PDA

View Full Version : Khai Niem ve TMDT



trunguyenvn
16-07-2003, 11:53
Khái lược về thương mại điện tử

Sự phát triển nhanh chóng của Internet đã kéo theo một loạt các dịch vụ mới ra đời, được cung cấp trực tiếp qua Internet như trò chuyện, quảng cáo, tư vấn, đặt hàng, bán hàng… Dịch vụ thương mại điện tử (E-commerce) là một bước nhảy vọt trong việc ứng dụng Internet vào cuộc sống và công việc kinh doanh.

Thương mại điện tử cơ bản là việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trên Internet hay nói một cách khác đó là các cửa hàng ảo trên Internet. Tại các nước phát triển có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cao, việc mua bán lẻ hàng hóa, dịch vụ qua Internet đã khá phổ biến. Nhiều tỷ đô-la doanh thu từ khắp các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã được sinh ra từ thương mại điện tử, trong đó các sản phẩm chủ yếu được mua bán qua Internet là các loại sản phẩm máy tính, sách (Amazon.com), các sản phẩm làm vườn (Garden.com), đĩa nhạc (CDNow), hay đồ dùng văn phòng (SuppliesOnline)…

Ưu điểm của thương mại điện tử trong công tác mua bán lẻ hàng hóa là khả năng phục vụ 24 giờ trong ngày và khả năng cung cấp thông tin về sản phẩm, đơn hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính nhờ lợi thế giảm thiểu các trung gian trong mua bán hàng hóa, dịch vụ và tiết kiệm chi phí trong việc mở cửa hàng trưng bầy và bán sản phẩm, những doanh nghiệp mà trước kia chỉ dựa vào phương pháp mua bán truyền thống (trực tiếp gặp gỡ khách hàng) nay cũng có kế hoạch mở các trang Web thương mại điện tử để bán hàng và giới thiệu sản phẩm hay ít nhất cũng tham gia quảng cáo trên mạng Internet.

Bằng những công nghệ phần mềm hiện đại và bản chất tương tác hai chiều của Internet, các công ty và doanh nghệp còn có thể thu thập được các thông tin về cá nhân người tiêu dùng và xu hướng tiêu dùng của họ thông qua các thủ tục đăng ký, đặt hàng, giao hàng và thanh toán.

Do việc mua bán qua Internet hay thương mại điện tử là hoàn toàn tự động, nên yêu cầu về cơ sở hạ tầng trong hệ thống tài chính, ngân hàng và các công cụ thanh toán cũng phải đồng bộ, hiện đại, thông suốt và bảo đảm. Hiện nay hệ thống thanh toán bằng thẻ ở Việt Nam còn chưa phát triển nếu không nói là quá sơ khai, người dân vẫn chưa có thói quen mở tài khoản tại ngân hàng và tiền mặt vẫn là công cụ thanh toán chính trong mọi hoạt động mua bán. Chính vì vậy thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát huy hết ưu điểm của nó. Người dân nếu có điều kiện mua hàng trên Internet cũng chỉ có thể thực hiện thao tác chọn hàng và đặt hàng mà thôi, còn giao hàng và thanh toán vẫn phải thực hiện theo cách truyền thống.

Mặt khác, hiện nay tại Việt Nam số thuê bao Internet còn rất thấp, chỉ vào khoảng 100.000 thuê bao và cước phí sử dụng còn khá cao so với thu nhập nên mức phổ biến của Internet còn rất hạn chế, do đó thương mại điện tử thực tế còn rất xa lạ với đại đa số người dân Việt Nam. Chính vì vậy, các công ty, tổ chức và các doanh nghiệp phải là những người tiên phong trong lĩnh vực này bởi lợi ích của thương mại điện tử với những đối tượng sử dụng này là rất lớn và không bị hạn chế như những người tiêu dùng đơn lẻ.

Đối với những doanh nghiệp và tổ chức có quan hệ lâu dài, uy tín và tin tưởng lẫn nhau, họ có thể sử dụng một trong các hình thức của thương mại điện tử, đó là trao đổi dữ liệu điện tử (EDI). Các dữ liệu mang tính thương mại sẽ được trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp dưới các định dạng thống nhất. Bằng cách này, các doanh nghiệp sẽ có khả năng chia sẻ tài nguyên thông tin của mình, hợp tác trong các dự án nghiên cứu hay thậm chí có thể ký hợp đồng trực tiếp qua Internet mà không cần phải gặp mặt và như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất đối với những bên sử dụng thương mại điện tử trong giao dịch chính là tính an toàn của các cuộc giao dịch. Việc phải tiết lộ các thông tin chi tiết về cá nhân hay tổ chức đôi khi gây nên những hậu quả khó lường, đặc biệt khi những thông tin quan trọng này rơi vào tay các tin tặc (hackers) có mục đích xấu, nhẹ thì có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, nặng thì có thể xảy ra hiện tượng thất thoát tài khoản giao dịch. Do vậy, hàng loạt các công nghệ đảm bảo an ninh Web đã được phát minh và sử dụng như SSL (Secure Sockets Layer), SET (Secure Electronic Transactions)…

Mặc dù vậy, một điều không thể phủ nhận là sự ra đời của Internet là một cuộc cách mạng lớn trong ngành thông tin, mở ra một phương thức hoàn toàn mới nhưng rất hiệu quả trong công tác tiếp cận, thu thập, phân tích và trao đổi thông tin. Không những thế, các ứng dụng khác của Internet như thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho những người sử dụng Internet những cơ hội mới trong mua bán, giao dịch, đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trên toàn thế giới, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong nền kinh tế mở và xu hướng hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực. Bởi vậy việc xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng nhất về công nghệ thông tin và viễn thông đang là mối quan tâm lớn của Việt Nam và Chính phủ cần có những chiến lược quy hoạch tổng thể để định hướng cho sự phát triển của Internet và thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong các chiến lược đó, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ là những lực lượng tiên phong và quyết định sự thành bại của chúng.

[Suu tam tu MinhViet Group]