PDA

View Full Version : Lãnh đạo thế giới hợp tác chống tội phạm mạng toàn cầu



ngocdiep
19-09-2004, 23:28
Sự chậm trễ của các chính phủ trong hợp tác chống tệ nạn trên không gian ảo khiến loại hình phạm tội này phát triển mạnh trong vài năm qua. Đó là điều giới chức trách toàn cầu nhất trí và tìm cách thay đổi tại hội nghị do Hội đồng châu Âu chủ trì từ ngày 16 tới 18/9.

Các đại biểu từ châu Âu, Mỹ, Australia và Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ các dữ liệu mới về vấn đề nan giải có tính toàn cầu: làm thế nào để luật pháp quốc gia có thể ngăn chặn những kẻ phạm tội gian lận, truyền bá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ăn cắp mã số thẻ tín dụng hoặc bán văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em trên toàn thế giới trong khi chúng hầu như hoàn toàn ẩn danh. Ngoài ra, trong khi nạn gian lận và vi phạm tác quyền vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tội phạm mạng, mối quan ngại về khả năng khủng bố dùng mạng làm cơ sở tấn công cũng đang gia tăng.

"Mối lo chính của tôi là khủng bố có thể tấn công các hệ thống máy tính điều khiển lưới điện, mạng lưới giao thông, sân bay và các cơ sở tài chính”, Ulrich Sieber, Giám đốc Viện nghiên cứu luật tội phạm quốc tế và nước ngoài Max Planck tại Freiburg (Đức), phát biểu. Ông khẳng định, các quốc gia cần làm nhiều hơn trong cuộc đối đầu với tội phạm trên không gian điều khiển.

Hội đồng châu Âu gồm 45 quốc gia cùng cho rằng, các chính phủ đã quá chậm trễ trong ứng phó với tội phạm mạng.

Năm 2001, Công ước quốc tế về tội phạm mạng - hiệp ước đầu tiên thuộc loại này - đã được 30 quốc gia ký kết nhưng chỉ có 8 quốc gia Albania, Croatia, Estonia, Hungary, Lithuania, Romania, Slovenia và Macedonia đưa lên thành luật. Hiệp ước định danh 4 loại tội phạm mạng: khai thác thông tin bí mật; xâm nhập máy tính, gian lận và giả mạo; vi phạm về nội dung như truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm có hình ảnh trẻ em hay cổ súy cho phân biệt chủng tộc; vi phạm tác quyền. Văn bản này nhằm tăng tốc độ hợp tác quốc tế trong điều tra và dẫn độ.

Bản báo cáo tổng quát tại hội thảo nhấn mạnh, mặc dù không phải lúc nào cũng có số liệu chính xác, tội phạm mạng đang trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh, trong đó tội phạm có tổ chức và những nhà điều hành tư nhân cùng làm ăn phát đạt bên nhau.

Theo số liệu từ năm 2002, Internet có khoảng 600 triệu người dùng, gấp đôi so với năm 1999. Bản báo cáo nhận xét: “Cho dù 99,9% số người lướt web sử dụng Internet vì những lý do hợp pháp thì điều đó vẫn đồng nghĩa với việc có tới 600.000 tội phạm tiềm tàng”. Con số thống kê này nhấn mạnh thêm một chủ đề chính của hội thảo: sự sơ hở của người dùng Internet trong thời đại mà ngày càng nhiều người sống dựa vào web.

Tại Mỹ, các hoạt động thương mại điện tử đạt tới 200 tỷ USD trong năm 2004 và các quốc gia châu Âu cũng đang dần bắt kịp đối tác phía bên kia đại dương. Tội phạm mạng cũng theo đó tăng trưởng và có tổ chức rất tốt, sử dụng Internet để buôn bán phụ nữ và thực hiện các thương vụ bất hợp pháp. Tại Đức, tội phạm mạng chiếm 1,3% tổng số tội phạm nhưng lại chiếm tới 57% trong tổng số 6,8 tỷ euro tổn thất do các hoạt động phạm pháp gây ra. Một cuộc khảo sát năm 2004 tại 494 công ty Mỹ phát hiện có tới 20% từng đối mặt với những cuộc phá hoại và tống tiền thông qua các cuộc tấn công từ chối dịch vụ.

Các trang web cổ súy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gieo rắc hận thù và bạo lực đã tăng 300% kể từ năm 2000, trong khi kinh doanh văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em đã trở thành một ngành công nghiệp có doanh số 20 tỷ USD trong năm nay.

Sieber nhận định, truy tố tội phạm mạng là điều bất khả thi nếu không có sự hợp tác xuyên biên giới. Ông phân tích: "Internet phát triển nhanh, trong khi các hệ thống pháp luật chậm và rườm rà thủ tục. Internet cho phép khuyết danh, trong khi luật chống tội phạm đòi hỏi phải xác định nhận dạng kẻ phạm tội… Internet có tính toàn cầu, trong khi hệ thống pháp luật giới hạn trong một lãnh thổ cụ thể. Việc khởi tố bằng các biện pháp quốc gia là điều không thể thực hiện trong không gian toàn cầu”.

(theo AP)