Hi cả nhà thân yêu, mình tên là Nguyễn Thị Thủy. Thủy cũng từng là một ”sĩ tử” TOEIC, cũng phải trải qua một thời gian dài ”dùi mài kinh sử” để đi thi. Nỗ lực, cũng thêm một chút may mắn nữa, Thủy đã đạt target, được 835 điểm. Thủy biết trong thời gian ôn luyện TOEIC, các bạn sẽ gặp phải những khó khăn, bối rối mà Thủy từng gặp. Bởi vậy, để gỡ rối cho các bạn, Thủy sẽ viết một bài chia sẻ kinh nghiệm tổng hợp cả 7 part dành cho các bạn. Cùng tìm hiểu nhé!

1. Part 1: Mô tả tranh:

Trong phần 1, bạn hãy học thuộc lòng các mẫu câu về mô tả tranh. Phân biệt rõ ràng tranh có người, tranh không có người có những đặc điểm cần nhớ. Việc học thuộc cấu trúc giúp bạn có những phương án loại trừ tốt nhất. Ngoài việc học thuộc cấu trúc, phân loại tranh thì việc để ý các chi tiết phụ trong tranh cũng là điều bạn nên để ý. Ví dụ như Thủy từng gặp trường hợp thế này: tranh có 3 người, có 2 người phụ nữ và 1 người đàn ông. Vậy nhưng đáp án của câu này lại là: ”The woman is holding a pen.”

2. Part 2: Câu hỏi:

Part 1 có tranh. Part 3 – 4 có câu hỏi và đáp án cho sẵn. Riêng part 2 sẽ không có gì để bạn có thể chuẩn bị trước. Vậy nhưng, phần này chỉ có 3 đáp án cho bạn lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có 1 trong 3 đáp án bạn không nghe được, bạn có thể dựa vào 2 đáp án còn lại để suy luận. Ngoài ra, phần này bạn chỉ cần nghe được từ để hỏi là đã nắm 80% trả lời đúng rồi.

Part 2 có 30 câu, từ câu 11 – câu 40. Thông thường, các bạn làm đến câu 30 là mất tập trung. Để tránh được tình trạng không chọn được câu trả lời sau khi nghe xong, bạn hãy chọn đáp án nào gần đúng nhất, đừng ngẫm nghĩ quá nhiều làm ảnh hưởng tới các câu hỏi tiếp theo. Theo kinh nghiệm của Thủy, một số câu hỏi ở phần 2 là câu hỏi về từ vựng, có những từ được nhắc tới khác nhau trong câu hỏi và câu trả lời. Ví dụ: trong câu hỏi có từ ”turn” (được sử dụng với nghĩa là lượt, lần) thì câu trả lời cũng sử dụng ”turn” nhưng với nghĩa là rẽ trái/phải. Không những cần phải trau dồi về khả năng nghe, bạn hãy trau dồi cả vốn từ vựng của mình nhé!

3. Part 3: Đoạn hội thoại.

Khi ôn tập ở nhà part 3, bạn nên dành thời gian phân tích câu hỏi và tình huống trước khi nghe băng. Bạn có thể dựa trên thông tin từ câu hỏi để dự đoán về địa điểm, nội dung, mục đích, nhân vật của đoạn hội thoại. Sau khi học xong các tình huống thì hãy ôn lại một cách cẩn thận, nắm thật chắc các tình huống cả về âm thanh, ý nghĩa và cách triển khai hội thoại đó. Chỉ cần mỗi ngày học 1 vài tình huống như vậy, đến lúc đi thi, bạn sẽ có một số ”vốn” tình huống nhất định. Khi ấy, khả năng nghe và tốc độ nắm bắt nội dung khi đọc câu hỏi sẽ tăng đáng kể (lúc đầu phải mất vài phút, nhưng sau dần bạn chỉ mất vài giây để phân tích). Một ví dụ nho nhỏ mà Thủy sẽ chỉ ra cho bạn ngay sau đây. Khi đọc được câu hỏi ”Where does the woman probably work?”, bạn có thể tưởng tượng ngay tình huống sẽ xảy ra tại nơi người phụ nữ đang làm việc, người phụ nữ này có thể là một nhân viên phục vụ, người đối diện có thể là khách hàng và chủ động cuộc hội thoại trước.

1 hội thoại tương ứng với 3 câu hỏi, tương ứng với 1 câu dễ, 1 câu vừa và 1 câu khó. Khi hội thoại bắt đầu, bạn sẽ có ngay thông tin để trả lời 1 câu. Nếu bạn ôn tập tốt thì câu 2 sẽ khá dễ dàng. Việc trả lời 3/3 câu đòi hỏi bạn phải có khả năng nắm bắt các thông tin theo ý vì đôi khi thông tin của 2 câu hỏi lại rơi vào cùng 1 câu trong hội thoại.

Một điểm chú ý nữa trong phần này là bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn khi chọn thông tin để trả lời. Ví dụ với câu hỏi: ”What does the man suggets?”, bạn có thể chọn nhầm sang đáp án là lời nói của người phụ nữ. Hoặc đôi khi bạn có câu trả lời cho câu hỏi nào đó rồi, nhưng khi nghe tới cuối hội thoại thì phải là đáp án khác, điều này khiến bạn rối bời và dễ mất bình tĩnh. Hãy thật tập trung và giữ phong độ nhé!

4. Part 4: Đoạn văn:
Thường phần này các bạn nghĩ là khó bởi bạn phải nghe một đoạn dài và liên tục. Tuy nhiên, bởi đoạn văn ở phần này chỉ có 1 người nói nên thường có logic nhất định. Khi ôn tập, các bạn hãy chú ý về cách triển khai ý của bài nói. Ngoài ra, hãy tập nghe với đoạn văn dài và liên tục. Trong giai đoạn luyện đề, để điểm số được tăng nhanh chóng nhất, hãy cố gắng nghe 1.5 – 2 tiếng mỗi lần để luyện tập sức bền và sự tập trung trong khoảng thời gian dài.

5. Part 5, part 6: Điền từ:

Thủy xếp part 5 và part 6 vào cùng 1 mục bởi cách làm và yêu cầu của 2 part này khá giống nhau. Hai phần này thường có câu hỏi về từ vựng và ngữ pháp. Các chủ đề ngữ pháp quen thuộc xoay quanh hai phần này cần phải tập trung ôn. Ví dụ như: liên từ, giới từ, từ loại, câu đảo ngữ, bị động,… Khi ôn tập, bạn nên so sánh các đề thi thì bạn sẽ nắm được các câu đặc trưng. Có một số câu sẽ có từ mới, nhưng nếu bạn biết phân tích từ mới (thuộc loại nào, cụm từ nào…) thì cũng không cần phải dịch nghĩa mà sẽ dễ dàng chọn được đáp án đúng. Nếu bạn gặp phải câu từ vựng mà bạn không biết thì nên đoán nhanh, đừng nên phí thời gian. Bạn hãy căn phần này để làm trong khoảng 15 – 20 phút thôi nhé!

6. Part 7: Đọc – hiểu:

Một sai lầm mà Thủy đã mắc phải khi ban đầu làm bài tập này là dịch chi tiết bài, hiểu cặn cẽ rồi mới làm bài. Ban đầu bạn có thể làm vậy nhưng nếu thực hiện việc này trong bài thi thì nó ngốn quá nhiều thời gian. Sau đó, Thủy đã thay đổi suy nghĩ, nhằm đúng mục tiêu của bài: chỉ cần làm đúng chứ không cần hiểu cặn kẽ. Part 7 yêu cầu bạn biết tổng hợp thông tin, chọn lọc thông tin. Hãy xác định yêu cầu cụ thể của câu hỏi và lướt thật nhanh để chọn đáp án và chuyển sang câu khác. Một vài câu hỏi yêu cầu bạn phải suy luận một chút. Vì vậy, hãy luyện tập ở nhà thật kĩ để luyện tập được khả năng nắm bắt đầy đủ thông tin của bài đọc. Ngoài ra, khi luyện tập, hãy tranh thủ để trau dồi từ mới và cấu trúc của bài nhé!

Đây là những kinh nghiệm mình được học tại Trung tâm Athena đấy