PDA

View Full Version : trên diễn đàn Edunet



QUOCDN
02-03-2006, 16:27
Diễn đàn ảo và tố cáo thật
(tiêu đề topic do người viết đặt)
(VietNamNet) - Sau khi diễn đàn Edunet đăng tin tố cáo một giảng viên ĐHBK nhận tiền, dư luận xôn xao. Chỉ trong thời gian ngắn, vụ việc đã được giải quyết. Nhiều thông tin như thế trong ngành giáo dục đã được công khai hoá qua hình thức diễn đàn, và đã được xử lí để đến với những người muốn nghe, cần nghe hoặc có trách nhiệm nghe một cách hiệu quả.


Ông Quách Tuấn Ngọc: "Con đường đến tới công khai dân chủ trên mạng không phải là suôn sẻ ngay" (Ảnh: LAD)
"Với diễn đàn Edunet, Bộ GD-ĐT có thêm một kênh thông tin hữu hiệu. Nhiều vụ việc nóng bỏng đã được lãnh đạo Bộ biết đến và giải quyết thấu đáo; còn người tham gia là sinh viên, giáo viên, lưu học sinh … có thể yên tâm rằng những lời phản ánh của mình sẽ không chỉ là kêu ca vô vọng".

Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT, người quản lí trực tiếp và điều khiển diễn đàn Edunet vừa cười vừa khoe.

Phải biết rõ thông tin về "nick" tôi mới cho đăng

Vụ việc một giảng viên ĐHBK bị tố cáo trên diễn đàn EduNet đã tác động và có hiệu quả. Là người quản trị diễn đàn, suy nghĩ của ông khi cho phép đưa thông tin này lên?

Thực ra, chuyện mua điểm, đi "chùa thầy"...là vấn đề bức xúc lâu nay trong giới SV ở nhiều trường ĐH. Trước thông tin này, tôi cũng đã cân nhắc, và đi đến quyết định cho đăng.

Vụ này, chúng tôi nhìn thấy trước là rất nóng, có thể sẽ có phản ứng bung ra nhiều trường hợp khác. Tôi nghĩ, có những vấn đề đã đến lúc cần nói. Từ vụ việc này, chúng tôi hi vọng sẽ mở ra xu hướng mạnh dạn đề cập đến những chuyện tương tự trong các trường ĐH khác thông qua các diễn đàn riêng của các trường.

Hình thức tố cáo qua mạng có những đặc thù riêng. Ông đảm bảo đến đâu về độ tin cậy của các thông tin, khi những đối tượng cung cấp nó chỉ là những cái nick đơn thuần?

Khi gặp trường hợp nhạy cảm như thế này, chúng tôi luôn thẩm định về cá nhân người cung cấp thông tin trước khi cho phép đăng tải nguồn tin lên website.

Với trường hợp này, seekvn2000 là thành viên tham gia diễn đàn từ lâu. Và tôi đã nắm được các thông tin về cá nhân seekvn2000 nên mới cho đăng.

Riêng vụ việc này, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo trường ĐHBK kiên quyết xử lí nên làm rất nhanh, gọn, gây được cảm tình tốt trong dư luận.

Vụ việc được giải quyết khá nhanh chóng khiến dư luận không khỏi "gợn" rằng, chuyện giảng viên này bị tố cáo là sự đấu đá cá nhân và chẳng may đã biến thành "vật hi sinh"?

Chúng tôi cũng tham gia tư vấn cho nhà trường rằng đây không phải là đấu đá nội bộ vì seekvn2000 chỉ là một sinh viên bình thường. Giáo viên phạm khuyết điểm cũng đã dũng cảm nhận ngay lỗi và tự xin từ chức trưởng bộ môn. Tôi cũng thấy bất ngờ vì nhanh gọn quá.

Theo ông, sự công khai hoá trên mạng có phải là một áp lực khiến vụ việc được giải quyết nhanh và triệt để hơn?

Tôi nghĩ có nhiều lý do. Thứ nhất vụ việc xôn xao trên diễn đàn cũng gây áp lực dư luận. Thứ hai, lãnh đạo trường ĐHBK cũng khá kiên quyết và thứ ba, ở sự vụ này, có nhiều chứng cứ rõ ràng.

Được biết, ngay sau vụ này, các ông đã kêu gọi gửi những bức xúc tương tự về hộp thư riêng. Theo dõi qua đó, ông thấy thế nào?

Thông qua diễn đàn, còn có nhiều phản ánh hiện tượng này ở vài trường, khoa khác. Diễn đàn EduNet đã làm được cái việc là rung chuông báo động, cảnh tỉnh các giáo viên khác dừng ngay hành vi lấy tiền của sinh viên để nếu không muốn "được" nêu tên lên các diễn đàn. Đó là tác dụng phản ứng tích cực tiếp theo.

"Tại sao lại phải bí mật?"

EduNet đã từng gây xôn xao dư luận khi đăng bức thư của một HS "Gửi Thứ trưởng Bành Tiến Long". Có ý kiến cho rằng, những việc như thế này đôi khi gây tác hại ngược cho người liên quan. Các ông xử lý những tình huống này như thế nào?

Bức thư đó, em Hoàng Thị Hiền gửi riêng cho thứ trưởng Bành Tiến Long. EduNet quyết định đưa lên mạng. Khi đó, tôi đã gọi điện cho em Hiền, xác định lại nội dung bức thư và hỏi ý kiến. "Nếu bây giờ đăng thư này lên mạng cháu có sợ gì không?". Em Hiền khẳng định đó là nguyện vọng trung thực muốn bày tỏ ý kiến nên không sợ, thì mình mới dám đăng.

Mặt khác, vụ việc này, Trung tâm Tin học là nơi nắm chắc số liệu "thưởng ẩu" của từng tỉnh, đến tận mức độ cấp trường THPT nên đã lập báo cáo cho lãnh đạo Bộ. Chúng tôi cũng lường trước về áp lực dư luận lên mọi phía có liên quan. Cũng rất nóng. Báo chí cũng ủng hộ việc bỏ điểm thưởng từ nhiều năm nay, chỉ vướng là chưa có dịp để quyết.

Vụ "bức xúc" đầu tiên mà diễn đàn EduNet góp phần tham gia giải quyết được là gì?

“Cú mở màn" là ngay khi diễn đàn ra đời được vài tháng. Đầu năm 2004, một đêm chúng tôi nhận được một bài phản ánh chuyện chậm học bổng của LHS 322 (NCS đi theo học bổng từ ngân sách nhà nước) và chuyện học bổng bị giảm giá trị do tỉ giá USD thay đổi bất lợi.

Đọc xong thấy LHS khổ quá nên EduNet vào cuộc. Suốt gần một năm, LHS 322 ở nhiều nơi tin cậy tham gia, phát biểu ý kiến với nhiều mức độ khác nhau: tâm sự chia sẻ, ngọt nhạt dịu dàng, trách mắng giận dữ và chua cay, quá khích, nói mỉa.…đủ cả.

Những lúc đó, chúng tôi phải đóng vai liên lạc viên, chạy đi hỏi tình hình chính sách của Bộ ra sao, rồi lại làm chính viên đại đội để động viên mọi người bình tĩnh...chờ cơ chế được giải toả.

Những bức xúc như thế, chúng tôi thường in ra cả tập, báo cáo ngay với Bộ trưởng. Sau đó, đích thân Bộ trưởng chỉ đạo và Thứ trưởng Phạm Vũ Luận trực tiếp sang Bộ Tài chính giải quyết chuyện tiền nong vì nói thật, lúc đó trong quĩ của Bộ không có tiền.

Cuối cùng, tiền về, may quá. Tiếp đến chủ trương tăng sinh hoạt phí cũng đã chính thức đi vào hiện thực vào tháng 8/2004. Tôi nghĩ trong đó, công của diễn đàn Edunet cũng tương đối (cười).

Ngoài ra, còn chuyện LHS tại Nga phản ánh về việc phải lĩnh học bổng bằng tiền mặt. Học bổng bị chậm đã khổ rồi, các đơn vị ở xa phải cử đại diện đi tầu hoả lên ĐSQ để lĩnh tiền mặt ôm về. Rủi hôm nào chưa kịp có tiền thì lại phải về không. Cán bộ quản lí phản ánh về việc chưa có tiền lệ chuyển tiền qua tài khoản ở Nga, lại lo ngại nước Nga đánh thuế học bổng qua tài khoản.

Thời buổi hiện đại, nghe những chuyện như thế nó cứ như…chuyện thời cổ ấy. EduNet hướng dẫn LHS trực tiếp đi hỏi các ngân hàng và chuyện thuế thì mấy hôm sau, họ báo ngay trên diễn đàn là các ngân hàng ở Nga cho mở tài khoản cá nhân và chẳng có thuế má gì. Mà cũng lạ, có nước nào đi đánh thuế học bổng bao giờ đâu mà lo. Vụ Hợp tác quốc tế đã tích cực chỉ đạo giải quyết nên kết quả là hiện tại mọi du học sinh Nga đã có một tài khoản, đơn giản, gọn nhẹ.

Nhưng chắc là có nhiều lúc các ông cũng "lực bất tòng tâm" chứ?

Kỉ niệm đầu tiên đáng nhớ và tự hào nhất là Edunet bắt đầu với kì thi 3 chung đầu tiên, năm 2002. Đó là khi lãnh đạo Bộ quyết định đưa toàn bộ đề thi đáp án công khai lên mạng ngay sau ngày thi cuối cùng để cho thí sinh và phụ huynh tra cứu và tự chấm. Phải nói đó là dấu ấn đẹp đẽ đầu tiên đối với xã hội về các hoạt động công khai, dân chủ của Bộ GD và ĐT trên mạng. Đại biểu Quốc hội, các tỉnh, thí sinh, phụ huynh…đều gọi điện khen ngợi và ủng hộ. Ủng hộ là ủng hộ cách làm công khai dân chủ, hiệu quả. Lâu nay những thứ người dân cần biết như vậy mà lại cứ…không công khai mới là lạ.

Sở dĩ tôi kể chuyện này là vì con đường đến tới công khai dân chủ trên mạng không phải là suôn sẻ ngay. Một số cá nhân cán bộ quen nếp cũ không muốn công khai, không muốn cung cấp dữ liệu để đưa lên mạng. Bộ trưởng kết luận bằng câu hỏi: Tại sao lại phải bí mật? Đấy, khó thế đấy! Khó khăn là phải vượt qua được tư duy quản lí cũ, vượt qua được rào cản giữ bo bo về thông tin, dữ liệu vì quyền lợi cục bộ để công khai thông tin phục vụ người dân.

Chính phủ điện tử: Không phải tin học hóa đơn thuần

Hiện nay, các diễn đàn có nhiều ưu thế trong việc truyền tải thông tin. Nhưng cũng có những mặt trái. Với tư cách quản trị, ông điều tiết những yếu tố này như thế nào?

Bản thân từ diễn đàn đã bao hàm sự dân chủ, tức là nhiều người có thể chủ động nói lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, chính điều này cũng gây những tác dụng phụ. Nhiều người lạm dụng bức bình phong "dân chủ" để phát ngôn quá trớn, rất thiếu ý thức.

Thí dụ sự việc kiến nghị tăng sinh hoạt phí của LHS, có cá nhân LHS hò trên mạng là rủ thêm các sứ quán biểu tình. Thế mới liều. Chúng tôi đã phải kiểm duyệt cắt bỏ và cảnh cáo rằng đừng đùa với dân chủ kiểu như vậy.

Hoặc cũng trong những dòng thông tin về việc tố cáo chuyện mua điểm, đi thày, nhiều người (có thể là các em học sinh còn bồng bột) nhân cơ hội để chửi bới. Chúng tôi cũng phải theo dõi để nhắc nhở, kiểm duyệt.

Làm công việc này, cũng tương đối động chạm, ông có gặp nhiều phiền toái?

Có chứ, khi mình đưa những thông tin ít nhiều động chạm đến quyền lợi của ai đó, người ta cũng cay cú và ghét mình chứ. Nhưng, chúng tôi được sự ủng hộ lớn của dư luận và lãnh đạo Bộ. Có thêm kênh này, lãnh đạo Bộ cũng nắm rõ hơn tình hình giáo dục hơn. Nôm na thì nó như cái anten thu sóng bốn phương. Cái chính là mình phải có bản lĩnh chấp nhận, đón nhận thông tin và xử lí lọc thông tin, bản lĩnh công khai vấn đề. Nói chung, cũng có lúc thấy nhạy cảm và gay go thật…

Hiện nay, hình thức website hay cổng thông tin của các Bộ, Ban, Ngành, Ủy ban... đang nở rộ. Nhưng, đa phần vẫn là thông tin "cứng", một chiều. Ông có nghĩ một hình thức giao tiếp chính phủ - người dân tương tự ở các nơi khác sẽ hữu ích?

Đã quản lý mạng này một thời gian, cá nhân tôi nhận thấy đây là một mô hình hữu ích. Chúng ta cứ kêu gọi đẩy mạnh chính phủ điện tử nhưng tôi nghĩ, khái niệm này không chỉ đơn thuần là tin học hoá quản lí nhà nước.

Chính phủ điện tử, theo đúng nghĩa, nên có hình thức giao dịch điện tử giữa cơ quan công quyền và người dân, cần phải có nơi để tiếp xúc trực tiếp với người dân. Nếu như các Bộ, Ngành khác cũng triển khai những hình thức tương tự, để người dân có cơ hội được nói, được báo cáo nhiều hơn... thì xã hội sẽ được minh bạch hoá thông tin hơn, tiến bộ hơn.