PDA

View Full Version : Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam - Cần xử lý nghiêm khắc sai phạm nhóm tác g



Javavietnam
11-12-2004, 16:42
Ngày 9/ 12/ 2004 6:29:44 PM


Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) vừa khẳng định quan điểm xử lý nghiêm những sai phạm mới phát hiện của nhóm tác giả phần mềm iCMS, sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi chuyên giành cho giới tin học mang tên Trí tuệ Việt Nam năm 2003. "Sai phạm của nhóm tác giả iCMS phải được gọi thẳng là "đánh cắp". Hành vi ấy cần được xử lý thật nghiêm khi mà tệ ăn cắp bản quyền ngày càng trở nên đáng lo ngại", PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/12/2004 tại trụ sở của VUSTA ở Hà Nội giới thiệu kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV và phương hướng nhiệm kỳ V (2005-2009) của VUSTA.

PGS Hồ Uy Liêm nhấn mạnh "chuyện ăn cắp phần mềm mã nguồn mở CMS của tác giả Stephen R.G Freser là có thật dù bảo là chỉ chiếm mấy phần trăm so với toàn bộ sản phẩm iCMS". Ông bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của tác giả Freser rằng, dù đã có lời xin lỗi, hành động bào chữa của nhóm iCMS sau khi họ thú nhận chẳng khác gì biến ông thành "tòng phạm ăn cắp", và rằng cách xử lý đối với sai phạm của iCMS là thu hồi giải thưởng cuộc thi TTVN năm 2003 trao cho sản phẩm iCMS.

Vẫn theo PGS.TS Hồ Uy Liêm, "lẽ ra VUSTA cần kịp thời lên tiếng về vụ việc này nhưng tiếc là không có đủ thông tin". "Lẽ ra trước khi xét duyệt ban tổ chức giải thưởng phải xem xét thật kỹ và đòi hỏi phải có đảm bảo bằng văn bản mọi thông tin đầu vào của sản phẩm dự giải phải rõ ràng, minh bạch".
PGS Hồ Uy Liêm phàn nàn tình trạng háo danh dẫn đến những hành vi gian dối trong hoạt động nghiên cứu hiện nay không phải là mới. Nhưng đáng lo ngại là ở chỗ những người mới bước vào đời đã sớm nhiễm căn bệnh "ngôi sao" để rồi dẫn đến cố ý sai phạm mang tính tập thể.

Một chuyên gia công nghệ thông tin (IT) nói vấn đề iCMS không còn là chuyện nhỏ hay chuyện cạnh tranh giữa các đối thủ với nhau nữa. "Cứ cho có hiện tượng "nói xấu nhau" giữa các đối thủ như một số người và báo chí nói, thực chất vấn đề iCMS nói dối và nói dối có hệ thống là không thể phủ nhận". Chuyên gia này chỉ ra những bằng chứng về việc bản thân ông và đồng nghiệp từng cảnh báo nhiều lần ban tổ chức cuộc thi TTVN về sản phẩm iCMS ngay từ hồi tháng 10/2003 về những bất ổn của phần mềm CMS được dùng trong sản phẩm. "Rất tiếc là khuyến cáo của chúng tôi hồi ấy không hề được ai nghe", chuyên gia về IT đề nghị giấu tên nói.

Theo ông, điều đáng buồn nhất trong câu chuyện iCMS không phải là sai phạm của một nhóm người trẻ tuổi háo danh bị phát hiện và cần bị trừng trị đích đáng mà là chuyện khác. Đấy là chuyện "hạt giống độc có thể mọc nhanh như thế nào trong môi trường độc". Phải là một môi trường như thế nào, nhóm iCMS mới có thể "qua mặt" được cả ban giám khảo, mới dựng lên ngon ơ câu chuyện mua phần mềm iCMS 10 tỷ đồng khiến không hề ai nghi ngờ. Ông đề nghị không nên đánh lạc hướng vấn đề bằng việc tập trung truy cứu trách nhiệm của những hacker "vô cớ" tấn công vào các website xảy ra mấy ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua. "Yêu cầu có tính ép buộc Dương Vi Khoa phải ký vào văn bản in sẵn bảo là khiếu nại của nhóm Diễn đàn Tin học về những sai phạm của iCMS là việc làm không bình thường", ông nói, "Việc làm ấy khiến người ta không khỏi suy nghĩ liệu có ẩn ý gì đằng sau một động tác thiếu tự nhiên?

NetNam - PV

Chép từ: http://www.hcmc.netnam.vn/index.asp?fcid=2&progid=22002&newsid=30340
http://www.hcmc.netnam.vn/index.asp?fcid=2&progid=22001



Bài viết trên chép từ báo điện tử của Netnam và nó cho thấy giới công nghệ thông tin không chỉ quan tâm đến iCMS như Vi Khoa và một số bạn vẫn đang bàn bạc. Còn việc nó chỉ trích ai, công ty nào, gian dối nào ngoài Vương Vũ Thắng, iCMS thì chắc các bạn tự hiểu được.

Painkiller
11-12-2004, 16:45
iCMS - Chuyện đang nằm dưới đáy lọ mực.


Sau khi những người liên quan đến phần mềm iCMS đang được bán với giá cao thừa nhận họ đã "nói dối" trong quá trình xây dựng thương hiệu iCMS, nhiều người bảo không còn gì để nói về iCMS nữa. "Thật ngạc nhiên với cách nhìn nhận đơn giản như vậy", một chuyên gia ở Viện Dân tộc học nói, "Với những hậu quả có thể đo đếm được, tôi cho rằng câu chuyện mới chỉ mới bắt đầu".
Theo TS. Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, iCMS không còn giới hạn trong phạm vi của cuộc thi trí tuệ Việt Nam nữa, không còn giới hạn ở lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) mà giới trẻ đang ngày càng khẳng định vị trí thống lĩnh của họ. "Một lời xin lỗi của các bạn trẻ sớm thành đạt trong lĩnh vực công nghệ cao là đáng quý", TS. Bùi Xuân Đính nói: "Nhưng họ chỉ xin lỗi khi và chỉ khi cộng đồng tin học đưa ra các bằng chứng khiến họ không thể chỗi cãi gay gắt như họ làm mấy hôm trước".
TS Đính đưa ra hai lý do để buộc phải có hành động nghiêm khắc với nhóm người vi phạm. Thứ nhất, iCMS làm nảy sinh một loạt vấn đề thực tiễn cần được xử lý. Thứ hai, trong bối cảnh kỷ cương phép nước chưa nghiêm như hiện nay, những hành vi như thế nếu được "buông tha" sẽ gây hại nhiều hơn là lợi.
Phần mềm Hệ thống Quản lý Nội dung Sáng tạo ( Innovative Content Management System- iCMS) thuộc sở hữu của Công ty Vinacomm hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường. Một số tờ báo điện tử Việt Nam đã mua và chính thức sử dụng iCMS như Tintucvietnam.com, Công An Nhân Dân, Tiền Phong, Công nghiệp, và Truyền Hình Việt Nam. Đến thời điểm này, các khách hàng sử dụng iCMS đều có đánh giá tốt về sản phẩm.
Tuy nhiên, kể từ khi giám đốc Vinacomm và nhóm tác giả của sản phẩm iCMS thừa nhận ngày 3/12/2004 trên nhiều tờ báo điện tử Việt Nam rằng họ đã không trung thực trong việc khai báo "nguyên liệu" làm nên iCMS, hàng loạt vấn đề liên quan nổi lên đòi hỏi cả người bán và tác giả sản phẩm phải có trách nhiệm như chất lượng, tính pháp lý, và giá cả sản phẩm, v.v...
Về "nguyên liệu", những người liên quan chính thức thừa nhận họ đã sử dụng bất hợp pháp phần mềm mã nguồn mở CMSNET làm nền tảng để xây dựng nên "toà nhà đồ sộ" iCMS. "Toà nhà" này hoàn hảo đến mức nó đoạt giải nhất cuộc thi mang tên Trí tuệ Việt Nam năm 2003 sau khi qua vòng kiểm soát "gắt gao" của ban giám khảo gồm toàn chuyên gia sừng sỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT).
Ngoài ra, lần đầu tiên nhóm tác giả iCMS đoạt giải cũng lần đầu tiên công bố các thành phần mã nguồn miễn phí và mã nguồn mở dùng trong iCMS và được bảo vệ bởi Luật mã nguồn Mở GNU/GPL vốn quy định phải công khai hoá cho mọi người ngay từ đầu.
Về ý nghĩa của CMSNET, tác giả của đoạn mã mẫu mực này, Stephen R.G Fraser, nhấn mạnh nó đóng vai trò gần như sống còn đối với toàn bộ sản phẩm iCMS bảo là sáng tạo. "Nếu họ gỡ đi đoạn mã đó, tôi hầu chắc phần mềm của họ sẽ ngừng chạy" (If he does remove the code, I am pretty sure his software will stop running), Fraser viết trong thư điện tử của ông đề ngày 1/12/2004 gửi cho nhiều người quan tâm.

Trách nhiệm không thể bỏ

Với những phần mềm mã nguồn mở thế kia, nguy cơ các sản phẩm iCMS mà một số tờ báo lớn đang sử dụng bị hacker tấn công là có thật, trái với niềm tin "tôn giáo" trước đó được bảo iCMS là "thành trì bất khả xâm phạm". Hơn nữa, do sử dụng bất hợp pháp "nguyên liệu" cốt yếu CMS để xây dựng, iCMS cũng đứng trước nguy cơ bị Nhà Xuất bản APress kiện mặc dù S.Fraser, tác giả cuốn sách mang tên World ASP.Net: Building a Content Management System có chứa đoạn mã mẫu CMS, hứa sẽ cho qua. Apress là công ty cho xuất bản cuốn sách nói trên của Fraser và, theo Công ước Burne mà Việt Nam là quốc gia tham gia ký kết, họ có quyền kiện đòi bồi thường.

Mặt khác, do CMS được bảo vệ bởi Luật GNU/GPL, theo đó, các sản phẩm sử dụng mã nguồn mở phải được công khai và giá bán đương nhiên phải khác giá của sản phẩm có bản quyền.

Vinacomm chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm giải quyết trong việc tăng tính bảo mật cho những sản phẩm mà họ đã bán, chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh giá bán cao ngất trời mà nhiều khách hàng đang phải chịu và, nhất là, chịu trách nhiệm xin lỗi những ai đã mua sản phẩm của họ đúng như yêu cầu của một độc giả gửi Báo Tuổi trẻ Online thời gian gần đây. "Đối với các khách hàng đang triển khai giải pháp iCMS, Vinacomm phải có trách nhiệm như thế nào và phải làm gì để giải quyết hậu quả? Có xin lỗi khách hàng về những điều đã xảy ra hay không?", Nguyễn Ngọc Xuân viết và được Tuổi Trẻ Online đăng tải ngày 3/12/2004. Độc giả Xuân cũng chính là người gửi đơn khiếu nại qua email lên Ban tổ chức cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam năm 2003 về những điều mờ ám trong sản phẩm iCMS.

Độc giả Xuân còn nêu một số vấn đề đáng chú ý khác nữa như Công ty Vinacomm có để mã nguồn cho cộng đồng dùng chung như họ vừa xin lỗi hay không, có đóng góp gì không cho tác giả Fraser và cộng đồng IT nước nhà khi kinh doanh thành công không và, nhất là, có ghi rõ phần tham khảo (reference) đến sản phẩm CMS.NET tại footer của mọi khách hàng như Công ty Vietsoft đã làm ở website TP Hà Nội hay không?

Đâu là sự thật của câu chuyện 10 tỷ đồng?

Điều đáng chú ý là trước đó có tin đồn đại Vinacomm phải bỏ 10 tỷ đồng để mua sản phẩm iCMS của nhóm bốn tác giả vốn dang là sinh viên khi sản phẩm của họ đoạt giải nhất năm ngoái. Nhiều người cho câu chuyện 10 tỷ đồng là "tuyệt chiêu" của Vinacomm bắn một mũi tên trúng nhiều đích.

Ngày 3/12/2004, ông Vương Vũ Thắng - Giám đốc Công ty Vinacomm, khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online bào chữa cho câu chuyện 10 tỷ đồng là do Báo Sài Gòn Times đưa tin nhưng cũng chỉ là "đang đàm phán". Báo này số ra ngày 9/1/2004 viết: "Vinacomm is negotiating to buy the Innovative Content Management System (iCMS) software developed by Diem Tua (fulcrum) group for VND10 billion to commercialize the information search product".

Vấn đề là ở chỗ, đến thời điểm này, ông Thắng không nói rõ là cuộc đàm phán ấy có hay không và tại sao không diễn ra cuộc mua bán ấy nữa. Có không chuyện "tự nhiên" nhóm tác giả iCMS đồng ý thoả thuận hợp tác với Vinacomm, thay vì bán cho Vinacomm, để cùng hợp tác phát triển và thương mại hoá sản phẩm?

Giải thích thế nào với tin đồn cho rằng cái gọi là cuộc đàm phán giữa doanh nghiệp với nhóm tác giả kia hoàn toàn chỉ là "kịch" do trên thực tế hai chủ thể kia chỉ là một từ trước khi có tin iCMS được loan báo có giá 10 tỷ đồng? Theo Sở Kế Hoạch&Đầu Tư Hà Nội, cơ quan quản lý việc đăng ký mở doanh nghiệp, Nguyễn Công Kha - Trưởng nhóm tác giả sản phẩm iCMS, chính là thành viên hội đồng quản trị của Vinacomm ít nhất từ tháng 9/2003.

Nếu thực không có chuyện mua bán phần mềm iCMS trị giá 10 tỷ đồng, tại sao Vinacomm một thời gian dài không hề lên tiếng chính thức? Liệu đấy có phải là sự tung tin cố ý để, một mặt, làm tăng thêm giá trị thương hiệu iCMS và, mặt khác, làm "tăng" chi phí đầu vào giả tạo khiến Vinacomm đỡ chịu thuế không? Nếu đấy là thương vụ thật, có chuyện mua bán giữa hai bên sản phẩm iCMS với giá 10 tỷ đồng, cơ quan thuế Hà Nội có thu được thuế hay không? Nếu không, ai chịu trách nhiệm? Sắp tới, làm thế nào thu được khoản thuế không nhỏ này?

Liên quan đến cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam, iCMS thực chất là sản phẩm của một doanh nghiệp chứ không phải của một nhóm tác giả độc lập nghiên cứu như khai báo và được mang đi thi, đây sẽ là sự lừa dối kép với Ban tổ chức cuộc thi. Người ta khó tin một hội đồng giám khảo bảo toàn là các chuyên gia hàng đầu lại để lọt lưới một sản phẩm có hai lỗi lớn như thế.

Bốn tác giả thiết kế sản phẩm iCMS (Nguyễn Công Kha, Đặng Quang Huy, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Anh Tuấn) và Giám đốc Công ty Vinacomm - Vương Vũ Thắng, đều là các nhà tin học còn ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng rất tiếc trong khi họ được nhiều người thừa nhận là những chuyên gia tin học có hạng, bản thân họ khi nói về sai phạm của mình đều cùng một lời đơn giản là "không cố ý", "sơ ý".

Chịu nhiều điều tiếng về việc không tự giác khai báo mã nguồn mở sau khi sản phẩm iCMS đoạt giải thưởng năm ngoái, nhóm tác giả cho đến khi xuất hiện cuộc tranh cãi công khai ngày 30/11/2004 vẫn khăng khăng rằng họ quang minh chính đại. "iCMS là sản phầm phát triển từ đầu" và "iCMS được tự phát triển từ những dòng code (mã) đầu tiên" là những phát ngôn được nhắc đi nhắc lại của các thành viên trong nhóm khi trả lời báo chí. Giờ đây khi phải xin lỗi về những điều mà họ vừa khẳng định tựa "chém dao vào đá", họ làm mất uy tín của chính mình. Lòng tin của dư luận vào tiền đồ của của nền công nghệ thông tin nước nhà cũng bị giáng một đòn mạnh.

NetNam - Hoàng Thị

http://www.hcmc.netnam.vn/index.asp?fcid=2&progid=22002&newsid=30285

mathiencusi
11-12-2004, 17:03
NHư vậy là đỡ cho lão Vkhoa rồi :D........ít nhất bây giờ sự việc đã rùm beng , báo chí xung có vài tờ không bị "mua đứt "
TUi theo dõi vụ này từ đầu không dám spam , post bậy bài nào và luôn luôn đứng về phía Vikhoa , về công lí

bọn vinacom mà bình yên vô sự thì tui chả còn lòng tin vào cái xã hội này nữa ........

Javavietnam
11-12-2004, 17:17
Hai bài báo này là hai đòn giáng mạnh vào Đài truyền hình Việt Nam, báo Lao Động, công ty FPT. Theo tôi, chúng ta không nên bàn về bản thân iCMS, Vinacomm và Vương Vũ Thắng nữa. Họ cũng chỉ là những con rối được các đại gia dựng lên mà thôi. Qủa là thiển cận nếu chỉ đổ lỗi cho các con rối mà không quan tâm đến người múa rối. Những ông trùm mafia rất biết cách dùng bộ mặt nhân từ trước mắt công chúng để điều khiển đám đàn em đằng sau lưng làm chuyện xằng bậy. Đó là một thứ bình phong.

Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam với những lời quảng cáo rất tốt đẹp lúc ban đầu nay đã bị vạch trần là một chiêu bài thương mại quá lộ liễu. Nhưng nguy hiểm nay, các công ty như FPT đã thương mại hóa nó đến mức biến nó trở thành căn bệnh ung thư sẵn sàng truyền nhiễm cho xã hội mà Vương Vũ Thắng, Công Kha, Anh Tuấn, Quang Huy là nhưng bệnh nhân tình nguyện đầu tiên. Đó mới chính là những gì chúng ta cần lên án.

Tôi có chút thương hại với các nhân vật này vì thực sự vai trò của họ quá nhỏ bé trong vụ này. Tôi tự hỏi nếu chúng ta suy nghĩ gì già dặn hơn một chút thì liệu chúng ta có cùng nhau phát hiện ra được đâu là tính chân thực của màn kịch iCMS mang cái tên Trí tuệ Việt Nam này không?

Vở kịch do FPT đạo diễn đã đến hồi kết thúc và tôi cảm thấy rằng đã có rất nhiều người nhận thấy điều đó. Bản chất con buôn từ những đợt đánh hàng sang Nga mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù từ những năm 1990 vẫn không thay đổi. Một công ty như thế không thể cùng Việt Nam phát trỉển. Tiếc thay, thứ chân rết FPT trong chính giới còn quá mạnh mẽ (tôi hiểu được điều đó qua lần nói chuyện với trưởng phòng KD của FSS - FPT Software Solutions). Có thể coi đó là một sự kìm hãm đối với sự phát triển.


Đấy là chuyện "hạt giống độc có thể mọc nhanh như thế nào trong môi trường độc". Phải là một môi trường như thế nào, nhóm iCMS mới có thể "qua mặt" được cả ban giám khảo, mới dựng lên ngon ơ câu chuyện mua phần mềm iCMS 10 tỷ đồng khiến không hề ai nghi ngờ. Ông đề nghị không nên đánh lạc hướng vấn đề bằng việc tập trung truy cứu trách nhiệm của những hacker "vô cớ" tấn công vào các website xảy ra mấy ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua. "Yêu cầu có tính ép buộc Dương Vi Khoa phải ký vào văn bản in sẵn bảo là khiếu nại của nhóm Diễn đàn Tin học về những sai phạm của iCMS là việc làm không bình thường", ông nói, "Việc làm ấy khiến người ta không khỏi suy nghĩ liệu có ẩn ý gì đằng sau một động tác thiếu tự nhiên?