Chiếc PC đang dùng tự dưng trở nên rất ì ạch và rất chậm chạp. Bạn phải làm gì trong tình huống này để đưa chiếc PC của mình trở về trạng thái như trước đây. Hãy thử kiểm tra xem PC của bạn có mắc phải những lỗi sau đây không. 1. Virus và Spyware: Ngoài một số tác hại tiêu cực, khi hoạt động virus thường chiếm một lượng tài nguyên nhất định trong máy tính và làm máy chậm chạp.
Hãy “sơ cứu” bằng cách chấm dứt các process khả nghi bằng Task Manager, dừng thực thi một số dịch vụ (service) bằng Management Console, gỡ bỏ các chương trình tự động khởi động System Configuration Utility… và cập nhật ngay các chương trình chống virus, chống spy để rà soát virus trên máy. Một số loại virus phải cần một số công cụ đặc biệt để phát hiện, nếu bạn nghi máy mình bị nhiễm, hãy dò tìm trên website của các hãng bảo mật như Symantec, Mcafee, BitDefender…
2. Quá “nhiệt” vi xử lý: Đôi khi vì một lý do nào đó, quạt CPU của bạn không chạy, gây ra quá nhiệt ở CPU. Vậy thì bạn nên mở thùng máy và kiểm tra lại hệ thống tản nhiệt. Chương trình theo dõi nhiệt độ cũng có thể giúp bạn phần nào, tuy nhiên đó là những công cụ phiền phức.
3. RAM không tốt: Nếu bạn thấy quạt vẫn chạy đều, CPU vẫn mát thì hãy kiểm tra RAM. RAM bị lỗi nhẹ, máy tính sẽ không biết rằng đó là lỗi, nhưng quá trình hoạt động về lâu dài vẫn xảy ra trì trệ. Bởi thế, thử dùng các công cụ kiểm tra RAM, có sẵn trong CD Hiren để kiểm tra. Bạn cũng có thể kiểm tra thủ công bằng cách thay thế bằng một thanh RAM khác (được chắc chắn là tốt xem có cải thiện tình hình hơn không).
4. Đĩa cứng bị lỗi: Đôi khi vì một sự cố nhỏ về điện, đĩa cứng máy tính của bạn sẽ bị một vài lỗi nhỏ trên bề mặt hoặc trong hệ thống mạch điện. Thế là thay vì chỉ mất vài phần ngàn giây để đọc dữ liệu, nó phải tốn hàng giây, thậm chí hàng phút đồng hồ để đọc một lượng dữ liệu tương tự.
Trước hết, để phòng tránh tình trạng trên, bạn hãy dùng máy tính có ổn áp, hay nhất là UPS. Nếu bạn nghi ngờ đĩa cứng bị lỗi, hãy sao lưu dữ liệu dự phòng ngay lập tức và đem bảo hành. Nếu không còn bảo hành, hãy mua đĩa cứng mới, không nên tiết kiệm vài chục USD để khi hư đĩa cứng thì mất toàn bộ dữ liệu.
5. BIOS không tương thích: Đây là lỗi ít gặp, thế nhưng cũng cần phải xem xét. Một khi phần mềm BIOS không tương thích có thể dẫn tới máy tính hoạt động ì ạch hơn mong đợi. Giải pháp là cập nhật BIOS mới nhất cho bo mạch chủ, hay hơn, bạn hãy lùng trên mạng hoặc tham vấn các chuyên gia về cách tinh chỉnh các giá trị của BIOS.
6. Rà soát lại các dịch vụ đang hoạt động để xem có dịch vụ nào dư thừa không. Việc này đòi hỏi bạn có một số kinh nghiệm và kiến thức nhất định.
7. Đĩa cứng bị phân mảnh: Bạn hãy dùng Windows Defragment hoặc các công cụ dồn đĩa để xử lý tình huống này.
8. Quá nhiều trình ứng dụng: Một số người có thói quen thử sử dụng rất nhiều chương trình. Thế nhưng, họ lại không biết cách xử lý để loại bỏ hoàn toàn các chương trình đã Uninstall. Hãy dùng các công cụ quét Registry để làm máy tính sạch sẽ và khỏe mạnh hơn. Và tốt nhất là không nên cài quá nhiều chương trình ứng dụng trên một máy tính.
( Nguồn: Tuổi trẻ)
Bookmarks