Trang 4 / 6 FirstFirst 123456 LastLast
Hiển thị kết quả từ 31 đến 40 / 53
  1. #31
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    DN Việt ngây thơ đòi SamSung chuyển giao công nghệ

    Không ít những câu hỏi ngây thơ dành cho Samsung khi đề nghị, được chuyển giao công nghệ, hay được ký thoả thuận khung trước về khả năng ký hợp đồng mua hàng thì mới đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng.

    Quá lạc hậu, khó chơi với Samsung

    Tại cuộc gặp gỡ gần 200 doanh nghiệp Việt để tìm kiếm đối tác cung ứng hôm 11/9, nói, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Hiếu hy vọng, đầu tư của SamSung sẽ vượt ngưỡng 10 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam trong năm nay. Kéo theo, đã bắt đầu có chuỗi cung ứng linh kiện cho Samsung với gần 100 nhà cung cấp.

    Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong gần 100 nhà cung cấp vệ tinh cho Samsung, chỉ có 7 DN Việt Nam, cung cấp chủ yếu là bao bì, in ấn. Ở nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, cũng có vài ba doanh nghiệp Việt cung cấp cho Samsung nhưng là qua các công ty trung gian, làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4 và là các đơn hàng nhỏ lẻ.


    Không có DN nào đủ sức làm đối tác cấp 1 của SamSung

    Việt Nam có thể lỡ nhiều cơ hội và chẳng kiếm được gì từ Samsung ngoài cái danh "cứ điểm sản xuất toàn cầu", nếu như năng lực các DN Việt Nam trong ngành này không được cải thiện.

    Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Complex Shim Won Hwan nói "Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn lạc hậu, dù Samsung có mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam đến đâu đi chăng nữa thì vẫn cần có điều kiện làm tiền đề, chính là công nghiệp phụ trợ".

    Sau khi Samsung nêu ra 8 tiêu chí khắt khe về năng lực để có thể hợp tác trực tiếp, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài còn khẳng định rằng, không có ai ở đây trong số 200 doanh nghiệp có thể đáp ứng và trở thành đối tác cung ứng cấp 1 của Samsung.

    Có một khoảng cách xa về trình độ giữa các doanh nghiệp Việt và Tập đoàn lớn này.

    Vị Cục trưởng trên đặt câu hỏi: vốn có thể vay ngân hàng, nhưng công nghệ là một vấn đề. Samsung có chính sách hỗ trợ để chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp cấp 1?

    Một vị DN Việt Nam khác bày tỏ: "Chúng tôi có vốn để đầu tư, liệu các ông có thể giới thiệu công nghệ để chúng tôi tiến hành sản xuất sản phẩm cho phù hợp?"

    Ông Jang Hoyoung, Tổng giám đốc bộ phận mua hàng của Samsung Electric Việt Nam thẳng thắn: "Sẽ rất khó để học ngay trực tiếp những công nghệ mà Samsung đang bảo lưu. Bởi phần lớn linh kiện chính đều do chúng tôi phải trực tiếp sản xuất, chi phí đầu tư rất lớn, các DN đang cung cấp hàng cho chúng tôi cũng không đủ công nghệ để làm được".

    "Trường hợp chúng tôi dự kiến đầu tư 1 nhà máy sản xuất linh kiện cho Samsung và các doanh nghiệp khác. Liệu, Samsung có thể ký thoản thuận khung để chúng tôi làm cơ sở đầu tư sản xuất không?", ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nêu băn khoăn.

    "Chúng tôi chỉ có thể đồng ý đăng ký DN đó vào hệ thống đối tác để mua hàng. Nhưng chúng tôi không thể ký một thoả thuận khung khi chưa biết, doanh nghiệp đó năng lực đến đâu", ông Jang chia sẻ.

    Tiến dần từng bước

    Thậm chí, một vị Tổng giám đốc khác còn cho rằng, đây là câu chuyện con gà- quả trứng. Không có chính sách, cam kết hỗ trợ của Chính phủ, của Samsung về đầu ra thì chúng tôi không làm được.

    Một vị chuyên gia trong ngành bảy tỏ: "Sẽ rất sai lầm khi kỳ vọng một Tập đoàn lớn như vậy chuyển giao công nghệ cho mình. Giá trị công nghệ của họ là hàng tỷ USD. Nếu có tư duy này thì sẽ rất khó thành công".


    Phải đầu tư tiến dần từng bước mới có thể tham gia chuỗi toàn cầu.

    Ông Hồng Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Hồng Nam nhìn nhận: "Có một số loại sản phẩm của Samsung giới thiệu, chúng tôi chưa làm bao giờ, nhưng với 8 tiêu chí mà Samsung nêu, chúng tôi cũng có thể đáp ứng".

    Tuy nhiên, ông bày tỏ:"Đừng nên đặt mục tiêu là nhà cung cấp cấp 1 của một Tập đoàn lớn như Samsung ngay, bởi nếu làm hỏng, nghĩa là mất hoàn toàn cơ hội. Tôi nghĩ, chỉ nên tiến dần từng bước, làm nhỏ thôi và nên bắt đầu ở vị trí thứ cấp, làm nhà cung cấp thứ 3, thứ 4 trước đã".

    Ông Nam cũng cho rằng: "Không nên trông chờ kỳ vọng bất kỳ sự hỗ trợ nào của Chính phủ hay của Tập đoàn, vì nếu có hỗ trợ, chưa chắc đã tốt".

    Vị Tổng giám đốc bộ phận mua hàng của Samsung cũng khuyên tương tự: "DN nên làm cấp 3, 4 trước, tích luỹ kinh nghiệm rồi tiến dần lên làm nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung".

    "Dù Chính phủ có chủ trương hỗ trợ thì các doanh nghiệp vẫn phải tự lực trước đã, bằng tinh thần doanh nghiệp, bằng đam mê. Sự hỗ trợ của Chính phủ chỉ là một phần nhỏ để thúc đẩy doanh nghiệp thôi", ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương nói.

    Phạm Huyền

    http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/1968...cong-nghe.html

  2. #32
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    Thiếu ốc vít, DN Nhật muốn bỏ Việt Nam sang Thái

    Ông Sukurada Yoichi, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) cảnh báo, khi thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0, một số DN Nhật Bản đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan. Vì thế cần nỗ lực tăng tốc kẻo mất cơ hội.

    Ông Sukurada Yoichi cùng các cộng sự của mình và công ty Foval, hai đơn vị được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ủy thác, đang tiến hành khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về 6 ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực của Việt Nam, gồm: máy nông nghiệp; chế biến thực phẩm; điện tử; ôtô và phụ tùng ô tô; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng.

    Chương trình khảo sát được tiến hành từ tháng 4/2014, kết thúc vào ngày 1/1/2015.

    Tại buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) sáng 19/9, ông Sukurada Yoichi cho biết, chương trình khảo sát được tiến hành tại Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực lân cận như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương; từ đó, lập ra một danh sách 500 doanh nghiệp hỗ trợ hàng đầu của Việt Nam có nhu cầu hợp tác với Nhật Bản. Chương trình cũng khảo sát nhu cầu đầu tư của các DN Nhật Bản (khoảng 20 đơn vị) đang làm ăn tại Việt Nam.


    Việt Nam đang cần nguồn vốn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mới đây, phía JIBIC đã đồng ý cho VN vay 100 triệu USD để phát triển lĩnh vực này, tuy nhiên con số đó vẫn rất nhỏ so với nhu cầu.

    Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, cho hay, chưa bao giờ Việt Nam chú trọng tới công nghiệp hỗ trợ như thời điểm này.

    Tuy nhiên, do Nghị định về Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm ra đời nên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tại cuộc họp chuyên đề ngày 15/9, cho hay sẽ ban hành chính sách đặc biệt cho 6 phân khu thuộc 4 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

    Tại Hà Nội, ông Hoàng nói sẽ tập trung hỗ trợ cho KCN Hỗ trợ nam Hà Nội. KCN này rộng 640ha, dự kiến sẽ mở rộng lên 2.000ha, thu hút từ 3.000-5.000 DN nhỏ và vừa của nước ngoài và Việt Nam vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển đồng bộ từ hạ tầng đến kỹ thuật, công nghệ, đầu ra...

    Theo ông Hoàng, trước đặt hàng của Samsung tại triển làm về công nghiệp hỗ trợ vừa qua, các DN Việt Nam hầu như chưa sản xuất được gì và đứng ngoài cuộc chơi. Vì thế, HANSIBA mong muốn sự hợp tác với JICA cần cụ thể, chia thành từng nhóm tại tác tỉnh, thành; doanh nghiệp Việt Nam được làm việc trực tiếp với các DN Nhật Bản, có thông tin về số lượng, chất lượng, quy trình sản xuất... từ đó mới đáp ứng được.

    HANSIBA hiện là hiệp hội đầu tiên tại Việt Nam chuyên về công nghiệp hỗ trợ, gồm gần 200 hội viên, trong đó 100 hội viên sản xuất và liên quan trực tiếp đến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, DN tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, 1/3 số này đã sản xuất được các sản phẩm xuất khẩu cho các tập đoàn quốc tế. Riêng hội viên là các DN trẻ cũng từng du học và làm việc ở Nhật Bản về đầu tư, phát triển các linh kiện xuất khẩu sang Nhật, đây là nòng cốt của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tương lai.

    Tới đây, Hà Nội sẽ xây dựng hàng trăm nhà xưởng tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, thiết kế quy hoạch 6 phân khu theo 6 ngành công nghiệp mà Chính phủ định hướng. HANSIBA rất cần JICA hỗ trợ về sản phẩm đầu ra, công nghệ, đào tạo quản trị quy trình sản xuất, đào tạo lao động có tay nghề, hỗ trợ nguồn tài chính và môi trường sản xuất.

    “Mong muốn của chúng tôi là được tham gia làm nhà thầu phụ cấp 2, 3, 4, thậm chí cấp 5... để có mặt vào chuỗi sản xuất CNHT toàn cầu của Nhật” - ông Hoàng nói.

    Đại diện phía JICA, ông Sukurada Yoichi cho hay, để hợp tác hai bên có hiệu quả, phía các DN Việt Nam cần chỉ rõ đâu là điểm mạnh của mình trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hiện DN Nhật Bản không nắm rõ được năng lực sản xuất của phía Việt Nam, phải tự đi tìm nên rất khó.

    Theo ông Yoichi, giá sản phẩm có thể cao nhưng chất lượng tốt, có ưu thế về kỹ thuật... vẫn được các DN Nhật Bản đón nhận. Ông ví dụ, ở Nhật Bản có những công ty rất nhỏ, chỉ 5 công nhân, nhưng tạo ra những sản phẩm đặc biệt không nơi nào sản xuất được. Tất nhiên, đó là nhờ Nhật Bản đã phát triển công nghiệp hỗ trợ vài chục năm trước, còn Việt Nam gần đây mới quan tâm đến lĩnh vực này.

    “Tới đây, thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0, một số DN Nhật Bản đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, vì thế các bạn cần nỗ lực tăng tốc kẻo mất cơ hội”, ông Sukurada Yoichi cảnh báo.

    Ngọc Hà

    http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/1981...sang-thai.html

  3. #33
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    DN ngoại dọa bỏ Việt Nam sang Campuchia, Myanmar

    Mức độ môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng mà chỉ duy trì ở mức trung bình. Ngay cả nhiều DN làm ăn lâu năm ở Việt Nam cũng nhìn nhận về các thị trường khác hấp dẫn hơn Việt Nam.

    Đây là cảnh báo được rất nhiều DN, Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài đã cảnh bảo điều này trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM . Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, sẽ việc cân nhắc chuyển công việc kinh doanh sang một thị trường khác.

    So sánh giật mình

    Một khảo sát được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam (Euro Cham) công bố mới đây cho biết, với sự gia tăng trong vai trò của các nước trong Asean đã tác động rất lớn trong kế hoạch kinh doanh của DN ở Việt Nam. Cụ thể chỉ trong 6 tháng vừa qua, 20% DN trong hiệp hội này cho biết sẽ cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang thị trường khác trong khu vực.

    Các chuyên gia từ hiệp hội này cho rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng về môi trường kinh doanh hiện tại và sức cạnh tranh đang gia tăng của các thị trường khác trong khu vực.

    Trong khi đó, một đánh giá của Euro Cham về các cơ hội kinh doanh trong khu vực thì có đến 45% DN cho rằng các thị trường ASEAN khác là điểm kinh doanh tốt hơn Việt Nam. Trong khi đó 37% cho rằng thị trường Việt Nam ở mức trung bình và chỉ có 18% tin tưởng Việt Nam ở nhóm dẫn đầu.



    Chủ tịch Euro Cham, ông Preben Hjorrtlund chia sẻ: “Điều đáng suy ngẫm là mức độ môi trường kinh doanh không tiếp tục tăng mà chỉ duy trì ở mức trung bình. Ngay cả khi nhiều DN kinh doanh ở đây lâu năm cũng đã nhìn nhận về các thị trường khác hấp dẫn hơn Việt Nam. Như vậy Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện các vấn đề cơ bản của nền kinh tế cũng như đảm bảo một hiệp định thương mại tự do bền vững và khả thi.”

    Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thủ tục hành chính luôn là rào cản lớn nhất cho các DN nước ngoài. Thêm vào đó logicstic vẫn chưa hoàn thiện, lao động vẫn chưa phát huy hết công năng vì hạn chế thời gian làm việc thêm giờ. Những vấn đề phát sinh bất khả kháng như là tăng lương cơ bản ngay giữa năm đã làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

    Xu hướng dịch chuyển đầu tư không chỉ diễn ra trong cộng đồng DN châu Âu. Trước đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ diễn ra vào tháng 6/2013, Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam (AusCham) nhấn mạnh các nước Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đang nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn khiến tính cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực càng cao. Nếu Việt Nam không tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn FDI có thể tiếp tục bị giảm sút.

    Cải thiện môi trường đầu tư: Hy vọng năm 2014

    Nhìn nhận về vấn đề trên ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)cho biết: “Môi trường đầu tư có xu hướng xấu đi cũng một phần nằm ở nghị định 108 hướng dẫn thi hành luật đầu tư. Khi ban hành nghi định này và đi vào thực tế cuộc sống thì phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến luật không phù hợp nên phải sửa đổi. Tuy nhiên điều bất cập tiếp theo là do hệ thống luật chồng chéo và liên quan đến nhau nên phải kéo dài tới hôm nay. Tuy vậy dự kiến đầu năm 2014 sẽ sửa đổi luật đầu tư, hi vọng sẽ cải thiện được nhiều vấn đề.”

    Các DN đến từ Mỹ cho rằng, khối doanh nghiệp trong nước đang yếu đi rất nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề nguồn nhân lực tại chỗ cũng ngày một yếu đi, thiếu lực đượng lao động có kỹ năng, thiếu chuyển dịch từ thâm dụng lao động sang phát triển giá trị gia tăng.

    Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ chia sẻ: “Tập trung vào tính minh bạch các doanh nghiệp nhà nước để tạo môi trường lành mạnh trong cạnh tranh. Điều đặc biệt cần đẩy nhanh TPP để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ, đó là cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh tại Việt Nam.”

    Trước phản ánh của DN, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của các DN, phân tích những yếu tố nào mà các DN chưa thỏa mãn với môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đó có biện pháo tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là trên địa bàn TP.HCM.

    “Đối với chính sách thì khi đưa ra không nên hạn chế mà phải khuyến khích doanh nghiệp hoạt động, không làm mất đi sự ổn định hiện có của doanh nghiệp, sự ổn định là rất quan trọng. Việc đưa ra chính sách cần phải thể hiện việc điều hành tốt hơn, nếu đưa ra chính sách không tốt hơn hiện tại thì tốt nhất đừng nên đưa ra”. Ông Hà nhấn mạnh.

    Nam Phong

    http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/1382...--myanmar.html

  4. #34
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    Nhập khẩu từ nhân công đến ốc vít

    Hàng loạt dự án tỉ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, chưa rõ chất lượng đến đâu thế nhưng tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%.

    Tại hội nghị tổng kết mười năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí VN do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4, Bộ Công thương cho biết đến năm 2012 VN mới đáp ứng được 32,5% nhu cầu về cơ khí trong nước. Hệ quả, nếu như năm 2006 VN mới phải nhập khẩu 8,7 tỉ USD cơ khí thì năm 2013 nhập khẩu thiết bị cơ khí đã lên khoảng 24,8 tỉ USD.


    Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) hiện đang thi công cũng do doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu.

    Trung Quốc trúng thầu nhiều quá...

    Phát biểu ngay sau báo cáo đề dẫn của Bộ Công thương, TS Nguyễn Chỉ Sáng, viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, đã đưa ra bảng thống kê về thực trạng các nhà thầu ngoại trúng thầu tại VN. Cụ thể từ năm 2003-2013, VN có 20 dự án nhiệt điện thì 17 dự án đã rơi vào tay nhà thầu nước ngoài, trong đó 15 dự án là tổng thầu Trung Quốc (như Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh... - PV).

    Hệ quả là tỉ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, ông Sáng cho rằng “tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%”!

    Trong khi đó, các nhà máy thủy điện mà nhiều nhà thầu VN được làm tổng thầu thì tỉ lệ nội địa hóa đã lên đến 30%. Nhờ có đơn hàng, đến nay các doanh nghiệp VN đã có thể tự thiết kế, chế tạo thiết bị thủy công cho cả các thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu với tỉ lệ nội địa hóa đến 90%. Vì vậy, theo ông Sáng, “rõ ràng là do cơ chế, cách chúng ta chuẩn bị, chứ không phải năng lực”.

    Với ngành công nghiệp nhiều “tai tiếng” về ô nhiễm như ximăng, ông Sáng công bố trong mười năm qua, VN có 24 nhà máy thì 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC (đảm nhiệm từ tư vấn, mua sắm thiết bị và xây lắp). “Với các dự án nhà máy ximăng mà doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa cũng cơ bản bằng 0%” - ông Sáng khẳng định.

    Máy nông nghiệp cũng gặp khó vì hàng Trung Quốc

    Ông Trần Ngọc Hà, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp VN (VEAM), cũng nêu một khó khăn cho ngành cơ khí đến từ Trung Quốc. Theo ông Hà, các loại máy nông nghiệp sản xuất tại VN chỉ chiếm 15-20% thị phần, trong khi máy Trung Quốc chiếm tới 60%. Loại máy diesel Trung Quốc giá rẻ, chất lượng trung bình do các nhà máy đã hết khấu hao nên theo ông Hà, nếu doanh nghiệp VN giờ muốn đầu tư theo đúng chiến lược phát triển ngành cơ khí sẽ rất khó và sẽ không thành công.
    Dự án bôxit cũng tương tự, VN đang làm hai nhà máy ở Tây nguyên thì cả hai nhà máy đều do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu. Và tỉ lệ nội địa hóa ở hai nhà máy này có khá hơn, nhưng cũng chỉ ở mức... 2%. “Trong khi đó, theo Công ty Hatch (của Úc) chuyên về nhôm thì VN có đủ năng lực để thiết kế, chế tạo trong nước tới 50% thiết bị trong ngành này” - ông Sáng dẫn chứng.

    Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, cũng dẫn chứng thời ông làm nhiệt điện Phả Lại mở rộng (bắt đầu từ năm 1998), đối tác Nhật là thầu chính đã giao cho doanh nghiệp VN làm hầu hết kết cấu thép cho nhà máy này. Tuy nhiên “khi Trung Quốc sang thì khác, đến cái bulông họ cũng đem vào”...

    Thiếu nhất quán

    Theo ông Lê Dương Quang, thứ trưởng Bộ Công thương, Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị về việc sử dụng hàng hóa trong nước với những gói thầu dùng ngân sách. Ngay cả khi doanh nghiệp nước ngoài trúng tổng thầu EPC, tinh thần chỉ thị vẫn có thể chia dự án thành các gói thầu riêng như tư vấn, mua sắm, xây lắp... để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia.

    Tuy nhiên, ông Quang thừa nhận việc thực thi các quy định còn hạn chế, thiếu nhất quán, các chủ đầu tư nhiều nơi chưa tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước...

    http://st.baodatviet.vn/staticFile/S..._122119140.jpg
    Kim ngạch nhập khẩu cơ khí của VN qua các năm - Nguồn: Bộ Công thương.

    Ông Lê Văn An, tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi, nêu các chỉ thị của Thủ tướng đã đủ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, “có lẽ Thủ tướng hiền quá nên thực hiện chưa nghiêm”.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp, ông An khẳng định chỉ thị 494/2010 của Thủ tướng căn cứ Luật đấu thầu, đã cấm các dự án dùng vốn Nhà nước đấu thầu quốc tế nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng được (trừ khi theo yêu cầu nhà tài trợ vốn ODA).

    Dẫn chứng doanh nghiệp mình đã làm thủy điện 3MW Tam Kỳ, Đà Nẵng, từ nhiều năm trước tuôcbin giờ vẫn chạy tốt, ông An cho rằng việc hầu hết thủy điện nhỏ hiện nay dùng công nghệ Trung Quốc đã làm hại đến khả năng phát triển của doanh nghiệp VN. Kiến nghị với Thủ tướng, ông An đề nghị cần chế tài các chủ đầu tư, bộ ngành không thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước.

    Phải sửa ngay

    Đánh giá những vấn đề của ngành cơ khí rất quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý kéo dài cuộc họp tới tận 13g (từ đầu giờ sáng).

    Trả lời cụ thể những vấn đề doanh nghiệp nêu về chủ đầu tư không thực hiện nghiêm chỉ thị về sử dụng hàng hóa trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh cái nào thực hiện không nghiêm, hay văn bản không sát phải tập trung khắc phục ngay để đưa cơ khí phát triển nhanh, vững chắc hơn.

    “Không làm cái này công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công” - Thủ tướng nói và yêu cầu bộ trưởng công thương sau cuộc họp phải dự thảo ngay chỉ thị của Thủ tướng để giao việc cho các bộ, ngành xử lý các việc cuộc họp nêu.

    Bộ Công thương cũng được yêu cầu rà soát, làm quy hoạch và chiến lược mới. Thủ tướng nêu hằng ngày VN có khoảng 1 triệu người đánh bắt trên biển, nay có tàu sắt, dân mừng, cần tiến tới thay thế hết tàu gỗ bằng tàu sắt.

    Với vấn đề doanh nghiệp giàn khoan nêu làm cơ khí trọng điểm nhưng vẫn phải nộp thuế VAT dù theo quy định được miễn, đến nay giàn khoan đã hoạt động ba năm vẫn chưa được hoàn thuế, Thủ tướng yêu cầu: phải sửa. Với các kiến nghị về thuế, Thủ tướng tiết lộ và hỏi: “Như Samsung, ta phải cho thuế thu nhập doanh nghiệp 10% họ mới đầu tư, tại sao cơ khí không có cái này?”.

    Việc bảo vệ sản xuất trong nước, Thủ tướng nêu Hoa Kỳ giàu như thế nhưng họ vừa áp các biện pháp bảo vệ cá da trơn. Ông chỉ đạo các bộ ngành phải rà soát chính sách đấu thầu, chỉ định thầu, quy định tỉ lệ nội địa hóa trong đấu thầu... để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không đóng cửa cạnh tranh và phù hợp điều kiện hội nhập. Các chính sách tín dụng, cho vay ưu đãi, Thủ tướng nhấn mạnh cần đi vào sản phẩm trọng điểm, không tràn lan.

    Ôm từ hàng đến nhân công

    Đã có rất nhiều dự án quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỉ USD, đã được các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Và tại nhiều dự án, nhà thầu sử dụng tối đa hàng Trung Quốc và cả nhân công của họ. Những công trình lớn doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu có thể kể: Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhà máy alumin Tân Rai, Nhà máy alumin Nhân Cơ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhà máy Đạm Cà Mau, đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội)... Tổng giá trị các hợp đồng doanh nghiệp Trung Quốc giành được ở VN trong mười năm trở lại đây đã lên đến cả chục tỉ USD.

    CẦM VĂN KÌNH

    http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/201404...it/602432.html

  5. #35
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    Ngoài ốc vít, Việt Nam 'bó tay' với sơn ô tô

    Nhu cầu về sơn dùng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, còn DN Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc.


    Nhu cầu ngành sơn tăng mạnh

    Việt Nam đứng ngoài cuộc

    Mới đây, Công ty Sơn Nippon (Nhật Bản) đã khai trương nhà máy sản xuất sơn thứ 3 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với vốn đầu tư 14 triệu USD, cho sản lượng 15.000 tấn sơn/năm. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất các loại sơn công nghiệp cho ô tô, xe máy, sơn phủ tầu biển, nhựa... để đáp ứng thị trường Việt Nam.

    Trước đó, nhà máy thứ hai đã được công ty này xây dựng năm 2005, cũng tại Vĩnh Phúc, để cung cấp sơn cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, với sản lượng 5.000 tấn/năm.

    Ông Kondo Masao, Tổng giám đốc Công ty Sơn Nippon Vĩnh Phúc, cho biết, kinh tế phát triển, tiêu thụ ô tô, xe máy tại Việt Nam tăng mạnh khiến nhu cầu sơn tăng, đó là lý do mà Nippon tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 3, tăng gấp 3 lần công suất.

    Không chỉ Nippon, hàng loạt nhà sản xuất sơn phục vụ công nghiệp ô tô, xe máy cũng đã có mặt và đầu tư vào thị trường Việt Nam thời gian qua, như Kansai Paint, BBG (Nhật Bản)... Theo Nippon, thì hầu hết các DN sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Toyota, Trường Hải, Xuân Kiên... đều đang sử dụng sơn của họ để sơn các sản phẩm ô tô, xe máy.

    Ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ô tô Trường Hải, cho hay, với sản lượng lên tới 40.000 xe/năm, nhu cầu về các loại sơn để sơn linh kiện, khung gầm, thân vỏ xe... của công ty này rất lớn. Tuy nhiên, từ khi đi vào sản xuất đến nay, hơn chục năm qua, chỉ có các nhà cung cấp sơn nước ngoài hoặc DN FDI đến chào mời sử dụng sản phẩm của họ, còn ông không hề thấy bóng dáng các DN Việt Nam.

    “Chúng tôi sẵn sàng gặp gỡ các DN sơn Việt Nam, xem sản phẩm của họ và đặt hàng nếu có chất lượng tốt, giá hợp lý. Thực tình, Trường Hải rất muốn sử dụng sơn trong nước cho một số sản phẩm xe tải, xe khách sản xuất để giảm chi phí, nhưng không có DN sơn nào của Việt Nam có thể cung cấp”, ông Tài nói.

    Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên, cũng than thở: “Năm 2004 khi đầu tư dây chuyền sơn điện ly để sơn ô tô tải, tôi cũng đã tìm kiếm các nhà cung cấp sơn của Việt Nam nhưng không DN nào sản xuất. Đây là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, sơn sấy ở nhiệt độ 170 độ C, nên phía Việt Nam chưa đáp ứng được”.

    Sơn của Việt Nam chỉ sơn hàng rào

    Về vấn đề này, một DN sản xuất sơn của Việt Nam lý giải, sơn dùng trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy là sơn công nghệ cao, đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Chẳng hạn, màng sơn thân vỏ ô tô vừa đóng vai trò làm đẹp, vừa bảo vệ bề mặt thân xe suốt thời gian sử dụng, chống xước cho xe, chịu được mưa axit, tránh được sự xuống cấp do tia tử ngoại... Lớp màng này rất mỏng, chỉ khoảng 0,1mm nhưng trong đó bao gồm rất nhiều lớp hóa chất, phải có công nghệ cao mới sản xuất được.

    Các DN Việt Nam muốn làm được cần có 2 điều kiện quan trọng, đó là vốn đầu tư lớn và làm chủ công nghệ; tức là, phải có dây chuyền sản xuất hiện đại và phải bỏ chi phí lớn cho nghiên cứu phát triển, hoặc mua công nghệ mới có được. Tuy nhiên, DN Việt Nam vốn ít, công nghệ không có thì... bó tay.

    “Chúng tôi cũng biết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới, khi chuyển giao cho đối tác hoặc đầu tư vào nước nào đó thường chỉ định sơn của các nhà cung cấp truyền thống. Bởi, các sản phẩm sơn này đã được họ đã thử nghiệm nhiều lần và sử dụng cho sản phẩm ô tô xe máy ổn định. Nếu DN Việt Nam có sản phẩm tốt, được phía nước ngoài sử dụng và chỉ định dùng trên toàn cầu thì còn gì bằng. Như vậy tức là đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị giám đốc trên bày tỏ.

    Nhưng, do thương hiệu yếu, thiếu vốn, thiếu công nghệ, lại không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, DN Việt Nam không thể sản xuất và cạnh tranh được.

    Giám đốc một DN ô tô tại Hà Nội tiết lộ có sử dụng sơn của DN Việt Nam nhưng chỉ để sơn hàng rào nhà máy, còn sơn nhà xưởng cũng không dùng được, vẫn phải mua sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.

    Ngay cả khi đã đầu tư sản xuất sơn tại Việt Nam, các DN FDI cho biết toàn bộ nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, chẳng hạn nguyên liệu dùng cho sơn ô tô nhập từ Nhật Bản, cho xe máy nhập từ Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và châu Âu. Máy móc thiết bị cũng vậy. Việt Nam không cung cấp gì ngoài nhân công giá rẻ.

    Rõ ràng, với tình trạng này, con đường để tiến tới một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển của Việt Nam còn quá gập ghềnh, chông gai.

    http://www.cokhivietnam.vn/?area=new...3&cat=2&lang=1

  6. #36
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    Chuỗi toàn cầu: Nỗi bất lực 50 đồng Việt Nam

    Có thể khẳng định các DN Việt Nam đủ khả năng để sản xuất những chiếc ốc vít đạt yêu cầu do Samsung đặt ra, tuy nhiên giá sẽ cao hơn rất nhiều so với mua từ nơi khác.

    Câu chuyện về DN Việt Nam không đủ khả năng sản xuất ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung đã mang đến cái nhìn hết sức bi quan về ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

    Dẫm chân tại chỗ

    Một nguồn tin cho biết, hiện Samsung mua ốc vít của một DN FDI Hàn Quốc với giá chỉ từ 50-60 đồng/chiếc. Với mức giá như vậy, không DN Việt Nam nào có thể cạnh tranh nổi.

    Mỗi chiếc điện thoại Samsung cần từ 15-20 ốc vít. Theo kế hoạch, mỗi năm Samsung sản xuất 250 triệu điện thoại tại Việt Nam, số ốc vít đặt hàng lên tới khoảng 5 tỷ chiếc. Chỉ tính lợi nhuận khoảng 10% thì mỗi năm, DN cung cấp cũng thu được 25-30 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ hội này không dành cho các DN Việt Nam.


    Cơ hội sản xuất ốc vít cung cấp cho Samsung gần như các DN Việt Nam không tận dụng được (ảnh minh họa)

    Để sản xuất được một chiếc ốc vít với giá thành rẻ và chất lượng tốt như vậy không phải là chuyện đơn giản. Một doanh nhân Việt Nam vừa thăm quan nhà máy sản xuất ốc vít của DN Hàn Quốc nói trên nhận xét, dây chuyền sản xuất của phía Hàn Quốc là tự động hoàn toàn, mọi quy trình sản xuất đều được tối ưu hóa, công nghệ và kinh nghiệm đã được đúc rút từ hàng chục năm mới có. Tất cả những thế mạnh này của họ lại là thế yếu của các DN Việt Nam.

    Từ năm 2003, Công ty Ôtô Daewoo (nay là GM Việt Nam) cũng đã tìm đến các DN Việt Nam đặt hàng sản xuất ốc vít. Sau khi sản xuất thử với chi phí mà Daewoo đề nghị, không chiếc ốc vít nào của DN Việt Nam đạt chuẩn. Khi đó, một DN cho hay có thể sản xuất đạt chất lượng của Daewoo nhưng chi phí sẽ cao hơn vì phải đầu tư nhiều, trong khi không được Nhà nước hỗ trợ.

    Câu chuyện DN Việt Nam không làm được ốc vít theo đơn đặt hàng không phải chuyện lạ. Chỉ có điều lạ là sau cả chục năm trời, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều và miệt mài đặt mua ốc vít mà vẫn không có DN trong nước nào đáp ứng được. Như vậy cũng có nghĩa là thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã không có sự tiến bộ nào.

    Thiếu quan tâm

    Đây chính là hậu quả của sự thiếu quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ trong suốt thời gian dài vừa qua. Ông Phan Đăng Tuất, khi còn là Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã nhiều lần than thở: Ở các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... , công nghiệp hỗ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam, ngược lại, nó được phát động từ giới nghiên cứu và DN. Ông Tuất cho rằng trong quá xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ đã gặp không ít sự "lạnh lẽo, nghiệt ngã" của những người có trách nhiệm.


    Đến nay Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa hoàn thiện và chưa được ban hành

    Ông Kyoshiro Ichikawa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty IBC Việt Nam, kể rằng: “Năm 1992, tôi sang Việt Nam làm trong lĩnh vực ôtô có khảo sát mọi người, nhưng chẳng ai biết công nghiệp hỗ trợ là gì. Khi đó, Việt Nam chỉ có một số DNNN sản xuất các thiết bị đồng bộ”.

    Năm 2003, khi Tổ công tác về Sáng kiến chiến lược Công nghiệp hóa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản ra đời, công nghiệp hỗ trợ thường xuyên được đề cập trong các phiên họp, tuy nhiên cũng phải 8 năm sau, tức là đến năm 2011 mới đưa ra được kế hoạch hành động.

    Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn có cách tiếp cận khác so với Nhật Bản về công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam thường đề cập tới công nghệ cao nhiều hơn, coi công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất linh kiện. Sau 10 năm hợp tác Việt - Nhật mới đưa ra được định nghĩa thế nào là công nghiệp hỗ trợ, chỉ ra những sản phẩm nào cần công nghiệp hỗ trợ.

    Năm 2011, Việt Nam chính thức ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên nó quá chung chung và thiếu sự hấp dẫn. Sau 3 năm triển khai, hiện mới chỉ có 1 DN được hưởng ưu đãi, mà lại là DN FDI chứ không phải DN trong nước. Đến nay Bộ Công Thương lại đang phải soạn thảo lại. Khi các cơ quan chức năng vẫn cứ loay hoay mãi với việc xây dựng chính sách, thì DN sẽ còn phải chờ đợi và thời gian cứ trôi đi mà không có sự tiến bộ nào.

    Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho rằng, sở dĩ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển là được nhà nước đầu tư rất lớn. Thường các nước sẽ đầu tư trở lại 10% số thu ngân sách từ những ngành này để thúc đẩy phát triển.

    Với ngành ô tô Việt Nam có đóng góp khoảng 3 tỷ USD/năm vào ngân sách, nếu được đầu tư trở lại 10% thì chắc chắn công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua thu thì có, nhưng đầu tư lại thì không.

    Theo ông Huyên, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cần phải có chính sách ưu đãi lớn. Ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Chính phủ cho vay vốn với các dự án công nghiệp hỗ trợ từ 0-3% và tùy từng lĩnh vực ưu tiên như sản xuất ô tô được vay lên tới 100 triệu USD với thời gian 20 năm. Tuy nhiên ngân sách của ta hiện khó khăn, nếu làm như vậy thì lấy tiền đâu ra?

    Trần Thủy

    http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/2011...-viet-nam.html

  7. #37
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    4 doanh nghiệp Việt thỏa mãn Samsung: Làm bao bì cũng...quá khó!

    Cứ mở một hộp đựng điện thoại di động ra và hỏi xem doanh nghiệp Việt có làm được không, chắc chắn nhiều thứ trong đó họ phải lắc đầu.


    Chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn được Samsung.

    ThS.Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới trao đổi với báo Đất Việt về việc chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp nguyên vật liệu cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.

    Ít doanh nghiệp thỏa mãn vì năng lực kém

    Theo một thống kê mới đây, trong số 67 doanh nghiệp đang cung cấp nguyên vật liệu cho SEV, số lượng doanh nghiệp Việt chiếm tỉ lệ rất ít ỏi. Theo đó, chỉ có 4 doanh nghiệp: Công ty CP In và Bao bì Goldsun, Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng, Công ty TNHH Nam Á. Như vậy, thực tế doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm bao bì cho Samsung.

    ThS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, việc chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt đáp ứng được Samsung là do năng lực kém, đồng thời do chế độ tỷ giá khiến doanh nghiệp chỉ thích nhập khẩu.

    "Năng lực đến đâu thì làm đến đấy. Từ xưa đến nay, các doanh nghiệp Việt toàn đi buôn đánh quả là chính, có ai sản xuất đâu? Nếu cứ để chế độ tỷ giá như hiện nay, nhập khẩu đương nhiên rẻ hơn rất nhiều thì sản xuất trong nước chắc chắn sẽ bị bóp chết".

    Ông Sơn dẫn chứng vụ việc bắt hàng nghìn khung xe máy ở Bắc Ninh cách đây nhiều năm. "Đi điều tra mới thấy ở thời điểm đó khung xe máy sảm xuất ở Việt Nam chỉ có mấy trăm ngàn bộ trong khi thực tế có tới 2 triệu bộ khung đăng ký được sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi nội địa hóa. Con số đó chắc chắn được nhập từ Trung Quốc.

    Chế độ tỷ giá của Việt Nam luôn ở trạng thái làm cho sản xuất trong nước bị đắt, trong khi Trung Quốc, quốc gia ở ngay bên cạnh lại đi trước về công nghệ, tỷ giá thuận lợi, bán rẻ hơn thì đương nhiên người ta sẽ nhập về và lúc ấy nó bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

    Trung Quốc phá tỷ giá tới 40% từ năm 1994 để rồi sau đó phát triển công nghệ đi trước Việt Nam 10 năm. Bởi thế, nếu giữ chế độ tỷ giá hiện nay bên cạnh Trung Quốc thì Việt Nam không có cơ hội để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ".

    Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, do năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu nên khi các tập đoàn như Samsung đặt hàng thì các doanh nghiệp Việt chào thua, chấp nhận nhập từ Trung Quốc về buôn đi bán lại cho nhanh.

    Về việc các doanh nghiệp Việt chỉ làm bao bì cho Samsung, ông Sơn thừa nhận, bản thân ông không phải là người làm kỹ thuật trong lĩnh vực này nên không rõ yêu cầu cụ thể của Samsung thế nào. Ông Sơn cho biết đây là phần rẻ nhất, chiếm ít chi phí nhất của chiếc điện thoại nhưng "chắc chắn đối với những mặt hàng cao cấp, đắt tiền, công nghệ cao thì bao bì không thể giống như bao bì của cái quạt hay điều hòa nhiệt độ".

    Vị Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới phân tích, nghe đến bao bì có vẻ đơn giản nhưng thực ra rất phức tạp. Ví dụ, miếng xốp để đóng một chiếc iPad hay smartphone khác miếng xốp đựng điều hòa nhiệt độ, hay sản phẩm đòi hỏi phải có túi khí nhỏ để chống va đập. Đó là chưa kể đến việc bao bì phải đạt chế độ in cao cấp chứ không đơn giản là chỉ vẽ rồi in hình chiếc máy ở bên ngoài.

    "Thử mở một chiếc hộp đựng smartphone ra rồi hỏi xem doanh nghiệp Việt Nam có làm được không. Chắc chắn có nhiều thứ trong đó họ phải lắc đầu", ông Sơn nhận xét.

    Ông Sơn cho biết, 4 doanh nghiệp Việt đang làm bao bì cho Samsung từng chia sẻ họ rất ngại khi nhận đơn hàng, bởi phải nghiên cứu chi tiết xem loại giấy Samsung yêu cầu làm thế nào hay tạo các túi khí ra sao..., có công nghệ rồi chưa chắc đã làm nổi.

    ThS.Bùi Ngọc Sơn cũng chia sẻ rất chân tình về công việc trước đây gia đình ông từng làm. "Gia đình tôi bán phụ liệu may. Có người đến hỏi mua những miếng nhôm để đính hai chiếc tất lại với nhau. Tôi bảo muốn đặt làm thì tôi chịu, phải đợi tôi đặt mua từ Trung Quốc về. Việt Nam có nhiều thứ làm được nhưng lại không thể làm được thứ này. Muốn làm, phải sử dụng máy dập cóc bằng tay dập từng cái một. Trong khi đó, Trung Quốc đưa cả một tấm nhôm vào dùng máy thủy lực dập mỗi lần ra hàng nghìn miếng giá rất rẻ.

    Ngay cả miếng nhựa để kẹp áo sơ mi tôi cũng phải nhập của Trung Quốc. Trung Quốc bán 7 đồng/miếng, còn Việt Nam đi đặt phải mất tới 42 đồng/miếng, cũng lại dùng máy dập cóc dập cho rơi ra từng miếng một".

    Chính vì thế, theo ông Sơn, nếu trước đây ai đó từng nói Việt Nam có thể tự công nghiệp hóa được thì đã sai lầm bởi ngay đến miếng kẹp tất, kẹp áo còn không làm nổi thì làm sao có thể công nghiệp hóa.

    Phải trách mình trước...

    Ở một thông tin khác, theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), trong khuôn khổ hợp tác về công nghiệp hỗ trợ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc, từ năm 2015, phía Hàn Quốc sẽ chuyển giao 100 công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

    Các công nghệ Hàn Quốc chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí - chế tạo, dệt may - da giày, điện - điện tử và ô tô - xe máy.

    ThS Bùi Ngọc Sơn tỏ ra lo ngại khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước sang năm 2015 mà Việt Nam chưa có chuẩn bị gì để đón nhận các công nghệ trên.

    "Như trường hợp của Samsung, họ bỏ tiền tổ chức hội nghị, mời doanh nghiệp Việt đến xem rồi nhận việc mà doanh nghiệp mình còn chẳng làm được. Muốn Hàn Quốc chuyển giao công nghệ thì họ chuyển nhưng Việt Nam có làm được đâu?! Thông thường người ta phải mất tới 5-10 năm chuẩn bị nguồn lực, đằng này trình độ kém mà năm sau đã chuyển giao thì làm sao làm được".

    Không chỉ Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, dân số già và ít, lương và chi phí khác cao, thị trường hạn hẹp nên bắt buộc các nhà đầu tư của hai quốc gia này phải chuyển ra nước ngoài để tận dụng lao động giá rẻ, xuất khẩu công nghệ cao của họ, giữ thị phần trên toàn cầu.

    "Hàn Quốc có khuynh hướng tập trung vào miền bắc Việt Nam nên mới mọc lên các khu công nghiệp của Hàn Quốc ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... Trong khi đó, Nhật Bản lại muốn vào miền nam Việt Nam. Năm 2012 chỉ có 1,8 tỷ USD tiền bất động sản nước ngoài đổ vào Việt Nam thì đã có tới 1,2 tỷ USD của Nhật. Họ xây dựng khu đô thị Tokyu ở Bình Dương, như một căn cứ địa ở miền Nam để phát triển sau này.

    Lẽ ra khi biết nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào thì Việt Nam phải có sự chuẩn bị trước, nghiên cứu xem họ chuyển cái gì vào, muốn tiếp nhận thì phải làm sao. Tuy nhiên, chẳng ai làm việc đó cả. Đến bây giờ họ vào, đặt hàng tận tay mà Việt Nam vẫn không có chính sách nào cụ thể để biết mình phải làm cái gì và làm như thế nào", ThS.Bùi Ngọc Sơn chỉ rõ.

    Bởi vậy, theo ông, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" khi chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam làm việc được với Samsung.

    http://bizlive.vn/doanh-nghiep/4-doa...ho-516531.html

  8. #38
    Tham gia
    20-09-2006
    Bài viết
    883
    Like
    84
    Thanked 71 Times in 37 Posts

    Ì ạch công nghiệp hóa: 3 năm 1 dự án công nghiệp hỗ trợ

    hỉ còn 6 năm để cán đích nước công nghiệp hoá vào năm 2020, nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay ở điểm đầu tiên của nấc thang này. Nội địa hóa thất bại, Việt Nam vẫn đang mon men rìa ngoài của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

    Ưu đãi có mà như không có

    Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ. Đây thực chất là khởi động lại một dự án chính sách bị tồn đọng từ 3 năm nay và không ít người lo ngại, liệu kịch bản cũ có xảy ra?

    Cách đây hơn 7 năm, dự án ra đời Nghị định về ngành công nghiệp hỗ trợ đã rộn ràng soạn thảo. Yêu cầu được đặt ra khá bức thiết, khi Việt Nam vừa gia nhập WTO, quy hoạch ngành này cũng đã được ban hành.


    Yêu cầu cần đạt 15% năng lực đáp ứng linh kiện trong nước đối với ô tô con và 65% cho ô tô tải, trong khi đến nay, tỷ lệ này mới đạt dưới 10% ô tô con.

    Thế nhưng, Bộ Công Thương đã mất tới 4 năm họp bàn, sửa đi sửa lại, vẫn không đi đến được sự thống nhất cuối cùng. Mỗi Bộ một ý và hầu hết, đều phản đối các ưu đãi cụ thể mà Bộ này đề xuất, vì e ngại vi phạm WTO.

    Rốt cục, kế hoạch này đành phải đắp chiếu, Quyết định số 12 về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng ký ban hành năm 2011 như một sự thay thế vào giờ chót với nội dung quá ngắn gọn và chung chung.

    Đánh giá về điều này, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các ưu đãi tại đây không mới và chỉ đơn giản là liệt kê tham chiếu các ưu đãi ở các văn bản khác. Hệ quả là, muốn có được 1 ưu đãi, các doanh nghiệp sẽ phải đọc sàng lọc khoảng 10 văn bản khác nhau, đủ các cấp từ Nghị định, Thông tư, Quyết định...

    Khi ưu đãi nằm rải rác ở nhiều văn bản như vậy thì dẫn tới sự khó hiểu cho nhà đầu tư là tất yếu và việc áp dụng vào đời sống kinh tế sẽ phức tạp và khó khăn.

    Đến hôm nay, thực tế đó càng được khắc hoạ rõ nét hơn bởi, chẳng có một DN Việt Nam nào đầu tư công nghiệp hỗ trợ được thụ hưởng được các chính sách đó.

    Ông Trần Anh Vương, Giám đốc công ty Bắc Việt tự nhận mình là một trong số những kẻ rất đau đớn với cái gọi là ưu đãi công nghiệp hỗ trợ.

    "Suốt 4 năm nay chúng tôi đã làm linh kiện cho Canon, Samsung nhưng chẳng được ưu đãi gì. Năm 2009, khi làm dự án, Chính phủ kích cầu, bù lãi suất ưu đãi 4%. Lãi suất thị trường khi đó là 10%, trừ đi, doanh nghiệp chỉ còn phải vay với lãi suất 6%. Nhưng sau 1 năm, hết kích cầu, ngân hàng tăng vọt lên lãi suất 20%. Giờ, chúng tôi vẫn đang phải vật lộn với lãi suất 24%/năm, rất nhiều dự án bị sập, doanh nghiệp lao đao".

    "Quyết định 12 cho phép hưởng hỗ trợ trong đào tạo. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề, tỉnh yêu cầu doanh nghiệp cứ đưa lao động đến trung tâm đào tạo nghề của tỉnh để học miễn phí, chỉ đóng thêm 1 triệu/người. Tôi nói thật, nếu đưa toàn bộ lao động của tôi đến đó thì sẽ chả học được cái gì", ông Vương kể tiếp.

    Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, có doanh nghiệp ở trong Tp HCM, đầu tư dự án dưới 20 tỷ đồng nhưng muốn được ưu đãi thì cũng phải gửi dự án tới Bộ Công Thương để Hội đồng của Bộ thẩm định. Thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp dễ nản lòng, bởi nếu tham gia, không chừng chi phí xin- cho lại còn tốn hơn.

    Đối chiếu với các quy định hiện hành mới phát hiện một nghịch lý troé nghoeo là các dự án sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ lại không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư, không được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai...

    Thất bại là mẹ thành công?

    Sau Quyết định 12 nói chung, còn có thêm Quyết định 1556 của Thủ tướng ban hành năm 2012 về trợ giúp DNNVV trong công nghiệp hỗ trợ.

    Nhưng trong 3 năm qua, chỉ có duy nhất một dự án làm linh kiện điện tử tại Hải Phòng, với tổng giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD là đối tượng được ưu đãi theo Quyết định 12. Ngoài ra, có thêm 200 doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện được đăng tải trên trang web cung cấp thông tin - một hạng mục quan trọng phải thực hiện của Quyết định 1556 chỉ như một bản giới thiệu về thành tựu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thay vì xúc tiến kết nối giao thương.

    Kéo theo, những mục tiêu to tát của quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2007 đến nay đã bị trễ hẹn.


    Những mục tiêu to tát của quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2007 đến nay đã bị trễ hẹn.

    Chẳng hạn như với ngành dệt may, mục tiêu đặt ra là năng lực trong nước phải đáp ứng được 30% nhu cầu vải dệt vào năm 2010, 39% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020.

    Thực tế, đến năm 2013, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu tới 6 tỷ m2 vải trên tổng số nhu cầu sử dụng là 6,9 tỷ m2 trong công đoạn may. Chúng ta vẫn phải phụ thuộc tới 86% nguồn vải từ bên ngoài, đặc biệt, phụ thuộc Trung Quốc tới 46% trong chuỗi cung ứng dệt nhuộm hiện nay.

    Trong khâu dệt, nhuộm, mỗi năm ngành này cần 5,9 tỷ vải mộc cho thị trường Mỹ, Nhật, EU thì các cơ sở nhuộm nhỏ lẻ và các doanh nghiệp còn lại chỉ đáp ứng được 1,4 tỷ m2 vải.

    Các phụ kiện đã được xác định cần đáp ứng đủ thì hiện, vẫn phải nhập lớn từ bên ngoài như cúc áo, chỉ, khoá kéo...

    Tỷ lệ sử dụng linh kiện điện- điện tử nội địa trong các nhà lắp ráp Việt Nam ở mức quá khiêm tốn. Đối với các sản phẩm gia dụng, tỷ lệ cung ứng các linh kiện này trong nước chỉ đạt 30-35%, với ngành điện tử tin học, viễn thông, chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng càng thấp nữa, chỉ đạt 5%. Ngành ô tô xe máy có cao hơn khi đạt 40% tỷ lệ cung ứng linh kiện điện- điện tử trong nước.

    Ngành ô tô, đặc biệt là ô tô con liên tục bị chỉ trích cho sự lỗi hẹn nội địa hoá suốt 3 năm qua. Quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ yêu cầu cần đạt 15% năng lực đáp ứng linh kiện trong nước đối với ô tô con và 65% cho ô tô tải, trong khi đến nay, tỷ lệ này mới đạt dưới 10% ô tô con.

    Với một hiện trang ngổn ngang đó, liệu một bản Nghị định mới đang gom tất cả các dạng ưu đãi, ở mức cao nhất, theo một tư duy hiện đại hơn, thị trường hơn có đủ để kéo- đẩy và ép ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự bứt lên được hay không?

    Phạm Huyền

    http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/1991...ep-ho-tro.html

  9. #39
    Tham gia
    27-10-2014
    Bài viết
    15
    Like
    1
    Thanked 2 Times in 2 Posts
    Thực trạng đáng buồn, thế cho nên định hình Việt Nam sau này như thế nào là phụ thuộc vào lớp trẻ chúng mình đó bác. Mình không thay đổi được ngay thì cứ cải thiện dần dần.

  10. #40
    Tham gia
    28-10-2014
    Bài viết
    22
    Like
    3
    Thanked 5 Times in 5 Posts
    bàn về việc này thì còn phải xem xét nhiều khía cạnh lắm...

Trang 4 / 6 FirstFirst 123456 LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •