PDA

View Full Version : Năm 2005 ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp tăng mạnh



freewarez
11-02-2005, 13:48
Các chuyên gia Việt Nam nhận định năm nay, ngành CNTT trong nước sẽ có mức tăng trưởng nhất định và tiến cao hơn trên bản đồ CNTT thế giới. Những ứng dụng tại doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh, bỏ xa khu vực hành chính nhà nước.

TS. Mai Anh - Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội: Theo dự báo của IDG, mức tăng trưởng của thị trường CNTT Việt Nam là 15,7%, so với mức trung bình của thế giới là 6,3%. Thị trường viễn thông tăng 15,9%, so với mức trung bình cả thế giới là 5,4%. Việt Nam sẽ lọt vào top 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất về CNTT và truyền thông.

Riêng tôi khẳng định, chắc chắn năm 2005, Việt Nam sẽ có thêm nhiều dự án về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong đào tạo và cả các hoạt động xã hội khác. Chính vì thế thị trường này sẽ có nhiều tăng trưởng. Song xét về mặt hiệu quả đầu tư hay tác động của ngành này đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội, tôi nghĩ rằng năm 2005 tuy có những bước tiến nhất định để báo cáo cuối năm, nhưng sẽ không có sự đột biến nếu vẫn theo tư duy như hôm nay. Hiện người ta đầu tư cho các dự án thường vì bản thân dự án chứ chưa vì kết quả và hiệu ứng xã hội của nó.

Năm nay công nghiệp phần cứng sẽ có bước phát triển mạnh do nhu cầu thị trường về máy tính Việt Nam chất lượng cao tăng nhanh. Thực tế, cuối năm ngoái đã có một số lượng đáng kể máy tính thương hiệu Việt, song đây mới chỉ là công nghiệp lắp ráp. Ngoài hai đơn vị nước ngoài là Fujitsu, Canon, chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất linh kiện phần cứng.

Theo tôi, năm 2005 chúng ta nên tập trung ứng dụng CNTT vào một số lĩnh vực cụ thể mà nhiều nước trên thế giới đang quan tâm như thương mại điện tử, chính phủ điện tử, đào tạo trên mạng và phải xây dựng nội hàm, tiêu chí cho các mảng ứng dụng này để cuối năm có thể đánh giá được bức tranh của xã hội Việt Nam thay đổi thế nào do có ứng dụng CNTT. Năm nay, Quốc hội sẽ thông qua luật Giao dịch điện tử. Đây là một yếu tố thuận lợi để có thể đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong nước.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó chánh văn phòng Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ: Đối với lĩnh vực phần mềm nguồn mở, năm nay sẽ có một số việc cần được triển khai sớm. Đó là thiết lập cổng thông tin quốc gia về phần mềm nguồn mở để cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động về lĩnh vực này trong nước, khu vực và quốc tế, tạo lập diễn đàn trao đổi trên mạng, thiết lập hệ thống mailing list để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời xây dựng thư viện điện tử, thư viện giấy về phần mềm nguồn mở. Bên cạnh đó là việc đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và chuyên gia trình độ cao phục vụ công tác triển khai ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở.

Việt Nam hiện cũng đã có hai phần mềm nguồn mở cho các ứng dụng để bàn là của Vietkey Group và CMC. Tuy nhiên, hai chương trình này không được cập nhật thường xuyên.

Theo tôi, các ứng dụng phần mềm nguồn mở trên desktop là điều cần thiết, nhưng cần đưa ra các bước đi cụ thể, thận trọng trong triển khai để đảm bảo những ứng dụng này thành công trong bối cảnh trình độ người sử dụng còn hạn chế, không muốn thay đổi thói quen sử dụng. Mặt khác việc dùng phần mềm không có bản quyền còn rất phổ biến nên chưa tạo ra nhu cầu và sức ép trong việc ứng dụng phần mềm nguồn mở trên máy tính để bàn. Năm 2005 sẽ có nhiều đơn vị ứng dụng và phát triển CNTT lựa chọn giải pháp phần mềm nguồn mở nhằm có được một giải pháp hợp lý, hiệu quả trong bối cảnh vấn đề bản quyền phần mềm ngày càng được thắt chặt.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA): 2005 là năm cuối của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và CNTT nói riêng. Vì vậy, tôi nghĩ đây sẽ là một năm sôi động, nhiều thử thách và cũng rất vất vả của ngành CNTT trong nước. Chính phủ sẽ quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành, tăng cường công tác quản lý và thúc đẩy việc phát triển lĩnh vực này ở địa phương thông qua các sở Bưu chính viễn thông. Mức tăng trưởng của ngành sẽ là khoảng 30-35% so với năm 2004. Còn từ 2005 đến 2010 sẽ ở mức 20-25%/năm. Các bước đột phá và tăng trưởng mạnh sẽ bắt đầu từ năm 2010.

Tuy nhiên, dù thị trường gia công phần mềm đầy tiềm năng, đặc biệt là với đối tác Nhật Bản và nhu cầu phần mềm ứng dụng trong nước cũng rất lớn, những nhận thức không đầy đủ về giá trị phần mềm đang là rào cản cho sự phát triển thị trường này trong nước. Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao đang là nỗi lo lắng nhất, khó khăn nhất cho việc phát triển ngành phần mềm và các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì thế, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam muốn giành được những hợp đồng gia công cho nước ngoài thì trước hết phải có năng lực cạnh tranh về trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật và quy mô sản xuất. Theo tôi, những năm tới, việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp sẽ tăng rất nhanh nhưng đối với các đơn vị quản lý, hành chính nhà nước thì sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn về tổ chức thực hiện và triển khai ứng dụng.

Ông Vũ Hoàng Liên - Giám đốc công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC): Tôi cho rằng năm 2005 sẽ có nhiều chuyển biến về môi trường pháp lý cũng như chính sách của nhà nước để thúc đẩy nhiều hơn cho CNTT phát triển. Tuy nhiên, vẫn chưa có điều kiện cho sự tăng trưởng đột biến. Tốc độ phát triển chung sẽ cao hơn nhịp độ những năm trước khoảng 4%. Nhận thức tiêu dùng CNTT sẽ có nhiều cải thiện song vẫn mang tính tự phát, chưa có tác động tích cực của yếu tố kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh CNTT tiếp tục tăng lên nhưng nguồn nhân lực cho ngành này vẫn thiếu. Máy tính cá nhân vẫn là phần chính trong cả sản xuất lẫn tiêu dùng. Sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên tương đối, trong khi CNTT thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực viễn thông. Các dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh nhưng công nghiệp nội dung chỉ tiến đều đều.

Năm nay, số thuê bao Internet tốc độ cao có thể đạt tới 100.000. Sự thay thế truy cập Internet gián tiếp bằng ADSL là biểu hiện nhu cầu tiềm tàng của kết nối băng thông rộng. Tốc độ tăng trưởng những năm tiếp theo có thể đạt 70%/năm. Truy nhập Internet băng thông rộng còn được tính đến cả công nghệ không dây với các thiết bị kỹ thuật số cầm tay (PDA) và máy di động thế hệ tiếp theo. Các nhà cung cấp tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu này. Theo tôi, có thể sẽ có loại hình băng thông lớn hơn ADSL hiện nay.

Ông Hoàng Ngọc Diệp - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Dương của hãng Qualcomm: Như dự báo lạc quan của các tổ chức nghiên cứu thị trường CNTT quốc tế, tôi cho rằng từ năm nay trở đi, sự phát triển của ngành CNTT và viễn thông Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu khu vực. Tuy nhiên, tôi lo ngại cho các dự án CNTT lớn và chiến lược có thể phải gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại vì thiếu kinh nghiệm chuyên sâu. Sự chậm trễ, lãng phí hoặc thất thoát nhiều của những dự án này có thể ảnh hưởng ngược với sự phát triển chung của ngành.

Các thử nghiệm về 3G tại Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự chứng tỏ được sức mạnh của công nghệ này để có thể đánh giá được điều gì. Đa số dự án đã thử nghiệm chỉ mang tính báo cáo kỹ thuật, thiếu tầm cỡ. Tuy nhiên, một khi nhà khai thác và cung cấp các dịch vụ truyền thông hiệu quả, chất lượng cao và giá cả hợp lý, thì việc thị trường hưởng ứng sử dụng là vấn đề tự nhiên. Đặc biệt là đối với một quốc gia có tiềm năng lớn về viễn thông và CNTT như VN thì cơ hội phát triển của 3G là quá rõ ràng. Có điều, hầu hết mọi người đều đang sử dụng các dịch vụ cơ bản như thoại SMS... thì cần phải có thời gian để làm quen với các ứng dụng tiên tiến.

Nguyễn Hằng
http://vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2005/02/3B9DB128/

cutilam
23-02-2005, 09:26
Tôi đọc thấy cái này :

Hiệp hội Tin học Philippines (PITA) đã tiến hành khảo sát trên 214 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và các ngành khác, trong đó có cả các cơ quan thuộc chính phủ và đưa ra dự báo:
Trong năm 2005, số người làm việc trong lĩnh vực CNTT của quốc gia này sẽ tăng thêm 1/3 so với hiện tại. Đến cuối năm 2004, có khoảng 160.000 người Philippines làm việc trong ngành CNTT.
Kết quả trên cho thấy CNTT là một lĩnh vực tăng trưởng hứa hẹn của đất nước Philippines. Đây là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển CNTT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
(tin của UPI)

Còn VN ta thì sao? Bác nào có số liệu cụ thể, đặc biệt là các số tuyệt đối (tui ghét số liệu tương đối lắm, đọc mệt mà chả nắm được cái gì cụ thể cả) xin đưa lên để bà con theo dõi.