Trang 3 / 22 FirstFirst 1234568 ... LastLast
Hiển thị kết quả từ 21 đến 30 / 213
  1. #21
    Tham gia
    13-04-2007
    Bài viết
    2
    Like
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Bài thơ “Hai chữ nước nhà” thác lời ông Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi khi Nguyễn Trãi theo cha đến tận ải Nam Quan. Khi Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng, Nguyễn Trãi theo cha khóc lóc, lên đến tận cửa Nam Quan, không chịu trở lại. Ông Nguyễn Phi Khanh bảo rằng: “Con phải trở về lo trả thù cho cha, rửa hận cho nước, chứ theo khóc lóc mãi mà làm gì?”

    Tác giả bài thơ là cụ Á Nam Trần Tuấn Khải.

    **************


    Hai chữ nước nhà

    Tác giả: Á Nam Trần Tuấn Khải


    Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
    Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
    Bốn bề hổ thét chim kêu
    Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình

    Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
    Chút thân tàn lần bước dậm khơi
    Trông con tầm tã châu rơi
    Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

    Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
    Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
    Trời Nam riêng một cõi này
    Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

    Than vận nước gặp khi biến đổi
    Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
    Bốn phương khói lửa bừng bừng
    Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!

    Nơi đô thị thành tung quách vỡ
    Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
    Làm cho xiêu tán hao mòn
    Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

    Thảm vong quốc kể sao cho xiết
    Trông cơ đồ nhường xé tâm can
    Ngậm ngùi đất khóc giời than
    Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

    Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
    Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
    Con ơi! càng nói càng đau …
    Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

    Cha xót phận tuổi già sức yếu
    Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
    Thân lươn bao quản vũng lầy
    Giang sơn gánh vác sau này cậy con

    Con nên nhớ tổ tông khi trước
    Ðã từng phen vì nước gian lao
    Bắc Nam bờ cõi phân mao
    Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

    Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
    Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
    Giết giặc nước, trả thù chồng
    Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

    Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
    Vì giống nòi quyết chiến bao phen
    Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
    Gươm reo chính khí nước rền dư uy

    Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
    Mở dư đồ đất nọ chưa tan
    Giang san này vẫn giang san
    Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

    Con nay cũng một người trong nước
    Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
    Làm trai hồ thỉ bốn phương
    Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

    Thời thế có anh hùng là thế
    Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
    Mấy trang hào kiệt xưa kia
    Hy sinh thân thế cũng vì nước non

    Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
    Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
    Phải nên thương lấy giống nòi
    Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng

    Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
    Thân tự do chiêu chúc mà vinh
    Con ơi nhớ đức sinh thành
    Sao cho khỏi để ô danh với đời

    Chớ lần lữa theo loài nô lệ
    Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
    Đem thân đầy đọa tôi đòi
    Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

    Sống như thế, sống đê, sống mạt
    Sống làm chi thêm chật non sông!
    Thà rằng chết quách cho xong
    Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

    Huống con cũng học hành khôn biết
    Làm giống người phải xét nông sâu
    Tuồng chi gục mặt cúi đầu
    Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

    Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
    Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
    Con ơi! con phải là người
    Thì con theo lấy những lời cha khuyên

    Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
    Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
    Chân mây mặt cỏ rầu rầu
    Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

    Lời cha dặn khắc xương để dạ
    Mấy gian lao con chớ sai nguyền
    Tuốt gươm thề với vương thiên
    Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

    Gan tráng sĩ vững sau như trước
    Chí nam nhi lấy nước làm nhà
    Tấm thân xẻ với san hà
    Tượng đồng bia đá họa là cam công

    Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
    Mũi long tuyền lau sạch máu tanh
    Làm cho đất rộng trời kinh
    Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

    Nghĩa vụ đó con hay chăng tá ?
    Tính toán sao vẹn cả đôi đường
    Cha dù đất lạ gởi xương
    Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

    Con ơi! hai chữ nước nhà



    **************


    http://www.nuiansongtra.net/index.php?c=article&p=869


    Bổ sung:

    http://annonymous.online.fr/Thivien/...thor.php?ID=94
    Được sửa bởi Cua lúc 20:25 ngày 23-02-2008

  2. #22
    Tham gia
    03-01-2007
    Location
    Vẫn chỗ cũ
    Bài viết
    228
    Like
    0
    Thanked 35 Times in 35 Posts
    Nhìn Từ Xa Tổ Quốc
    Nguyễn Duy


    Ðối diện ngọn đèn
    trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng
    đêm bắc bán cầu vần vũ trắng
    nơm nớp ai rình sau lưng ta
    nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
    xa vắng
    núi và sông
    và vết rạn địa tầng
    nhắm mắt lại mà nhìn
    thăm thẳm
    yêu và đau
    quằn quại bi hùng
    dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
    cột biên giới đóng từ thương đến nhớ
    ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
    ai cứ sau mình lẩn quất như ma

    Ai?
    im lặng!
    Ai?
    cái bóng!
    Ai?
    xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
    bóng máu bầm đen sóng soải nền nhà
    thôi thì ta quay lại
    chuyện trò cùng cái bóng máu mê ta
    có một thời ta mê hát đồng ca
    chân thành và say đắm
    Ta là ta mà ta vẫn là ta

    vâng - đã có một thời hùng vĩ lắm
    hùng vĩ đau thương, hùng vĩ máu xương

    mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
    vâng - một thời không thể nào phủ nhận
    tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng
    thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
    ợ lên nhồn nhột cả tim gan
    Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
    nỗi day dứt khôn nguôi còn sạn gót chân
    nhói dài mỗi bước

    Ai?
    không ai!
    vết bầm đen đấm ngực
    xứ sở nhân tình
    sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
    nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
    Mẹ liệt sỹ gọi con đội mồ lên đi kiện
    ma cụt đầu phục kích nhà quan

    Ai?
    không ai!
    vết bầm đen quều quào giơ tay
    xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
    ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh.
    quỷ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
    đêm huyễn hoặc
    dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
    mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma chơi

    Ai?
    không ai!
    vết bầm đen ngửa mặt lên trời
    xứ sở linh thiêng
    sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
    đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
    giấy rách mất lề
    Tượng Phật khóc, Ðức tin lưu lạc
    thiện - ác nhập nhằng
    công lý nổi lênh phênh

    Ai?
    không ai
    vệt bầm đen tọa thiền
    xứ sở thông minh
    sao thật lắm trẻ con thất học
    lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
    tuổi thơ oằn vai mồ hôi, nước mắt
    tuổi thơ oằn lưng xuống chiếc bơm xe đạp
    tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
    bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
    mở mắt... bóng nhân tài thất thểu

    Ai?
    không ai
    vết bầm đen cúi đầu lặng thinh
    xứ sở thật thà sao thật lắm thứ điếm
    điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn.
    điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
    điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
    vật giá tăng
    vì hạ giá linh hồn

    Ai?
    không ai
    vết bầm đen vò tai
    xứ sở cần cù
    sao thật lắm Lãn Ông
    lắm mẹo lãn công
    giả vờ lĩnh lương
    giả vờ làm việc
    tội lỗi dửng dưng
    lạnh lùng gian ác vặt
    đạo chích thành tôn giáo phổ thông
    ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
    buôn hàng lậu - buôn quan - buôn thánh thần buôn tuốt
    quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

    Ai?
    không ai
    vết bầm đen nhún vai
    xứ sở bao dung
    sao thật lắm thần dân lìa xứ
    lắm cuộc chia ly toe toét cười
    mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
    chen nhau sang nước người làm thuê
    biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
    nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

    Ai?
    không ai
    vết bầm đen rứt tóc
    xứ sở kỷ cương
    sao thật lắm vua
    vua mánh - vua lừa - vua chôm - vua chỉa
    vua không ngai - vua choai choai - vua nhỏ
    lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
    lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
    luật pháp như đùa - như có - như không
    một người đi chật cả con đường

    Ai?
    không ai
    vết bầm đen gập vuông thước thợ
    ?.?.?.

    Ai? Ai? Ai?
    không ai
    vết bầm đen còng còng dấu hỏi
    thôi thì ta trở về
    còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
    còn chút gì le lói ở trong lòng
    đôi khi nổi máu lên đồng
    hồn thoát xác
    rũ ruột gan ra đếm
    chích một giọt máu đem xét nghiệm
    tý trí thức - tý thợ cầy - tý điếm
    tý con buôn - tý cán bộ - tý thằng hề
    Phật và Ma mỗi thứ tý ty
    khốn nạn thân nhau
    nặng kiếp phân thân mặt nạ
    thì lột mặt nạ đi - lần lữa mãi mà chi
    dù dối nữa cũng không lừa được nữa
    khôn và ngu cũng có tính mức độ
    bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
    miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
    mất vệ sinh bội thực tự hào

    sự thật hôn mê - ngộ độc tự hào
    bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
    biết thế nhưng mà biết làm thế nào
    chả lẽ bây giờ bắc thang chửi bới
    thấy chửi bới nhẹ gian nanh cơ hội
    chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
    lạy ông cơ chế, lạy bà tư duy
    xin đừng hót những điều chim chóc mãi
    đừng lớn lời khi dân lành ốm đói
    vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
    đổi mới thật hay giả vờ đổi mới?
    máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
    thật đáng sợ ai không có ai thương
    càng đáng sợ không còn ai ghét
    ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết

    Ta là gì?
    ta cần thiết cho ai?
    có thể ta không tin ai đó
    dù có sao vẫn tin ở con người

    dù có sao đừng khoanh tay
    khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
    cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?
    những người tốt đang cần liên hiệp lại
    dù có sao
    vẫn Tổ Quốc trong lòng
    mạch tâm linh trong sạch vô ngần
    còn thơ còn dân

    Ta là dân : vậy thì ta tồn tại
    giọt từng giọt
    nặng nhọc
    nặng nhọc thay
    dù có sao
    đừng thở dài
    còn da lông mọc còn chồi nảy cây

  3. #23
    Tham gia
    10-11-2002
    Location
    thấy ở đâu thầy ở đó
    Bài viết
    2,353
    Like
    583
    Thanked 328 Times in 212 Posts
    Bài thơ đôi dép
    Tác giả: Nguyễn trung Kiên (còn nghi vấn)

    Bài thơ đầu anh viết tặng em
    Là bài thơ anh kể về đôi dép
    Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
    Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

    Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
    Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
    Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
    Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

    Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
    Cùng chia xẻ sức người đời chà đạp
    Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
    Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

    Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
    Mọi thay thế đều trở nên khập khiểng
    Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
    Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

    Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
    Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
    Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
    Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

    Đôi dép vô tri khắng khít song hành
    Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
    Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
    Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

    Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
    Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
    Nhưng tôi yêu em bởi những điều ngược lại
    Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

    Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
    Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
    Chỉ còn một là không còn gì hết
    Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.
    ___ W ___

  4. #24
    Tham gia
    10-11-2002
    Location
    thấy ở đâu thầy ở đó
    Bài viết
    2,353
    Like
    583
    Thanked 328 Times in 212 Posts
    XA LẮC MÙA THU
    Tác giả: Trương Nam Hương

    Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa
    En không đến trường cả mùa thu năm sau
    Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
    Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu

    Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
    Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
    Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức
    Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng

    Biết em còn đến lớp với tôi không
    Lo khắc khoải tháng ngày trôi vội vã
    Nắng ký thác đời mình trên sắc lá
    Biết mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi

    Tôi quá tuổi học trò từ đấy em ơi
    Chiều nay trước cổng trường rơm rớm mắt
    Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
    Con gái tôi tan lớp giục tôi về...
    ___ W ___

  5. #25
    Tham gia
    10-11-2002
    Location
    thấy ở đâu thầy ở đó
    Bài viết
    2,353
    Like
    583
    Thanked 328 Times in 212 Posts
    NGÀY MƯA
    Tác giả: Lê Minh Quốc

    Rồi em sẽ bỏ tôi đi theo dòng sông chảy
    Giữa một ngày mưa
    Có con dế hát dưới cội trúc đào
    Lời tiễn biệt
    Không còn loài người nên cỏ cây cằn khô lộc biếc
    Ngày tháng lãng quên
    Ngồi ru từng cánh hoa thoát xác
    Hát
    Điệu ca buồn
    Tôi tồn tại giữa trần gian này như một gã đi buôn
    Thu mua mọi nụ cười
    Để trang sức cho một ngày tẻ nhạt
    Gìn giữ mọi tiếng hát
    Để chia buồn ngày xa em
    Nửa đêm
    Nỗi nhớ dựng tôi ngồi dậy
    Bước ra sân đếm từng ngôi sao xa xăm
    Khói thuốc làm cay mắt
    Chú vịt Donald ơi sao mày lại khóc
    Tôi đưa tay hứng lấy từng hạt ngọc
    Buồn như lần hôn em...
    ___ W ___

  6. #26
    Tham gia
    10-11-2002
    Location
    thấy ở đâu thầy ở đó
    Bài viết
    2,353
    Like
    583
    Thanked 328 Times in 212 Posts
    CÓ KHI NÀO
    Tác giả: Bùi Minh Quốc

    Có khi nào trên đường đời tấp nập
    Ta vô tình đi lướt qua nhau
    Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
    Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu...


    Vài dòng: Vào năm học lớp 10, trường cho học sinh đi học nghề. TongNghien và phần lớn các bạn trong lớp chọn ngành máy tính. Vào một ngày nọ, khi bước vào phòng thực hành thì thấy trên bảng đã có sẵn bài thơ dài (hình như khoảng 4 khổ), trong đó có khổ thơ này. Tiếc rằng lúc đó không ghi chép lại do quá tự tin vào trí nhớ, nên mãi hơn mười năm sau mới tìm ra được tác giả bài thơ. Mà theo TongNghien nhớ thì cả bài thơ dài đó nội dung liền lạc nhau, và khổ thơ trên hình như là khổ thứ 3 (kế cuối). Như vậy không biết có bạn nào biết thêm gì về bài thơ này thì giúp TongNghien với. Lúc đó, mới 15,16 tuổi mà vừa đọc mấy câu thơ trên thì ...cảm xúc mạnh lắm. (nhưng không ...bức !!! )
    ___ W ___

  7. #27
    Tham gia
    03-01-2007
    Location
    Vẫn chỗ cũ
    Bài viết
    228
    Like
    0
    Thanked 35 Times in 35 Posts
    Thú thanh nhàn
    Nguyễn Công Trứ

    Nhân trung thụy, giác tam can nhật,
    Vắt chân ngồi với bạn khách cầm ca.
    Cuộc tỉnh say bàn rượu chén trà,
    Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống.
    Bạch tuyết thanh cao, oanh yến lộng,
    Quân thiều hưởng triệt, cổ chung minh.
    Này tiếng đàn tinh tính tinh tình tinh.
    Thú vui thú ném ngang vành tráng sĩ.
    Cõi nhân sinh thích chí,
    Lúc thái bình hà nhật bất xuân phong.
    Của trần hoàn không có có không,
    Kho vô tận không không rồi lại có.
    Chữ tài ấy ăn chơi, ở đủ!
    Sôi kinh rồi đánh miếng đỉnh chung.
    Một mai bẻ quế thiềm cung,
    Trăng đưa đàn nguyệt, sấm rầm trống lôi.
    Trăm năm đài các lạ đời!

  8. #28
    Tham gia
    30-01-2006
    Bài viết
    598
    Like
    37
    Thanked 35 Times in 24 Posts

    tặng Tổng Nghiên

    bài thơ đôi dép đã xuất hiện khá lâu, và cho đến giờ vẫn còn nhiều bí ẩn về tác giả của nó. Bài thơ phản hồi này Hoàng sưu tầm trên Net sau 1 lần đọc và tìm hiểu về bài thơ " Đôi Dép"

    Đáp lại bài thơ đôi dép

    Anh chẳng muốn cùng em làm đôi dép.
    Dẫu song hành nhưng đâu có bên nhaụ
    Kẻ trước người sau suốt quãng đường dài.
    Tuy một hướng mà chẳng hề nhìn mặt.

    Anh nào muốn mỗi khi lên phía trước.
    Lại bắt em tì lên mặt đất thô.
    Anh sao nỡ khi ngẩng mặt nhìn trời
    Lại biết rằng đất đen em đang tựa.

    Anh đâu muốn chia phần bao nặng nhọc.
    Của sức người của vinh nhục bon chen.
    Những thảm nhung kia, những cát bụi đời thường.
    Nào phải thứ bắt em cùng gánh chịu.

    Anh không thể để phút nào hụt hẫng.
    Rồi có kẻ dám nâng đỡ bên em.
    Đôi dép kia đâu phải mãi song hành.
    Có bao giờ dép đứt cùng một lúc?

    Anh sao chịu nổi có kẻ nào trông giống.
    Để nhìn vào em lại bảo giống anh.
    Rồi một mai phải minh chứng hùng hồn.
    Răng? cứ thử sẽ biết ngay không phải!!

    Thôi em nhé bài thơ đôi dép?.
    Chẳng thể là hình dáng của hai ta.
    Tuy nỗi nhớ chẳng kém phần da diết.
    Cũng phải tùy hoàn cảnh để ví von

    (khuyết danh)

  9. #29
    Tham gia
    03-01-2007
    Location
    Vẫn chỗ cũ
    Bài viết
    228
    Like
    0
    Thanked 35 Times in 35 Posts
    Chùm thơ Chế Lan Viên

    Ai? Tôi!

    Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
    Chỉ một đêm, còn sống có 30
    Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
    Tôi!

    Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
    Ca tụng người không tiếc mạng mình
    trong mọi cuộc xung phong.
    Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
    về sau mười năm
    Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

    Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
    Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
    Ai chịu trách nhiệm vậy ?
    Lại chính là tôi!

    Người lính cần một câu thơ
    giải đáp về đời,
    Tôi ú ớ.
    Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

    Mà tôi xấu hổ.
    Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
    Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
    Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.


    Bánh vẽ

    Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
    Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
    Cầm lên nhấm nháp.
    Chả là nếu anh từ chối
    Chúng sẽ bảo anh phá rối
    Ðêm vui
    Bảo anh không còn có khả năng nhai
    Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
    Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
    Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
    Như không có gì xảy ra hết
    Và những người khác thấy anh ngồi,
    Họ cũng ngồi thôi
    Nhai ngồm ngoàm...


    Tìm đường

    Nửa thế kỷ tôi loay hoay
    Kề miệng vực
    Leo lên các đỉnh tinh thần
    Chất ngất
    Theo các con đường ngoắt ngoéo chữ chi
    Gẫy gập
    Mà đâu được gì ?
    Khi tôi cưỡi trên mây
    Thì máu người rên dưới đất
    Mẹ hỏi tôi
    Con lên cao mà làm chi ?
    Mẹ ở dưới này cơ cực
    Về đi !
    Ôi ! con đường không ra đường
    của kẻ tìm thơ
    Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
    Đã gần hết thời gian của tôi ở trên
    trái đất
    Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ
    Mẹ đâu biết cho rằng:
    Hoa tôi hái trên trời
    Cũng chính là nước mắt
    Dưới xa kia


    Cõi ta

    Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới,
    Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên!
    Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối
    Nơi sinh sôi, nảy nở những mầm Điên.

    Nhưng cũng là nơi ai ôi bé nhỏ
    Nơi khó dò, khó biết, khó suy tường
    Nơi, cùng nhau, trước khi về đáy mộ
    Xác hồn ta đã chia rẽ đôi đường.

    Ta đứng trước cõi ta khôn hiểu thấu
    Như không sao hiểu được nghĩa Thời Gian!
    Mắt bừng nóng tự nhiên trào vụt máu
    Hầu câm khô tan vỡ duới lời than!

    Ôi biết làm sao cho ta thoát khỏi
    Ngoài cõi Ta ngập chìm trong bóng tối?
    Cho linh hồn vụt đến xứ Trăng Mây
    Cho ta là không phải của ta đây
    Mà sát nhập vào tuổi tên cây cỏ!

    Ôi! Mơ Mộng dìm ta trong suối Khổ.

  10. #30
    Tham gia
    13-04-2007
    Bài viết
    38
    Like
    0
    Thanked 5 Times in 5 Posts
    Félix Arvers (1806-1850) là một nhà thơ Pháp. Ông viết tập thơ Mes heures perdues (= My lost hours) năm 25 tuổi. Bài thơ Un secret (Điều bí mật) là bài thơ trong tập thơ đó, và là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông. Vì vậy trong nền văn học Pháp, Félix Arvers được xem là "Nhà thơ của một bài thơ duy nhất". Bài Un secret được viết dưới dạng một bài Sonnet (tức là một bài thơ gồm 14 câu, tuân theo cấu trúc và luật gieo vần khắt khe), do đó nó cũng thường được gọi là Sonnet d'Arvers (Bài Sonnet của Arvers).
    Ông yêu cô Marie, nhưng đó là tình yêu đơn phương, nên ông viết bài Sonnet Un secret để bày tỏ tình yêu câm lặng của mình.
    Bài thơ dưới đây do nhà văn Khái Hưng dịch bài "Un secret (Sonnet d'Arvers)".


    Tình Tuyệt Vọng

    Lòng ta chôn một khối tình
    Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
    Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
    Mà người gieo thảm như hầu không hay
    Hỡi ơi, người đó ta đây
    Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
    Dẫu ta đi trọn đường trần
    Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi
    Người dù ngọc nói hoa cười
    Nhìn ta như thể nhìn người không quen
    Đường đời lặng lẽ bước tiên
    Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình
    Một niềm tiết liệt đoan trinh
    Xem thơ nào biết có mình ở trong
    Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng
    Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây.


    (Sonnet d’Arvers - Khái Hưng dịch)


    *Bản dịch tiếng Anh của bài thơ đó.

    *Các bạn đọc thêm bài dưới đây (trích trong Tình yêu lãng mạn và tuổi trẻ Việt Nam giữa thế kỷ 20 của Lê Mộng Nguyên) để biết thêm một số chi tiết liên quan đến bài thơ Un secret.

    Trong thập niên 1940, tôi thích đọc Sách Hồng và kế đó báo Phong Hóa rồi Ngày Nay cùng nhiều tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và nhân dịp được biết – qua "Anh Phải Sống" của Khái Hưng và Nhất Linh (1936) và "Hai Buổi Chiều Vàng" của Nhất Linh (1937) - bài thơ tuyệt tác Tình Tuyệt Vọng do Khái Hưng dịch (theo thể lục bát) từ bản Sonnet của Félix Arvers ... Hồi bấy giờ, thanh thiếu niên Việt Nam, nhất là các học sinh trường cao đẳng tiểu học hoặc trung học ở Huế, không ai là không học thuộc lòng bài thơ dịch này vì nó rất hợp với tình yêu lãng mạn của những người trai trẻ trong những năm 1940-1945 là những năm mà Đông Dương bị Nhật chiếm đóng nhưng chủ quyền vẫn thuộc nước Pháp của Thống chế Pétain (tương đối bình an, xa lánh mùi bom đạn của thế chiến thứ 2) và Hoàng đế Bảo Đại vẫn còn trị vì nước An Nam. Tôi không ý giám rằng chuyện tình giữa Marie Nodier và Félix Arvers (nằm trong nửa phần thế kỷ 19) là phản ảnh tâm hồn của trai gái VN trong những năm 1940-1950, nhưng hoàn cảnh thời bấy giờ là một lý do đưa đẩy một số thanh thiếu niên vào những mối tình vô vọng như đã nói trong Sonnet d’Arvers. Ngoài phẩm chất vĩnh cửu của một mối tình bi đát, âm thầm đã vượt qua không gian cùng thời gian để đến với chúng ta hôm nay, bài "Tình Tuyệt Vọng" nói lên một cách đau khổ và xót xa mối tình mà nhà thơ đã từng ôm ấp, chôn cất trong lòng cho đến ngày tận thế. Người đẹp mà thi sĩ đã yêu thầm trộm nhớ là Marie Nodier mà chàng được gặp nhiều lần trong những buổi họp bình thơ văn (Séances de critique littéraire) do thân phụ nàng là nhà văn Hàn Lâm Viện Học sĩ Pháp Charles Nodier (1780-1844) tổ chức tại thư viện Arsenal (hồi ấy ông làm giám quản thư viện (conservateur de bibliothèque)) và đã quy tụ nhiều thi văn nghệ sĩ lừng danh như Victor Hugo, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, Lamartine và Félix Arvers là một thi sĩ đã nổi tiếng ngay thời còn học sinh bậc trung học, được Giải Thưởng Danh Dự Latin, Giải Nhất Pháp Văn trong những cuộc thi cạnh tranh hồi bấy giờ. Ông tốt nghiệp trường Đại Học Luật Khoa và đã từng làm luật sư một thời gian ngắn rồi xin thôi để có thì giờ sáng tác cho thi ca văn nghệ. Có lẽ tài năng của Félix Arvers đã được Charles Nodier chú ý nên gọi mời nhà thơ đang lên vào làm thư ký cho ông và gia sư (précepteur) cho ái nữ Marie. Bài Sonnet d’Arvers diễn tả mối tình tuyệt vọng của Félix Arvers với Marie Nodier phải đi lấy chồng năm 1833 và trở thành bà Marie Mennessier-Nodier .
    Được sửa bởi Caro20 lúc 09:16 ngày 20-05-2007

  11. Thành viên Like bài viết này:


Trang 3 / 22 FirstFirst 1234568 ... LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •