PDA

View Full Version : Sinh viên và những nỗi ám ảnh không tên



aptechite198x
29-10-2007, 17:39
(Dân trí) - Nhà vệ sinh bẩn, hình ảnh của những cô thủ thư hách dịch, những người trông xe quát tháo… đang là nỗi ám ảnh hàng ngày khiến không ít sinh viên các trường ĐH, ngay cả ở những trường ĐH có tiếng, cảm thấy bức bối, khó chịu.
http://images4.dantri.com.vn/Uploaded/phuongnh/vi-tinh-gd-291007.jpg
Học ở các phòng máy cũng không "yên thân". (Ảnh minh họa).

Là một trong những trường ĐH thực hiện tích cực nhất việc lấy ý kiến đánh giá của sinh viên, đều đặn trong 4-5 năm qua, vào thời điểm kết thúc mỗi năm học là Ban giám hiệu trường ĐH Ngoại thương lại tổng hợp các bản trưng cầu ý kiến lại thành cuốn kiểu như “cẩm nang” sinh viên. Những đánh giá của sinh viên thuộc nhóm trường “top” 1 này khá đặc sắc và thật bất ngờ khi tại đây, nhà vệ sinh bẩn cũng là nỗi ám ảnh không nguôi đối với các em.

Trong bản Điều tra của năm học 2006-2007, nhiều sinh viên đã phải than: “Phòng học nhỏ, bẩn, nhà vệ sinh bẩn; Rất khổ cho những lớp học cạnh nhà WC ở nhà B và G vì mùi hôi ảnh hưởng; Cần cải thiện tình trạng bất cập tại các khu vệ sinh trong trường như thiếu nước, mất nước. Môi trường ô nhiễm, nhất là các phòng học ở gần các nhà WC. Em thấy vệ sinh quanh khu vực nhà WC là rất tệ, nếu ngồi học ở tầng 1 nhà B thì mùi rất khó chịu...”

Không chỉ ở ĐH Ngoại thương mà ở ĐH Bách khoa Hà Nội tình trạng cũng tương tự. Mặc dù ĐH Bách khoa có một khuôn viên cực kỳ đẹp đẽ và rộng rãi nhưng những khu nhà vệ sinh nằm xen kẽ giữa những phòng làm việc như trong dãy nhà D3-5 luôn bốc mùi và đặc biệt những hôm trời nóng bức thì mùi này thật khó tả.

Ngoài nỗi khổ về WC, sinh viên ngày nay còn phải chịu quá nhiều áp lực khác.


Theo GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương thì nhà trường không bao giờ bỏ qua bất kỳ nhận xét nào. Mọi ý kiến đóng góp đều có giá trị trong việc xây dựng để hoạt động dạy và học ở ĐH Ngoại thương ngày càng trở nên tốt hơn.

GS Châu cho rằng, có để sinh viên bộc bạch hết nỗi lòng mình thì các em mới có thể thoát được những áp lực không tên như kể trên để tập trung vào việc học tập.

Một sinh viên ĐH Ngoại thương nhận xét trong sự ngao ngán: “Nhân viên các phòng văn thư, thư viện toàn mắng mỏ sinh viên nếu có lỗi nhỏ nào đó. Có lần chị văn thư bắt 10, 15 sinh viên đợi rất lâu để chị cắm hoa, ăn bánh sau đó quay ra phán: Hết giấy giới thiệu! Riêng bản thân em rất ngại đến phòng tổng hợp dù rất muốn. Vì em sợ thế nào mình cũng mắc lỗi nhỏ nào đấy để rồi bị mắng dữ dội”.

Không chỉ có thế, rất nhiều sinh viên bức xúc: “Các cô ở thư viện, phòng đọc của trường quá khó tính, gây rất nhiều khó khăn chúng em khi mượn sách nên sinh viên rất ngại đến đó. Các cô trông xe rất hay quát nạt sinh viên, thái độ rất khó chịu, có nhiều lần mắng mỏ quá đáng, thậm chí còn đổ cả nước chè để đuổi sinh viên đi.

Thái độ các thầy cô làm việc ở các phòng chức năng, phòng quản lý sinh viên và các nhân viên làm việc tại phòng căng-tin, phòng bảo vệ, chỗ trông xe hay quát mắng sinh viên vô cớ. Thủ tục hành chính rườm rà, mang tính hành sinh viên. Nhân viên thư viện rất quan liêu, hạch dịch và thậm chí xúc phạm sinh viên nặng nề. Phòng khai thác mạng thì quá tải vì không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên nhưng người quản lý thì vừa chat, vừa quát sinh viên...”.

Một sinh viên khác thêm vào: “Thái độ tiếp sinh viên của cán bộ văn thư là vô cùng lỗ mãng, hách dịch. Rất kinh khủng khi sinh viên chúng em nghĩ đến cảnh đi xin dấu các cô văn thư”.

Nhiều sinh viên mong muốn: “Nhà trường nên mở cửa phòng tự học để sinh viên có thể tự do học nhóm, ôn thi 24/24 vì phòng đọc của thư viện mở cửa chỉ có giới hạn. Vào mùa đông, khi phải thi buổi sáng, học buổi chiều, sinh viên không có chỗ ngồi mà tự học, các phòng học chưa đến giờ mở nên sinh viên phải ngồi ngoài ghế đá, rất rét. Vào căng tin học thì vừa chật chội, vừa... mùi”.

Có sinh viên thì buồn bã: Mặc dù chúng em có thể góp tiền đóng trả tiền điều hoà để được hưởng một không khí học tập mát mẻ nhưng cả 3 năm nay, các phòng học có điều hoà hình như chưa bao giờ bật.

Và sau cùng của mỗi bản điều tra, băn khoăn của sinh viên là không biết những nhận xét của họ có được Ban giám hiệu nhà trường “để mắt” đến hay không?

Theo Dân trí.

Banned
29-10-2007, 18:29
Nói chung gọi là ám ảnh cũng chưa thực sự chính xác. Và so với những minh chứng kia, thì cũng chưa thể nào sánh được với cái việc năm thứ nhất trường tôi bắt SV phải ăn trong KTX, và có nhiều người cầm cái thẻ ăn từ 10 trưa tới 1h chiều rồi... lầm lũi ra về vì không chen nổi để lấy thức ăn đó!

Ngay như chiều nay, tôi có đi tham quan 1 vòng với 1 người bạn học trên ĐH Quốc Tế (ĐHQG TP.HCM), 1 môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo viên chủ yếu là người nước ngoài, học phí gần 2 ngàn 1 năm <~ có thể nói là một môi trường lý tưởng so với sinh viên các trường quốc lập khác. Vậy mà còn bị mấy thằng tài xế xe Bus nó hành cho "lên bờ xuống ruộng" rồi mới kiếm được chỗ... đứng trên xe bus mà về đó!

Bởi vậy, người càng nhiều tuổi càng dễ chấp nhận, và thậm chí là "an phận", cái đất nước được "vinh danh" là "hình mẫu của các nước kém phát triển", cũng xuất phát từ những cái coi-như-là-nhỏ đó mà ra cả.

Thôi thì mạnh ai nấy sống, nói mãi nói hoài cũng vậy cả mà thôi. Cứ lo mà kiếm cho thật nhiều tiền, lúc đó thì bạn sẽ chẳng bao giờ gặp bất cứ 1 rắc rối hay khó chịu nào từ người khác nữa cả! Hoặc là bạn "làm to" 1 chút, con bạn có đóng film *** phạm luật rành rành, thì còn được pháp luật đứng ra "che chở"!....

Làm dân đen khổ lắm!!!!