PDA

View Full Version : Giải thưởng, tình và lý



1?1
18-07-2010, 19:28
(LĐ) - Giải thưởng ư? Có gì lạ? Có giải thưởng cho những cuộc thi. Có giải thưởng cho những người không dự thi, không có ý định rinh giải nhưng rồi người ta cũng cứ đặt giải vào tay như giải Nobel. Có người tuy là bác học vẫn ngất xỉu vì ngạc nhiên.

“Tôi mà được Nobel ư?”. Thật đơn giản, Nhà nước, tổ chức nào đó hay thậm chí một cá nhân, có tiền, muốn khuyến khích hay tưởng thưởng một vấn đề gì đó như khoa học, văn học, nghệ thuật, kiến thức, lấy tiền tổ chức để tìm một người có thể xứng đáng trao giải.

Số tiền giải là tuỳ hầu bao, có thể lớn, rất lớn như giải Nobel với hơn một triệu đô la. Nhưng cũng có những cái giải thật bèo. Như hồi còn HTX Nông nghiệp ở miền Bắc. Tôi sơ tán về ở nhờ trong gia đình một ông lão nông. Trên 70 rồi mà ông vẫn cày sâu cuốc bẫm, gánh cả gánh lúa trên vai chạy băng băng về sân kho.

Hôm đó ông về khoe với tôi là đã được HTX tặng giải lao động giỏi. Giải là cái khăn mặt và một cuộn chỉ đen. Ông không dùng mà cất kín vào tủ làm kỷ niệm, để lại cho con cháu cùng bài học lao động cần cù.

Mấy năm gần đây trên TV cũng như trong xã hội có quá nhiều cuộc thi và quá nhiều giải thưởng. Giải lên đỉnh Olympia là nửa tỷ đồng chứ đâu có ít. Ai là triệu phú, người dự thi trả lời hơn chục câu hỏi, nghe nói đã có người trong một buổi chơi bỏ túi gần trăm triệu đồng, đó là chưa được giải nhất, những 120 triệu cơ.

Thi hoa hậu, mỹ nhân vừa được đi du lịch, nghỉ ngơi, tắm biển, thăm thú chỗ này chỗ kia. Nhờ sắc đẹp trời phú và công lao cha mẹ nuôi dạy, thành hoa hậu là đương nhiên tiền tỷ giải thưởng các loại rơi vào túi. Những cái giải ấy ai cũng thèm, ai cũng thấy xứng đáng nhưng chỉ nuốt nước bọt nhìn người ta rinh giải mà mơ có ngày. Không phải cái gì muốn cũng được.

Nhưng có những cái giải quá ngon mà cũng quá sửng sốt. Như một người rỗi việc, đăng ký dự thi đoán giá đúng, ngỡ ngàng phút chốc thành triệu phú, rinh cả một cái TV 42 in-sơ giá năm bảy chục triệu về nhà trước sự sửng sốt của vợ con chứ phải trò chơi.

Như giải thi hát, thi diễn, vừa được hát được diễn vừa có tiền, có khi, như vụ thi diễn viên điện ảnh TPHCM mới đây, cô gì đó ẵm luôn cái giải nhất 200 triệu. Những cái giải quá to này thường có chuyện ì xèo. Hoặc mua giải bằng cách tiêu cực, đút lót hèn hạ. Hoặc không mua, xứng đáng và đàng hoàng. Nhưng dư luận cũng sôi lên vì “sao giải lại to thế?”, như trò đánh bạc vậy.

Quả thật có những cái giải quá to. Người nông dân đầu tắt mặt tối quanh năm chưa chắc đã để dành được một hai triệu. Người thợ may căm cụi 10, 15 giờ mỗi ngày vẫn không đủ sống, không có tiền mua vé tàu Tết về quê.
Vậy mà chỉ diện vào, lên sân khấu õng ẹo vài bước là được tặng ngay hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu như chơi. Ông nông dân, chị công nhân thắc mắc cũng phải vì số tiền ấy cả đời họ chưa chắc đã kiếm ra! Thật không công bằng!

Nhưng nếu có ai nói: “Sao bác không dự thi mà lĩnh giải? Có ai cấm đâu!”. Tất nhiên bác nông dân tuy vẫn còn ấm ức nhưng không biết trả lời thế nào. Đành ca cẩm cho hả hơi vậy. Giải quá to, quá sức tưởng tượng dù là tiền túi của doanh nghiệp hay cá nhân, không phải tiền người đóng thuế, thấy tiền vô túi người khác dễ như hái một bông hoa thì kêu trời vậy thôi, ngoài ra còn biết làm gì hơn. Đó là cái lý của giải to, không cãi, không thắc mắc được.

Nhưng cái lý cũng nên đi đôi với cái tình.

Hãy lấy một ví dụ. Cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” đã khép lại. Nữ hoàng Ngô Thanh Vân đã mang cúp và tấm séc hàng trăm triệu về nhà mở tiệc ăn mừng với bạn bè. Siu Black, Minh béo và bạn nhảy tuy chỉ được một giải phụ vài chục triệu nhưng có niềm an ủi được khán giả bình chọn là cặp nhảy được yêu nhất hoặc ấn tượng nhất.

Có người nói, thành công nhất về mặt xã hội của cái show mà nhà đài Trung ương không dè sẻn sóng hai tháng nay cũng như Công ty Cát Tiên Sa không do dự rút ví ra là chứng minh được rằng “tất cả mọi người, kể cả những người nặng ký như Siu hay Minh béo đều có thể khiêu vũ!”.

Mà khiêu vũ là rất tốt, là phương thuốc chữa bệnh béo phì cho người lỡ ăn quá nhiều, là thú ăn chơi tao nhã không kém gì các tay gôn! Dân ta tập chơi sang đi là vừa. “Đã thành công như thế thì tại sao không tiếp tục!” - một quan chức nhà đài phấn khởi nói, nghe hào hùng như câu phán “không thể không làm!”.

Khiêu vũ là tuyệt vời, riêng tôi, tôi chân thành mong càng nhiều người nước mình biết khiêu vũ quốc tế càng tốt. Không chỉ vì chuyện sức khoẻ mà là văn hoá, người Việt mình ra nước ngoài ngày càng nhiều, ở chỗ ăn tiệc, dạ hội, người ta nhảy thì mình ngồi nghĩ mưu hay đứng xem như phỗng, thật khó nhìn, khó hoà nhập.

Thế nhưng, xem ra dư luận hậu “bước chân hoàn vũ” không được thuận chiều như thế. Chủ yếu không phải người ta ác cảm với khiêu vũ mà là cái giải. Báo chí và bạn đọc than là giải to quá mức, dân nuốt không vô!
Nhà tài trợ hào phóng với nhảy múa quá. “Trớ trêu là trong khi một số người vừa được ăn chơi nhảy múa - vừa được vinh danh - vừa được tiền thưởng thì còn có hàng trăm người đang vật lộn với cuộc sống” (báo NB&CL)

Nhiều người ca bài “Ước gì”. Ước gì giải học sinh giỏi vượt khó, nông dân giỏi, những chương trình “Vượt lên chính mình”, hay “Căn nhà mơ ước” v.v… mà các nhà tài trợ cũng hào phóng như vậy”.

Nói thế cũng hơi quá, hơi oan cho các cặp nhảy và các bạn thích nhảy. Người thích nhảy, mê nhảy, người có tiền thích trao giải, to hay nhỏ tuỳ thích vì đây là tiền của họ. Người tổ chức thấy có lợi cho mình, nhà đài thêm tiền quảng cáo thì hăng hái cổ vũ. Đó là cái lý cũng là cái quyền của những người đó.

Chắc họ đều là những người có chỉ số IQ cao, tính toán giỏi, biết bỏ cá rô bắt cá sộp chứ đâu phải làm cho vui! Ngay làm từ thiện mà kết hợp mục đích “đánh bóng tên tuổi” hay “quảng cáo” cũng tốt vì dù sao cũng đỡ chút cho người nghèo khổ, kém may mắn, huống là…

Tuy nhiên, đây lại là chuyện văn hoá ứng xử trong cộng đồng, đó là chuyện cái tình. Khiêu vũ tốt, đáng khuyến khích. Nhưng chắc là không nên khiêu vũ trong sảnh của bệnh viện u bướu, nơi bệnh nhân và người nhà chia nhau từng xăngtimét hành lang.

Giả sử có một số cặp nhảy đưa nhau đi dã ngoại, liệu họ có nên hạ trại bên bờ sông Pô Cô, cạnh những sợi giây có các em nhỏ dùng ròng rọc qua sông để nhảy rumba, tango với những cái váy xẻ ngang xẻ dọc?

Tiếc rằng khiêu vũ quốc tế tuy đáng khuyến khích nhưng chưa thể thành “phong trào” vì nước ta còn nghèo quá. Ai nói nước ta không nghèo xin mời lên bản Pác Củng, đến sông Pô Cô hay về ngay cả mạn Sóc Trăng, Bạc Liêu thăm “nhà đá nhà đạp” của nông dân

Bạn có thể bỏ ra vài tỉ đồng để mua một viên kim cương đeo chơi, đó là quyền của bạn. Nhưng liệu bạn có nên mang nó về quê, đến nhà những người bà con nghèo đang méo mặt vì chưa kiếm ra vài chục ngàn trả học phí cho con? Nếu viên kim cương trên tay bạn biết cảm xúc và thông minh (như người ta nói là chỉ số EQ cao), có thể nó sẽ không nhấp nháy sáng. Cái lý, cái tình là vậy.

Nguyễn Quang Thân
Soucre: http://www.laodong.com.vn/Home/Giai-thuong-tinh-va-ly/20107/192093.laodong