PDA

View Full Version : Tương lai nào cho Việt Nam [CNTT & Giáo dục]



kiennd
31-03-2009, 17:00
Chúng ta đang sống trong thời đại "Thông tin và Truyền thông", vì vậy CNTT và ĐTVT luôn là 2 ngành mũi nhọn của đất nước.

Chúng ta là dân CNTT/VT Việt Nam, một đất nước xếp thứ 61/66 về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin, và nguyên nhân cơ bản là Môi trường nghiên cứu và phát triển, vốn nhân lực, và cơ sở hạ tầng CNTT. Trong đó, một trong những cái GỐC sâu xa đó là Chất lượng sinh viên Đại học. Tuy nhiên, chất lượng 1 sinh viên ĐH không chỉ phụ thuộc vào môi trường mà trường ĐH đó tạo ra, mà còn ở bản thân chính sinh viên đó (theo tôi, thì phần nhiều do bản thân người học).

Với số thời gian đi làm ít ỏi của mình, tôi cũng nhận thấy được phần nào cái gọi là Kỹ sư/Cử nhân CNTT làm việc thế nào. Đành rằng chúng ta không có môi trường phát triển tốt, nhưng tôi không thấy sự khác biệt lớn giữa 1 Sinh viên tốt nghiệp Đại học và 1 người máy được lập trình, đặc biệt là làm việc với các hãng IT lớn nhỏ... Thế mới biết "Nghiên cứu và Ứng dụng" vẫn là cái cốt lõi của nền Công nghệ của một đất nước. Nghiên cứu mà không đưa vào thực tế (hoặc không có người đưa vào thực tế) thì như vô nghĩa, ứng dụng đồ của người ta thì cũng chỉ như cái máy...

Và một điều cũng rất đáng buồn là tôi thấy rất nhiều dân CNTT/VT mà tôi gặp có một sự Tự tin cao quá, một sự "Ngủ quên trong chiến thắng", mặc dù tôi chưa thấy anh ta chiến thắng được cái gì ra hồn, hoặc những "Thành quả, Kiến thức" mà anh ta có dường như không có giá trị gì, không có đóng góp gì, chỉ là 1 cảm giác "Tự mãn nguyện".

"Việt Nam ngày nay đang được bao trùm bởi một bầu không khí thỏa mãn và lạc quan, được nuôi dưỡng bởi thành tích thu hút đầu tư nước ngoài và sự ngợi ca của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ.
Dự báo của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ suy giảm mạnh kể từ 2010 trở đi."


Tình cờ nhận được bản tham luận "Tương lai nào cho Việt Nam", xin trích 1 đoạn nhỏ có nói về vấn đề Giáo dục, đặc biệt là Giáo dục Đại học, mọi người cùng tham khảo

==> Sự thành công của Giáo dục Đông Á, và thất bại của Giáo dục ĐNA

Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều lời giải thích cho sự thành công của Đông Á. Một số nhà phân tích nhấn mạnh tới tính “thân thiện với thị trường” của các chính sách kinh tế. Một số khác tập trung vào vai trò can thiệp của nhà nước trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa. Mặc dù hai nhóm có thể có những nhận định khác nhau về vai trò của nhà nước và thị trường, nhưng họ đều thống nhất với nhau ở một điểm, đó là các quốc gia Đông Á đầu tư một cách hết sức mạnh mẽ cho giáo dục ở tất cả các cấp.9 Các nước Đông Á có một tầm nhìn chiến lược toàn diện cho sự phát triển nguồn lực con người. Hoạt động dạy nghề ở các nước này cung cấp cho dân di cư từ nông thôn ra thành thị những kỹ năng cần thiết để họ có thể tìm được việc trong các nhà máy với mức thu nhập tốt hơn. Mức độ tiếp cận giáo dục đại học của các nước này được mở rộng một cách nhanh chóng,10 trong đó đáng lưu ý là giáo dục kỹ thuật và công nghệ. Chẳng hạn như vào năm 1971, số kỹ sư ở các nước có mức thu nhập trung bình thời đó là 4,6/1.000 dân, trong khi ở Đài-loan và Sing-ga-po, con số này lần lượt là 8 và 10.11 Các nước Đông Á dành một sự ưu tiên cao độ cho các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp, nơi đào tạo ra những ký sư, nhà khoa học, giám đốc, và quan chức Chính phủ để đáp ứng nhu cầu của một xã hội nay đã trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Các nước này khuyến khích sinh viên du học, đồng thời tạo ra những khuyến khích thích đáng để thu hút sinh viên về nước. Ngay cả những chiến lược công nghiệp có tính định hướng của Chính phủ cũng được bắt đầu bằng việc đầu tư vào vốn con người. Ví dụ như trong những năm 1970 và 1980, hàng trăm sinh viên Hàn Quốc đã ra nước ngoài để học về các ngành liên quan đến công nghệ đóng tàu tại những trường đại học hàng đầu của thế giới. Những người này khi trở về đã đóng vai trò then chốt trong việc ra đời ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc. Mô thức này được lặp lại đối với sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan và Trung Quốc trong những năm 1990. Chính phủ của hai nước này đã đầu tư thời gian và nỗ lực một cách đáng kể trong việc phát triển mạng lưới lưu học sinh ngành kỹ thuật ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ, và những nhà khoa học trẻ hứa hẹn nhất nhận được những lời đề nghị hấp dẫn nhất để về nước giảng dạy tại các trường đại học hoặc mở công ty tư nhân.12 Các nước Đông Á đã thành công hơn các nước Đông Nam Á gần như trên mọi phương diện. Ngày nay, nhiều trường đại học của Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu của Châu Á theo xếp hạng của trường Đại học Giao thông Thượng Hải. Ngoài Sing-ga-po ra thì không có một nước Đông Nam Á nào có trường đại học nằm trong danh sách này.13

==> Việt Nam và thực trạng

Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện đang khủng hoảng. Mặc dù tỷ lệ đi học ở các cấp phổ thông tương đối cao, nhưng chất lượng của các bậc học này rất đáng lo ngại. Kết quả trượt tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm 2007 cho thấy nhiều học sinh thậm chí còn không nắm được kiến thúc cơ bản. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên được vào đại học cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong những người ở độ tuổi học đại học. Trong năm 2000, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học chỉ chiếm 2% tổng dân số, so với 5% ở Trung Quốc và 8% ở Ấn Độ là những nước đông dân hơn rất nhiều.
Năm 2005, tỷ lệ sinh viên đỗ đại học ở Việt Nam chỉ là 16%, trong khi con số này ở Trung Quốc và In-đô-nê-xia là 17%-19%, còn ở Thái-lan là 43%. Mặc dù số lượng sinh viên đại học đã tăng một cách đáng kể từ năm 1990 nhưng với hạn chế về cả số lượng và chất lượng giảng viên, hệ thống đào tạo đang ngày càng bị dồn nén. Không những thế, chất lượng đào tạo ở các trường đại học của Việt Nam chưa đạt chuẩn. Giảng viên ở các trường đại học của Việt Nam có rất ít bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Trên thực tế, trường đại học của Việt Nam thua xa khi so với ngay cả trường của các nước Đông Nam Á - vốn chưa phải là những trường đẳng cấp quốc tế.32 Nếu nhìn vào sản phẩm đào tạo thì khoảng phân nửa sinh viên ra trường ở Việt Nam không được làm đúng ngành đào tạo.33
Những kết quả đáng buồn như vừa miêu tả không phải do hệ thống giáo dục hiện nay thiếu tiền. Trên thực tế, tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong GDP của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực.34 Như vậy, vấn đề thực sự nằm ở chỗ nguồn lực này được sử dụng như thế nào, và đặc biệt, nằm ở cấu trúc quản trị xơ cứng và bất cập ở mọi cấp độ của hệ thống giáo dục. Chi tiêu của hệ thống giáo dục hiện nay kém minh bạch và lãng phí. Như lời bình luận của một tác giả trên báo Tuổi Trẻ, nếu những con số chính thức về quỹ lương là đáng tin cậy thì mức lương trung bình của giáo viên phải cao gần gấp đôi mức lương thực tế họ đang được nhận.35 Vậy thì tiền đi đâu? Không lẽ nó đã bị cơ chế hiện nay “nuốt chửng”? Với một hệ thống quản trị như vậy, đổ thêm tiền vào chỉ là giải pháp tình thế mà không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam về chất lượng và khả năng tiếp cận.36 Trong giáo dục đại học, các trường cần phải có nhiều quyền tự chủ hơn để có thể chuyên môn hóa sâu, cạnh tranh trên cơ sở chất lượng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, đề bạt phải chuyển từ tiêu chuẩn “thâm niên” sang “kết quả”. Cần mở rộng nguồn tài trợ cho các trường đại học, không chỉ bao gồm học phí và các khoản hỗ trợ của nhà nước, mà còn bao gồm hợp đồng nghiên cứu và đóng góp hảo tâm của khu vực tư nhân.37 Chất lượng các trường đại học là một chỉ báo đáng tin cậy cho mức độ phát triển của nền kinh tế. Những nước giàu và đang trở nên giàu thường có nhiều trường đại học tốt, còn những nước nghèo thì không. Hiện nay, các trường đại học của Việt Nam có thể bị xem như là kém nhất so với hầu hết các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, chứ chưa cần so với Đông Á. Nếu như không có những biện pháp cấp thiết để cải cách giáo dục thì chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra về công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Như đã lưu ý ở trên, các nước Đông Á rất chú trọng tới việc thúc đẩy năng lực phát triển công nghệ của quốc gia. Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại. Điều này, đến lượt nó, lại là một trong những trở ngại chính cho tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2002, Việt Nam chỉ đăng ký có 2 bản quyền với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Hình 4 cung cấp thêm bằng chứng về mức độ bất cập về trình độ công nghệ của Việt Nam. Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đăng được 41 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Cũng trong năm đó, chỉ riêng các nhà nghiên cứu của trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã đăng được 2.286 bài trên các tạp chí quốc tế.38 Mặc dù kết quả đáng thất vọng như vậy nhưng mới đây chính phủ đã tuyên bố kế hoạch biến các nhà nghiên cứu của VAST thành hạt nhân cho một trường đại học khoa học và công nghệ mới của Việt Nam. Liệu có nên đặt niềm tin của việc đào tạo các thế hệ nhà khoa học và kỹ sư tương lai của Việt Nam vào một tổ chức yếu kém về năng lực nghiên cứu khoa học? Đây lại là một ví dụ nữa cho nỗ lực che chắn cạnh tranh của các tổ chức thất bại thông qua các biện pháp hành chính. Một lựa chọn tốt hơn là nới lỏng kiểm soát đối với các viện nghiên cứu và trường đại học, và cho phép các tổ chức này cạnh tranh với nhau để thu hút được những giảng viên và sinh viên xuất sắc nhất và những nguồn tài trợ dồi dào nhất - tất cả đều dựa trên kết quả hoạt động thực tế.
Để cải thiện chất lượng giáo dục đại học và khoa học, các trường đại học của Việt Nam phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất và có những ưu đãi hấp dẫn nhất để thu hút được những nhà khoa học hàng đầu. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các trường đại học của mình xâm nhập thị trường chất xám toàn cầu, và các trường này đang ngày càng thành công trong việc mời được những nhà khoa học Trung Quốc xuất sắc nhất từ Mỹ và từ các nước khác trở về với mức đãi ngộ và hỗ trợ nghiên cứu cạnh tranh. Trái lại, Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận tham gia “cuộc chơi” săn lùng chất xám này.39 Trên thực tế, những người xuất sắc nhất trong hệ thống của Việt Nam vẫn phải chịu một sự ghen tị nếu như họ có may mắn được đãi ngộ một cách trọng thị hơn những người khác. Thị trường chất xám là một thị trường toàn cầu, và những nhà khoa học xuất sắc nhất của Việt Nam có rất nhiều lựa chọn trong thị trường này. Chắc chắn là chỉ có một số rất ít nhà khoa học xuất sắc chịu chấp nhận các điều kiện làm việc ở các trường đại học của Việt Nam như hiện nay. Lòng yêu nước của mỗi nhà khoa học đều có, nhưng họ cũng cần cả những sự đãi ngộ và tôn trọng xứng đáng nữa.40

=======

Thân!