PDA

View Full Version : Lập cảnh sát mạng ở VN - đòi hỏi của quá trình hội nhập



freewarez
07-08-2004, 03:50
Đại tá Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế. Ảnh: N.H.
Bộ Công an vừa thông qua đề án thành lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chuyên xử lý các vụ việc phạm tội hình sự trên Internet. Đơn vị này sẽ ra mắt vào tháng sau. VnExpress đã có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế, đơn vị trực tiếp thực hiện đề án này.

- Việc thành lập đơn vị cảnh sát đặc nhiệm trên mạng là sự chuẩn bị trước cho những diễn biến của các loại hình tội phạm điện tử hay xuất phát từ một thực tế cụ thể nào?

- Xuất phát từ cả hai. Một là trên thế giới, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tăng rất nhanh cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và cứ năm sau thì gấp đôi năm trước. Điều đó đã trở thành một thách thức toàn cầu. Thực tế ở VN cũng đã xuất hiện nhiều loại tội phạm trên mạng như lan truyền virus, đột nhập trái phép vào địa chỉ của người khác, lừa đảo qua mạng...

Thứ hai, đây cũng là đòi hỏi của quá trình hội nhập. Đặc tính nổi bật của loại tội phạm này là không biên giới, ngồi ở nước này chúng có thể xâm phạm đến mục tiêu thuộc nước khác nên lực lượng an ninh cũng phải mang tính xuyên quốc gia. Nếu chúng ta muốn bắt tay với thế giới thì cần phải có những cam kết quốc tế đấu tranh với tội phạm qua mạng.

- Nhân lực của đơn vị đặc biệt này sẽ được huy động hay tuyển chọn?

- Cả hai. Chúng tôi sẽ tuyển chọn những cử nhân giỏi về công nghệ thông tin từ các trường đại học và cơ sở đào tạo, có nguyện vọng đấu tranh chống tội phạm mạng. Bên cạnh đó là những nhân viên trong ngành điều tra có năng lực, kinh nghiệm và sẽ được đào tạo về công nghệ thông tin.

- Đội cảnh sát trên Internet sẽ có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm an ninh mạng (BKIS) của Trường Đại học Bách Khoa. Vai trò cụ thể của mỗi bên như thế nào?

- Đương nhiên trách nhiệm của hai lực lượng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, Trung tâm an ninh mạng và đơn vị đặc nhiệm phải có quan hệ chặt chẽ, bổ khuyết cho nhau để có giải pháp tổng thể cả về kỹ thuật và pháp lý. BKIS sẽ tiến hành các giải pháp bảo vệ bằng công nghệ, kỹ thuật như password, tường lửa... Còn đội cảnh sát đặc nhiệm là lực lượng thực thi pháp luật để phát hiện, điều tra, bắt giữ đối tượng và xử lý.

Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng. Thông qua những vụ án cụ thể sẽ cảnh báo công chúng về những thủ đoạn phạm tội, bởi trong nhiều trường hợp, người sử dụng mạng, đặc biệt là giới trẻ, vì không hiểu biết và hiếu kỳ mà phạm tội. Họ cần phải hiểu là dù chỉ tò mò thử đột nhập vào địa chỉ của người khác thì cũng đã là phạm tội.

- Mục tiêu trước mắt mà đơn vị sẽ tập trung giải quyết là gì?

- Phải hình thành lực lượng đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu đang ngày càng cấp bách về chống tội phạm mạng, thông qua đó giáo dục ý thức công dân, tuyên truyền vận động quần chúng. Đơn vị sẽ cố gắng trở thành địa chỉ tin cậy để người sử dụng mạng có thể trao đổi thông tin, coi chúng tôi như một chỗ dựa để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp.

- Đội cảnh sát đặc nhiệm trên mạng có trách nhiệm xử lý vi phạm. Việc xử lý sẽ dựa trên những chế tài, điều luật nào?

- Việc xử lý vi phạm sẽ dựa trên luật hình sự. Ví dụ như đối với nhóm tội xâm phạm an toàn về địa chỉ của người khác sẽ có 3 điều luật: tội đột nhập trái phép vào mạng máy tính của người khác, tội lan truyền virus tin học và tội sử dụng trái phép thông tin của người khác... Ngoài ra, còn có các loại tội phạm truyền thống như: trộm cắp, lừa đảo, mại dâm được thực hiện trên Internet. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ áp dụng chế tài xử phạt trong các nghị định của chính phủ về những vi phạm hành chính nói chung trên mạng.

Tất nhiên là so với hệ thống pháp lý của các nước khác, những điều luật của chúng ta đến nay vẫn có nhiều khoảng cách và chưa thực sự đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cứ thực hiện tốt những quy định hiện hành thì cũng đã có tác dụng phòng ngừa tốt rồi. Cùng với thời gian, hệ thống pháp lý sẽ được hoàn thiện hơn.

- Cục trưởng đánh giá thế nào về tính khả thi của việc thành lập đội cảnh sát đặc nhiệm trên mạng?

Ở VN, mật độ sử dụng máy tính trong dân còn hạn chế và các hoạt động thương mại từ ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp qua mạng chưa phổ biến. Nhưng trong tương lai, việc giao dịch, trao đổi, học tập... qua Internet sẽ tăng lên rất nhiều và theo đó nhiệm vụ sẽ rất nặng nề. Tôi cho rằng việc đơn vị đặc biệt này ra đời trong thời điểm hiện nay là kịp thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người có liên quan đến công nghệ thông tin.

Nguyễn Hằng thực hiện