ICTnews - ICTnews xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Phạm Văn Việt - Tiến sĩ Oracle đầu tiên tại Việt Nam, người góp phần ghi tên Việt Nam vào bản đồ tri thức công nghệ cao trên thị trường thế giới.

>> An ninh mạng không đủ đảm bảo an toàn cho dữ liệu/ “Tiến sĩ Oracle” đầu tiên tại Việt Nam.

Hơn nửa năm kể từ khi trở thành "Tiến sĩ Oracle" đầu tiên tại Việt Nam, ông đã có những thay đổi gì?

Thời gian qua, bên cạnh điều hành công việc kinh doanh, tôi chuyển sang tìm hiểu những mảng công nghệ xu hướng như big data, Cloud và mobility nền mở. Trong quá trình tìm tòi, tôi phát hiện thêm được khá nhiều điều thú vị về nền ICT thế giới, cũng như hiện trạng ICT tại Việt Nam.

Điều thú vị về thị trường ICT Việt Nam là gần đây nhất có thông tin BKAV sắp ra mắt sản phẩm smartphone. Tôi khá ngạc nhiên khi một công ty chuyên về “diệt virus và bảo mật mạng” lại mạnh dạn đầu tư vào smartphone? Thú vị bởi so với các ông lớn trong lĩnh vực này là FPT, Viettel thì BKAV vẫn khá mới trong ngành di động. Với ưu thế về sản phẩm diệt virus thuần Việt của mình, có lẽ BKAV sẽ đưa thế mạnh này vào smartphone để tạo điểm nhấn, tuy nhiên họ vẫn có nhiều thách thức cần giải quyết như mạng phân phối, định vị thương hiệu, tài chính... Ngoài ra, việc tập trung vào các sản phẩm ít liên quan đến “diệt virus và bảo mật mạng” phần nào phân mảnh chiến lược toàn cầu hóa sản phẩm diệt virus của BKAV đưa ra năm 2010. Nếu Viettel và FPT khởi động và tiến sâu vào lĩnh vực bảo mật di động thì BKAV sẽ khó xoay xở kịp.

Tôi hi vọng BKAV sẽ hiện thực thành công mô hình tập đoàn giống FPT và có giải pháp thúc đẩy chiến lược toàn cầu hóa sản phẩm diệt virus của mình.

Theo ông, xu hướng Big Data, Cloud và Mobility trên thế giới và tại Việt Nam có điểm gì giống và khác nhau?

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung đưa các xu hướng trên vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu về Cloud và Mobility. Còn về Big Data, khá hiếm doanh nghiệp tiếp cận được nhánh công nghệ này đúng nghĩa. Dữ liệu của một số doanh nghiệp tuy lớn, nhưng thông tin chưa có giá trị phân tích cao, vì vậy chưa thích ứng với bối cảnh của Big Data.

Nổi bật trong các xu hướng trên là FPT. Tuy FPT là đơn vị dẫn đầu về IT tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa đủ sức dẫn lái thị trường theo hướng của mình. Sự thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt của FPT gần đây đã ảnh hưởng ít nhiều. Cá nhân tôi cho rằng FPT khi ông Trương Đình Anh lãnh đạo đã tạo ảnh hưởng đến cộng đồng ICT.

Đặc biệt về xu hướng Mobility, tôi chưa bao giờ cảm nhận rõ nét tầm quan trọng của ngành ICT ảnh hưởng đến cuộc sống như hiện nay. Chúng ta phải cám ơn Apple, công ty đã phát kiến những sản phẩm, mô hình kinh doanh độc đáo thay đổi toàn diện thế giới. Nhờ Apple, người phát triển ứng dụng trở thành trung tâm của đổi mới, họ có thể tự do sáng tạo những phần mềm cải tiến đổi mới cuộc sống và thụ hưởng lợi ích từ chính những gì họ tạo ra. Ngành ICT trong nước đang thực sự hồi sinh.

Ông có thể chia sẻ về những dự định của mình trong thời gian sắp tới ?

Hiện khả năng làm chủ công nghệ ICT trong nước chưa cao do nền tảng nghiên cứu Khoa học công nghệ chưa được quan tâm đúng mức. Theo ước tính, hàng năm nước ta đã chi hàng chục triệu đô mua các dịch vụ ICT cơ bản của các hãng công nghệ nước ngoài. Nếu trong nước có đủ nguồn nhân lực trình độ công nghệ cao, các doanh nghiệp sẽ chủ động tăng cường sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chi phí kinh doanh tốt hơn nhiều lần.

Chúng tôi đang hoàn thiện quy trình “Sản xuất tiến sĩ công nghệ”, kết quả của quy trình này cho phép nhân rộng số tiến sĩ công nghệ cao tại Việt Nam theo cấp số nhân chỉ trong thời gian ngắn. Nguồn nhân lực chất lượng cao này, chính là nhân tố trọng yếu góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng ICT quốc gia.

Minh Anh