PDA

View Full Version : 20/11 nhớ về Thầy, Cô.



ThichNuDiuHien
20-10-2005, 20:17
Còn tháng nữa là tới ngày Nhà Giáo Việt Nam, các bạn có kỷ niệm vui - buồn gì về mái trường xưa, về các thầy cô đã dạy ta xin mời post bài vào đây để mọi người cùng chia sẻ.
Bài viết hay sẽ có :present: tặng !
:wub:

Cuong_DC9
21-10-2005, 08:18
Hồi đó chúng tôi học ở gần Cầu Mới (Ngã Tư Sở - HN), đối diện khu Cao-Xà-Lá. Cao-Xà-Lá là kiểu gọi tắt của 3 nhà máy: Cao su Sao Vàng - Xà phòng HN (?) - Thuốc lá Thăng Long. Giờ thì chắc không còn cái tên này nữa.
Vào 1 ngày đẹp trời Thầy trò cả lớp chúng tôi rủ nhau đi tham quan Chùa Thầy bằng ... xe đạp. Phần khởi động và vượt chướng ngại vật thì ngon ăn. Chúng tôi xuất phát về hướng Hà Đông. Cả Thầy lẫn trò đều còn khỏe, đạp rất hăng. Nhất là bọn con trai! Cứ đạp vèo vèo làm lũ con gái phải réo chậm lại vì không theo kịp. Đến Chùa Thầy, cả lớp khiêng đồ ăn lên tận đỉnh núi ngồi. Vừa hóng mát vừa ăn. Mấy đứa bạo gan rủ nhau leo xuống hang, đến chỗ cỗ quan tài đá xem.
Cả hội vô tư và vui vẻ đến tận chiều.
Khi quay về, chúng tôi đi về hướng Sơn Tây, Cầy Giấy. Phần tăng tốc và về đích khá là chối đối với chúng tôi. Tất cả đều mệt, nhất là bọn con trai. Có đứa mệt quá, không đạp nổi phải lấy dây buộc vào tay lái cho bọn khỏe hơn kéo. Phải công nhận con gái dai sức thật. Trong khi bọn con trai mệ̣t phờ ra thì lũ con gái vẫn nhởn nhơ.
Để động viên tinh thần chúng tôi, ông thầy giáo dậy hình đã ra câu đối thách chúng tôi đối. Chúng tôi vắt óc ra nghĩ nhưng vẫn không đối được. Tuy nhiên nhờ có câu đối này mà chúng tôi đã quên bớt những mệt nhọc trên đường. Không hiểu đến bây giờ đã có ai đối được chưa. Nó khó ở chỗ là rất hợp với chúng tôi trong hoàn cảnh lúc đó:
Học trò đi Chùa Thầy, về đến Ngã Tư Sở thì hết khổ

dinhbaochau
21-10-2005, 18:57
Một bài thơ cũng là kỷ niệm, một thời để nhớ.

Đi bên thầy chiều ấy !

Đi bên thầy chiều ấy
Trên trời mây trắng bay
Sầu đông không còn lá
Mà lòng em vẫn xanh

Đi bên thầy chiều ấy
Qua cầu nước chảy xuôi
Đời học sinh là mấy
Mà lòng em khôn nguôi.

Mây trắng bay về đâu
Trên bao la vô tận
Dòng đời còn biển lận
Em đứng mãi nơi này

Xin mãi là giọt sương
Để mặt trời ở trọ
Xin mãi là bến đổ
Để cho tình vấn vương

Tà áo trắng như sương
Xin giã từ kỷ niệm
Đi bên thầy chiều ấy
Trên trời mây trắng bay.

Tản mạn mùa thu

Dù không chút gió heo may
Dù không có lá vàng bay ven đường
Ngõ chiều chưa bủa màn sương
Mà lòng đã thấy vương vương thu về!

ThichNuDiuHien
30-10-2005, 17:47
TRÒ & THẦY.
Mấy ngày qua thật bận rộn, mình phụ trách cho lớp tờ báo tường ra mắt kịp ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11.
Hai đêm thức thật khuya, nhất là đêm qua 3 giờ sáng mới xong tờ báo, người mệt phờ.
Sáng nay lớp tổ chức liên hoan mừng các Thầy Cô, mình cũng được giao nhiệm vụ phát biểu...
Kể ra thì từ hồi học phổ thông cho đến giờ, mình chưa hề dự một buổi họp mặt nào với các Thầy Cô như buổi hôm nay và cũng lần đầu tiên, mình thấy không khí thật vui và xúc động.
Có những Thầy như thầy Quang (Trồng trọt) cô Nga (Chăn Nuôi) dạy tương đối thoải mái và dễ chịu, có những thầy “chán nản” như thầy Bạch (Thống kê) thầy Quới (Cơ khí) thì có mối thông cảm học trò sâu sắc, nên được học sinh quý mến nhất (chắc vì Thầy hay cho nghỉ sớm và cho điểm rộng rãi nữa) Có người thì hiền quá như cô Yến dạy La Tinh, ngược lại nghiêm khắc nhất và là mối “đe doạ” cho tất cả học trò 6B là thầy Hiển dạy Quản lý Kinh tế…
Có điều buổi lễ hôm nay, ban tổ chức lớp không linh động trong việc tặng quà các Thầy Cô, người thì được 2,3 món người thì không một món nào (mà người đó là người thương học trò nhất trong các Thầy)
Có lẽ phải chờ đến năm sau mới “ăn năn đền tội” lại được, tại vì mình lo cho tờ báo nên không còn thì giờ, chứ dịp sau mình sẽ cố gắng đứng ra tổ chức để rút kinh nghiệm buồn này.

Trở lên là những gì còn « lưu trữ » được của ngày 20/11 NĂM 1982, trong sổ tay - thủa học trò. Trở xuống là hoài niệm bây giờ mới viết:

Năm 1985 tốt nghiệp trường Nông nghiệp. Tôi tình nguyện về một Nông trường TNXP. Ngày ấy đời sống rất khó khăn và TNXP lại còn chịu thêm nhiều nỗi gian khổ khó khăn hơn (vì thường đóng quân tại những vùng sâu, xa thiếu điện; thiếu nước…)
Công tác hơn năm thì tôi được “chỉ định” hướng dẫn 01 lớp ôn thi tốt nghiệp cấp II cho nông trường.
04 tháng làm thầy, đủ để cho “nội tâm” chất chứa bao vui buồn kỷ niệm:
• Nhớ ngày đầu tiên đứng lớp: “Thưa các anh chị” xong mới sực thấy trong lớp toàn …đực rựa !
• Nhớ những đồng nghiệp “thập thò” ngoài khung cửa nhìn xem “tay này” dạy diếc ra răng !
• Nhớ đêm thiếu trăng, tan buổi học lọ mọ lọt cầu khỉ, đèn văng; sách mất…
• Nhớ nỗi vui ngày lớp có một trò Nữ, một “tiểu thư” lãng mạn đi TNXP (Giờ này em ở đâu, có biết không đã bao lần ánh mắt em đã làm anh bối rối xém cháy cả …giáo án)
• Nhớ những buổi Thầy trò nhậu…chui (vì nội quy NT cấm uống rượu) mồi là những đặc sản do các em bắt được : đuông chà là, lịch củ, cua lột…những chai rượu mía chua chua, nhạt nhách, uống 03 xị mới thấy say; ấy vậy mà quý hiếm như cái thời lý trưởng dắt Tây đoan đi bắt rượu.
• Nhớ anh Từ - đại úy trạm phó Trạm CSGT đường thủy và các anh chiến sỹ của Trạm. À “cái” nhớ này phải dài dòng thêm một chút:
- Nông trường tôi đóng trên một đảo nhỏ, ngay chỗ con sông Sài gòn tách ra thành 02 dòng đổ ra biển. Vì vị trí hết sức “chiến lược” này nên bên CA có đặt 01 trạm kiểm soát tại đây – trên đất nông trường. Mọi ghe thuyền ngược xuôi đều phải ghé trạm để trình giấy tờ. Dạo ấy mỗi ngày chỉ có 04 chuyến đò khách (02 xuôi 02 ngược) cặp “bến” Nông trường, anh em nông trường về Sài gòn phải canh 02 chuyến này, nếu trễ “đò” thì đành chờ đến hôm sau. Thực ra thì ngoài 02 chuyến đò khách vẫn có hàng trăm ghe thuyền ghé trạm hàng ngày, anh em “lỡ đò” vẫn có thể xin chủ ghe thuyền cho quá giang về được. Nhưng "sự đời" không “đơn giản“ như vậy đâu vì có mấy ai được phép bước vào khu vực của các anh CA (bến của CA cách bến nông trường khoảng 15 mét)
- Hơn 01 năm ở đảo thỉnh thoảng tôi mới đón đò khách về Saigon chơi, mỗi lần về đều “nắm”chắc lịch đò cặp bến rước khách, nên cũng chẳng bao giờ lỡ đò để phải vào…trạm, năn nỉ ỉ ôi mấy anh CA cho đi ké ghe …người khác (?!) Một lần về phép nọ tôi đang lững thững ra bến nông trường, bỗng có tiếng gọi to: ông Giáo, ông Giáo…! Đang còn ngơ ngác thì thấy từ phía trạm có người vẫy vẫy gọi gọi, thôi đích thị là anh Từ rồi…
- Chà lần đầu tiên không chỉ bước vào “lãnh địa” của mấy anh CA mà còn được vào tận phòng chỉ huy trạm, được mời ly cà phê đá; điếu thuốc thơm có cán có khoen hẳn hòi (những thứ này là “hàng xa xỉ” với chúng tôi hồi đó) Tôi chỉ nhận điếu thuốc rồi vội vã cáo từ vì đã nghe tiếng đò khách hụ còi báo sắp đến, nhưng anh Từ bắt tôi phải uống hết ly cà phê, thêm một bình trà do anh mới pha, thêm dăm điếu thuốc vì anh nói: ông Giáo cứ thong thả, cơm nước xong đi , tôi ngoắc ghe cho về…Từ ngày đó, tôi bỗng hay…về Sài gòn chơi mỗi thứ bảy, chủ nhật và tôi có thể đón ghe về bất cứ giờ nào.
- Kể tới đây chắc bạn biết lý do vì sao tôi được “ưu tiên một” như thế rồi phải không ? Vâng, vì gần 2/3 chiến sỹ Trạm là …học trò của tôi. Làm Thầy coi bộ cũng …sướng ! :wub:
http://img472.imageshack.us/img472/6471/20117kt.jpg

ips
30-10-2005, 18:57
Kỷ niệm đáng yêu nhất trong cuộc đời gỏ đầu trẻ của tôi là khi còn sinh viên là đi dạy kèm.
Lúc đó tôi vừa tròn 20 tuổi, cái lứa tuổi hồn nhiên nhất, chưa biết yêu là gì. Cuộc sống trong giai đọan đó vô cùng khó khăn, mọi người phải ăn độn bo bo, khoai lang, khoai mì rất khổ. Tiền học bổng của tôi chủ yếu gởi về gia đình phụ mẹ già buôn bán tảo tần nuôi mười mấy miệng ăn.
Thế là tôi phải tự kiếm việc làm cho các bạn cùng lớp để có tiền mua sách vở và sinh sống ở cái ký túc xá mà bạn bè tôi số nghèo đông hơn số giàu.
Hồi đó làm gì có internet để rao vặt, quảng cáo, báo chí thì cũng chưa có trang rao vặt, muốn cho mọi người biết có nhóm gia sư, chúng tôi phải tự đi tiếp thị bằng cách đến từng gia đình để tìm hiểu nhu cầu và đặt vấn đề dạy thêm.
Cũng may, nhờ sự nhiệt tình mà sau đó chúng tôi cũng đã có nhiều mối dạy.
Riêng tôi nhờ dáng vẻ trí thức bề ngoài, với cặp mắt kính thông thái, trán cao ráo nên xin dạy thêm rất có uy tín. Các bà mẹ thường đánh giá con người qua vẽ bề ngoài nên dễ lầm chết !
Tôi nhận dạy thêm toán lý hóa cho một cô bé 16 tuổi, đang học lớp 10, ở trường Phan Đăng Lưu Phú Nhuận. Gia đình cô bé là một gia đình thuộc dòng Hoàng Thân gốc Huế, họ của cô bé là Tôn Nữ. Mẹ cô bé cũng là giáo viên tiểu học nên rất nghiêm khắc và mô phạm.
Gia đình có tất cả 4 chị em gái và một út trai. Người chị cả bị câm từ thửơ nhỏ, hai người chị kế một đang đi dạy tiểu học như mẹ, một cũng đang học cấp ba còn người em út đang học tiểu học.
Lúc đầu tôi chỉ nhận dạy người con gái út đang vào lớp 10 để chuẩn bị hành trang cho cô bé chuẩn bị vào đại học, còn người chị học trên 1 lớp thì đang có gia sư là một cô giáo kèm. Tuy nhiên sau một thời gian xem phong cách và trình độ sư phạm của tôi, người mẹ quyết định tôi làm gia sư cho cả ba chị em cô bé.
Phải nói là lần đầu tiên đi dạy có nhiều cái bở ngở và run ... run vì sợ mình không có phương pháp sư phạm, run vì không biết chuẩn bị giáo án như thế nào và nhất là run vì cô bé tôi dạy ... dễ thương quá. Phải, nàng rất đẹp và hồn nhiên như nụ hoa vừa mới hé. Tôi như rung động mỗi khi gần nàng, nhìn cặp mắt đen tuyền chớp chớp mỗi khi bị la rầy mà lòng tôi chợt chùn lại, không nở. Giọng nói nàng rất nhẹ nhàng, lễ phép, nàng say sưa nghe tôi giảng và chịu khó học lắm, không hiểu học để làm mẹ vui hay học vì có người thầy như tôi.
Nhiều đêm thức trắng không ngủ được mỗi khi nhớ đến nàng, lương tâm một người thầy không cho phép mình vượt quá giới hạn lê nghi xã hội, nhất là mỗi khi nghĩ đến mẹ nàng, một người phụ nữ mất chồng, với đồng lương giáo viên thời đó quả thật khó có thể nuôi năm miệng ăn, đừng nói chi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mời gia sư về dạy cho con mình. Tôi biết mẹ nàng, ngoài giờ dạy trên lớp đã tranh thủ dạy thêm không biết bao nhiêu lớp, ở trường cũng có, ở nhà cũng có, và ước nguyện của bà là muốn cho các con mình đều nối nghiệp của bà, đi theo con đường sư phạm, một cái nghề mà thời đó xã hội còn có cái nhìn chưa trân trọng lắm.
Về phần cô bé, sống trong một gia đình lễ giáo, nên cô rất ngây thơ, trong trắng và đón nhận sự kiện tôi trong cuộc đời làm người thầy của cô bé cũng hồn nhiên không kém, cô có biết đâu tôi phải đấu tranh tư tửơng rất nhiều để không phải buột lòng mình nói lên hai tiếng yêu em.
Thời gian trôi qua rất nhanh, không hiểu do tôi dạy hay hay thời đó thi vào ngành sư phạm rất dễ, để đậu vào đại học sư phạm nhiều khi 3 môn thi dưới điểm trung bình cũng đậu. Chính vì thế mà cả hai chị em đều đã đậu vào trường Đại học sư phạm. Nhiệm vụ của tôi kể như chấm dứt từ đây.
Các bạn có biết tôi đã đau khổ như thế nào khi biết rằng mình sẽ xa em, tôi buồn lắm, chính vì thế mà cái năm đó cũng là năm tôi tốt nghiệp Đại học, tôi đã lơ là việc học, số môn thi lại của tôi cao nhất lớp, các bạn cùng lớp rất lấy làm ngạc nhiên vì tôi vẫn nổi tiếng là người học giỏi bấy lâu nay.
Tâm sự của tôi chỉ mình tôi hiểu và tận sâu trong đáy lòng tôi vẫn cảm nhận một tình cảm chân thật mà tôi đã dành cho em, cho đên tận bây giờ tôi vẫn mong em được hạnh phúc với người yêu, người chồng của mình dù người ấy không phải là tôi.