PDA

View Full Version : ThỊ TrƯỜng Dsl NhẬt BẢn



quoc_anh
11-05-2003, 12:06
Thị trường DSL Nhật Bản

Nhật Bản tương đối chậm chân trong cuộc cách mạng về tốc độ dữ liệu cao nhưng đã bắt đầu cho thấy phát triển nhanh vào năm 2001 và hiện nay đã có khả năng trở thành một trong các thị trường thông tin tốc độ cao lớn nhất trên thế giới trong vòng 2 năm tới. Lý do chính của sự trễ nải là quá trình tự do hoá thị trường viễn thông Nhật Bản chậm chạp đã cho phép NTT (Nippon Telegraph and Telephone: Công ty Ðiện tín Ðiện thoại Nhật Bản) là công ty điều hành mạng điện thoại kiểm soát thị trường theo hướng không có lợi cho việc triển khai dịch vụ truy xuất dữ liệu tốc độ cao.

Chính sách của NTT cho kỹ thuật viễn thông thế hệ kế tiếp của Nhật Bản là tập trung lớn vào ISDN và triển khai cáp quang cho mạng truy xuất dữ liệu. Tuy nhiên, nhu cầu số liệu đã vượt quá xa khả năng tốc độ dữ liệu 144 kbps của giao tiếp tốc độ cơ sở ISDN. Vào cùng lúc này rõ ràng là chiến lược cáp quang hoá mạng thuê bao của NTT trở thành quá sớm, trông cậy vào các công nghệ mà bây giờ đã trở nên quá lỗi thời nên lời hứa hẹn tốc độ cao qua cáp quang đã không thực hiện được. Kết hợp điều này với sự phát triển ấn tượng của Hàn Quốc (là một quốc gia mà Nhật Bản không muốn bị qua mặt) làm cho người Nhật Bản phải hành động khẩn cấp để cải thiện tình hình. Sự tự do hoá thị trường viễn thông bắt đầu từ năm 1999 bằng việc tách công ty NTT thành 2 công ty khai thác điện thoại là NTT West và NTT East phục vụ tương ứng 2 khu vực Tây và Ðông Nhật Bản. Nhưng cả hai công ty khai thác điện thoại mới này đều không mặn mà lắm với việc đưa dịch vụ DSL tới khách hàng. Giá cả cao và hạ tầng đường trục IP hỗ trợ cho dịch vụ số liệu tốc độ cao rất yếu kém. Vào tháng 3 năm 2000 các nhà điều hành yêu cầu tách riêng việc khai thác thoại và số liệu trên đường dây điện thoại, nhưng cho tới cuối năm 2000 vẫn đạt chưa đến 10 000 đường dây DSL ở Nhật Bản.

NTT đã phải trả giá quá đắt cho sự chậm chạp của họ. Các công ty khai thác điện thoại đã cố gắng ngăn cản tách biệt dịch vụ cạnh tranh bằng cách đặt ra điều kiện để khai thác mạng rất khó khăn. Lúc đầu chỉ có 11 tổng đài điện thoại nội hạt được mở ra để cộng tác, có nhiều hạn chế về không gian lắp đặt thiết bị và số đường dây cho phép được tách ra cạnh tranh và việc đặt đường dây rất chậm trễ nghiêm trọng. Dĩ nhiên là có rất nhiều than phiền và vào tháng 7 năm 2000 bộ Bưu chính Viễn thông Nhật Bản (MPT: Ministry of Posts and Telecommunications) ra lệnh cho NTT mở tất cả các tổng đài nội hạt để cộng tác, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ truy xuất dữ liệu sử dụng mạng điện thoại nội hạt và phải gỡ bỏ mọi hạn chế về không gian lắp đặt thiết bị.

Từ đó, NTT liên tục chịu áp lực của MPT để tạo điều kiện cho truy xuất và giảm giá trong việc hợp tác dịch vụ. Vào tháng 12 năm 2000 phí thuê đường dây đã giảm từ 800 yen xuống còn 187 yen mỗi tháng tức là từ khoảng 6,15 dollar mỗi tháng xuống còn 1,45 dollar mỗi tháng. Hơn nữa, giá hợp tác cũng giảm cho phép các đối tác khai thác tự lắp đặt thiết bị, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và tránh NTT truy xuất thông tin cạnh tranh.

Hiệu quả toàn cục đã làm cho Nhật Bản nhanh chóng trở thành thị trường thành công nhất trong việc tách biệt khai thác đường dây thuê bao. Vào tháng 9 năm 2001, Yahoo Japan, eAccess và nhiều nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh khác đã cung cấp tới 40% số đường dây DSL ở Nhật Bản. Trên thế giới chỉ có một quốc gia khác đạt được điều này là Ðan Mạch. Vì không nhận thấy và đáp ứng kịp thời được nhu cầu dịch vụ số liệu tốc độ cao NTT đã đánh mất một phần lớn thị trường mà phải nhiều năm mới có được.

NTT là nhà điều hành viễn thông ở Nhật Bản. Công ty lớn hàng đầu trên thế giới về thu nhập và số thuê bao. Thị trường Nhật Bản đã trở nên cạnh tranh hơn nhờ vào quá trình chống độc quyền. Kết quả là NTT đã bị ép phải giảm giá dịch vụ.

Dù NTT bắt đầu trễ nhưng hiện nay NTT là nhà cung cấp dịch vụ DSL lẻ chính ở Nhật Bản. Tính đến 31 tháng 12 năm 2002, NTT đã cung cấp trên 2,1 triệu đường dây thuê bao số DSL chiếm tỷ trọng 37% trong tổng số các đường dây DSL toàn quốc. Trong môi trường cạnh tranh DSL giá thuê bao thấp đã giúp dịch vụ này cất cánh.

Mặc dù NTT bị chia cắt thành NTT West và NTT East sản phẩm DSL của 2 công ty này vẫn giống nhau. Vào cuối năm 2000 NTT West và NTT East chỉ có 3000 thuê bao DSL. Cả hai công ty đều triển khai dịch vụ 8 Mbps vào tháng 12 năm 2001 bổ sung thêm cho dịch vụ 1,5 Mbps lúc đó đang khai thác.

Vào ngày 24 tháng 12 năm 1999, NTT East và NTT West đồng thời đưa ra một loạt dịch vụ DSL để bán lẻ và bán sỷ bắt đầu một năm thử nghiệm. Thời kỳ thử nghiệm kết thúc vào tháng 12 năm 2000.

Yahoo Japan là công ty cổ phần giữa Softbank và Yahoo. Cho đến 31 tháng 12 năm 2002 Softbank chiếm 66% cỗ phần và Yahoo chiếm phần còn lại. Yahoo Japan bắt đầu khai thác dịch vụ DSL từ tháng 6 năm 2001. Yahoo Japan tiếp tục cung cấp dịch vụ truy xuất Internet với giá rẻ nhất thế giới, với dịch vụ truy xuất dân dụng tốc độ 8Mbps khoảng 20 dollar một tháng. Vào ngày 30 tháng 6 năm 2002 họ đạt được 660 000 đường dây DSL, tăng hơn một chút so với 6 tháng đầu năm 2002.

Yahoo Japan đạt được số đường dây thuê bao số 1 200 000 vào cuối quý 3 năm 2002 và 1 504 000 vào cuối tháng 12 năm 2002.

Tuy nhiên, Yahoo vẫn còn con đường dài để kiếm được lợi nhuận. Giám đốc tài chính của Softbank là Masayoshi Son nói rằng lợi nhuận sẽ có được với số thuê bao khoảng từ 2 tới 3 triệu. Giá cả quá bèo của Yahoo Japan đã khuấy động thị trường DSL Nhật Bản. Lỗ trên DSL cho tới quý 2 năm 2002 được cho biết lên tới 1 tỷ dollar. Tính đến cuối năm 2002 Softbank lỗ hơn 27 tỷ Yen trong đó DSL chiếm đến 67%. Mô hình kinh doanh của Yahoo là tạo sức thu hút khách hàng từ phí kết nối rẻ mạt và tìm lợi nhuận ở trang bị thiết bị, cho thuê thông tin và dịch vụ. Ðó cũng là chiến lược đẩy các ISP khác giảm cước phí kết nối truy xuất dữ liệu tốc độ cao. Softbank cũng mua luôn nhà khai thác dịch vụ DSL cạnh tranh hàng đầu ở Nhật Bản là Tokyo Metallic vào năm 2001 và hiện đang sử dụng mạng của Tokyo Metallic để phân phối dịch vụ Yahoo DSL.

Quốc Anh

Theo Point topic