PDA

View Full Version : Các bạn nghĩ sao về bài viết này ?



cutidatinh
14-07-2003, 11:53
Sfone và cuộc cạnh tranh không cân sức

Với việc mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) thứ 3 chính thức đi vào hoạt động, người tiêu dùng đã hy vọng được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh giữa các công ty, thay vì cảnh Vinaphone và MobiFone bắt tay nhau chia sẻ thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy mạng ĐTDĐ mới vẫn gặp nhiều trở ngại và tình trạng “dàn hàng ngang mà tiến” có nhiều khả năng tiếp diễn.

Phải đến sát ngày tung Sfone ra thị trường (1/7), quyết định về cước điện thoại di động CDMA mới được chính thức ban hành. Thế nhưng, không giống như những gì mà Sfone đề nghị (tính cước theo block 10 giây ngay từ phút đầu tiên), Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) chỉ cho phép Sfone được tính cước theo block 10 giây sau phút đầu tiên. Ý nghĩa của quyết định này được ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty truyền thông FPT, bình luận: “70-80% các cuộc gọi từ thuê bao di động của tôi là dưới 1 phút. Phần lớn các cuộc gọi của mọi người cũng có thời gian dưới 1 phút. Cho nên, việc tính cước theo block 10 giây sau phút đầu tiên không đem lại sự tiết kiệm đáng kể”. Vậy là giá cước rẻ cho người tiêu dùng - một trong những “khẩu đại pháo” mà Saigon Postel hy vọng sẽ giúp chinh phục thị trường - đã bị Bộ BCVT “rút ngắn tầm bắn” ngay từ khi Sfone còn chưa “ra trận”.

Tất nhiên là cho đến thời điểm này, cách tính cước block 10 giây sau phút đầu tiên vẫn là một thế mạnh tương đối của mạng Sfone. Nhưng theo nhận định của ông Trương Đình Anh, việc các khách hàng cũ, đặc biệt là giới kinh doanh, đổi sang Sfone vì giá cước rẻ hơn là điều hy hữu. Bởi thiệt hại cho việc chuyển đổi (in lại danh thiếp, thông báo cho nhiều người biết số mới…) lớn hơn nhiều so với lợi ích thu được từ giảm cước. Còn giám đốc kinh doanh của một hãng ĐTDĐ lớn nhận xét: “Mạng GSM của MobiFone và Vinaphone đã phủ sóng ở rất nhiều vùng, trong khi CDMA mới chỉ triển khai ở vài thành phố lớn. Vì thế, quy định mức cước của Sfone chỉ thấp hơn chút ít so với các mạng đã triển khai cả chục năm trước chẳng khác nào hạn chế khả năng cạnh tranh của Sfone ngay từ đầu”.

Hơn nữa, tới đây, có nhiều khả năng Bộ BCVT cũng sẽ đồng ý cho MobiFone (và cả Vinaphone) được tính cước theo đề án như của Sfone. Và khi ấy thì Sfone và cả 2 đối thủ kia cũng sẽ đứng trên cùng một mặt bằng giá cước. Kịch bản này, có lẽ Bộ BCVT đã dự tính trước ngay từ khi xem xét giá cước đề nghị của Saigon Postel.

Không được phép phát triển quá nhanh

Trước đó, Saigon Postel cũng đã có nhiều đề án tiếp thị khác rất có lợi cho khách hàng, nhưng đều không được Bộ BCVT chấp nhận. Đề nghị được cung cấp dịch vụ với chỉ một vùng cước bị chối từ, đề nghị được tặng điện thoại di động CDMA cho các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau trên 1 năm cũng “không nhận được hồi âm”.

Ngoài ra, Sfone có quyền giảm giá cước cho các cuộc gọi trong nội bộ Sfone đối với các thuê bao trả sau với mức giảm từ 20 đến 40%, nhưng nếu lượng thuê bao Sfone đạt tới con số 200.000 thì Bộ BCVT sẽ “xem xét và điều chỉnh (nếu cần thiết)”. Giám đốc kinh doanh của một công ty viễn thông nhận định: “Đây là một kiểu 'quota đời mới' áp đặt trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam. Quy định này có thể hiểu như một lời cảnh báo với Sfone ngay từ khi mới ra đời: Họ sẽ không được phép phát triển quá nhanh”.

Sau khi đọc các quyết định về cước dịch vụ điện thoại di động CDMA do Bộ BCVT ban hành, giám đốc bán hàng và tiếp thị của một tập đoàn viễn thông nước ngoài lớn tại Việt Nam, thở dài: “Người Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu cảnh độc quyền trong lĩnh vực dịch vụ thông tin di động dài dài”.

Giải thích về việc không cho phép Sfone tính cước theo block 10 giây, một vị thứ trưởng Bộ BCVT nói: “Hiện trạng của thị trường viễn thông Việt Nam chưa thích hợp với phương án này”. Cũng có thể diễn dịch những quyết định khác của Bộ BCVT bất lợi cho Sfone như đã nêu ở trên theo tinh thần này.

Sfone được các đối thủ "chào đón" như thế nào?

Chỉ một thời gian ngắn trước khi Sfone đi vào hoạt động, Vinaphone và MobiFone tung ra một dịch vụ giá rẻ là VinaText và MobiPlay. Riêng Vinaphone thì mở chiến dịch khuyến mại lớn cho các thuê bao cả trả trước và trả sau mới đăng ký nhân dịp 7 năm thành lập. Cùng lúc, hai đại gia bắn tin sẽ tung ra dịch vụ di động nội vùng với mức cước thuê bao tháng là 55.000 đồng và cước cuộc gọi là 800 đồng/phút. Đề án di động nội vùng này có thể được phê duyệt trong thời gian rất gần. Với hai chiêu này, ưu thế nhỏ về cách tính cước của Sfone đương nhiên bị “mất giá” rất nhiều trong con mắt người tiêu dùng.

Một trong những câu hỏi đầu tiên mà bất cứ khách hàng nào hiện sử dụng một mạng GSM đều phải đặt ra trước khi quyết định chuyển sang Sfone là: Khả năng roaming của Sfone với Vinaphone và MobiFone như thế nào? Cho đến nay, trong khi các cuộc gọi thông thường giữa cả 3 mạng đã thực hiện được thì vấn đề nhắn tin ngắn vẫn chưa được giải quyết. Một lãnh đạo của Vinaphone cho biết: “Về mặt kỹ thuật, điều này có thể làm được. Tuy nhiên, do mạng CDMA là chưa được rộng rãi cộng đồng quốc tế thừa nhận nên cũng cần thận trọng. Việc thử nghiệm kỹ trước khi thực hiện chính thức là cần thiết”.

Một lãnh đạo khác của MobiFone nói: “Việc thử nghiệm nhắn tin giữa 2 mạng MobiFone và CDMA đang được tiến hành nhưng chưa thành công”.

Tuy nhiên, theo Saigon Postel, thì: “Về mặt kỹ thuật, việc nhắn tin giữa 2 mạng Sfone và Vinaphone có thể được thực hiện trong vòng từ 1 đến 2 tuần”. Giám đốc kinh doanh của một tập đoàn viễn thông nước ngoài tại Việt Nam nhớ lại: “Đây không phải là lần đầu tiên Sfone bị kèn cựa. Trước đây, việc thuê lại đường truyền cố định của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng gặp những khó khăn tương tự”.

Một quan chức cấp cao nhất của Bộ BCVT cho biết: “Bộ không can thiệp vào những việc thuộc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ chỉ có ý kiến khi có những bằng chứng cụ thể về việc các công ty sử dụng sức mạnh độc quyền chèn ép các công ty mới thành lập bằng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh”.

Những biện pháp cạnh tranh của Vinaphone hay MobiFone, cho đến nay đều được Bộ BCVT thông qua dễ dàng, khác hẳn với trường hợp của "kẻ đến sau" Sfone. Và trong khi một bộ luật cạnh tranh chưa ra đời thì Saigon Postel chắc chắn sẽ khó có căn cứ để chứng minh tư cách “nguyên đơn bị hại” của mình. Chỉ có Bộ BCVT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, cũng như 3 công ty liên quan, biết rõ nhất cuộc cạnh tranh này sòng phẳng đến đâu.

Thanh Niên

miaka
14-07-2003, 20:15
như vậy có thể nói chính bộ là người cản bước phát triển của ngành viễn thông hả ?

TongNghien
17-07-2003, 11:12
Không phải cả Bộ, mà chỉ có vài con sâu bự thôi. Điều mà nhiều người thấy, báo chí cũng đăng rầm rộ mà mấy "ổng" hổng ...thấy thì chắc có vấn đề. Lý do mà họ đưa ra không thuyết phục được số đông trong khi đó lại không công khai thông tin về cơ sở hạ tầng mà cứ dựa vô đó lấp la lấp liếm hoài.

thodinh
18-07-2003, 10:38
kakaka, TongNghien có thể kể tên mí con 'sâu bự' đó hông dzạ, để mọi ngừ cùng bít and ngồi... tức :)

yuna_admirer
19-07-2003, 04:44
Bài viết phản ánh khá đúng và chính xác đấy. Báo thanh niên lên tiếng lận mà. Thật ra Sfone có thể giảm giá nhiều hơn nửa, ngay trong cước cuộc gọi luôn, nhưng vấp phải mức quy định giá sàn mà Bưu Điện áp dụng.
Thật ra sử dụng Sfone hiện giờ cũng lợi nhiều điểm đó, không giảm giá được như bù lại nhiều chương trình khuyến mải rất tốt :D. Mình đang xài Sfone nè, :D