PDA

View Full Version : Khai tử rừng phòng hộ để làm khu công nghiệp



Mainboard
30-09-2009, 17:30
Khai tử rừng phòng hộ để làm khu công nghiệp
SGTT - Hàng trăm hécta rừng phòng hộ vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Long An, Tiền Giang đang bị chính quyền “khai tử” để xây dựng các khu công nghiệp (KCN), bất chấp hậu quả.

Năm 2007, khi công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển công nghiệp tàu thuỷ phía Nam, một công ty con của tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin được UBND tỉnh Tiền Giang giao 285ha đất ở hai xã Gia Thuận và Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) để xây dựng nhà máy đóng tàu, khu cảng biển, KCN phụ trợ cho ngành đóng tàu, ngay lập tức cả vùng rừng phòng hộ rộng hàng trăm hécta bị “khai tử”.

Thi nhau “xẻ thịt” rừng phòng hộ

Phong trào “xẻ thịt” rừng phòng hộ để làm KCN đang diễn ra ồ ạt ở vùng duyên hải hai tỉnh Tiền Giang, Long An. Tại Tiền Giang, sau khi gần 300ha rừng phòng hộ bị san thành bình địa để xây dựng KCN đóng tàu, tỉnh này đang chuẩn bị phá thêm hơn 300ha rừng ở các xã Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng để giao đất cho các dự án công nghiệp tầm cỡ: tổng kho dầu khí Soài Rạp – Petro Mekong, KCN tàu thuỷ Soài Rạp, tổng kho xăng dầu Thuận Tiến…


http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2009/0929/57538/618.jpg
Hàng trăm hécta rừng phòng hộ ở khu vực Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)
đã bị phá sạch để làm khu công nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn là những bãi đất trống

Tuy nhiên, hồi tháng 3.2008, ông Nguyễn Hữu Chí, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc bấy giờ (nay là thứ trưởng bộ Tài chính), cho biết tổng diện tích đất vùng duyên hải Gò Công được các nhà đầu tư thoả thuận thuê lên đến 6.000ha. Nếu đúng như vậy, trong tương lai gần sẽ tiếp tục có thêm hàng ngàn hécta rừng phòng hộ bị xoá sổ để mở các KCN. Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi Tiền Giang, đơn vị được giao chức năng quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và đê biển, cho biết hàng trăm hécta rừng phòng hộ đã bị phá (và sắp bị phá) là rừng trồng hỗn giao gồm các loại cây bần, đước, mắm, dừa nước… đã được 7 – 8 năm tuổi, chi phí trồng khoảng 5 triệu đồng/ha, giá trị kinh tế hiện nay khoảng 10 triệu đồng/ha, được phép khai thác theo phương pháp tỉa thưa nhưng không được phép phá trắng, bởi nó có tác dụng bảo vệ đê biển chống sự tàn phá của triều cường, gió bão.

Ở Long An, huyện Cần Giuộc là nơi được tỉnh quy hoạch nhiều dự án công nghiệp ven biển. Chỉ riêng tại xã Phước Vĩnh Đông, toàn bộ ấp Vĩnh Thạnh rộng khoảng 500ha nhưng đã có 482ha đất được giao cho các công ty Shin Petro (thuộc tập đoàn Vinashin), tổng công ty lắp máy Lilama, xí nghiệp Caric TP.HCM… làm KCN đóng tàu, cảng biển, đô thị, biệt thự cao cấp. Theo ông Phạm Văn Biền, phó chủ tịch UBND xã, khu vực ấp Vĩnh Thạnh phần lớn là đất rừng phòng hộ xen ao nuôi thuỷ sản, hiện tại chỉ mới có xí nghiệp Caric san lấp được hơn 30ha đất ở khu vực tổ 13, nhưng khi toàn bộ các dự án công nghiệp được triển khai xây dựng, chắc chắn sẽ có thêm hàng trăm hécta rừng bị phá bỏ.

Bất chấp hậu quả

Nếu tính chi phí trồng một hécta rừng phòng hộ là 5 triệu đồng, giá trị rừng từ bảy năm tuổi trở lên là 10 triệu đồng, thiệt hại đo đếm được đã lên đến hàng chục tỉ đồng trên những diện tích rừng đã bị san thành bình địa ở Long An, Tiền Giang. Một điều lãng phí khác là hiện nay trên những khu vực rừng phòng hộ đã bị “khai tử” để xây KCN, chưa có một dự án nào hình thành, đất đai đang bỏ trống. Nhưng tác hại ghê gớm nhất là những khu vực này không còn khả năng giảm thiểu sức tàn phá của thiên tai (sóng, gió, triều cường, bão, nước biển dâng cao), hệ thống đê biển bị đe doạ nghiêm trọng.

Theo nhiều nhà khoa học thuỷ lợi, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ bị tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao kèm theo nhiều thiên tai khó lường, trong đó vùng duyên hải hai tỉnh Tiền Giang, Long An là khu vực bị ảnh hưởng khá nặng nề. Việc các tỉnh này thi nhau “khai tử” rừng phòng hộ để xây KCN là hết sức nguy hiểm, khi thiên tai xảy ra, hàng chục ngàn gia đình ở vùng duyên hải sẽ lãnh đủ mọi hậu quả.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết ngành thuỷ lợi chỉ có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, việc cho phép phá rừng làm KCN là quyền của UBND tỉnh. Còn theo ông Nguyễn Văn Sẽ, phó trưởng phòng Pháp chế chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, một khi UBND tỉnh cho phép phá rừng phòng hộ trên diện tích hàng trăm hécta để xây dựng các KCN thì… kiểm lâm không dám có ý kiến.


Tay phá tay trồng

Điều tréo ngoe là, trong lúc tỉnh Tiền Giang ồ ạt san thành bình địa hàng trăm hécta rừng phòng hộ để lấy đất làm công nghiệp thì mới đây, Chính phủ lại nâng cấp đê biển Gò Công cho tỉnh này với kinh phí 1.400 tỉ đồng, trong đó có hạng mục trồng mới hơn 100ha rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, với chiều dày rừng tối thiểu là 200m tính từ chân đê, để hệ thống đê – rừng có thể ngăn triều cường, chống nước biển dâng, chống được bão cấp 10, bảo vệ an toàn cho 54.000ha đất canh tác và cuộc sống của hàng chục ngàn gia đình.

bài và ảnh Hùng Anh