PDA

View Full Version : Phong hóa Việt



TongNghien
29-11-2007, 00:03
Phong hóa Việt.

Đó là những gì còn sót lại của hơn 4 ngàn năm văn hiến, được đúc kết và phổ biến qua nhiều thế hệ.

Đó là thứ mà những người trẻ nên nhìn vào để mà hiểu biết hơn về quan điểm của cha ông, để tiếp thu những giá trị tinh thần tốt đẹp, để loại trừ, hạn chế những thứ ngộ nhận của tư duy...

Đó là thứ mà những bậc cao niên vẫn thường mang theo mình để làm gương mẫu cho thế hệ cháu con...

Đó là của người Việt.

Đó là thứ mà không thể chỉ vì "thời nay đã khác xưa rồi" có thể gạt qua, phủ lấp, hay đánh đổ những gì đúc kết của mấy ngàn năm.

Bởi vì giữa mấy ngàn năm, cũng đã bao lần xuất hiện ..."thời nay đã khác xưa rồi" !

Nhưng, nó vẫn tồn tại, đến những ngàn sau...

Bởi vì người Việt.


Tống Nghiên mở chủ điểm này mong được sự san sẻ, đóng góp của bạn bè trên diễn đàn, cùng nhau nhìn lại chính mình để mà phấn đấu.

Đầu tiên, mời các bạn cùng tham khảo "Những lời vàng của prophet Huỳnh Phú Sổ"

ĐIỀU THỨ NHẤT: Ta chẳng nên uống rượu, cờ-bạc, á-phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam-cang ngũ-thường.

ĐIỀU THỨ NHÌ: Ta chẳng nên lười-biếng, phải cần-kiệm, sốt-sắng, lo làm ăn và lo tu-hiền chơn chất, chẳng nên gây-gổ lẫn nhau, hãy tha-thứ tội-lỗi cho nhau trong khi nóng giận.

ĐIỀU THỨ BA: Ta chẳng nên ăn-xài chưng dọn cho thái-quá và lợi-dụng tiền-tài mà đành quên nhơn-nghĩa và đạo-lý, đừng ích-kỷ và xu-phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.

ĐIỀU THỨ TƯ: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền-rủa, vì Thần Thánh không can phạm đến ta.

ĐIỀU THỨ NĂM: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không nên sát-sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối-lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà-Thần;
nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.

ĐIỀU THỨ SÁU: Ta không nên đốt giấy tiền vàng-bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô-lý, vì cõi Diêm-Vương không bao giờ ăn hối-lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng-phí ấy mà trợ cưú cho những người lỡ đường đói rách, tàn-tật.

ĐIỀU THỨ BẢY: Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo-đức, ta phải suy xét cho minh-lý rồi sẽ phán-đoán việc ấy.

ĐIỀU THỨ TÁM: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu-dắt lẫn nhau vào con đường đạo-đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây-Phương an-dưỡng mà học Đạo cho hoàn-toàn đặng trở lại cứu-vớt chúng-sanh.

Tất cả thiện-nam tín-nữ trong tôn-giáo nhà Phật, lúc rãnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ-gìn phong-hóa nước nhà, giữ những tục-lệ chơn-chánh, bỏ tất cả những sự dị-đoan mê-tín thái-quá mà làm cho đạo-đức suy-đồi.

Đạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta. (Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ).

dly
29-11-2007, 09:50
Sưu tầm trên net


Chuyện quá khứ thắng hay thua không quan trọng bằng nhìn lại mình bây giờ để hướng vào tương lai. Trong chúng ta chắc ai cũng có dịp nhìn lại mình. Vui buồn lẫn lộn bởi những xấu tốt do chính mình tạo ra và tự hỏi nguyên do vì đâu.? Khi nhìn ra thế gíoi nói chung chúng ta còn thua kém nhiều dân tộc trên thế giới, thế nên xin miễn được đề cao người mình, những cái hay cái tốt mà nhiều người đã nói tới, mà hãy cùng nhau nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình để may ra có sửa chữa, thăng tiến hơn không !!

Thấy người mà nghĩ đến ta chúng tôi thấy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn và đúng mức đối với vấn đề của dân tộc, vì rằng nói chung chúng ta kém xa các dân tộc tiến bộ khác trên Thế Giới. Còn lý do chúng ta tại sao thua kém chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào sự thực. Đã có hàng tăm cuốn sách khen người Việt rồi, nếu chúng ta tự mãn với những điều đó, liệu chúng ta có khá lên không ? hay từ bao trăm năm qua vẫn thế ? Văn hóa VN có những ưu khuyết điểm nào ? Ai cũng biết một số ưu điểm nhưng phải biết khai thác một số ưu điểm và quan trọng hơn là nhìn thẳng vào các khuyết điểm lớn để sửa chữa ngay !!

Ai chẳng tự ái muốn bênh vực dân tộc mình , nhưng nhìn lại từ thời có sử tới nay đã hơn 2000 năm qua, chúng ta chỉ có một số thời gian ngắn yên bình thịnh trị, còn hầu hết là chiến tranh, không nội chiến thì là ngoại xâm. Nội chiến vì chúng ta chia rẽ, còn ngoại xâm vì chúng ta ở một vị trí chính trị quan trọng mà không biết giữ. Tại sao dân tộc ta cứ mãi lầm than khốn khổ như vậy ??

Học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược trang 6 đã viết “ Về đàng trí tuệ và tính tình thì người Việt có cả tính tốt và tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu khéo chân tay, nhiều người sáng dạ nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép mến điều đạo đức, lấy sự nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở sinh hoạt hàng ngày. Tuy vậy vẫn hay có tính khôn vặt, cũng có khi quỷ quyệt và hay bài bác, khích bác chế nhạo nhau. Thường thì nhút nhát, nhưng khi đã đi trận mạc thì cũng có can đảm và biết giữ kỹ luật … “

Học giả Nhất Thanh- Vũ văn Khiếu trong cuốn “Đất lề quê thói” (Phong tục Việt nam) trang 68 cũng có nhận xét rằng “Người mình phần đông thường ranh vặt, quỷ quyệt bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi nhạo báng, tâm địa nông nổi khoác lác, hiếu danh..”

Chúng ta có nhiều gương hy sinh bất khuất, dám hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, dám vượt biển, vượt biên tìm tự do. Nhưng nói chung các hành vi ấy còn thụ động và tiêu cực, không trực tiếp góp phần cụ thể trong việc phát triển đất nước, giống như tính huống bị ép đến cùng đường rồi hết cách nên mới chống đỡ thụ động vậy Chúng ta với những đức tính tốt cũng có nhiều thành tựu, nhưng những tính xấu đã làm lu mờ hay tan nát ít nhiều những thành tựu đó.

Trên Thế Giới đã từng có những cuốn “Người Nhật xấu xí” , “Người Mỹ gớm ghiếc” và mới đây có cuốn “Người Trung Quốc Xấu xí ” của ông Bá Dương do ông Nguyễn Hồi Thủ dịch ra tiếng Việt mà tạp chí Thế Kỷ 21 và một sốt người cho là chỉ cần thay chữ Trung Quốc thành chữ Việt nam thì cũng đúng thôi , cuốn sách xuất bản ở Đài Loan vào năm 2000 được in và phát hành tại Trung Quốc là điều chúng ta càng nên quan tâm, tôi không dồng ý lắm với ông Bá Dương vì lối phê bình mang nặng tính tự ti mặc cảm, bài bác tất cả những gì của mình, trong khi mới nhìn của người một các phiến diện mà đã khen ngợi quá đáng ! Năm 2001 có cuốn <Tổ quốc ăn năn > của ông Nguyễn Gia Kiểng, cuốn sách đào sâu những khuyết điểm trong văn hóa, lịch sử nhưng có nhiều dữ liệu khó xác định và đi quá xa gây nhiều tranh luận, lại có cuốn < Văn hóa trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21 > của bà Lê Thị Huệ đã nêu lên nhiều khuyết điểm của người mình ! Năm 2002 nghe nói ở VN cũng có cuốn< người Việt xấu xí >của ông Trần Quốc Vượng…

Chúng tôi công nhận họ đã can đảm nói lên những điều xấu của người mình là một những điều tối kỵ, ít ai dám nói tới. Đôi khi chúng ta cần gạt bỏ tự ái để nhìn thẳng vào sự thật, cố gắng sửa chữa để tiến thân, cho mình cũng như cho dân tộc !!

Chúng tôi thấy hơn bao giờ hết đây là dịp người VN thẳng thắn nhìn lại người mình, cởi mở và dọn mình để mang tâm thức lớn. Cùng nhân loại bước vào thế kỷ 21. nói vậy chứ cũng đã trễ lắm rồi bây giờ mà sửa soạn thì may ra vài chục hay cả trăm năm sau mới bắt đầu có kết quả !

Người Việt có những tính tốt nào ? Người Việt hiếu học ư, cũng hiếu học đấy nhưng vẫn chỉ là một số nào đó, nhưng cái hiếu học của họ sẽ chấm dứt ngay khi họ có được một cuộc sống vật chất tạm ổn hoặc đã đạt mức lên quan thành cụ này ông nọ ,một số lớn vẫn ít học, cho là nghề dạy nghề, tức là tuỳ tiện tới đâu hay tới đó, mà đa số trong số hiếu học ấy vẫn mang nặng tinh thần từ chương, quan lại, trọng bằng cấp từ ngàn xưa mà không thực học cầu cho mình một kiến thức thực sự, học để tiến thân cho bản thân gia đình vinh thân phì gia là nhiều hơn là giúp đời. Họ được gọi là trí thức nhưng chỉ biết trí thức chuyên môn, mà cái chuyên môn của họ đôi khi không phải là chắc chắn, có nhiều trường hợp tuy mang nhiều bằng cấp nhưng lại mang cái tư tưởng làm công ăn lương và phầu trí thức hầu như họ sống cách biệt không dính gì tới đại đa số đồng hương mà họ cho là thấp kém ( Cái này xảy ra nhiều ở Hải ngoại ). Lại nữa, kiến thức tổng quát của họ là một mớ hời hợt, thường có được là qua những buổi trà dư tửu hậu, chứ không qua sách vở nghiêm túc. Bàn chuyện thường chỉ tay năm ngón nói năng hùng hồn như rồng như phượng nhưng khi động chuyện cần bộ óc phân tích thực sự không mấy ai đảm đương nổi. Trí thức còn như vậy thì nói chi tới dân thường có nhiều người cả năm không mua một quyển sách, một tờ báo. Họ chỉ thích nghe lóm và chỉ đọc báo khi có ai đó mua thì mượn đọc ké thôi. Người mình lại dễ tin, đọc một bản tin trên báo hay nghe truyền miệng mà đã tin, nên dễ bị kẻ xấu lừa !

Nhờ tới họ việc gì họ thường tìm cách thoái thác, thường trả lời là bận việc vì sợ giúp nhiều cho người khác thì họ sẽ hơn mình. Cố gắng làm việc để mua nhà mua xe chứng tỏ sự thành đạt của bản thân, hay khoe của với người chung quanh chứ không có tính tương trợ bà con, nghĩ rằng mình hơn được người ta thì cứ hơn hơi đâu làm chuyện bao đồng. Để tỏ ra là cha mẹ có trách nhiệm, họ luôn luôn bận lo cho tương lai học hành của con cái, thúc đẩy con học ngành yên ấm có thể kiếm nhiều tiền, ra trường làm ông này ông kia để làm sao leo được lên đầu thiên hạ mà có được những cái lợi ưu tiên hơn người khác chứ không tạo cho chúng cái tinh thần xã hội góp phần xây dựng đất nước, tâm lý thích làm chảnh lên mặt cao ngạo thích đè đầu cưởi cổ kẻ khác, không thích học nghề làm ăn chân tay hay buôn bán phổ thông mà trong thâm tâm cho là hạ lưu hèn kém ,… Trong khi họ mới ở lớp tuổi 50,60 mà đã tự cho là <già rồi> không thấy tự học hành lo cho chính cuộc đời của họ và xã hội mà họ đang sống. Họ lúc nào cũng bận quây quần với vợ con, bận tập bè tập bạn phè phởn vui chơi !

Người Việt có những tính xấu gì ? Có thể nói là thiếu ý chí sáng tạo chỉ đi bắt chước rồi cải tiến lại trên cái đã có của người khác rôi vênh vang khoác lác cho là mình tài giỏi, thiếu nghiên cứu tường tận, không dám mạo hiểm, thiếu tầm nhìn xa, nói dối quanh co ít nhận lỗi, thiếu trật tự nếu không nói là vô cùng loạn xạ, vô nguyên tắc, thiếu tôn trọng của công, ăn cắp vặt, tự cao quá đáng, ỷ lại nhiều hay phó thác cho người khác mặc kệ ra sao cũng được, thù dai , mang nặng đầu óc mê tín dị đoan tin vào những điều vô căn cứ khoa học, ý chí yếu ớt cho là những hiện tương linh ứng do dị đoan mà ra ,, hay trễ hẹn không tôn trọng giờ giấc lúc nào cũng có cả trăm lý do để biện minh cho cái xấu của mình, yếu hèn không dám tự nhận lỗi một cách thẳng thắn và hay đổ lổi cho người khác, nặng tình cảm mà thiếu lý trí, tinh thần địa phương, kỳ thị lẫn nhau, tin vào những tôn giáo địa phương … Trong đó đáng kể là thói ích kỷ và nhất là đố kỵ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, đó là những cố tật lớn nhất đã làm cho người Việt không đoàn kết, không hợp quần để tiến nhanh được !

Tại sao trong khi người Nhật và người Hoa thường tìm đến cộng đồng của họ thì có một số khá lớn người Việt ngược lại tìm cách xa lánh nếu không nói là sợ chính cộng đồng của mình ( trừ khi gặp khó khăn cần giúp đỡ ).

Chúng ta không thể thay đổi truyền thuyết chia ly giữa lạc Long Quân và Aâu Cơ, hẹn khi cần mới gọi nhau hợp sức, tức là bình thường thì chia rẽ, chỉ khi không sống được mới đoàn kết, rồi sau đó lại chia rẽ … Nhưng chúng ta bằng lòng thành và ý chí có thể vượt qua “định mệnh” không hay này không ?

Về bản thân người Việt thân hình nhỏ bé, tuổi thọ thấp sức lực kém, không bền bĩ mà làm việc hay qua loa tắc trách, đại khái nếu không nói là cẩu thả nên nói chung năng suất kém !

Chúng ta hãy nhìn xem, trong bất cứ một nhà ăn quốc tế như ở các trường Đại học có nhiều nhóm người thuộc nhiều nước thì nhóm nào người nhỏ nhất, lộn xộn và ồn ào nhất có nhiều phần chắc đó là nhóm người Việt nam, nhóm này còn thêm cái tật hút thuốc lá và xả rác bừa bãi. Nay đã là đầu thế kỷ 21, thử nhìn lưu thông ở các đường phố lớn ở VN xem. Thật là loạn không đâu bằng ! Người ngoại quốc nào đến VN cũng sợ khi phải hoà mình vào dòng xe cộ đó, và nhất là khi băng qua đường. Tỷ lệ tai nạn xảy ra rất cao, ai cũng ta thán, thế mà bao năm qua mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy đi. Những ngã 5 ngã 7 xe đông nghẹt mà hầu như không chia làn đường, nhiều nơi không có bệ tròn để đi vòng, không có cảnh sát để hướng dẫn lưu thông nên từ mọi phía xe cứ đổ dồn thẳng vào rồi mạnh ai người nấy tìm đường tiến lên. Đã cấm đốt pháo được mà sao tệ nạn lưu thông đầy rẫy, mỗi một chuyện đi xe gắn máy phải đội nón an toàn đã bao năm qua vẫn chưa giải quyết được. Sống trong XH mà dường như có rất đông người hầu như không muốn bất cứ một luật lệ nhỏ nào ràng buộc mình cứ làm đại làm càng rồi tới đâu hay tới đó, có khi lại có ý nghĩ ai sao mình vậy nhưng thật ra nếu bị chuyện lôi thôi hỏi tới thì mong trừ mình ra cái kiểu như là “tôi chống chuyện vượt đèn đỏ nhưng nếu không có cảnh sát giao thông thì tuỳ lúc thuận tiên tôi cũng vượt, tôi chống mọi người không được đái đường nhưng khi bí quá tôi cũng đái” !

Một dân tộc nếu có văn hoá cao và thực sự hùng mạnh không thể nào nảy sinh ra lãnh đạo tồi và làm cho đất nước yếu kém và xâu xé nhau. Chính cái tính xấu chung của người VN mới sinh ra lãnh đạo tồi rồi chia rẽ mà sinh ra chiến tranh, chiến tranh mới đào sâu thêm hố chia rẽ và làm lụn bại dân tộc. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, do đó không chỉ có những người lãnh đạo phải có trách nhiệm mà từng người dân cũng chung lãnh trách nhiệm !

Thử nhìn qua cách lĩnh vực văn , thơ , nhạc của chúng ta mà xem, đâu đâu cũng than mây khóc gió là chính. Đồng ý là có nhiều chuyện buồn nên sáng tác nội dung buồn, nhưng buồn mãi vậy ích lợi gì, sao không tìm cách giải quyết cái buồn. Có biết đâu những tư tưởng yếm thế đó càng làm cho tình hình xấu thêm. Nếu có tư tưởng nào tích cực thì muôn đời thuần chỉ vẫn là tư tưởng vì chính tác giả của tư tưởng ấy chỉ viết hay nói ra cho sướng, nói ra để lấy tiếng với đời chứ chính họ không có trách nhiệm thực thi, (Thế mới có nhiều người khi nghe ai đó nói câu gì hay hay lại buông lời < Mẹ kiếp , bày đặt dạy đời , láu cá chưa chắc mình đã hơn gì ai … > )

Người Việt luôn nặng tình cảm, đôi khi đến độ che mờ lý trí. Chúng ta có được tinh thần thương yêu gia đình, đùm bọc khá cao nhưng qua những cuộc đổi đời mới đây một số gia đình cũng bắt đầu tan nát.. Tinh thần hiếu khách thì phải nói thật cao dù nhà nghèo nhưng vẫn sẳn sàng đem hết cái ngon cho khách dùng ! ( Đây là do sỹ diện mà ra ).

Nhìn lại quá khứ, những gì cụ Phan Bội Châu báo động kêu than trong trong cuốn “Tự Thán” đã gần một thế kỷ qua mà như đang xãy ra quanh đây thôi ! Nếu chúng ta không có can đảm trị căn bệnh ngàn năm của mình thì cho dù có hết chiến tranh dân VN vẫn mãi mãi khó mà vươn lên được !! Chí sỹ Phan Bội Châu đã hy sinh cả cuộc đời vì nước, vào sinh ra tử không tiếc thân thể mà trong cuốn “ Tự Thán” cụ đã thẳng thắn nhận đủ thứ lỗi về phần mình ! Cụ hối hận nhất là không đủ tri thức về ngoại ngữ và tình hình Thế Giới. Nhưng trong đó cụ cũng không quên nêu một số khuyết điểm chính của người mình thời đó như người lãnh đạo không lo cứu nước , dân không lo việc nước, chỉ tranh thắng với nhau trên bàn cờ hay cốc rượu mà bỏ mặc vận nước cho ngoại xâm giầy xéo.

Ai cũng biết Nhật bản là một đảo quốc, đất hẹp dân đông, nhưng người Nhật đã biết khéo léo thu thập tinh hoa Thế Giới để bồi đắp quê hương mình trở thành một cường quốc, đôi khi vược qua hẳn những nước bậc thầy của họ ngày trước. Thật là một hiện tượng hiếm có không mấy dân tộc nào làm được. Nhật bản có thể ví như một nhà nghèo mà đông con thế mà đã nuôi được cho tất cả các con ăn học thành tài. Nên đây thật là một tấm gương lớn cho người VN mình học hỏi vậy !

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Việt nam và Nhật bản thời cận đại và hiện đại đã có những chọn lựa hướng đi khác nhau.

Khi Pháp đòi VN mở cửa để giao thương và đe dọa bằng cách bắn phá đồn Đà Nẵng năm 1856, Việt nam đã chủ trương bế môn toả cảng thế nên năm 1858 Pháp đã đem 14 tàu chiến và 3000 lính đến bắn tan đồn luỹ Đà Nẵng, phía VN chống cự đến cùng để rồi bị thua và toàn quốc bị đô hộ 80 năm. Chúng ta có tính can trường và bất khuất nhưng thiếu không ngoan về một tầm nhìn xa cho đất nước chăng ? Đặt biệt VN hầu như chỉ dựa vào một cường quốc, khi sợ nước nào thì chỉ dựa theo nước đó, thiếu tầm nhìn toàn diện, theo đuổi chính sách như vậy dễ bị một cường quốc lấn át và khi các cường quốc này yếu đi thì hoang mang không biết trông vào đâu. Sau thế chiến thứ 2, thế giới có phong trào giải thực (Giải Phóng đất nước từ tay thực dân ) hàng chục quốc gia được độc lập một cách dễ dàng, riêng VN chọn con đường chiến tranh, hy sinh khoảng 4 triệu người và 30 năm, điều này đã khiến quốc gia bị tụt hậu trở thành chậm tiến và nhất là phân hóa chưa biết bao giờ mới hàn gắn được. Tại sao VN ở bao lơn Thái Bình Dương, vị trí địa lý chính trị cực kỳ quan trọng như vậy mà chỉ trở thành mục tiêu cho các đế quốc xâm lăng còn không học hỏi để vươn lên được ? Tại sao các đế quốc nhìn ra nhìn ra vị thế quan trọng của VN mà chính người VN lạ không nhìn ra và tự tạo cho mình một vị thế tương xứng như vậy !? Tại sao người VN đã đầu tư quá nhiều vào chiến tranh mà chúng ta vẫn thiếu hẳn một đường hướng xây dựng để phát triển quốc gia thích hợp? Với lối phát triển quốc gia trong nhiều thế kỷ qua, bao giờ VN mới theo kịp các nước trung bình trên Thế Giới ? tức ngang với tầm vóc đáng lẽ phải có về dân số và diện tích của VN ??

Nhật bản, năm 1853 khi bị Hoa kỳ uy hiếp, Nhật bản cắn răng chịu nhục, quyết bỏ chính sách bế môn tỏa cảng. Nhưng họ mở rông ngoại giao không chỉ với Hoa kỳ mà với cả ngũ cường lúc bấy giờ là Anh, Pháp ,Nga , Đức và các nước khác nữa mặc khác họ cố gắng học hỏi ở các nước ấy để 30 , 40 năm sau vươn lên ngang hàng. Nhưng Nhật đã bắc chước các nước Đế quốc đi vài con đường chiến tranh sai lầm góp phần gây nên Thế chiến thứ 2 hy sinh khoảng 3,1 triệu người và đất nước tan hoang. Sau thế chiến thứ 2 Nhật bản đứng trước một tương lai cực kỳ đen tối chưa từng có. Nhưng họ đã chọn con dường xây dựng quốc gia bằng hòa bình, cố gắng làm việc chỉ 25 năm sau Nhật bản lại trở thành cường quốc !

Ngay nước gần chúng ta như Thái Lan cũng ở tình trạng tương tự nhưng khéo ngoại giao hơn không tốn xương máu mà vẫn giữ được hòa bình để phát triển.

Do đó điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ thu thập tinh hoa của người mà cần để ý đến văn hóa là mặt tinh hoa tạo nên tinh thần người Nhật hay người Đức, có tinh thầm mạnh như họ thì dù thua Thế chiến thứ 2 cũng nhanh chóng vươn lên. Tinh thần yếu thì dù đất nước có giàu có cũng sẽ bị lụn bại như nhiều nước trước đây trong lịch sử.

dly
29-11-2007, 09:51
Tiếp theo


Giờ đây vận nước vẫn còn lênh đênh mà người lãnh đạo lẫn người dân nhiều người vẫn như xưa chưa thức tỉnh. Đặc biệt có mấy triệu người ra nước ngoài tri thức thăng tiến bội phần nhưng chỉ có 1 phần rất nhỏ quan tâm đến cộng đồng và đất nước còn một phần lớn chỉ lo làm giàu cho bản thân và gia đình, thậm chí có nhiều người có học bổng của quốc gia sở tại cung cấp vẫn chỉ nghĩ như thế nào để chuyển tiền về nhà làm giàu cho mình ! .. thật là hởi ơi ..!

Vài chục năm trước chúng tôi có được đọc trong một cuốn sách, đại ý thuật lại lời một người trí thức Nhật với một người Việt ở VN ngay sau thế chiến thứ 2 vừa chấm dứt. Người Nhật ấy nói rằng, vì thua trận từ nay đất nước Nhật sẽ bước vào thời kỳ đen tối, còn VN sẽ thoát khỏi nạn thực dân được độc lập và tương lai xán lạn. Nghĩ vậy thế nhưng người Nhật đã cố gắng phục hưng đất nước một cách nhanh chóng. Trong khi đó tình hình VN đã không diễn biến như hoàn cảnh thuận lợi cho phép !

Một điều nghịch lý nữa là sách giáo khoa Nhật bản viết : “Nước Nhật nghèo tài nguyên, khoáng sản tự nhiên vốn không có gì .. “ mà nay người Nhật xây dựng thành giàu có. Còn sách giáo khoa VN có lúc viết “ Nước ta tài nguyên rừng vàng biển bạc, nhiều khoáng sản quý và có nhiều trữ lượng về khí thiên nhiên và dầu hỏa .. “ thế mà nay vẫn nghèo nàn ?? Tại sao người VN chỉ biết đem tài nguyên thô sơ và nông phẩm ngư phẩm là thứ đơn giản để đem đi bán? Dù ai cũng biết đây là thứ kinh tế của tầm vóc thời Trung cổ !

Vậy người VN bị thua kém tụt hậu vì những khâu nào. Tại sao đa số người VN mua thực phẩm là món ăn vật chất hàng ngày, có thể mua nhạc hàng tháng để giải trí mà có khi cả năm mới mua một cuốn sách là món ăn tinh thần ? Tại sao người VN dù có khoảng 3 triệu ở Hải ngoại và 80 triệu ở trong nước mà mỗi tựa sách cũng chỉ in trung bình khoảng 1000 cuốn ? Như vậy thực ra người VN có chăm chỉ tìm tòi học hỏi hay không ? Nếu bảo rằng sách đắt thì số người tìm đến thư viện cũng không cao mà số thư viện cũng không có nhiều để mà tìm đến !

Nói chung không có dân tộc nào tiến mạnh mà sách vở lại nghèo nàn. Bởi chính sách vở là kho kiến thức làm nền tảng để phát triển. Người Nhật tiến mạnh được là nhờ họ biết tích luỹ kinh nghiệm, người đi trước khi học hỏi họ ghi chép rất cẩn thận sau này nhiều người trong số đó viết sách để lại cho người sau và cứ như thế.. Thực tế có rất nhiều người VN giỏi nhưng không chịu khó viết sách để lại, nếu người ấy mất đi thì kinh nghiệm tích luỹ hàng mấy chục năm cũng mất theo luôn .. thật là uổng phí. Hơn nữa ai cũng rõ nếu hiểu biết chỉ được thu thập thuần bằng kinh nghiệm chưa hẳn đã là chính xác và tổng quát, lúc viết sách người viết sẽ phải tham khảo rất nhiều khi đó các suy nghĩ và dữ kiện mới dần dần có hệ thống và hoàn chỉnh hơn !

Tại sao người VN cả trong và ngoài nước được kể là học khá, nhất là về toán mà không tìm ra được một công thức hay có được một phát minh thực dụng đáng kể nào. Tại sao lúc nào cũng đầy người tụ tập ở quán cà phê và hiệu ăn mà không hề nghe thấy có được tên một nhà thám hiểm VN nào tại sao chúng ta thiếu hẳn óc tìm tòi, mạo hiễm và cố gắng ?

Nhiều người ngoại quốc nghe tiếng Việt cũng thấy làm lạ làm hay vì líu lo như chim trầm bổng như có nhạc. Bởi tiếng Việt có khoãng 15 ngàn âm với 6 dấu giọng cao thấp thế nhưng đa số người VN không biết gì về nhạc cả, thậm chí nhiều ca sỹ cũng không biết cách đọc đúng các dấu ký nhạc. Tiếng Nhật thì nghèo nàn về âm tiết vỏn vẹn chỉ có 120 âm mà đa số người Nhật rất giỏi nhạc, có nhiều nhạc trưởng hoà tấu hàng Quốc tế còn đi sửa các giàn Organ cho cả châu Aâu… Người Việt chỉ biết mua nhạc cụ chơi tới khi hỏng thì chịu thua thấy tình trạng bết bát quá chính người Nhật phải qua sửa giúp nhạc cụ của giàn nhạc giao hưởng VN khoảng đầu thập niên 90.

Trong tiến trình phát triển quốc gia, cụ thể là trên bình diện kinh tế, từ khâu đầu tư, hùn vốn lập công ty khai thác nguyên liệu, nhiên liệu nghiên cứu sản xuất cải tiến quản lý phẩm chất quản lý tài chính, quảng cáo buôn bán phân phối , bảo trì, tái chế biến bảo vệ môi sinh… tất nhiên khi làm ăn cá thể thì người VN chỉ mạnh ở khâu buôn bán nhỏ hoặc kinh doanh quán ăn lấy công làm lời !

Ngay khâu buôn bán, người bán thường chú trọng mua hàng ngoại hạng nhất về bán kiếm lời và người tiêu dùng cũng lo bỏ ra thật nhiều tiền tìm mua hàng ngoại hạng nhất để khoe mà nhiều khi không biết dùng hoặc không cần dùng tới. Tại sao lại chuộng hàng ngoại như vậy ? Hàng hóa ở VN ngày nay khá nhiều, nhưng hàng do người VN sản xuất không đáng kể là bao nhiêu và nếu có sản xuất cũng chỉ là đốt giai đoạn mua máy móc bên ngoài đem về nhập vật liệu nước ngoài rồi làm gia công. Sau này khi máy hư hỏng thì lại mua máy mới không dần dần tự chế máy thay thế như người Nhật hay người Hoa được.

Cạnh tranh trong thương trường người VN thường tìm cách hạ nhau, coi thành công của người khác là thiệt hại của mình, như bầy cua trong rọ cứ kẹp nhau để rồi kết quả là không con nào ra khỏi rọ được và tất cả cùng chết ! Người Mỹ có câu châm ngôn đại ý rằng “ Cạnh tranh là tự cải tiến sản phẩm của mình chứ không bỏ thuốc độc vào hàng của người khác” còn người Nhật thì chủ trương “Khách là nhất, chính khách nuôi nhân viên chứ không phải chủ như vậy phải làm sao cho vừa lòng khách”

Người VN ở hải ngoại cũng vậy, không khác đồng bào trong nước bao nhiêu , các nỗ lực cũng chỉ nhằm vào gia đình mình là chính mà không có ý thức cộng đồng nào.

Phải chăng những câu hỏi trên chỉ là những câu hỏi luôn làm trăn trở bứt rứt rất ít một số người VN có tâm huyết với sợ tồn vong của dân tộc, quốc gia còn đại đa số khác thì vẫn dửng dưng , họ chỉ lo làm giàu cho bản thân và gia đình cũng qua đủ mệt nhọc rồi nên không còn tâm huyết đâu mà lo chuyện thiên hạ chăng ?

Tất nhiên đã làm con người thì dù dân tộc nào cũng có các tính tốt xấu nhưng người VN dường như bị nhiễm các tính xấu ở mức độ trầm trọng!

Chúng tôi xin mạo muội bày tỏ phần nào những ưu khuyết điểm, những ưu tư với các bạn và xin tất cả chúng ta hãy thành tâm nhìn lại mình vì tương lai đất nước để thế hệ mai sai có được cuộc sống đáng sống hơn, hãy tự chế để bỏ dần các khuyết điểm mà tăng dần các ưu điểm ..

Một vài điển thường thấy ở người bình dân là

1, Làm 2 người bất hoà thì rất dễ, ngược lại giảng hoà cho họ thì rất khó

2, Hay nói xấu chê bai người khác

3, Hay thất hứa, hay tuỳ tiện làm theo ý mình mà không cần hỏi ý kiến ai hết

4, Hay thương người, nhẹ dạ cả tin nhưng mang tính thù dai thù lâu và trả thù ác độc

5, Hiếu kỳ, thích can thiệp vào chuyện người khác nhưng lại không có trách nhiệm

6, Dễ bị khích động và hễ giận thì dễ biết

7, Làm việc không có phương pháp, hay ăn xổi ở thì, thây kệ tới đâu hay tới đó lại mang tính ích kỷ, ít quan tâm đến lợi ích của người khác chỉ biết có nình thôi còn lại thì sống chết mặc bây !

8, Trong tập thể thì hay tranh nhau, do đố kỵ nhau thành ra bất hoà

9, Khi có chút quyền lực thì hay gia trưởng độc đoán

10, Thích hư danh huyển hoặc, mê tính dị đoan đồng bóng

Nguồn (http://www.vietkiem.com/forums/lofiversion/index.php/t10160.html)

DONNA_DONNA
29-11-2007, 10:19
Phong hóa Việt.

Đó là những gì còn sót lại của hơn 4 ngàn năm văn hiến, được đúc kết và phổ biến qua nhiều thế hệ.

Đó là thứ mà những người trẻ nên nhìn vào để mà hiểu biết hơn về quan điểm của cha ông, để tiếp thu những giá trị tinh thần tốt đẹp, để loại trừ, hạn chế những thứ ngộ nhận của tư duy...

Đó là thứ mà những bậc cao niên vẫn thường mang theo mình để làm gương mẫu cho thế hệ cháu con...

Đó là của người Việt.

Đó là thứ mà không thể chỉ vì "thời nay đã khác xưa rồi" có thể gạt qua, phủ lấp, hay đánh đổ những gì đúc kết của mấy ngàn năm.

Bởi vì giữa mấy ngàn năm, cũng đã bao lần xuất hiện ..."thời nay đã khác xưa rồi" !

Nhưng, nó vẫn tồn tại, đến những ngàn sau...

Bởi vì người Việt.


Tống Nghiên mở chủ điểm này mong được sự san sẻ, đóng góp của bạn bè trên diễn đàn, cùng nhau nhìn lại chính mình để mà phấn đấu.




Xin bác cho một số liệu cụ thể để minh chứng cho con số 4 ngàn đó. Ngày xưa SGK cứ ra rả Việt Nam có 4000 năm văn hiến, mà chả bít là 4000 năm đó là từ đời nào.

Phong hóa = Phong tục (Thói quen xã hội của một địa phương, một nước) và Giáo hóa (Truyền thụ tư tưởng và tri thức và trau dồi tình cảm bằng giáo dục).

Đòn Nà nghĩ rằng ý của Tống Nghiên không nhằm mục đích đi sâu vào phân tích những chi tiết lịch sử mà là muốn gợi lại những bài học đạo đức mang giá trị tinh thần đã thấm nhuần vào từng cử chỉ, tính cách, lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt Nam; đã ăn sâu vào tâm hồn, vào máu của bao thế hệ cha anh...

Vì vậy không nên đi hỏi quá chi tiết bài viết của một người mà làm mất đi mục đích của người lập topic. Những gì thắc mắc hoàn toàn có thể tìm được chỉ bằng một cái click đơn giản.

Đọc bài viết để lấy ý, từ đó củng cố thêm cho suy nghĩ, tư tưởng, nguyên tắc của mình là chính.


*****

Xin được tiếp theo với một vài đoạn trích trong tác phẩm "Rèn nghị lực để lập thân" (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3n3n1n3n31n343tq83a3q3 m3237nvn) của tác giả Nguyễn Hiến Lê (khó mà có thể tin được là tác phẩm này được viết từ 1955, đọc xong cảm giác cứ như là tác giả mới viết từ ngày hôm qua vậy :) )

1. Giáo dục thời xưa và thời nay

Giáo dục ảnh hưởng lớn nhất đến tư cách con người mà tiếc thay, giáo dục thời nay lại không chú trọng đến đức dục.
Hồi xưa, trẻ em mới vỡ lòng đã ê a những châm ngôn của thánh hiền, lớn lên lại trường cụ cử, cụ nghè, thì bất kỳ môn học nào cũng trực tiếp hoặc gián tiếp dạy luân lý; khoa học thiếu hẳn trong chương trình.

Mà về luân lý thì Khổng Tử cũng như Ignace de Loyola ở Âu, chủ trương rằng tác động và cử chỉ gây được tình cảm hợp với nó: Chẳng hạn một người ráng đi đứng cho ngay ngắn, giữ vẻ mặt cho nghiêm trang thì trong lòng tự nhiên cũng sẽ phát những tình cảm trung thực, đoan chính, hoặc đương buồn mà ráng cười thì cái buồn cũng sẽ lần lần tiêu tan; trái lại, đương vui mà làm bộ rầu rĩ thì chỉ một lúc, nỗi vui sẽ biến mất.

Vì hiểu tâm lý đó, đạo Nho quy định nhất cử nhất động của cá nhân trong gia đình và xã hội để giữ tình cảm được trung hoà. Trẻ em năm, sáu tuổi đã phải vào khuôn phép nghiêm ngặt, phải nén bản tính ham chạy nhảy, la hét, mà đứng ngay ngắn nghe chuyện đạo lý của người lớn. Hồi nhỏ, đã bao lần tôi phải dựa cột hàng giờ để hầu điếu đóm mỗi khi ba tôi tiếp một ông khách quý. Chân muốn tê, mắt muốn díp lại mà vẫn ráng ngoan ngoãn nghe các cụ bàn bạc về kinh sử, không dám lộ một vẻ gì là khó chịu. Mỗi lần nghe ba tôi hạ lệnh: “Thôi, cho ra sân chơi” tôi thấy như có cờ bay trong bụng.

Tám tuổi, đã phải khăn áo chỉnh tề đứng chắp tay bên bàn thờ những ngày giỗ tết và đợi ba tôi đưa mắt là từ từ bưng khay trà lại, bưng sao cho trà không sóng sánh rồi đặt sao cho không nghe thấy tiếng động.
Mỗi lần ba tôi dắt tôi đi thăm bà con, bạn bè thì thực là một cực hình kéo dài có khi suốt buổi. Đi phải khoan thai, chững chạc; ngồi phải trông trước trông sau; nếu vô ý mà quay lưng lại một bực vào hàng cha chú thì nơm nớp về nhà sẽ bị đòn; có ai hỏi mới được nói, mà nói thì phải lễ độ, rành mạch; ngồi ăn thì phải đợi người lớn gắp đủ lượt rồi mới được cất đũa, gắp thì không được vói xa, không được lựa miếng ngon, miếng lớn; và cơm không được và quá ba cái một lúc, có khi ăn xong bữa mà bụng vẫn đói vì cứ phải cắn miếng giá làm hai rồi nhấm nhấm từng chút một.

Một nền giáo dục khắc kỷ quá nghiêm như vậy trái với tính tình trẻ, làm cho nhiều người thành những bộ máy, mất cả sáng kiến, có khi hoá gàn; nhưng quả là luyện cho ta được đức tự chủ, thắng được cảm xúc để theo một con đường mà cổ nhân tin là chính đạo. Nhiều nhà nho có được một tư cách cao, một nhân phẩm quý phần lớn là nhờ được đào luyện trong khuôn khổ lễ nghi ấy.

Thời nay chúng ta hiểu tâm lý trẻ em một cách khác, không uốn nắn tre non mà để cho nó tự nhiên phát triển; trẻ được tự do, có khi phóng túng, tha hồ đùa giỡn, hét la. Nhiều khi những cử chỉ hỗn xược, những lời vô lễ của chúng lại được khen là tinh ranh, là ngây thơ. Một em nhỏ mới bập bẹ, đập tay dẫy chân đành đạch, chửi người vú là “mắc dịch”. Người mẹ nghe thấy, nhìn chồng, cười: “Nó lanh quá, có ai dạy nó đâu mà nó cũng biết”. Một em khác đánh rớt một viên đạn , một đứa bạn nó vô tình lượm được, nó đã chẳng hỏi xin, còn giựt lấy rồi chửi là: “Đồ ăn cắp, tao kêu lính bắt mày bỏ tù”. Người cha đứng gần đó tấm tắc khen: “Thằng này lớn lên, không ai ăn hiếp được”.

Trẻ muốn gì được nấy, thành những bạo chúa tí hon trong nhà. Cậu mà khóc thì cả nhà chạy lại, đút bánh đút kẹo, dỗ như dỗ vong; người lớn đương nói chuyện với nhau thì kéo áo cha mẹ đòi về, cha mẹ chưa kịp đứng dậy thì khóc lóc nói hỗn.

Ở trường, người ta chỉ chú trọng đến trí dục, cốt dạy thanh niên biết nhiều khoa học. Luân lý thành một môn phụ thuộc và giáo sư luân lý bị học sinh chê là cổ hủ. Sự lựa chọn giáo sư chỉ theo bằng cấp chứ không cần đức hạnh nên nhiều ông tư cách rất kém, như vậy làm sao học sinh có gương mẫu tốt mà theo?
Vậy nhà và trường đều không đào luyện tư cách thanh niên, nên phần đông nhà trí thức bây giờ xét về nhân phẩm kém xa các nhà Nho. Họ họp thành một bọn trưởng giả hãnh tiến, không phải là hạng thượng lưu được quốc dân trọng vọng như các cụ cử, cụ nghè thời trước. Ai cũng nhận thấy nhiều ông tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư tư cách không bằng một chú thợ, một anh bếp.

Trong hoàn cảnh như thế, luyện tư cách là một việc ta phải làm lấy, không thể trông ở nền giáo dục hiện thời được; mà càng làm sớm càng tốt, ngay sau khi ở trường ra cũng đã là hơi trễ rồi đấy.

2. Ta phải luyện tư cách và muốn vậy, phải rèn luyện nghị lực

Một tư cách cao là một quyền lực mạnh. Một em nhỏ có tư cách cũng làm cho người lớn kiêng nể.

Dã sử Hi Lạp ghi truyện Aristagoras đem vàng bạc lại dâng vua xứ Sparte là Cléomène để xin giúp y quân đội chiếm một xứ láng giềng. Lúc đó, một đứa con gái của nhà vua, mới sáu tuổi, ngồi chơi trong phòng, Aristagoras muốn đuổi em đó ra sân chơi để dễ nói chuyện. Nhà vua không ưng. Em bé nghe được hết, không hiểu gì cả, nhưng thấy cha có vẻ bối rối, bèn nắm tay cha kéo ra ngoài, bảo: “Thôi, đi ra, ba; người này muốn ép cha làm một việc xấu đấy”. Nhà vua nghe lời con mà tránh được một hành vi làm tổn thương danh dự của quốc gia và của mình. Em nhỏ đó đã thắng được một người lớn là Aristagoras và làm cho cả xứ Sparte kính phục.

Một em nhỏ khác, đói rét, rách rưới, run lập cập, da thịt tái ngắt, đi bán hộp quẹt ở Edimbourg. Em năn nỉ mãi, một ông quý phái nọ mới mua giúp em một ống, đưa cho em một đồng bạc. Em không có tiền thối, lại năn nỉ ông cho em đem đi đổi, vì em đói quá, cố bán cho được để có tiền ăn lót lòng. Ông quý phái đợi một hồi lâu, không thấy em trở lại, nghi em đã giựt tiền của mình rồi.
Nhưng tối hôm đó, một em gõ cửa xin vào thăm ông; em này nhỏ hơn em bán quẹt hồi sáng, cũng ốm yếu, lam lũ như vậy, móc túi lấy tiền đưa cho ông và thưa: “Anh tôi sáng ngày đổi tiền xong, trở lại trả ông thì bị xe cán, gẫy hai chân, bảo tôi mang tiền lại hoàn ông. Thầy thuốc bảo anh tôi khó qua được”. Nói xong, em oà lên khóc.
Ông quý phái cảm động, cho em ấy ăn rồi đi theo tới nhà em ở, thấy một tình cảnh rất thương tâm. Hai em mồ côi cha mẹ, sống với một dì ghẻ suốt ngày say sưa trong một cái hầm hôi hám tối tăm. Đứa lớn nằm trên đống rơm, mở mắt ngó ông, than thở:

- Thưa ông, cháu chết mất. Ai săn sóc cho em cháu bây giờ? Tội nghiệp nó.

Ông ta rơm rớm nước mắt, vuốt ve nó, bảo:

- Con cứ yên tâm, để ta săn sóc cho.
Nó nhìn ông, như muốn cảm ơn, rồi tắt thở.

Có tư cách như vậy thì ai mà không trọng, ở trong nghịch cảnh nào mà không có người quý? Không có vốn sẽ có người bỏ vốn cho làm ăn, không biết việc, sẽ có người chỉ bảo cho học tập; và lo gì không thành công, không có của cải và danh vọng?

Xã hội thời nào cũng tìm kiếm những người chính trực, trong sạch, không đem bán đấu giá lương tâm của mình, những người biết trọng sự thực và danh dự, đáng được tin cậy, không ngại khó nhọc mà chịu kiên nhẫn, không trông ở sự may mà biết tự tạo lấy sự may. Muốn có một tư cách như vậy, phải có nghị lực, nên việc đầu tiên trong sự tu thân là rèn nghị lực.
Bạn bảo:

- Tôi cũng biết vậy. Nhưng muốn rèn nghị lực, phải có một chút nghị lực đã, mà tôi thiếu hẳn nghị lực.

3. Có ai thiếu hẳn nghị lực không?
Nhiều người nghĩ rằng nghị lực là một năng lực kỳ diệu trời cho mới được và giúp ta làm những việc phi thường. Tôi xin nhắc lại, nghị lực gồm ba năng lực chứ không phải là một năng lực:

- Suy nghĩ.
- Quyết định.
- Và thực hành.

Ba năng lực ấy ai cũng có, chỉ trừ những kẻ bệnh tật nặng, mà đầu chương sau, tôi sẽ xét tới. Ai là người mỗi ngày hoặc mỗi tuần không suy nghĩ, quyết định rồi thực hành một việc gì đó nhỏ hay lớn? Sáng chủ nhật trước, bạn thức dậy, do dự không biết nên đi thăm một người quen hay đi xem hát bóng , sau bạn nhất định đi thăm người đó và điểm tâm xong, bạn thay quần áo đi liền. Như vậy là bạn có nghị lực rồi đấy.

Làm việc đó, bạn không cần có nghị lực lớn, và tuy chưa được hân hạnh biết bạn, tôi cũng có thể nói chắc mà không sợ lầm rằng đã có ít nhất là vài lần bạn tỏ ra có nghị lực khá mạnh. Bạn nhớ lại, từ trước tới nay, đã làm được việc gì khó khăn chưa? Hồi còn đi học, gần tới kỳ thi ra trường, bạn đã thức khuya dậy sớm, nhịn dạo phố, coi hát để ôn bài chứ? Rồi lúc tản cư, bạn đã có lần nào chân mỏi rã rời mà cũng ráng quẩy đồ trên vai, lết từng bước hàng mấy cây số nữa để tới chỗ nghỉ không? Có ư? Vậy thì vấn đề: “Bạn quả có thiếu hẳn nghị lực không?” mà chúng ta đã nêu ra ở cuối chương trước, khỏi cần phải bàn nữa, phải chăng bạn?
Một thi sĩ thấy tôi soạn cuốn này, mỉm cười bảo:

- Không có nghị lực mới cần rèn nghị lực, mà muốn rèn nghị lực thì phải có nghị lực đã: đã thiếu nó rồi thì làm sao rèn nó được? Vấn đề rèn nghị lực quả là một vấn đề lẩn quẩn.

Lời đó, mới nghe thì chí lý, nhưng hoàn toàn sai chính vì thi sĩ đó, cũng như bạn, nghĩ rằng có những người thiếu nghị lực. Quan niệm sai lầm làm hại biết bao thanh niên! Họ tin rằng không có nghị lực nên tự học không được, tu thân không được, không thành công được, rồi chán nản, sầu tủi nghĩ đến tương lai mờ ám, đến kiếp sống thừa của mình. Họ có thiện chí lắm, thấy điều phải rất muốn theo, thấy cái đẹp rất muốn làm, mà rút cục chẳng làm được gì cả vì không hiểu rõ bản thể của nghị lực.

Không! Không một người nào bẩm sinh ra thiếu hẳn nghị lực, chỉ có những người mà nghị lực suy kém hoặc không quân bình thôi.

TongNghien
24-12-2007, 03:25
Xin giới thiệu đến các bạn trên diễn đàn tác phẩm "Gia huấn ca" của Nguyễn Trãi.

Những gì được viết ở tác phẩm này, mình nghĩ rằng vẫn còn nhiều điểm cần học theo và truyễn giữ.



GIA HUẤN CA
Tác giả: Nguyễn Trãi

01. Lời mở đầu

1. Đặt quyển sách, vắt tay nằm nghỉ,
Hễ làm người dạy kỹ thì nên,
Phấn son cũng phải bút nghiên,
Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào.

02. Dạy vợ con

5. Nhân thong thả lựa vần quốc ngữ,
Làm bài ca dạy vợ nhủ con:
Lời ăn nết ở cho khôn,
Chớ nên đa quá, đa ngôn chút nào!
Ăn mặc chớ mỹ miều chải chuốt,
10. Hình dung đừng ve vuốt ngắm trông,
Một vừa hai phải thì xong,
Giọt dài giọt ngắn cũng không ra gì?
Khi đứng ngồi chứ hề lơ lẳng,
Tiếng nhục nhằn nữa nặng đến mình,
15. Hạt mưa chút phận lênh đênh,
Tấm son tạc lấy chữ trinh làm đầu.
Kìa mấy kẻ làu làu tiết ngọc,
Đem sắc danh nguyện lúc lửa châm,
Con hiền cha mẹ an tâm,
20. Một nhà khen ngợi, nghìn năm bia truyền.
Nọ những kẻ nước nguyền non hẹn,
Thấy mùi hoa bướm nghển, ong chào,
Miệng đời dê diếu biết bao,
Đông ra quốc pháp, nhục vào gia thanh.
25. Đem người trước lấy mình ngắm lại,
Khôn ba năm đừng dại một giờ,
Đua chi chén rượu câu thơ,
Thuốc lào ngọt nhạt, nước cờ thấp cao.
Đám dồi mỏ ra vào săn sóc,
30. Lại bài phu, tam cúc, đánh đinh,
Đố mười, chẵn lẻ, đố kinh,
Tổ tôm, kiệu chắn, sám quanh tứ chiều.
Đi đứng đắn, chớ điều vùng vẫy,
Khi tối tăm đèn phải phân minh,
35. Hoặc khi hội hát linh đình,
Được lời dạy đến thì mình hãy ra.
Ra phải có mẹ già em nhỏ,
Đừng đánh đàn, đánh lũ không hay,
Nói đừng chau mặt, chau mày,
40. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay hay nào!
Của tằn tiện, chắt chiu hàn gắn,
Khách buôn tàu chưa hẳn nơi đây !
Cũng đừng vắt nước cổ chày,
Tiếp tân tế lễ là ngày nên hoang.
45. Ăn ở chớ lòng mang khoảnh khắc,
Mua bán đừng điêu trác đong đưa,
Mua đừng ráo riết quá lừa,
Bán đừng bo xiết, ích ta hại người.
Chớ tắt mắt của người kém cỏi,
50. Đừng đảo điên có nói làm không,
Giàu sang cũng chớ khoe ngông,
Miễn mình ấm phận chớ lòng khinh ai.
Khó khăn chớ vật nài oán hối,
Hết bĩ rồi tới buổi thái lai,
55. Cầm cân, tạo hóa đổi dời,
Giàu ba họ, khó ba đời mấy ai?
Đừng học cách tham lời đặt lãi,
Lợi kẻ cho thì hại kẻ vay,
Dễ dàng nợ phải lay nhay,
60. Đến đầu đũa quá, e cay đắng nhiều.
Hoặc lỡ thiếu phải điều lĩnh tạm,
Dù ít nhiều liệu sớm tính xong,
Chẳng nên mê mẩn hơi đồng,
Qua lần cho khỏi thì lòng mới nguôi.
65. Thói mách lẻo, ngồi rồi bỏ hết,
Hễ điều gì nói ít mới hay,
Lân la giắt rợ, giắt rây,
Đã hư công việc, lại dày tiếng tăm.
Việc chợ búa chăm chăm chúi chúi,
70. Buổi bán xong liệu vội ra về,
Cửa nhà trăm việc sớm khuya,
Thu va thu vén mọi bề mới xong.
Phòng những kẻ có lòng gian vặt,
Nhỡ xảy ra một mất mười ngờ,
75. Tiếc thầm đứng ngẩn, ngồi ngơ,
Đau buồn thôi lại đổ cho tại trời.
Từ chốn ở, nơi ngồi thay thảy,
Rác ngập đường nhìn vậy chan chan,
Ai vào rác ngập ước chân,
80. Bát mâm tơi tả chiếu chăn đầy giường.
Tuy khó rách, giữ gìn thơm sạch,
Có hay gì chiếu lệch bụi nhơ,
Đồ ăn thức nấu cho vừa,
Thường thường giữ lấy muối dưa ngon lành.
85. Nghề bánh trái chiều thanh vẻ lịch,
Cũng học dần thói cách người ta,
Vá may giữ nếp đàn bà,
Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công.
Thủa tại gia phải tòng phụ giáo,
90. Khi lấy chồng giữ đạo chính chuyên,
Lại là hiếu với tổ tiên,
Những ngày giỗ tết không nên vắng nhà.
Đồ cúng cấp hương trà tinh khiết,
Theo lễ nghi khép nép, khoan thai,
95. Ăn nhiều ăn ít cho rồi,
Nhớ điều ghẻ lạnh lễ thôi lại về.

(còn tiếp)

Doan Dung
22-02-2008, 02:24
03. Với Cha Mẹ

Dù nội, ngoại hai bề cũng vậy,
Đừng trành hanh bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
100. Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.
Bởi thương đến mới năng mắng quở,
Muốn cho ta sáng sủa hơn người,
Ân cần kẽ tóc, chân tơ,
Tấm lòng chép để mấy lời tạc ghi.
105. Đừng nặng nhẹ, tiếng chì tiếng bấc,
Đừng vùng vằng mặt vực, mặt lưng,
Có thì sớm tiến trưa dâng,
Cơm ngon canh ngọt cho bằng chị em.
Dù chẳng có thì yên một phận,
110. Người trên ta há giận ta sao!
Hoặc khi lầm lỗi điều nào,
Đánh đằng cửa trước, chạy vào cửa sau.
Khi ấm lạnh ta hầu coi sóc,
Xem cháo cơm, thang thuốc mọi bề,
115. Ra vào thăm hỏi từng khi,
Người đà vô sự, ta thì an tâm.
Việc báo hiếu phải chăm chữ hiếu,
Kiệm hay phong cũng liệu tùy ngơi,
Đừng điều tranh cạnh chia bai,
120. Xấu trong làng nước, để cười mai sau.

Doan Dung
22-02-2008, 02:28
04. Với Chồng

Đạo vợ chồng tình sâu nghĩa ái,
Lại chẳng nên mặt tái, mày tăm,
Chuyện đâu bỏ đấy cho êm,
Đừng đem bên ấy về gièm bên ta.
125. Sách có chữ "nhập gia vấn húy",
Khi nói năng phải kỹ kiêng khem,
Dịu dàng tiếng thuận lời mềm,
Cứ lời chồng dạy mới yên cửa nhà.
Chớ nên cậy mình ta tài sắc,
130. Chồng nói ra nhiếc móc chê khen.
Nói càn như ở bậc trên,
Thường khi động đến tổ tiên quá lời.
Cơn giận đến, sự đời ngang ngửa,
Dở dói ra nát cửa tan nhà,
135. Chữ "tùy" là phận đàn bà,
Nhu mì để dạ, chua ngoa gác ngoài.
Dù lỗi phận gặp người tửu sắc,
Hay gặp người cờ bạc lưu liên,
Nhỏ to tiếng dịu lời êm,
140. Dần dà uốn mãi may mềm được chăng !
Phải chồng ngược, cắn răng chịu khổ,
Chớ nghiêng đầu, ngảnh cổ thiệt thân,
Duyên may gặp được văn nhân,
Thuộc câu "tương kính như tân" làm lòng.
145. Nghiệp đèn sách khuyên chồng sập sã,
Tiếng kê minh gióng giả đêm ngày,
Khuyên chồng nhớ đến đạo thầy,
Vật dâng lớn nhỏ gọi nay lễ thường.

Doan Dung
22-02-2008, 02:33
05. Với Vợ Lẻ

In lấy chữ tao khang chi nghị,
150. Đừng mang câu đố kỵ chi thường,
Dây bìm cho tựa cành vàng,
Trước chàng đẹp mặt, sau nàng đỡ tay.
Câu "đường cái" xưa nay cũng vậy,
Trai làm nên lấy bảy lấy ba,
155. Lấy về hầu hạ nhà ta,
Thêm hòe, nẩy quế có là con ai?
Cũng da thịt cũng tai mắt thế,
Kém ta nên phận ế hoa ôi,
Nghĩ tình ăn cạnh nằm ngoài,
160. Ấm no nên xót lấy người bơ vơ.
Thế mới phải phép thờ phu tử,
Ấy mới là đạo xử hài hòa,
Chữ "Tùy" rắn khúc nghi gia,
Môn đường thong thả, một nhà vẻ vang.

TongNghien
28-08-2011, 18:21
Đây là một chủ đề hay, rất hay. Xin phép được giới thiệu lại một lần nữa với mọi người ! :yes:

Arkain
28-08-2011, 19:26
Đây là một chủ đề hay, rất hay. Xin phép được giới thiệu lại một lần nữa với mọi người ! :yes:

Đúc kết lại: té ra từ năm 2007 thì đã có người thắc mắc Việt Nam có bao nhiêu năm văn hiến (http://www.ddth.com/showthread.php?p=2084963) :cool:

TongNghien
10-02-2012, 11:30
Đưa lên ! :D