PDA

View Full Version : Hiệp sĩ CNTT 2004: "Phần cứng" và " phần mềm"



ngocdiep
27-09-2004, 05:36
(VietNamNet) - "Phần cứng" của 15 Hiệp sĩ công nghệ thông tin (CNTT) được Tuần Tin e-CHIP (thuộc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC) tôn vinh sáng qua (25/9): ý chí, nghị lực và khát khao. "Phần mềm": Họ đã chọn tin học để vui sống và đi xa hơn, cho mình và cho người.

Một Hiệp sĩ...

Chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Đình Tú: Tôi nói với các em là "hãy mơ uớc".
Hiệp sĩ Trương Đình Tú, tác giả phần mềm bộ gõ tiếng dân tộc thiểu số gồm năm thứ tiếng Ê đê, Ba Na, Ja Rai, M'nông và Chăm. Phần mềm này đã lọt vào chung khảo cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2003, giành giải "Thực tiễn Việt Nam".

Tú cho biết ở quê anh, đa số những người dân tộc đều là những lao động tay chân, hoàn toàn "mù vi tính". Chỉ những người được đi học theo dạng cử tuyển mới có khả năng tiếp cận với cái gọi là CNTT. Và những lần đến Đắc Lắc (vì nhà có vườn cà phê ở đó), anh thấy còn nhiều người phải lao động vất vả. Tú, lúc ấy là sinh viên Khoa CNTT, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nảy ra suy nghĩ: Tại sao người thì dư dả cơ hội để "lướt web" ào ào, người lại phơi lưng giữa gió giữa nắng, cơ hội đến với "Thế giới số" quá xa vời?

"Phải làm điều gì đó để mọi người có thể tiếp cận CNTT và để giữ gìn tiếng dân tộc." - Ý tưởng manh nha trong đầu Tú - "Nhưng đầu tiên là phải... gõ được cái đã".

Không biết tiếng dân tộc, Tú phải "thực địa" ở các vùng có nhiều người dân tộc để tìm hiểu và gặp gỡ những người am hiểu các thứ tiếng cũng như tìm tòi qua sách vở. Vừa đi vừa viết, viết quên cả ăn. Đến khi xong, chạy thử không được. Vậy là phải vùi đầu vào sách, đi hỏi người này người kia để "giải mã" các báo lỗi. Gần một năm trời mới tạm gọi là xong, một lần lang thang trên Net, Tú thấy đăng thể lệ cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam", liền "đánh liều" đăng ký và phải "vật lộn" với phần mềm này lần nữa cho hoàn chỉnh mới dám gửi cho Ban tổ chức. Kết quả ngoài mong đợi. Lúc được vào chung kết, trước khi ra Hà Nội, Tú điện thoại báo cho ba mẹ mình ở Đắc Lắc biết. Hai ông bà lóc cóc đạp xe đạp từ rẫy ra thành phố để xem ti-vi. Đến khi nghe con mình đoạt giải, người mẹ đã bật khóc vì sung sướng.

Với phần mềm trên, người dân tộc có thể vừa gõ tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng bản địa trên cùng một font chữ.

Bảng mã Viet-Ede cho phép gõ tiếng Việt, Ê Đê, Ja Rai, Ba Na và M’Nông được thiết kế đều bắt đầu bằng cụm từ “.Ved.”. Còn bảng mã Viet-Cham cho phép gõ tiếng Việt và tiếng Chăm bằng font “.VnChampa.”

Phần mềm có thể cài đặt và chạy được trên tất cả các môi trường Windows 32 bit, bao gồm: Windows 95, 98, NT, 2000, XP.

Hồi còn là học sinh lớp 10, Tú đã mê tít cái món tin học. Lúc đó ở tỉnh Phú Yên, tin học còn khá mới mẻ. Tú vừa học ở trường, vừa đạp xe 17 cây số từ nhà đến trung tâm tin học để học những chương trình nay đã thành "thiên cổ": MS Dos, VietRes... Không có điều kiện mua máy nên anh chàng thường nôn nóng đi trước để ngó cho đã. Mãi đến khi là SV năm ba, gia đình mới bán lúa, bán cà phê để mua cho Tú chiếc máy tính giá tám triệu đồng.

"Phần mềm viết ra đã có ai... hỏi mua?" - một câu hỏi theo quán tính của phóng viên. Tú cười to: "Làm phần mềm này chủ yếu vì mình thích thôi chứ có tính toán tiền bạc gì. Mình định hoàn chỉnh một số cái cho ngon lành xong sẽ tải lên mạng để ai cần thì cứ thoải mái xài. Hiện chưa có điều kiện nâng cấp thêm, chẳng hạn đưa bảng mã Unicode vô thêm cho dễ sử dụng. Phần mềm này nếu được các nhà khoa học quan tâm hơn thì tuyệt vời". Mặc dù chưa rao lên mạng nhưng cũng đã có người được Tú cấp miễn phí. Đó là các em học sinh người dân tộc và các cán bộ nhà nước của tỉnh Phú Yên, những người có công việc liên quan đến người dân tộc. "Rất nhiều em gửi thư cho mình sau khi đọc báo." - Tú vui vẻ khoe - "Nhiều em tâm sự với mình rằng chúng rất ao ước được rờ vào chiếc máy tính. Mình cũng đã hồi âm lại cho các em, động viên và nói với chúng: Hãy mơ ước!".

- Vậy đã phải mua hết bao nhiêu đĩa để chép tặng? - tôi hỏi.

Tú không có câu trả lời, vì cứ đụng đến câu hỏi nào dính đến tiền là bao giờ Tú cũng cười và... né. Hiện Tú là giảng viên của Trường Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đang theo học lớp quản trị mạng quốc tế CISCO, một học bổng trị giá 1.100 USD nhận được từ cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam" do Hà Nội CTT trao tặng. Tú còn viết một phần mềm nữa. Tuy nhiên, phần mềm này hơi đặc biệt, có tên... "Sinh con theo ý muốn", dành tặng cho các bạn gái học chung đã lấy chồng!

Như mọi Hiệp sĩ


Thanh Sơn.
Một người cũng rất đặc biệt, rất được nhiều bạn trẻ trong buổi lễ trao biểu tượng Hiệp sĩ CNTT sáng qua bày tỏ sự ngưỡng mộ nhưng lại không có mặt tại buổi lễ. Đó là Phạm Thanh Sơn, ngụ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chàng trai bị liệt tứ chi vì chấn thương cột sống cổ sau một tai nạn. Tốt nghiệp Trung học Lâm nghiệp năm 1989, đi Côn Đảo công tác một năm. Lâm quay về và học một khóa tin học sơ cấp, rồi xin vào làm tại Phòng Điện toán của một công ty. Sau đó, vừa học tại chức ĐH Ngoại Thương, vừa học thêm một khóa sáu tháng về lập trình quản lý ứng dụng. Con đường tương lai rộng mở trước mắt. Thế rồi một tai nạn xảy ra, Sơn trở thành một phế nhân. Tứ chi, chỉ còn ngúc ngắc được hai cổ tay. Trong giây phút tận cùng tuyệt vọng và thoát qua việc uống thuốc tự tử, Sơn nhủ rằng phải sống. "Một cái máy tính giá bốn cây vàng, nhưng gia đình cũng phải cố gắng để mua. Coi như cưới vợ cho nó." - cha Sơn, người đi thay anh tại buổi lễ, nói với phóng viên VietNamNet. Có phương tiện, anh bắt đầu dạy tin học miễn phí cho những trẻ quanh nhà và dạy cho những người đã đi làm. Sau, anh chuyển qua viết phần mềm ứng dụng. Cuối năm 2001, khách hàng đã mua phần mềm "Hệ thống quản lý kế toán Access" với giá sáu triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, danh sách khách hàng đặt mua các phần mềm ngày càng "nờm nợp". Sơn viết đủ loại phần mềm, từ quản lý dự toán công trình, quản lý nhân sự, quản lý giao dịch chứng khoán, quản lý tài sản cố định... Ngoài ra, Sơn còn là sự nâng đỡ tinh thần của nhiều người đồng cảnh ngộ.


Song Khoa
13 gương mặt Hiệp sĩ CNTT còn lại cũng là những "điển hình" trên con đường thầm lặng soạn thảo những phần mềm hay quảng bá các ứng dụng, tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận và khai thác CNTT một cách hiệu quả nhất. Trần Song Khoa, một chàng trai rất trẻ, "người đương thời" của VTV, từng là một người nghiện ma túy. Vượt qua tất cả những thử thách, Khoa đã trở thành một webmaster của website www.heroin-aids.com để tuyên truyền phòng, chống ma túy và AIDS, vừa tuyên truyền tư vấn cho người nghiện và nhiễm HIV. Hay Đặng Hoài Phúc, một người khiếm thị mới 21 tuổi nhưng đã là thầy giáo dạy tin học cho những người khiếm thị khác và là một trong những "đầu tàu" của dự án "Phát triển mạng lưới tin học đào tạo từ xa cho người khiếm thị", được Samsung DigitAll Hope tài trợ hơn 43.000 USD. Một dự án lớn hơn, liên quan đến nhiều ứng dụng của CNTT cũng đang được Phúc ấp ủ.


Hoài Phúc
Hiệp sĩ Lê Hồng Đức (Đồng Nai) nhúc nhắc với trái tim khiếm khuyết, bệnh tật để cho ra đời sản phẩm phần mềm quản trị giá bèo: 50.000 đồng. Hiệp sĩ khiếm thị Trần Bá Thiện (TP.HCM) trăn trở với trình duyệt web dành cho người đồng cảnh. (Dự án này đã được Ngân hàng Thế giới chọn và tài trợ 10.000 USD). Các hiệp sĩ: Soeur Mai Anh, Ngọc Lan (Bình Dương), Sư Chau Hắc (An Giang), Nguyễn Trần Huy Phong (Lâm Đồng), Đại đức Thích Quảng Tâm (Long An), Nguyễn Duy Thơ, Phạm Mạnh Tuấn, Phạm Anh Tuấn (TP.HCM) cũng là những Hiệp sĩ vượt qua khó khăn, để phổ biến tin học cho người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, nơi xa xôi hẻo lánh. Hiệp sĩ Trịnh Minh Thanh (Hà Nội) là người vận động cộng đồng dùng Linux và ứng dụng nguồn mở...

Sau buổi lễ, hai Hiệp sĩ CNTT năm ngoái là chị Huỳnh Thị Kim Cúc và anh Huỳnh Tín Nghĩa (cơ sở dạy vi tính Nhân Hòa, phường 17 quận Gò Vấp) đã gặp cha của anh Phạm Thanh Sơn để xin địa chỉ. Họ muốn tìm hiểu để hợp tác. Hai anh chị cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với những Hiệp sĩ CNTT năm nay. Trên quan điểm của những người dạy tin học miễn phí cho người khuyết tật, anh chị còn băn khoăn: "Các Hiệp sĩ đều có tấm lòng vô vị lợi nhưng điều đó chưa đủ. Hiện chỉ có đầu vào mà chưa có đầu ra. Nghề CNTT phù hợp với người khuyết tật nhưng khi họ học xong thiếu nơi cho họ "hành". Có kiến thức là một chuyện, quan trọng hơn là phải được xã hội chấp nhận. Điều đó, chúng tôi đang mơ...".
http://www.vnn.vn/cntt/2004/09/263772/