PDA

View Full Version : Đầu ra



meoden8x
12-10-2009, 14:07
Hậu quả của quá trình đào tạo đặt nặng đầu vào mà thiếu sàng lọc đầu ra là hơn phân nửa sinh viên tốt nghiệp đại học không đủ khả năng làm việc trong lĩnh vực mình được đào tạo và là nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

LTS: Thưa quí vị độc giả, bắt đầu từ hôm nay, Tuần Việt Nam có thêm chuyên mục: NGƯỜI QUAN SÁT, xuất bản vào sáng thứ Hai hàng tuần.

NGƯỜI QUAN SÁT sẽ mang đến cho quí vị những góc nhìn thú vị của đời sống thường nhật, những chuyện có thể ai đó sẽ nói rằng, biết rồi, khổ lắm, nhưng vẫn cần phải lên tiếng và cần được lắng nghe.

Xin được giới thiệu bài viết đầu tiên với tựa đề: Đầu ra của nhà báo Trần Trọng Thức.

Điệp khúc hàng chục năm qua của ngành giáo dục nước ta là cải cách, với mục tiêu đào tạo nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công cuộc phát triển đất nước thời kỳ đổi mới. Vậy mà ngoại trừ chuyện học phí theo cơ chế thị trường, thì từ chương trình đến cách học vẫn chưa thoát ly được cái vỏ bao cấp, mà rõ nét nhất là bao cấp đầu ra.

Chúng ta đã tốn quá nhiều giấy mực và thời gian cho những cuộc hội thảo tổ chức thường xuyên để tìm con đường mới cho sự nghiệp trồng người. Trong khi chưa có được lối thoát, thôi thì hãy làm một chuyện có vẻ dễ dàng hơn, đó là cải thiện đầu ra ở đại học.

Để có được đầu ra tốt thì quá trình học không phải là những tháng năm nhồi nhét các loại kiến thức sáo mòn. Thầy giáo đến lớp chỉ là người gợi ý, hướng dẫn, còn sinh viên phải chủ động học hỏi, không phải học vẹt mà là hiểu ra và nắm bắt vấn đề, đồng thời thông qua việc nghiên cứu thêm, người sinh viên nâng cao được trình độ nhận thức.

Bổ sung cho chương trình học là những điển cứu (case study) tạo điều kiện cho sinh viên trong việc đi tìm giải pháp và thường đó là những bài học rất thú vị. Đầu ra của trường đại học được quyết định qua những lần khảo hạch trong năm theo tinh thần đào tạo như vậy.

Được trang bị kiến thức là một nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Do đó ở nhiều nước, ngoại trừ các đại học đào tạo nhân lực theo chỉ tiêu kế hoạch, các đại học phổ thông thường mở rộng đầu vào để ai cũng có cơ hội đến với tri thức, nhưng đầu ra thì phải khắt khe vì đặt nặng nhiệm vụ nâng cao dân trí.

Cuộc cạnh tranh giành sinh viên giữa các trường đại học diễn ra qua chất lượng dạy và học, ưu thế tìm được việc làm thuộc về sinh viên xuất thân từ một đại học có uy tín, có bề dày lịch sử. Tất nhiên các đại học như vậy rất chú trọng đến đầu ra có chất lượng, cách làm tốt nhất để bảo vệ uy tín của mình. Trong vòng hai năm đã lấy đủ tín chỉ hay phải mất năm, bảy năm mới hoàn thành một chương trình học bốn năm, thì đó là chuyện của người học, không phải chuyện của nhà trường.

Ở nước ta chuyện đầu vào đầu ra có phần khác thiên hạ. Chúng ta quan tâm đầu vào nhiều hơn bằng những chỉ tiêu tuyển sinh khắt khe vì cổng trường đại học quá hẹp, nhưng lại buông lỏng đầu ra. Một khi đã chật vật bước chân được vào ngưỡng cửa đại học, đa phần sinh viên đều yên tâm... thế nào cũng ra trường, miễn là học hành không quá tệ, như một câu chuyện kết thúc có hậu.

Hậu quả của quá trình đào tạo đặt nặng đầu vào mà thiếu sàng lọc đầu ra là hơn phân nửa sinh viên tốt nghiệp đại học không đủ khả năng làm việc trong lĩnh vực mình được đào tạo và là nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Điều này cũng giải thích tại sao cho đến nay chưa MỘT trường đại học nào của chúng ta có tên trên các bảng xếp hạng phổ thông thường kỳ của các đại học có phẩm chất ngay tại Á Châu, chứ chưa nói gì đến thế giới.

http://www.tuanvietnam.net/assets/Uploads/images1549664images1548036giotay.jpg

Để có được đầu ra tốt thì quá trình học không phải là những tháng năm
nhồi nhét các loại kiến thức sáo mòn. Ảnh: Vietnamnet

Bậc trên đại học cũng có vấn đề của đầu ra. Giáo sư Trần Văn Thọ, đang dạy học ở Nhật và từng hướng dẫn rất nhiều sinh viên làm luận án tiến sĩ, trong một bài viết mấy năm trước đây cho rằng: "Trình độ của ứng cử viên tiến sĩ được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án.

Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải hội đủ hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành. Và thứ hai là tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới".

Đó là chuyện khó khăn về đầu ra ở nước ngoài, còn ở ta, có đáng buồn không khi Việt Nam bị chế giễu là nước có tiến sĩ nhiều nhất thế giới tính theo bình quân đầu người!

Cách đây mấy năm, trong một hội nghị hiệu trưởng các trường đại học miền Trung-Tây Nguyên, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học, đã làm các đại biểu cười ra nước mắt khi kể lại câu chuyện một nghiên cứu sinh của một học viện thuộc quân đội đã xin làm luận án tiến sĩ với đề tài: "Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc".

Còn Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã kể rằng: "Có lần tôi gặp hiệu trưởng một trường đại học có uy tín về đào tạo tiến sĩ. Tôi hỏi trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh ở trường có gì mới không. Vị hiệu trưởng này trả lời không có gì mới cả, vì những cái mới, thế giới đã làm hết rồi."

Tình trạng xem nặng đầu vào, xem nhẹ đầu ra biết đến bao giờ mới chấm dứt khi bằng cấp vẫn còn là thước đo giá trị nguồn nhân lực, lại được sự hỗ trợ của chủ nghĩa thành tích và người bạn đồng hành là kế hoạch "tiêu chuẩn hóa cán bộ" phần nào khiên cưỡng. Đó là lý do tại sao tệ nạn "mua bằng, chạy điểm" vẫn còn có chốn dung thân.

Trần Trọng Thức