Viết một mẫu CV xin việc hay và chuẩn ngay từ đầu sẽ quyết định tới 90% cơ hội được mời phỏng vấn. Nếu tự nhận thấy mình đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng mà vẫn không thấy ai gọi hẹn phỏng vấn, rất có thể CV của bạn có vấn đề. Với kinh nghiệm gần 10 năm làm tuyển dụng, mình sẽ hướng dẫn bạn cách viết CV xin việc sao cho hay và chuẩn nhất trong bài viết này. Bài hơi dài nhưng chắc chắn hữu ích, hãy kiên nhẫn đọc hết để được tặng 7 mẫu CV mới nhất nhé.

Cách viết CV xin việc đã có nhiều thay đổi trong vài năm qua, với sự ra đời của rất nhiều những website hoặc công cụ trực tuyến, chỉ bằng một nút bấm bạn đã dễ dàng có trong tay một mẫu CV khá ok. Và tất nhiên, kỳ vọng của nhà tuyển dụng cũng tăng lên. Họ luôn muốn có trong tay những CV hoàn hảo, từ phông chữ, bố cục, nội dung, cách trình bày… Những trang hỗ trợ tạo CV trực tuyến có thể giúp bạn rất tốt về mặt hình thức, nhưng cái chính là nội dung mà không ổn thì % được tuyển của bạn cũng giảm đi nhiều phần.

CV xin việc là gì?

KHÁI NIỆM: CV là một loại giấy tờ bạn gửi cho nhà tuyển dụng nhằm mục đích ứng tuyển vào một vị trí công việc mà người ta đang cần tuyển dụng. Về cơ bản, CV thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, giới thiệu điều đó cho nhà tuyển dụng và thuyết phục họ “hãy chọn tôi”.

Nhiều bạn hiểu nôm na, CV là một bản tóm tắt lại quá trình làm việc, liệt kê ra bạn đã từng làm việc ở những công ty nào, ở vị trí nào… Nhưng đó không phải là tất cả. Vậy cụ thể CV xin việc là gì và cần đạt được điều gì?

Mẫu CV xin viêc

Một CV ĐÚNG cần được viết sao cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có các kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm ĐÚNG với yêu cầu của họ, cho họ biết rằng bạn là ứng viên PHÙ HỢP với công việc này. Nếu được, bạn có thể đính kèm cả đơn xin việc để nhà tuyển dụng hiểu hơn về bạn, và cũng để tăng cơ hội thành công. Hãy đọc thêm bài viết về đơn xin việc để tìm hiểu cách viết sao cho hay nhé.

Nếu bạn biết cách “khoe” ra bộ kỹ năng và những thành tích mà bạn đã đạt được – quan trọng hơn là chúng thực sự PHÙ HỢP với yêu cầu của nhà tuyển dụng thì hoàn toàn có thể hy vọng cho một buổi phỏng vấn.

Hãy lưu ý tới yếu tố PHÙ HỢP. Mình ví dụ, nếu bạn xin được làm IT cho một công ty về công nghệ, mà bạn lại khoe có kinh nghiệm làm việc bán thời gian tại cửa hàng KFC và kỹ năng giao tiếp với khách hàng rất tốt – thì liệu người ta có hứng thú với bạn không?


Cách viết CV xin việc chuẩn

Ok vậy là đã hiểu cơ bản CV là gì rồi, giờ hãy cùng tìm hiểu xem nên viết nó như thế nào, cái gì nên viết và cái gì không nên viết vào CV nhé.

Thực tế, nội dung của một bản CV có thể khá linh hoạt và không nhất thiết phải tuân theo một định dạng chuẩn xác nào đó. Tuy nhiên vẫn có những phần nhất định mà nhà tuyển dụng chắc chắn luôn mong chờ được đọc khi cầm trên tay CV của bạn.


TRÌNH BÀY NHỮNG GÌ TRONG CV?

Họ tên, chức danh nghề nghiệp và thông tin liên hệ
Mục tiêu nghề nghiệp
Kinh nghiệm làm việc
Thành tích
Trình độ học vấn và bằng cấp
Kỹ năng
Sở thích

Họ tên, chức danh nghề nghiệp và thông tin liên hệ

Họ và tên nên được viết bằng cỡ chữ lớn hơn một chút so với cỡ chữ thông thường, điều này giúp tên của bạn được nổi bật và dễ nhớ hơn.

Chức danh nghề nghiệp được viết ngay phía dưới họ tên. Chi tiết này sẽ cho nhà tuyển dụng một cái nhìn nhanh nhất về chuyên môn nghề nghiệp của bạn. Ví dụ như: luật sư, kỹ sư xây dựng, phóng viên, biên tập viên truyền hình….

Thông tin liên hệ gồm số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà của bạn. Phần này không cần phải viết cỡ chữ lớn hơn, nhưng bạn có thể in đậm hoặc in nghiêng để người đọc dễ nhận biết hơn khi họ muốn liên lạc với bạn. Hãy nhớ là dùng số điện thoại di động của bạn chứ không phải của người thân, không dùng sim rác nhé. Và địa chỉ email thì nên chuyên nghiệp (cái này nhiều bạn hay mắc phải). Ví dụ thay vì dùng hoangtugacmai@hotmail.com thì hãy dùng trungkien1990@gmail.com có phải hay hơn nhiều không?

Theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên dùng riêng một email chỉ để đi xin việc, nhiều công ty họ không gọi điện mà lại liên lạc theo cách gửi email cho ứng viên. Nếu bạn dùng cũng một email để gửi hồ sơ xin việc, rồi lại để đăng ký nào là tài khoản mạng xã hội, đăng ký diễn đàn, đăng ký nhận tin khuyến mại… thì rất có thể bạn sẽ bị những loại mail rác gây mất tập trung và bỏ lỡ mail của nhà tuyển dụng.

Hồ sơ trực tuyến: bây giờ là thời đại số rồi, bạn hoàn toàn có thể cung cấp thông tin hồ sơ trực tuyến của bạn trong CV, ví dụ như LinkedIn hoặc Twitter. Nếu bạn tích cực tham gia hoạt động ngành nghề trên những web như vậy và có một trang hồ sơ trực tuyến chất lượng thì đó sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với những ứng của viên khác đấy.

Ngoài ra, có một số chi tiết sau đây không cần thiết phải viết trong CV: tình trạng hôn nhân, bạn có con hay không, quốc tịch, tôn giáo, bạn có khuyết tật hay không. Nói chung các yếu tố này không ảnh hưởng đến việc bạn có thể làm được việc hay không, mà trái lại mang đến nguy cơ bị phân biệt đối xử. Vậy nên trừ khi nhà tuyển dụng yêu cầu, còn nếu không thì đừng viết vào CV nhé.

Mục tiêu nghề nghiệp

Đây là phần nội dung xuất hiện ngay phía dưới chi tiết liên lạc, và cũng là điều đầu tiên nhà tuyển dụng đọc về bạn, vậy nên nó cần phải thu hút sự chú ý của họ ngay lập tức. Đây có thể được gọi là một “tuyên bố cá nhân”, cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan nhất:

– Bạn là ai?
– Những gì bạn có thể làm cho công ty?
– Mục tiêu nghề nghiệp của bạn?

Và lưu ý, hãy viết thật NGẮN GỌN và CHÍNH XÁC, không cần đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào.

Kinh nghiệm làm việc

Đây là phần quan trọng nhất của việc viết CV. Ngày xưa thì người ta hay viết phần này theo kiểu liệt kê tất cả những công việc mà mình đã từng làm từ xa tới gần. Nhưng giờ thì nhà tuyển dụng không đủ kiên nhẫn để tỉ mỉ xem chi tiết từng công việc mà bạn đã kinh qua nữa.

Lời khuyên của toixinviec là, thay vì liệt kê tất cả, bạn hãy tập trung vào những kinh nghiệm làm việc PHÙ HỢP NHẤT với vị trí bạn đang xin việc. Thứ tự liệt kê có thể là từ gần nhất tới xa nhất. Những công việc bạn đã từng làm nhưng ít hoặc không liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển thì chỉ nên nói qua một cách ngắn gọn hoặc không cần nêu ra cũng được.

Tuy nghiên quy tắc này vẫn có ngoại lệ, đó là khi bạn là sinh viên mới ra trường hoặc là một người có rất ít kinh nghiệm làm việc. Nếu không liệt kê ra thì bạn biết lấy gì để viết? Bí quyết là bạn vẫn có thể liệt kê những kinh nghiệm làm việc ít liên quan, nhưng cố gắng tìm ra những khía cạnh kỹ năng có thể có ích cho công việc hiện tại.

Thành tích

“Nói có sách, mách có chứng” – câu nói này quá quen thuộc phải không? Bên cạnh việc kể lể về kinh nghiệm thì bạn cũng cần cho nhà tuyển dụng thấy những thành quả mà bạn đạt được. Những giải thưởng nội bộ cũng như bên ngoài mà bạn nhận được, doanh thu bạn tạo ra cho công ty cũ, số dự án bạn triển khai thành công… cộng với các con số cụ thể càng tốt.

Phần này bạn nên sử dụng các gạch đầu dòng, viết thật ngắn gọn và chính xác. Tuyệt đối đừng đi vào kể lể khoe khoang quá đà kẻo gây tác dụng ngược với người đọc.

Trình độ học vấn và bằng cấp

Phần này có vẻ tương đối đơn giản, nhưng có vài điểm quan trọng bạn cần ghi nhớ.

Khi viết về trình độ giáo dục của mình, nhiều bạn sẽ liệt kê thật nhiều những bằng cấp, chứng chỉ đủ loại từ tin học, tiếng anh, quốc phòng, lý luận… Thật ra nên liệt kê những bằng cấp phục vụ tốt cho công việc, hoặc liên quan đến công việc.

Các loại bằng cấp và thành tích sẽ khác nhau với nhiều loại ứng viên. Nếu là ứng viên có nhiều năm kinh nghiệm, hoặc có những bằng cấp rất cao như tiến sĩ, thạc sĩ thì có thể không cần liệt kê những bằng cấp thấp hơn trừ khi chúng có liên quan tới công việc.

Và phải nói thêm, loại bằng mà bạn khoe ra không nhất thiết chỉ là bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Bạn có thể chọn ra một vài bằng cấp đào tạo nội bộ, hoặc chứng chỉ những khoá học chuyên ngành có chất lượng mà bạn đã tốt nghiệp. Đây có thể là phần “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng, đôi khi họ cần tuyển những nhân viên lành nghề hơn là những ứng viên giỏi lý thuyết. Hơn nữa, có trong CV những loại bằng cấp này còn cho thấy bạn là một người luôn tìm cách phát triển sự nghiệp, không ngừng học hỏi để nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình.

Kỹ năng

Lý tưởng nhất là bạn hãy dùng gạch đầu dòng để làm nổi bật 4-6 kỹ năng chính liên quan đến vai trò bạn đang ứng tuyển. Nhiều bạn hay bỏ qua phần này khi viết CV nhưng thực ra nó rất quan trọng.

Về cơ bản, CV xin việc là để chứng minh với nhà tuyển dụng rằng bạn là người tốt nhất trong số các ứng viên bằng cách thể hiện kinh nghiệm, trình độ và kỹ năng phù hợp. Kỹ năng là điều rất cần thiết để bạn có thể không chỉ hoàn thành mà là hoàn thành TỐT công việc.

Ví dụ, bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên PR cho một công ty truyền thông, hãy cho họ thấy bạn có kỹ năng giao tiếp tốt, sử dụng thành thạo microsoft office, tiếng anh giao tiếp tốt để hỗ trợ cho công việc. Nó sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Sở thích

Đây thường được coi là phần nội dung ít quan trọng của bản CV xin việc. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua phần này thì có thể bạn đã bở lỡ cơ hội tăng thêm giá trị cho hồ sơ của mình.

Hiện nay, khá nhiều CV hơi “thiếu cá tính”, đó không phải là lỗi của bạn khi mà bao nhiêu năm qua người ta đã quen dùng một định dạng chuẩn hơi khô cứng khi nhắc tới CV. Để khắc phục điều này, bạn hoàn toàn có thể có những thay đổi cần thiết để CV của mình trở nên hiện đại và hấp dẫn hơn. Khi mà rất nhiều ứng viên có kinh nghiệm, bằng cấp ngang ngửa nhau thì thói quen, sở thích của một ứng viên đôi khi lại là điều thu hút sự chú ý của người tuyển dụng, giúp họ hiểu hơn về cá tính con người bạn. Họ sẽ đọc và phân tích về sở thích để lựa chọn ứng viên.

Những sở thích “quốc dân” như kiểu thích đọc sách, xem phim, gặp gỡ bạn bè vào cuối tuần… thực sự không mấy giá trị và cũng không nên đưa vào CV. Thay vào đó, bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một người rất quan tâm tới sức khoẻ cá nhân, với sở thích là chạy bộ hoặc tập gym. Và khi bạn khoẻ mạnh thì bạn sẽ luôn tràn đầy năng lượng cho công việc, ít khi xin nghỉ việc. Tóm lại, nếu định đưa bất cứ một thói quen sở thích nào vào CV thì bạn nên suy nghĩ xem nó có thực sự thú vị và gây được ấn tượng hay không dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng nhé.


Lời khuyên khi viết CV

Bài viết hơi dài phải không , bạn hãy cố gắng đọc thêm một chút để có được những lời khuyên thiết thực để hoàn chỉnh CV của mình nhé.

Sau khi viết xong CV, đừng nôn nóng gửi nó đi luôn, hãy kiểm tra lại xem liệu CV của bạn đã đáp ứng được những điều mà toixinviec liệt kê dưới đây chưa:

HÃY KIỂM TRA

Bạn đã sử dụng những gạch đầu dòng để CV được mạch lạc rõ ràng chưa?
Bạn đã đi thẳng vào những nội dung quan trọng chưa hay vẫn còn bị dài dòng?
Thông tin liên hệ của bạn đã chính xác chưa? Thiếu hay sai một số điện thoại cũng làm mất đi cơ hội đấy.
Có lỗi chính tả hay ngữ pháp nào không? Nếu có thì sửa ngay nhé.
Phông chữ đã chuyên nghiệp chưa? Gợi ý của chúng tôi là dùng Arial, Helvetica hoặc Garamond.
Cỡ chứ đã hợp lý chưa? Không quá to và cũng không quá nhỏ, tầm 12 là được nhé.
Những tiêu đề chính đã chính xác và được làm nổi bật chưa?

Ok, vậy là bạn đã học được các viết CV xin việc, giờ là lúc chọn một mẫu CV thích hợp. Với 7 mẫu CV mà toixinviec gửi tặng bạn sau đây, bạn sẽ không cần phải mất hàng giờ loay hoay chỉnh sửa nữa, chỉ việc điền những nội dung thích hợp vào mẫu CV có sẵn. Chúc bạn chọn được CV như ý muốn và nắm lấy cơ hội nghề nghiệp của mình nhé. Click để Tải những mẫu CV xin việc mới nhất.