PDA

View Full Version : NLĐ Tin học hoá QALHCNN-Vấn đề là hiệu quả



QUOCDN
11-04-2006, 18:32
Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước: Vấn đề là hiệu quả

Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước nếu thực hiện thành công sẽ làm cho Chính phủ hiệu năng hơn, mạnh mẽ hơn và thực sự vì dân hơn. Đó cũng là những giá trị lớn mà CNTT có thể mang lại khi được khai thác và ứng dụng một cách có hiệu quả.


Đề án 112 - một kế hoạch lớn.

1000 tỉ đồng là số tiền tối thiểu đã được Chính phủ phê duyệt qua đề án 112 cho các hoạt động triển khai tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước trong 5 năm tới. Mục tiêu đầu tiên là thiết lập hệ thống thông tin từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, phục vụ công tác quản lý điều hành các hoạt động của Chính phủ. Nội dung thứ hai là từng bước cung cấp các dịch vụ công qua các phương tiện điện tử như mạng Internet. Nói đề án 112 là một kế hoạch lớn không chỉ vì mục tiêu thay đổi cơ bản cách thức điều hành, quản lý bộ máy hành chính Nhà nước, cung cấp dịch vụ công theo hướng ngày càng hiệu quả hơn. Đề án 112 còn là quá trình hiện thực hoá việc Chính phủ Việt Nam ký kết hiệp định khung e-ASEAN tháng 11-2000, theo đó Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước qua đề án 112 cũng đồng bộ hoá với chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Nhưng quan trọng hơn cả, đây là một trong những hành động cụ thể hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Nhìn lại 10 năm

Quá trình tin học hoá quản lý hành chính thực sự khởi động vào năm 1990 với việc văn phòng Chính phủ đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước. Chỉ trong giai đoạn 1991-1997 đã có 4 đề án, trong đó có hai đề án do Chính phủ Pháp tài trợ, một đề án theo chương trình quốc gia về CNTT và một theo đề án mạng tin học diện rộng của Chính phủ.

Giai đoạn 1996-1998 chương trình quốc gia về CNTT đã dành 160 tỉ đồng tương đương với một nửa tổng đầu tư của chương trình này cho các ứng dụng tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước.

Từ năm 1997, mạng tin học diện rộng CPnet của Chính phủ được hình thành, đến nay đã nối kết trung tâm tin học 61 tỉnh, thành, 40 cơ quan chủ chốt của Chính phủ với quy mô 2.500 máy trạm, 180 máy chủ với 50 chương trình ứng dụng.

Cũng trong giai đoạn 1996-1998, có 6 cơ sở dữ liệu được hình thành, bao gồm cơ sở dữ liệu về tài chính, thống kê kinh tế - xã hội, pháp luật, tài nguyên đất và dân cư. Riêng 2 cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thống kê đã có số liệu phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

5 năm tiếp

Thực ra chúng ta chỉ còn hơn 4 năm để thực hiện Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25-7-2001.

Mục tiêu chính của đề án là xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Dự kiến 2005 sẽ đưa hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ vào hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng tiến tới Chính phủ điện tử.

Các giai đoạn triển khai đề án 112 được cụ thể hoá như sau:

2001-2002: Mở rộng mạng tin học diện rộng của Chính phủ, nâng cấp hạ tầng đường truyền.

2002-2003: Xây dựng trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu của Chính phủ, thử nghiệm mô hình hoạt động giao ban, hội họp qua mạng...

2004-2005: Hoàn thành trung tâm tin học diện rộng của Chính phủ và tích hợp với mạng diện rộng của Đảng.

Một câu hỏi đặt ra là liệu trong 4 năm tới mục tiêu của đề án 112 có hoàn thành một khi mà còn không ít trở ngại đặt ra trong suốt 10 năm thực hiện quá trình tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước tới nay vẫn chưa được tháo gỡ?

Những trở lực trong quá trình tin học hóa:

10 năm - một khoảng thời gian khá dài của quá trình tin học hóa. Nhưng sau 10 năm, nhìn lại, kết quả lại rất khiêm tốn. Một lý do quan trọng: Đầu tư nhỏ giọt, manh mún và không đáp ứng nhu cầu. Đơn cử Chương trình quốc gia về CNTT bắt đầu 1996, chỉ sau 3 năm đã kết thúc, trong khi nhiều hạng mục lớn của Chính phủ đang triển khai dở dang. Ngân sách Nhà nước dành cho tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước trong 3 năm 1996-1998 là 160 tỉ đồng cũng chỉ đáp ứng 20%-25% nhu cầu kinh phí các đề án đã được duyệt của 100 cơ quan hành chính cấp bộ, tỉnh. Sáu dự án cơ sở dữ liệu được đầu tư 30 tỉ đồng, chỉ đáp ứng 10% nhu cầu dẫn đến hầu hết cơ sở dữ liệu dừng lại ở mức độ thử nghiệm.

Từ năm 1998, ngân sách cho CNTT được đưa vào mục chi thường xuyên của các ngành, địa phương. Điều này có nghĩa là địa phương nào đầu tư cho CNTT thì phải nghỉ chi hoặc giảm chi ở một số lĩnh vực khác. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ đều yêu cầu ưu tiên cho ứng dụng và phát triển CNTT nhưng lại không giải quyết được vấn đề "đầu tiên" là nguồn đầu tư.

Đến nay, chi tiêu CNTT vẫn chưa có mục chi riêng trong ngân sách Nhà nước. Dẫn đến hệ quả tất yếu, ngoại trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... vẫn tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực được cho là quan trọng này. Còn lại hầu hết các địa phương khác có đầu tư nhưng là hình thức.

Mạng tin học diện rộng của Chính phủ CPnet sau 4 năm cũng chỉ mới hoàn thành được nội dung chính là kết nối vật lý xuống 61 tỉnh, thành cùng 40 cơ quan chủ chốt của Chính phủ.

Các thông tin truyền trên mạng chủ yếu từ Chính phủ về như công văn, chỉ thị, công báo... Việc kết nối các sở ban, ngành địa phương còn rất hạn chế. Song đáng ngại hơn cả là vẫn chưa phát huy được thế mạnh của mạng máy tính - khả năng chia sẻ dữ liệu thông tin.

Ngay từ năm 1998, Chính phủ đã thông qua pháp lệnh về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng Nghị định 101 hướng dẫn thi hành. Theo đó mọi văn bản, chỉ thị từ Chính phủ, Quốc hội xuống các ban, ngành, địa phương đều phải tổ chức thực hiện ngay. Nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn coi đây chỉ là những văn bản tham khảo trong khi chờ đợi đường công văn chính thức. ở khía cạnh này, mạng máy tính đã là một sự lãng phí! Và không chỉ có vậy!

- Việc giải quyết tất cả những khó khăn về ngân sách, cát cứ thông tin, chuẩn chung dù sao cũng còn dễ dàng hơn so với khó khăn về nguồn nhân lực. Quá trình tin học hóa hành chính Nhà nước thực sự đang phải đương đầu với bài toán bồi dưỡng kỹ năng tin học ứng dụng cơ bản cho 2 vạn công chức từ cấp huyện trở lên.

Giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực, chúng ta mới có thể hy vọng khai thác hết những khả năng mà mạng CPnet cùng các ứng dụng tin học hóa có thể mang lại. Còn nếu không tin học hóa chỉ là hình thức và là sự lãng phí tiền của nhân dân. Khó khăn này sẽ được hạn chế triệt để một khi kỹ năng tin học được xem là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi công chức.

Đội ngũ người dùng đã vậy, đội ngũ cán bộ tin học chuyên trách càng khó hơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, là lượng sinh viên CNTT ra trường thất nghiệp không phải là ít, nhưng đa phần là do chưa xin được việc làm tại các công ty tin học của nước ngoài hay công ty kinh doanh tin học của Việt Nam mà thôi. Việc trở về làm cán bộ tin học chuyên trách ở địa phương là một chuyện cực chẳng đã! Của đáng tội, trong hệ thống biên chế Nhà nước làm gì có ngạch nào dành cho loại cán bộ tin học? Vậy nên...

Tin học hóa và Chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử không chỉ là việc điện tử hóa các hoạt động quản lý điều hành mà còn là việc cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân thông qua các phương tiện điện tử. Đối với các quốc gia có mức độ tin học hóa các hoạt động của Chính phủ ở mức độ cao thì Chính phủ điện tử đồng nghĩa với việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công qua phương tiện chủ yếu là Internet. Trong đề án 112 của Chính phủ cũng có đề cập đến việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công, nhưng kế hoạch triển khai trong 4 năm tới lại chỉ tập trung chủ yếu vào mảng tin học hóa các hoạt động của Chính phủ. Có lẽ, nội dung các dịch vụ công sẽ được dành cho giai đoạn sau năm 2005 chăng?

Trên bình diện cả nước, chính Tp.HCM là đơn vị đi đầu trong việc tin học hóa các dịch vụ công. Đi đầu là UBND quận 1 với mạng Intranet nối liền 10 phường trong quận, cho phép xử lý mọi giấy tờ của người dân theo cách "một cửa, một dấu".

- Còn các doanh nghiệp cũng đã có khả năng đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng. Mới đây, thành phố cũng đang có kế hoạch đầu tư trên 6.500 tỉ đồng cho ứng dụng phát triển CNTT TP. Khoảng 150 tỉ đồng trong số đó sẽ dành cho tin học hóa quản lý hành chính hướng tới cung cấp các dịch vụ công theo mô hình Chính phủ điện tử.

Dù còn có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh quá trình tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, nhưng rõ ràng đây là một nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta đưa đất nước hội nhập cùng sự phát triển của khu vực và thế giới. Song quan trọng và có ý nghĩa hơn cả, tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước nếu thực hiện thành công sẽ làm cho Chính phủ hiệu năng hơn, mạnh mẽ hơn và thực sự vì dân hơn. Đó cũng là những giá trị lớn mà CNTT có thể mang lại khi được khai thác và ứng dụng một cách có hiệu quả .

vseconlinevn
12-04-2006, 06:52
5 năm tiếp

Thực ra chúng ta chỉ có hơn 4 năm để thực hiện Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25-7-2001. TP.Đà Nẵng chủ yếu: 2002-2004, năm 2005 đào tạo cho cấp xã phường. Kết thúc dự án cấp T.P [/quote]. (Tôi sửa chữ còn thành => có)

pcdinh
16-04-2006, 11:32
Hừm, đó là báo. Tớ tin là 99% người dân không hiểu cái 112 là cái gì và thất bại là thế nào?

Đề án 112 thực ra là cái cớ để mấy công ty tin học to to của VN liên kết với các quan chức moi tiền ra ngân sách ra. Tổ mối sắp đổ rồi. Moi không nhanh thì sau này làm sao moi.

Các bồ làm trong một công ty triển khai phần mềm thuộc đề án 112 là thấy rõ nhất. Hơ hơ :)