PDA

View Full Version : Đằng sau chuyến công cán đặc biệt của Clinton



kyra2008
06-08-2009, 23:04
Đằng sau chuyến công cán đặc biệt của Clinton

Phải nhờ đến một người nổi tiếng toàn cầu cỡ cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thân chinh công cán, hai phóng viên Mỹ mới thoát án tù ở Triều Tiên. Họ về Mỹ trên máy bay của một tỷ phú Hollywood.
> Ảnh Clinton ở Bình Nhưỡng

Laura Ling và Euna Lee trở về Mỹ sáng hôm qua cùng cựu tổng thống Clinton. Ông đã bay đến Triều Tiên trên một phi cơ không nhãn hiệu để thương lượng về việc thả hai cô, sau khi họ bị tuyên án mỗi người 12 năm lao động cải tạo.

Chồng của Laura Ling là Iain Clayton kể lại rằng, khi anh nói chuyện điện thoại với vợ, cô cho hay người Triều Tiên sẵn sàng ân xá cho hai phóng viên nếu như có một đặc sứ cấp cao như Clinton đến Bình Nhưỡng.


http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/20/B0/clinton.jpg
Bill Clinton ôm hai mẹ con phóng viên Euna Lee sau khi đưa cô và phóng viên Laura Ling trở về Mỹ. Ảnh: AP.

Vấn đề là cần lựa chọn đặc sứ nào để đến Triều Tiên và thương thảo. Một số nhân vật nặng ký đã bị Bình Nhưỡng từ chối: cựu phó tổng thống Al Gore - đồng sáng lập kênh truyền hình mà Ling và Lee làm việc; Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson - cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và từng có lần đến Triều Tiên để thương lượng việc thả một công dân Mỹ bị bắt.

Một số nhân vật ở cấp thấp hơn, như cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và hiện là Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị với Hàn Quốc Donald Gregg; chuyên gia về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và từng nhiều lần đến nước này - ông Sig Harrison; Han Park - học giả của Đại học Georgia. Những người này đều lên tiếng có thể giúp đỡ.

Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng tham gia sâu sát vào các nỗ lực điều phối với Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao nhằm giải thoát cho hai nữ phóng viên.

Theo các thông tin từ nguồn thân cận với kế hoạch giải thoát này, thượng nghị sĩ John Kerry nhận được thư mời chính thức thăm Bình Nhưỡng để tạo thuận lợi cho việc thả phóng viên và mở một cuộc đối thoại quy mô lớn hơn về lĩnh vực hạt nhân. Thư này đến Mỹ sau vài tuần im hơi lặng tiếng về ngoại giao sau sự kiện phóng viên bị bắt.

Nhưng cuối cùng, chính cựu tổng thống Bill Clinton mới là người mà Triều Tiên muốn.

Các quan chức chính quyền đương nhiệm cho biết, mặc dù Tổng thống Obama không bao giờ trực tiếp nói chuyện với cựu tổng thống Clinton về nỗ lực giải thoát hai phóng viên, những cuộc bàn bạc vẫn diễn ra bên trong bộ máy chính quyền.

Dịp cuối tuần 24-25/7, Clinton nói với Cố vấn an ninh quốc gia Jim Jones về việc ông sẵn lòng thực hiện sứ mệnh giải cứu. Kết quả là ông khẳng định sẽ đảm trách việc này với điều kiện rõ ràng rằng đây thuần túy là một sứ mệnh nhân đạo. Clinton cũng muốn chắc chắn rằng việc thương thảo sẽ thành công nếu ông lên đường đi Triều Tiên.

"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng kết quả sẽ tốt, và dựa vào đó chúng tôi nói với cựu tổng thống Clinton rằng chuyến đi của ngài sẽ thành công", một quan chức chính phủ kể.

Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho hay "chúng tôi làm các công việc chuẩn bị... để đảm bảo rằng nếu cựu tổng thống Clinton thực hiện chuyến đi này, chúng ta có thể giành được tự do cho hai cô".

Kelly cho biết thêm rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng có vai trò quan trọng trong sứ mệnh này, và "Bộ Ngoại giao tham gia nhiều công việc". Các chi tiết sẽ được công bố sau.

Chiếc máy bay không nhãn hiệu chở Bill Clinton tới và sau đó đưa ông cùng hai phóng viên từ Triều Tiên về Mỹ thuộc sở hữu của một nhà sản xuất phim Hollywood - Steve Bing. Ông Bing là một người ủng hộ lâu năm của Clinton và đảng Dân chủ. Bing đã cho phép dùng một phi cơ Boeing 737 do ông sở hữu, và trả tiền cho các chi phí của chuyến bay đặc biệt này.

Đại diện công ty điều hành máy bay cho biết "các quan chức cấp cao nhất" của Cơ quan Hàng không Liên bang đã thông qua kế hoạch bay. Chuyến bay này cần nhiều sự cho phép đặc biệt mới có thể cất cánh, bởi thông thường phi cơ Mỹ không được phép bay tới Triều Tiên.

Việc lập kế hoạch và thông qua các thủ tục cho chuyến bay chỉ bắt đầu cách đây bốn hoặc năm ngày, ông cho biết. Giới chức liên quan ở Washington đã phải làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần để hoàn tất những thủ tục ngoại giao cần thiết.

Tới Bình Nhưỡng, Clinton và nhóm của ông tham gia cuộc gặp kéo dài 75 phút với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il, sau đó cùng dùng bữa tối kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. "Như vậy tổng thời gian họ nói chuyện với nhau là 3 giờ 15 phút", quan chức chính quyền Mỹ nói.

Được hỏi liệu vấn đề hạt nhân có được đem ra bàn thảo hay không, quan chức nói trên cho biết: "Tôi không có câu trả lời. Tôi chắc chắn rằng Tổng thống Clinton nói với Chủ tịch Kim về quan điểm của ông trong vấn đề phi hạt nhân hóa".

Cựu phó tổng thống Al Gore, mặc dù bị Triều Tiên cự tuyệt, đã tham gia tích cực vào các nỗ lực để giải cứu phóng viên, liên lạc thường xuyên với chính phủ của Obama và gia đình hai cô.

Tổng thống đương nhiệm Obama hôm qua cảm ơn ông Gore vì đã "làm việc không mệt mỏi để có được kết quả tốt". Và tất nhiên, những lời cảm ơn nồng nhiệt được dành cho Clinton.

"Tôi muốn cảm ơn cựu tổng thống Bill Clinton, tôi đã có dịp chuyện trò với ông về sứ mệnh nhân đạo tuyệt vời này, sứ mệnh đã mang lại tự do cho hai nhà báo", Obama phát biểu tại Nhà Trắng. "Tôi hy vọng rằng các gia đình được đoàn tụ và trong niềm vui ấy họ hiểu rằng nhờ có những nỗ lực của cựu tổng thống Clinton và Gore mà họ được gặp lại nhau".


T. Huyền (theo CNN, Fox News)