PDA

View Full Version : 10 bộ phần mềm bảo mật hàng đầu 2011



TheSun_Raise
03-04-2011, 16:47
PC World Mỹ và AV-Test.org đã “sát hạch” 13 bộ phần mềm bảo mật (security suite) phiên bản 2011 để bạn có thể chọn được bộ giáp mạnh mẽ, bảo vệ toàn diện máy tính.
6. F-Secure Internet Security 2011
Đơn giản tối đa là những gì mà bộ phần mềm bảo mật F-Secure thể hiện. Với mức phí 60USD/3PC/1năm (khoảng 1.200.000đ), F-Secure là lựa chọn thích hợp với người dùng phổ thông; nhất là người dùng gia đình với tính năng kiểm soát việc sử dụng máy tính của con trẻ (Parental Control) được kích hoạt (người dùng tùy chọn) trong quá trình cài đặt. Giao diện chính của F-Secure rất đơn giản, khả năng tinh chỉnh trực quan, dễ sử dụng cả với những người dùng ít có kinh nghiệm. Thông tin hiển thị gồm 3 mục lớn là Status (trạng thái hoạt động), Tasks (tác vụ) và Statistics (số liệu thống kê); 3 mục nhỏ bên dưới là Scan (quét kiểm tra), Update (cập nhật) và Settings (thiết lập cấu hình). Điểm bất tiện là tác vụ mặc định của Scan ứng với việc quét nhanh hệ thống. Do đó, nếu cần kiểm tra toàn bộ hệ thống, bạn phải “chịu khó” nhấn nút mũi tên (bên dưới mục Scan) và chọn “Full computer scan”.
F-Secure 2011 đã có sự thay đổi đáng kể so với phiên bản 2010. Từ việc không có mặt trong “top 10” của năm 2010, F-Secure phiên bản 2011 đã bước vào “cuộc chơi” (đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng 2011) với cơ chế bảo vệ người dùng tốt hơn, hiệu năng cao hơn. Kết quả thử nghiệm cho thấy F-Secure 2011 chặn đứng 22/25 cuộc tấn công và ngăn chặn một phần của 2 (trong số 3) cuộc tấn công còn lại. Khả năng phát hiện malware mẫu dựa trên CSDLND đạt 98,1%, tỷ lệ loại bỏ thành công các thành phần malware đang hoạt động đạt 80% và không vấp phải lỗi false position. Đáng tiếc tốc độ quét của FIS 2011 không tốt như những gì thể hiện trong phần kiểm tra khả năng phát hiện, ngăn chặn malware. Bộ phần mềm này mất 208 giây trong phép thử quét theo truy cập và mất đến 519 giây để hoàn tất việc quét theo yêu cầu, được xếp vào 1 trong 3 bộ phần mềm chậm nhất.
Bên cạnh tốc độ quét cần được cải thiện tốt hơn, người thử nghiệm cũng nhận thấy quá trình gỡ cài đặt (uninstall) vẫn còn để sót một số “tàn tích”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bộ phần mềm này thực sự tạo ấn tượng mạnh với cơ chế bảo vệ người dùng hiệu quả trước những mối đe dọa bảo mật.
7. Trend Micro Titanium Internet Security 2011
Đơn giản và hiệu quả là cách mà Trend Micro Titanium Internet Security 2011 thể hiện. Bộ phần mềm này chỉ có 1 giao diện người dùng, dễ sử dụng với cả những người dùng ít có kinh nghiệm. Thông tin trên giao diện chính gồm trạng thái hoạt động (status), những mối đe dọa đã ngăn chặn (security summary), bên dưới là tính năng quản lý con trẻ (Parental Control), chống mất cắp dữ liệu (data theft prevention), quét kiểm tra (Scan), thiết lập cấu hình (Settings) và báo cáo thống kê (Security Report). Đơn giản hóa thao tác người dùng, cấp độ bảo mật chung của Trend Micro mặc định được thiết lập ở mức trung bình (middle), phù hợp với đa số người dùng.
Bộ phần mềm bảo mật này đạt kết quả tốt trong việc phòng chống malware khi chặn đứng 22/25 cuộc tấn công và ngăn chặn thêm một phần của 2 trong 3 cuộc tấn công còn lại. Khả năng phát hiện malware mẫu dựa trên CSDLND đạt 98,4%, tỷ lệ loại bỏ thành công các thành phần malware đang hoạt động cũng không kém so với những phần mềm khác (đạt 80%) và gần như không vấp phải lỗi false position (tỷ lệ không đáng kể). Tốc độ quét theo truy cập của Trend Micro Titanium khá tốt, chỉ mất 187 giây, tuy nhiên tốc độ quét theo yêu cầu lại khá chậm, mất đến 249 giây.
Trend Micro Titanium Internet Security 2011 có mức phí là 70USD/3PC/1năm (khoảng 1.400.000đ).
8. Panda Internet Security 2011
Bộ phần mềm thực hiện rất tốt việc bảo vệ máy tính trước các mối đe dọa bảo mật. Kết quả thử nghiệm cho thấy Panda phát hiện 99,8% số malware mẫu dựa trên CSDLND (đứng đầu trong tổng số 13 phần mềm thử nghiệm). Trong bài kiểm tra trong môi trường thực, phần mềm này cũng chặn đứng hoàn toàn 21/25 cuộc tấn công và ngăn chặn được 1 phần của 3 trong 4 cuộc tấn công còn lại. Tỷ lệ loại bỏ thành công các thành phần malware đang hoạt động cũng không kém so với những phần mềm khác (đạt 80%).
“Điểm trừ” của bộ phần mềm này là lỗi nhận dạng nhầm phần mềm vô hại (false position) với tỷ lệ khá cao và tốc độ quét chậm trong cả 2 phép thử quét theo truy cập và quét theo yêu cầu. Xét về khả năng ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống, Panda cũng ảnh hưởng đáng kể với kết quả vượt xa mức trung bình của 13 bộ phần mềm. Bên cạnh đó, giao diện thiết kế phức tạp gồm nhiều mục và thẻ (tab) kết hợp, cho phép người dùng tùy chỉnh đến từng chi tiết nhỏ.
Giá tham khảo tại thị trường Mỹ là 70USD/3PC/1năm (khoảng 1.400.000đ), tại Việt Nam là 180.000đ/1PC/1năm.
9. Eset Smart Security 4.2
Bộ phần mềm bảo mật này được xếp vào 1 trong 3 vị trí cuối bảng xếp hạng do khả năng phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ malware chưa thực sự hiệu quả; cụ thể chỉ phát hiện 89,2% số malware mẫu dựa trên CSDND, tỷ lệ loại bỏ thành công các thành phần đang hoạt động đạt 60% và còn để sót khá nhiều “tàn tích” của malware. Eset 4.2 đạt kết quả tốt hơn trong việc chặn đứng hoàn toàn 21/25 cuộc tấn công trong môi trường thực tế và gần như không vấp lỗi false position. Bộ phần mềm này đạt kết quả rất tốt trong bài kiểm tra tốc độ khi chỉ mất 90 giây để hoàn tất phép thử quét theo yêu cầu (đứng đầu bảng), mất 240 giây kiểm tra từng tập tin quét theo truy xuất (sau PC Tools Internet Security 2011) và được đánh giá là 1 trong 3 bộ phần mềm ít ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống nhất.
Giao diện chính của Eset Smart Security 4.2 thiết kế đơn giản với các biểu tượng chính liệt kê ở khung trái cùng 1 vài thiết lập có thể thay đổi được. Ẩn dưới “bộ cánh” đơn giản này là 1 loạt thiết lập của từng mục, được sắp xếp theo cấu trúc cây thư mục, cho phép người dùng tùy chỉnh đến từng chi tiết nhỏ. Các thiết lập này có thể làm “choáng” với cả những người dùng am hiểu kỹ thuật. Eset cũng hỗ trợ 2 chế độ hiển thị là tiêu chuẩn (Standard mode) và cao cấp (Advanced mode), trong đó Advanced mode có thêm hộp phần mềm Tools cho phép truy cập tập tin nhật ký (log file), danh sách các tập tin bị lây nhiễm (quarantine list) hoặc các tác vụ thực hiện theo lịch biểu (scheduler) v.v... Tuy nhiên, 2 giao diện đều không cung cấp tùy chọn quét kiểm tra toàn bộ hệ thống trên giao diện chính, người dùng phải tự thiết lập trong mục Custom scan. Quá trình cài đặt của Eset cũng khá rắc rối như BitDefender, trải qua khá nhiều bước và người dùng cần đăng nhập tên và mật khẩu (trong email đăng ký thông tin người dùng sau khi nhập mã kích hoạt).
Khả năng bảo vệ máy tính trước những mối đe dọa bảo mật không cao, tính năng “cộng thêm” khá ít cùng những thiết lập đầy rối rắm, Eset Smart Security 4.2 khó có thể hấp dẫn người dùng cho dù tốc độ quét thuộc hàng nhanh nhất và ít ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống.
10. Avira AntiVir Premium Security Suite
Ngoài phiên bản trả phí Avira AntiVir Premium Security Suite (giá 78USD/3PC/1năm, khoảng 1.560.000đ), Avira còn cung cấp bản miễn phí (pcworld.com.vn, ID: A1101_68) cho mục đích sử dụng cá nhân. Phiên bản trả phí và miễn phí giống nhau về giao diện người dùng, trang bị cùng CSDLND cũng như khả năng loại bỏ các thành phần của malware lây nhiễm gần tương đương nhau. Điểm khác biệt là bản trả phí hỗ trợ nhiều tính năng cao cấp hơn như tường lửa (firewall), quản lý việc sử dụng máy tính của con trẻ (Parental Control), tính năng sao lưu tự động (backup) v.v... Giao diện người dùng của Avira AntiVir Premium Security Suite có 2 chế độ là tiêu chuẩn (Standard mode) và cao cấp (Expert mode), trong đó Standard mode hiển thị đầy đủ tính năng cần thiết cùng những tùy chỉnh linh hoạt, thích hợp với đa số người dùng, Expert mode cung cấp nhiều tùy chọn hơn, cho phép thiết lập các mục đến từng chi tiết.
Kết quả thử nghiệm cho thấy Avira thực hiện rất tốt việc bảo vệ máy tính khi phát hiện 99% mẫu malware dựa trên CSDLND, chặn đứng 21/25 cuộc tấn công và ngăn chặn một phần của 2 trong 4 cuộc tấn công còn lại. Bên cạnh đó, Avira cũng nằm trong nhóm dẫn đầu, chỉ mất 98 giây để hoàn tất phép thử quét theo yêu cầu (sau Eset Smart Security 4.2) và xếp thứ 4 trong phép thử quét theo truy xuất. Đáng tiếc là bộ phần mềm bảo mật này “mất điểm” khá nhiều với lỗi false position, nhận dạng nhầm khoảng 10% phần mềm vô hại là phần mềm nguy hiểm.

thaikennynguyen
05-04-2011, 17:32
ủng hộ cho Avira :D
Thanks bạn