PDA

View Full Version : Tổng kết 2010, dự báo 2011: Doanh nghiệp nói gì?



dangkhoaonline3
13-01-2011, 16:10
Tổng kết 2010, dự báo 2011: Doanh nghiệp nói gì?

Kết thúc năm 2010 với nhiều khó khăn, biến động trên thị trường, các doanh nghiệp IT Việt Nam bước sang năm mới với không ít những thách thức. Tuy nhiên, hầu hết đều kỳ vọng một bức tranh tươi sáng.

Ông Lã Xuân Thắng, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi siêu thị máy tính Đăng Khoa – Hà Nội:


http://i54.photobucket.com/albums/g111/kimvicky/thanglx-3.jpg

“2010 là một năm nhiều biến động bất ngờ và tương đối khó khăn đối với ngành IT, thể hiện ở việc doanh số bán không còn mang tính trải đều mùa vụ như các năm trước. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung hàng hóa trên thị trường lúc thừa, lúc thiếu, gây bất lợi cho cả DN và người tiêu dùng.
Khó khăn của thị trường năm nay, theo tôi là tập trung vào vấn đề tỷ giá và việc cắt giảm ngân sách tài trợ, khuyến mại của các hãng. Hầu hết sản phẩm CNTT ở Việt Nam đều nhập khẩu và thanh toán bằng ngoại tệ nên những động thái tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đều ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm. Ngoài ra, các DN nhập khẩu gần như không mua được ngoại tệ với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại (do nhóm hàng IT không được ưu tiên). Điều đó càng làm cho hàng hóa chịu sức ép tăng giá.
Một khó khăn khác của thị trường trong năm 2010 là việc thuế VAT tăng trở lại mức 10% sau khi hết thời hạn ưu đãi (năm 2009 được ưu đãi ở mức 5%). Đồng thời, trong năm 2010 này, cùng với tình hình chung trên toàn thế giới, các hãng sản xuất lớn đều mạnh tay cắt giảm ngân sách tài trợ hoặc khuyến mại. Gần như không còn thấy các chương trình khuyến mại lớn và trên diện rộng từ các hãng sản xuất như trong năm 2009 mà các chương trình này hầu hết xuất phát từ các đại lý bán lẻ.
Tuy vậy, vượt lên trên các khó khăn, nhìn chung thị trường IT năm 2010 vẫn có thể coi là tăng trưởng tốt, đặc biệt là laptop (số lượng và doanh số tăng khoảng 30% so với năm 2009). Mặt bằng giá các sản phẩm IT giảm 20-30% so với năm 2009 giúp cho việc sở hữu các sản phẩm công nghệ trở nên dễ dàng hơn. Sang năm 2011, thị trường IT Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt và tôi dự đoán ở mức trên 20%. Laptop tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt, lấn át so với máy để bàn. Các hãng sản xuất vẫn sẽ tranh giành thị phần của mình, hướng tới những nhóm khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, mặt bằng giá 2011 so với năm 2010 sẽ không còn giảm nhiều như 2010 so với 2009. Có lẽ giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất về giá đã qua và mặt bằng giá sẽ ổn định”.

Ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc marketing Công ty phân phối CMC:
“Theo khía cạnh của một công ty phân phối thiết bị CNTT – VT, tôi thấy có mấy đặc điểm chính của thị trường IT Việt Nam trong năm 2010 như sau: đi kèm với sự sụt giảm trong chi tiêu Chính phủ thì chi tiêu trong DN và khối tư nhân cũng giảm sút nghiêm trọng. Có thời điểm tổng lượng hàng dư thừa về laptop và PC trên kênh bằng lượng tiêu thụ cả Quý trước đó. Thêm vào đó, lộ trình giảm giá và thay thế của Intel cho các dòng chip mới quá nhanh dẫn đến tình trạng bán tháo các sản phẩm đời cũ trên toàn thị trường. Sự mất giá của tiền đồng trên 10% giá trị so với tiền USD diễn ra nhanh chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2010, làm tăng giá trị hàng nhập khẩu mà đa phần thiết bị CNTT Việt Nam đều phải nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc tăng trưởng doanh số bị chậm đi và thu hồi công nợ trở thành vấn đề phức tạp hơn nếu không chốt được mức tỉ giá cố định.
Ý thức được sự biến động khôn lường của thị trường, chúng tôi không tập trung đẩy mạnh tăng trưởng doanh số mà tập trung hỗ trợ hệ thống đại lý đẩy hàng tồn từ những tháng giữa năm, nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc biến động tỉ giá và cạnh tranh phá giá hàng bán cuối năm. Bên cạnh đó là thực hiện khuyến mại đồng đều trên toàn kênh, nghiêm ngặt giám sát bán hàng để không xảy ra tình trạng phá giá hàng trên kênh.
Sang năm 2011, tôi kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc khi mà tỉ giá đi vào ổn định, lượng kiều hối hồi phục và chi tiêu chính phủ và các khối DN cho CNTT đi lên. Tuy nhiên, về mặt tăng trưởng kinh tế thì tốc độ vẫn sẽ còn khiêm tốn, có lẽ mức độ tăng trưởng tiêu dùng CNTT sẽ chỉ nằm ở mức trung bình từ 15 – 20% so với năm 2010 và thị trường sẽ nhiều hứng khởi hơn khi bước vào các tháng cuối năm. Các sản phẩm mới như tablet và smartphone sẽ có những tăng trưởng vượt bậc; doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ 3G cũng sẽ tăng trưởng mạnh cùng với sự cạnh tranh tăng lên giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông”.


http://i54.photobucket.com/albums/g111/kimvicky/hinh2.jpg
“Sang năm 2011, tình hình sẽ khởi sắc” – Ông Hồ Quốc Huệ kỳ vọng

Ông Nguyễn Nhựt Tân, Phó tổng giám đốc FPT-Aptech Hồ Chí Minh:
“Năm 2010 có những sự biến động kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu nhân lực CNTT, từ đó ảnh hưởng một phần tâm lý lựa chọn theo ngành CNTT của các em học sinh khi bước vào ngưỡng chọn nghề. Tuy nhiên, việc đào tạo là đón đầu tương lai, các em sinh viên sẽ cần 2-3 năm đào tạo trở lên để tốt nghiệp và có nghề nên không lấy “sự cố” này để làm tiêu chí ra quyết định. Hiện tại, nhu cầu nhân lực CNTT đã tăng mạnh trở lại và sự kiện đáng lưu ý là ngày 22/9/2010, Chính phủ đã ký quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT, đặt ra mục tiêu đào tạo một triệu chuyên gia CNTT vào năm 2020, trong đó có khoảng 80% có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ làm việc trong môi trường quốc tế. Tin chắc rằng trong năm tới thị trường đào tạo lập trình viên quốc tế đạt chất lượng sẽ thu hút được đông đảo sự lựa chọn của các bạn trẻ mong muốn trở thành nguồn nhân lực trong ngành CNTT”.


http://i54.photobucket.com/albums/g111/kimvicky/hinh3.jpg
Năm 2010, Chính phủ đặt ra mục tiêu đào tạo một triệu chuyên gia CNTT vào năm 2020

Ông Phan Phương Đạt, Phó tổng giám đốc FPT Software:
“Năm 2009, ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) VN đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường gia công cho nước ngoài cũng suy giảm. Tuy nhiên, năm 2010, ngành CNPM VN đã dần phục hồi và có những bước tiến vượt bậc, với doanh thu ước đạt 2 tỉ USD, tăng gấp 40 lần trong 10 năm qua. Nguồn nhân lực trong ngành cũng tăng 20 lần. Bên cạnh việc đầu tư phát triển và mở rộng thị trường trong nước, các DN phần mềm đã mạnh dạn bước chân ra thế giới và thâm nhập thị trường quốc tế, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của ngành CNPM luôn được duy trì trên 30%/năm.
Vốn là công ty xuất khẩu phần mềm lớn của VN, FSoft cũng chịu ảnh hưởng của cơn bão tài chính. Năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử, FSoft không tăng trưởng về doanh thu và nhân sự. Tuy nhiên, trong năm 2010, FSoft đã phát huy nội lực, hợp lực với các thành viên FPT để tiếp tục phát triển trở lại với tốc độ tăng trưởng 34%. Về nhân sự, năm 2010 chỉ số nhân sự của FSoft tăng trưởng khoảng gần 28,1% so với năm 2009, lên tới 3.500 người. Việc quản lý và rà soát nhân sự được tiến hành chặt chẽ hơn nhằm chọn lọc ứng viên có năng lực thực sự.
VN từng được đối tác nước ngoài đánh giá là điểm đến gia công hấp dẫn, điều này vẫn đúng tính đến thời điểm hiện tại. Nguyên do là giá thành sản xuất trung bình của VN vào loại thấp so với nhiều nước chuyên gia công phần mềm khác (giá nhân công VN chỉ bằng một nửa Ấn Độ, thấp hơn 30-40% so với Trung Quốc). Thứ hai là khả năng thích ứng nhanh với CNTT của người lao động. Sau cùng, VN là một trong số những nước có môi trường kinh tế và tình hình chính trị ổn định nhất thế giới – yếu tố quan trọng thu hút được các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Bước sang năm 2011, CNPM VN sẽ có nhiều gam màu sáng sủa với sự phục hồi của thị trường gia công xuất khẩu phần mềm (GCXKPM) và sự phát triển mạnh của thị trường phần mềm nội địa. Ở mảng XKPM, năm 2011 vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức; tuy nhiên đang có những dấu hiệu phục hồi, nhất là thị trường gia công cho khu vực Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Đặc biệt, thị trường dành cho phần mềm nhúng (embeded system) đang ngày càng phát triển và mở rộng. Các DN VN đang đứng trước cơ hội lớn về phát triển loại hình phần mềm này, khi thị trường phần mềm nhúng thế giới hiện nay đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng do nhu cầu mở rộng, thay đổi và nâng cấp liên tục các mặt hàng có sử dụng hệ thống nhúng. Bên cạnh đó, thị trường trong nước đang có những bước phát triển tích cực. Nhiều DN chuyên GCXKPM đang dần xâm nhập vào thị trường trong nước qua các đề án ERP (tư vấn triển khai phần mềm quản trị doanh nghiệp) khiến cho thị trường gia công trong nước sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng.
Song, cùng với dấu hiệu lạc quan đó, DNPM VN sẽ vẫn phải chịu nhiều thách thức. Phần lớn DNPM Việt Nam còn trẻ, quy mô nhỏ, vốn hạn chế…, do đó cần tăng cường liên kết, huy động chất xám để cạnh tranh với nước ngoài, trong đó các DN lớn phải đóng vai trò là đầu tàu; đồng thời phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, thị trường mũi nhọn để tạo lợi thế cạnh tranh riêng. Bên cạnh đó là xây dựng quy trình chất lượng quốc tế như CMMI, hay chí ít phải là ISO. Hiện VN có rất ít DN đạt tiêu chuẩn CMMI mức 5. Bộ TT&TT đang xúc tiến các chương trình hỗ trợ DN làm CMMI để gia công phần mềm một cách bài bản, có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài”.

Theo Echip Xuân Tân Mão