PDA

View Full Version : BPO - Hướng đi mới cho phần mềm VN?



meoden8x
18-08-2007, 00:19
(VietNamNet) - Gia công phần mềm (outsourcing) từng là giải pháp số một để phát triển công nghiệp phần mềm tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng còn rất nhiều hướng đi khác nữa để nâng tầm sản xuất phần mềm thành ngành kinh tế thực sự có đóng góp đáng kể cho GDP.

Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Vinasa: "Điều may mắn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là nhu cầu lao động CNTT Việt Nam quá lớn".
"Điều may mắn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là nhu cầu lao động CNTT Việt Nam quá lớn. Vì thế các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể tự bơi được đến nay trong điều kiện không có chính sách, nền tảng từ Nhà nước", ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), nhận xét.

Người đại diện hiệp hội phần mềm Việt Nam cho biết việc duy trì tốc độ tăng trưởng trên 30% liên tục trong nhiều năm là điểm đáng ghi nhận. Doanh số 100 triệu USD xuất khẩu của phần mềm khác hẳn những ngành nghề khác bởi giá trị gia tăng trong đó rất cao. Việt Nam hiện có khoảng 750 hãng phần mềm với 35.000 nhân công, trong đó có 150 công ty làm trong lĩnh vực outsourcing với quy mô 100 - 150 nhân viên. Tuy nhiên, phần mềm vẫn chưa trở thành một ngành công nghiệp thực sự nếu không có được hướng đi cụ thể.

Outsource không chỉ là viết code

Viết mã cho sản phẩm (coding) là dịch vụ phổ biến nhất của các công ty phần mềm Việt Nam. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp chủ động mở rộng phạm vi kinh doanh, không chỉ viết những phần mềm máy tính, ứng dụng mạng mà cả phần mềm nhúng trong thiết bị đặc thù.

"Tuy nhiên, gia công phần mềm đã trở thành một lối mòn", ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ DTT, nói. "Các công ty phần mềm Việt Nam đang cạnh tranh với nhau trên cùng 1 thị trường nhỏ hẹp, từ đó dẫn đến cùng giành giật thị trường, nhân sự với nhau. Muốn có được sự phát triển bùng phát cho phần mềm thì phải mở rộng theo cả 2 hướng: số lượng và chất lương".

Theo ông Trung, phát triển dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (Bussiness Process Outsourcing - BPO) là hướng đi mới để phát triển phần mềm Việt Nam theo tiêu chí "số lượng". Dịch vụ này làm toàn bộ những công việc liên quan đến ứng dụng CNTT, gồm cả những công việc đơn giản nhất như xử lý ảnh, nhập dữ liệu, số hoá văn bản,... cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán tài chính, chăm sóc khách hàng, ... Theo thống kê của hãng Gartner (Mỹ), BPO là một trong số 6 xu hướng công nghệ sẽ bùng nổ đến năm 2010 bởi nó phù hợp với làn sóng phân công hoá lao động toàn cầu.
So sánh về số tiền thu được từ mỗi giờ lao động, gia công dịch vụ BPO thường có giá "rẻ mạt" nhất (so với các dịch vụ outsourcing khác). Tuy nhiên, lợi thế của chúng nằm ở số lượng công việc rất lớn và đơn giản. Năm 2004, các công ty BPO của Ấn Độ đã thu về đến 2 tỉ USD, chiếm 2/3 tổng thu nhập của ngành gia công phần mềm thế giới. Khái niệm này được nhắc đến tại Việt Nam từ cuối năm 2005 nhưng số doanh nghiệp thực sự đang khai thác "vỉa quặng" này chỉ đếm được trên đầu ngón nay.

Mặt khác, phát triển nhân lực có thể tham gia dịch vụ BPO cũng nhanh hơn so với coding. Đào tạo lập trình viên mất 4 - 5 năm tại trường đại học, sau đó gạn lọc đi một số mới còn lại những người thực sự có thể lập trình được. Ngược lại, đào tạo người có thể gõ văn bản, nhập dữ liệu hoặc chỉnh sửa ảnh,... mất thời gian trung bình khoảng 6 tháng với những yêu cầu thấp hơn nhiều.

"Hầu hết anh em làm phần mềm đều là những người có đam mê, viết code là công việc hấp dẫn, đầy tính sáng tạo của họ. Bởi vậy, khi làm những công việc giản đơn thì người ta lại không hứng thú lắm", người đứng đầu Tập đoàn DTT chia sẻ. "Mặc dù xét cho cùng, việc viết code thuê hiện nay cũng dừng ở mức đơn giản là một vài module trong toàn bộ giải pháp của đối tác. Hàm lượng chất xám trong công việc này cũng chẳng lấy gì làm nhiều cả".

Đánh giá tiềm năng của BPO tại Việt Nam, ông Trung khẳng định nếu được định hướng phát triển tốt, doanh thu từ ngành phần mềm có thể tăng đột biến từ dịch vụ này. Chia sẻ với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT Software, nói: "Để làm một món đồ mỹ nghệ, chắc chắn cần các nghệ nhân. Nhưng các anh chàng tiều phu, thợ xẻ cũng có thể kiếm tiền bằng việc cung cấp gỗ. Không thể có được sản phẩm tốt nếu 1 người làm tất cả công việc đó".

Phát triển theo chiều sâu

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc DTT: "Làm phần mềm là phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng việc bắt tay cùng đầu tư với các đối tác nước ngoài, chúng ta "đi trên vai của người khổng lồ" để dần nâng tầm của mình". Ảnh: Hưng Hải.

Ngoài mở rộng theo hướng "nhà nhà làm công nghệ", việc nâng cao giá trị sản phẩm cũng cải thiện đáng kể doanh thu ngành phần mềm. Thay vì viết những module đơn lẻ, việc viết giải pháp toàn diện, phần mềm trọn gói sẽ đem lại giá trị cao hơn trong mỗi giờ lao động.

"Cũng là viết code, nhưng đối tác chỉ thuê 10 USD mỗi giờ nếu chúng ta viết module đơn lẻ. Nếu có thể viết được giải pháp toàn diện, số tiền công mỗi giờ có thể lên khoảng 40 USD hoặc cao hơn nữa", Tổng giám đốc DTT cho biết.

Điểm khó của hướng đi này nằm tại trình độ của các công ty phần mềm Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, điểm mấu chốt của hướng đi này nằm ở chỗ các sản phẩm phần mềm phải đảm bảo được chất lượng, tiêu chuẩn và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một giải pháp được các công ty manh nha hướng đi này áp dụng là bắt tay cùng góp đầu tư với đối tác nước ngoài trong những dự án của họ. Sau đó doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào những công việc có thể làm được trong dự án đó thay vì gia công đơn thuần. Bằng cách tăng tỉ lệ tham gia vào các dự án theo thời gian, doanh nghiệp tiến tới sản xuất được giải pháp phần mềm trọn gói của riêng mình.

"Bản thân những phần mềm do Việt Nam sản xuất cho thị trường trong nước thời gian gần đây cũng bị lỗi thời. Điều này có thể thấy qua những sản phẩm ứng dụng cho ngành ngân hàng, tài chính và chứng khoán gần như bị thay thế ngay lập tức khi có sản phẩm của nước ngoài vào", ông Trung nói. "Bằng cách mua lại sản phẩm đang phát triển tại Mỹ, Châu Âu rồi hoàn thiện chúng tại Việt Nam cùng với các tên tuổi lớn, thị trường cho sản phẩm được đảm bảo không chỉ nội địa. Nếu có thể sản xuất được phần mềm trọn gói, doanh thu sẽ tăng lên gấp nhiều lần".

Ở giai đoạn đầu, hướng đi này khá trắc trở bởi đòi hỏi trình độ quản lý, vốn của doanh nghiệp phần mềm sang hẳn một cấp độ khác. Nguồn lực tài chính để có thể "mua" lại một phần dự án là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân những doanh nghiệp VN vừa nhỏ, vừa yếu nhưng ít có sự liên kết. Khó khăn này có thể bằng sự hỗ trợ của Nhà nước rót vốn đầu tư vào một số dự án nổi bật, có chiều sâu.

Trở ngại lớn hơn hiện nay là những người có tầm nhìn, đánh giá được giá sản phẩm có triển vọng, đối tác sẵn sàng đi cùng với chúng ta trong nước quá khan hiếm. Phần đông người lãnh đạo doanh nghiệp phần mềm lại "xuất thân" từ dân kỹ thuật. Cách nhìn của họ trong kinh doanh cũng có những điểm hạn chế đặc thù. Nguồn lực nhân sự chất lượng cao này chỉ có thể trông đợi từ những chuyên gia Việt kiều đang làm việc tại nước ngoài.

"Xét một cách toàn diện thì hướng đi này khó. Nhưng với những công ty được thành lập với định hướng sâu sắc tới thị trường quốc tế thì có thể thành công", ông Trung khẳng định.

Vai trò của Nhà nước

Theo đánh giá của các chuyên gia, phần mềm là ngành mà sự quản lý của Nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển của nó. Điều dễ nhận thấy bởi nó chưa được Nhà nước xây dựng những nền tảng chung: chính sách định hướng, hệ thống tiêu chuẩn về đầu tư, ứng dụng, phát triển... Đặc biệt là nguồn vốn cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Người đại diện Vinasa cho rằng bản thân nhu cầu quá lớn về nhân lực CNTT trên thế giới đã giúp các doanh nghiệp phần mềm VN có thể trụ vững đến ngày nay. Trong giai đoạn 1, con số doanh thu 110 triệu USD so với chỉ tiêu 500 triệu USD là quá nhỏ bé. Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công nhìn các doanh nghiệp có thể "tự bơi" và duy trì mức phát triển trên 30% mỗi năm cũng đã là một thành công đáng ghi nhận.

Dù sao, giai đoạn 1 được coi là thử nghiệm kiểu "ném đá qua sông". Giai đoạn 2 với công việc hiện thực hoá chỉ tiêu 800 triệu USD mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành phần mềm đạt được đến năm 2010 trong Quyết định số 51 (12/04/2007) không phải quá tầm với. Tuy nhiên, còn quá nhiều công việc cần phải làm và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Việt Nam có nhiều lợi thế đánh giá cao trong phần mềm nhưng tất cả đều là tiềm năng. Nhân tố lao động giá rẻ là tiềm năng lớn nhất. Thực tế, Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 25.000 lập trình viên. Con số trên quá nhỏ để so sánh với những "đại gia" outsourcing khác. Chỉ một công ty lớn tại Ấn Độ cũng có tới trên 100.000 lập trình viên làm việc thường xuyên. Phát biểu với báo chí, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Marketing FPT Software TP.HCM, thừa nhận "Đào tạo nhân sự CNTT VN còn quá kém".

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tấn Công khẳng định vấn đề trọng tâm của phần mềm Việt Nam hiện nay không nằm ở việc sản xuất như thế nào mà chính là ở con người. "Công nghệ thay đổi rất nhanh. Vì thế, con người mới là yếu tố cạnh tranh chứ không phải công nghệ", ông Công nói.

Mặt khác, việc thiếu đi những chuẩn mực cần thiết để trở thành ngành công nghiệp thực sự cũng là một cản lực để có được sự phát triển bùng phát. “Một ngành công nghiệp phải có những chuẩn mực và sự chuyên môn hoá trong sản xuất. Hiện tại, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn đi sản xuất trọn gói từ đầu đến cuối theo kiểu sản xuất nhỏ. Vì thế, các công việc tầm cao vẫn thiếu nhân lực”, người đứng đầu FPT Software phân tích.

Xây dựng nền tảng, định hướng chiến lược và đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp phần mềm không thể làm trong thời gian ngắn. Đẩy mạnh dịch vụ BPO trên diện rộng có thể gấp rút tăng doanh thu. Nhưng để có thể đưa phần mềm thành một nền công nghiệp thực sự thì cần tách bạch 2 hoạt động "nghiên cứu khoa học" và "kinh doanh" trong chính cách nhìn nhận về phần mềm.

Theo Vietnamnet.

ngocquang19877
18-08-2007, 00:24
Giờ này các công ty Viet Nam mới rục rịch làm BPO.

FCG, Harvey Nash, SilkRoad blah blah làm BPO từ đời tám hoánh nào rùi lol lol lol.

Arkain
18-08-2007, 02:16
Trâu chậm uống nước đục, rục rà rục rịch là bị Ấn Độ lấy mối hết, mà một khi thị trường nó lớn mạnh, kinh nghiệm đầy mình rồi thì muốn giành miếng bánh chẳng dễ tí nào.

tenkuu
23-08-2007, 12:49
Không đồng ý với Arkain, Ấn Độ và Chung Wốc đang tranh dành nhau miếng thịt Outsource, Ấn Độ có vẻ thắng thế, nhưng 1 số vấn đề rất lớn ĐANG xảy ra là
1. lương của người AĐ bắt đầu tăng nhanh, nhất là trong lãnh vực OS, điều này khiến cho Bắc Mỹ bắt đầu nhìn sang Trung Quốc hay chổ nào rẻ hơn
2. Bản thân AĐ có xu hướng OS sang nước khác
3. Thiếu communication giữa AĐ và Bắc Mỹ, Châu Âu, khiến họ gắp rất nhiều khó khăn khi làm buiness, kết wả hong được như mong đợi
4. Mục đích của OS la tiết kiệm tiền và xử dụng chuyên nghiệp của người ta, nhưng đa số công ty nhận ra họ hong tiết kiệm được tiền khi OS vì có nhiều Hidden cost <-- cái này sao giống Việtnam wá hahahaha

Việtnam đang có lợi thế:
1. Rẻ , người Việtnam rẻ tiền .....
2. Trình độ English tốt hơn TQ , không thua AĐ
3. Lực lượng trẻ, thích học hỏi

Việtnam thất thế:
1. Thiếu đầu tư vào con người và cơ sỡ vật chất
2. Người dẫn đầu hong có tầm nhìn xa và thiếu kinh nghiệm "chơi bự"
3. Trình độ chưa cao

meoden8x
23-08-2007, 13:07
Trình độ English tốt hơn TQ, không thua Ấn Độ hình như là không đúng lắm. Ấn Độ dùng tiếng Anh là thứ tiếng chính thống, sao nói là Việt Nam không thua Ấn Độ được? Còn nói mình hơn TQ cũng có vẻ không ổn, vì thời gian gần đây họ chú trọng English lắm, chưa kể 25% số người làm việc tại Silicon Valley là người gốc Hoa mà thời gian gần đây, chất xám Trung Quốc đang trở về.

hidden_chaim
23-08-2007, 13:26
Hi vọng có 1 ngày nào đó VN sẽ vượt qua Ấn Độ về gia công phần mềm , hãy đưa con cháu chúng ta vào ngành công nghệ ,

vFork
23-08-2007, 14:55
Làm BPO khó hơn làm Out Source phần mềm vì phải đào tạo nhân viên kĩ càng hơn, kỉ luật làm việc cao hơn với bên phần mềm. Cái này khó khăn vì người Việt mình kỉ luật không cao, hơn nữa dân IT cũng rất chảnh ;)

quocaz
06-09-2007, 15:55
Thị trường BPO hiện nay đang được mở rộng, vì bản thân các dịch vụ của BPO cũng mở rộng hơn. Thị trường bây giờ cũng toàn cầu hơn trước.
Hai nữa, ngoài Ấn Độ, các công ty đi outsource Buiness process cũng đang tìm thêm thị trường khác nhằm tăng tính cạnh tranh với Ấn Độ.