PDA

View Full Version : Đạo diễn phim "Ma làng" phân bì tiền nong với "Bỗng dưng muốn khóc"



chết đi sống lại
25-11-2008, 14:00
Cha đẻ Ma làng "ghen" với "Bỗng dưng muốn khóc"


“Vì sao kịch bản Bỗng dưng muốn khóc dở, vô lý mà vẫn thu hút được khán giả hơn những phim như Gió từ phố Hiến, Những người độc thân vui vẻ… Đằng sau “hiện tượng” này còn là cả một cơ chế dành cho việc làm phim”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (ngồi giữa, đeo kính) trong một cảnh quay.

Đạo diễn “kiêm”... nội trợ cho đoàn phim

Trò chuyện với VTC News về những khó khăn mà các đạo diễn miền Bắc gặp phải trong thời điểm hiện tại, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cha đẻ của những bộ phim lôi cuốn khán giả truyền hình về đề tài nông thôn như: Đất và người, Ma làng… và tới đây là Gió Làng Kình đã thẳng thắn cho biết: "Đài truyền hình VN khoán cho Hãng phim Truyền hình VN 65 triệu một tập phim có thời lượng 50 phút. Trừ đi những khoản tiền để đầu tư cho kỹ thuật, vật tư, lương bổng thì còn lại cho đoàn phim khoảng 35 triệu. Số tiền này cho tất cả: biên tập, biên kịch, diễn viên… Đạo diễn chỉ được 2.450.000 đồng/1 tập thôi.
Và khi cầm “cục” tiền đó trong tay, tôi phải làm thêm một việc mà không được nhận thêm lương, đó là quản lý tài chính và làm quản gia cho đoàn phim. Có nghĩa là tôi phải lên lịch, tính toán sao cho số tiền mình cầm không bị thiếu hụt. Ví như quay tập phim đó trong bao nhiêu ngày, trừ các khoản tiền cát-sê trả cho anh em thì mỗi ngày còn lại bao nhiêu? Và phải cho anh em ăn gì, uống gì, ngủ ở chỗ nào để vừa vặn với số tiền có trong tay.
Những việc lẩm cẩm, chi li liên quan tới tiền nong thế này hỏi làm sao không chi phối, làm mất thời gian của anh em đạo diễn?
Trong khi đó, anh em đạo diễn miền Nam có phải chịu chung hoàn cảnh? Họ có sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng. Anh giỏi anh nhận được tiền xứng đáng, anh kém tài anh “nghỉ chơi” và “nghỉ xơi” luôn?"
Ngoài Bắc vẫn làm phim theo kiểu đồng hạng với mức giá thấp. Anh lành nghề cũng như mới vào nghề, giỏi cũng như tầm tầm, tất cả được trả kiểu “cào bằng”...

Hiện tượng “Bỗng dưng muốn khóc”

"Hiện nay, chúng ta thấy hiện tượng phim miền Nam tỏ ra chuyên nghiệp hơn phim miền Bắc. Cũng là phim sit-com nhưng Cô gái xấu xí có hình ảnh đẹp hơn hẳn Những người độc thân vui vẻ, phim Bỗng dưng muốn khóc hình ảnh đẹp hơn hẳn phim Gió từ phố Hiến… Và phim do miền Nam làm cuốn hút được khán giả cả nước hơn phim miền Bắc thực hiện.
Dễ thấy kịch bản phim Bỗng dưng muốn khóc vô lý nhưng mấy ai không ngồi lui lại xem những khuôn hình đẹp, những diễn viên sáng và diễn xuất tự nhiên.
Thậm chí, kể cả những bộ phim tài liệu, họ làm cũng rất lôi cuốn và chuyên nghiệp, như: Ký sự Mêkông, ký sự sông Hằng… Tại sao như vậy? Phải chăng có sự khác biệt về cơ chế?
Trong khi ngoài Bắc vẫn làm phim theo kiểu đồng hạng với mức giá thấp. Anh lành nghề cũng như anh mới vào nghề, anh giỏi cũng như anh tầm tầm, tất cả được trả kiểu “cào bằng”. Còn trong Đài TH TP.Hồ Chí Minh hay các hãng phim tư nhân, việc “định giá” sao cho xứng đáng với đẳng cấp từng đạo diễn lại rất rõ ràng. Đạo diễn có thương hiệu được trả cao, ưu đãi trong việc làm phim. Sau khi chiếu phim mà hiệu quả doanh số đạt cao, người ta lại có những ưu đãi tiếp theo".
"Nếu các bạn biết, một đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, diễn xuất mà trong đầu đầy những lo âu, tính toán xem anh em sẽ ăn gì, ngủ ở đâu cho vừa với số tiền đoàn phim được hưởng thì mới thấy chúng tôi khổ sở thế nào".

Chỉ cần 5% tiền quảng cáo

"Chúng tôi nói tới chuyện tăng giá với Đài Truyền hình VN thì họ nói “vẫn đang làm” trong khi chính sách về giá cả làm phim đã rậm rịch thay đổi từ cách đây 20 năm, khi bát phở và bữa cơm trưa chỉ có 3.000 đồng.
Và lúc các ông ấy “đang bàn” thì tôi nói rằng, tôi không cần nhà Đài hay Hãng phim cho tôi thêm tiền, nếu như số tiền đó chưa xứng với công sức mà tôi và anh em đoàn phim của tôi bỏ ra. Tôi chỉ cần Đài Truyền hình trích cho tôi thêm 5% số tiền quảng cáo trong phim của tôi sẽ phát sóng thì tôi sẵn sàng bảo anh em tham gia làm phim bỏ thêm tiền gấp ba bốn lần so với số tiền các ông cho bây giờ để làm bộ phim cho thật hay, thật lôi cuốn.
Tại sao mỗi tập phim Ma làng thu được 750 triệu tiền quảng cáo mỗi tối mà chúng tôi chỉ nhận được 65 triệu đồng để đầu tư làm “tất tần tật” cho tập phim đó. Tôi chỉ cần mỗi tối nhà Đài trích cho tôi 35 triệu trong số 750 triệu kia thôi, cái này có cần đến Bộ tài chính can thiệp vào không?
Trong khi chi cho đoàn phim rất ít tiền như vậy nhưng “người ta” sẵn sàng trả cho những người đưa quảng cáo đến từ 20- 30% tiền môi giới. Và khi bỏ tiền quảng cáo vào túi thì nhà Đài không hề chi cho những người làm ra bộ phim lấy một xu…”

Thục Nhi (ghi)

http://www.vtc.vn/vanhoa/dsvn/cha-de-ma-lang-ghen-voi-bong-dung-muon-khoc/197417/index.htm