PDA

View Full Version : Có một Công Vinh như thế !



gamerchina
24-11-2007, 11:41
VnMedia
Tuổi thơ cay đắng của tuyển thủ Lê Công Vinh
Kỳ 1: Chuyện người cha đi tù

Lê Công Vinh là một ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng với Vinh, cuộc sống của một "ngôi sao" đầy rẫy những áp lực, đã có những lúc Vinh nghĩ mình phát điên và ít người biết rằng, để có ngày hôm nay, anh đã phải trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng.

"Tôi chưa bao giờ giấu giếm về việc có một người cha từng đi tù vì phạm pháp. Thậm chí, tôi có quyền tự hào về ông và một phần cuộc sống của tôi, những cố gắng của tôi cũng là để bù đắp những gì ông đã trải qua", Công Vinh nói.

8 năm trong nước mắt

Ngày còn bé, chị em chúng tôi chủ yếu được bố chăm sóc, do mẹ tôi thường xuyên vắng nhà. Chuyện mẹ tôi vì sao ít khi ở nhà sẽ được kể ở phần sau. Vì thế, chúng tôi chịu ảnh hưởng từ bố rất nhiều.

Ký ức của tôi còn in đậm về tai nạn mà bố tôi phải gánh chịu. Trong một lần đi trên đường, bố đã bị một chiếc xe khách tông phải, suýt nữa chấn thương sọ não, một chân gãy với cái xương bánh chè gần như vỡ vụn. Công ty xe khách đã không chịu bồi thường một đồng nào vì cho rằng không phải lỗi của họ.

Sau tai nạn ấy, tiền thuốc thang, bệnh viện của bố đã khiến gia đình tôi khánh kiệt, nhưng cũng may ông qua khỏi dù phải mang cái đinh trong xương tới gần 10 năm trời. Trước hoàn cảnh gia đình như thế, bố tôi đã đặt số mệnh của mình vào một quyết định kinh khủng: buôn ma tuý. Ông tính, chỉ là một lần, đúng một lần duy nhất để có tiền cho các con đỡ khổ. Ác nghiệt, ngay chuyến đi định mệnh ấy, cha tôi bị bắt. Tòa án xử 12 năm tù.

Đó là một biến cố, là một bi kịch trong gia đình. Lúc đầu tôi rất giận ông, mặc dù tôi còn rất nhỏ. Sau lớn lên, tôi mới thấm thía rằng: bố mình chẳng qua cũng chỉ vì con cái, vì gia đình mà nhất thời phạm pháp.

Trong tù và trong trại giam, bố tôi là một người gương mẫu. Tòa án tuyên ông 12 năm tù nhưng thi hành án được 8 năm, ông được ân xá và trả quyền công dân. 8 năm ấy là 8 năm tôi thương bố. Mỗi làn bê nồi cơm lên là mỗi lần tôi chan hòa nước mắt và ước rằng: giá như bữa nào bố cũng được một miếng thịt, chỉ một miếng thôi.

Tôi phải xứng với bố

Ở trong trại, bố tôi cải tạo tốt đến nỗi lãnh đạo trại giam còn mời bố tôi ở lại trại để làm nhân viên ghi chép sổ sách. Nếu không vì tôi, chắc ông đã đồng ý với lời đề nghị này.

Thỉnh thoảng tôi lên thăm bố bằng xe máy, chụp ảnh gửi vào cho ông, hai bố con ôm lấy nhau mà khóc. Song, tôi biết ông rất mừng về sự tiến bộ của tôi trong bóng đá. Bố là người đầu tiên ủng hộ tôi làm quen với trái bóng. Tôi không thể quên câu nói của ông rằng: "Đời bố đã nhiều bất hạnh, con hãy đứng thẳng mà sống, hãy mang lại niềm tự hào cho những người xung quanh. Chỉ có điều ấy mới khiến bố không hối tiếc".

Tôi nghĩ rằng bố vì chúng tôi mà phải vào tù. Tôi là con trai duy nhất của ông nên phải có nghĩa vụ đền đáp. Sau khi bố ra tù, việc đầu tiên tôi làm là đưa bố đi tháo chiếc đinh ở chân và tới đây dự tính tôi sẽ gom tiền để mua cho bố một chung cư ở Nghệ An. Nếu bố muốn có cuộc sống riêng, tôi cũng sẽ tổ chức cưới vợ cho bố. Tôi rất ít khi nói với bố câu này, nhưng nó luôn nằm trong trái tim tôi: "Bố ơi, con luôn kính trọng bố và hứa sẽ sống thẳng như lời bố đã dặn".

Kỳ 2: Chỉ mong một bữa cơm có bố, có mẹ

Cập nhật lúc 09h44" , ngày 19/11/2007
Công Vinh cùng mẹ và 2 chị em gái.

Tôi thương bố bao nhiêu thì thương mẹ bấy nhiêu. Mẹ cũng vì lo cho các con mà vất vả tới mức chấp nhận cả những nguy hiểm rình rập để nuôi chúng tôi, nhất là khi bố tôi không thể ở nhà cùng mẹ chăm sóc 4 chị em...

>> Kỳ 1: Chuyện người cha đi tù

Chiếc xe Win của mẹ

Vì mưu sinh, vì lo cho cuộc sống gia đình mà mẹ tôi từng chấp nhận mạo hiểm để đi buôn… đá đỏ. Đó là thời cả Nghệ An như sôi lên vì đá đỏ Quỳ Châu, người trong làng, trong xã tôi đổ xô đi buôn đá đỏ. Tất nhiên chỉ là những viên đá ít có giá trị vì người quê nghèo như quê tôi lấy đâu ra vốn, mẹ tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy.

Trước khi bố tôi vướng vào vòng lao lý, chị em chúng tôi sống chủ yếu với bố vì mẹ bận đi buôn. Được một thời gian, mẹ có chút vốn và mua được chiếc xe Win. Lẽ ra, với một người phụ nữ phải chọn mua một chiếc Honda nữ để tiện đi lại, nhưng mẹ tôi lại chọn xe Win vì nó có thể vượt qua những đoạn đường gập ghềnh. Đó là một tài sản lớn của gia đình. Ngày bé, tôi thường được cưỡi chiếc xe đó, rất đỗi tự hào.

Nếu không phải vì gia đình, mẹ tôi sẽ không vất vả đến như thế. Nghe nhiều người kể lại, mẹ tôi khi còn trẻ là một người vừa xinh đẹp vừa múa rất giỏi đất Quỳnh, 14 tuổi mẹ đã là văn công của Quân khu 4, từng đi biểu diễn khắp nơi.

Một người tưởng chừng yếu đuối như thế lại có thể phóng xe Win, vượt đồi vượt rừng để mưu sinh là điều mà ngay cả chúng tôi cũng khó tưởng tượng. Vì chúng tôi, có lẽ, mẹ đã chấp nhận hy sinh ước vọng làm văn công của mình để bươn trải, để nuôi gà nuôi lợn.

Chỉ mong một bữa cơm có bố, có mẹ

Tôi không được may mắn như nhiều người, bố mẹ tôi chia tay nhau từ khi tôi còn rất nhỏ. Chuyện người lớn, tôi không hiểu lắm nhưng thực sự trong tôi, cho đến giờ này vẫn mong có được một ngày, một bữa cơm có cả bố cả mẹ, có chị, có em quây quần, vui vẻ nhưng thực sự là không được.

Sau này khi lớn lên một chút, tôi đã rất cố gắng để làm cầu nối, để bố mẹ được về bên nhau nhưng thật tiếc là đã quá muộn rồi. Mẹ tôi đã tìm cho mình hạnh phúc riêng và tôi cũng rất vui vì mẹ đã có người chia sẻ những khó khăn hàng ngày.

Thực sự, mẹ tôi là một người phụ nữ rắn rỏi, bà có thể làm được mọi thứ để lo cho gia đình. Từ chuyện đi buôn đá đỏ, nuôi gà nuôi lợn đến chuyện mở quán ở gần cổng xi măng Hoàng Mai, mẹ tôi đều gắng gượng vượt qua những khó khăn ban đầu để ổn định cuộc sống.

Cho đến giờ, tôi vẫn phải tiếp tục cố gắng để mẹ tôi có thể tự hào rằng đã sinh ra một người con như tôi…

(Lê Công Vinh)
Khi tôi bước chân vào bóng đá, lúc đầu mẹ tôi cũng không thật đồng ý, bà cho rằng bóng đá có cái gì đó rất nguy hiểm. Ngay cả việc mới đây, khi SLNA bị CĐV quá khích của Thanh Hóa đuổi đánh khiến tôi phải trốn, khi về nhà kể lại, mẹ tôi khóc mà nói rằng: “Hay con nghỉ bóng đá đi, chứ cứ thế này có ngày chết mất”.

Tôi hiểu mẹ lo lắng cho tôi thế nào. Tôi đã 22 tuổi nhưng với mẹ, tôi vẫn là "thằng Vinh còm 6-7 tuổi ngày nào trèo mãi mới ngồi lên được chiếc xe Win của mẹ”.

Nếu bố tôi là động lực để tôi phấn đấu thì mẹ tôi lại là tấm gương cho tôi về nghị lực, vượt qua những lúc khó khăn. Và tôi dù có làm gì đi chăng nữa, chắc vẫn không thể bù đắp được những tháng ngày cực nhọc của mẹ.

Tuổi thơ cay đắng của tuyển thủ Lê Công Vinh
Kỳ 3: Suýt bỏ học vì... nghèo

Cập nhật lúc 09h53" , ngày 19/11/2007

Khi bố tôi gặp nạn cũng là lúc chị em chúng tôi phải đón nhận những ánh mắt dè bỉu, khinh miệt của những người xung quanh. Hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng với một hoàn cảnh gia đình như thế, sẽ khó có đứa con nào trưởng thành và là người có ích cho xã hội. Ấy vậy mà khi mẹ đi vắng, chúng tôi có bố, khi bố không có ở nhà, mẹ lại về nuôi chúng tôi và khi mẹ tôi phải đi đâu đó lâu ngày thì chúng tôi lại đùm bọc lẫn nhau để cùng đứng vững.

>> Kỳ 1: Chuyện người cha đi tù
>> Kỳ 2: Chỉ mong một bữa cơm có bố, có mẹ

Trụ cột của gia đình

Khi lớn lên, tôi luôn nghĩ rằng trước khi xảy ra chuyện khiến bố mẹ tôi phải chia tay nhau, hẳn họ đã có quãng thời gian rất hạnh phúc. Bằng chứng là bố và mẹ tôi đã có với nhau 4 người con, đặc biệt là mấy chị em cứ cách nhau đều đều ba năm 1.

Chị cả Lê Thị Ngọc sinh năm 1979 giờ đã lập gia đình ở tận Đắk Lắk, chị hai Lê Thị Bích sinh năm 1982 cũng đã lấy chồng. Tôi là con thứ 3, sau tôi là em Lê Khánh Chi.

Trong số 3 chị em, về tính tình, tôi hợp với chị Bích hơn cả. Đó là một người con gái kín đáo, thương em nhất mực. Chị Bích chỉ hơn tôi đúng 3 tuổi nhưng đã có những khoảng thời gian dài chị phải thay mẹ chăm sóc tôi và em Chi. Trong mắt chúng tôi, chị Bích như một người mẹ thực sự.

Nhưng tôi lại thương em Chi hơn cả. Chi là đứa trẻ lớn lên trong sự thiệt thòi về mặt tình cảm. Nó khác với chị em chúng tôi là thiếu sự chăm sóc của người bố. Nhưng tôi lại không thể làm được như chị Bích, đóng vai trò một người mẹ, tôi không thể thay bố để chăm sóc em Chi như cái cách mà người bố nào cũng sẽ làm.

Điều duy nhất tôi có thể làm được có lẽ là coi Chi như một người bạn, cùng chung sở thích, cùng những nỗi khổ cực trong cuộc sống hàng ngày cần phải chia sẻ cho nhau. Sự thiệt thòi về tình cảm, có lẽ, đã ảnh hưởng đến em Chi rất nhiều, bù lại, Chi sống nội tâm và cố gắng đứng vững cùng mọi thành viên trong gia đình giữa những lúc sóng gió nhất. Em Chi học giỏi, từng thi học sinh giỏi văn của tỉnh.

Năm rồi thi đại học nhưng không đỗ. Tôi nói với Chi: "Em à, những lúc khó khăn nhất, gia đình mình đã vượt qua được rồi thì chuyện một lần hỏng thi thấm tháp gì. Hãy tiếp tục ôn luyện, thế nào em cũng sẽ đỗ".

Ảnh minh họa

Công Vinh cùng mẹ, chị Bích và em Chi.

Suýt bỏ học

Đất quê tôi, vùng Quỳnh Lưu nổi tiếng là đất học, nhưng suýt nữa tôi bỏ học năm lớp 9 cũng vì hoàn cảnh gia đình.

Lúc ấy tôi đã bắt đầu luyện tập bóng đá rồi nhưng đi tập đá bóng thì nào đã có chế độ. Thực ra, khi bước chân vào đội trẻ SLNA, ngoài sự yêu thích bóng đá ra, tôi không phải là cầu thủ có triển vọng. Lần đầu thi tuyển vào đội trẻ Nghệ An, tôi đứng gần đội sổ. Các thầy chê nhỏ người, kỹ thuật yếu tâm lý lại kém vì... hay sợ thầy.

Trong khi đó, cũng đã có những đứa bạn ở quê bỏ học đi làm vất vưởng nhưng cũng đỡ được cho gia đình chút xíu. Tôi nghĩ rằng nếu ngày đó, tôi bỏ học, bỏ bóng đá thì cuộc đời tôi có lẽ đã rẽ sang hướng khác.

Tôi hạnh phúc vì đã làm cho những người thân yêu của tôi cảm thấy hãnh diện, tự hào... Họ chính là một phần của đời tôi!

(Lê Công Vinh)
Chính những lúc tôi nghĩ rằng bỏ học để kiếm một việc gì đó làm để có tiền, coi đó như một cách thể hiện mình là người đàn ông trụ cột trong gia đình thì những tấm gương học giỏi của chị Bích, của em Chi đã kéo tôi lại để cuối cùng tốt nghiệp PTTH loại khá. Tôi tự lập từ nhỏ, xa nhà đi đá bóng ở tận Vinh.

Nếu tôi khổ 1 thì mẹ và các chị, các em khổ 10. Giờ đây tôi đã trưởng thành và có lẽ, điều làm tôi hạnh phúc hơn cả là đã làm cho những người thân yêu của mình như bố, như mẹ, như các chị và em gái cảm thấy hãnh diện. Họ chính là một phần của đời tôi!

Tuổi thơ cay đắng của tuyển thủ Lê Công Vinh
Kỳ 4: Những tháng ngày khổ luyện

Cập nhật lúc 13h30" , ngày 19/11/2007
"Tất cả những gì tôi có được bây giờ là nhờ khổ luyện. Đó là một chặng đường dài có cả máu và nước mắt"

Tôi không phải là người có năng khiếu bóng đá, những gì tôi có được hôm nay là nhờ những tháng ngày khổ luyện. Nhiều người cứ so sánh tôi với Văn Quyến, tôi coi Quyến là bậc đàn anh và thực sự thì Quyến cũng có một tuổi thơ đầy trắc trở. Nhưng khi bước chân vào bóng đá thì tôi và Quyến lại hoàn toàn khác nhau. Quyến là một tài năng bẩm sinh, thậm chí Quyến không cần tập nhiều mà vẫn đá hay. Còn tôi, tôi không cho là mình có quá nhiều năng khiếu, tất cả những gì tôi có được bây giờ là nhờ khổ luyện. Đó là một chặng đường dài có cả máu và nước mắt.

>> Kỳ 1: Chuyện người cha đi tù
>> Kỳ 2: Chỉ mong một bữa cơm có bố, có mẹ
>> Kỳ 3: Suýt bỏ học vì... nghèo

Tôi chỉ có thể dám chắc một điều rằng tôi mê bóng đá không kém một ai. Ước mơ trở thành một cầu thủ giỏi đến từ khi tôi 9-10 tuổi, có những chiếc áo phông cũ nát, nhưng tôi đã cẩn thận dùng bút lông chấm với than đen để viết tên cầu thủ và số áo sau lưng. Sau những trận đấu với những quả bóng rơm trên sân ruộng, tôi để nguyên cả cái áo đầy mồ hôi ấy đi ngủ.

Không giống như nhiều cầu thủ ở SLNA được phát hiện sớm, 12 tuổi tôi vẫn chơi ở giải phong trào, rồi được phát hiện và đưa đi bồi dưỡng ở Trung tâm TDTT huyện Quỳnh Lưu. Ngoài niềm đam mê với trái bóng, khi thi tuyển vào lớp năng khiếu của SLNA năm 14 tuổi, tôi chẳng có gì đặc biệt, thua kém bạn bè rất nhiều, từ hình thể, kỹ thuật đến tâm lý. Cũng may là vẫn đỗ.

Bắt đầu những ngày tập luyện ở Vinh là những ngày rất cực nhọc, nhà thì xa nhưng điều làm tôi cảm thấy khổ nhất chính là mặc cảm vì thua bạn, kém bè. Những buổi đấu tập tại đội trẻ, hai móng chân cái của tôi bật ra và bắt đầu thối nhưng tôi không thể bỏ buổi tập, thậm chí muốn có cơ bắp và thể lực như đồng đội, tôi đã phải tự giác chạy bộ và hầu như ngày nào cũng cho mình một "giáo án riêng" để... cày.

Tôi nhớ có một lần bị sốt cao, cái chân thì bầm dập, thầy Hà Thìn đến và nói rằng: "Con à, đời bóng đá là rất khổ cực không phải ai cũng chịu nổi đâu. Để bằng chúng bạn, con phải tập luyện vất vả gấp đôi, gấp ba. Nếu không chịu được khổ thì về đi, đừng theo bóng đá nữa". Lúc ấy tôi chỉ biết dàn dụa nước mắt mà nói rằng: "Con nghe lời thầy!".

Nhưng mọi chuyện không đơn giản thế, khi tôi tập đá bóng ở Vinh cũng là thời điểm mà bố tôi gặp nạn, mẹ tôi thay bố chăm sóc các con, nhiều lần mẹ đến Vinh gặp thầy Thìn xin cho tôi về vì nhìn tôi gầy quắt, đen đúa, mẹ rất thương và nghĩ rằng cần phải cho con theo một nghề khác, đỡ vất vả hơn nhiều. Ý của mẹ là muốn tôi về nhà, nuôi đủ tuổi rồi cho đi bộ đội vì có người họ hàng làm tại trường sỹ quan lục quân. Lúc ấy, nhìn tương lai mình chẳng có gì là sáng sủa nên tôi đã đồng ý với mẹ là bỏ bóng đá để về nhà làm việc khác.

Khi lên gặp thầy Hà Thìn để xin phép, thầy chỉ nói: "Việc này tùy gia đình quyết định bởi được tập ở đây thì khó nhưng về thì rất dễ, sau này có muốn cũng không trở lại được đâu. Với lại, tôi cảm thấy Vinh là đứa có khả năng, nó sẽ trở thành một cầu thủ giỏi nếu cố gắng". Vậy là mẹ bỏ ý nghĩ cho tôi làm sỹ quan quân đội. So với các bậc đàn anh, tôi có xuất phát điểm chậm hơn nhiều. Năm 2000, đội U-16 Việt Nam với thành phần nòng cốt là U-16 SLNA được báo chí ca ngợi thì tôi vẫn là một cầu thủ vô danh mới học nghề ở đội trẻ.

Sau đó là một quãng thời gian rất dài, tôi phải sống dưới cái bóng, dưới vầng hào quang của lớp đàn anh đi trước. Khi tôi lên đội 1 rồi lên U-23, tôi chưa bao giờ vượt qua được cái bóng của anh Văn Quyến, thậm chí ngay cả khi tôi đã đoạt Quả bóng vàng Việt Nam thì trong mắt mọi người, tôi vẫn đứng sau anh Văn Quyến.

Quyến là một người đặc biệt, anh ấy là một tài năng nhưng tính tình trẻ con. Còn tôi cũng luôn thấy ở Quyến rất nhiều điều phải học hỏi và lấy Quyến làm mục tiêu phấn đấu của mình. Tất nhiên, tôi không thể chơi như Quyến, tôi phải tìm cho mình cách đi riêng.

Cách đi ấy là không bao giờ được tự mãn, luyện tập, luyện tập và luyện tập. Cái đầu gối của tôi không còn như đầu gối của những người bình thường. Không biết bao nhiêu lần tôi phải xin thuốc tiêm để được luyện tập và thi đấu. Ấy vậy mà chính tôi cũng đã từng có quãng thời gian bị nghi ngờ giả đau để chống đối HLV trưởng.

Cho đến giờ tôi nghĩ rằng những cố gắng của mình thời gian qua đã phần nào được ghi nhận nhưng nó không thể là điểm dừng. Tôi đã ngang bằng và có thể đã vượt qua Quyến, nhưng còn rất nhiều mục tiêu cần phấn đấu trước mắt. Và đương nhiên, đó lại là một chặng đường đầy chông gai nữa.

Kỳ 5: Tôi đã suýt phát điên như thế nào?

"Để bù đắp vào những thiếu hụt về năng khiếu, tôi đã chấp nhận khổ luyện nhưng không phải lúc nào những cố gắng của mình cũng được nhìn nhận đúng đắn. Tôi đã từng lao đầu vào tường như một thằng điên...". Chuyện ấy đã xảy ra như thế nào, mời bạn xem tiếp kỳ sau!

Kỳ 5: Tôi đã suýt phát điên như thế nào?

Cập nhật lúc 08h39" , ngày 20/11/2007
Cuối cùng, sự nhẫn nại của Công Vinh cũng được đền đáp.

Để bù đắp những thiếu hụt về năng khiếu, tôi đã chấp nhận khổ luyện nhưng không phải lúc nào những cố gắng của mình cũng được nhìn nhận đúng đắn. Tôi đã từng lao đầu vào tường như một thằng điên, chuyện ấy đã xảy ra như thế nào?

>> Kỳ 1: Chuyện người cha đi tù
>> Kỳ 2: Chỉ mong một bữa cơm có bố, có mẹ
>> Kỳ 3: Suýt bỏ học vì... nghèo
>> Kỳ 4: Tuổi thơ cay đắng và tháng ngày khổ luyện

Lá đơn xin từ giã đội tuyển

Nhớ lại những Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn... 16 tuổi đã nổi danh như cồn, trong khi tôi tập ở đội trẻ đến năm 18 tuổi vẫn bị chê là cứng như que củi. Mà đúng thế thật, khi còn bé tôi luôn được nghe nhắc đến những con người vóc dáng nhỏ bé nhưng rất tài hoa, kỹ thuật điêu luyện như các bậc đàn anh Phan Thanh Tuấn, Văn Sỹ Hùng. Sau này lớn, mọi người lại bị mê hoặc bởi những pha đi bóng lắt léo của Văn Quyến, Ánh Cường nên một thằng cầu thủ như tôi đã không nhận được nhiều sự ưu ái của người hâm mộ Nghệ An. Nhưng cuối cùng, sự nhẫn nại của tôi đã được đền đáp. Khi không có Văn Quyến trong đội, tôi đã chứng minh được khả năng của mình, đó là những trận đấu ở JVC Cup 2003. Khoác áo tuyển Olympic dự SEA Games 22 của tôi đúng là một giấc mơ cho dù đó là một giải đấu mà tôi hầu như không để lại được dấu ấn nào đáng kể.

Nhưng 1 năm sau, mọi chuyện đã khác, tinh thần tôi đã được thoải mái hơn rất nhiều, một phần do bố tôi khi đó đã được ân xá và ra trại. Song tôi lại bị khủng bố bằng cách khác, không hiểu sao, chuyện tôi mua cho bố một chiếc xe máy lại bị chuyển thành chuyện bố tôi vay tiền của dân cá độ để có chiếc xe máy ấy và tôi phải... trả nợ bằng cách phải "làm độ" vài trận ở Tiger Cup 2004.

Rất may, cuộc khủng hoảng ấy trôi qua nhanh và tôi đã có một Tiger Cup đáng nhớ, cho dù đó là một Tiger Cup đáng quên của bóng đá Việt Nam.Với riêng tôi, được gọi vào đội tuyển, được chơi bên cạnh đàn anh Lê Huỳnh Đức rõ ràng là một bước ngoặt lớn.

Cho đến giờ này tôi vẫn nghe một vài người nói rằng lẽ ra anh Khanh xứng đáng đoạt danh hiệu Quả bóng vàng hơn tôi, nhưng tôi lại cho rằng năm ấy tôi xứng đáng, xứng đáng với những cố gắng của mình.

Lúc ấy tôi mới 19 tuổi, cái tuổi luôn choáng ngợp với những ánh hào quang và không dám hay không thể chấp nhận sự thật phũ phàng. Tôi mang danh hiệu Quả bóng vàng ấy về SLNA, nhưng sau đó là những trận đấu "mài đũng quần" trên băng ghế dự bị. Thực sự thì đó là một khoảng thời gian rất sốc.

Chưa hết, quãng thời gian kinh khủng nhất của tôi chính là giai đoạn trước SEA Games 23. Cả một giai đoạn tập huấn, tôi đã luyện tập rất chăm chỉ và có phong độ tốt nhưng HLV A.Riedl vẫn không cho tôi nhiều cơ hội. Trận đấu với U-23 Thái Lan tại Agribank Cup 2005, tôi có một khát khao kinh khủng là ghi bàn vào lưới U-20 Nhật Bản để chứng minh khả năng của mình nhưng không được, đó lại là trận đấu của... Thanh Bình.

Chẳng lẽ tôi, một cầu thủ vừa đoạt Quả bóng vàng 2004, lại trở thành một kẻ thừa thãi ở tuyển U-23 VN? Tại sao những cố gắng của tôi không được công nhận? Trên đường trở về phòng tôi như kẻ điên dại cứ lấy giày đập vào đầu rồi nảy ra ý định lao cả đầu mình vào tường.

Mọi thứ đã chấm hết sao? Và đúng lúc đó một ý nghĩa đã lóe lên: làm một lá đơn xin ra khỏi đội tuyển U-23. Rất may là tôi đã không làm điều dại dột ấy để tiếp tục kiên nhẫn chờ cơ hội. Và nó đã đến, ở SEA Games 23.

Nếu ngã, hãy đứng dậy và chạy tiếp

Khi tập ở đội trẻ SLNA, vào thi đấu, tôi luôn tâm niệm một câu trong đầu: "Nếu bị ngã, hãy đứng dậy và chạy tiếp". Cho đến giờ, tôi đã làm được đúng như thế. Tôi có những người bạn, biết cách chịu đựng và tôi học được nhiều ở họ điều ấy. Khi chưa lên Vinh học đá bóng, ở quê, tôi rất thân với một người bạn tật nguyền, cậu ấy bị câm. Nhưng khi chơi bóng, người bạn ấy không bao giờ cho thấy sự kém cạnh nào, đó là một con người có nghị lực phi thường. Khi lên Vinh, tôi chơi thân nhất với Hồng Tiến, Tiến cũng là người có nhiều nghị lực nhưng không may mắn, tập luyện nhiều, hai chân đã hỏng, song chính Tiến là người luôn động viên tôi cố gắng.

"Khi bị ngã, hãy đứng dậy và chạy tiếp" đó là điều tôi luôn nghĩ trong đầu trước những khó khăn, thất bại.

(Lê Công Vinh)
Chẳng có thành công nào mà không phải trả giá và tất nhiên, cơ hội chỉ đến với những người đã sẵn sàng đón nhận nó.

Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc nhưng không sung sướng

Tôi đang là một người thành công trong sự nghiệp của mình, nhưng thành công ấy thật mong manh, dễ vỡ... (đón đọc số sau).


"Tôi không cho phép mình thoả mãn bất cứ điều gì".

(Lê Công Vinh)
Tôi không thật sung sướng nhưng hạnh phúc vì nhận được sự tin tưởng, mến yêu của người hâm mộ. Tôi vui khi một ngày được trở về nhà, ăn miếng cơm đạm bạc do chính tay mẹ nấu và tôi rất muốn có những phút giây riêng tư với người bạn gái đang học Đại học Văn hóa, hai đứa có thể được đi ăn ốc nóng vỉa hè, có thể thoải mái tâm sự cùng nhau,...

Nhưng trước mắt vẫn là những trận đấu phải vắt sức, vẫn là những ngày xa nhà đằng đẵng. Đó là điều mà tôi đang chấp nhận.

gamerchina
24-11-2007, 11:42
Cuộc sống của một người nổi tiếng, tôi nghĩ là không hề dễ chịu. Tôi vẫn thường cảm thấy bức bối vì không được làm những gì mình muốn. Nhưng tôi chấp nhận điều ấy, vì sao?

>> Kỳ 1: Chuyện người cha đi tù
>> Kỳ 2: Chỉ mong một bữa cơm có bố, có mẹ
>> Kỳ 3: Suýt bỏ học vì... nghèo
>> Kỳ 4: Tuổi thơ cay đắng và tháng ngày khổ luyện
>> Kỳ 5: Tôi đã suýt phát điên như thế nào?

Tôi giàu có không?

Một tuổi thơ khốn khó, một hoàn cảnh gia đình không được may mắn, sum vầy như những người khác, những cái nhìn đầy khinh miệt của nhiều người khi bố tôi gặp nạn... tất cả những điều ấy đã dạy tôi một điều: "Đừng bao giờ tự cho mình thỏa mãn bất kỳ điều gì".

Tôi có nghe nhiều người nói rằng: "Cầu thủ bây giờ sướng như tiên, nhiều tiền, muốn chơi nổi". Thực ra không mấy ai hiểu được áp lực đằng sau đời cầu thủ mà nói ra chưa chắc đã nhiều người dám đánh đổi".

Ở SLNA, tôi nhận lương 3 triệu một tháng, ở đội tuyển, tôi nhận khoản phụ cấp chưa đầy 4 triệu, chỉ chờ vào tiền thưởng. Đúng là với những người dân ở quê tôi, thu nhập như thế là giàu. Nhưng điều mà tôi phải đánh đổi để có khoản lương ấy là gì? Là một ngày hai tuổi tập vắt kiệt sức trên sân cỏ. Là xa cách người mình yêu quý, là việc cứ tối tối phải về nơi tập trung đúng 9 giờ. Hơn nữa, bóng đá thực sự có những lúc thật bạc bẽo.

Khi anh ghi bàn, cả sân hô tên anh, nhưng chỉ trận sau thôi, anh không có phong độ tốt nhất lập tức gia đình, bố mẹ anh bị réo tên ra chửi. Chúng tôi, những cầu thủ phải chấp nhận tất cả những chuyện ấy. Có lần, hồi còn đá ở đội U-20 quốc gia, tôi đã bị vu cho là bán độ, cũng may các thày tin tưởng chứ tôi không thể thanh minh một cách cụ thể.

Thậm chí cũng mới đây thôi, tôi còn bị xúc phạm bằng cách ai đó đã rải truyền đơn ở CLB nói tôi bán độ. Đó là những khoảng thời gian đầy áp lực, có người nói sau lưng tôi rằng: "Rồi thằng Vinh nó cũng đi tù như bố nó thôi". Nó như mũi dao cứa vào chỗ tôi đau nhất. Tất nhiên, với công sức của mình, tôi có quyền cho mình thực hiện một số sở thích.

Có người nói rằng tôi muốn rũ bỏ cái quá khứ nghèo hèn bằng cách leo lên giới thượng lưu khi mua những thứ đắt tiền như điện thoại chẳng hạn. Nhưng chẳng lẽ tôi cứ phải đi xe đạp khi tôi mua được xe máy? Hay tôi cứ phải dùng điện thoại rẻ tiền khi một trong những đam mê của tôi là sở hữu một chiếc điện thoại đẹp?

Tôi khẳng định là tôi vẫn nghèo, gia đình tôi vẫn cần rất nhiều tiền để trang trải những khó khăn hàng ngày, mẹ tôi vẫn phải quanh quẩn với cái quán nhỏ đầy bụi cạnh nhà máy xi măng Hoàng Mai, bố tôi vẫn chưa có một ngôi nhà thực sự và đang sống ở một cửa hàng cầm đồ, nơi mà ông thuê, em tôi văn chưa đỗ đại học, các chị tôi không khá giả gì. Tôi thực sự chưa làm được điều gì cho họ ngoại trừ một việc họ có thể tự hào với mọi người, với hàng xóm vì có một người con, một người anh, một người em như tôi.

Cuộc sống của một ngôi sao

Tôi vẫn phải ý tứ khi ra ngoài đường, từ lời ăn tiếng nói đến cách ăn mặc. Thậm chí, tôi chưa bao giờ bước chân vào một quán bar, vũ trường chỉ để "xem nó như thế nào" mặc dù đó không hẳn là những nơi xấu xa. Nhưng tôi tránh.

"Vinh à, mày là một thằng chuyên nghiệp". Anh Huy Hoàng nói với tôi như thế, anh Hoàng rất ít khen ai, nhưng tôi tin anh ấy nhận xét đúng về tôi. Khi kết thúc một giải đấu, tôi có thể uống bia đến say mèm nhưng bình thường thì không, tuyệt đối không. Tôi cũng không hút thuốc lá vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và nghề của tôi.

Những gì tôi đang có với nghiệp bóng đá, cũng có thể gọi là thành công, nhưng nó rất mong manh. Chỉ một phút ngã lòng là tất cả sẽ sụp đổ. Tôi biết điều ấy và luôn tìm cách giữ mình trước những cám dỗ.

"Tôi không cho phép mình thoả mãn bất cứ điều gì".

(Lê Công Vinh)
Tôi không thật sung sướng nhưng hạnh phúc vì nhận được sự tin tưởng, mến yêu của người hâm mộ. Tôi vui khi một ngày được trở về nhà, ăn miếng cơm đạm bạc do chính tay mẹ nấu và tôi rất muốn có những phút giây riêng tư với người bạn gái đang học Đại học Văn hóa, hai đứa có thể được đi ăn ốc nóng vỉa hè, có thể thoải mái tâm sự cùng nhau,...

Nhưng trước mắt vẫn là những trận đấu phải vắt sức, vẫn là những ngày xa nhà đằng đẵng. Đó là điều mà tôi đang chấp nhận.

doremon_No1
24-11-2007, 19:32
Một bài viết rất hay.
Theo mình thì trong bóng đá Công Vinh vẫn chưa sánh được với Văn Quyến.
Văn Quyến cũng có một tuổi thơ đầy chông gai.

ThànhViênVIP
24-11-2007, 20:21
Vậy nếu so sánh về tư cách thì sao ?