết tăng cao còn tiếp diễn sau sanh. Những sản phụ có đường huyết bình thường sau sanh sẽ được cho làm nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 gram glucose ở thời điểm 4 – 12 tuần sau sanh để kiểm tra tình trạng bị đái tháo đường typ 2.
    Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, những sản phụ này nên được kiểm tra tình trạng đái tháo đường typ 2 mỗi 1 đến 3 năm bằng xét nghiệm đường huyết đói và HbA1c.

    Kết luận,
    Đái tháo đường thai kỳ là một trong những bệnh lý thường gặp trong thai kỳ. Nếu không được theo dõi và điều trị tốt, nó có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi.
    Do đó, việc có kế hoạch tầm soát, chẩn đoán, điều trị và theo dõi đái tháo đường thai kỳ phù hợp đóng vai trò rất quan trọng vì có thể giúp theo dõi, điều trị kịp thời từ đó làm cải thiện kết cục cho thai kỳ.

    *Tác giả: Bác sĩ CK1 Trần Ngọc Hoàng - Khoa Nội tiết – BV Chợ Rẫy
    Tác giả: Bác sĩ CK1 Trần Ngọc Hoàng
    Khoa Nội tiết – BV Chợ Rẫy
    201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
    Quote Quote

  2. Thành viên Like bài viết này:


Tags for this Thread

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •