Trang 5 / 7 FirstFirst ... 234567 LastLast
Hiển thị kết quả từ 41 đến 50 / 68
  1. #41
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Mỹ kêu gọi trả tự do cho blogger Trương Duy Nhất

    Chính phủ Hoa Kỳ mới lên tiếng ‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’ sau một khi tòa án hôm 4/3 kết án blogger Trương Duy Nhất 2 năm tù theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

    Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội kêu gọi chính phủ Việt Nam ‘trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép người Việt bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa’.

    Hà Nội chưa lên tiếng hồi đáp trước lời kêu gọi của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng trước đây từng nói rằng Mỹ ‘can thiệp vào công việc nội bộ’.

    Sau phiên xử ở TP Đà Nẵng, ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa của ông Trương Duy Nhất, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông Nhất bị kết án ‘tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ sau năm tiếng bị đưa ra xử.

    Theo luật sư này, ông Nhất đã ‘trình bày bản bào chữa, nhưng không được phép nói nhiều’.

    “Ông Trương Duy Nhất và luật sư yêu cầu phải làm rõ từng vấn đề trong vụ án này. Và chúng tôi đã cố gắng làm cái việc đó. Và chúng tôi đang làm rõ trong 12 bài liên quan trong vụ án thì mới đang làm được 7 bài thì bà thẩm phán tìm mọi cách cắt ngang, bảo là đã rõ hết rồi. Chắc là có sự chỉ đạo nào đó, người ta muốn cắt ngắn phiên tòa."

    Theo bản cáo trạng được đưa lên mạng Internet, 12 bài viết của ông Nhất ‘có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước; bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước và đưa ra những cái nhìn bi quan, một chiều về tình hình kinh tế, xã hội, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng tới lòng tin của quần chúng, nhân dân’.

    Cáo trạng cũng nêu lên bài viết có tựa đề như: 'Chất lượng chính phủ: quá tệ' hay 'Tổng bí thư và Thủ tướng nên ra đi'.

    Luật sư Hải nhấn mạnh với VOA Việt Ngữ rằng người lập nên trang blog ‘Một góc nhìn khác’ ‘không xâm phạm quyền lợi của bất kỳ ai’.

    “Chúng tôi đã trình bày và chứng minh rằng anh Nhất không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hay tổ chức nào, kể cả của các vị lãnh đạo cũng như không xâm phạm lợi ích của nhà nước. Chúng tôi đề nghị phải triệu tập các vị mà trong cáo trạng cho rằng các bài viết [của ông Nhất] xâm phạm đến quyền lợi của các vị lãnh đạo đó, nhưng tòa đã không triệu tập và họ cũng không có ý kiến gì trong hồ sơ, nên điều đấy chứng minh rằng các vị này cũng không cảm thấy bị xâm phạm các lợi ích hợp pháp và không có quy định nào cho phép bên công tố thay mặt họ nói rằng là họ bị xâm phạm quyền lợi”.

    Trước khi diễn ra phiên xử, tổ chức thúc đẩy nhân quyền trên thế giới Human Rights Watch đã kêu gọi Việt Nam thả ông Trương Duy Nhất.

    Ông Nhất bị bắt hồi tháng Năm năm 2013, một tháng trước khi một blogger khác là Phạm Viết Đào bị bắt, cũng dựa trên điều 258 Bộ Luật hình sự. Hiện chưa rõ khi nào ông Đào sẽ bị đưa ra xét xử.

    Khi được hỏi ông Nhất có thể hiện sự thất vọng đối với bản án hai năm tù không, luật sư Hải cho biết:

    “Ông Nhất thì ông ấy khảng khái. Ông nói rằng là ông không có ngại gì cả. Ông là người nói lên sự thật và quan điểm của mình. Có thể điều đó khiến ai đó không hài lòng nhưng ông có nghĩa vụ phải lên tiếng. Ông nói rằng ông không sợ bị tù đày. Ông ấy nói rằng có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận, xấu hổ nhưng mà có những trường hợp như ông thì lại tự hào vì ông đã bản lĩnh, và nói rõ những việc mà ông cần phải nói. Ông ấy không chấp nhận phiên tòa mà diễn ra một cách nhanh chóng này cũng như đã không tạo điều kiện cho ông nói ra hết các vấn đề để làm rõ các vấn đề”.

    Theo luật sư đại diện cho blogger từng có thời gian làm việc cho báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng và báo Đại Đoàn Kết, ông Nhất ‘tuyên bố sẽ kháng án cho tới khi ông được tự do và được tuyên bố vô tội’.


    http://www.voatiengviet.com/content/...t/1863623.html
    Được sửa bởi Arkain lúc 13:24 ngày 10-07-2014

  2. Thành viên Like bài viết này:


  3. #42
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Việt Nam y án 2 năm tù đối với blogger Trương Duy Nhất



    Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng hôm nay đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm đối với blogger Trương Duy Nhất.

    Hồi tháng Ba, ông Nhất đã bị tuyên án 2 năm tù về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ vì các bài viết trên mạng theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

    Theo cáo trạng, 12 bài viết của ông Nhất ‘có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước; bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước và đưa ra những cái nhìn bi quan, một chiều về tình hình kinh tế, xã hội, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng tới lòng tin của quần chúng, nhân dân’.

    Luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho ông Nhất, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng blogger này ‘đã không được phép nói nhiều’ trong phiên xử sơ thẩm.

    Chính phủ Hoa Kỳ từng kêu gọi chính phủ Việt Nam ‘trả tự do cho ông Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép người Việt bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa’.

    Hà Nội từng dẫn số người dùng Internet lên tới hàng chục triệu người làm bằng chứng cho quyền tự do sử dụng mạng của người dân.

    Nhưng Việt Nam nhiều năm qua đã bị tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt vào danh sách các nước là ‘kẻ thù của mạng Internet’.

    http://www.voatiengviet.com/content/...t/1945442.html

  4. #43
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Phản hồi của blogger trong nước trước bản án của Trương Duy Nhất
    09.03.2014


    Thêm một blogger bị Việt Nam kết án tù về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ theo điều 258 Bộ luật Hình sự, một trong những điều luật bị quốc tế lên án là vi phạm nhân quyền.

    Ông Trương Duy Nhất bị bắt từ tháng 5 năm ngoái vì các bài viết trên blog cá nhân Một Góc Nhìn Khác phản ánh thực trạng xã hội, bày tỏ quan điểm trái với nhà nước, và phê phán giới lãnh đạo.

    Bản án 2 năm tù Tòa án Nhân dân Đà Nẵng tuyên phạt blogger Nhất hôm 4/3 đã khiến Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên tiếng phản đối.

    Thế còn phản hồi của giới trẻ viết blog độc lập trong nước về việc xét xử và kết án cựu phóng viên của truyền thông quốc doanh có góc nhìn khác, viết khác với nhà nước như thế nào? Giới trẻ yêu chuộng công bằng-dân chủ sẽ làm gì để bảo vệ công lý-tự do cho những ngòi bút độc lập?

    Mời quý vị nghe cuộc thảo luận giữa 3 bạn trẻ trong Mạng lưới Blogger Việt Nam trên Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay: Trần Tuấn Lâm, Đinh Nhật Uy, và Nguyễn Đình Hà.

    Bùi Tuấn Lâm: Tôi là Tuấn Lâm tức blogger Peter Lâm Bùi, người thành phố Đà Nẵng hiện đang sinh sống làm việc tại Sài Gòn.

    Đinh Nhật Uy: Tôi là Nhật Uy ở Long An.

    Nguyễn Đình Hà: Tôi là Đình Hà đang sinh sống làm việc ở Hà Nội.

    Trà Mi: Các bạn là những blogger quan tâm đến vụ án của Trương Duy Nhất. Ý kiến các bạn thế nào về tiến trình xét xử và bản án của blogger này?

    Bùi Tuấn Lâm: Nhật Uy là người cách đây vài tháng cũng bị nhà nước đem ra xét xử về điều luật 258. Tôi nhường cho Uy nói trước.

    Đinh Nhật Uy: Bản án của anh Nhất mọi người đều nói là vô lý. Cơ bản là điều 258 rất mơ hồ, trừu tượng. Bản thân tôi từng bị án 15 tháng tù treo về 258 này. Bây giờ tới anh Nhất. Lẽ ra anh Nhất và tôi phải vô tội. Nhưng họ cố tình nhào nặn, quy chụp là ‘lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’.

    Trà Mi: Từ phía Bắc theo dõi phiên xử này, blogger Đình Hà cũng là một thành viên trong Mạng lưới Blogger Việt Nam, anh có suy nghĩ thế nào?

    Nguyễn Đình Hà: Phiên tòa này không đảm bảo đúng các nguyên tắc xét xử. Kết án anh Nhất có tội là không tôn trọng các cam kết nhân quyền quốc tế của chính phủ Việt Nam. Anh Nhất sử dụng quyền tự do ngôn luận để biểu đạt chính kiến là việc đáng trân trọng. Việc xử anh theo tội danh cáo buộc như thế là không thể chấp nhận được.

    Trà Mi: Các lý do khiến anh cho rằng việc xét xử ông Nhất không đúng các nguyên tắc luật định?

    Nguyễn Đình Hà: Những người quan tâm không được tham dự phiên tòa, có nhiều đe dọa khi họ đứng bên ngoài tòa. Điều này vi phạm nguyên tắc quan trọng trong xét xử đó là công khai và minh bạch ở một nước dân chủ.

    Bùi Tuấn Lâm: Về vấn đề phiên tòa công khai, Lâm là một người mới tham dự UPR của Việt Nam về. Chính trong phiên UPR đó, Lâm nghe đại diện của Việt Nam đọc bản trả lời đã soạn sẵn nói về quyền tham dự các phiên tòa ‘công khai’. Đại diện của nhà nước Việt Nam đã nói láo. Lâm cũng là người từng tới rất nhiều phiên tòa mang tiếng ‘công khai’ ở Việt Nam như phiên xử Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Nguyễn Phương Uyên-Đinh Nguyên Kha, hay ngay như phiên xử của blogger Đinh Nhật Uy. Người ta nói láo một cách trắng trợn rằng bất cứ ai cũng được tham gia, nhưng thực tế là ngay cả người thân còn không được tham gia. Cách người ta nói và làm trái ngược nhau hoàn toàn. Phiên tòa hôm nay là cái rõ ràng nhất để chứng minh rằng chính quyền Việt Nam nói tốt hơn là làm tốt.

    Trà Mi: Ngoài tính chất của phiên tòa, các bạn có nói bản án và việc xét xử ông Nhất không đảm bảo cam kết nhân quyền của Việt Nam với quốc tế. Là người dự phiên báo cáo nhân quyền của Việt Nam ở Liên hiệp quốc, anh Lâm liên hệ vấn đề này thế nào với vụ việc của ông Trương Duy Nhất?

    Bùi Tuấn Lâm: 258 là điều luật rất mơ hồ. Họ dựng lên điều luật này để triệt tiêu những tiếng nói đối lập. Đây là một trong những điều luật bị các nước yêu cầu xóa bỏ vì sai trái, vi phạm nhân quyền. Tại UPR, rất nhiều chính phủ đã khuyến nghị Việt Nam phải xóa bỏ điều 258 đó. Việt Nam thì luôn muốn giữ điều luật này để ngăn chặn, cản trở những người dân trong nước nhìn nhận được những điều sai trái để nêu lên qua quan điểm qua lời nói hoặc việc làm của mình thúc đẩy xã hội tốt hơn. Phiên tòa ông Nhất là bất công và tôi phản đối.

    Trà Mi: Ông Nhất bị kết tội vi phạm điều 258 qua các bài viết ‘không đúng sự thật, bôi nhọ lãnh đạo, làm giảm lòng tin nhân dân vào đảng và nhà nước’. Cáo trạng dành cho nội dung các bài viết của ông Nhất có thuyết phục không, đối với giới blogger ở Việt Nam?

    Đinh Nhật Uy:
    Họ có cơ sở nào nói các bài viết của anh Nhất là xúc phạm tới ai? Những bài viết của anh chỉ nói lên quan điểm cá nhân về các sự kiện trong xã hội và đánh giá trình độ, năng lực lãnh đạo của cán bộ nhà nước. Đó là quyền tự do ngôn luận cá nhân của anh, một góc nhìn khác của công dân. Anh hoàn toàn vô tội.


    Trà Mi:
    Anh Hà có suy nghĩ thế nào về cái gọi là ‘nói đúng’ hay ‘nói sai sự thật’ trong các cáo trạng như của ông Nhất?

    Nguyễn Đình Hà: Công tố muốn buộc tội ‘nói sai sự thật’ hay ‘bôi nhọ’ người khác thì phải chứng minh được điều đó. Đằng này họ cứ chỉ cáo buộc mà không chứng minh bằng văn bản, cũng không đưa ra được câu chữ nào của ông Nhất là ‘sai sự thật’.

    Trà Mi: Ông Nhất trên trang blog của mình có nói rằng việc chỉ trích lãnh đạo đảng-nhà nước không phải là điều kiêng kỵ vì họ là ‘đầy tớ của nhân dân’. Bản án hai năm tù dành cho ông hôm nay đã cho thấy rằng quan niệm của ông tuy đúng nhưng đặt không đúng chỗ, không phải là ở Việt Nam?

    Bùi Tuấn Lâm: Đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam, nơi rất nhiều quyền tự do của con người luôn bị nhà nước chà đạp.

    Nguyễn Đình Hà: Ngày Quốc tế Nhân quyền tháng 12 vừa rồi có ba nhân viên an ninh chặn xe tôi, không cho tôi đi làm. Họ bảo tôi những cái quyền mà tôi nói đó ở nơi khác chứ không có ở Việt Nam. Ở Việt Nam, người dân không có quyền tự do ngôn luận, những quyền đó họ đã tước đoạt mất hết rồi. Các nhân viên an ninh bảo tôi “Những quyền đó ở chỗ khác chứ không phải ở đây. Ở đây tao muốn mày làm gì thì mày phải làm thế.”

    Trà Mi: Như vậy có thể hiểu ở Việt Nam người dân không thể nhìn khác, nói khác, hoặc viết khác nhà nước?

    Bùi Tuấn Lâm: Lâm vừa nói chuyện với an ninh sau khi trở về từ UPR. Họ cho rằng những người lên tiếng cho những tiếng nói của sự thật hiện tại trong nước hoặc đem tiếng nói đó ra ngoài quốc tế là đi nói xấu đảng và nhà nước. Nhưng Lâm phản bác lại rằng chúng tôi không có nói gì xấu và không nói gì sai vì đó là những điều đang xảy ra trong đất nước này. Việt Nam là nước vừa tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thì những tổ chức xã hội dân sự và những người dân bên trong Việt Nam khi thấy những vấn đề mà đảng và chính phủ này đang sai phạm thì người ta có quyền nêu lên để thúc đẩy sự phát triển. Nhưng họ đã tịch thu passport và cấm Lâm xuất cảnh. Đó rõ ràng là một vấn đề nhân quyền.

    Trà Mi: Có thể nói điểm mấu chốt gây tranh cãi đối với các bản án 258 nằm ở chỗ ‘nói xấu’ hay ‘nói thật’. Một bên cho là ‘nói xấu’, còn một bên cho là ‘nói thật’. Vậy làm sao có thể bảo vệ những điều các bạn cho là ‘nói thật’?

    Nguyễn Đình Hà: Thực tế cuộc sống sẽ chứng minh điều đó. Nhà cầm quyền muốn buộc tội ông Nhất thì phải chứng minh ông sai bằng những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Chính quyền Việt Nam phải chứng minh được những gì họ làm là đúng.

    Trà Mi: Trong khi nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các bạn trong việc chứng minh ‘nói sai sự thật’ là sai như thế nào, thì những bản án như thế này vẫn được tuyên ra…

    Bùi Tuấn Lâm: Nếu chính phủ Việt Nam là một chính phủ mạnh, thật sự được lòng dân thì họ không sợ những tiếng nói sự thật này là ‘nói xấu’. Đúng ra, nhà nước nên lắng nghe và coi đó như một tấm gương để phản chiếu lại, để thay đổi.

    Trà Mi: Nhưng các bạn làm thế nào để bảo vệ mình khi các bạn nói khác hoặc có những cái nhìn khác với quan điểm của nhà nước?

    Bùi Tuấn Lâm: Đây cũng là câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình. Lấy gì để bảo vệ mình khi mình đưa ra tiếng nói đối lập thì rất khó ngoài việc mình chỉ có tình yêu của mình dành cho đất nước này. Mình đi ra ngoài nhiều, mình thấy rằng đáng ra Việt Nam mình phải phát triển được hơn bây giờ nhưng vì sự lãnh đạo yếu kém, còn nhiều sai phạm của đảng cộng sản.

    Đinh Nhật Uy: Họ lạm dụng quyền lực sẵn có trong tay để bóp chết những người dám chỉ trích họ. Bản án của Nhất thách thức lòng can đảm, sự can trường của các blogger Việt Nam hiện tại. Cái mà các blogger có thể bảo vệ bản thân mình là càng phải nói lên sự thật để càng ngày có nhiều người ủng hộ mình. Có bị đàn áp thì cũng phải chấp nhận.

    Trà Mi: Mạng lưới Blogger Việt Nam được thành lập vì phản đối điều 258. Từ sau bản án của ông Nhất, Mạng lưới có những kế hoạch thế nào để bảo vệ công lý, tự do cho những ngòi bút độc lập?

    Nguyễn Đình Hà: Chúng tôi tự bảo vệ chúng tôi bằng cách liên kết với nhau, có chung tiếng nói, lên tiếng phản đối việc xâm phạm nhân quyền. Những tiếng nói thống nhất phản đối bản án là việc đầu tiên cần thiết.


    Bùi Tuấn Lâm: Chắc chắn chúng tôi, những người yêu chuộng tự do-công lý ở Việt Nam sẽ có những kế hoạch và việc làm rõ ràng để lên án sự bất công này.

    Nguyễn Đình Hà: Bản án ông Nhất là sự đe dọa đối với những người phản biện trong xã hội Việt Nam.

    Trà Mi: Cũng có ý kiến cho rằng nó thể hiện sự lo sợ của nhà nước đối với các blogger và những trang blog độc lập như ông Nhất. Các bạn nghĩ sao?

    Nguyễn Đình Hà: Họ sợ sự phản kháng nên dùng các bản án để răn đe.

    Trà Mi: Trước sự răn đe này, liệu các bạn có lo sợ hay cẩn thận hơn khi có cái nhìn khác với những gì nhà nước mong muốn?

    Nguyễn Đình Hà: Chúng tôi vẫn sẽ tích cực áp dụng các quyền của mình để nói lên tiếng nói của mình.

    Bùi Tuấn Lâm: Chúng tôi vẫn đang là số ít nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi.

    Đinh Nhật Uy: Rõ ràng các bản án nối tiếp các phiên tòa bất công nhưng các blogger đứng lên nói lên tiếng nói của mình ngày càng tăng. Các blogger đến với nhau trên một niềm tin và ý chí để đạt tới một đất nước dân chủ, công bằng, và nhân quyền. Ước mơ đặt ra phải vươn tới để đạt được nó. Những bản án thế này không làm chúng tôi run sợ, càng làm tăng thêm ngọn lửa tranh đấu của chúng tôi.

    Bùi Tuấn Lâm: Qua cuộc nói chuyện này, tôi muốn nhắn gửi tới những người đang lãnh đạo đất nước này rằng nếu bắt Trương Duy Nhất thì hãy bắt tất cả mọi người, trong đó có tôi. Những người có góc nhìn khác, những người thấy rõ được sự sai phạm của nhà nước này hiện giờ rất nhiều, nhưng cơ bản là họ chưa dám lên tiếng.

    Nguyễn Đình Hà: Chúng tôi biết quyền của mình, sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình, và phổ biến cho những người khác. Đó là một trong những cách chúng tôi đang giúp những người xung quanh sử dụng quyền của họ và cải tạo xã hội này đi lên tốt hơn.

    Trà Mi: Xin cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.

    http://www.voatiengviet.com/content/...t/1867602.html
    Được sửa bởi Arkain lúc 05:59 ngày 23-07-2014

  5. #44
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Đã đến lúc xem xét dỡ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam?


    Người sắp trở thành đại sứ mới của Mỹ ở Việt Nam phát biểu hôm thứ Ba ngày 17/6 rằng có thể đã đến lúc Washington xem xét dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, hãng tin Mỹ AP cho biết.

    ‘Có tiến bộ’

    Phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện trước khi Thượng viện quyết định có phê chuẩn ông cho vị trí này hay không, ông Ted Osius nói Hoa Kỳ đã nói rõ với chính phủ độc đoán ở Việt Nam rằng lệnh cấm này sẽ không được dỡ bỏ nếu Việt Nam không có những tiến triển đáng kể về nhân quyền.

    Tuy nhiên, ông nói đã có tiến bộ trong ba hoặc bốn trong tổng số chín lĩnh vực mà Mỹ muốn Việt Nam cải thiện, trong đó có quyền lao động, đối xử với người khuyết tật, tạo không gian nhiều hơn cho xã hội dân sự và cho phép các giáo hội tôn giáo hoạt động.

    “Điều này có nghĩa là đã đến lúc xem xét khả năng dỡ bỏ lệnh cấm,”
    ông nói nhưng nhấn mạnh rằng tốc độ thực hiện công việc này tùy thuộc vào Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

    Ông đưa ra bình luận này khi trả lời câu hỏi của Thượng Nghị Sĩ John McCain, người ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm, trong phiên điều trần.

    Bất cứ động thái dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí nào đối với Việt Nam có thể sẽ làm cho Trung Quốc, vốn đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên Biển Đông, tức giận.

    Hồi năm 2007, Mỹ đã mở đường cho việc buôn bán vũ khí phòng vệ không sát thương cho Việt Nam tùy từng trường hợp nhưng vẫn cấm bán hay chuyển giao vũ khi sát thương cho Việt Nam.

    Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã yêu cầu Chính quyền Obama dỡ bỏ những hạn chế này và xem đây là một bước đi quan trọng để hoàn toàn bình thường hóa quan hệ hai nước.

    ‘Còn khiêm tốn’

    Các tổ chức nhân quyền vẫn chỉ trích rất nhiều thành tích nhân quyền của Việt Nam. Đất nước này vẫn duy trì chế độ độc đảng vốn bóp nghẹt bất đồng.

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết số người bị bỏ tù trong các phiên tòa chính trị ở nước này đã tăng liên tục qua hàng năm kể từ năm 2010 và rằng 63 người bị kết án tù chỉ vì bày tỏ chính kiến một cách hòa bình hồi năm ngoái.

    Ông Osius thừa nhận rằng những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay vẫn còn ‘khiêm tốn’ nhưng cũng nói rằng ‘bây giờ là lúc’ Washington gây sức ép để Việt Nam tiếp tục cải thiện hơn nữa về nhân quyền và quản trị quốc gia bởi vì xét trên sự sốt sắng muốn gia nhập Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Hà Nội và vì ‘tình hình chiến lược’ mà nước này đang đối diện với Trung Quốc.

    “Thật sự không có lúc nào tốt hơn lúc này do Việt Nam rất muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với Mỹ,” ông nói.

    Ted Osius là một nhà ngoại giao kỳ cựu từng làm việc ở Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

    Đề cử ông cho vị trí đại sứ Mỹ tại Hà Nội còn chờ được Ủy ban đối ngoại cũng như toàn thể Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/viet..._hearing.shtml
    Được sửa bởi Arkain lúc 14:22 ngày 10-07-2014

  6. #45
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Điều trần về nhân quyền Việt Nam và Đông Nam Á tại Hạ viện Mỹ
    07.07.2014




    Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ tổ chức buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào sáng thứ tư tuần này (9/7) tại trụ sở Quốc hội.

    Chủ Tịch Ủy ban, người triệu tập buổi điều trần, nói quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do hội họp là các quyền quý giá trên toàn cầu nhưng tiếc thay nhiều nước ở Đông Nam Á khước từ các quyền này của công dân và đàn áp mạnh tay những ai thể hiện bất mãn với chính quyền dù bằng bất kỳ hình thức nào.

    Một trong những dẫn dụ được dân biểu Ed Royce đưa ra là tại Việt Nam, những người lên tiếng phản đối chính phủ độc đảng do cộng sản cầm quyền thường bị tù đày hay đánh đập.

    Tác giả Dự luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam cho biết mục đích của buổi điều trần nhằm xem xét các vi phạm nhân quyền hết sức phổ biến tại khu vực và tìm kiếm các phương thức Hoa Kỳ có thể làm tốt hơn giúp mang lại sự thay đổi tích cực.

    Các nhân chứng tham gia điều trần gồm cựu Trợ Lý Ngoại Trưởng Mỹ đặc trách Dân Chủ-Nhân Quyền-Lao Động Lorne Craner; cựu dân biểu Hoa Kỳ Tom Andrew; Ủy Viên Quận Cam Janet Nguyễn; và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS.

    Buổi điều trần diễn ra trong bối cảnh các kế hoạch vận động nhân quyền cho Việt Nam đang ráo riết được các hội đoàn của người Việt ở Mỹ thực hiện.

    Mới hôm qua, đông đảo người Việt từ khắp nơi tề tựu về thủ đô Washington tham dự ngày vận động “Hát Cho Biển Đông & Quyền Con Người" với một buổi ca nhạc ngoài trời, các cuộc biểu tình trước cả tòa đại sứ Việt Nam lẫn Trung Quốc, và tuần hành qua Tòa Bạch Ốc để kêu gọi bảo vệ nhân quyền-chủ quyền Việt Nam trước hiểm họa xâm lược của Trung Quốc.

    Một chiến dịch vận động khác cùng kêu gọi cho nhân quyền-chủ quyền Việt Nam sẽ khai diễn vào ngày 16/7 với một cuộc họp khoáng đại tại Quốc Hội Mỹ, các cuộc biểu tình ngay trước Quốc Hội, và các buổi tiếp xúc làm việc giữa cộng đồng người Việt với giới lập pháp-hành pháp Hoa Kỳ.

    Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thành viên ban tổ chức, cho biết mục tiêu cuộc vận động là kêu gọi Washington khẳng định thái độ đối với hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Hà Nội chấp nhận dân chủ hóa như điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ mậu dịch và an ninh với Hoa Kỳ.

    Về sự kết hợp vận động giữa hai vấn đề nhân quyền và chủ quyền, Tiến sĩ Thắng giải thích:

    “Chỉ khi nào người dân thật sự có dân chủ, nắm vận mạng đất nước trong tay thì họ mới sẵn sàng hy sinh và được sự yểm trợ của thế giới tự do. Trước nay chưa bao giờ chính phủ Hoa Kỳ lại có chính sách liên minh với một quốc gia độc tài cộng sản. Do đó, đây là điều kiện tiên quyết để có được sự yểm trợ mạnh mẽ của Mỹ và thế giới tự do. Lý do thứ hai, chỉ khi nào người dân thật sự làm chủ đất nước thì mới có được những biện pháp dứt khoát đối với Trung Quốc, chẳng hạn như kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hay mạnh hơn là đóng cửa tòa đại sứ, triệu hồi nhân viên sứ quán Việt Nam hoặc trục xuất nhân viên sứ quán Trung Quốc để thể hiện sự bất bình với hành động bành trướng ngang nhiên của Trung Quốc. Hiện nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào đảng cộng sản Trung Quốc nên chưa dám làm những điều cần thiết mà một chính quyền phải thực hiện khi đất nước của mình đang bị xâm lấn.”

    Tiến sĩ Thắng cho biết hiện có 1 nghị quyết ở Thượng Viện và 2 dự thảo luật ở Hạ Viện về vấn đề Biển Đông cùng 2 dự thảo luật về nhân quyền Việt Nam ở cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ, và thúc đẩy thông qua các văn kiện này nằm trong số các mục tiêu của những nỗ lực vận động hiện nay.

    http://www.voatiengviet.com/content/...y/1952373.html

  7. #46
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Ed Royce:
    "Tình hình nhân quyền đang trở nên tệ hại hơn ở VN"
    09.07.2014


    Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ed Royce.


    Tình hình nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện mà thậm chí còn đang xấu đi. Đó là nhận định của các dân biểu Hoa Kỳ và các nhân chứng tham gia phiên điều trần tại trụ sở Quốc Hội hôm thứ tư về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và Đông Nam Á.

    Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện Mỹ Ed Royce trong bài phát biểu khai mạc buổi điều trần nói:

    “Ở Việt Nam, chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng đang xấu đi khi chính phủ mạnh tay đàn áp những người chỉ trích chế độ. Chúng ta biết rằng chính phủ Việt Nam trấn áp gần như mọi ý kiến bất đồng thông qua sự đe dọa, bạo lực, thông qua các án tù rất dài hạn; những blogger trẻ tuổi này thường lĩnh án 7 năm tù nếu viết về các đề tài như tự do phát biểu chẳng hạn.”

    Trong những năm gần đây số lượng các vụ xử và bắt giam các blogger, nhà báo và những người bất đồng quan điểm đã gia tăng. Theo ước tính của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, có khoảng 150 đến 200 tù nhân chính trị ở Việt Nam và 63 người trong số đó bị kết án trong năm 2013. Theo cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân Chủ-Nhân Quyền-Lao Động Lorne Craner, những cuộc đàn áp đó ban đầu được cho là có liên quan đến cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2011, nhưng chính phủ tiếp tục siết chặt những hạn chế đối với các quyền tự do ngôn luận và tôn giáo có lẽ là do sự lo sợ của họ sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập.

    Theo Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, người mới được chính phủ Việt Nam thả sau hơn 3 năm bị giam giữ do “tuyên truyền chống nhà nước”, có khoảng 400 tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

    Ông Craner, Chủ tịch Viện Cộng Hòa Quốc Tế, là một trong 4 người làm chứng tại buổi điều trần.

    “Việt Nam là quốc gia đàn áp chính trị nhiều nhất trong 3 nước mà chúng bàn thảo ngày hôm nay. Đó là quốc gia độc đảng và không dung thứ sự chống đối có tổ chức và hạn chế nghiêm nhặt các quyền tự do tôn giáo và tự do báo chí."

    Tại buổi điều trần này, ủy ban thảo luận tình hình nhân quyền ở 3 nước, bao gồm cả Miến Điện và Campuchia, trong đó các vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam được các dân biểu quan tâm và bàn thảo nhiều nhất.

    Ông Craner cũng nói để đối phó với Việt Nam về vấn đề nhân quyền, 'chúng ta cần xem họ như một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh'. Ông nói thành tích về nhân quyền ở Việt Nam là tệ nhất thế giới.

    Theo chủ tịch Ed Royce, người triệu tập buổi điều trần, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có 18 cuộc họp trong khuôn khổ Đối thoại về Nhân quyền mà vẫn không đạt được tiến bộ nào.

    “Tôi kêu gọi chính phủ Việt nam lập tức đình chỉ những vụ vi phạm nhân quyền. Tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị ở đó.”


    Ủy viên Quận Cam Janet Nguyễn và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS, cũng cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang đi xuống và kêu gọi quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua các dự thảo luật nhân quyền về Việt Nam.

    “Việt Nam đã không giảm sự đàn áp đối với người dân, bao gồm cả các nhà báo, những người bất đồng chính kiến, hoặc chỉ đơn giản là các nhà đấu tranh cho nhân quyền. Gần 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng quyền lực, sự hăm dọa và giam cầm để đàn áp và buộc người dân im tiếng.”

    Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, mặc dù gần đây có thả tự do trước thời hạn 1 số tù nhân lương tâm nhưng chính phủ Việt Nam lại bắt thêm gấp ba số người được thả. Việt Nam, do áp lực quốc tế, đã phải nhượng bộ trong một số trường hợp, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Nhân quyền là một trong những điều kiện của việc thông qua hiệp định.

    “Tình hình nhân quyền của Việt Nam đi xuống thấy rõ. Những người biểu tình ôn hòa ủng hộ cho lập trường của nhà nước bảo vệ Biển Đông mà vẫn bị bắt bớ, đánh đập và có người bị tạm giam để truy tố…Các quyền về tự do ngôn luận không có; quyền về tụ tập biểu tình ôn hòa không có; và quyền lập hội thì hoàn toàn không.”


    Bà Janet Nguyen kêu gọi việc ủng hộ thông qua H.R.4254, một dự luật do Dân biểu Royce đệ nạp, về chế tài các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

    Tại buổi điều trần, bà Janet Nguyen trình lên một danh sách chữ ký của các thành viên trong cộng đồng Quận Cam ủng hộ bản dự thảo, và danh sách các công dân Việt Nam được cho là đã vi phạm những quyền con người cơ bản đối với các công dân Việt khác. Bà cũng kêu gọi việc xem xét đưa “Danh sách những cá nhân lạm dụng nhân quyền” vào bản dự thảo và đưa những cá nhân đó vào danh sách bị trừng phạt.

    Tiến sĩ Thắng cho rằng dự thảo này, nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam.

    “Các quan chức Việt Nam có tài sản ở Hoa Kỳ có thể sẽ bị tịch thu và trục xuất, và sẽ không được đặt chân đến Hoa Kỳ dù là đi họp. Nó sẽ tác động tâm lý và chính danh của các giới chức đó trong con mắt của người dân. Và nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giới chức đó. Đối với người dân, giới chức đó là những tội phạm đã vi phạm trầm trọng luật pháp quốc tế về nhân quyền.”

    H.R. 4254 là một trong 2 dự luật về nhân quyền ở Việt Nam đang được bàn thảo ở Hạ viện và Thượng viện.

    http://www.voatiengviet.com/content/...m/1954646.html
    Được sửa bởi Arkain lúc 06:35 ngày 11-07-2014

  8. 2 thành viên Like bài viết này:


  9. #47
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Dân biểu Sanchez chống đối việc thương thuyết TPP với VN
    10.07.2014


    Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy Ban An Ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban Kinh Tế Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

    Dân biểu Loretta Sanchez ra thông cáo báo chí, chống đối việc Hoa Kỳ thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, với Việt Nam.

    Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy ban An ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban kinh tế Lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ, đã góp tiếng cùng một số nhà lập pháp Mỹ khác, phản đối những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và vai trò của Việt Nam trong các cuộc thương thuyết của Mỹ về hiệp định TPP, nêu lên những quan ngại về quyền của người lao động, tình trạng mất cân bằng mậu dịch, cũng như các quyền của giới đồng tính, và nữ quyền.

    Bà Sanchez bày tỏ những quan tâm sâu sắc về những cuộc thương thuyết TPP đang tiếp diễn với Việt Nam. Bà nói rằng trong 18 năm qua, bất chấp những thỏa thuận thương mại và việc tăng cường các quan hệ quốc phòng với Mỹ, chính phủ Việt Nam vẫn không có những bước đáng kể nào để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Việt Nam.

    Các nhà lập pháp Mỹ khác cũng lên tiếng chỉ trích Việt Nam, Myanmar và Campuchia về tình trạng nhân quyền tại các nước này.

    Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce nói rằng tình trạng nhân quyền tại Đông Nam Á nói chung là “rất đáng quan tâm.”

    Dân biểu Chris Smith thuộc Đảng Cộng Hòa nói rằng Việt Nam đang “tranh đua ” với Trung Quốc và ngay cả Bắc Triều Tiên để được ghi vào cuối sổ trong danh sách các nước vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong khu vực.


    http://www.voatiengviet.com/content/...m/1954845.html

  10. 2 thành viên Like bài viết này:


  11. #48
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Ông Trương Tấn Sang muốn Mỹ bỏ cấm vận võ khí
    Friday, July 18, 2014



    HÀ NỘI (NV) .- Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận võ khí và đồng thời mời tổng thống Barack Obama tới thăm Việt Nam nhân dịp cựu tổng thống Bill Clinton đến Hà Nội.

    “Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương và nhấn mạnh coi đây là công việc quan trọng, cần thiết để khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau, bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước.” Hãng thông tấn chính thức của Việt Nam viết như vậy.

    Đồng thời Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) còn cho hay: “Khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện hết sức đầy đủ những nội dung cam kết trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn được đón tiếp Tổng thống Obama sớm sang thăm Việt Nam, đặc biệt trong dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.”

    Việt Nam chính thức thiết lập bang giao với Mỹ ngày 12/7/1995 dưới thời ông Bill Clinton làm tổng thống. Cựu tổng thống Clinton đến Việt Nam trong khuôn khổ thăm viếng 5 nước kéo dài từ ngày 16 đến 23/7/2014 để thúc đẩy các hoạt động của Quỹ Clinton, một tổ chức từ thiện do vợ chồng ông thiết lập. Ông bà Clinton quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người trên thế giới, tăng cường khả năng chữa bệnh và đặc biệt là đối phó với bệnh HIV/AIDS.


    Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm trẻ mồ côi bị nhiễm HIV ở một khu vực ngoại thành Hà Nội hôm Thứ Sáu 18/7/2014.

    Tại Hà Nội, ông Clinton đã đến thăm một cơ sở nuôi dưỡng và điều trẻ trẻ em mồ côi bị lây nhiễm HIV ở một khu vực ngoại thành. Ông đã yểm trợ và vận động yểm trợ cho Việt Nam hơn $40 triệu những năm vừa qua cho chương trình đối phó với bệnh HIV/AIDS.

    Nhân dịp đến Việt Nam lần này, ông đã gặp cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Những năm gần đây, bất cứ lãnh tụ chóp bu nào của Hà Nội khi gặp các giới chức chính trị hàng đầu của Mỹ, dù ở hành pháp hay lập pháp, cũng đều kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận bán võ khí sát thương, nhưng tới giờ này vẫn chưa thấy có gì nhúc nhích.

    Ted Osius, đại sứ đề cử làm tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, khi trả lời chất vấn trong phiên điều trần ở Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/6/2014 đã nêu ý kiến rằng có thể đã đến lúc Washington xem xét dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, dịp này, ông Ted Osius nói Hoa Kỳ đã nói rõ với chính quyền đảng trị ở Việt Nam nhiều lần rằng lệnh cấm này sẽ không được dỡ bỏ nếu Việt Nam không có những tiến triển đáng kể về nhân quyền.

    Bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều nêu rất nhiều trường hợp người ở Việt Nam bị tù tội với những bản án nặng nề chỉ vì họ sử dụng quyền tự do tôn giáo, tự do thông tin, tự do phát biểu.

    Trên báo tài chính Wall Street Journal hôm Thứ Ba 15/7/2014, hai tác giả Richard Fontaine và Patrick M. Cronin viết một bài phân tích cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những hợp tác nhỏ bé về phương diện an ninh quốc phòng mấy năm qua, nay tới lúc “Hoa Kỳ nên có những bước kế tiếp để giúp Việt Nam gia tăng khả năng tự vệ” hầu chống lại sự áp bức của Trung Quốc.

    Theo hai ông “Điều quan trọng nhất là Hoa Kỳ nên gỡ bỏ bệnh cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam.”

    Theo hai ông Fontaine và Cronin, việc Trung quốc đem giàn khoan HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngang nhiên thách đố khả năng tự vệ của Việt Nam sẽ không phải là vụ duy nhất hay cuối cùng.

    “Trung Quốc sẽ còn đưa thêm nhiều giàn khoan khác, hàng đoàn tàu đánh cá cở lớn khác, cả tàu chiến và chiến đấu cơ tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ sẽ tiếp tục khai thác các loại tài nguyên, áp đặt luật lệ của mình, xây dựng đảo nhân tạo, và họ biến lời tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông thành thực tế.”

    Các tác giả vừa nói trên kêu gọi Hoa Kỳ cần chính sách ngoại giao cứng cỏi hơn để “các hành vi xấu phải trả giá. Một trong những cách tiếp cận vấn đề (tranh chấp Biển Đông) là hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, một trong những nước cương quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước mình....Bây giờ là lúc Washington giúp Việt Nam để họ tự vệ.”

    Ông Fontaine là chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Mới cho Hoa Kỳ (Center for a New American Security) còn ông Cronin là cố vấn và giám đốc cấp cao của Chương trình An Ninh Á châu-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Security Program).

    Tổng thống Barack Obama đã từng được ông Trương Tấn Sang mời tới thăm Việt Nam khi ông Sang tới Hoa Thịnh Đốn ký thỏa hiệp “đối tác toàn diện” với ông Obama hồi cuối Tháng Bảy năm ngoái nhưng không thấy có tin gì là ông sẽ “vui vẻ nhận lời”. Nếu ông bằng lòng tới Hà Nội, đó có thể là một tín hiệu để CSVN bắn tín hiệu cho Bắc Kinh biết mà liệu cách cư xử.

    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm...2#.U87-FkBuRy0

  12. 2 thành viên Like bài viết này:


  13. #49
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Dân biểu Chris Smith bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN
    23.07.2014



    Văn phòng Dân biểu Chris Smith, đại diện tiểu bang New Jersey, vừa công bố một thông cáo báo chí cho hay ông Smith đã tiếp xúc với một giới chức quan trọng của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền dự trù sẽ có mặt ở Việt Nam đến cuối tháng này để tìm hiểu về việc các tín đồ tôn giáo bị ngược đãi.

    Trong chuyến thăm 10 ngày này, Báo cáo viên Ðặc biệt về Tự do Tôn giáo và Tín Ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt sẽ có cơ hội nêu vấn đề tù nhân tín ngưỡng, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, đã bị giam giữ vì tín ngưỡng của ông.

    Dân biểu Smith cho biết: “Tôi đã hối thúc giục Báo cáo viên Ðặc biệt này tới thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những tù nhân lương tâm bị giam giữ lâu nhất ở Việt Nam và là nhà vận động thực thụ cho tự do. Chính phủ Việt Nam đã có những hành động vi phạm tự do tôn giáo kéo dài lâu nay. Việc hạn chế và bỏ tù những người ủng hộ dân chủ và lao động và việc kiểm duyệt Internet đã đi tới mức quá nghiêm trọng để Việt Nam có thể được hưởng những lợi ích về thương mại và giúp đỡ về an ninh mà họ đang mưu tìm kiếm từ phía Hoa Kỳ. Hoa Kỳ nên kèm theo thương mại và viện trợ an ninh các điều kiện có tiến bộ thực sự về tự do và nhân quyền – chỉ như vậy thì chúng ta mới thực sự nhìn thấy những tiến bộ cho người dân Việt Nam.”

    Ông Bielefeldt là một chuyên gia độc lập được Hội Đồng Nhân Quyền LHQ bổ nhiệm. Mục đích của ông là xác định những cản trở hiện hữu và có khả năng xảy ra đối với việc hưởng thụ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng và trình bày các đề nghị về những biện pháp và cách thức để khắc phục các trở ngại đó.

    Trong tư cách thành viên của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và Dự án Bảo Vệ Tự Do của Ủy ban, dân biểu Smith đã nhận bảo trợ cho linh mục Nguyễn Văn Lý. Dự án này khuyến khích các đại biểu Quốc Hội bảo trợ các tù nhân lương tâm và ủng hộ việc phóng thích họ.

    Ông Smith bày tỏ sự quan ngại rằng chính quyền Obama đang tìm cách đưa Việt Nam vào hiệp định thương mại khu vực, được gọi là Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, bất kể thành tích xấu của Việt Nam về lao động cưỡng bức và buôn người.

    Ông Smith, chủ tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Toàn Cầu của Quốc Hội, là đồng tác giả của dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam 2013. Dự luật HR1897 đề ra các biện pháp để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam thông qua việc nghiêm cấm mọi gia tăng viện trợ phi nhân đạo cho chính phủ Việt Nam trên các mức của tài khóa 2012 trừ phi chính phủ này đạt được tiến bộ đáng kể trơng việc thiết lập một chế độ dân chủ và cổ súy cho nhân quyền.

    Ðược toàn thể Hạ viện thông qua cách đây gần 1 năm, Dự luật Nhân quyền Việt Nam nhắm mục tiêu cải thiện quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội, cũng như phóng thích tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo, các ký giả độc lập và những người hoạt động cho giới lao động, và chấm dứt mọi hành vi bao che nạn buôn lậu người của chính phủ.

    Dân biểu Smith nói: “Dự luật dành cho chính quyền các công cụ để đối phó với các hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam và đã được Hạ viện thông qua ba lần. Dự luật phải được đưa ra Thượng viện và được biểu quyết càng sớm càng hay. Không có quyết định nào là dấu hiệu bỏ rơi những người ở Việt Nam đang can trường tranh đấu cho nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ trong nước.”


    http://www.voatiengviet.com/content/...m/1963871.html

  14. Thành viên Like bài viết này:


  15. #50
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    HRW kêu gọi Australia thúc ép Việt Nam cải thiện nhân quyền
    25.07.2014



    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch kêu gọi Australia thúc đẩy Việt Nam chứng tỏ cải thiện nhân quyền nhân cuộc đối thoại song phương sắp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/7/14.

    Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 11 với Việt Nam là cơ chế quan trọng giúp chuyển tải tới Hà Nội các quan ngại về nhân quyền một cách hệ thống và thường xuyên, đồng thời cũng là phương tiện để trao đổi thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm.

    Human Rights Watch ngày 25/7 nói Australia cần vận dụng cơ hội này để thúc ép Việt Nam phải thực hiện các bước cải thiện cụ thể, đáp ứng nghĩa vụ quốc tế về tôn trọng nhân quyền.

    Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch nói các lĩnh vực chính cần tập trung lưu ý bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do lập hội.

    Ông Phil Robertson cho biết thêm:

    “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Australia, nhân cuộc đối thoại nhân quyền ở Hà Nội lần này, yêu cầu Việt Nam phải cải thiện 3 vấn đề chính. Thứ nhất là vấn đề giam giữ tù nhân lương tâm. Thứ hai là tình trạng đàn áp quyền tự do tôn giáo. Thứ ba là nạn cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy. Theo thống kê của chúng tôi, hiện có khoảng trên dưới 200 nhà hoạt động và bloggers đang chịu những án tù dài hạn tại Việt Nam chỉ vì thực thi các quyền căn bản của con người và càng ngày càng có thêm các vụ bắt giữ và đem ra xử án. Đây rõ ràng là một vấn đề tiếp diễn và Australia cần phải mạnh mẽ thúc ép Việt Nam phải thay đổi.”

    Vẫn theo lời ông Robertson, Human Rights Watch cũng đặc biệt quan ngại về các trường hợp bắt bớ, giam cầm các tín đồ tôn giáo mà nhiều người trong số này đang bị suy kiệt sức khỏe trầm trọng trong các trại giam.

    Ngoài ra, Phó giám đốc theo dõi nhân quyền khu vực Châu Á của Human Rights Watch nói các trung tâm cai nghiện ma túy tại Việt Nam không những giam người không qua xét xử mà còn cưỡng ép lao động, tra tấn, ngược đãi họ và Việt Nam cần phải chấm dứt ngay các vi phạm này.

    Ông Robertson cho hay những khuyến nghị vừa nêu Human Rights Watch đã trình bày cặn kẽ trong phúc trình 7 trang gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trước khi Canberra ngồi vào bàn đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào đầu tuần sau.

    Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cảnh báo nếu Australia nói riêng và quốc tế nói chung ‘dễ dãi’ với Việt Nam trong các cuộc đối thoại nhân quyền thì khó trông thấy những thay đổi đáng kể đối với ‘thói quen đàn áp’ của Việt Nam.

    Human Rights Watch nhấn mạnh việc Hà Nội bác các khuyến nghị quan trọng trong phiên Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát UPR mấy tháng trước tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chưa cho thấy Việt Nam có thiện chí cải thiện thành tích nhân quyền của mình.

    Human Rights Watch kêu gọi các nước đối thoại nhân quyền với Việt Nam công bố công khai nội dung trao đổi, hiệu quả đối thoại và phản hồi nhận được từ Hà Nội sau các cuộc gặp này để tăng thêm áp lực cần thiết buộc Việt Nam phải cải thiện theo các chuẩn mực quốc tế về tôn trọng quyền con người.

    Tại phiên điều trần UPR ở Geneva hồi tháng 2, Hà Nội tuyên bố nhân quyền luôn được tôn trọng và thực thi nghiêm túc tại Việt Nam.

    Các chỉ trích nói Việt Nam vi phạm nhân quyền trước nay thường được Hà Nội mô tả là những cáo buộc ‘không có cơ sở’, ‘thiếu khách quan’ của những thế lực ‘thù địch’ ‘thiếu thiện chí’ với Việt Nam.

    http://www.voatiengviet.com/content/...n/1965033.html

Trang 5 / 7 FirstFirst ... 234567 LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •