PDA

View Full Version : Cách mạng từ Pro-Ams, những nhà... nghiệp dư liên kết



Dinh Quang Long
24-10-2004, 10:12
Cách mạng từ Pro-Ams, những nhà... nghiệp dư liên kết
20:34' 23/10/2004 (GMT+7)
Nhạc rap đang làm biến đổi từ âm nhạc cho đến thời trang. Hệ điều hành Linux đe doạ thực sự đến vị trí độc tôn của Microsoft. The Sims là một trong những trò game được chơi nhiều nhất trong lịch sử loài người. Tất cả những "hiện tượng" nói trên đều chịu sự tác động, chèo lái của Pro-Ams...
Đó là tên gọi ám chỉ những nhà nghiệp dư nhưng liên kết, hợp tác và làm việc với nhau theo những nguyên tắc chuẩn mực chuyên nghiệp. Các thành viên Pro-Am, mạng và hoạt động của họ, được không ít chuyên gia kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt cả xã hội loài người trong vòng hai thập kỷ tới.
Bừng tỉnh sau giấc ngủ một thế kỷ
Thế kỷ XX đánh dấu một sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng chuyên nghiệp trong y học, khoa học, giáo dục và chính trị. Từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, những người hoạt động nghiệp dư và tổ chức "liêu xiêu" của họ từng bước bị hất cẳng bởi những người biết rất rõ công việc họ làm, cũng như có chứng chỉ bằng cấp để chứng tỏ điều đó.
Rap, từ âm nhạc của cộng dồng da màu bình dân Mỹ đã trở thành "nền văn hoá" thống trị toàn cầu
Nhưng giờ thì dường như lịch sử đã lại thay đổi. Ngay cả khi các tập đoàn lớn vẫn đạt được mục tiêu kinh doanh họ đặt ra, thì Pro-Am, tổ chức của những người "tay trái" vẫn cứ tái sinh và nở rộ trở lại.
Lấy thí dụ: Rap, khởi nguồn là thứ âm nhạc "do-it-yourself" (tự biên tự diễn) của những người da màu thu nhập thấp, sinh sống trong những khu ổ chuột tồi tàn của đô thị nước Mỹ, được ghi âm bằng những thiết bị rẻ tiền và phát hành dưới dạng những cuốn băng "handmade" (tự chế) bởi vài hãng đĩa địa phương. Tuy nhiên, hãy xem những gì Rap đã làm được trong vòng hai thập kỷ qua. Giờ đây, nó đã vượt khỏi biên giới cộng đồng da màu nghèo khổ, bần cùng trong xã hội Mỹ để trở thành dòng nhạc thông dụng, thống trị cả thế giới. Dòng nhạc Pro-Am ấy lại được trợ lực về công tác phát hành bởi những mạng P2P "hoàn toàn nghiệp dư nhưng-xịn-hơn-chuyên-nghiệp" như Napsters và Kazaa, để trở thành đầu tàu của toàn bộ ngành công nghiệp ghi âm.
Trong số các cống hiến của những nhà công nghệ nghiệp dư, có lẽ Linux là phát minh có tính đại chúng nhất. Nó là thành quả góp công góp sức của một cộng đồng hàng ngàn con người, rất nhiều trong số đó kiếm kế sinh nhai bằng công việc chính là lập trình phần mềm thương mại cho các hãng phần mềm chuyên nghiệp. Thế nhưng mỗi khi rảnh rỗi, họ lại tìm đến Linux, tất cả chỉ vì cái "tinh thần cùng hợp tác giải quyết vấn đề" quá sức hấp dẫn. Tương tự, có tới 90% nội dung của trò "The Sims" được tạo ra bởi khu vực Pro-Am trong cộng đồng người chơi The Sims, một nhóm tự thành lập, tự phân công theo kiểu bậc thang, nơi người này liên tục hướng dẫn và "đào tạo" người chơi khác rồi tất cả cùng tham gia sáng tạo.
Trong thế giới thứ ba, Pro-Am, một cách không chính thức, đang góp phần giải quyết bài toán nan giải mang tính lịch sử về sự thiếu hụt nguồn lực chuyên nghiệp. Muhammad Yunus, một giáo sư kinh tế học người Bangladesh đã thành lập Ngân hàng Grameen, đào tạo các nhân viên "chân trần" cách thuyết phục những người có thu nhập chưa đến 1 USD/ngày vay vốn làm ăn. Lực lượng nhân viên Pro-Am này đã quản lý thành công và cực kỳ hiệu quả về mặt chi phí 2,8 triệu khoản nợ với tổng trị giá hơn 4 tỷ USD. Nếu Grameen chỉ trông dựa vào đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, họ sẽ chỉ có thể tiếp cận được với một phần dân số rất nhỏ tại đất nước Bangladesh mà thôi.

Và hướng... lên trời

Sự biến đổi của thiên văn học nắm giữ những động lực làm thay đổi tất cả các lĩnh vực xã hội khác. Chính những nhà "thiên văn học" nghiệp dư đã đặt nền móng cơ bản đầu tiên cho thiên văn học hiện đại, nếu bạn chưa quên rằng Copernic, người đầu tiên tuyên bố Mặt trời là trung tâm của vũ trụ, chỉ là một nhà thiên văn học trái tay. Mặc dù vậy, đến thế kỷ XX, con lắc đã dao động mạnh về hướng những nhà thiên văn học chuyên nghiệp chỉ vì một lý do cực kỳ đơn giản: Họ có điều kiện tiếp xúc với nhiều kính thiên văn lớn hơn.
Astronomy My Tool, một phần mềm nguồn mở miễn phí của dân thiên văn Pro-Am
Thế nhưng, cũng trong hai thập kỷ vừa qua, như nhà khoa học Timothy Ferrik từng chỉ ra, đã xuất hiện ba phát kiến biến thiên văn học trở thành một "hoạt động nguồn mở", Pro-Am. Đầu tiên, John Dobson, một thầy tu kiêm nhà chiêm tinh, đã tự mình lắp ráp một chiếc kính viễn vọng thô nháp nhưng cực mạnh từ những vật liệu rẻ tiền. Các nhà quan sát, được trang bị chiếc kính Dobsonian của riêng mình, giờ đã có thể xâm nhập vào không gian sâu thẳm như ai.

Sau kính Dobsonian là CCD, một loại chip nhạy sáng cực cao, có thể ghi lại mọi ánh sáng dù là nhỏ nhất phát ra từ các ngôi sao, chính xác hơn ảnh chụp. Với kính viễn vọng Dobsonian và chip cảm biến CCD, Trái đất đã có thêm hàng trăm ngàn đôi mắt quan sát mới, ngắm nghía không gian vũ trụ và ghi lại mọi sự kiện mà một vài ngàn nhà thiên văn học chuyên nghiệp ít ỏi có thể bỏ sót. Mạng Internet lúc này, trở thành công cụ phóng đại sức mạnh của mọi phát hiện mới nhờ khả năng thông tin vô hạn của nó: Một anh chàng nghiệp dư bất kỳ tìm thấy điều gì đó thú vị sẽ ngay lập tức email hình ảnh chụp được cho bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp chỉ trong vài phút.
Từng bó hẹp trong những viện nghiên cứu khoa học vĩ mô tầm quốc gia, giờ đây, thiên văn học có thể được nghiên cứu toàn cầu, nhờ sự hợp tác chung sức chung lòng của dân Pro-Am. Tất nhiên, vẫn còn tồn tại một hố sâu kiến thức ngăn cách những nhà nghiên cứu nghiệp dư với giới chuyên gia vật lý học thiên thể, song ranh giới giữa nhà thiên văn học chuyên nghiệp và Pro-Am đang bị xoá nhoà dần. Xu thế tương tự rồi cũng sẽ xảy ra ở các lĩnh vực khác.

Nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp sẽ cảm thấy điều này đáng lo ngại và sẽ tìm mọi cách để bảo vệ thế độc quyền của họ. Số đông khác, cởi mở và sáng suốt hơn, sẽ hiểu rằng tình thế đang thay đổi. Kiến thức phải được truyền bá rộng rãi chứ không phải để trưng bày trong một vài tháp ngà thiểu số. Những tổ chức hùng mạnh nhất nên cho phép cả dân nghiên cứu "nghiệp dư" hợp tác cùng các chuyên gia tìm cách giải quyết các vấn đề phức tạp.

Hoạt động Pro-Am rồi đây sẽ còn tiếp tục mở rộng. Tuổi thọ dài hơn sẽ cho phép những người ở độ tuổi 40-50 bắt đầu tiến hành các hoạt động tay trái kiểu Pro-Am như một sự nghiệp thứ hai. Tham gia vào giáo dục sẽ giúp họ có được những kỹ năng để theo đuổi những hoạt động khác. Phương tiện truyền thông và công nghệ lại tạo điều kiện để dân Pro-Ams trao đổi và liên kết với nhau.

Sau một thế kỷ chìm vào yên lặng, dân nghiệp dư đang trở lại. Và họ sẽ thay đổi thế giới. Nếu không tin, hãy cùng chờ xem...

Cầm Thi
http://www.vnn.vn/cntt/thegioiso/2004/10/338404/