PDA

View Full Version : Bệnh Dạ Dày với công việc - Trao đổi & chia sẻ



trung@nv
16-11-2007, 22:36
Hồi xưa học thầy giáo hay cảnh báo nếu cứ thức khuya nhiều + ăn uống không đúng cách nên coi chừng bệnh đau dạ dày.

Có khi đó nhiều bạn cười - cả tớ cũng cười, có bạn còn nói thức khuya chơi game đến 4-5 giờ sáng chẳng sao, vì đơn giản khi mạnh khỏe người ta thường coi thường sức khỏe. Có một câu đại loại là: Người khi có sức khỏe có rất nhiều ước mơ, Khi không có sức khỏe chỉ có một ước mơ duy nhất.

Hiện tại tớ đang ngồi type mấy dòng này trong trạng thái dạ dày có vẻ đau râm ran khó chịu. Tớ search trên internet và đoán mình có thể dính đau dạ dày. Mặc dù chẳng rượu, bia thuốc lá... nhưng có thể việc ăn uống nghỉ ngơi của sinh viên không thực sự khoa học và đúng cách.

Cũng có thể trong chúng ta và tớ cũng từng có những lúc (thậm chí nhiều) khi ăn no xong là xà ngay vào ngồi compuer, gõ, đọc tin, code, suy nghĩ. Ăn xong lại làm việc ngay, thậm chí không ít bạn trong chúng ta vừa ăn vừa làm... Bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi khoa học hơn nhé.


Vì vậy bài viết này mong anh/chị em chúng ta cẩn trọng giữ gìn sức khỏe của chính mình. (Anh em nào có rựou, thuốc lá nên giảm đi nhé, ăn uống nghỉ ngơi khoa học)
Đồng thời topic là nơi chúng ta có thể chia sẻ về bệnh dạ dày này, cũng như các kiến thức và kinh nghiệm điều trị khỏi hẳn.

Có ai bị dính bệnh đau dạ dày này ko ? Ai có trao đổi kinh nghiệm hay chia sẻ cùng nhau thảo luận.

--------------
Một số thông tin căn bệnh được tìm trên Internet:



Bệnh loét dạ dày tá tràng
BS. Trần Ngọc Bảo - Bộ Môn Nội Trường ĐHYD TP. HCM

Loét dạ dày - tá tràng (DD-TT) là một bệnh đã được biết từ thời cổ đại. Bệnh xảy ra ở mọi quốc gia, mọi lứa tuổi. Tỉ lệ bệnh ở các nước là 1 – 3% dân số, và trong suốt một đời người khả năng mắc bệnh loét là 10%. Việc điều trị bệnh loét DD - TT đã có những thay đổi lớn trong ba thập niên trở lại đây với việc phát triển các thuốc chống loét thế hệ mới từ thập niên 1970 và việc phát hiện và xác định vai trò gây bệnh loét của vi khuẩn Helicobacter Pylori từ thập niên 1980.

I. Nguyên nhân và các yếu tố gây ra bệnh loét DD – TT là gì?
1. Quan niệm về sự sinh bệnh loét được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đó là do sự mất quân bình giữa 2 lực đối kháng tác động lên niêm mạc DD-TT: (1) Lực tấn công làm phá hủy niêm mạc DD-TT mà tiêu biểu là HCl và pepsin của dịch dạ dày và (2) Lực bảo vệ đảm bảo sự nguyên vẹn của thành DD-TT do hàng rào nhày và lớp tế bào niêm mạc DD-TT. Theo quan niệm này, bất cứ một tác nhân nào làm gia tăng lực tấn công hoặc làm giảm lực bảo vệ đều có thể gây bệnh loét DD-TT. Có thể minh họa quan niệm này bằng sơ đồ dưới đây:

2. Trong số các tác nhân gây bệnh nêu trên, H. Pylori là nguyên nhân quan trọng nhất. Các thuốc AINS, Steroides có thể gây loét ở người phải điều trị dài ngày với các thuốc này. Các stress về tâm lý thần kinh cũng có thể gây bệnh loét. Thuốc lá làm tăng nguy cơ bị loét, tăng tỉ lệ tái phát và biến chứng của bệnh loét. Rượu cũng tăng tỉ lệ tái phát loét.


II. Triệu chứng của bệnh loét DD-TT như thế nào?

Chỉ khoảng 50% bệnh nhân loét DD-TT là có triệu chứng điển hình, 40 – 45% có triệu chứng mơ hồ, không điển hình, những trường hợp này rất khó chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác của DD-TT như viêm DD-TT, ung thư DD. Có 5 - 10% bệnh nhân loét hoàn toàn không có triệu chứng (loét câm), hay gặp ở người lớn tuổi.

1. Cơn đau loét: là triệu chứng điển hình của bệnh loét DD-TT với các đặc điểm (1) Đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức). (2) Đau có chu kỳ theo bữa ăn và theo mùa. (3) Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh và giảm khi uống các thuốc kháng axit hay thuốc băng niêm mạc dạ dày.

2. Các triệu chứng không điển hình như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa… rất khó phân biệt là do loét hay do một bệnh khác của dạ dày như viêm DD, ung thư DD, hay chứng loạn tiêu hóa không do loét. Trường hợp này phải chụp Xquang hoặc nội soi DD-TT mới chẩn đoán chắc chắn.

3. Các trường hợp loét câm thường chỉ được chẩn đoán khi xảy ra biến chứng.

4. Bệnh thường hay tái phát. Trước đây, sau khi được chữa lành, có 60 – 80% tái phát trong vòng 2 năm. Từ thập niên 80, khi xác định được vai trò gây bệnh của vi khuẩn H. Pylori, việc điều trị tiệt trừ H. Pylori đã làm giảm tỉ lệ tái phát còn khoảng 10%.


III. Các biến chứng của bệnh loét DD-TT là gì?

1. Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa): xuất huyết hay chảy máu thường rầm rộ với ói ra máu, có hoặc không có đi tiêu phân đen. Bệnh nhân cần được nhập viện ngay để điều trị cấp cứu.

2. Thủng DD-TT: xuất hiện cơn đau bụng đột ngột , dữ dội vùng thượng vị như dao đâm, thường có nôn ói và bụng cứng như gỗ. Biến chứng này phải được mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.

3. Hẹp môn vị: lúc đầu ăn chậm tiêu, đầy bụng, nặng bụng, ợ nước chua nhất là về buổi chiều; tiếp theo bệnh nhân bị nôn ói sau ăn ngày càng thường hơn. Bệnh nhân thường gầy sút do bị nôn ói. Biến chứng này phải được điều trị bằng phẫu thuật.

4. Hóa ung thư: ngày nay người ta thấy có chứng cứ nhiễm H. Pylori gây viêm loét dạ dày lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày.


IV. Làm cách nào để xác định bị bệnh loét DD-TT?

1. Chẩn đoán xác định loét DD-TT: trước đây khi bệnh nhân có cơn đau loét điển hình, bác sĩ có thể tiến hành điều trị với thuốc chống loét. Trường hợp các triệu chứng không điển hình, phải chụp Xquang hoặc nội soi để xác định bệnh loét và loại trừ các bệnh khác của dạ dày, nhất là ung thư dạ dày. Các triệu chứng giúp nghĩ đến ung thư dạ dày là (1) Sụt cân, chán ăn. (2) Đi cầu phân đen và có các triệu chứng của thiếu máu mạn như xanh xao, mệt mỏi. (3) Đau bụng âm ỉ vùng thượng vị. (4) Người lớn tuổi (> 50 tuổi). (5) Có người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày

2. Chẩn đoán nhiễm H. Pylori: hiện nay do cần xác định có nhiễm H. Pylori hay không để quyết định việc điều trị tiệt trừ nên cần làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H. Pylori cho bệnh nhân. Có nhiều phương pháp chẩn đoán nhiễm H. Pylori như chẩn đoán qua nội soi và các xét nghiệm không phải làm nội soi như test huyết thanh học, test thở urease, kỹ thuật PCR…

V. Điều trị loét DD-TT như thế nào?
Hiện nay việc điều trị loét DD-TT có thể phân ra hai nhóm chính: nhóm bệnh loét DD-TT do nhiễm H. Pylori và nhóm không do nhiễm H. Pylori. Nhóm sau thường do dùng các thuốc kháng viêm, thuốc trị đau nhức, do stress, do bệnh gan mạn tính.

1. Đối với nhóm loét DD-TT do nhiễm H.Pylori, việc điều trị chủ yếu là dùng các phác đồ điều trị tiệt trừ H. Pylori. Các phác đồ 3 thuốc gồm một thuốc chống loét (Bismuth, Ức chế thụ thể H2 của Histamine, Ức chế bơm proton) kết hợp với hai kháng sinh (Tétracycline, Clarythromycine, Amoxicilline, Imidazole). Các phác đồ 4 thuốc gồm 2 thuốc chống loét kết hợp với 2 kháng sinh thường dùng trong trường hợp thất bại với phác đồ 3 thuốc. Các phác đồ điều trị thường có các tác dụng phụ như chua miệng, đắng miệng, nhức đầu, buồn ói và ói. Người bệnh cần cố gắng chịu đựng để uống đủ liều điều trị vì nếu bỏ dỡ điều trị sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc về sau.

2. Đối với nhóm loét DD-TT không do nhiễm H. Pylori: việc điều trị gồm (1) Ngưng các thuốc gây loét, (2) Điều trị với các thuốc chống loét. Trường hợp phải điều trị lâu dài các bệnh mạn tính với các thuốc có thể gây loét thì nên điều trị kết hợp với thuốc chống loét. Trường hợp bệnh nhân đã bị loét nếu cần phải điều trị với các thuốc có thể gây loét thì bắt buộc phải điều trị kèm với các thuốc chống loét.

Các thuốc chống loét DD-TT không do nhiễm H. Pylori gồm 3 nhóm: (1) Thuốc kháng axít, (2) Thuốc chống tiết axít và (3) Thuốc bảo vệ niêm mạc.

2.1-Thuốc kháng axít: là những thuốc có khả năng trung hòa axít của dịch dạ dày. Các thuốc kháng axít chủ yếu là các muối aluminium hoặc magnesium (hydroxide, phosphate) hiện nay được sử dụng trong điều trị triệu chứng của bệnh loét như đau bụng, đầy bụng, ợ hơi… Các thuốc thường chỉ có tác dụng khoảng 1 – 2 giờ nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Các muối alumium thường gây táo bón; ngược lại, các muối magnesium thường gây tiêu chảy.

2.2- Các thuốc chống tiết axít: gồm các thuốc Ức chế thụ thể H2 và Ức chế bơm proton làm giảm tiết axít của tế bào thành.

2.3- Các thuốc bảo vệ niêm mạc gồm:

· Bismuth dạng keo: có tác dụng che phủ ổ loét để bảo vệ ổ loét chống lại axít và pepsine của dịch vị.
· Sucralfate: là một hỗn hợp sucrose sulfate và aluminium hydroxide, ở môi trường axít, hỗn hợp này tạo thành dạng gel che phủ ổ loét.
· Prostaglandine: ức chế tiết axít đồng thời có tác dụng bảo vệ niêm mạc DD-TT qua cơ chế kích thích tái tạo niêm mạc và tăng tiết nhày.

3. Điều trị hỗ trợ: bên cạnh việc điều trị tiệt trừ H. Pylori hoặc điều trị thuốc chống loét bệnh nhân cần kiêng cữ các thức ăn chua cay, nhiều mỡ béo và phải ngưng hút thuốc lá, ngưng uống bia, rượu. Tránh bớt các nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh.



Kết Luận:

1. Bệnh có thể điều trị dứt điểm, không tái phát và không gây biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và được điều trị đúng cách.

2. Nguyên nhân gây bệnh quan trọng nhất là do nhiễm khuẩn H. Pylori.

3. Các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh loét gồm: thuốc lá, bia rượu, các stress về thần kinh tâm lý, các thuốc kháng viêm, thuốc trị đau nhức.

4. Việc điều trị bằng thuốc trong bệnh loét DD-TT cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị và phù hợp với tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.

5. Người bệnh không nên tự ý điều trị, hay nghe theo lời mách bảo hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ mà không chịu đi tái khám để tránh những hậu quả không tốt có thể xảy ra do không đuợc điều trị đúng cách.

6. Dự phòng bệnh loét: đối với nhiễm khuẩn H. Pylori cần giữ vệ sinh ăn uống; Đối với nguyên nhân khác cần khống chế các yếu tố thuận lợi như kiêng thuốc lá, bia rượu, tránh bớt các stress về thần kinh tâm lý.

7. Người lớn tuổi khi có triệu chứng của bệnh loét nên thăm dò nội soi hoặc chụp Xquang DD-TT để xác minh hoặc loại trừ sớm ung thư dạ dày.

Nguồn: http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/yhpt/cttrochuyenthaythuoc/benhloetdadaytatrang09-04-2003.htm


(Bệnh này không nguy hiểm như H5N1, AIDS, Tai Xanh ^^... nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt ăn uống hằng ngày của bạn. Bạn hãy cảnh giác)

trung@nv
16-11-2007, 22:36
Cũng có thể trong chúng ta và tớ cũng từng có những lúc (thậm chí nhiều) khi ăn no xong là xà ngay vào ngồi compuer, gõ, đọc tin, code, suy nghĩ. Ăn xong lại làm việc ngay, thậm chí không ít bạn trong chúng ta vừa ăn vừa làm... Bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi khoa học hơn nhé.



9 câu hỏi thường gặp về bệnh loét dạ dày
Theo Vnexpress: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2006/02/3B9E710D/

Loét dạ dày được coi là căn bệnh của cuộc sống văn minh. Khi con người càng quay cuồng chạy đua với thời gian, công việc thì bệnh càng phát triển. Hiện cứ 10 người lại có 1 người bị đau dạ dày.

Đa số trường hợp loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra. Vi khuẩn này hiện diện trong 90% bệnh nhân bị loét tá tràng và trong 70% loét dạ dày. Khám phá này đã mang lại giải Nobel cho hai nhà bác học Australia Marshall và Warren.

Thế nào là loét dạ dày?

Dạ dày sử dụng dịch vị để phân mảnh thức ăn. Để bảo vệ thành dạ dày khỏi bị sự tấn công của acid clorhydric trong dịch vị, một màng nhày dày bao phủ bên trong dạ dày. Nhưng khi sự tái sinh các tế bào của màng nhày bị rối loạn, kích thích của dịch vị tạo ra những vết loét đường kính vài milimet. Loét tá tràng diễn ra ở ruột tá, điểm tiếp nối giữa dạ dày và ruột non, chiếm 90%. Loét nằm ở dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng.

Nguyên nhân gây loét?

Từ lâu, người ta cho rằng nguồn gốc loét dạ dày là các yếu tố tâm thể. Nhưng ngày nay, người ta biết rằng 99% là do vi khuẩn HP. Sự khám phá này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong diều trị loét dạ dày-tá tràng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn này.

Tuy nhiên, loét còn có thể do tác động của aspirine dùng thường xuyên hoặc các nhóm thuốc kháng viêm giảm đau không streoid khác. Đây là nhóm thuốc gây độc cho dạ dày và làm giảm cơ chế bảo vệ tự nhiên của màng nhày. Việc dùng các thuốc nhóm này để điều trị đau sẽ góp phần làm tăng tình trạng loét.

Các triệu chứng loét biểu hiện như thế nào?

Loét kéo theo những cơn đau như chuột rút, nóng bỏng, quặn thắt ở dạ dày. Cơn đau xuất hiện khoảng 4 giờ sau bữa ăn và có thể kéo dài tới bữa ăn kế tiếp. Bên cạnh đó còn có thể có các triệu chứng phối hợp như: buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa. Việc cung cấp thức ăn vào dạ dày thường giúp giảm đau. Các triệu chứng kéo dài vài ngày rồi trở nên đau theo định kỳ.

Khi nào đi bác sĩ?

Nếu cơn đau không thể giảm khi dùng các thuốc giảm đau bao tử không cần kê toa, nếu tái xuất hiện nhiều lần trong ngày đêm thì nên đi khám để được điều trị sớm và hiệu quả.

Đâu là những yếu tố làm nặng chứng loét dạ dày?

Có nhiều yếu tố làm tăng nặng vết loét dù không phải là nguyên gây ra loét, đó là nghiện thuốc lá, nghiện rượu, dùng nhiều cà phê, bị stress thường xuyên, dùng các thuốc giảm đau không steroid và các thuốc corticoid.

Cần từ bỏ các yếu tố trên một khi đã chẩn đoán bị loét. Cần theo một chế độ ăn uống cân bằng, sử dụng nhiều rau quả để cung cấp chất xơ (sợi), tránh các đồ chiên xào quá nhiều mỡ hoặc gia vị. Cần dành thời gian cho việc ăn uống; những bữa ăn vội vã sẽ làm cho dịch vị tiết ra nhiều gây đau cho vết loét.

Chẩn đoán loét dạ dày như thế nào?

Việc chẩn đoán cần đến kỹ thuật chụp fibroscopie dạ dày để thấy rõ vết loét và lấy sinh thiết các mảnh màng nhày. Bệnh nhân không thoải mái lắm với phương pháp này nên có thể trắc nghiệm gián tiếp bằng cách dùng test qua đường hô hấp.

Điều trị ra sao?

Cơ bản nhất vẫn là dùng thuốc tác dụng cùng lúc làm giảm tiết dịch vị và kháng sinh để tiêu diệt HP. Hai nhóm dược phẩm thường được sử dụng:

- Chống tăng tiết để ngăn chặn sự sản xuất acid chlorhydric và làm liền các tổn thương màng nhày: đó là chất ngăn chặn pompe proton thường được dùng từ 4-6 tuần.

- Các kháng sinh để tiệt trừ HP thường là amoxicillin và clarithromycin trong ít nhất là một tuần. Trong vài ngày, các triệu chứng biến mất nhưng không nên ngưng điều trị vì bệnh

arsene_lupin
16-11-2007, 22:38
cảm ơn bạn mình cũng rất giống bạn ngồi liền từ sáng tới chiều ăn uống trên bàn máy giờ thì sẽ sửa

UNGDIX
16-11-2007, 22:53
Thông tin trên là chính xác đó, mình thường xuyên thức khuya từ 3~4 năm nay. Gần đây cũng bị râm ran. Ngủ sớm ăn uống đủ bữa đỡ hẳn. Mọi người không nên thức khuya quá với cái dạ dày rỗng.

nmd
17-11-2007, 16:26
Mấy vụ thức khuya chỉ nên 1 tuần 2-3 lần thôi. Không nên thường xuyên. T_T

VPO
18-11-2007, 00:22
mấy bác nói làm em sợ quá, chắc em không dám thức khuya nữa quá!

JB - Huang Jin
24-11-2007, 22:03
Nghe nói rượu tỏi cũng chữa rất công hiệu với bệnh dạ dày và nhiều bệnh khác nữa như: gai cột sống, tim mạch. Pác nào có thử qua xin cho biết ý kiến.

candoanything
28-11-2007, 09:13
Cách chữa dạ dày thì có nhiều cách, nhưng cái khó nhất của các phương pháp điều trị là phải uống thuốc đều đặn và phải thật đúng giờ.

Điều này xem ra có vẻ dễ với các cụ già đã về hưu có nhiều thời gian rảnh rỗi còn với chúng ta công việc lu bù nhiều lúc ăn uống còn quên thì việc uống thuốc đều đặn có lẽ quá khó

levanduy
25-12-2007, 02:59
lúc này là 3 h sáng rồi.Chào các bác em đi ngủ đây không lại mắc bệnh đau dạ dày mất.Thanks bác thông tin em biết

VnVision
27-12-2007, 17:41
Thức khuya mới đc liệt vào một trong các tác nhân gây ung thư đấy.

Gì chứ ngồi nhiều, lại thức khuya là căn nguyên của đủ thứ bệnh. Bệnh thường gặp nhất ở người ngồi nhiều là trĩ.

Còn một thứ đau đớn hơn có thể xảy ra với những người ngồi nhiều là vô sinh hoặc khả năng sinh con gái cao hơn.

Đừng ai coi thường !


"There is no real excellence in all this world which can be separated from right living." – David Starr Jordan.

thanvanthai
05-01-2008, 09:21
mình cũng đã thức khuya 4-5h sáng & ăn uống cũng ko diều độ nữa trong một khoảng thời gian dài (SV mà) & kết quả vừa đi chụp XQuang .... hĩ loét dạ dày . đúng là cái bệnh này nó khổ thật :( nhiều khi bị đau chỉ ước gì trước đây mình ko thức khuya & ăn uống khoa học hơn .... mong các bạn hãy quan tâm hơn tới sinh hoạt của mình nhé !:)

giunkim
15-03-2009, 15:20
topic này h mới biết, :( mình bị da day cung 3 năm rồi :( (bị hp+) uống bao nhiêu thuốc cũng ko khỏi, h lo bị ung thư quá :((