PDA

View Full Version : What can he do?



saillarge
16-12-2007, 20:27
Mọi người chú ý : Đây là chuyện bịa đặt 100%, từ đầu đến cuối.

****

Bố tớ có một người bạn thân tên là Việt. Nhà chú ấy ở ngoại ô Hà Nội trong một khu dân cư rất đa dạng. Bố tớ quý chú Việt lắm vì tính chú hiền lành, nhà hiện tại tuy nghèo nhưng chú rất chăm chỉ làm ăn nên chắc chỉ 20 năm nữa là có thể mở mày mở mặt với thiên hạ.

Thế rồi một đêm nọ chú đến chơi nhà tớ giữa đêm khuya và nói chuyện với bố tớ về một việc khẩn cấp. Chú kể về chuyện xích mích với người hàng xóm tên là Châu Nhuận Phát.

Thực ra thì bố tớ cũng thỉnh thoảng kể cho tớ nghe về quan hệ giữa chú Việt và ông Phát kia rồi. Đại khái là họ trong quá khứ đã từng là anh em kết nghĩa trong nhiều vụ xung đột xóm làng. Nhưng mà khi xung đột đã qua rồi thì vì sự chênh lệch giữa 2 bên, gia đình nhà ông Phát quá lớn so với nhà chú Việt, nên quan hệ giữa họ thực ra không còn như trước, ông Phát ngày càng tỏ ra coi thường chú Việt.

Chú Việt bắt đầu kể cho bố tớ nghe về việc xảy ra gần đây giữa họ. Số là nhà chú Việt có cái mặt tiền to lắm, chiều ngang rộng đến 8m, nhìn thẳng ra mặt đường cái. Hiện tại chú chưa làm gì ở đấy, mới chỉ dùng để khách khứa để xe khi đến chơi thôi. Trong xóm ai cũng phải ghen tị với chú tuy nghèo nhưng mà được tổ tiên để lại cho cái nhà có mặt tiền thoáng đãng như vậy.

Đùng một cái cuối tuần trước, ông Phát gọi thợ đến xây bụp một cái quán cóc bằng tranh tre nứa lá chiếm hết một nửa cái mặt tiền nhà chú Việt và treo một cái biển quán đề là Golden Sand. Ông Phát xây xong buổi sáng, buổi tối sang nói nhỏ với chú Việt là tặng cho ông ý cái mặt tiền đấy để cho thằng em vợ đến bán trà đá, vừa nói ông Phát vừa cười khùng khục đầy đe dọa.

Chú Việt rất buồn, vì không ngờ người hàng xóm đồng vai sát cánh với mình năm xưa lại có thể ngang nhiên hành động như vậy. Bây giờ một nửa cái mặt tiền bị mất rồi, cảnh quan ngôi nhà thì xấu đi trông thấy, khách khứa đến chơi bị hạn chế chỗ để xe cộ. Ức chế lắm chứ, nhưng mà nhất thời không nghĩ ra biện pháp nên đến hỏi ý kiến bố tớ.

Bố tớ nghe xong câu chuyện, trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi bắt đầu khuyên nhủ chú Việt:

"Phàm là việc tranh chấp về đất đai thì biện pháp đối phó phải càng nhanh càng tốt. Như nhà anh đây này, đứa nào mà động đến đất đai của nhà anh, anh sai thằng Tuấn cầm dao ra chém nó ngay".

Bố tớ nói tiếp: "Bây giờ mà chuyện này chú để yên thì anh lo hậu quả sẽ rất khôn lường. Chỉ một thời gian ngắn nữa ông Phát sẽ tiếp tục sai thợ đến xây nốt trên phần mặt tiền còn lại một cái quán cóc nữa và đề biển là Long Sand cho mà xem. Nếu lão còn thương chú thì sẽ giành cho chú một lối đi nho nhỏ cỡ 50cm cho chú đi qua. Còn không thì lão sẽ đổ bê tông cốt thép cả 2 cái quán đấy luôn, rồi gọi bọn quy hoạch thành phố đến làm sổ đỏ. Thế là nhà chú bị tịt ngóm ở bên trong, cả đời không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Chú vừa bị mất quyền lợi kinh tế vì mất cái mặt tiền to đẹp, chú vừa bị mất danh dự với xóm làng vì đất đai tổ tiên không giữ được."

Nghe đến đây, chú Việt giận tím người nhưng mà vẫn cố gắng nín nhịn để hỏi tiếp bố tớ: "Vậy theo anh, bây giờ em phải làm gì"

Bố tớ trả lời: "Như anh đã nói ở trên rồi. Việc chú cần làm là phải nhanh chóng kịp thời. Cái quán kia lão Phát mới xây tuần trước thôi, bây giờ còn kịp. Mà cái lý ở đời, nếu thằng khác nó xây trộm nhà trên đất nhà chú, nếu xi măng vật liệu còn chưa cứng lại, chú đập cũng dễ hơn, vừa dằn mặt nó tốt hơn mà bản thân nó cũng đỡ tiếc vì tâm lý xây trộm của người khác. Nếu chú không làm ngay, để đến lúc cái nhà thành hình rồi, thằng hàng xóm nhà chú đem đồ đạc vào ở rồi chú mới hô đập thì lúc đấy chú thành thằng phá hoại. Xi măng cứng lại cũng khó đập nhanh mà thằng hàng xóm nhà chú nó cũng cay vì bị phá nhà đang ở. Liệu việc này chú có làm ngay được không?"

Chú Việt đau lòng nói: "Lời anh nói em hiểu nhưng mà hoàn cảnh của em hiện giờ khó lắm anh ạ. Nhà em tính hết lại mới được có 8 người trong khi nhà ông Phát sơ sơ cũng hơn 100 nhân khẩu. Đấy là còn chưa nói nếu va chạm với nhau, đồ nghề nhà ông Phát chắc chắn là xịn hơn nhà em. Cách đây không lâu thôi, ông Phát còn tuyên bố với cả xóm đã chế tạo thành công loại súng hơi tên là Thần Châu bắn trúng con chim đậu trên nóc Hanoi Tower. Việc này trong xóm nhà em hiện có mỗi ông Michael Douglas và ông Ivan Ivanôvich là làm được thôi anh ạ."

Chú Việt tiếp tục than thở:

"Nhà lão Phát vừa đông người lại vừa giàu lên nhanh như trọc phú ấy anh ạ. Lão ý xây cả cái nhà thành luôn một cái cửa hàng tạp hóa con con. Hàng hóa thì vừa đa dạng, vừa nhiều vô kể, trên trời dưới biển cái gì cũng có hết. Cả xóm nhà em dạo này ai cũng phải đến mua đồ của nhà lão ý."

"Chuyện này thì anh có biết". Bố tôi ngắt lời chú Việt. "Thì thằng Tuấn nhà anh cũng có đợt đi mẫu giáo ở nhà cô Nicole Kidman bên xóm chú ròng rã 1,5 năm liền. Nó về kể với anh là nhà cô giáo nó chả chịu làm ăn gì cả, suốt ngày sang nhà lão Phát mua đồ về dùng thôi. Ngày càng nhiều người sống phụ thuộc vào hàng hóa của lão thế, thảo nào mà nhà lão giàu lên nhanh."

"Vâng, anh ạ. Dân trong xóm em kháo nhau là cứ cái đà này thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nhà lão Phát sẽ soán ngôi giàu nhất xóm của ông Michael Douglas. Ông Michael nghe chuyện này cũng cay lão Phát lắm, nhưng mà cũng chẳng làm gì hơn được, ngay lũ con cháu xì tin trong nhà ông ý cũng suốt ngày xin tiền đi mua đồ nhà lão Phát vừa đẹp vừa rẻ đấy thôi"

"Chuyện của chú thế là căng quá. Nhà lão Phát mạnh như thế thì xung đột kiểu truyền thống với lão là không ăn thua rồi. Thôi, để anh kể cho chú nghe một câu chuyện nhỏ này vậy".

Bố tớ nhấm một ngụm trà lấy giọng rồi từ tốn nói tiếp:

"Chú có nhớ cái thời chú cầm chổi đuổi cụ Alan Delon nhà ở mé phía Tây chạy tóe khói vì tội nhìn trộm vợ chú không. Lúc đấy cũng có một vụ choảng nhau khác kịch liệt không kém xảy ra ở mé phía Đông của xóm. Thằng ranh Hidetoshi tự dưng nổi hứng đi vẽ bậy lên tường ở khắp nơi trong xóm, rồi còn tự vỗ ngực xưng mình là danh họa. Thế là nó bị cả xóm ghét. Để ngăn chặn hành vi nguy hiểm của nó, cả một tiểu đội dân quân xã, dẫn đầu là ông Michael Douglas và ông Ivan Ivanôvich đã phải đến tận nhà thằng Hidetoshi để dạy cho nó một bài học. Kết quả là thằng Hidetoshi bị đánh cho dẹp lép như con tép, nhà cửa thì bị dân quân đập phá tan hoang, cốc chén, chai lọ quăng quật khắp nơi. Đã thế, trước khi về, ông Michael Douglas còn ị lên mái nhà thằng Hidetoshi 2 bãi to tướng, đễn nỗi thủng cả trần nhà rơi xuống. Thằng Hidetoshi bảo nó vá cái trần nhà 60 năm nay rồi mà vẫn còn ngửi thấy mùi."

"Chuyện đến đây chắc chú cũng có biết. Nhưng cái mà anh muốn nói lại là chuyện giữa thằng Hidetoshi và ông Ivan cơ. Ông Ivan cũng tham gia nhiệt tình vào vụ tẩn thằng Hidetoshi nhưng mà trước khi ra về, không như ông Michael Douglas lọ mọ leo lên mái nhà, ông Ivan lẳng lặng bê mất của thằng Hidetoshi 4 cái chậu hoa Kurin. Số là ông Ivan và thằng Hidetoshi ở cạnh nhà nhau, chung nhau một cái hàng rào gồm khoảng 30 cái chậu hoa Kurin lớn nhỏ. Cả 2 người đều rất thích hoa Kurin và muốn sở hữu cả 30 cái chậu này, cho nên cũng hay hằm hè nhau lắm. Thế rồi đợt thằng Hidetoshi bị đân quân đánh hội đồng, ông Ivan nhanh tay bê về nhà mình 4 cái chậu hoa kia luôn"

"Thằng Hidetoshi cú lắm nhưng mà cũng giống như hoàn cảnh của chú bây giờ, nó không làm gì được vì ông Ivan lúc đấy mạnh chả kém gì lão Phát hiện tại. Thế rồi chú có biết nó xử sự thế nào không. Suốt 60 năm ròng, nó tự đóng cửa tu thân làm ăn để rồi ngày hôm nay, vị thế của nó trong xóm cũng được xếp vào hàng đại gia có sừng có mỏ. Điều quan trọng là trong suốt thời gian ấy, nó không bao giờ công nhận với ai là 4 chậu hoa kia là của nhà ông Ivan cả. Ban đầu yếu thế hơn, nó toàn chủ động trốn họp tổ dân phố về chuyện 4 cái chậu hoa. Khi nó khá giả dần lên rồi thì nó cương quyết không ký vào biên bản phân chia cây cảnh. Còn hiện tại, chú biết thế nào không, nó tay bo đòi lại 4 cái chậu hoa kia luôn. Hôm vừa rồi anh nghe nói, ông Ivan đã công khai chấp nhận trả lại nó 2 cái chậu rồi. Kiểu gì thì ông Ivan cũng phải trả nốt 2 cái chậu còn lại thôi"

"Vâng, em hiểu ý anh, vậy là có cách rồi. Nhưng mà đợi 60 năm mới đòi lại đất thì quá lâu anh ạ. Liệu có cách gì nhanh hơn không?"

"Chú muốn nhanh mà lại không phải dùng vũ lực à. Có khả năng làm được nhưng mà thế thì chú phải chịu khổ rồi"

Bố tớ còn chưa dứt lời, chú Việt bỗng đập cái rầm rất mạnh xuống mặt bàn. Cốc chén rung lên bần bật, sóng sánh cả nước ra ngoài, còn bàn tay chú Việt nắm lại thành hình nắm đấm và đỏ rực. Chú nói với bố tớ, lúc này giọng chú đanh lại như lõi sắt đã luyện thành gang:

"Anh không cần phải nói thêm gì nữa. Em đã biết mình phải làm gì rồi".

Nói xong chú lập tức chào từ biệt bố tớ ra về. Bóng chú lừng lững lướt đi dưới cơn mưa lạnh lẽo của tháng 11.

Bố tớ tiễn chú Việt ra cổng, quay trở lại bàn nước và đột ngột nói rất to: "Thằng Tuấn ra đây bố bảo!".

Từ nãy đến giờ, tớ hóng hớt ngồi nghe trộm truyện của người lớn ở bên trong, không ngờ bố tớ cũng biết được. Tớ đành lủi thủi đứng dậy ra trình diện, trong lòng lo lắng không biết sẽ bị ăn đòn vui hay đòn buồn.

Để giảm thiểu rủi ro với ông cụ, tớ quyết định làm bố tớ bị phân tán bằng cách hỏi luôn khi vừa ngồi xuống:

"Tại sao bố chưa nói gì mà chú Việt đã biết phải làm gì và đột ngột ra về".

Bố tớ nhoẻn một nụ cười và nói với tớ:

"Những điều bố muốn nói bố đã nói hết, và những điều chú Việt cần nghe chú đã nghe đủ. Thế con nghĩ là bố định khuyên chú Việt điều gì?"

"Con nghĩ bố sẽ khuyên chú Việt dùng biện pháp nào đó để ngay ngày mai có thể giành lại được mảnh đất trước nhà. Có thể là nhờ cậy đến những người lớn khác trong xóm, có thể nhờ tổ dân phố, nhờ công an phường hoặc làm đơn kiện lên toà án".

"Những điều con nói đều đúng cả. Nhờ vả sự giúp đỡ từ bên ngoài là một biện pháp hiệu quả khi có sự chênh lệch quá rõ rệt giữa 2 bên, nhất là khi con ở phía yếu hơn. Nhưng đó cũng có thể là một con dao hai lưỡi. Khi con nhờ vả ai thì con sẽ có tâm lý phụ thuộc và ỷ lại vào người đó, và đôi khi con phải chạy theo những điều kiện không hề biết trước. Có thể con giải thoát được một gánh nặng cũ nhưng con lại chuốc vào mình một gánh nặng mới. Đó không phải là điều bố định nói, còn chú Việt thì thừa hiểu điều đó."

Bố tớ nói tiếp. "Nếu ngày mai chú Việt dành lại được mảnh đất thì điều đó có nghĩa là mảnh đất đó sẽ thuộc về chú mãi mãi không. Câu trả lời là không con trai ạ. Cuộc chiến giành giật đất đai là câu chuyện không bao giờ chấm dứt. Ngày mai ông Phát có thể trả lại đất cho chú Việt, nhưng có thể chỉ tuần sau thôi ông ta lại sang gây sự với chú. Có thể đời ông Phát sẽ chưa chiếm được mảnh đất đẹp đấy, nhưng đến đời con đời cháu ông ta thì còn chưa biết thế nào. Chẳng ai biết được trong gia phả nhà họ Châu Nhuận liệu có một mục nói rằng họ phải chiếm bằng được mặt tiền nhà hàng xóm bên cạnh hay không"

"Và ngay cả chuyện của chính chú Việt cũng thế thôi. Con biết rồi đấy, nhà chú Việt nổi tiếng trong cả xóm bởi hình chữ S rất dịu dàng. Nhưng bố cũng không dám chắc liệu một ngày nào đó anh hàng xóm hiền lành phía tây nam Núc-xi-ha sẽ đôi co để tranh giành một phần chữ S đó hay không. Hiện tại, có thể điều đó chưa xảy ra vì ông Phát trong con mắt của chú Việt có khác gì chú Việt trong con mắt của chú Núc-xi-ha. Nhưng rồi tương lai sẽ như thế nào"

"Trong chuyện này, chẳng có điều gì đúng hay sai cho đến tận cùng cả. Việc duy nhất người ta phải làm là đấu tranh và gìn giữ, con trai ạ. Và sức mạnh đáng tin cậy nhất mà chú Việt có thể trông đợi là từ chính 8 người trong gia đình của họ. Bố chỉ hơi lo lắng vì vẫn có những đứa con trong gia đình chú Việt vẫn còn bàng quan với câu chuyện hệ trọng này. Có đứa nói rằng đó là chuyện giữa người lớn với nhau, nó không biết gì nên không can dự. Đứa khác còn tệ hơn khi tỏ ra nhụt chí, sợ ông Phát ra mặt và khuyên chú Việt cầu hòa. Con thử tưởng tượng mà xem nếu tất cả con cái chú Việt đều vô tâm như vậy thì hỏi chú Việt còn có thể dựa vào ai để đấu tranh đòi lại tài sản cho gia đình. Chúng nó không chịu suy nghĩ một chút để biết được rằng những thể loại trọc phú mới nổi, tập tành đánh bóng tên tuổi như lão Phát còn có khối điểm yếu để mà phải lo sợ".

"Điều cuối cùng bố muốn nói với con là trong thời đại bùng nổ của thông tin và tri thức, chúng ta phải tranh đấu bằng quyền lực mềm con ạ. Tất cả những kẻ âm mưu sử dụng quyền lực cứng để bành trướng sẽ đều bị thiên hạ chê cười và khinh bỉ".

~lụmnet~