PDA

View Full Version : Dự án Hướng Nghiệp VIE Thanh Niên



vnnguyendung
22-10-2009, 15:52
Dự án này là một dự án mang tính cộng đồng, mang tính nhân văn, có tác động phát triển giáo dục nước nhà. Vì vậy vnnguyendung xin được đăng tải lên đây để mọi người cùng phản biện, hỗ trợ chúng tôi xây dựng, phát triển các giải pháp và chung sức thực hiện dự án này. Nếu bạn cần gặp trực tiếp để trao đổi hoặc hỗ trợ xin liên lạc:

Chủ nhiệm: Nguyễn Tiến Dũng
Email: vnnguyendung@gmail.com
ĐT: 0902883807

DỰ ÁN HƯỚNG NGHIỆP
VIE Thanh Niên

THỰC TRẠNG VÀ YÊU CẦU THỰC TẾ:

Hướng nghiệp là một hoạt động không thể thiếu dành cho học sinh. Đã có nhiều phân tích của các nhà nghiên cứu giáo dục, các cơ quan giáo dục chỉ ra những thực trạng đang còn tồn tại trong công tác hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp hiện nay:

- Thiếu nguồn thông tin hướng nghiệp chi tiết cung cấp đến học sinh và các đối tượng cần hướng nghiệp khác: thiếu các thông tin về học nghề, đào tạo nghề, định hướng nghề, các chỉ dẫn nghề nghiệp cần thiết, thiếu thông tin về các chương trình đào tạo. Thông tin thiếu chi tiết và không đầy đủ gây lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành học, chọn nghề nghiệp tương lai.

- Hoạt động tư vấn và định hướng đã có nhưng mới chỉ tiếp cận đến một lượng nhỏ học sinh. Các học sinh ở vùng sâu vùng xa, các học sinh có điều kiện khó khăn lại chưa được tiếp cận các hoạt động định hướng và tư vấn hướng nghiệp.

- Sau mỗi kỳ thi tuyển sinh, một lượng lớn thí sinh không trúng tuyển vào đại học, cao đẳng. Những thí sinh này gặp lúng túng và khủng hoảng về con đường tương lai của bản thân. Họ rất cần được tư vấn định hướng, tư vấn để tìm được hướng đi tương lai thật phù hợp, tuy nhiên hiện tại chưa có các hoạt động tư vấn và hỗ trợ dành cho các đối tượng này.

- Đối tượng nông dân nông thôn và công nhân lao động chưa được đào tạo không tìm được các thông tin và cũng không tìm được cơ hội để theo đuổi các chương trình đào tạo nghề nghiệp. Đối tượng này rất cần được tiếp cận nguồn thông tin, tiếp cận các cơ hội để họ có thể phấn đấu theo đuổi một nghề nghiệp hướng đến tương lai vững chắc hơn. Nhiều người có khát khao học tập lại thiếu khả năng tài chính, thiếu sự hỗ trợ cần thiết để theo đuổi. Thực tế hiện nay các hoạt động định hướng và hướng nghiệp dành cho đối tượng này chưa có bước tiến triển phù hợp.

- Nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu có nguyên nhân chính là công tác giáo dục hướng nghiệp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Giáo dục hướng nghiệp ở bậc THCS chỉ chiếm 0,91%, THPT: 1,77%, do vậy, hầu hết HS phổ thông phải bước vào sự chọn lựa nghề hết sức khó khăn. Theo điều tra của Viện Khoa học giáo dục, hằng năm ở nước ta tuyển vào bậc trung học phổ thông trên 400 nghìn học sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông có khoảng 19,7% học sinh vào học ở các trường đại học, cao đẳng, 7,4% vào các trường trung học chuyên nghiệp và chỉ có 4,9% đi học nghề. Như vậy, mỗi năm nước ta có 200-300 nghìn học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học và 50 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS bổ sung vào lực lượng lao động xã hội mà chưa hề được hướng nghiệp và được đào tạo sau hướng nghiệp.

Các hoạt động hướng nghiệp không hiệu quả dẫn tới một lực lượng lao động không có định hướng rõ ràng, do vậy họ theo đuổi các ngành nghề không phù hợp, gây lãng phí cho quá trình đào tạo, làm ảnh hướng lớn đến năng suất lao động, cản trở sự phát triển về kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc gia, sức mạnh dân tộc.

Xu thế thay đổi và phát triển của thời đại đặt ra yêu cầu lớn cho công tác giáo dục hướng nghiệp hiện tại của Việt Nam, đòi hỏi công tác hướng nghiệp phải có những bước đi hiệu quả hơn. Những bước đi ấy cần được khởi động và bắt đầu ngay từ hôm nay. Nếu chúng ta không tự bắt tay vào làm ngay từ bây giờ, thì không biết đến bao giờ công tác hướng nghiệp mới được phát triển, và như thế những thực trạng như trên vẫn còn tiếp tục tồn tại.

Dự án Hướng Nghiệp VIE Thanh Niên đang đặt nền móng ban đầu để tháo gỡ những nhược điểm và thực trạng còn tồn tại trong công tác hướng nghiệp. Và xa hơn nữa là cùng tập hợp mọi nguồn lực để phát triển công tác hướng nghiệp.

NHIỆM VỤ của Dự án Hướng Nghiệp VIE THanh Niên:
Phối hợp các nguồn lực để xây dựng, thực hiện các chương trình nhằm hỗ trợ thanh niên chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động) ở cấp độ địa phương và quốc gia.

Một số thông tin liên quan:
Tên của dự án: Ban đầu dự án có tên là Dự án Hướng Nghiệp, tuy nhiên đây là một cái tên quá chung chung, do đó cần một cái tên cụ thể hơn để phân biệt với các chương trình hướng nghiệp khác. Vì vậy sau này dự án có tên là: Dự án Hướng Nghiệp VIE Thanh Niên, với những từ viết hoa ghép lại là VIETN, một phần của chữ VIETNAM, VIE tra trong từ điển tiếng anh là thi đua, còn theo từ điển tiếng pháp là đời sống, lối sống, nghề..., Và cái tên VIE Thanh Niên thể hiện rằng đây là những hoạt động dành cho thanh niên, hướng đến một giá trị tốt hơn cho cuộc sống tương lai.


Đối tượng của dự án:

Trong nhiệm vụ đã đề cập đến đối tượng chính là thanh niên, tuy nhiên đối tượng cần được phân chia cụ thể hơn, việc xác định đối tượng ở mức độ cụ thể hơn là trọng điểm để triển khai các mục tiêu thực hiện. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi phân ra thành các đối tượng cụ thể như sau:
- Đối tượng thanh niên là học sinh phổ thông, đối tượng này có nhiều điều kiện để tìm được định hướng tương lai.
- Đối tượng thanh niên chưa trải qua quá trình đào tạo ngành nghề và hiện tại không còn đi học: bao gồm thanh niên làm nông dân, thanh niên là công nhân đang lao động giản đơn tại các công ty, và thanh niên không nghề nghiệp. Hiện tại lực lượng thanh niên là công nhân và nông dân chưa qua đào tạo chiếm số lượng khá đông, lực lượng này tham gia phần lớn vào quá trình sản xuất, nhưng lại có ít điều kiện và cơ hội để phấn đấu theo đuổi một ngành nghề ổn định, đời sống khó khăn. Thường là có tay nghề thấp, ít có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Đối tượng thanh niên đang theo học tại các trường đào tạo ngành nghề, đối tượng này mặc dù đã theo học một ngành nghề, tuy nhiên cần phải bổ sung định hướng và động lực cần thiết để nâng cao tầm chuyên môn.

Tuy nhiên: khi trao đổi với những chuyên gia thực hiện các dự án xã hội, giáo dục thì điều quan trọng là: phải xác định chính xác đối tượng cần tác động. Trong hướng nghiệp, yếu tố địa phương không thể nào bỏ qua vì mỗi địa phương có cơ cấu kinh tế xã hội giáo dục khác nhau. Do đó trong phần đối tượng phía trên cần bổ sung đối tượng là thanh niên địa phương.

[=========> Bổ sung bài viết <=========]

III. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chính:
- Nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận giáo dục hướng nghiệp.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác hướng nghiệp.
• CSDL thông tin ngành nghề.
• CSDL thông tin cơ sở đào tạo .
• CSDL thông tin nguồn nhân lực.
- Xây dựng và phát triển kênh thông tin phục vụ thực hiện Dự án Hướng Nghiệp, thực hiện phổ biến thông tin giáo dục & hướng nghiệp.
- Hướng nghiệp bậc trung học phổ thông.
- Hướng nghiệp thanh niên chưa qua đào tạo nghề nghiệp.
- Hỗ trợ phát triển chuyên môn nghề nghiệp và hỗ trợ xây dựng môi trường đào tạo nghề nghiệp.
- Định hướng phát triển nguồn nhân lực, phân phối nguồn nhân lực, phân luồng hướng nghiệp.


2. Làm rõ các MỤC TIÊU
2.1 Nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận giáo dục hướng nghiệp
Trong tất cả các hoạt động thực tiễn đều phải dựa vào lý luận trên cơ sở khoa học để soi đường, dẫn hướng. Cũng như các khoa học khác, giáo dục hướng nghiệp cần có lý luận soi đường, lý luận này được hình thành trên cơ sở các khoa học giáo dục đã phát triển trước đó. Lý luận giáo dục hướng nghiệp vững chắc vạch ra đường lối, định hướng phát triển giáo dục hướng nghiệp, vạch ra con đường thực hiện Dự án Hướng nghiệp.
Các vấn đề lý luận hướng nghiệp cần nghiên cứu:
- Làm rõ các vấn đề khoa học của giáo dục hướng nghiệp
- Đề xuất các phương án thực hiện giáo dục hướng nghiệp, thực hiện dự án hướng nghiệp
- Hoạch định phương hướng phát triển giáo dục và giáo dục hướng nghiệp

2.2 Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thông tin phục vụ công tác hướng nghiệp:
Trong công tác hướng nghiệp, thông tin đóng vai trò rất quan trọng, có tầm ảnh hướng lớn đến các hoạt động tư vấn và định hướng nghề nghiệp. Nguồn thông tin hướng nghiệp tốt đảm bảo sự hiệu quả của chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, và ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của người lựa chọn.
Cơ sở dữ liệu nguồn thông tin phục vụ công tác hướng nghiệp:
a/ CSDL thông tin ngành nghề:
Để chọn nghề, xác định nghề nghiệp và xác định sở thích nghề nghiệp trước hết phải nắm được các thông tin về ngành nghề muốn theo đuổi. Với người lựa chọn ngành nghề, càng nắm được nhiều thông tin về ngành nghề, sở thích, đam mê ban đầu cũng được rõ ràng hơn và cơ hội chọn lựa ngành nghề càng mở rộng. Nguồn thông tin tìm hiểu nghề nghiệp là nguồn thông tin căn bản ban đầu trong quá trình định hướng nghề nghiệp của người lựa chọn. Vì vậy Dự án đặt mục tiêu xây dựng CSDL thông tin giới thiệu về tất cả các ngành nghề hiện có tại Việt Nam.
Thông tin về các ngành nghề bám sát khung giới thiệu ngành nghề của các tài liệu phục vụ giáo dục hướng nghiệp ở bậc học phổ thông. Đồng thời bổ sung các thông tin trên phương diện phân tích ngành nghề theo các phương pháp phân tích để xây dựng ngành nghề.
b/ CSDL thông tin nguồn nhân lực
Để đưa ra quyết định chọn ngành nghề để theo đuổi, cá nhân phải kết hợp nhiều điều kiện với nhau, ngoài việc hiểu biết cơ bản các ngành nghề, người chọn lựa cũng cần phải nắm rõ cơ cấu các ngành nghề và nhu cầu nguồn nhân lực tại các địa phương để đảm bảo có công việc và thu nhập ổn định trong tương lai. Vì vậy, Dự án Hướng nghiệp đặt mục tiêu xây dựng CSDL thông tin về nhu cầu nhân lực, cơ cấu ngành nghề, định hướng phát triển của các địa phương và trong cả nước.
Thông tin nguồn nhân lực bám sát các chính sách và định hướng phát triển của nhà nước, cũng như chiến lược phát triển bền vững của các tỉnh thành, địa phương.
c/ CSDL thông tin cơ sở đào tạo
Thông tin về cơ sở đào tạo hỗ trợ cá nhân tìm được cơ sở đào tạo để theo đuổi ngành nghề phù hợp nhất với những điều kiện của cá nhân: điều kiện sống, kinh tế, có muốn phục vụ ở địa phương hay không,… Vì vậy, Dự án Hướng Nghiệp đặt mục tiêu xây dựng CSDL thông tin giới thiệu về các cơ sở đào tạo

2.3 Xây dựng và phát triển kênh thông tin phục vụ thực hiện Dự án Hướng Nghiệp và phổ biến thông tin, thực hiện hướng nghiệp.
Kênh thông tin mang thông tin hướng nghiệp và các hoạt động giáo dục hướng nghiệp tiếp cận đối tượng của mình. Các kênh thông tin:
- Kênh thông tin qua internet
- Kênh thông tin trực tiếp
- Kênh thông tin qua báo chí và truyền hình, và các phương tiện khác…

2.4 Hướng nghiệp trung học phổ thông
Xây dựng và thực hiện quy trình hướng nghiệp dành cho học sinh bậc trung học phổ thông. Định hướng nghề nghiệp bậc trung học phổ thông đảm bảo học sinh có những hiểu biết về tất cả các ngành nghề đào tạo, có đủ kiến thức và khả năng để tự quyết định ngành nghề để theo đuổi. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ học sinh tìm được cơ sở đào tạo phù hợp nhất để theo đuổi ngành nghề đã chọn lựa.

2.5 - Hướng nghiệp thanh niên chưa qua đào tạo nghề nghiệp.
Xây dựng và thực hiện quy trình hướng nghiệp dành cho thanh niên chưa qua đào tạo tại các địa phương: bao gồm thanh niên lao động nông nghiệp, và thanh niên là công nhân đang lao động tại các khu công nghiệp. Dự án xây dựng các hoạt động hỗ trợ thanh niên lao động nông nghiệp tiếp cận các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn sản xuất nông nghiệp, tiến đến thực hiện lao động sản xuất nông nghiệp có khoa học, áp dụng hiệu quả công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp. Dự án xây dựng các hoạt động hỗ trợ thanh niên là công nhân chưa qua đào tạo nghề nghiệp tiếp cận thông tin, tiếp cận các cơ hội để phấn đấu theo đuổi nghề nghiệp, tiến đến được đào tạo để đạt được chuyên môn nghề nghiệp cao hơn, có việc làm với thu nhập ổn định.

2.6 Phát triển chuyên môn nghề nghiệp và hỗ trợ xây dựng môi trường đào tạo nghề nghiệp
Hỗ trợ và tác động xây dựng môi trường đào tạo nghề nghiệp chuyên nghiệp, trực tiếp và gián tiếp tác động đến người đang được đào tạo để họ có động lực học tập, phát triển các kỹ năng mềm, phương pháp làm việc, từ đó họ có thêm nền tảng để phát triển chuyên môn nghề nghiệp. Nghiên cứu tác động nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình đào tạo nghề nghiệp. Xây dựng các hoạt động hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho người học trong quá trình học.

2.7 Định hướng phát triển nguồn nhân lực và phân phối nguồn nhân lực
- Phản biện và đề xuất phát triển cơ cấu ngành nghề và cơ cấu nguồn nhân lực tại địa phương.
- Phối hợp phân luồng đào tạo nghề nghiệp
- Thực hiện phân phối nguồn nhân lực: giải quyết tìm việc làm cho các đối tượng sau khi được đào tạo, đồng thời xây dựng một chu trình liên kết chặt chẽ giữa hướng nghiệp – đào tạo – việc làm.