PDA

View Full Version : Khó giải quyết tranh chấp tên miền .vn



ngocdiep
22-09-2004, 01:06
Các chuyên gia luật nghiên cứu về tranh chấp tên miền .vn nhận định, cơ chế để xử lý vấn đề này còn cồng kềnh, chi phí cao, khó áp dụng và cần được đơn giản hóa. Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo Phát triển tài nguyên Internet tại Hà Nội, sáng qua.

Theo luật gia Nguyễn Hoàn Thành, Công ty luật sư Phạm và Liên danh, hiện nay, khi có tranh chấp về sở hữu tên miền tại Việt Nam, thường có 3 hướng giải quyết: ra tòa, ra tòa thương mại (nếu là tranh chấp thương mại) và thông qua thủ tục hành chính, với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là cơ quan cầm cân nảy mực. Ông Thành phân tích: “Văn phòng của chúng tôi đã tham gia giải quyết một số vụ tranh chấp tên miền thông qua thủ tục hành chính nhưng rõ ràng là khi chưa có cơ chế riêng để giải quyết bằng thủ tục hành chính thì vấn đề thời gian và hiệu quả còn hạn chế. Còn giải quyết theo con đường tòa án hoặc trọng tài cũng rất khó khăn. Tòa Việt Nam chưa xử một vụ tranh chấp tên miền nào, trong khi giải pháp qua trọng tài vướng mắc ở chỗ hai chủ thể tranh chấp phải thỏa thuận được với nhau đưa ra trọng tài - điều rất khó thực hiện - hơn nữa không phải tranh chấp nào cũng là tranh chấp thương mại”. Điều này dẫn đến thực tế là khi bị mất tên miền do chậm chân trong đăng ký, nhiều chủ thể chọn con đường đàm phán và mua lại tên miền cho đỡ rắc rối.

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Thành hy vọng tháng 12 tới sẽ hoàn thành cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền .vn theo hướng đơn giản hóa, giảm bớt chi phí và đảm bảo lợi ích của chủ thể hợp pháp sở hữu tên miền. Có thể Việt Nam sẽ áp dụng một số mô hình của nước ngoài có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế với vai trò trung tâm của một hội đồng trọng tài.

Tiếp cận vấn đề từ một hướng khác, ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc VNNIC, khuyên các doanh nghiệp nâng cao vấn đề nhận thức về sở hữu tên miền để tránh tình trạng tranh chấp. Ông nhận xét: “Trong việc đăng ký tên miền, Việt Nam cũng sẽ phải theo thông lệ quốc tế: ai đến trước được trước”. Do đó, để tránh thiệt hại do tình trạng đầu cơ tên miền .vn, các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trước bằng cách đăng ký tên miền cho công ty ngay từ khi thành lập.

Cũng trong cuộc hội thảo này, ông Đặng Minh Tuấn, đại diện nhóm Vietkey trình bày về kết quả của dự án tên miền tiếng Việt. Ông Tuấn nêu ví dụ về sự bản địa hóa tương tự rất thành công tại Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và cho rằng triển vọng ở Việt Nam là rất hứa hẹn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng đây là việc không thực sự cần thiết. Họ lập luận, các quốc gia đó sử dụng ký tự phi Latin nên phát triển hệ thống tên miền dùng tiếng bản địa là điều nên làm, còn ngôn ngữ của chúng ta sử dụng ký tự Latin nên sẽ không có vấn đề gì lớn với tên miền tiếng Việt không dấu.

Một vấn đề nữa mà tên miền tiếng Việt gặp phải là hiện nay là trình duyệt phổ biến nhất Internet Explorer không hỗ trợ đa ngôn ngữ. Vì vậy, muốn nhập tiếng Việt vào thanh trình duyệt, người dùng sẽ phải tải và cài đặt phần mềm vnclient, làm phức tạp thêm quá trình sử dụng. Ngoài ra, do các chữ trong tên miền phải viết liền nhau nên khi muốn nhập vào thanh địa chỉ trên trình duyệt lại phải thêm một thao tác nhấn phím Ctrl. Thêm vào đó, người dùng còn phải nắm vững kiến thức về các bộ gõ thông dụng hiện nay mới có thể nhập chính xác tên miền tiếng Việt. Theo ý kiến của hầu hết các đại biểu, những bất tiện này làm cho mục đích của những người tham gia dự án là đơn giản hóa và phổ cập Internet tới các đối tượng có trình độ tiếng Anh hạn chế (như nông dân) trở nên khó khả thi.