PDA

View Full Version : MỘT NGƯỜI DÂN CHÂU ĐỐC - Vũ Thất



tranvu007
19-08-2009, 08:14
Vô tình tìm tour đi CẦN THƠ - CHÂU ĐỐC lụm lặt được bài này .... đọc xong muốn chảy nước mắt ...



MỘT NGƯỜI DÂN CHÂU ĐỐC

Vũ Thất

Chiếc Jeep cặp vào lề, dừng lại. Tôi bước xuống, đứng sau vài người đang xếp hàng. Bên kia xe bánh mì là một cô gái còn rất trẻ, rất dễ thương. Đôi bàn tay của cô đang vẻ những động tác nhanh nhẹn, uyển chuyển, chính xác. Một tay cầm ổ bánh, tay kia cầm con dao nhỏ, xẻ đôi, bỏ dao xuống, nhét thịt, nhét dưa leo, đồ chua , rắc tý tiêu muối, đặt ổ bánh lên tờ giấy trắng, gói gọn gàng, quấn vòng một sợi dây thung rồi trao cho người mua. Vừa khi người khách cầm ổ bánh, cô bé nở nụ cười rạng rỡ kèm lời cám ơn ngọt ngào. Rõ ràng nụ cười xã giao đó dành cho người kia mà sao tim tôi bỗng rung động bồi hồi. Tôi chợt hiểu rằng mình chưa thể rời ngay Châu Đốc. Sau khi nhận ba ổ bánh kèm với nụ cười, lời cám ơn, tôi dứt khoát ngoắc hai người trên xe – một tài xế, một hộ tống - ra hiệu cùng vào quán.

Tối thứ bảy, nhà hàng đông khách. Chúng tôi được hướng dẫn ngồi vào bàn ngoài cùng, cạnh xe bánh mì. Tôi mở gói giấy, chia mỗi người một ổ bánh và bào chữa rằng tự nhiên thèm bia quá. Tôi gọi một chai 33. Hai anh lính gọi cà phê. Cô bé đang đứng cách tôi rất gần. Tôi muốn gợi chuyện mà cô đang bận túi bụi. Thấy có chữ in trên tờ giấy gói vừa mở, tôi giũ các mảnh vụn cầm lên đọc: LƯU LUYẾN. Kiểu chữ đẹp, khá to, màu xanh. Bên dưới in hai hàng chữ nhỏ hơn: “ Điểm tâm, giải khát nơi đây. Quán ăn Lưu Luyến, 52 Bạch Đằng”. Tôi vừa nhai vừa gật gù. Hai câu thơ ngắn gọn mà đầy đủ. Lại rất hữu ích...cho tôi. Chỉ cần biết thêm tên cô bé là tha hồ viết thư.

Tôi nhìn cô bé, chỉ thấy phía lưng, không thấy nụ cười. Buồn tình, tôi bắt chuyện với người đàn bà đang ngồi thoăn thoắt xé thịt gà ram:

- Thưa bác, bác là thế nào trong tiệm này.

- Dạ, tôi là...chủ.

Tôi giật mình chăm chú nhìn người đàn bà. Khuôn mặt tròn, phúc hậu, tuổi khoảng trên bốn mươi. Bà đang nhìn tôi, cười mỉm hiền từ. Đó là nụ cười của cô bé. Không biết có phải tại rượu không mà tôi bậc miệng một cách mau mắng:

- Vậy cô bé đang bán bánh mì là ...con của bác?

- Nó là con gái tôi.

Tôi hết nhìn bà rồi nhìn cô gái. Nước da của hai người đều trắng như nhau. Khuôn mặt cô bé mang những nét đẹp của bà nhưng đậm vẻ Trung Hoa. Tôi nhớ đến người đàn ông Tàu trung niên ngồi ở quầy phía trong, lúc còn tìm chỗ ngồi. Chính ông hướng dẫn tôi đến bàn này kèm với câu xã giao tiếng Việt điệu nghệ: mời đại úy ngồi đỡ ở đây, xin cảm phiền. Tôi quay nhìn vào. Ông vẫn ngồi đó, đang tính tiền.Tôi lại buộc miệng:

- Vậy ông ngồi trong kia là ...

Sợ mình nói hớ tôi chợt im lặng. Bà lại mỉm cười, giọng khoan hòa:

- Ổng là chồng tôi.

Tôi đăm ra lúng túng, nâng ly bia, uống cạn một hơi. Tôi gọi chai thứ nhì. Bụng đói làm vị bia ngon ngọt nhưng cũng làm chếch choáng. Tôi hít hai ba hơi thuốc. Lấy lại được bình tĩnh, tôi đổi đề tài, hy vọng chiếm được cảm tình:

- Hai câu thơ Lưu Luyến thật đầy đủ ý nghĩa. Chắc bác là tác giả?

- Không, của con tôi.

- Của cô đó hả bác?

- Không phải, đứa khác...

Tôi nhìn đồng hồ. Mới đó mà nửa giờ đã trôi qua. Đưa tiền cho anh tài xế lo việc thanh toán, tôi nhặt chiếc mũ, rời khỏi ghế, bước sang ngồi cạnh bà rồi nói một cách mạnh dạn:

- Thưa bác, xin bác cho cháu nộp một lá đơn...

Bà ngưng xé thịt, ngẩn lên, ngạc nhiên:

- Đơn từ gì ?

Tôi nói chầm chậm một cách nghiêm túc:

- Thưa bác, xin bác vui lòng cho cháu được nạp lá đơn xin cưới cô đang bán bánh mì...

Bà lại nở nụ cười hiền hòa nhưng nói bằng giọng trách móc:

- Xin đừng nói giởn đại úy ơi.

Tôi đổi giọng thành khẩn:

- Thưa bác, cháu nói thật.

- Nói thật cũng không được. Nó còn con nít, mới mười sáu tuổi.

- Cháu sẽ chờ, đến bao lâu cũng được.

Bà đứng lên, trao thau thịt đã xé xong cho cô bé, nói từ tốn mà dứt khoát:

- Đại úy say rồi, nên về nghỉ đi.

Cái từ “gửi đơn” của tôi và cái chữ “say” của bà vừa đủ tác dụng để gây cho tôi vô vàn khó khăn sau đó. Tôi mua thêm hai ổ bánh nữa, chỉ với mục đích nhìn thấy nụ cười. Nụ cười đó cứ chập chờn trong suốt đường về. Và nụ cười đó đã gây trong tôi nỗi đam mê hàng đêm trang trải tâm tư gửi về chủ nhân của nó. Mãi hai tháng sau tôi mới có dịp tận mắt ngắm lại nụ cười.

Tôi đến hơi sớm trong bộ thường phục. Trời chưa tối, quán chưa đông. Bà mẹ cô bé đang ngồi xẻ dưa leo thành từng miếng nhỏ trên chiếc bàn tôi ngồi lần trước. Tôi bước lại gần ngõ lời chào. Bà cười cười gật đầu. Tôi xin lỗi lần trước say sưa thất lễ. Bà mỉm cười: “Có gì mà thất lễ. Buôn bán mà. Nghe đó, quên đó”. Chiếc xe bánh mì vẫn ở chỗ cũ nhưng cô bé chưa xuất hiện. Tôi muốn ngồi vào bàn của bà nhưng trên bàn bày biện đầy món thịt nguội dưa chua ... Ông chủ xuất hiện mời tôi ngồi ở chỗ tốt nhất. Tốt theo ý ông nhưng... tệ đối với tôi. Chỗ này cách quá xa cô bé. Tôi không dám uông bia. Rút kinh nghiệm, tôi gọi ly cà phê đá.

Cô bé xuất hiện từ phía trong, mắt nhìn thẳng, đi ngang qua các dãy bàn đến bên chiếc xe. Đợi cô chuẩn bị xong, tôi đứng lên, làm người khách mở hàng. Dường như cô bé không còn nhớ gì tôi. Dường như cô bé không biết tôi là tác giả mỗi ngày một lá thư ... Tôi không gợi ý. Một ngày nào cô bé sẽ biết. Tôi khuyên tôi đừng vội vàng. Dục tốc bất đạt. Cô bé quả chưa là...người lớn. Thời gian còn dài. Hãy tiếp tục viết thư mỗi ngày, hãy đi gặp cô bé mỗi tuần hai lần. Hãy kiên nhẫn...

Nhưng sau một năm vất vả làm con thoi Cần Thơ Châu Đốc, uống hàng trăm ly cà phê đá, ăn gấp đôi bánh mì paté gan nhưng sự việc chừng như...dậm chân tại chỗ. Mẹ cô bé vẫn ngồi xé thịt gà, xem tôi như một trong rất nhiều thực khách của nhà hàng. Có khá hơn là được ông chủ coi như một khách quen. Tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng. Đúng lúc đó, một cuộc gặp gỡ diễn ra khiến cho cái cảm giác thất vọng của tôi biến thành nỗi đau tuyệt vọng.

Một buổi chiều vắng khách, tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê chờ cô bé xuất hiện thì một bà cụ dáng dấp phương phi phúc hậu từ bên trong đi ra, dừng lại trước bàn tôi. Cụ ngõ ý muốn ngồi cùng bàn. Rồi cụ tự giới thiệu là bà ngoại của cô bé, khuyên tôi đừng đeo đuổi cô bé nữa mà nên tìm người khác. Cái lý do được nêu ra: cô bé không bằng lòng và cả nhà cũng không ai muốn cô bé có chồng làm ...lính.

Tôi còn nhớ tôi đã chết điếng, người lặng đi. Rồi tôi cũng đã cố gắng ngõ lời cám ơn bà cụ. Tôi nhớ là sau đó tôi đã gọi bia và uống cho tới giờ giới nghiêm. Tôi say gấp mấy lần buổi đầu gặp cô bé và uống như để bù lại lâu nay chỉ dám nhấm nháp cà phê, tỏ ra tư cách. Tôi bước đến bà mẹ, cố giữ giọng vui vẻ, tự nhiên: “Thưa bác, xin bác hiểu cho là cháu rất thật lòng. Chắc vì không duyên nợ. Từ nay cháu hết còn.. điểm tâm giải khát nơi đây”. Bà cười cười, giọng thân ái: “Mong đại úy không buồn phiền gì. Có dịp về đây, đại úy nhớ ghé uống bia”. Tôi quay qua cô bé, đặt mua một ổ bánh mì, nhận tiếng nói nụ cười lần cuối và ngỏ lời từ biệt....

Tôi trở về Cần Thơ sống những ngày buồn chán. Rồi tôi tình nguyện tham dự hành quân, muốn tìm quên qua những giây phút tử sinh. Tôi thật sự muốn tử nhiều hơn muốn sinh. Vậy mà tôi vẫn sống, vẫn mênh mang tưởng nhớ ... Cuộc hành quân chấm dứt, tôi lại về hậu cứ. Một chiều cuối tuần thảnh thơi, không cưỡng được, tôi lại vượt đoạn đường dài tìm lại nụ cười...

Tôi ngồi lặng lẽ uống bia, nghe nhạc, rất yên phận. Tôi nhất định không nhìn cô bé mà đâu đâu cũng thấy nụ cười. Tôi tự nhủ thầm: thôi thì cứ thế này cho tới khi gặp được một mona lisa khác. Hoặc cho đến khi cô bé lấy chồng...Ở đâu thì cũng uống bia, uống ở đây... ngon hơn. Không ngờ cái giải pháp bình dân đó lại là cái lý do chính đáng để tôi trở lại thân phận con thoi một tuần hai lần Cần Thơ Châu Đốc.

Nhiều tháng trôi qua rất êm đềm pha chút xót xa. Bỗng một đêm, bất chợt bà cụ lại xuất hiện. Bà cụ cười cười hỏi tôi có còn thương, có còn muốn cưới cô bé không. Tôi nghĩ bà cụ tưởng tôi đã quên nên hỏi cốt để ngõ lời chúc... mừng. Tôi không đành nói láo trước tuổi tác của cụ: ” Khổ cho cháu là càng thương hơn và càng muốn cưới”. Bà cụ vẫn cười cười, bảo “tội nghiệp” rồi vui vẻ nói tiếp mà thoạt nghe tôi tưởng như bà nói đùa: “Cháu về nhà nói với ba cháu coi xem ngày nào tốt có thể tiến hành đám nói”...

Một lần nữa, bà cụ đã làm tôi sững sờ, đứng tim. Về sau tôi mới biết từ đâu mà có ...phép lạ đó. Bà ngoại rất được con cháu thương yêu. Ai cũng sẵn sàng làm vui lòng bà. Khi mẹ cô bé lên mười tám, một người Tàu xin cưới. Giòng họ phản đối nhưng bà bằng lòng. Khi các cháu ngoại của bà vừa thành thiếu nữ, Bà cụ thấy mình có bổn phận chọn lựa các cháu rể theo ý mình. Mấy năm trước bà đã chọn cho hai người chị của cô bé. Với tôi, bà đã chê tôi lớn hơn cháu bà trên một con giáp, lại thiếu nét... đẹp trai, lại là lính tráng nhưng cuối cùng tôi được đậu vớt chỉ vì bà cảm động với tình thương tôi dành cho cô bé.

Mẹ có mười người con. Tính đến ngày ...bị giải phóng, trừ tôi đi tù cải tạo và 5 người con và rể thoát ra nước ngoài, thì mẹ ôm luôn một gia đình gồm chồng, con, dâu, cháu nội-ngoại, tổng cộng 12 miệng ăn! Cũng nên kể thêm miệng uống vì uống cũng là một vấn đề ...bức xúc trong xã hội mới. Xã hội mới không cho mẹ buôn bán để tiếp tục nuôi gia đình. Theo mệnh lệnh của cách mạng, muốn sống, gia đình mẹ phải đi vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, theo nhận định của mẹ, đi vùng kinh tế mới chẳng những không sống mà còn chết sớm.

Mẹ gom góp tài sản chuẩn bị ...tỵ nạn. Mẹ cho rằng đàng nào rồi cũng chết. Ở thì chết dần chết mòn. Đi thì có chết cùng chết một lượt. Hoặc là thoát chết mà có tương lai. Chuyến đi lần đầu gặp trở ngại, mất hết tiền của. Mẹ kiên trì gom góp, dành dụm, tổ chức chuyến thứ nhì nhiều tháng sau. Lần này đi thoát suông sẻ.

Đó không phải là thành tích đầu tiên trong đời mẹ. Mẹ đã từng làm những việc phi thường từ nhiều năm trước. Sau ngày lấy chồng, Mẹ bận rộn với những đứa con sanh năm một, năm hai. Lại thêm ngôn ngữ bất đồng, mẹ đã không giúp được gì cho công việc buôn bán nhiêu khê của chồng. Vì thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, hàng hóa thất thoát dần về tay người quản lý bất lương. Khi mẹ khám phá ra thì không còn đủ vốn để trở lại từ đầu. Thậm chí có ngày phải ăn cháo. Đây là lúc mẹ... ra tay. Ban ngày, mẹ gửi các con cho bà ngoại. Cùng với chồng, mẹ thu gọn tiệm thuốc bắc, dùng một nửa căn nhà để mở quán ăn sáng. Chẳng bao lâu, khách đến ăn mỗi ngày một đông. Ngược lại, khách mua thuốc mỗi ngày một vắng. Mẹ quyết định dẹp luôn thuốc bắc, dành trọn vẹn căn nhà để mở nhà hàng. Món ăn nào mẹ bán ra cũng đều được tán thưởng. Càng đông khách, càng cực nhọc. Suốt nhiều năm, ba mẹ dậy sớm thức khuya. Bù lại, đời sống đầy đủ hơn.

Khi gia đình có được đời sống đầy đủ hơn, mẹ muốn chia xẻ phần nào sự thiếu thốn của bà con giòng họ. Ai cần giúp đỡ, mẹ sẵn lòng, vô điều kiện. Cháu xa, cháu gần cần chỗ trọ đi học, mẹ hân hoan tiếp nhận.

Vừa lúc Mẹ thấy nhẹ nhàng thì một khó khăn khác lại tới. Mẹ được cái hạn sáu tháng phải mua đứt căn nhà, nếu không chủ phố sẽ bán cho người khác. Mẹ đã dành dụm được một số tiền nhưng không thấm vào đâu. Mẹ đau đớn phải bán căn nhà thừa tự. Mẹ xót xa phải... từ giả các món nữ trang. Mẹ mượn hết tiền để dành của mẹ cha mà vẫn không đủ.

Cân nhắc, tính toán, đắn đo, Mẹ thấy các con lớn có thể giúp tăng được nguồn thu nhập mà vẫn không trở ngại việc học: bán bánh mì vào ban đêm và làm thêm các loại bánh tây đem bỏ mối. Mẹ chỉ ngủ khi không còn thức được nữa và thức ngay khi chợt mở mắt. Cuối cùng thì ba mẹ trở thành chủ nhân căn phố.Đồng thời mối lo đeo đẳng có ngày mất chỗ sinh nhai cũng chấm dứt. Mãi đến lúc đó Mẹ mới chịu lơi tay, nghỉ ngơi đôi chút.

Nhưng số của Mẹ chưa đến hồi thới lai. Thư thả mới được vài năm thì xảy ra...giải phóng. Bao nhiêu tiền mồ hôi dành dụm ở ngân hàng bỗng chốc bị giải phóng về tay ... vô sản. Lại còn bị đày đi vùng kinh tế mới... Và mẹ đã vô cùng can đảm chọn vùng kinh tế mới riêng của mẹ dù xa xôi, hiểm nguy nhất.

Sau mười năm tù, tôi đi theo con đường của mẹ. Con đường Mẹ đi chỉ cần hai ngày hai đêm là tới. Tôi phải đi mất ba ngày ba đêm. Mười bốn năm kinh nghiệm mà thua người chưa hề đi biển. Dẫu sao tôi cũng còn chút an ủi. Cuộc đời từng là hạm trưởng chiến hạm rốt cuộc tìm lại được hạnh phúc gia đình nhờ một chuyến hải hành cuối cùng bằng ghe tắc rán.

Cũng theo con đường của mẹ, từ Mã Lai tôi đến phi trường thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Rất đông người ra đón. Trong cái chóa mắt từ mọi thứ rực rỡ, tôi nhận ra Mẹ đầu tiên. Rõ ràng Mẹ đẹp hơn, cười tươi hơn. Tôi chào mẹ mà đảo mắt tìm nụ cười của cô bé...Tôi gặp lại nụ cười xưa rạng rỡ hơn...

Suốt mười năm, quả là Mẹ đã đóng vai trò chủ yếu cho ngày chúng tôi đoàn tụ. Mẹ đã là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của cô bé, là tình thương vô bờ cho hai con tôi hướng về tương lai. Nếu không có Mẹ...

Nếu không có Mẹ? Tôi có thể hình dung ra cuộc sống của từng người trong đại gia đình của Mẹ. Cuộc sống đó chưa chắc gì khá hơn cuộc sống của tôi trong cõi tù đày. Cuộc sống đó đói khổ triền miên, lo sợ đêm ngày. Mẹ đã khéo léo tận dụng bộ óc khôn ngoan, nghị lực phi thường và ý chí sắc đá vượt mọi chông gai... Mãi về sau tôi mới có dịp khám phá vì sao Mẹ có được những đức tính tưởng là Trời cho đó. Thì ra Mẹ là hậu duệ của vị khai quốc công thần của vùng An Giang Châu Dốc. Ông chính là tác giả những con kinh đào nổi tiếng vùng nầy và cũng là vị đã từng được vua Gia Long chỉ định Bảo hộ Cao Miên. Mẹ mang giòng máu của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Cũng nhờ thừa hưởng những đức tính quý báu đó mà mẹ thành công nhanh chóng ngay cả ở xứ người. Chỉ trong vòng vài năm, mẹ và ba đã mua được căn nhà ba tầng, là cơ ngơi cho bốn đứa con còn học đại học. Đó cũng là chốn dung thân của vợ con tôi. Lúc mới qua, tôi có đùa với Mẹ:

- Thưa Mẹ, Mẹ cho con nạp cái đơn...

Mẹ cười thật tưoi:

- Cưới được vợ lâu rồi còn đơn từ gì nữa...

- Cái đơn xin được ở cùng nhà với Mẹ.

Tôi vượt biên mang theo đứa em, đứa cháu nâng tổng số thành viên trong căn nhà lên đến 12 người. Mười năm nhà tranh vách đất, tôi không biết đó là một sự đông đảo bất thường trên đất nước vĩ đại này. Tôi vẫn thấy căn nhà quá to, quá đẹp. Nơi ăn, nơi ngủ, nơi giả trí, nơi tiếp khách đều khang trang, sạch sẽ. Tôi như sống ở chốn thần tiên. Nghỉ ngơi vài tuần, tôi xông xáo vừa đi học vừa đi làm. Đến tháng thứ năm, một đứa em vợ tôi tốt nghiệp đại học, được việc lương cao. Mẹ muốn bán căn nhà hiện tại để mua căn nhà mơ ước, rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn, sang trọng hơn. Cũng vừa lúc tôi bắt đầu ý thức về việc cần tạo dựng một tổ ấm riêng. Chúng tôi tâm sự với Mẹ. Mẹ giận vì bỗng dưng phải xa con cháu. Nhưng dần dà, khi thấy hai căn nhà cất gần nhau và gần sở làm, Mẹ cũng chóng nguôi ngoai.

Sở làm là một hảng điện tử nổi tiếng. Làm được mười năm, Mẹ nói đùa rằng mẹ đã tìm lại được cơ sở kinh doanh của Mẹ ngày xưa vì rằng cái hảng đã cưu mang gần như toàn bộ gia đình của Mẹ. Hầu hết đã hoặc vẫn sống nhờ vào đồng lương từ nó. Cũng giông như ngày xưa, Mẹ và cô bé vẫn làm việc bên nhau.

Và Mẹ đã tận tụy “trông coi” cái cơ sở của mình từ ngày qua Mỹ cho tới khi về hưu ở tuổi sáu mươi sáu. Ba thì về hưu trước đó hai năm, cũng vào tuổi nghỉ ngơi của mẹ.

Thảnh thơi, ba và mẹ bắt đầu ngao du đây đó. Hai lần Mẹ cùng Ba trở về Việt Nam cúng viếng mồ mã cha mẹ, tổ tiên; thăm hỏi thân nhân láng giềng; giúp đỡ bà con giòng họ. Một lần, Mẹ theo Ba về Trung Quốc để biết... giang san nhà chồng.

Trước khi đôi bạn đời có dịp lang thang dạo phố các nước Châu Âu, các con cháu đã dành cho Ba Mẹ một bữa tiệc kỷ niệm 50 năm thành hôn của hai người. Một ngày đoàn tụ đông vui, nhiều ý nghĩa...

Mẹ và Ba dự trù đi Nhật. Sau Nhật là nước Anh, nước Úc...

Sở thích của Mẹ là du hành, là đi thăm dân cho biết sự tình. Nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Không một dấu hiệu báo trước, mẹ đột nhiên bị tai biến mạch não. Mẹ yếu mệt một thời gian rồi bình phục dần. Rồi vừa khi hồi phục thì bị lần hai. Lần này nặng hơn, không còn cho mẹ đủ sức đi đứng bình thường. Mẹ cần một cây gậy chống đỡ. Mẹ cố gắng tập thể dục, tập đi. Không đi xứ xa đươc, Mẹ rong chơi xứ nhà. Mỗi năm Mẹ đi một vùng biển...

Năm tháng theo qua, Mẹ ngày càng yếu hơn. Đi đâu Mẹ phải ngồi xe lăn. Ngày cưới đứa con gái út của chúng tôi, mẹ muốn dự dạ tiệc. Chúng tôi e ngại tiếng ồn ào, nhất là tiếng quá sức ồn ào của ban nhạc có thể làm mẹ yếu mệt nhưng Mẹ cương quyết muốn đi. Mẹ bảo nó là đứa cháu ngoại nhỏ nhất vượt biên cùng Mẹ và luôn luôn sống bên Mẹ. Hôm đó Mẹ rất khỏe và đã ở lại đến tiệc tàn.

Mẹ vẫn cố gắng tập thể dục, tập đi. Chúng tôi mừng Mẹ vượt lên tuổi bảy mươi và cùng nhau tổ chức Lễ Thượng Thọ. Các bạn bè cố cựu và các đại diện sui gia đã đến chúc mừng ba mẹ và chung vui cùng các con, các cháu và chắt của ba mẹ.

Bệnh tiểu đường kinh niên không cho phép Mẹ ăn uống đầy đủ và bắt đầu gây biến chứng. Mẹ yếu dần... Mãi đến lúc này mẹ mới chịu chọn nơi Mẹ an giấc ngàn thu. Mẹ được đưa đi xem nhiều nghĩa trang. Phải mất nhiều tháng Mẹ mới hài lòng một địa điểm cho hai ngôi mộ. Địa điểm nằm trên lưng đồi với những cây thông cao vút nhìn xuống những ngọn đồi thấp hơn có đường xe ngoằn ngoèo. Mãi tới lúc này ba mới có ý thức về một ngày ba không có mẹ trong đời. Ba thường ngồi trầm ngâm, dường như để ôn lại những gì mẹ đã dành cho Ba và Ba đã dành cho Mẹ suốt quảng đời chung sống rất dài. Bỗng một hôm, sau bữa cơm tối có đông con cháu tham dự, Ba bỗng mở lời một cách bất thường:

- Tụi bây không biết chớ Mẹ tui bây hay lắm đó.

Mẹ ngạc nhiên đăm đăm nhìn Ba. Chúng tôi im lặng hồi họp chờ đợi. Ba vốn ít nói, có nói thì thường là những lời than phiền, trách cứ.

Ba cười mà giọng nghiêm trang:

- Không nhờ mẹ tụi bây, làm gì tụi bây có ngày hôm nay, được ăn sung mặc sướng trên đất nước văn minh giàu có. Tụi bây phải biết ơn Mẹ tụi bây.

Mẹ bậc cười rồi bậc khóc. Gần sáu mươi năm sống bên Ba, Mẹ chưa từng nhận được một lời khen. Ngày hôm nay, đối với mẹ, chỉ một lần thôi đã đủ đền bù...

Mẹ bắt đầu phải nằm tại chỗ. Ai cũng biết là Mẹ phải chịu đau đớn từ nơi nào đó nhưng không bao giờ nghe Mẹ rên than. Ai đến thăm, mẹ vui vẻ nói năng. Khi không còn thốt được nên lời thì mẹ nói bằng ánh mắt, nụ cười. Bịnh nặng thêm làm Mẹ không còn ăn uống được nữa và sống bằng chất dinh dưỡng chạy qua đường ống dẫn thẳng vào dạ dày. Như là có phép lạ, Mẹ vẫn nấn ná như muốn được hôn thêm nhiều đứa chắt. Và đứa chắt mới chào đời nhận được nụ hôn cuối cùng của bà cố lại là đứa con thứ nhì của đứa cháu ngoại Mẹ nhất định dự tiệc. Đó cũng là tiệc cưới cuối cùng Mẹ dự...

Mẹ mất cuối năm Nhâm Ngọ, hưởng thọ 78 tuổi.

Cho tới ngày mẹ mất, mẹ để lại đủ mười đứa con và tổng cộng 53 dâu, rể, cháu nội ngoại, cháu dâu rể và chắt.

Và để lại thương yêu đồng đều cho mọi người.

Cho tới ngày mẹ mất, mẹ để lại người chồng 60 năm chia ngọt xẻ bùi.

Và để lại cho ông tất cả ân tình và lòng bao dung...

Mẹ hãy yên nghỉ, hãy an giấc.

Rồi đây Ba sẽ bên Mẹ đời đời.



Mùa Vu Lan 2004

( ST )

Metalar_CTC_(Sưu Tầm)