PDA

View Full Version : Vụ iCMS – Một bài học về QL Khủng hoảng



TraiTimDanKo
07-12-2004, 13:52
Đây là bài khóa (essay) của tôi về môn Crisis Management – vì chủ đề iCMS hay nên tôi xin mượn chủ đề này làm chủ đề cho bài luận của mình. Đây chỉ là một essay phục vụ việc học tập, mang nặng quan điểm chủ quan, mong các bên đừng quá quan trọng.

Vụ việc iCMS – Một bài học về Quản lý Khủng hoảng

Vấn đề iCMS trong những ngày vừa qua là một vấn đề nổi bật trong giới CNTT cũng như những người quan tâm đến CNTT. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, bài luận của tôi sẽ phân tích một số vấn đề sau:

I. Diễn biến sự việc:
II. Những điểm nút của sự việc:
III. Những bên liên quan và vai trò của họ
IV. Phương tiện Thông tin Đại chúng và Những lực lượng bên ngoài
V. Khía cạnh pháp lý
VI. Chiến lược Quản lý khủng hoảng của các bên
VII. Hậu quả
VIII. Bài học Kinh Nghiệm

(Tôi chỉ trích 1 số phần bản thảo để các bạn tham khảo)

III. Những bên liên quan và vai trò của họ

(1) Ban Giám Khảo và Ban Tổ Chức:
Đây là đơn vị hoạt động theo cơ chế hội đồng, khó đồng thuận. BGK và BTC là những người có danh tiếng lớn, không thể vì một vụ iCMS mà đánh mất uy tín cá nhân. Hơn nữa văn hóa Việt Nam quá nặng nề hóa chuyện lỗi lầm, nên những người có địa vị phải luôn luôn đúng. Việc bố mẹ xin lỗi con cái là cực kỳ khó khăn (dù có thể sai) và con cái coi cái sai của bố mẹ cũng quá nặng nề. Đây là vấn đề muôn thuở trong việc giải quyết khủng hoảng ở nước ta. Trong khi đó có những người trong BGK và BTC có dấu hiệu nhãng ra – tự cho mình đứng riêng, dường như không phải là một thành viên của BTC – BGK để bảo vệ uy tín cá nhân trước “những người tự gọi là CĐ CNTT”.

(2) VINACOMM – VVT – iCMS (và có thể có người đứng sau):
Nhóm này lúc đầu có những phát biểu trái chiều. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng tập hợp và có những động thái âm thầm. Mối quan tâm lớn nhất của nhóm này có thể là lợi ích kinh tế và trách nhiệm cung cấp dịch vụ. Đồng thời đích ngắm của họ có thể là tác động vào những người ít quan tâm đến tình hình CNTT. Có thể họ cũng rút ra nhiều bài học từ những diễn biến vừa qua. Điểm yếu của nhóm này là có sự mâu thuẫn quá lớn trong những phát biểu trước đây, lạc lõng trong giới những người làm chuyên môn, đứng vai phi nghĩa (một phần đã thừa nhận), và trách nhiệm pháp lý. Điểm mạnh của nhóm này là có quyền lợi liên quan đến nhiều chủ thể có uy tín, có sự lãnh đạo thống nhất, có sự cảm thông của một bộ phận (sau khi xin lỗi). Nhóm này có chiến lược giải quyết khủng hoảng rõ ràng (sẽ phân tích ở phần sau).

(3) “Những người tự gọi là Cộng Đồng CNTT” (và có thể có người đứng sau):
Những người này khá đông đảo nhưng ý kiến quá khác nhau. Thiếu sự tập hợp và tiêu chí chung. Một bộ phận lớn có tâm huyết và đấu tranh vì sự trong sạch của CNTT nhưng cũng có người lợi dụng tình hình thiếu khách quan. Người lãnh đạo nhóm này là Dương Vi Khoa thừa nhiệt huyết nhưng chưa đủ khả năng tập hợp. Việc thiếu một nhóm lãnh đạo đủ tầm là điểm yếu lớn nhất của nhóm này. Ngoài ra việc thiếu tiêu chí rõ ràng là điểm yếu thứ hai. Điểm yếu thứ ba là không chính danh. Tuy nhiên họ có điểm mạnh là sự nhiệt tình, hiểu biết về CNTT và đứng vai chính nghĩa (cho dù là chân quân tử hoặc có người ngụy quân tử).

(4) Giới hacker
Có thể gọi nhóm này là nhóm xúc tác. Đây là nhóm nguy hiểm, có tác động lớn đến cục diện và quan điểm các bên. Hiện nay nhiều người đang đánh đồng “Những người tự gọi là Cộng Đồng CNTT” với Giới Hacker. Nói chung đa số hacker đều thuộc nhóm “Những người tự gọi là Cộng Đồng CNTT”. Nhưng đó chỉ là một nhóm nhỏ, thiếu kiềm chế. Nhóm này có điểm mạnh là làm chủ công nghệ trong tay (hacking), có thể tác động đến một số vấn đề cụ thể (websites, forum), và nắm bằng chứng. Điểm yếu của nhóm này là bị các bên lên án, thiếu tập hợp, không có tiếng nói.

(5) “Công chúng Bàng quan” – Trong giới CNTT
Thực trạng sử dụng phần mềm không bản quyền quá lan rộng trong giới CNTT nên đa số người làm CNTT đều bàng quan coi đây là trường hợp rủi ro. Tâm lý này thường bị những người ngoài nghề lên án, không hướng đến những gì tốt đẹp hơn mà chấp nhận thực tại, thậm chí biện hộ cho thực tại để che dấu những điều xấu xa. Nhóm người này không có tác động lớn đến vụ việc này, nhưng lúc này lúc khác có tác động cản trở, và đặc biệt tác động xấu đến nền CNTT nói chung về lâu dài.

IV. Phương tiện Thông tin Đại chúng và Những lực lượng bên ngoài

(1) Sự tham gia của các Phương tiện Thông tin Đại chúng:

Các phương tiện thông tin đại chúng rất quan tâm và theo dõi sát sự kiện iCMS, nhưng họ chưa vội phát biểu và âm thầm theo dõi, đánh giá. Tuy nhiên tác động từ các Phương tiện Thông tin Đại chúng là rất lớn.

(a) Báo Nhân Dân:
Báo Nhân Dân không tự viết bài mà họ trích dẫn từ một báo khác, đây có lẽ là 1 thủ thuật báo chí. Báo Nhân Dân hay Đài Truyền Hình là người có tiếng nói quyết định, họ không thể vội vàng đưa tin theo hướng nào nếu chưa rõ trắng đen. Tuy nhiên, bằng việc trích dẫn TBKT là Báo Nhân Dân đã có đánh tiếng và đưa ra phép thử để xem phản ứng dư luận.

(b) Đài Truyền Hình và Báo Lao Động:
Đây là hai đơn vị tham gia Ban Tổ Chức TTVN. Báo Lao Động thì đã có bài viết thể hiện một phần quan điểm nhưng nói chung là vẫn để mở. Đài Truyền Hình VN tuy là thành viên BTC, giải TTVN thăng trầm ảnh hưởng đến uy tín của họ (và ảnh hưởng trực tiếp đến trang web của họ có sử dụng iCMS). Tuy nhiên họ còn là tiếng nói chung, không thể vì quyền lợi riêng của Đài mà có tiếng nói thiên vị.

(c) Báo Vietnamnet và Tuoitre:
Đây là hai tờ báo tham gia từ đầu. Báo Vietnamnet đã đứng hẳn về phía “Những người tự gọi là CĐ CNTT”. Chính vì vậy mà có thể đã có ý kiến từ cấp quản lý có thẩm quyền đối với báo Vietnamnet và Tuoitre. Những bài viết ban đầu của Vietnamnet có thể là của những người làm báo trẻ và có nhiều quan hệ với giới CNTT, nay họ vẫn chưa hết nhiệt huyết nhưng vẫn phải giảm nhịp – chờ đợi – bớt một chiều.

Mong các bạn góp ý (nhưng đừng đi xa chủ đề - chỉ nên bàn về vấn đề học thuật) – tôi đang viết tiếp những phần khác

MocbaiCasino
07-12-2004, 13:57
điểm 7 >>>> do cần cù chịu khó :D

yuna_admirer
07-12-2004, 15:18
5 điểm...

Viết tiếp xem nào

TraiTimDanKo
07-12-2004, 16:27
Định biến tôi thành trò cười chắc, hic hic